Họ là một ban nhạc xuất thân từ Indie (Underground) Rock từ Ireland, bỗng vụt sáng trở thành ngôi sao nhạc Pop với hơn 6 triệu đĩa bán được cho album đầu tay Everybody Else Is Doing It, So Why Can’t We? (1993), và sau đó là hơn 17 triệu album cho album thứ hai No Need To Argue (1994). Âm thanh đặc trưng của họ được góp phần từ tiếng guitar clean của Noel Hogan, tiếng trống đơn giản nhưng nhiều âm sắc truyền thống của Fergal Lowler, và khỏi phải nói thì giọng hát của nữ ca sĩ kiêm viết nhạc Dolores O’Riordan, một trong những giọng hát đặc trưng nhất trong thập niên 90s.
1. "Zombie"
Tháng 3 năm 1993, hai cậu bé Tim Parry (12 tuổi) và Jonathan Ball (3 tuổi) đã bị chết khi một trái bom giấu trong thùng rác phát nổ ở trung tâm thành phố Warrington vùng Cheshire nước Anh cùng với hơn 50 người khác bị thương. Trái bom tự chế này chỉ là một trong vô vàn những cuộc tấn công của phe IRA, (mà hồi đó tôi chỉ nghe lơ mơ trên TV là I-e-rờ-a), lực lượng quân đội chủ lực nhưng chọn cách chiến đấu chả khác gì phiến quân từ cộng hòa Ireland. Mục tiêu cao cả của lực lượng này là đẩy lùi sự đô hộ của nước Anh lên Bắc Ireland và thống nhất đất nước Ireland trong một trong những cuộc xung đột dài nhất trong lịch sử với tên gọi The Troubles (từ những năm 60s tới cuối thập niên 90s). Sự kiện này càng thêm đắng ngắt khi hai đứa trẻ này chỉ đang đi mua đồ nhân Ngày của Mẹ.
Ban nhạc The Cranberries khi đó đang đi lưu diễn ở Anh cho album đầu tay của họ, Everybody Else Is Doing It, và sự kiện đánh bom này đã tác động tâm lý mạnh mẽ tới O’Riordan, để rồi cô viết bài “Zombie” không lâu sau đó. Là một người Ireland, O’Riordan cảm thấy đau sâu sắc khi IRA không đại diện cho những người Ireland như cô, và hơn tất cả, họ không có quyền tước đi mạng sống của người dân vô tội khác. O’Riordan viết “It’s not me, it’s not my family” để tách biệt mình ra khỏi những hành động và lý tưởng của IRA.
Đó cũng là một bản nhạc hiếm hoi chỉ trích cuộc xung đột phi nghĩa The Troubles, nơi sự thù hận vốn từ những người theo dòng tu Catholic và Protestant vốn không bao giờ đồng quan điểm với nhau trở thành một cuộc xung đột nồi da nấu thịt trên đất nước Bắc Ireland, với sự chia rẽ giữa hai đất nước một độc lập (Cộng hòa Ireland) và một phụ thuộc (Bắc Ireland) với hàng ngàn người chết trong các cuộc tấn công. O’ Riordan đã hát “What’s in your head?” với một sự giận dữ không hề che giấu. Đó cũng là lần đầu tiên tay guitar Noel Hogan được O’Riordan đề nghị phải chơi phơ tè mạnh mẽ hơn theo cách quen thuộc của họ, và tay trống Fergal Lawler cũng được đề nghị phải nện mạnh hơn khi ghi âm bản nhạc này.
Lạ lùng thay, tất cả các nghệ sĩ lừng danh trước họ, dù tới từ Cộng hòa Ireland hay Bắc Ireland, đều dường như né tránh việc nhắc đến chính trị ở đây. Ngoại trừ U2 với “Sunday Bloody Sunday”, những rocker gạo cội như Thin Lizzy hay Gary Moore đều không muốn nhắc tới sự mâu thuẫn này trong suốt sự nghiệp dài hơi của họ. Thậm chí ngay cả khi The Cranberries muốn đưa “Zombie” lên làm single đầu tiên cho album tiếp theo của họ, hãng đĩa Island thậm chí lúc đầu đã rất dè dặt và lo ngại ca khúc này sẽ gây ra những phản ứng tiêu cực. Trước khi phát hành “Zombie” dưới dạng single, The Cranberries đã trình diễn bài này trong suốt gần một năm từ khi họ sáng tác và được đón nhận tốt, nên ít nhiều họ đã biết trước sức ảnh hưởng của nó.
