top of page

The Smiths: Bao nhiêu % mới là công bằng?

Đầu năm 2006, ban nhạc The Smiths từ chối một khoản tiền 5 triệu Đô La Mỹ để tái hợp và biểu diễn tại đại nhạc hội Coachella ở nam California. Theo như chia sẻ của Morrissey, lý do cho việc anh từ chối buổi tái hợp này đơn giản là vì tiền cũng không thể lay chuyển được lập trường của anh. Có điều, theo như báo The Irish Times, lý do cho quyết định này còn nằm ở phần tiền bản quyền ghi âm và biểu diễn với khối tác phẩm âm nhạc của The Smiths. Ở thời điểm đó, nếu The Smiths kiếm về bất kỳ khoản thu nhập nào từ việc đi diễn hay bán đĩa, thì khoản tiền bản quyền sẽ chỉ chảy vào túi của duy nhất đúng 1 người. Đó không phải là hai nhân vật chính của band, tay frontman Morrissey và guitarist Johnny Marr; cũng chẳng phải bassist Andy Rourke.

Tất cả số tiền đó sẽ được chuyển khoản cho tay trống Mike Joyce.

Câu chuyện khá là phức tạp và cần quay ngược trở về đầu những năm 80, khi mà ban nhạc The Smiths ký hợp đồng với hãng ghi âm Rough Trade, chỉ có Morrissey và Marr là người đứng tên hợp đồng. Do các tác phẩm nhạc của The Smiths đều được hai thành viên này sáng tác, trong đó Marr viết nhạc, còn Morrissey viết lời, phần tiền bản quyền sáng tác chỉ được chia giữa bộ đôi này. Nhưng với phần thu âm và biểu diễn, khoản tiền bản quyền đó được chia cho 4 thành viên ban nhạc theo tỷ lệ như sau: Morrissey (40%), Johnny Marr (40%), Andy Rourke (10%)Mike Joyce (10%).

Khoan hãy nói đến chuyển tỷ lệ % trên có công bằng hay không từ góc nhìn của EmoodziK, nhưng đối với Rourke và Joyce, con số 10% quá nhỏ bé so với công sức mà họ tin là mình xứng đáng được hưởng ngang bằng với hai người còn lại. Trong khi Andy Rourke vướng phải nợ nần nên đã nhanh chóng dàn xếp với Morrissey và Marr để nhận khoản tiền 83 nghìn Bảng Anh và tiếp tục hưởng 10% tiền bản quyền ghi âm và biểu diễn (nếu có) trong tương lai, thì Mike Joyce lại lì lợm hơn trong vụ kiện cáo này. Joyce tố cáo Morrissey và Johnny Marr không hề đưa ra thông báo hay thỏa thuận nào cho tỷ lệ chia chác kia trong thời gian anh và Andy Rourke còn đánh trong ban nhạc. Chính vì cả Morrissey lẫn Marr thiếu những chứng cứ thuyết phục để bào chữa, quan tòa cuối cùng đã xét xử theo hướng có lợi cho Joyce, khi anh này không chỉ nhận về khoản tiền khoảng 1 triệu Bảng Anh cho phần tiền bản quyền kể từ ngày đầu tiên, mà còn sẽ được hưởng 25% (thay vì con số 10) cho những lợi nhuận thu được trong tương lai. Dĩ nhiên Andy Rourke không làm được gì nữa dù kết quả phán xét có lợi cho Joyce bởi Rourke đã ký từ bỏ quyền kiện tụng của mình vội vã trước đó.

