“Một hợp âm là đủ. Hai là bạn hơi bị cố. Còn ba hợp âm thì bạn bắt đầu chơi nhạc Jazz rồi đấy”.
Lou Reed - frontman của ban nhạc The Velvet Underground có một câu bình luận hóm hỉnh về chuyện làm nhạc.
Dĩ nhiên là nhạc của Velvet Underground có nhiều bài có cấu trúc chuỗi hợp âm phức tạp. Nhưng cái Reed muốn truyền đạt ở đây là tầm quan trọng của sự lôi cuốn trong âm nhạc kể cả khi được giản lược.
Như trong bài viết trước đây về sự biến mất của đoạn Bridge trong các bản hit, tôi có nói tới cái đơn điệu trong âm nhạc bởi vòng lặp không đổi của những bài chỉ có 3 hợp âm. Tuy vậy có những trường hợp ngoại lệ khi chỉ bằng 3 hợp âm, hay thậm chí 2 hợp âm, người nghệ sĩ có thể làm nên một bản nhạc tuyệt hay nhờ vào những yếu tố khác.
Ở đây tôi muốn kể với các bạn về bản “Fallin’” do Alicia Keys sáng tác, ca khúc nổi tiếng nhất của cô ca sĩ và với tôi, nó gần như là một bản nhạc hoàn hảo, dù chỉ được tạo nên bằng đúng 2 hợp âm.
***
Tôi không nhớ mình bắt đầu chán nhạc của Alicia Keys từ khi nào. Cái tôi nhớ là lần nghe được bài “Empire State Of Mind” của Jay Z và Alicia Keys, tôi giật mình tự hỏi thứ âm nhạc ấm áp đầy chất Soul theo hơi hướng cổ điển của cô đi đâu mất rồi? Thay vào đó là đoạn hook có tông cao và giai điệu gây khó chịu, với kiểu nhạc hợp với lối hát thường thấy của Beyonce - vợ của Jay Z hơn là Alicia Keys.
Bài đó khiến tôi phải về nhà bật đĩa Songs In A Minor ưa thích của mình lên, đặc biệt là ca khúc hay đến tê người - “Fallin’” của Keys, chỉ để gợi nhớ lại những gì tuyệt vời nhất một thời của một cô gái đã được tạp chí Rolling Stone phải thốt lên gọi là “Nữ Hoàng Nhạc Soul”, kế nhiệm từ Aretha Franklin sau khi Keys mới chỉ có trong tay một album duy nhất.
Có lẽ nào, một cô gái nổi lên nhờ ca khúc đầu tiên với cái tên “Fallin’” giờ đã thực sự ngã khỏi đỉnh cao?
Người ta bảo chất lượng nhạc của cô đi xuống sau khi cô bỏ anh bạn trai cũ - Kerry “Krucial” Brothers Jr., người cũng là đối tác sản xuất làm nhạc cùng cô từ ngày đầu, để chuyển sang làm “tiểu tam” khi cặp kè cùng nhà sản xuất nhạc Swizz Beatz khi anh này vẫn còn đang có vợ. Chuyện lùm xùm đó ảnh hưởng đến tiếng tăm của Keys cả khi sau khi anh này ly dị để cưới cô. Chuyện này tôi miễn bàn tới ở đây.
Thời kỳ với Swizz, nhạc của cô thị trường hơn thật, ngoại trừ album ALICIA (2020) mới gần đây đã có sự cải thiện. Thời kỳ với Krucial, cô phát hành 4 album, nhưng chỉ được hai đĩa đầu tay - Songs In A Minor (2001) và The Diary Of Alicia Keys (2003) là chất lượng.
Ít nhất với ý kiến cá nhân tôi là như vậy. Chắc phần nhiều do vẻ đẹp mê hồn trong âm nhạc của album đầu tay và bài hát đặc biệt này đã khiến các fan “bảo thủ” như tôi chỉ thấy thất vọng với các tác phẩm có thể thuộc dạng ok với các nghệ sĩ khác, nhưng lại dường như quá “thị trường” so với chuẩn của Keys.
***
“I keep on fallin' i..i..i..i..n..n..n”
Quay lại với bài hát “Fallin’”. Câu mở đầu acapella với màn thể hiện kỹ thuật melisma luyến các nốt khác nhau của mỗi âm “in” được kéo dài là dấu ấn của đoạn intro ngắn nhưng khó quên. Sau đó giọng hát của Keys được vào nhạc bằng câu piano nhẹ nhàng cùng với đoạn “and out of love with you” đầy êm dịu.