Và với sự kiên quyết không khoan nhượng của O’Riordan, cuối cùng hãng đĩa đã phải nhượng bộ và “Zombie” đã trở thành một hiện tượng vào năm 1994 với những lượt phát liên tục trên radio và MTV khắp nơi trên thế giới. Một cô gái với vóc dáng nhỏ nhắn nhưng đã gây ảnh hưởng ngược lại với hãng đĩa và cả thị trường âm nhạc theo cách không ai có thể ngờ tới.
2. "Linger"
Được thành lập từ những năm 1989 ở Limerick, Cộng Hòa Ireland, bởi hai anh em nhà Hogan, Noel chơi guitar và Mike chơi bass, cùng tay trống Fergal Lawler, ban nhạc lúc đầu thậm chí có cái tên dài ngoằng là The Cranberries Saw Us với vị trí hát chính là Niall Quinn. Hồi đấy tất cả đều còn rất trẻ và nhiều người hãy còn học cấp 3 nên sự chuệch choạc là chuyện không quá khó đoán, cho tới khi Niall Quinn rời nhóm đi, bộ ba còn lại quyết định trở thành nhóm nhạc chơi instrument.
Thế rồi nhận ra họ trước sau cũng cần một ca sĩ chính, may sao bạn gái của chính Niall Quinn giới thiệu cho họ một cô ca sĩ cũng đang đi tìm ban nhạc chơi các nhạc phẩm tự sáng tác. Dolores O’Riordan xuất hiện trong buổi audition với cây keyboard, và lập tức gây ấn tượng với ba người còn lại với giọng hát cuốn hút đầy nội lực. Để chắc ăn, ba ông bạn đưa cho O’Riordan một cuốn băng demo của họ và dặn O’Riordan sáng tác nhạc theo các ý tưởng trong đó.
Vài ngày sau, O’Riordan quay lại với demo của ca khúc “Linger”. Cô gái nhỏ nhắn đã chính thức được nhận vào ban nhạc và họ cũng kịp đổi tên thành The Cranberries.
Thuở ban đầu khi mới đi biểu diễn, O’Riordan hãy còn rất nhút nhát và thường quay lưng vào khán giả để hát, trong khi mấy anh em nhà Hogan mới thường là những người lộ diện nhiều trên sân khấu. Họ lọt vào mắt xanh của Denny Cordell, tuyển trạch viên của hãng đĩa Island. Dưới sự dẫn dắt của Cordell, album đầu tay của The Cranberries được sản xuất bởi Stephen Street, người trước đó có rất nhiều kinh nghiệm với The Smiths (và sau với Blur).
Nhưng nói gì thì nói, bản thân track “Linger” khi mới vừa nghe đã thuyết phục được rất nhiều người và mang theo rất nhiều tính cách của The Cranberries. Bài này cũng là 4 hợp âm nhưng nghe nó khác lắm, cũng bởi vòng hợp âm (D, A6, C, G) không hề có một hợp âm thứ nào, và thậm chí nếu tính theo cách làm nhạc 3 hợp âm với hợp âm gốc (I) và hai hợp âm ở quãng IV và V, cách bố trí hợp âm này khiến ca khúc “Linger” như chao qua chao lại giữa giọng D major (với D-G-A) và giọng G major (G-C-D). Việc chế thêm nốt F# trong hợp âm A (khiến nó trở thành A6) khiến cho việc chuyển từ D sang A nghe thật lạ tai và tới mức Noel Hogan sau này đã thú nhận trong rất nhiều cuộc phỏng vấn rằng giữa những người họ có lẽ nhạc lý lúc đó không mấy quan trọng, mà chỉ là vì họ rất thích chuỗi hợp âm này.
