top of page

Big K.R.I.T. và tình yêu với con loa Subwoofer

Bạn có tin âm nhạc có thể cảm nhận qua xúc giác không? Đó là âm thanh bass rung bần bật qua sàn, tường và đồ vật xung quanh. Khi một căn phòng kín bật nhạc thì thứ âm thanh có thể phát ra được tới bên ngoài may ra chỉ còn tiếng bass. Nó giống như mấy thanh niên cưỡi xe ô tô ngoài phố ở Mỹ trong mấy bộ phim Hollywood, ngoài tiếng bass dập dình đập thình thình, ta không nghe được rõ thêm những gì họ đang bật cho đến khi cửa kính ô tô được kéo xuống. Lúc đó các âm mid và treble cùng làn khói thuốc nghi ngút mới tràn ra ngoài.


Bạn có bao giờ nhận ra một bài quen thuộc khi chỉ nghe được âm bass vẳng vặng từ xa không? Nó kỳ diệu tới mức khi một bài nhạc ta vốn nghe quen đầy đủ các dải âm với tiếng bass trộn lẫn trong đó, thì khi chỉ còn tách biệt đúng nó ra thì vẫn đủ gợi nhớ về một ca khúc quen thuộc. Đó là vì tiếng bass mang cái linh hồn của bài nhạc như nhịp đập của quả tim, vừa đập theo nhịp điệu, vừa bập bùng cùng vòng hoà âm của bài.


Đó là lý do mà rapper Big K.R.I.T. có một thứ tình yêu đặc biệt với thứ âm thanh phát ra từ con loa Sub này. Tới độ anh đã sáng tác phải đến 5 bài để ca ngợi thiết bị chuyển tải âm thanh trầm quyến rũ đó, gồm: “My Sub”, “My Sub (Pt. 2: The Jackin’)”, “My Sub Pt. 3 (Big Bang)”, “Subenstein (My Sub IV)”, và “Ballad Of The Bass (My Sub V)”. Tuy nhiên ở đây tôi không đi sâu vào cả 5 bài này. Thay vào đó chúng ta tìm hiểu cách sản xuất làm beat và câu bass của anh rapper đa tài đến từ miền Nam nước Mỹ này.

Big K.R.I.T. là một trong số ít các rapper hầu hết tự sản xuất beat, cũng như mix nhạc, và rap, với các kỹ thuật đều vẹn toàn và đạt chất lượng cao. Trong sự nghiệp âm nhạc với 13 bản mixtape, 5 EP và 5 album, K.R.I.T. tự sản xuất phải hơn 70% số track trong đó, mà không cần bất kỳ một trợ giúp nào, cả sau khi anh ký hợp đồng với Def Jam. Việc tự sản xuất beat bắt nguồn từ việc quá nghèo để có thể bỏ tiền mua nhạc nên anh tự mày mò, ban đầu bằng mấy trò làm nhạc trên máy điện tử Playstation. Cho đến lúc có được mạng lưới liên hệ với vô vàn nhà sản xuất nhạc lừng danh qua kênh Def Jam, K.R.I.T. vẫn cần mẫn chỉ đặt niềm tin phần lớn vào sản phẩm nhà làm: “sạch sẽ” và “chất lượng”.


Trong chương trình show Rhythm Roulette chuyên thử thách các producer, Big K.R.I.T. đến một cửa hàng đĩa vinyl. Anh bịt mắt kín và phải chọn bừa ngẫu nhiên ra 3 đĩa ở cửa hàng và mang về phòng thu. Tại đây, xem K.R.I.T. ngấm qua nhạc của 3 tác phẩm lạ hoắc này, bắt được khoảnh khắc hay để mượn làm sample, rồi chế vào thành beat. Ở một album, anh chọn phần nhạc âm sắc soulful và funky, rất đặc trưng cho nhạc Hip Hop miền Nam nước Mỹ. Ở album khác, anh chọn đoạn nhạc có tiếng đàn piano. Và ở album còn lại, anh mỉm cười nhắm ngay câu keyboard giai điệu. Đã thế, vì là rapper, K.R.I.T. làm luôn việc mà các producer khác tham gia chương trình không làm được, đó là viết lời rap, thu âm và đảm nhiệm cả câu hook, không thèm mượn thêm câu hát nào từ 3 album kia. Sản phẩm hoàn chỉnh vẫn tuyệt mỹ dù bắt nguồn từ 3 đĩa nhạc lựa chọn ngẫu nhiên.


