top of page

Cream: siêu ban nhạc không có số tồn tại

Lần đầu tiên trong đời, Ginger Baker có nhiều tiền như vậy. Vốn lâu nay nức tiếng trong giới jam nhạc jazz ở London, Ginger Baker vẫn chưa bao giờ kiếm được 10 bảng/tuần. Với việc bán bản hòa tấu “Waltz For a Pig” cho The Who thông qua sự cò mồi của Robert Stigwood, chủ phòng thu Reaction lúc đó đang chuẩn bị phát hành single “Substitute” cho Who. Ginger Baker được đề nghị 1 ngàn rưỡi bảng, và sau khi mất 10% tiền cò cho Stigwood, Baker vẫn còn quá nhiều tiền. Số tiền đó lập tức được tiêu vào chiếc Range Rover 2000 lúc đó vừa mới ra lò. Dĩ nhiên Ginger Baker là nghệ sĩ hiếm hoi có bằng lái xe.


Mới có xe được 3 ngày, Ginger Baker lái xe lên Oxford để xem Eric Clapton, lúc ấy mới 22 tuổi và đã nức tiếng một tay "chơi Blues mắt xanh" – cứ tạm gọi thế để chỉ những người da trắng chơi Blues – chơi cùng John MayallBluesbreakers. Ginger Baker thậm chí còn đề nghị lái xe chở Clapton về nhà tối hôm đó, và trong cuộc trò chuyện trên chiếc xe cáu cạnh, hai người quyết định thử jam cùng nhau và lập ra một band mới.


Eric Clapton, vốn trước đó không lâu vừa rời khỏi The Yardbirds bởi sự thương mại hóa quá nhanh của band này, nay cũng bắt đầu không vui vẻ với Bluesbreakers bởi họ cũng đã bắt đầu trở nên ăn khách, trong khi Clapton thì không phải lúc nào cũng có quyền lựa chọn sản phẩm âm nhạc của họ.


Clapton đề nghị với Baker để Jack Bruce, người có thời gian chơi cùng Clapton trong Yardbirds, chơi bass, và Steve Winwood, một người bạn khác của Clapton trong band Traffic, chơi keyboard. Vốn quen chơi lead guitar trong Yardbirds và Bluesbreakers, Clapton muốn có thêm nhạc cụ để làm dày cho nhạc của họ. Chỉ có một vấn đề nho nhỏ: Ginger Baker và Jack Bruce vốn quen nhau từ trong band Graham Bond Organisation (GBO), và họ ghét nhau như mẻ. Chính Ginger Baker là người đã sa thải Jack Bruce khỏi GBO, và khi Jack Bruce khinh khỉnh cho rằng tay trống làm gì mà có quyền, Ginger Baker đã móc dao ra để đuổi Jack Bruce – lần này thì té thật.


Ginger Baker đã nhượng bộ với Clapton để Jack Bruce vào band, với điều kiện họ sẽ chơi chỉ với 3 cây. Clapton đồng ý. Có lẽ Cream là nơi duy nhất mà ta thấy Eric Clapton chơi rhythm thật cần mẫn. Thay vì nhảy ra nhảy vào với những câu lick thâm thúy, Eric Clapton bỗng kìm lại và chơi nhiều hợp âm hơn, cũng như đá qua open strings để tạo phần nền cho những câu lick sở trường. Được cái, bản thân Jack Bruce cũng có thể tự chơi bass dày đặc như một tay lead guitar.

Eric Clapton chơi rhythm nhiều hơn hẳn trong Cream


Nhưng trước mắt, ban nhạc của Gaham Bond và Ginger Baker được sếp hãng đĩa Reaction, Robert Stigwood, gọi vào phòng thu để thu "Waltz for a Pig" mà Ginger Baker sáng tác để làm B-side cho một single của The Who. Stigwood đặt tên những người biểu diễn rất mập mờ là The Who Orchestra, bởi lý ra thì B-side phải là một track do chính The Who thu bởi Shel Talmy. Nhưng vì tay cáo già Shel Talmy giữ quyền phát hành tất cả các track do lão sản xuất cho The Who và quay sang kiện ngược Reaction nếu họ phát hành không có sự đồng ý của Talmy, Stigwood đã làm cuộc đánh tráo vào phút chót để phát hành single “Substitute” cho The Who. Và khán giả trong suốt mấy chục năm trời vẫn nghĩ rằng track “Waltz For A Pig” là do The Who sáng tác và thu âm.