Đến đây câu chuyện trở nên rối rắm hơn khi vào năm 2001, mặc dù Johnny Marr hoàn thành nghĩa vụ thanh toán nốt khoản cuối cùng cho số tiền anh nợ Joyce trong con số tổng 1 triệu Bảng Anh, thì Morrissey lại chậm trả trong lúc anh đang bận việc ở nước ngoài. Mike Joyce liền sử dụng quyền xét xử vắng mặt đối với Morrissey, và dùng một bên thứ ba phong tỏa hết mọi tài khoản cá nhân của tay ca sĩ này, dẫn đến khoản tiền bản quyền đáng nhẽ phải trả cho Andy Rourke cũng bị ngừng lại. Đó là lý do tại sao Mike Joyce cuối cùng lại là người duy nhất của band được nhất tất cả các khoản tiền bản quyền từ doanh thu bán đĩa cho tới khi số tiền anh chưa được trả, cộng với lãi suất, được thanh toán đầy đủ.


Đến đây, chúng ta hay thử quay lại luận bàn về tỷ lệ % chia chác giữa 4 thành viên ban nhạc và cùng xem liệu mỗi con số đó có công bằng với từng thành viên hay chưa.

1. Morrissey – ca sĩ và trưởng nhóm: tiền bản quyền 40% (trước khi Mike Joyce thắng kiện) và 32,5% (sau khi Joyce thắng kiện)

Một điều thú vị trong phiên tòa xét xử phân chia tiền bản quyền, vị quan tòa đã có nhận xét về Morrissey là “một người không ngay thẳng, hung hăng và không đáng tin cậy khi lợi ích của gã bị ảnh hưởng”. Đã có nhiều xì căng đan xảy ra xung quanh những lời nói và tuyên bố của Morrissey mà tôi không muốn bàn tới ở đây. Có điều tôi nghĩ phần nào tính cách của anh đã làm nên phong cách cho một frontman cá tính của một ban nhạc không hề giống ai ở thời điểm The Smiths xuất hiện.

Tôi nói câu này có thể khiến các fan của The Smiths và đặc biệt Morrissey phật lòng, nhưng khi mới nghe âm nhạc của The Smiths lần đầu thì giọng hát của Morrissey là một yếu tố khá là khó chịu. Anh hát ngân nga theo lối ê a, không có một giai điệu rõ ràng và thậm chí có phần tẻ nhạt. Các nốt nhạc được lựa chọn kém phong phú, loanh quanh ở một nốt, thay vì tạo độ căng để giải tỏa sau đó thì nó lại cứ ngang phè, đặc biệt trong album đầu tiên – The Smiths (1984). Cho tới đĩa Meat Is Murder (1985), giai điệu hát của Morrissey có phần luyến láy, bớt nhàm chán hơn, nhưng vẫn theo kiểu chọn nốt nhạc có tính ngẫu nhiên rồi luyến nó về cao độ nằm trong hợp âm chính của khuông nhạc đó. Kỳ lạ thay, tới album tiếp theo The Queen Is Dead (1986), giai điệu các bài đã được cải thiện một cách rõ rệt, như tiết tấu rộn ràng đều đặn trong bài “Frankly, Mr. Shanky” hay chậm rãi sâu lắng ở bài “I Know It’s Over”. Và thế là tới album cuối cùng của nhóm, Strangeways, Here We Come (1987), Morrissey như tung hết chiêu ra với cách thể hiện các bài hát phong phú hơn hẳn. Anh vẫn giữ phong cách đặc trưng của mình qua lối ngân dài một số âm tiết khi hát trong khi nền nhạc vẫn đang chạy dồn dập để tạo độ trễ níu giữ lại bài hát, nhưng quả thực ở các nhạc phẩm về cuối của The Smiths, phần giai điệu của Morrissey đã dễ nghe và bắt tai hơn rất nhiều.


Bằng chứng là các album solo về sau của Morrissey có những đĩa nhạc vô cùng chất lượng, kể cả khi chỉ đánh giá yếu tố giai điệu bài hát, đặc biệt như album Your Arsenal mà anh thể hiện khả năng hát hay vô cùng. Nhờ đó mà khi nghe lại những album đầu tiên, đặc biệt là từ album Meat, tôi nhận ra là giai điệu ngang tai đó lại là thứ tạo sự khác biệt kỳ lạ trong âm nhạc của The Smiths ngày bấy giờ. Kiểu hát của Morrissey quả thực quá đỗi đặc trưng mà không thể không có khoảnh khắc nghĩ tới anh khi nghe nhạc của The Cranberries hay mấy band Britpop, đặc biệt như Brett Anderson của Suede.

