top of page

The Velvet Underground và cái rốn của vũ trụ - Lou Reed

Updated: Aug 30, 2023

Một ngày đầu năm 1966, Lou Reed cùng ban nhạc Velvet Underground đang diễn bài “Heroin” tại khách sạn. Cả nhóm chơi với volume ồn ào nhất có thể. Lou ôm guitar vừa chơi vừa cất lời theo kiểu nửa hát nửa đọc, Sterling Morrison lo phần rhythm guitar, Maureen "Moe" Tucker – thành viên nữ duy nhất (và cũng là hiếm hoi thời kỳ đó trong một ban nhạc rock) đập bộ gõ, để lại John Cale ôm cây viola điện chơi như kiểu sắp bẻ vỡ cây đàn đến nơi. Cây viola đó phát những âm thanh kỳ quái như tiếng drone, và rít lên đinh tai nhức óc cuối bài. Cạnh đó, ông họa sĩ nổi tiếng với các tác phẩm nghệ thuật đại chúng – Andy Warhol, lúc này đang là quản lý của ban nhạc chiếu lên màn chiếu của sân khấu những thước phim quay cảnh một người đàn ông bị tra tấn. Đám khán giả ở dưới không thể không đồng cảm hơn được khi chính họ cũng đang bị tra tấn bởi những âm thanh của Velvet Underground. Trong đám khán giả đó có nhiều kẻ máu mặt, nghệ sĩ, diễn viên, v.v., mỗi người tập trung một việc của mình. Hai cô bàn chuyện về “hàng họ” của tình nhân của kẻ đối diện, một cô khác – nghe nói là con gái của chủ tịch hẳn hoi - đang cởi trần đi qua đi lại, thi thoảng lại nhúng “đôi loa” của mình vào mực sơn rồi dí vào tờ giấy để vẽ thay cho bút lông.

Từ trái qua phải: Lou Reed, Sterling Morrison, Nico, Moe Tucker & John Cale

The Velvet Underground (VU) thời đó giống như ban nhạc cây nhà lá vườn được Andy Warhol thuê để diễn tại những buổi sự kiện với cái tên Exploding Plastic Inevitable. Âm nhạc mà Lou Reed và các thành viên ban nhạc chơi đóng vai trò soundtrack cho các bộ phim của Warhol. Và dĩ nhiên không thể quên cô người mẫu kiêm ca sĩ gốc Đức – Nico, được Warhol và cánh tay phải của ông – Paul Morrissey ép VU phải cho diễn cùng. Thời kỳ đầu của VU, nếu không phải vì ông họa sĩ huyền thoại Andy Warhol và cô người mẫu Nico thì chẳng ai thèm nghe nhạc của band. Và dĩ nhiên, với những ai sau khi nghe xong thì nếu không chê bai hết lời khi ví nhạc của họ với tiếng còi báo cháy hay gọi nhạo báng bằng những từ như “Velvet Underpants” thì cũng đều bỏ luôn ra khỏi đầu thứ nhạc không thể nuốt nổi, được sáng tạo chính bởi Lou ReedJohn Cale.

Trái qua phải: John Cale, không phải Lou, Nico & Andy Warhol


Chỉ còn lại một con số thảm hại trong số 30.000 người mua album đầu tay của VU là chịu ảnh hưởng lớn lao bởi thứ nhạc đi trước thời đại của band. Trong đó có David Bowie, Chris Stein của ban nhạc Blondie, Talking Heads, Brian Eno, U2, v.v. Trích lời của Brian Eno, những ai nghe phải album đầu tay của VU thời đó thì hẳn đã phải ra lập ban nhạc cho riêng mình. Chỉ với album đầu tiên, VU đã tạo ra được thứ âm thanh khác xa các ban nhạc cùng thời kỳ, qua thứ âm nhạc và phần lời đi trước thời đại, theo phong cách hết sức bất cần.

***

Cá nhân Lou Reed từ nhỏ đã sớm biết học đòi. Gã “lớn” trước hội cùng lứa, lập dị và khác người. Khi đám bạn học cùng trường còn đang tập tành uống bia bọt, Lou đã bặm môi cuốn cần. Gã không bận tâm người ta bàn tán, xì xào gì về mình. Thậm chí gã cũng chẳng quan tâm tới cảm xúc của người khác và còn khoái chí nếu ai đó gọi gã là kẻ khốn nạn.