Đó có lẽ cũng là một điều đặc biệt của The Cranberries nói chung, hay âm nhạc indie nói riêng, bởi vì rất nhiều bài của họ nghe chỉ có 3 hay 4 hợp âm, nhưng 3 hay 4 hợp âm đó hóa ra không đơn giản như những bản nhạc Pop thông thường. Khi thì sẽ có một nốt thêm thắt từ phần guitar của Noel, khi thì sẽ có một tiếng bass phá cách để hợp âm tăng thêm phần hấp dẫn.
3. "Electric Blue"
Nói gì thì nói, cách ngon nhất để mỗi ban nhạc indie phát triển được có lẽ vẫn là có một người hát thật tốt. Khi chi phí cho phòng thu hạn hẹp và âm nhạc thường có xu hướng chơi giản đơn hơn, cũng là lúc giọng hát sẽ là thứ gánh theo nhiều sự chú ý. The Cranberries may mắn có được Dolores O’Riordan với một giọng hát và lối hát đặc trưng nhất trong thập niên 90s, tới mức nghe phát nhận ra liền. Tôi tin là The Cranberries hoàn toàn có thể trở thành một ban nhạc Pop Rock với số lượng đĩa “khủng” bán ra cho mấy album đầu, nhưng họ vẫn luôn chọn chơi thứ nhạc theo cách của họ và theo cảm hứng về những điều xoay quanh O’Riordan.
Cách hát của O’Riordan ngoài sự ảnh hưởng rõ rệt từ cách hát dân ca của người Celtic, còn có nhiều ảnh hưởng của lối hát “Yodel” đặc trưng vốn có nguồn gốc từ Thụy Sĩ nhưng lan ra khắp phía Bắc châu Âu, và còn có cả phần ảnh hưởng của lối hát “Keening” đặc trưng của người Ireland, một dân tộc có bề dày văn hóa không thua kém bất cứ ai ở châu Âu.
Yodel là lối hát thường nhảy qua lại giữa một âm thấp (từ trong lồng ngực) và một âm cao vút thường ở giọng falsetto và dĩ nhiên không phải chờ tới khi được xem Brad Pitt và Jimmy Fallon cùng hò dô điệu Yodel trong chương trình của Fallon, thực ra chúng ta đã được chứng kiến cái màn Yodel này từ thời Disney tạo ra phim Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn. Âu thì nước Mỹ dù sao cũng không hề thiếu người gốc Ireland và có lẽ cái văn hóa hát Yodel này thậm chí còn được lưu truyền tốt hơn ở Mỹ với những ứng dụng phong phú trong nhạc Country của họ. Dĩ nhiên, là một ban nhạc giàu ảnh hưởng từ Folk, O’Riordan đã không ít lần sử dụng cách này khiến các bài hát của cô nghe thêm phần hứng khởi như trong “Dreams”. Và dĩ nhiên rồi, cả “Zombie” đầy nức nở trong đoạn điệp khúc phải không?
Nhưng có lẽ lối hát “Keening” mới là thứ khiến cho giọng của O’Riordan trở nên khắc khoải và đáng nhớ với tất cả mọi người. “Keening” vốn xuât phát từ cách hát trong đám ma của người Ireland, nơi những người phụ nữ được kính trọng thường rên rỉ theo những giai điệu xa xăm nhưng buồn bã. Ta đều có thể tưởng tượng được những khung cảnh đầy ám ảnh khi màn đêm buông xuống, tất cả những người đi đưa tiễn người chết đều im lặng, và chỉ có giọng hát í ơi của những người phụ nữ này cứ mãi vang vọng và da diết không thôi. Không phải vô cớ mà người Ireland quan niệm những người phụ nữ này là những người có thể kết nối giữa sự sống và cái chết.