Tuy nhiên, trên tất cả, điểm mạnh của Morrissey từ hồi dẫn dắt The Smiths cùng Johnny Marr còn là cách sáng tác lời đầy chân thực được viết đậm chất nghệ thuật.

Ở single đầu tiên mà The Smiths phát hành khi ra mắt thị trường, bài “Hand In Glove” có đoạn: “No, it's not like any other love / This one is different because it's us!” được Morrissey kể về tình bạn của anh với Johnny Marr, nhưng có sự kiêu hãnh khi so sánh với những bộ đôi sáng tác trong những ban nhạc khác, rằng anh và Marr khác biệt vì đó là chính anh và Marr. Rồi ở phần sau, Morrissey hát “Yes, we may be hidden by rags / But we've something they'll never have” càng khẳng định thứ nhạc khác lạ không giống ai mà họ định hướng cho The Smiths. Những đoạn lời này cũng được người hâm mộ mổ xẻ lớp nghĩa đằng sau đó, mang hàm ý mơ hồ về mối quan hệ đồng tính giữa bộ đôi Morrissey và Johnny Marr.

Cách viết lời của Morrissey còn mang đậm chất thơ qua những âm vần giúp tăng tính nhạc cho phần giai điệu vốn dĩ không được sáng tác cầu kỳ, cùng với những ý nghĩa sâu xa ẩn sâu trong đó. Trong bài “Meat Is Murder”, anh hát đoạn lời như sau:

Heifer whines could be human cries / Closer comes the screaming knife / This beautiful creature must die / This beautiful creature must die / A death for no reason / And death for no reason is MURDER


Ở thời điểm mà bài này được sáng tác, những phát ngôn bảo vệ quyền động vật đều bị mọi người coi thường và phê phán. Thế nên một ca khúc mang cái tên có ý nghĩa thẳng tuột cùng phần lời vừa trần trụi mà cũng lại mơ màng như thơ qua lối thể hiện của Morrissey là một bước đi dũng cảm. Thật đáng nể khi anh sáng tác những ca từ sắc lẹm như con dao cứa vào da thịt. Câu “Closer comes the screaming knife” đặt ngay cạnh “This beautiful creature must die”, hay câu “And the flesh you so fancifully fry” đặt cạnh “Is not succulent, tasty or kind”, hoặc những câu “And the calf that you carve with a smile”, “And the turkey you festively slice” đầy tượng hình bởi các trạng từ “fancifully”, “festively” rồi danh từ “smile” mang ý nghĩa đối lập với những hành động sát hại động vật, làm bật lên tính man rợ của công việc của những đồ tể phục vụ cho nhu cầu của loài người. Bảo sao chính tay trống Mike Joyce sau khi nghe phải chuyển sang ăn chay và đám con nhà anh cũng được anh nuôi dưỡng theo hướng như vậy.

Tới ca khúc “The Queen Is Dead”, Morrissey viết theo lối mỉa mai “tầm quan trọng” của gia đình hoàng gia Anh bằng cách tô vẽ một bức tranh tưởng tượng những gì diễn ra đằng sau cánh cửa hoàng cung đó. Ở ngay verse đầu, Morrissey mơ về hình ảnh vị nữ hoàng, mà thay vì người ta hay gọi một cách kính cẩn là “Your Highness” thì anh dùng từ “Her very Lowness”, đang chuẩn bị đưa đầu vào thòng lọng treo cổ như một điều kỳ diệu chuẩn bị xảy đến. Đoạn lời liền sau “I say, "Charles, don't you ever crave / To appear on the front of the Daily Mail / Dressed in your mother's bridal veil?” mang đậm chất hài đen tối mang phong cách của Morrissey khi đặt hình ảnh thái tử Charles hồ hởi mong ngóng được lên trang bìa báo Daily Mail với mạng che mặt sau khi Nữ Hoàng qua đời. Hoặc như câu “But when you are tied to your mother's apron / No-one talks about castration” trong phần verse sau đó, Morrissey giễu cợt hình ảnh hoàng gia của những người như thái tử, chỉ biết “bám lấy tạp dề”, phụ thuộc hoàn toàn vào bà mẹ và vô dụng như kẻ “bị thiến” qua cách dùng từ đầy thâm độc.