Một lần Lou được cậu bạn rủ đến nhà đón cô người yêu mới cho buổi hẹn hò đôi mà cô này sẽ sắp xếp cho Lou gặp bạn cô ta. Khi hai thanh niên đến gõ cửa nhà để đón cô người yêu cậu bạn, cánh cửa mở ra là cô, theo sau là đứa em gái tám tuổi vừa trượt người trên tay vịn cầu thang xuống để chào hello hai ông bạn mới của chị mình. Lou cúi xuống trìu mến hỏi cô bé: “Thế em bé có hay tự sướng trên cái tay vịn đó không?”. Kế hoạch buổi hẹn hò đôi bị huỷ ngay sau đó bằng tiếng cửa đóng rầm trước mặt hai cậu thanh niên. Mặc cho cậu bạn cáu thế nào, Lou chẳng mảy may với những gì vừa diễn ra. Gã cũng không mặn mà với việc hẹn hò gái gú. Chính xác là những người xung quanh Lou cũng chỉ mập mờ đoán ra gã là người song tính luyến ái, bị hấp dẫn bởi cả phái nam lẫn phái nữ, nhưng chỉ khi nào gã có cảm hứng hoặc nhu cầu.

Vào đại học, tính khí Lou ngày càng trở nên bất thường. Dù hát không hay và chơi đàn cũng ở mức bình thường, gã vẫn đứng ra làm frontman cho ban nhạc L.A. And The Eldorados. Nhưng gã sẵn sàng bỏ diễn bất kỳ show nào vì những lý do hết sức vớ vẩn, tỉ dụ như buổi sáng hôm đó gã mở mắt dậy và bước ra khỏi giường không đúng cách.

Về mặt âm nhạc, Lou đã tự hình thành một cái “gu” độc đáo của riêng mình. Gã chịu ảnh hưởng bởi đủ các loại nhạc từ Rock N Roll, Gospel cho tới Jazz. Vào thời kỳ thập niên 50, free jazz được giới thiệu phá vỡ mọi quy cách về hoà âm truyền thống của Jazz, để trở thành một dòng nhạc nặng tính nghệ thuật trừu tượng mà không mấy ai hiểu và thích nổi, ngoại trừ Lou Reed và một số ít nghệ sĩ ưa tìm tòi thứ nghệ thuật “ngoài luồng”. Phong cách đó đã ảnh hưởng rõ rệt tới âm nhạc mà Lou làm ra sau này. Giai điệu trong nhạc của gã không cầu kỳ, kể cả về cách sử dụng hợp âm, nhưng lại đầy lạ lẫm. Lou chả từng nói câu “Một hợp âm là đủ. Hai là bạn hơi bị cố. Còn ba hợp âm thì bạn bắt đầu chơi nhạc Jazz rồi đấy” mà EmoodziK đã phải quote mấy lần còn gì. Như bài “Heroin” mà nhắc ở đầu bài, Lou và Velvet Underground chỉ dùng có 2 hợp âm. Ý tứ nhạc của Lou nói riêng hay của VU nói chung dù có thể có lúc đơn giản, nhưng luôn đầy ắp sự thể nghiệm mang tính phá cách. Khi gã gặp được John Cale, là lúc gã tìm được kẻ đồng chí hướng trong việc làm nhạc đi trước thời đại, sau này trở thành dấu ấn đặc trưng huyền thoại của VU.


Lúc Lou gặp John, là khi John được nghe thử single quái đản “The Ostrich” mà Lou sáng tác khi gã đang làm thuê với vai trò sáng tác nhạc cho hãng ghi âm Pickwick. Trong bài hát có đoạn lời:

Everybody get down on your face now / Get ready, yeah / Okay, come on / Hey, put your hands up / Upside your knees, now do the ostrich (Do the ostrich) /Yeah, yeah, yeah, yeah, yeah (Do the ostrich) / Hey, take this forward and step on your head / Now do the ostrich (Do the ostrich)

