top of page

Bee Gees: ba lần được cứu

Ngày cuối cùng của năm 1966, số phận đã đưa đến cho Robert Stigwood, sếp của hãng đĩa RSO, một trong những món hời nhất trong cuộc đời quản lý âm nhạc của mình. Brian Epstein, ông bầu của The Beatles, quăng lại cho Stigwood một bưu kiện đến từ Sydney, nước Úc, từ một người tên là Hugh Gibb. Trong thư, ông bố Gibb có nhắc đến việc 3 anh con trai của ông hiện đang lênh đênh trên tàu tới nước Anh để tìm kiếm thành công trong âm nhạc, cùng với một chiếc LP demo với khoảng 20 bài. Nhận cho bạn Epstein vui, nhưng lúc này Robert Stigwood lại đang quá bận để nghe, nên quăng cả đám vào một xó. Quên luôn việc có ba người đang trên tàu biển đến nước Anh để tìm gặp mình ngõ hầu tìm được cơ hội tỏa sáng.


Thực ra ba anh em nhà Gibbs không đến London một mình. Họ còn đem theo cậu bạn chơi trống cùng, Colin Peterson, ông em Andy lúc này mới 9 tuổi, khoảng 200 bảng trong túi, và track “Spicks and Specks” – track hiện đang đứng top ở Úc – để thử vận may với thị trường nước Anh. Ông anh cả Barry Gibbs lúc này mới 20 tuổi, còn hai cậu em song sinh, RobinMaurice (hay “Mo”) thì mới 16. Sinh ra ở Isle of Man, cả gia đình nhà Gibbs đã từng sống ở Manchester trước khi định cư ở Úc năm 1958. “Spicks and Specks” cùng cả tá ca khúc hit tại xứ sở Chuột Túi đã khiến anh em nhà Gibb muốn phát triển sự nghiệp xa hơn, và chắc không gì bằng quay trở lại nước Anh.


Chỉ mỗi tội, ông bố Hugh Gibb quên không ghi trong thư gửi Brian Epstein rằng họ sẽ tới vào hôm nào và ở đâu, khiến cho Robert Stigwood phải đi lùng tìm họ khắp London. May thay, hãng đĩa của Bee Gees ở Úc, Festival, đã gửi bài “Spicks and Specks” cho Polydor, và trong khi đang lêu hêu ở London mà không quen ai, anh em nhà Bee Gees đã được người của hãng Polydor bàn giao lại cho chính… Robert Stigwood vì hãng này chả ai có hứng thú với nhạc Úc cả.


Sau buổi thử giọng, Robert Stigwood quyết định ký hợp đồng với Bee Gees tận 5 năm, đặc quyền mà trước đó chỉ có Beatles mới được Brian Epstein làm như vậy. Đó cũng là cách mà Stigwood ám chỉ với thị trường rằng, Bee Gees sẽ đem lại những thành công y như Beatles.

"Spicks and Specks" nổi tiếng ở Úc đến mức có cả một game show Trờ chơi âm nhạc mượn tên bài hát này


Bee Gees nhanh chóng vào phòng thu với “Can’t See Nobody”, “Red Chair, Fade Away”, và “Turn of the Century” với Robert Stigwood dưới vai trò nhà sản xuất. Barry Gibb đã tìm ra thêm một người Úc nữa vào ban nhạc, Vince Melouney, chơi guitar, và Bee Gees trở thành nhóm 5 người. Phần nhạc cho album đầu của họ được thu khá nhanh.


Nhưng đến phần ba anh em nhà Gibb thu hát, phòng thu bỗng mất điện. Trong khi Stigwood và kỹ sư phòng thu đang đi mò mẫm kiểm tra lại jack nối, có ai đó trong bóng tối bỗng đùa rằng cái này giống hệt như bị kẹt trong hầm mỏ, và một giọng khác thì nhắc đến một tai nạn ở một mỏ than ở xứ Wales mới đăng trên báo.