Lúc này đây tiếng đàn piano được Keys chơi trên dải ba nốt của tay phải, tựa như lối chơi nhạc cổ điển. Alicia Keys là một nhạc công piano rất giỏi, được đào tạo bài bản chơi nhạc Classical của những nhạc sĩ Chopin, Mozart và Beethoven. Cô học theo phương pháp Suzuki, khi âm nhạc được đưa vào môi trường sinh hoạt hàng ngày, để học viên đó ngấm và cảm được âm nhạc tự nhiên như một ngôn ngữ, thay vì học đọc viết nốt nhạc một cách rập khuôn. Nhờ đó kỹ thuật chơi đàn của Keys trở nên toàn diện.
Câu đàn trong “Fallin’” không quá phức tạp, nhưng âm lượng và các nốt được cô đánh tiếng mềm mại và có độ nhấn ở mỗi nhịp chính vừa đủ. Dải 3 nốt ở đoạn verse được chuyển sang đánh chùm hợp âm ở điệp khúc tạo âm sắc tương phản của bài nhạc. Sự đơn giản nữa của bài, mà như nhắc đến ở đầu, đó chính là sự hiện diện của đúng 2 hợp âm. Nếu như album của Keys có cái tên dịch ra tiếng Việt là “Các Bài Hát Ở Giọng La Thứ” thì có duy nhất bài “Jane Doe” là theo đúng tinh thần tên album. Ý tứ của cô trong cái tên “A Minor” thực ra là “A” đại diện cho Alicia và “Minor” đại diện cho hợp âm thứ buồn mà cô yêu thích.
Bài “Fallin’” có tông giọng Em (“Mi thứ”) được nối tiếp bằng hợp âm thứ hai Bm7 (“Si thứ 7”). Hai hợp âm này lặp đi lặp lại xuyên suốt cả bài, đoạn verse, điệp khúc, câu bridge có vẻ dường như sẽ đi vào lối mòn đơn điệu và nhàm chán. Ấy thế mà kết quả nó không hề vậy.
Ngược lại, bài “Fallin’” không bị lộ rõ cái sự lặp trong âm điệu mà nếu nghe các bài 2 hợp âm khác, tiềm thức người nghe có thể ít nhiều nhận thấy, kể cả với hai bài hay ho như “Blurred Lines” của Robin Thicke và “Wanna Be Startin’ Somethin’” của Michael Jackson.
Để làm được điều kỳ diệu này, Alicia Keys đưa vào nhiều yếu tố được làm mới liên tục xuyên suốt bài.
Yếu tố thứ nhất là giai điệu luôn “tươi mới”. Ở ngay trong những câu hát đầu, “Sometimes I love ya”, tiếng hát bè cao khoẻ “love ya” phía sau hứa hẹn một màu sắc Gospel đầy cao trào. Chỉ thế thôi, giọng hát của Keys tiếp đó lại cô độc cho tới phần điệp khúc.
“I keep on fallin'
In and out of love with you
I never loved someone
The way that I love you”
Vẫn lại chỉ với 2 hợp âm, tiếng hát của Keys chơi vơi giữa 2 dòng nước: “yêu” và “hết yêu” như miêu tả ở lời bài hát, dù rằng trong sâu thẳm, đó lại là một thứ tình cảm lớn nhất cô chưa từng cảm nhận trước đó. Nó ngọt ngào như thứ nhạc Soul cô đang hát vậy.
Vẻ đẹp của âm nhạc Soul thường thấy là những chuỗi hợp âm đầy biến tấu, tượng trưng vô vàn cảm xúc của nghệ sĩ mà ta cảm nhận được ở nhạc của Marvin Gaye, Aretha Franklin hay Stevie Wonder. Nhưng bài “Fallin’” của Keys lạ đến độ, đơn giản chỉ bằng Em và Bm7, mà ta vẫn cảm thấy được các cung bậc cảm xúc khác nhau.
Như sau đoạn điệp khúc đó, tại verse thứ hai, Alicia Keys mở đầu bằng những nốt ngắt quãng để sau đó chốt bằng nốt kéo dài “Oh, oh, I”, mở đầu cho một verse có phần giai điệu biến tấu khác xa với verse đầu. Sự đối lập giữa những quãng cao với quãng thấp, giữa đoạn lắng nhẹ nhàng với đoạn được lên gân làm ca khúc được nâng lên đẩy xuống như cảm xúc khó hiểu của người phụ nữ trong chuyện tình với người đàn ông trong bài hát.