Quay lại với âm nhạc của chính Big K.R.I.T. khi không bị bịt mắt, mà được chủ động lựa chọn, những đoạn beat anh làm với những câu bass càng thực sự bùng nổ.


Trong bài “Life” trong album tuyệt hay Cadillactica đã dẫn dắt tôi đến với nhạc của K.R.I.T., câu bass từ đàn synth điện tử chơi như sau:

Ở khúc dạo đầu này không có trống, chỉ độc tiếng bass. Nhưng K.R.I.T. lại vẫn đánh các nốt bass đa phần vào nhịp lẻ, lệch phách. Thứ giữ nhịp duy nhất chỉ là tiếng tít tít rất nhẹ đằng sau. Như ở trên ta chia 4 khuông nhạc (measure) với 4 nhịp chính mỗi khuông và tiếng bass chỉ xuất hiện theo đánh dấu chữ “b” bên dưới. Âm bass đầu đánh ngân kéo dài, xong nốt bass thứ hai tréo ngoe ở ngay giữa hai khuông nhạc, không vào nhịp số 4 cũng chẳng vào nhịp số 1 sau đó, tạo nên độ căng về nhịp. Sự cân bằng chỉ đưa về ở khuông nhạc thứ 3 khi âm bass đánh đúng vào đầu nhịp số 1. Sự lệch lạc, lại còn thiếu phần trống ở khúc đầu này tạo sự mơ hồ như chính tiếng đàn keyboard cao vút ngân nga ở trên, dẫn dắt tới đoạn hook, khi toàn bộ trống điện tử xuất hiện dồn dập, một không khí đối lập đầy sức sống rộn ràng qua âm bass bập bùng, đúng như câu K.R.I.T. rap: “I found life”.

Ở bài “Mind Control”, tiếng vuốt dây bass nuột ngay giây đầu tiên, tiếp nối những câu slap bass cho phần intro hẳn do một nhạc công bass đảm nhiệm. Tuy nhiên, như cách Big K.R.I.T. thường làm, anh sẽ đánh phần giai điệu bass bằng keyboard rồi nhạc công kia chơi lại để tạo hiệu ứng funky. Từ nhỏ đã được học đàn cello, nên điểm mạnh của K.R.I.T. là có thể đọc bản nhạc và có cảm âm tốt với những nốt trầm. Nhờ vậy, khi bắt đầu chính thức vào bài, câu bassline mà anh nghĩ ra cho “Mind Control” vô cùng hay. Nó phủ đầy bài rap, trồi lên, lặn xuống, mượt mà, ấm áp như mấy lời đường mật rót vào tai mấy cô gái mà Big K.R.I.T. và hai khách mời E-40Wiz Khalifa đang thể hiện qua phần lời có nội dung cua gái của mình.