Được cái, mối quan hệ giữa Ginger Baker và Robert Stigwood ngày càng tốt đẹp. Baker đã mang cả Clapton và Bruce tới gặp Stigwood để khoe về ban nhạc mới, và thậm chí còn đề nghị Stigwood làm quản lý cho ban nhạc. Robert Stigwood lúc đó dù chưa biết ban nhạc này định chơi thể loại gì, cũng gật đầu đồng ý. Clapton nghĩ ra cho họ cái tên The Cream of the crop, ám chỉ những thứ ngon nghẻ nhất, sau rút ngắn thành Cream.


Buổi biểu diễn đầu tiên được chính quản lý của họ, Robert Stigwood, sắp đặt ở hội chợ ở trường đua ngựa Windsor, nơi ban nhạc sát cánh cùng The Who trước đám đông 15 ngàn người. Ba vị virtuoso chỉ mang theo 3 bài, nhưng họ có thể lấp đầy thời gian đó với những màn jam hoặc solo trống cả 20 phút của Ginger Baker. Cream đúng nghĩa chỉ cần chơi mỗi bài hai lần. Đám đông phát cuồng. Còn cánh báo chí thì đua nhau gọi họ bằng những cái tên mỹ miểu, chẳng hạn như ‘Supergroup đầu tiên’.


Cream không bao giờ ngờ rằng họ được khán giả trông mong đến như vậy. Thứ nhất là bởi vì Clapton không bao giờ nghĩ mình có sức hút lớn đến thế với cái vẻ ngoài của một ngôi sao nhạc Rock cô độc đầy quyến rũ. Clapton chưa bao giờ nghĩ rằng, có rất nhiều khán giả đến xem Bluesbreakers chỉ để xem anh. Thứ hai là khả năng trình diễn siêu hạng của Ginger Baker cùng những thứ vô tiền khoáng hậu với bộ trống như cách anh dùng hai chân bass (mọi người thường chỉ dùng một) với sự kiêu hãnh trong những phần solo trống dài cả chục phút. Nếu mọi người còn nhớ, thì John Bonham, một người bạn của Baker trong Led Zeppelin, đã từng phải ca than rằng “ai mà quan tâm đến solo trống cơ chứ”. Và yếu tố cuối cùng, đó là khả năng viết nhạc tuyệt vời của Jack Bruce, người chơi bass hiếm hoi thời đó có khả năng sáng tác mà không mang cái tên Paul McCartney; cũng như sự kết hợp hát bằng hai giọng của Bruce và Clapton, người lúc đó vẫn còn chưa tự tin mấy về khả năng đứng mic của mình.


Dưới sự chèo lái của Stigwood, Cream nhanh chóng thu âm album đầu tay, Fresh Cream (1966) chỉ trong vòng 2 tuần. Với quá nửa số bài là tự sáng tác, những ca khúc nặng như “I Feel Free”, “N.S.U” nhanh chóng trở thành ca khúc ưa thích của các fan. Ginger Baker thậm chí còn tự tin trình diễn màn solo trống mang đậm âm hưởng nhạc châu Phi của mình trong “Toad”, điều mà trước giờ không mấy người muốn làm vì sợ đĩa… không ai nghe.


Nói riêng về “Toad”, nó có sức hấp dẫn đặc biệt bởi những nét dồn dập nhịp điệu châu Phi của nó. Nếu như gạt hết phần kick và snare của bài này, rất dễ để nhận thấy cái nhịp điệu châu Phi được chạy xuyên suốt trên 1 cái tom của Baker. Dĩ nhiên anh không có nện chỉ 1 cái tom, mà đôi tay của Baker chạy hết từ mặt trống này sang mặt trống khác. Nhưng rồi đó, không hiểu bằng cách nào và bằng tay nào, cái tiếng tom đều đều dồn dập đó luôn xuất hiện tại đúng thời khắc của nó, mặc cho vô vàn những tiếng trống khác xung quanh.

"Toad" - hãy thử quan sát xem Ginger Baker nện Tom Tom vào lúc nào?