Tại câu bridge, dù vẫn lại chỉ bằng hợp âm Em và Bm7, Keys vẫn có cách làm mới bằng tiết tấu ngắt quãng và lối hát chậm lại phía sau nhịp để tạo độ trễ:
“Oh, baby
I, I, I, I'm fallin'
I, I, I, I'm fallin'
Fall”
Đã thế có ông trên youtube còn phát hiện ở đầu câu Bridge, tiếng strings cố tình nhéo lên nửa cung thành nốt D# (Rê thăng), thay vì nốt D (Rê) thường, biến hợp âm Si thứ thành Si trưởng. Một sự thay đổi nhỏ chỉ trên đúng một nhạc cụ nhưng làm phần chuyển của khúc Bridge sáng lên, khi não bộ người nghe tự dưng cảm nhận một hợp âm lạ sau chuỗi lặp quen thuộc. Cái này giống như trong bài viết của tôi về các đoạn Bridge, cách đưa hợp âm lạ sẽ tự dưng đưa người nghe lên một tầm cao mới khác lạ, dù với bài “Fallin’”, nó chỉ trong một khoảnh khắc, trước khi ta lại “rơi” về trạng thái ban đầu.
Điệp khúc cuối bài là cao trào của các phần bè hát dầy đầy uy lực theo lối Gospel, trước khi kết bằng đoạn solo violin tương phản có âm lượng nhỏ nhẹ nhàng, kéo những nốt có khi chênh 1/4 cung đầy chơi vơi như sắp “ngã”, hay vô cực.
Yếu tố thứ hai, không thể không nhắc tới và là công lớn của anh bạn trai Krucial của Alicia Keys lúc bấy giờ, đó chính là nhịp trống phong cách Hip Hop rất lạ tai. Nếu như loại bỏ yếu tố hiện đại đến từ thể loại Hip Hop này, tôi tin là bài “Fallin’” sẽ khó tiếp cận đến thị trường số đông bằng dòng nhạc “già” mà cô theo đuổi.
Trên nền nhịp 12/8, khi cứ một chùm 3 nốt móc đơn tạo thành 1 phách cấu thành khuông nhạc nhịp 4 phách kép, bản hit này khác xa nhịp 4/4 phổ biến thường thấy. Chính sự khác lạ này lại là dịp cho Krucial nghĩ ra phần trống tôn được bài hát lên một tầm mới.
Khi vào điệp khúc, tiếng kick drum đập đều liền 7 lần nốt móc đơn, bắt đầu từ chính chữ “I”
“ I—— keep on fallin'”
1 2 3 4 5 6 7
Không rõ ngẫu nhiên hay sắp đặt mà tiếng kick drum thứ 7 trong câu dồn fill đó lại dừng đúng âm “fall-“ và khoảng lặng để Keys hát tiếp “-lin’”, như một cú hẫng.
Và rồi câu fill 7 tiếng kick drum đó hoá ra lại được lặp lại trong cả đoạn điệp khúc, tạo không khí dồn dập và cảm giác nhịp đập hồi hộp của cô gái trong bài hát.
Như vậy là ta có tiếng đàn piano theo Classical, giai điệu nhạc Soul, lối hát bè nhạc Gospel và nhịp trống phong cách Hip Hop tạo nên một bản nhạc hoàn hảo, dù chỉ với số nhạc cụ ít ỏi.
Hoàn mỹ! Hoặc có thể tôi phân tích hơi quá đà.
Tình cảm của tôi với nhạc của Alicia Keys là như vậy. Nó như cái vòng luẩn quẩn. Cứ lúc nào tôi thấy chán nản mấy bài hát sau này của cô khi nghe trên đài, là tôi lại lôi “Girlfriend”, “Troubles”, “Rock Wit U”, “A Woman’s Worth”, “Mr. Man”, và dĩ nhiên “Fallin’” ra nghe, để rồi lại thấy yêu nhạc của Alicia Keys lại một lần nữa.
Và quan trọng nhất là, bài “Fallin’” của cô giờ trở thành một ví dụ kinh điển của nhạc hiện đại, rằng sự đa dạng, mới lạ của một điều kỳ diệu vẫn có thể tạo ra dù chỉ bằng mỗi 2 hợp âm.
Hẹn gặp lại!
Kroon