Thế rồi, Barry bất chợt khều Stigwood trong bóng tối “Anh nghe này”:

"Have you seen my wife mr. Jones?"


Câu hát vút lên với ba giọng cùng bè hòa ca như điền đầy cái studio vốn ngập trong bóng tối, khiến cho xương sống Stigwood bỗng lạnh ngắt tới tận chót xương cụt. “New York Mining Disaster 1941” đã ra đời như thế đó, và nhà sản xuất Stigwood nhanh chóng quyết định bài này là single tiếp theo của Bee Gees trước khi hoàn tất việc thu âm lúc 4 giờ sáng hôm sau.


Bước tiếp theo chính là thị trường Mỹ, và phải giống như cách của Beatles liên kết với một hãng đĩa ở Mỹ (Capitol). Vốn lúc đó có tình cảm với nhau khá khăng khít, Robert Stigwood và Brian Epstein đã mang Barry Gibb và ba người nhóm Cream sang Mỹ đi tìm đối tác phát hành đĩa. Không ai khác, chính Ahmet Ertegun lừng danh của hãng Atlantic đã nhanh chóng đánh hơi thấy mùi thương mại của Bee Gees và thậm chí còn nhờ họ viết một bài cho Otis Redding, và nhanh chóng có ngay track “To Love Somebody” được Barry Gibb viết ngay khi ở Mỹ. Chỉ tiếc là, Otis Redding, dù rất thích “To Love Somebody”, đã không may ra đi trong một vụ tai nạn máy bay ở Wiscosin trước khi anh kịp ghi âm ca khúc này. Barry còn kịp viết thêm cả ca khúc “Massachusetts” trong thời gian ở Mỹ, dù rằng anh chưa có dịp ghé chỗ này.


Nhưng trước mắt, điều kiện để Atlantic có được Bee Gees là họ phải ký với cả Cream, band mà lúc đó Ertegun chưa thấy thương mại lắm. Nếu mọi người còn nhớ, Atlantic sau còn có cả Rolling Stones lẫn Led Zeppelin thì mới thấy làm bá chủ thế giới âm nhạc thời đó quả nhiên là việc nằm trong tầm tay.


Ahmet Ertegun bắt tay ngay vào việc. Ông gửi single “New York Mining Disaster” tới tất cả các kênh radio mà không ghi tên nghệ sĩ, chỉ ám chỉ rằng đó là ban nhạc bắt đầu bằng chữ “B” và kết thúc bằng chữ “S”, hòng đánh lận con đen với danh tiếng của Beatles. Trò này giúp “Mining Disaster” leo một lèo tới vị trí số 14 của Billboard. Bee Gees đã có đi lên ở nước Mỹ như vậy đấy.

"New York Mining Disaster" được viết ra trong phòng thu... mất điện


Thành công nhanh chóng ở nước Anh cũng dẫn những cậu nhóc nhà Gibb đến với giới thượng lưu và hội kín. Khủng nhất là lần ba anh em nhà Gibb được dẫn Maurice đến phòng trà Speakeasy và gặp các đại ca ở đó. Mấy lão của Stones thì nằm lè phè khắp nơi, còn John LennonKeith Moon thì đứng uống riệu chém gió trước mặt đàn em Maurice Gibb, lúc đó mới chỉ đủ tuổi uống Coke. Nghe đồn chính John Lennon và Keith Moon đã len lén chỉ bảo cho Maurice Gibb pha thêm chút whiskey vào Coke cho thơm, và cũng từ đó đến sau này, cậu em thứ ba của Bee Gees là người duy nhất lao đao với trại cai nghiện vì chứng nghiện riệu của mình.