Lúc đầu cứ tưởng không có ai mời bộ ba Cream biểu diễn, họ chấp nhận đi đánh với 45 bảng/1 đêm. Giá rổ nhanh chóng trở thành 75 bảng sau vài tuần, và chỉ 3 tháng sau giá của họ đã là 200 bảng, thể hiện sức hâm mộ mà họ không bao giờ ngờ tới. Thế đấy, Eric Clapton chạy trốn khỏi sự thương mại của Yardbirds và Bluesbreakers, thì nay tài năng của anh dù muốn hay không muốn cũng lại một lần nữa khiến cho Cream thành công về mặt thương mại. Có lẽ bởi vì Cream đã đem đến cho khán giả những góc cạnh và sự phiêu du hơn thứ nhạc “an toàn” của The Beatles thời đó, khi những kẻ phá cách như Rolling Stones hay The Who hãy còn chưa kịp chín muồi. Hoặc cũng có thể đám đông khán giả thừa tinh tế để nhận ra việc chứng kiến tài năng hàng đầu của những Eric Clapton và Ginger Baker là chuyện không mấy khi xảy ra.


Trong lúc đó, thành công của Cream đã đưa Stigwood đến với Ahmet Etergun, ông chủ hãng đĩa Atlantic từ bờ bên kia của Đại Tây Dương. Ahmet Etergun, với con mắt tinh tường của mình, đã nhận ra Cream sẽ có tương lai xán lạn ở Mỹ. Không bỏ qua cơ hội trời cho, quản lý Stigwood quyết định hợp tác với Ahmet Etergund để có thêm mạng phân phối ở Mỹ, đồng thời cũng có thể đưa những nghệ sĩ khác của ông, như nhóm Bee Gees lúc này vừa mới ký, để theo chân sang Mỹ. Nhất là khi album thứ hai, Disraeli Gears (1967), đã rục rịch chuẩn bị đem đi in. Tội nghiệp những con người đến với nhau để jam nhạc cho quên những ngày phải chơi nhạc kiếm tiền, thì nay lại phải tiếp tục cái vòng xoáy tàn ác đó trên đất Mỹ.

Jack Bruce có thể vừa chơi bass điệu nghệ vừa hát


Disraeli Gears mang theo track “Sunshine of Your Love”, có lẽ là track nổi tiếng nhất của Cream. Bài này đặc biệt bởi sự cách tân trong chơi trống của Ginger Baker, khi anh chơi đảo nghịch với nhịp Snare vào nhịp 1-3 còn chân Bass vào nhịp 2-4 trong nhịp 4/4 truyền thống. “Strange Brew”, “Tales of Brave Ulysses”, hay “We’re Going Wrong” đều phản ánh cái mốt của thời đó, nhạc psychedelic, và cũng đều trở thành những bài không thể thiếu trong những màn trình diễn của Cream.


Khi những buổi diễn của Cream càng ngày càng lớn, thì những chồng amply Marshall trên sân khấu của họ cũng lớn dần theo cả chiều ngang đến mức có thể xếp đầy hai bên sân khấu chỉ để chứa khoảng trống ở giữa cho bộ trống của Ginger Baker. Mỗi buổi diễn của Cream sẽ kết thúc hoành tráng bằng việc Eric chơi hợp âm cuối cùng, buông guitar và quay mặt đàn vào một chồng Marshall để cho nó feed back và ngân vang. Chưa hết, Clapton sẽ tiếp tục cầm một cây guitar khác, chơi hợp âm, và tạo feed back vào chiếc Marshall tiếp theo và cứ như vậy. Dĩ nhiên Jack Bruce thường không mấy khi thua kém cạnh về độ cool trong những chuyện như thế này, và những chồng amply Marshall thường phải chia đều cho cả hai người.


Chỉ mỗi tội, Jack Bruce thường thích vặn tiếng đàn bass của mình nổi bật hơn cả, khiến cho Clapton lâu lâu lại phải nhích âm lượng của guitar lên một chút bởi anh không thể nghe được tiếng đàn của chính mình. Jack Bruce lại tăng để to hơn Clapton, và cứ thế, âm lượng guitar của Cream ngày một lớn và giờ thì những chồng Marshall đã phải mở rộng theo chiều cao. Vấn đề là ở thời đó, không phải lúc nào giàn trống cũng được có mic.


Ginger Baker đã phải đập trống thật mạnh, chỉ để nghe thấy tiếng trống của chính mình. Đến khi giàn trống của Ginger Baker bắt đầu phải cần mic và monitor, đôi tay của Ginger Baker đã nát toét và phải dùng băng quấn các ngón tay cho những mảnh da và cả thứ nước dịch màu trắng không bắn ra ngoài. Dù sao thì điều này về sau cũng gây cảm hứng cho khối tay trống Metal, những người ưa nện mạnh bởi vì thần tượng của họ, Ginger Baker, đã từng làm như thế. Chỉ có tay trống tội nghiệp của chúng ta càng ngày càng thấy chơi nhạc trở thành một cực hình. Niềm vui jam nhạc và biểu diễn trên sân khấu đã không còn nữa.