Chỉ có Lou, chắc hẳn đang phê pha thuốc, thì mới viết ra những câu như mọi người hãy úp mặt xuống sàn, giơ tay lên, co gối, và bước về phía trước bằng đầu, làm giống như con đà điểu. Một bài hát trên nhịp điệu nhún nhảy với phần lời hết sức vớ vẩn vô nghĩa, mà lại đủ tính thuyết phục cho mấy ông bên Pickwick quyết định thu âm phát hành single dưới cái tên ban nhạc tự phát - The Primitives, gồm Lou và John Cale. John rất thích các ca khúc mà Lou đã sáng tác trước đây, gồm “Heroin” nhưng không khoái chí lắm với “The Ostrich”. Có điều, John lại thích thú với kiểu nhạc proto-punk có lối thu âm rè đặc, không cần tinh chỉnh nhờ việc Lou căn dây đàn guitar theo cách gã gọi tên là “tuning kiểu con đà điểu” với các dây vặn ở cùng đúng một cao độ trong “The Ostrich”, rồi cứ thế mà diễn, đúng theo phong cách kệ mịa, không quan tâm người nghe có thích hay không. Dĩ nhiên bản single “Đà Điểu” này không ai thích và thất bại thảm hại sau đó. Phong cách kệ mịa này tiếp tục xuất hiện ngay trong album đầu tiên, và càng đậm nét trong album thứ hai White Light / White Heat phát hành sau này của VU.

Nhưng trước tiên, ban nhạc The Velvet Underground (VU) phải được hình thành đã.

Sau sự có mặt của John, Lou có thêm người đồng cảm về kiểu nhạc thể nghiệm mà hai tay này đang theo đuổi. Cả hai còn chia sẻ chung điểm tương đồng về độ tuổi vì chỉ sinh cách nhau một tuần. Giống Lou, John là một nghệ sĩ thông minh, có tài và mong manh dễ vỡ. Khác Lou, John giỏi nhiều nhạc cụ khác nhau nhưng lại luôn thiếu tự tin, và dễ bị người khác lấn át, thứ Lou lại có thừa. Kể từ đó, Lou Reed và John Cale bắt đầu tuyển thêm bộ sậu chính ban đầu cho ban nhạc VU.

Họ tuyển Sterling Morrison - một người bạn cùng trường với Lou về đảm nhiệm guitar cùng với Lou. Cho phần trống và bộ gõ, Angus MacLise ban đầu đảm nhiệm. Tính tình Angus cũng khó ưa như Lou, gây bao phiền toái cho VU. Có lần Angus đến show muộn, nên để bù đắp, tay này tự ý solo trống thêm cả chục phút bất chấp sự phản đối của ban nhạc. Khi mà trong một ban nhạc, một cái rốn của vũ trụ như Lou là quá đủ, Angus dĩ nhiên phải dẹp sang một bên.

Nhờ thế ta mới có Maureen “Moe” Tucker thay vị trí nhịp điệu này. Moe có nhiều điểm khác biệt để VU không thể không giữ cô lại được. Đó là giàn trống bao giờ cũng tối giản, chỉ cần trống snare, tom tom. Riêng trống bass được cô dựng đứng lên và vì thế Moe rất hay đứng chơi, thay vì ngồi. Thêm nữa, cô cũng rất ghét tiếng cymbal nên rất ít khi dùng đến nó. Sự xuất hiện của Moe cũng là điểm độc đáo mà VU sau này được Andy Warhol để mắt tới vì sự khác lạ trong một ban nhạc Rock mà người chơi trống lại là nữ giới, điều chưa từng thấy thời ký đó.

Như vậy là VU đủ bộ 4 vai trò chính để làm thứ nhạc chả giống ai ngày đó.


Trong album đầu tay, Lou Reed chắc chắn mang đóng góp nhiều nhất qua các sáng tác của gã. Thời đó, Lou đã viết những lời ca thẳng thừng, không cần uốn lưỡi dù chỉ một lần trước khi hát. Vì thế lời hát của VU sẽ là về chơi hàng cấm, về mại dâm, về bạo dâm, về cái chết và lệch lạc tính dục; khác hẳn các thông điệp về tình yêu và hoà bình đang được chuộng ngày đó.


Ca khúc “Sunday Morning” mở đầu của album là track được mix tinh chỉnh gọn gàng đẹp đẽ nhất. Giai điệu nhẹ nhàng tình cảm của bài như các bài nhạc của The Beatles và phần lời chưa có gì quá tiêu cực là cú lừa với những ai nghĩ rằng album này mang một nội dung lành mạnh.


Ca khúc ngay sau đó “I’m Waiting For The Man” mang âm thanh rè đặc garage rock, giai điệu đơn giản nhưng hiệu quả với phần rhythm đập vào mặt, được đánh dấu như các track đầu tiên khai sáng cho dòng nhạc Punk sau này. Bài hát gây ấn tượng mạnh tới độ nó được David Bowie và band chơi cover lại trước cả khi album của VU được phát hành. Trong bài, Lou có viết đoạn lời: “I'm waiting for my man / Twenty-six dollars in my hand / Up to Lexington, 125 / Feel sick and dirty, more dead than alive / I'm waiting for my man”. Nội dung của lần giao dịch hàng cấm đó được tả chi tiết tới độ số tiền có lẻ của nhân vật con nghiện trong bài và địa điểm hẹn gặp tại ga tàu điện ngầm ở Harlem. Chỉ với một kẻ bất cần như Lou thì gã mới viết phần lời không xuất hiện ở các album nhạc Rock thời đó như vầy.