“Electric Blue” có lẽ là ca khúc phác họa lối hát “Keening” này rõ ràng nhất, nhưng có lẽ khi O’Riordan miên man trong “Zombie” có lẽ là khoảnh khắc “keening” ấn tượng nhất. Khi tôi hiểu hơn về “keening” và nhưng ám ảnh mà lối hát này mang lại, cũng là lúc tôi hiểu hơn về việc tại sao “Zombie” lại trở nên da diết và dễ đi vào lòng người đến như vậy. Và khi tôi hiểu ra “Electric Blue” được đặt trong album To The Faithful Departed (1996) dành cho Danny Cordell (người đã ký The Cranberries với hãng Island) không may chết sớm, tôi càng thấy trân trọng hơn cái hành trình của O’Riordan và The Cranberries trong thập niên 90s. Họ sẵn sàng chia sẻ với người nghe những thời điểm và câu chuyện của họ chứ không nhất thiết phải là những điều to tát hay sáo mòn mà các ca khúc nhạc Pop thường đem tới, bất chấp việc cảm xúc trong mỗi thời điểm đó có thể khá riêng tư với riêng O’Riordan.
4. "You and Me"
Điều tuyệt vời trong âm nhạc của The Cranberries và có lẽ đã khiến họ bán được rất nhiều đĩa, là sự tươi mới và không cầu kỳ trong âm nhạc của họ trong thời điểm thế giới đang bị xâm chiếm bởi nhạc Grunge đến từ Seattle. Có thể với nhiều người, tiếng guitar và tiếng bass của anh em nhà Hogan không có gì quá đặc biệt (ngoại trừ việc họ ít khi chơi nặng), tiếng trống của Fardel Lawler có lẽ là thứ nhiều người sẽ phải công nhận và là thứ chính yếu bên cạnh giai điệu của O’Riordan luôn giữ cái hồn của Indie trong nhạc của The Cranberries.
Lawler chơi không hề cầu kỳ, nhưng anh cũng không nhất thiết phải xài tới kick và snare, những thứ tưởng như bắt buộc khi chơi trống, nếu như không thật cần thiết. Anh sẵn sàng chơi những beat khó và đổi liên tục để né những chỗ O’Riordan hát, anh cũng sẵn sàng châm những câu tom tom liên tục như tiếng trống truyền thống trong nhạc của người Celtic. Khi O’Riordan cần anh giận dữ trong “Zombie” hay “Promises”, nhưng cũng nhiều khi Lawler chơi thật hiền hòa như trong những bản ballad thường gặp. Chắc sẽ không quá khi nói rằng chính Fardel Lawler đã tạo ra sự khác biệt cần thiết giữa Cranberries với Britpop và các thể loại khác trong thập niên 90s, và khi anh chơi đơn giản hơn ở những album sau này ở thập niên 2000s, The Cranberries bỗng nghe giống nhạc Pop hơn hẳn.
5. "Wake Me When It’s Over"
Khi Dolores O’Riordan đột ngột ra đi vào năm 2018 vì sự cố chết đuối trong phòng tắm, ba thành viên còn lại của The Cranberries bỗng nhận ra lâu nay họ đã quá quen với việc đứng sau lưng người nữ frontman tài năng của họ và hỗ trợ cho cô. Những thăng trầm của O’Riordan cũng là những thăng trầm của The Cranberries cũng giống như những bài hát mang nặng những cảm xúc của O’Riordan với cuộc sống xung quanh cô.
Không khó để nhận ra khi The Cranberries có những quãng dài không xuất hiện cũng là lúc O’Riordan phải đối mặt với những vấn đề của riêng mình. Những năm tháng miệt mài đi tour và ra đĩa ở thập niên 90s đã vắt kiệt sức lực của O’Riordan vào đầu thập niên 2000s và còn cả những vấn đề khác cô phải đối mặt. Năm 2013, O’Riordan từng chia sẻ với tạp chí LIFE rằng cô từng bị quấy rối suốt 4 năm khi mới 8 tuổi và bởi một người có vai vế trong cộng đồng lúc đó. Cô thậm chí còn có ý định tự vẫn vào năm 2013. Đó là chưa kể những vấn đề khác mà O’Riordan không ngần ngại chia sẻ trong suốt sự nghiệp của mình như rối loại ăn uống, trầm cảm, phụ thuộc chất kích thích, và cả chứng rối loạn lưỡng cực mà mãi sau này cô mới phát hiện ra. Cái chết của bố và sau đó là mẹ cô, cũng như vụ ly dị với người chồng sau 20 năm chung sống ở giai đoạn này có lẽ không giúp được gì cho sức khỏe tâm lý của O’Riordan.