‘SAVE THE BEE GEES’

Chỉ vài ngày trước khi Bee Gees ghi âm “Massachusetts”, chính phủ Anh cảnh báo rằng Visa của tay trống Petersen và tay guitar Melouney sắp hết hạn và họ phải rời Anh. Bee Gees có nguy cơ bị tan rã. Nhưng Robert Stigwood không phải tay vừa, và ngay lập tức tung hê việc này lên trang nhất của các báo và chỉ trích Cục Di Trú là những người thiển cận khi không nhìn nhận ra Bee Gees là một trong những “chuyên gia nước ngoài” kiếm tiền cho Anh Quốc nhiều nhất. Anh em nhà Gibb thì được sắp xếp để phỏng vấn và ám chỉ rằng kiểu này họ phải ra nước khác sống mất (Mỹ chẳng hạn). Một làn sóng biểu tình mang khẩu hiệu “Save The Bee Gees” đã trỗi dậy, và mạnh đến mức đám con gái làm việc trong Cục Di Trú cũng trưng khẩu hiệu ngay trong cơ quan của mình.


Rồi các fan cuồng tự trói họ vào hàng rào điện Buckingham. Một con voi rạp xiếc được Stigwood thuê đứng trước cửa Cục Di Trú và gây tắc đường. Máy bay trực thăng thì thả thư thống thiết của fan tới thủ tướng Harold Wilson. Cuối cùng, Cục Di Trú cũng phải nhượng bộ và ban bố rằng, Bee Gees được cấp thị thực làm việc vô thời hạn vì công lao kiếm được rất nhiều tiền cho nước Anh.


Bee Gees được cứu rồi, và ngay lập tức họ ra album thứ hai, Horizontal, nặng hơn đĩa trước nhưng cũng chất lượng hơn rất nhiều với những hit như “World”, “Massachusetts”, hay “And The Sun Will Shine”. Có lẽ đây cũng là album hiếm hoi có sự ảnh hưởng rõ rệt của những người “ngoài” 3 anh em nhà Gibb, những người đã quen chơi rock như Peterson và Melauney.


Nhưng cũng như những ban nhạc nổi tiếng nhanh, những hục hặc trong nội bộ của Bee Gees bắt đầu xuất hiện ngày một nhiều. Hai anh em sinh đôi Robin và Maurice Gibb bắt đầu cảm thấy hãng đĩa RSO ưu ái ông anh Barry Gibb của họ nhiều hơn, và những đóng góp của họ cho Bee Gees bắt đầu không được coi trọng. Barry Gibb thậm chí còn được ve vãn để đi đóng phim.


Thế rồi khi cùng nhau làm album tiếp theo của Bee Gees, album concept mang cái tên Odesssa (1969), single đầu tiên của album được Stigwood chọn là bài “First of May” của Barry Gibb. Trong khi trước đó, Robin Gibb vẫn đinh ninh “Odessa” mới là single vì rõ ràng Stigwood khen bài này hết lời. Tệ hơn, Robin còn bị bắt cắt tóc cho gọn ghẽ giống mấy người còn lại trong band.

"Odessa" - bài prog này mới xứng đáng làm single này


Hết chịu nổi, Robin Gibb quyết tâm rời band. Trước đó không lâu, Melouney cũng đã rời nhóm. Barry đesk cần. Anh ship ngay chị Lesley từ Úc sang để lấp vào chỗ trống của Robin. Tất nhiên, dù yêu quý Lesley với giọng hát ngọt ngào đến mấy cũng không ai có thể nghĩ chị có thể thay cho Robin được. Dù cho Stigwood cố đẩy Lesley lên hàng sao và hứa sẽ ra single cho chị, nhưng bà chị biết mình biết ta đã lẳng lặng từ chối. Gái hai con mà ham hố gì.


Thế rồi đến lượt Colin Petersen bị sa thải với lý do đi sản xuất nhạc cho cả nhũng nghệ sĩ khác. Ủa mà Barry Gibbs cũng sản xuất cho người khác mà không bị sa thải?


Bee Gees giờ chỉ còn lại BarryMaurice Gibb, và cả hai hẹn nhau vào studio cuối năm đó để thu album mới. Nhưng Maurice không đến. Barry không ngờ rằng, Maurice đã lặng lẽ đưa vợ về Úc nhân dịp Giáng sinh. Maurice chỉ muốn Bee Gees là Bee Gees và đã ngán đến tận cổ màn hoạnh họe của hai ông anh.