Bài “Venus In Furs” – một ca khúc mang đầy đột phá khác của ban nhạc được Lou viết dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Leopold von Sacher-Masoch, với giai điệu ngọt nhất album, như chính nội dung về chủ nghĩa bạo dâm của cuốn tiểu thuyết lẫn nội dung bài nhạc. Lou hát những đoạn lời được tả đầy tính hình tượng “Kiss the boot of shiny, shiny leather / Shiny leather in the dark / Tongue of thongs, the belt that does await you / Strike, dear mistress, and cure his heart / Severin, Severin, speak so slightly / Severin, down on your bended knee / Taste the whip in love not given lightly / Taste the whip, now bleed for me”.

Với “Heroin” – bản track có lẽ mang phần lời thuộc top những track hay nhất mà Lou viết. Nó không cổ xúy hay lên án thứ tệ nạn này, mà thay vào đó, phơi bày hết những gì một con nghiện phải trải qua, dù chân thực mà lại rất thơ:

Heroin, be the death of me

Heroin, it's my wife and it's my life, haha

Because a mainline into my vein

Leads to a center in my head

And then I'm better off than dead

Because when the smack begins to flow

I really don't care anymore

About all the Jim-Jims in this town

And all the politicians makin' crazy sounds

And everybody puttin' everybody else down

And all the dead bodies piled up in mounds

'Cause when the smack begins to flow

And I really don't care anymore

Ah, when that heroin is in my blood

Heh, and that blood is in my head

Then thank God that I'm good as dead

And thank your God that I'm not aware

And thank God that I just don't care

And I guess I just don't know

Oh, and I guess I just don't know

Nếu như sự đóng góp của Lou Reed trong âm nhạc phá cách đi trước thời đại của VU nằm nhiều ở phần lời, thì sự độc đáo khác lạ trong âm sắc sexy lại đến từ John Cale. Tay này ghét kiểu nhạc Folk đang nổi từ đầu thập niên 60 với các nghệ sĩ Peter, Paul And Mary hay Bob Dylan đang được ưa chuộng thời đó. Vì thế John không khoái khi Lou có hơi hướng chịu ảnh hưởng bởi dòng nhạc này và gần như dập tắt hết để thay bằng kiểu nhạc mới mẻ và tối giản (Điều này có gây khó chịu cho Lou và dẫn tới mâu thuẫn giữa hai bộ não của ban nhạc sau này). Chính John là người sửa lại bản phối của “Venus In Furs” từ phong cách folk ngọt ngào như bài “Scarborough Fair” của Simon & Garfunkel để thành version kiểu drone rock đầy quyến rũ qua tiếng viola điện. Đây cũng là điểm tương đồng chính trong định hướng của John và Lou thời kỳ đầu, khi cả hai thích cái âm thanh thể nghiệm, của tiếng drone ì èo không được giải tỏa. Giống như tiếng guitar Lou đã làm trong “The Ostrich”, John mang vào bài “Venus in Furs” câu đàn viola điện đay nghiến đôi tai ở một nốt nhạc kéo dài và chỉ thỉnh thoảng thay đổi cao độ, tạo sự căng và nghịch tai trong âm sắc. Ở bài “Heroin”, không chỉ phần âm thanh drone mà người ta gọi là “drone music” xuất hiện từ cây viola điện của John trong bài, John còn tạo những tiếng rít từ nhạc cụ ưa thích này trong đoạn cao trào cuối, giằng xé trong mớ hỗn độn đầy ắp tiếng ồn.


Giữa hai thành viên còn lại của band, Moe Tucker có lẽ đóng vai trò nổi bật hơn trong việc mang tới bản sắc khác lạ trong nhạc của VU. Dù cô chơi trống không cầu kỳ tẹo nào, thậm chí còn như kiểu đứa trẻ gõ nồi niêu xong chảo và không biết kỹ thuật drum roll, nhưng chính kiểu chơi tối giản này lại hiệu quả với nhiều bài của VU. Chỉ cần cú gõ đôi lên trống bass và tiếng tambourine thay cho snare trong “Venus In Furs” là đù mang không khí chậm rãi mê hoặc từ câu chuyện bài hát. Hay với “Heroin”, chỉ độc tiếng trống từ bộ gõ đều đều mang màu sắc vùng đất châu Phi. Ở bài “Heroin” này, trong đoạn cao trào ồn ào hỗn độn, đã có lúc Moe còn dừng gõ vì nhạc quá to, nhưng không một ai khác dừng theo cô hoặc bận tâm tới người điều khiển nhịp đã dừng lại. Moe lại phải vào lại nhạc, và lần này cô gõ còn to hơn trước. Lỗi thu nhạc đó của Moe vẫn được giữ lại trong bản phát hành ở album.