Ginger Baker luôn phải nện trống thật mạnh bởi hai người còn lại chơi nhạc quá to


Disraeli Gears (Deraileur Gears) trong lúc đó vẫn nhận được quá ít sự ủng hộ của radio ở Mỹ. Để chinh phục nước Mỹ, Cream, đúng hơn là cặp Stigwood và Etergun quyết tâm cày ải, đúng hơn là để cho Cream phải cày ải với tour diễn kéo dài 5 tháng khắp nước Mỹ, và dù nó có thành công rực rỡ phản ánh bằng số đĩa bán được tăng vọt, cả ba nhà virtuoso đều cảm thấy mệt mỏi mới việc phải chơi cùng một set đêm này qua đêm khác, cho dù bạn có là virtuoso và giỏi phiêu đến đâu.


Clapton là người đầu tiên thấy nản và than thở với Stigwood, chỉ để nhận được sự an ủi “hãy cố thêm 1 tuần nữa”, và rồi sau đó là 1 tuần nữa, và lại 1 tuần nữa. Clapton không hề biết rằng, cả Jack Bruce lẫn Ginger Baker cũng đều gọi điện cho Stigwood. Chỉ vì cái tôi quá lớn của mỗi người mà ba người đều bị Stigwood “chia để trị”, và chiêu bài thêm tuần nữa cuối cùng cũng kéo được Cream đi hết tour diễn mấy tháng trời.


Nhưng còn cả những điều tiêu cực khác nữa. Clapton đã rất ngạc nhiên vì trong suy nghĩ của anh, nhạc Blues thuần khiết không thể nào thu hút khán giả đại chúng đến vậy. Ngồi quan sát từ phía sau sân khấu trên giàn trống, Baker có thể thấy rõ khán giả tới là để xem họ, Baker, Bruce, và Clapton chứ không có quan tâm mấy đến nhạc. Chưa kể, mối thâm thù giữa Baker và Bruce từ lâu rồi nay lại có dịp chí chóe trở lại, và thậm chí không cần giấu diếm ngay trước mặt khán giả.


Trong một lần biểu diễn, Eric bắt đầu “thái độ” khi khi đang chơi hợp âm bỗng buông tay và đứng khoanh tay. Baker cũng quyết định ngưng ngay chỗ đó và ngồi khoanh tay trên giàn trống. Cả hai đứng nhìn Jack Bruce vẫn tiếp tục chơi say sưa những nốt bass bận bịu mà không hề để ý hai vị đồng nghiệp của mình đã không còn phát ra chút âm thanh nào. Khán giả ở dưới thì vẫn hò reo. Họ cũng chả để ý là hai phần ba của Cream đang tỏ “thái độ”.


Sau buổi diễn đó, Clapton tìm đến Baker và chỉ nói đơn giản “thế thôi nhỉ”. Ginger Baker cũng đồng ý. Disraeli Gears đã leo tới vị trí số 5 trên bảng xếp hạng của Mỹ rồi đấy, còn Cream quyết định sẽ rã đám ngay khi quay về Anh.

Khi niềm vui jam nhạc không còn, Cream tự khắc tan rã


Nhưng lúc này đây, alubm tiếp theo của họ, Wheels of Fire (1968) đã gần đến ngày ra mắt. Còn Cream thì lại một lần nữa bị gã quản lý Stigwood thuyết phục chơi thêm với nhau 5 tháng nữa rồi làm tour Farewell cho hoành tráng.


Wheels of Fire ghi dấu bằng những ca khúc mang phong cách Progressive với nhịp lẻ, như đoạn mở đầu ở nhịp 5 của “White Room” khi cả bài chơi theo nhịp 4. Clapton, có lẽ đã hết hứng đóng góp, chỉ chọn 2 bài là “Sitting on Top of The World” của Howlin’ Wolf, và “Born Under a Bad Sign” của Albert King để cover trong đĩa này.


Cuộc hành trình của Cream kết thúc vào cuối năm 1968 sau Farewell tour của họ, nghĩa là chỉ 2 năm sau khi họ thành lập. Chỉ trong 2 năm đó, Cream cho ra tới 4 album (tính cả album sau khi họ tan rã, Goodbye), và leo vọt lên đỉnh thế giới như một ‘siêu’ ban nhạc đúng nghĩa. Đã có rất nhiều tiếc nuối với sự nghiệp của họ, bởi giá như họ không quá được yêu mến đến như vậy, sự nghiệp của Cream có thể đã dài hơi hơn. Tất nhiên trong số những người nuối tiếc không có mấy vị quản lý của Cream và hãng đĩa, những người đã vớ bộn từ hàng triệu đĩa được bán ra chỉ trong 2 năm.