Cái chết đầy chóng vánh của O’Riordan vào năm 2018, dù là một sự không may những cũng thật may, lại không từ những vấn đề về tâm lý mà O’Riordan phải đương đầu. Thậm chí ở thời điểm đó, Noel Hogan và O’Riordan đã bắt đầu viết nhạc chung để chuẩn bị cho album sắp tới của họ, nơi họ sẽ tái ngộ với nhà sản xuất Stephen Street – người giúp sản xuất 2 album đầu tiên của The Cranberries. O’Riordan thậm chí đã kịp thu xong demo phần hát của mình trước khi cô đột ngột từ giã thế giới này.
Cũng vì thế, những người còn lại đã quyết tâm làm nốt album này. In The End (2019), album cuối cùng của The Cranberries, đã được phát hành không chỉ bởi những đồng đội của O’Riordan muốn hoàn thành nốt sứ mạng của cô, mà còn vì những hy vọng trong những ca khúc mới toanh mà O’Riordan viết, những hy vọng về một sự khởi đầu mới sau tất cả những gì cô phải trải qua. Người nghe có thể nhận ra ngay từ tiêu đề của các ca khúc, như “All Over Now” hay “Wake Me Up When It’s Over”. Và cách chơi nhạc của 3 người còn lại bỗng trở lại như The Cranberries của chính họ ở đầu thập niên 90s, khiến người nghe nhận ra những thứ đã từng quen thuộc với mình trước đây, trong đó có cả việc đón nhận những cảm xúc riêng tư của O’Riordan. Chỉ tiếc rằng album này là sự kết thúc chóng vánh cho một sự khởi đầu mới.
***
Tôi có dịp tới Belfast (Bắc Ireland) vào năm 2014, và dù nơi đây chỉ còn lại những dấu tích phai mờ của cuộc xung đột The Troubles với những phần còn lại của thứ từng là bức tường sắt được đóng lại để phân ranh giữa phe Republic và Socialist, những ký ức về sự dai dẳng vẫn luôn hiện diện trong các câu chuyện của những người dân. Đó là những cánh cổng phải đóng để phân chia ranh giới giữa hai phe mỗi khi trời chập tối. Đó là những trận đấu súng giao tranh mà người dân chỉ biết nằm trong nhà cầu nguyện. Đó là cả những tiếng bom nổ rải rác ngay trong khu dân cư mà có khi đến sáng hôm sau, người dân mới dám đi ra dọn dẹp những mảnh kính vỡ vì sức ép của cửa sổ nhà mình.
Và quan trọng hơn cả, trong một cuộc chiến phi nghĩa kéo dài mấy chục năm với hàng ngàn người chết như thế, dường như chúng ta hầu như chỉ được nghe loáng thoáng khi lâu lâu TV có nhắc tới trong các chương trình thời sự. Quá ít ỏi để mỗi người ở góc này nhận ra sự khốc liệt và tần nhẫn trong một cuộc chiến ở nơi khác trên thế giới này. Có lẽ tôi cũng không mang tìm hiểu thêm về cuộc chiến này nếu như thời đó không có một người phụ nữ nhỏ nhắn viết ra “Zombie” và muốn đưa sức phản kháng của cô tới cả thế giới. Nhưng còn cả những cuộc chiến khác nữa?
“Zombie”, sau khi O’Riordan chết, đã trở thành bản anthem không chính thức của đội rugby Ireland. Đây có lẽ là đội tuyển thể thao duy nhất đại diện cho cả Bắc Ireland và Cộng Hòa Ireland cho tới thời điểm này trên đấu trường quốc tế.
Hẹn gặp lại!
R.I.P Dolores O'Riordan (15.01.2018).
Kcid
Comentarios