Còn thành viên Sterling Morrison thì có phong cách chơi nhạc không trầm lặng như tính cách của anh trong nhóm. Màn trình diễn gây ấn tượng của anh này có lẽ ở phần rhythm guitar dồn dập như đập thẳng vào mặt trong “Run Run Run” và “There She Goes Again”; hoặc như lối chơi guitar đôi với Lou trong bài "Heroin" tạo ra không gian âm thanh kết hợp thực sự khiêu khích dù bài nhạc chỉ có hai hợp âm. Ngoài ra, Sterling cũng là người giúp gắn kết và cân bằng hai cái tôi quá lớn từ Lou Reed và John Cale.


Vấn đề là trong album đầu tay của VU, ban nhạc còn có thêm 1 thành viên “khách không mời” tham gia với vai trò ca sĩ. Đó không phải là Andy Warhol, cái tên chình ình duy nhất in trên bìa đĩa, chỉ bởi vì ông là tác giả của bức hình nghệ thuật có quả chuối vàng với dòng chữ “peel slowly and see”, mà trong các ấn phẩm ban đầu, nếu bóc cái sticker từ phía trên sẽ để lộ cái “đầu chuối” màu hồng. Thành viên “khách không mời” đó là Nico, cái tên xuất hiện trong tên album đầy đủ “The Velvet Underground & Nico” (1967) được tìm thấy ở mặt sau vỏ đĩa. Người ta nói, thời đó, nếu không có cái danh của ông họa sĩ Andy – người đã tạo ra các tác phẩm nghệ thuật đương đại nổi tiếng như bức Campell’s Soup Cans hay chân dung Marily Monroe với các mảng màu phá cách, và cô người mẫu gốc Đức đá ngang sang làm ca sĩ Nico thì chắc không ai nghe nhạc của VU.

Quả chuối sau khi bóc vỏ

Giọng hát của Nico cũng không khá khẩm gì hơn so với Lou Reed trong việc hát chuẩn cao độ, nhất là khi cô này bị điếc một bên tai. Cô thậm chí còn có lối phát âm tiếng Anh nặng accent khô cứng của người Đức, chất giọng hơi ồm như đàn ông và chuyên bị lệch nhịp khi vào bài, nên không có gì khó hiểu khi Lou cực khó chịu khi bị Andy và Paul Morrissey (cánh tay phải của Andy mà đã nhắc tới ở trên) ép cho Nico tham gia hát một vài bài với mục đích dùng vẻ đẹp của cô để câu khách. Người ta có thể nghe tiếng Lou rít qua kẽ răng mỗi lần Nico bước lên sân khấu. Chỉ đến khi qua đêm vài lần với cô người mẫu này, gã mới cam chịu để Nico hát chính trong bài “Femme Fatale”, “I’ll Be Your Mirror” và “All Tomorrow’s Parties”, và phụ họa trong “Sunday Morning”, sau khi gã nhất quyết không để cô ả hát chính bài “Sunday” hay được động vào bài “I’m Waiting For The Man”. Giọng hát của Nico trong album này do đó cũng chỉ làm thay đổi màu sắc album khi có giọng nữ xen kẽ, nhưng chắc chắn một điều là nếu không có thì cũng không giảm đi cái chất nhạc đi trước thời đại trong album này tẹo nào.

Mối quan hệ yêu-ghét-lợi-dụng ngắn ngủi giữa đôi bên Lou và Nico kết thúc sau khi cô người Đức tuyên bố cô ả “không thể qua đêm với dân Do Thái thêm lần nào nữa”. Còn Lou sẽ trả thù bằng việc khích cả band bức ép cô ta đến phát khóc khi không thể hát được bằng giọng hát mềm mượt hơn như ban nhạc yêu cầu. Dưới gánh nặng tài chính phải nuôi đứa con, Nico vẫn phải tìm cách đi diễn tại quán bar và muốn Lou và ban nhạc chơi nhạc giúp. Dĩ nhiên gã từ chối thẳng thừng, và chỉ nhượng bộ bằng cách cùng John thu âm phần nhạc đệm cho cô ta mang đi diễn. Dĩ nhiên với kẻ “mù nhạc” chuyên vào sai nhịp như Nico thì hát trên cuộn băng cứ chạy một mạch như vậy chả khác nào tự sát.