Đã thế thì Barry cũng tung hê luôn. Bee Gees tuyên bố tan rã vào đầu năm 1970.


ROBIN KHÔNG THỂ THIẾU BATMAN

Kể ra thì sự nghiệp solo của Robin Gibb không hề tệ. Single đầu tay “Saved by The Bell” đã đánh bại “Tomorrow, Tomorrow” của Bee Gees, single đầu tiên mà không có Robin. “Saved By The Bell” đạt đĩa vàng và trở nên cực ăn khách và chỉ thua “Honky Tonk Women” của Stones thời đó. Robin Gibb còn làm nhạc kịch, làm nhạc giao hưởng, và viết nhạc cho những nghệ sĩ danh tiếng khác như Tom Jones.


Nhưng rồi album Robin’s Reign hóa ra không thành công như mong đợi. Robin Gibb hiểu được cái giá của sự tự do chính là sự cô đơn. Thế là lại phải nhờ đến sự kết nối của sếp Stigwood. Mà thực ra Robert Stigwood khôn bà cố, gã làm như chỉ để cho các anh em nói chuyện lại với nhau như trong gia đình mà không cần quan tâm đến nhạc nhẽo gì hết. Gã thừa biết, nếu Robin và Barry lại nói chuyện với nhau thì đâu lại vào đấy. Trăm sự chỉ tại Robin gây chuyện và Barry gia trưởng. Maurice có lẽ là tội nghiệp nhất vì lúc nào cũng bị lẻ ra trong những cuộc cãi vã của hay tay kia.


Robin và Maurice Gibb chả mấy chốc lại rủ nhau đi viết nhạc. Và thế là Bee Gees đã trở lại với cái gật đầu nặng nhọc của Barry Gibb.

Maurice Gibb luôn bị lép vế nhất band - trong bài này thì bị bắt chèo thuyền


Mặc dù vậy, hai album năm 1973 và 1974 của Bee Gees, Life in a Tin CanMr Natural đều thất bại thảm hại. Stigwood một lần nữa phải xuất hiện và mời Arif Mardin, đệ ruột của Ahmet Ertegun bên Atlantic sang để sản xuất album tiếp theo, Main Course, theo phong cách R&B. Eric Clapton, một người nổi tiếng khác dưới quyền quản lý của Stigwood thì sẵn sàng để anh em nhà Gibb đến ở tại căn nhà nổi tiếng số 461 Ocean Boulevard của anh ở Miami, để viết và ghi âm cho album này. Một lần nữa, sự khôn ngoan của Robert Stigwood và sự tương trợ của anh em đồng môn đã đem lại cho Bee Gees một album đáng kể cũng như phong cách nhạc bắt đầu chuyển dần sang nhạc dance, với những track như “Jive Talking” hay “Night On Broadway”, nơi người nghe bắt đầu được chứng kiến Barry Gibb hát giọng giả thanh (falsetto).


Nhưng có lẽ sự xuất hiện le lói của nhạc Disco trong nhạc của Bee Gees cũng đã suýt chết yểu như thứ nhạc có tuổi đời ngắn ngủi này. Nếu như không có một sự giúp đỡ khác từ một người không mấy liên quan: John Travolta.


XÌNH XỊCH ĐÊM THỨ BẢY

Vào đầu năm 1977, anh em nhà Gibbs đang bân rộn mix album live đầu tiên của của họ (Here at Last Live) cũng như chuẩn bị thu âm cho album tiếp theo thì Robert Stigwood gọi điện.


Làm cho anh 8 phút nhạc phim đi Barry. 8 phút thôi, 3 tâm trạng. Anh cần xõa ngay đoạn đầu, đam mê ở đoạn giữa, và xõa hết mình ở đoạn cuối”. “Nhưng bọn em đang bận làm album mới” – Barry đáp.