Vậy nên dù cho giai điệu hát của Morrissey có phần khó tiếp cận, nhưng nó được đền bù bằng lối hát và sáng tác lời độc đáo của Morrissey cho âm nhạc của The Smiths. Nhưng 40% hay 32,5% có phải con số công bằng hay không thì cùng xem những thành viên tiếp theo.

2. Johnny Marr – guitarist: tiền bản quyền 40% (trước khi Mike Joyce thắng kiện) và 32,5% (sau khi Joyce thắng kiện)

Vị quan toà của vụ kiện tiền bản quyền có nhận định Johnny Marr dường như là thành viên có chỉ số IQ cao nhất. Điều này tôi nghĩ có phần đúng khi âm nhạc của The Smiths mang nhiều đóng góp nhất của anh. Không chỉ là người sáng tác toàn bộ nhạc, Marr còn lo toan khâu mix nhạc lẫn sản xuất. Nên nói một cách khác, sự độc đáo của nhạc The Smiths mang ơn nhiều từ tay guitarist đa tài này.

Âm thanh của The Smiths ngày đó không thể đem so cũng những band khác bởi nó mang phong cách Rock, nhưng giai điệu thì Pop, trên nền không gian âm nhạc sâu rộng, nhưng lại không giả tạo bởi thứ nhịp điệu dồn dập, đập vào mặt từ đầu tới cuối. Đấy là chưa kể The Smiths làm thứ nhạc tôn cây đàn guitar, cây bass và giàn trống mà không cần âm thanh synth điện tử như cách các band cùng thời Duran Duran, Depeche Mode, Culture Club làm nhạc bấy giờ. Một lần nữa, công lớn tạo sự khác biệt này tới từ Johnny Marr.

Lối sáng tác nhạc của Marr trong nhiều bài ở album đầu tiên thiếu những đoạn hợp âm kéo căng và giải toả đầy thoả mãn của nhạc Blues. Thay vào đó, có nhiều bài được sáng tác trên các chuỗi hợp âm kỳ quặc, điều phần nào giải thích cho giai điệu ngang tai của Morrissey. Thế nhưng sang tới đĩa Meat trở đi, khi Marr nâng tính cầu kỳ trong phần soạn nhạc với các vòng hợp âm lọt tai hơn. Kể cả như vậy, Marr vẫn chủ ý đưa chính anh ra khỏi phong cách nhạc Rock thường thấy, từ việc không sử dụng power chord, không chơi tiếng guitar rè, không có những đoạn guitar solo dài ngoằng cũng như không dùng những hợp âm chuyển đổi hoành tráng thường thấy. Về nhạc lý, khi sáng tác Marr không bận tâm tới vòng hoà âm, tông giọng của bài, các âm giai. Anh muốn sáng tác một bài hát như một kẻ đang mò mẫm tập viết nhạc, để sản phẩm cuối cùng có được sự lạ lẫm khác người. Đổi lại, trong phần nhịp điệu, khi các bài được tăng tốc thì các lớp nhạc cụ mà Marr chơi ghép chồng lên nhau mới thực sự trau chuốt, đan quyện cực hay.