Cream chỉ còn như cái bóng của chính họ khi diễn tour Farewell


Cho dù đó là vì sự hám tiền của quản lý Robert Stigwood. Cho dù đó là mâu thuẫn không thể thương lượng giữa Ginger BakerJack Bruce. Cho dù đó là bản tính chóng chán và ghét đám đông của Eric Clapton. Câu chuyện về Cream cuối cùng cũng phải khép lại với nhiều tiếc nuối. Có vẻ như câu chuyện của những người mong được chơi thứ nhạc phức tạp để trình diễn khả năng chơi nhạc thượng thừa cũng không khác mấy với những gã chơi nhạc đơn giản và ào ào như Punk, bởi dù họ ở 2 đầu thái cực của kỹ thuật chơi nhạc, thứ mà họ ít muốn đạt được bằng âm nhạc nhất, có lẽ là sự đại chúng.


***

Hai phần ba của Cream, gồm Ginger Baker và Eric Clapton, lại tìm đến với ông bạn chơi keyboard Steve Winwood để jam nhạc cho thỏa lòng. Lần này vị trí chơi bass là Ric Grech từ band Family. Những demo đầy hứa hẹn lại được làm ra và ông bầu Stigwood nhanh chóng đánh hơi được điều này, đã lập tức đặt chỗ cho ban nhạc đi tour mấy tháng sau đó dưới cái tên Blind Faith, mang hàm ý Stigwood mang theo 'niềm tin mù quáng' rằng ban nhạc sẽ tồn tại được đến lúc đó và chịu lên sân khấu biểu diễn.


Stigwood sau đó đã rốt ráo ép ban nhạc phải đi thu đĩa bằng được, dưới cái tên Blind Faith, và dù album cuối cùng cũng lên được giá đĩa và sau trở thành kinh điển, niềm vui ngắn ngủi được jam nhạc cùng nhau của mấy vị virtuoso bỗng trở nên đắng ngắt vì những toan tính kia.


Ngày Blind Faith chính thức lên sân khấu, cũng là ngày họ biết họ sẽ không thể tồn tại thêm. Số phận của Blind Faith cũng theo chân Cream mà tan biến chỉ sau vài show diễn nhạt nhòa.


Blind Faith chưa bao giờ muốn đi biểu diễn như thế này


***

Một phần ba của Cream, giờ chỉ còn Eric Clapton, lại rủ mấy người bạn Mỹ da màu là Carl Radle (bass), Bobby Whitlock (keyboard), và Jim Gordon (trống) từ ban nhạc Delaney and Bonnie, tới để jam. Họ gọi band của họ là Del and The Dominos (Eric có biệt danh là Del), hy vọng rằng danh tánh của Clapton có thể được giữ bí mật.


Họ rất nhanh chóng vào phòng thu để thu mấy track cho album All Things Must Pass của ông bạn thân George Harrison, và kịp ghi âm album trong đó lấy track "Layla" nói về Pattie Boyd Harrison, vợ George, làm single. Chả hiểu thế nào tên trên đĩa của họ lại trở thành Derek and The Dominos. Không muốn đi vào vết xe đổ nức tiếng của CreamBlind Faith, Clapton không cho phép quảng bá album này và chỉ diễn trong hội trường nhỏ với danh tánh của ban nhạc được giấu kín.


Nhưng kết quả thế nào thì ai cũng biết, vì khi tin "Derek là Eric" bắt đầu bị "ai đó" xì ra, Derek and The Dominos nhanh chóng bị cuốn vào vòng xoáy lưu diễn để rồi họ cũng không thể ra album thứ hai vì Eric Clapton quyết định rời band để giành thời gian cho vợ mới của mình, Pattie Boyd, và Mai Thúy mà thôi.


Và từ thời điểm đó, dường như Eric Clapton đã tiêu xài hết cái sự may mắn dành cho cả cuộc đời mình.


(Có thể xem thêm về những thăng trầm của Eric Clapton tại đây)


R.I.P Ginger Baker (06/10/2019)

R.I.P Jack Bruce (25/10/2014)


Hẹn gặp lại.


Kcid

655 views

Recent Posts

See All
bottom of page