Mặc cho cái tên Andy Warhol và Nico như hãng đĩa và ban quản lý của Andy kỳ vọng sẽ hút khách, album “The Velvet Underground & Nico” chỉ leo được lên vị trí số 171 của bảng xếp hạng, vì nhiều lý do, như việc thiếu hoàn toàn niềm tin từ phía hãng đĩa, vụ kiện vớ vẩn do hình ảnh của một cá nhân không được xin phép được dùng trên đĩa dẫn đến album bị rút khỏi sạp đĩa, và thời điểm phát hành lại của album sau đó lại quá gần với album “Sgt. Pepper” của The Beatles nên bị nuốt chửng hoàn toàn. Không mấy ai biết đến Lou Reed, John Cale, Moe Tucker hay Sterling Morrison, mặc cho thứ âm nhạc đi trước thời đại quá sớm như vậy, ngoại trừ số ít người cảm thụ được nó. Như David Bowie có nhận xét âm nhạc của album Quả Chuối này của VU mang đúng một tinh thần bất cần. Nó không cần quan tâm bất cứ ai, gồm cả Bowie, phải thích thứ nhạc phát ra từ đĩa – một thái độ mà dòng nhạc Punk sau này nuốt trọn và phát huy hết mình.

John Cale, Lou Reed & Moe Tucker

Andy WarholPhilip Morrissey sau đó cũng chia tay đường ai nấy đi với Lou Reed và VU, dù đúng ra là Lou đã sa thải Andy và Philip để tìm tay quản lý mới, ở thời điểm mà Lou đã quá chán phải làm cái bóng và ban nhạc vườn cho Andy. Sau album đầu tay, đĩa thứ hai White Light/White Heat (1968) còn khó nghe hơn do tính thể nghiệm nặng chất John Cale, là tiền đề cho dòng Noise Rock, và riêng ca khúc “Sister Ray” còn là ADN cho thể loại Heavy Metal sau này. Về phía Lou Reed, gã không hề khoái với việc thể nghiệm nhạc ngày đi một xa này của John, thế nên ắt hẳn sau sự ra đi của người đồng đội, âm nhạc của VU dưới chí hướng của Lou có mang tính truyền thống hơn, quay sang dòng Folk Rock mà Lou vẫn luôn chuộng cả cho đến khi gã sau này tách ra solo. Các nhạc phẩm của VU dù không còn tính đột phá thời kỳ đầu cùng với John Cale vẫn giữ được nét hấp dẫn nhờ các sáng tác đỉnh cao của Lou. Chỉ là chúng ngược hẳn với con người mà Paul Morrisey từng nhận xét về Lou Reed - kẻ ngu đần, kinh tởm, khốn nạn và tồi tệ nhất mà Paul từng gặp.


***

Lou Reed bị trói vào chiếc giường. Người ta tiêm thuốc giãn cơ và thuốc mê vào người gã. Một miếng vải được nhét vào mồm để tránh cho gã cắn phải lưỡi. Sau đó từng luồng điện được truyền qua người gã từ hai bên hộp sọ, trong đó có dòng điện đi qua não, tựa như những kẻ tử tù bị xử qua hình thức giật điện. Người gã co giật rồi bất tỉnh.

Bố mẹ Lou đã đưa gã đi điều trị sau khi gã gặp phải cơn hoảng loạn khi đang học dở ở đại học, nhưng thực tế là để mong muốn “chữa” cho cậu con trai “khỏi bệnh đồng tính”.

Kết quả để lại cho Lou những đợt mất trí nhớ ngắn hạn và những cơn trầm cảm, tức giận và thù hằn với mọi thứ xung quanh cuộc đời gã, đặc biệt với ông bố.

Không ai rõ nếu không vì sự cố trong đời này gã có thành một huyền thoại như sau này không, nhưng chắc là nó đã góp phần biến gã trở thành "cái rốn khốn nạn của vũ trụ" đối với nhiều người.

RIP Lou Reed (27.10.2013)

RIP Sterling Morrison (30.08.1995)


***

Hẹn gặp lại!

Kink

1,025 views

Recent Posts

See All
bottom of page