Đầu tiên thứ thường thấy là phần dạo đầu với các câu riff chơi nhanh trên vòng hợp âm không chỉ đóng vai trò mở bài, mà còn tạo dấu ấn trong não bộ người nghe về vòng hợp âm đó, giúp chúng ta mường tượng trong đầu một giai điệu tăng tính nhạc cho giai điệu hát của Morrissey hơn. Thế rồi, Johnny Marr sẽ lần lượt giới thiệu các lớp tiếng đàn của anh mang đầy chất thú vị trong đó.


Trong bài “Pretty Girls Make Graves” ở album đầu tiên, trên nền guitar thùng quạt chả, Marr chơi thêm xen kẽ mấy nốt nhạc nhấn nhá như lê vê lỗ tai. Thế rồi tới khúc đổi tông nghe khá ngang tai, anh nhanh chóng kéo người nghe làm quen với sự thay đổi này bằng lối chơi rải các nốt của hợp âm rất đặc trưng của Marr. Và kết bài phần instrumental outro được Marr đánh câu riff trên hợp âm thứ làm mềm xoa dịu vào cuối bài.


Tới từ album Meat Is Murder trở đi, phần nhạc được phối đầy đặn hơn hẳn. “I Want The One Can’t Have” có đủ kiểu chơi guitar của Marr, từ rải nốt tiếng lung linh, rồi nhấn các chùm nốt, tới những câu riff âm vang có giai điệu cực catchy. “What She Said” là những câu riff chơi nhanh và rè hơn chút nhưng mix ở âm lượng chỉ to vừa đủ làm nền cho cả bài. Rồi “Barbarism Begins At Home” có một loạt các câu guitar khác nhau, mà câu nào cũng đều hay đến mức có thể để dành, dùng cho câu riff chính trong những bài hát khác. Tới “Big Mouth Strikes Again” ở album The Queen Is Dead, tiếng guitar thùng chơi rhythm cực hiệu quả từ đầu tới cuối, để sau đó Marr sẽ thêm cây guitar điện, một track chơi một câu riff chính đối ẩm, và một track chơi những nốt chậm mang âm thanh bay bổng.


Ngoài ra, trong band The Smiths, Johnny Marr còn được ví như một “Brian Jones” của ban nhạc vì biệt tài có thể mang tới chất liệu mới qua những nhạc cụ mà anh ít hoặc chưa từng chơi bao giờ. Ngay với single đầu tiên của ban nhạc, “Hand In Glove”, nhạc cụ ít gặp như harmonica lại xuất hiện ngay từ phần dạo đầu, mang lại cảm giác lạ lẫm và có phần cũ kỹ so với âm thanh synth thời thượng lúc đó của các ban nhạc theo làn sóng New Romantic tại Anh Quốc.

Trong album The Queen Is Dead, Marr dùng cả đàn synth giả tiếng giàn nhạc dây, đàn harmonium (một loại đàn organ) và marimba trong bài “The Boy with the Thorn in His Side”. Rồi tới album cuối cùng, Strangeways, Here We Come, anh dành mọi cơ hội để thể nghiệm nhiều hơn. Khi thấy cây đàn dây gảy zither (hay còn gọi là autoharp) dựng ngay phía cửa sổ phòng thu, Marr lần mò và giai điệu anh đánh thử đã trở thành âm thanh chính trong bài “I Won’t Share You”. Cứ như vậy, Marr dùng đàn marimba để thêm màu sắc mới cho “A Rush and a Push and the Land Is Ours”, đàn harmonium (một loại đàn organ) để dùng cho “Unhappy Birthday”.

Vậy nên có thể nói bên cạnh vai trò quan trọng trong khâu sáng tác, khi thu âm cho các nhạc phẩm của The Smiths, dấu ấn của Johnny Marr để lại khắp mọi vị trí, ngóc ngách của những bức tranh âm nhạc mà anh dựng lên cho ban nhạc.