Thế thì album mới của chúng mày sẽ là đĩa soundtrack của Saturday Night”.


Bộ phim, lúc đó còn có tên Saturday Night, lúc đó đã chiếm toàn bộ tâm trí của Robert Stigwood. Gã đã kịp ký với John Travolta, lúc đó là một hotboy dù nghiệp diễn hãy còn làng nhàng, hợp đồng cát xê 1 triệu rưỡi đô cho 3 phim.


Stigwood lao đến và ngay lập tức chọn “Stayin’ Alive” và “If I Can’t Have You” trong đống nhạc mà Bee Gees đang làm lúc đó. Miễn cưỡng ngồi nghe nhà biên kịch Norman Wexler đọc screenplay của bộ phim, anh em nhà Gibbs sau đó đã đưa cho Stigwood với demo của “Night Fever”, “How Deep Is Your Love”, và “More Than a Woman”. Quá ấn tượng, Stigwood quyết định đổi tên phim thành Saturday Night Fever.


Nhờ tài năng diễn xuất và cả những giờ tập gym tập nhảy không mệt mỏi của Travolta, cùng thứ âm nhạc khiến cho cả thế giới phải nhún nhảy theo, Saturday Night Fever sau đó thu lại 240 triệu mỹ kim, 85 lần số tiền mà nhà sản xuất bỏ ra và trở thành bộ phim thu lời cao nhất lịch sử. Đĩa soundtrack của phim bán được 15 triệu bản, và trở thành đĩa soundtrack bán tốt nhất lịch sử ở thời điểm đó.


Và dĩ nhiên, Saturday Night Fever, một album không “chính thống” của Bee Gees, đã đóng đinh họ vào dòng nhạc Disco và có lẽ cũng là thứ điển hình nhất mà mọi người thường gắn cho họ.


Bước sang thập niên 80s, Bee Gees có lẽ đã thật sự trưởng thành với đúng tuổi của họ và đã có thể tự đứng trên đôi chân của mình. Barry làm nhạc và giành hit với Barbara Streisand, Kenny Rogers, rồi cả với Dolly Parton. Kể cả khi nhạc Disco đã lụi tàn, sóng nhạc Pop đầu thập niên 80s vẫn đầy rẫy những nhạc phẩm của Barry Gibb, những thứ chắc hẳn là dành cho những người không thích nghe nhạc ở nhà mà thích nghe ở trung tâm mua sắm hơn. Robin Gibb thì tiếp tục ra những album solo khá hay như How Old Are You? mà không còn cảm giác lo lắng bị đá ra khỏi gia đình.


Bee Gees cũng tự tin tham gia bộ phim hài nhạt Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band và hát lại những ca khúc của Beatles cùng Peter Frampton cho soundtrack của bộ phim.

Quá tam ba bận, từ đó Bee Gees không cần ai cứu nữa


Bee Gees chia tay với ông bầu Robert Stigwood và hãng đĩa RSO năm 1981 sau album Living Eyes và ký với Sony vào năm 1987. Họ chuyển qua một thứ nhạc thiên về Pop Rock điện tử vào cuối thập niên 80s và đầu 90s khá hay và an toàn, nhưng có lẽ những sự bất thình lình thót tim nhưng thú vị như thời còn ở RSO và Stigwood thì đã không còn nữa.


***

Robert Stigwood nghe tiếng gõ cửa vào một buổi tối tháng 2 năm 1967. Không ai khác ngoài Paul McCartney ghé chơi. Đúng lúc cuộn băng đang mở, và giọng hát bè của ba anh em nhà Gibb đan xen lẫn nhau làm không khí trong phòng trở nên ấm áp và sống động. “Cậu nghĩ sao về kiểu nhạc này?” – “Tớ thích hội này đấy”, Paul McCartney gật gù trả lời.


Cậu ký với hội này đi”.


Hẹn gặp lại!


Kcid

1,176 views

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page