3. Mike Joyce – drummer và Andy Rourke – bassist: tiền bản quyền mỗi người 10% (trước khi Mike Joyce thắng kiện) và tăng lên 25% cho riêng Joyce (sau khi anh thắng kiện)

Với cả Mike Joyce lẫn Andy Rourke, vị quan tòa xét xử vụ kiện nổi tiếng kia đều có một nhận định chung là cả hai anh có vẻ như “kém thông minh hơn” so với hai vị leader của The Smiths, nhưng đổi lại Joyce và Rourke đều là những con người thẳng thắn và thật thà.

Cái đó phần nào thể hiện qua cách chơi trống của Mike Joyce. Đó là những nhịp trống dồn dập liên tục. Biết là Joyce đã từng chú trọng cách chơi nhanh và ồn ào nhất có thể ngày anh mới tập, nhưng khi vào The Smiths, anh đã phải thay đổi hẳn cái nhìn về âm nhạc. Có thể thấy rõ một điều là thay vì chú ý vào phô diễn kỹ thuật trống, Joyce tự lùi về để tạo một bộ nhịp điệu chắc chắn, thẳng tuột như tính cách của anh, thứ mà thực sự giúp ích cho âm nhạc của The Smiths rất rất nhiều. Trong phần mix nhạc của band, âm thanh trống được đẩy lùi về sau để tránh sự nhiễu loạn ồn ào, nhưng đủ lớn để tạo không khí hừng hực cho các bài có tiết tấu nhanh.


Cái khó cho Mike Joyce khi thu âm còn là thường khi chơi cùng cả band, các tay trống sẽ có dịp biến tấu để lướt nhịp cùng kẻ chơi bass, vậy nhưng trong trường hợp của The Smiths, có rất nhiều bài Joyce chỉ được nghe phần guitar thu demo của Johnny Marr và chơi theo cảm nhận mơ hồ. Để rồi sau khi có track trống ghi âm đầy đủ, Marr sẽ xóa các bản thu nhạc cụ demo của mình để các thành viên có cơ hội thể hiện những ý tưởng sáng tạo trên đó. Trong khi những người như Marr được dịp thử các câu đàn khác nhau ở các khâu thu âm cuối kỳ thì Joyce lại là kẻ mở đầu thiệt thòi, chỉ được nghe mỗi bản guitar demo hết sức cơ bản thô sơ để sáng tác nhịp điệu trống. Vì thế đa phần các track trống của anh sẽ chạy đều theo một motif với những đoạn chuyển nhịp cho thêm chút khuấy động. Dù vậy, với lối chơi tốc độ cực chắc nhịp cùng những khoảnh khắc vang lên từ những đoạn dồn trống nhanh như súng máy trên snare, tiếng nện trên cây tom hay cymbal của Joyce quả đúng mang lại không khí rộn ràng, tương phản tôn cho giai điệu hát kéo dài ngân nga của Morrissey.

Với Andy Rourke, tiếng bass anh chơi có lẽ bớt tính chất thẳng tưng như phần trống của Joyce. Thực tế mà nói, trong âm nhạc của The Smiths, bên cạnh không gian nhạc đầy đặn vô cùng hấp dẫn mà Johnny Marr tạo ra, tiếng bass của Rourke quả thực đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Hiểu được tài năng vô đối của đồng đội trên cây đàn 4 dây, âm thanh của cây bass được Johnny Marr chủ ý đẩy lên phía trước khi mix nhạc cho rõ nét và ngang bằng cùng với phần vocal của Morrissey. Lý do là cách chơi bass đậm chất giai điệu của Rourke thực tế như là câu hát giai điệu chính, dắt lối cho những vần thơ của Morrissey. Tiếng bass của Rourke hay đến mức nếu chỉ nghe phần instrumental trong các bản thu của The Smiths, thì thứ âm thanh ấm áp lên xuống các dải trung và trầm đó đã đủ thành một bài nhạc trọn vẹn nhờ “tiếng hát ấm áp của một ca sĩ thứ hai” trong nhóm. Đây là lý do phần rhythm chính đan xen trong nhạc của The Smiths lại nằm ở tiếng trống của Joyce và guitar rhythm của Marr, trong khi câu bass của Rourke biến chuyển đối ẩm với giai điệu hát của Morrissey. Vậy nên cách chơi bass của Rourke quả nhiên không chỉ giúp làm đầy cho ban nhạc chỉ có 1 cây guitar như cách anh song hành cùng Marr trong khúc cuối bài “Barbarism Begins At Home”, mà còn làm đầy cho chính giai điệu nhạc như cách anh “song ca” cùng Morrissey trong “I Know It’s Over”.


Do đó, nếu xét về vai trò của Mike Joyce và Andy Rourke trong The Smiths, thì quan điểm nhận định “họ bị đối xử như những nhạc công có thể thay thế được” mà Joyce nói lên trước tòa quả không công bằng với tài năng của cả hai người này, đặc biệt nếu nhìn riêng vào một tài năng như Andy Rourke mà The Smiths may mắn có được.

Thế nên, nếu để cho phép tôi đóng vai “quan tòa” xét xử chia tỷ lệ tiền bản quyền tác giả cho những bản thu âm và những buổi đi diễn, thì tôi sẽ chia như sau:


- Morrissey: 25% (Tỷ lệ của vị frontman này nếu chỉ nhìn vào phần giai điệu hát thì sẽ không được cao như vậy. Nhưng phong cách trình diễn, cộng với hình ảnh đại diện đầy cá tính, chất giọng độc đáo và đặc biệt trình độ sáng tác lời siêu đẳng giúp cho anh xứng đáng với 1/4 của công sức The Smiths)

- Johnny Marr: 35% (Đơn giản với vai trò 3 đầu 6 tay trong khâu sản xuất và thu âm, chưa nói tới tài năng, là đã đủ để anh xứng đáng được hưởng mức cao hơn kha khá những người còn lại)

- Mike Joyce: 15% (Nếu so với 3 thành viên còn lại thì Joyce có phần yếu thế hơn. Dù vậy lối chơi chắc chắn như cỗ máy là điểm cộng phần nào, nhất là khi anh biết hy sinh nhường ánh sáng sân khấu cho những kẻ còn lại để dành mục đích tôn vinh sản phẩm âm nhạc cuối cùng)

- Andy Rourke: 25% (Lẽ thường tình vị trí bass sẽ là kém chuộng nhất, nhưng Rourke trong The Smiths là một ngôi sao đáng trân trọng. Dù chỉ đảm nhiệm trên 1 cây nhưng anh diễn một vai trò hoàn thiện cho các thành viên còn lại, từ giữ nhịp cho tới giai điệu làm nên một The Smiths toàn diện)

Dĩ nhiên, tỷ lệ % nêu trên hoàn toàn mang suy nghĩ chủ quan của người viết và không có ý định áp đặt tính đúng đắn và công bằng cho sự việc lùm xùm nhất của ban nhạc. Bởi nói cho cùng, công bằng chỉ có được khi người trong cuộc phải cảm thấy hài lòng với kết quả đó, chứ mọi đánh giá đều chỉ mang tính tương đối.

Thiết nghĩ, trong khoảng thời gian 5 năm ngắn ngủi, cùng với 4 album để đời đó, 4 thành viên của The Smiths hoàn toàn có thể tự hào với công sức của mỗi người họ mang đến cho ban nhạc. Bởi nói cho cùng, cũng rất khó tưởng tượng nếu một lối chơi hay trình diễn của một con người khác được đưa vào thay thế bất kỳ ai thì liệu âm nhạc The Smiths có còn giữ được nét sáng tạo độc đáo đến như vậy không?

RIP Andy Rourke (17.01.1964 – 19.05.2023)

***

Hẹn gặp lại!

Kink

974 views

Recent Posts

See All
bottom of page