Đã là nói về tiếng bass và loa Sub thì không thể không nói tới series track tôn thờ con loa này của Big K.R.I.T. mà tôi có đề cập ở đầu bài. Trong số 5 bản đó, tôi thích nhất track số 2: “My Sub (Pt. 2: The Jackin’)” nằm trong album phòng thu đầu tiên của anh, Live From The Underground. Để đẩy hết công suất con loa Subwoofer này, K.R.I.T. chơi các nốt bass cực thấp. Âm trầm kéo dài rồi giật rung mọi thứ nếu bạn bật qua loa Sub khủng đặt trên sàn nhà. Cách làm nhạc mà K.R.I.T. đối với các track mang đặc tính riêng này được cân bằng với âm thanh keyboard như tiếng chuông lung linh nhẹ bẫng lơ lửng ở trên, làm nhẹ đi tiếng bass trầm đặc phía dưới. Một số các hiệu ứng nhạc khác được thêm vào cho đủ màu sắc, nhưng ấn tượng nhất là cách K.R.I.T. dùng tiếng hi hat. Nó không gõ đều đặn mà đảo nhịp ở đầu tạo không khí chill nhún nhảy như chiếc xe ô tô mấy thanh niên Mỹ chế thêm mà ta hay xem trên phim. Tới nửa cuối đoạn hook, tiếng hi hat bỗng chốc nhanh dồn dập làm phần beat này như chiếc xe bứt phá tăng tốc.


Ngoài tiếng bass và các âm sắc khác nhau trên đàn keyboard mà K.R.I.T. chơi mỗi khi làm nhạc, anh còn sử dụng cả tiếng kèn trong “Banana Clip Theory” tạo màu sắc jazzy, hay tiếng đàn organ và phần hát ngân nga hoà âm đằng sau trong “Keep The Devil Off” mang màu sắc gospel, và nhiều nữa…


Nhưng nếu chỉ dừng ở beat thì chưa đủ với một rapper thuộc hàng tài năng mà bị ngó lơ như Big K.R.I.T. Là đại diện xuất sắc của miền Nam, K.R.I.T. tiếp bước theo những huyền thoại đồng hương anh thần tượng như Outkast, Scarface.


Nhờ hiểu về nhạc lý, lại nắm sâu về dải âm trầm chuyên giữ nhịp độ, kỹ thuật flow của anh vì thế rất tốt. Anh có thể biến đổi tốc độ rap từ chậm sang nhanh, giữa các nốt móc đơn móc kép, nốt chùm, trong cùng một đoạn. Không những thế K.R.I.T. còn có khả năng hát, nên anh mang cả chút giai điệu vào trong lời rap, khiến chúng luôn tạo sự lôi cuốn tới đôi tai người nghe.


Trong bài “Get Up 2 Come Down”, tại verse thứ hai, K.R.I.T. kéo cao giọng và dài ở “serving up game” níu chậm lại, rồi sau đó rap nhanh “super the bowl”, và “diamonds and gold” như để cân bằng lại đoạn trước đó, giống hệt cách anh tạo độ căng ở nốt lệch phách của đàn bass trong bài “Life” kể trên. Lối láy âm, đặc biệt trong phụ âm được tận dụng tại “paper paper”, “playa pimp”, “go getter”; và cách chặt nhỏ các từ đa âm, đọc ngắt ra để tạo hiệu ứng trong “Put it in motion, roll- | -er- | -coast- | -ting, peep | the | fo- | -cus of a go-getter”, cũng là để láy âm “rollercoasting“ với “peep the focus”, dù không hoàn toàn đồng âm nhưng khi chẻ ra nghe lại rất thuận. Để tách flow được vậy, thế mạnh về nắm chắc nhịp điệu của trống và bass của Big K.R.I.T. giúp ích rất nhiều cho kỹ thuật này.


Ở bài “Cadillactica”, flow của K.R.I.T. có tốc độ nhanh mượt và biến đổi liên tục, từ nốt nhanh móc kép đến chùm 3 đằng sau, hoàn hảo, không lỡ một nhịp nào. Câu hook độc đáo “Cadillac-lac-lac-lac, Cadillac-lac-lac-lac / Cadillac-lac-lac-lac, Cadillac-lac-lac-lac—lac” láy từ tạo âm sắc rất lạ.


Về nội dung của lời rap, trong bài “Life”, mượn câu chuyện về người phi hành gia bay vào không gian tìm sự sống, cả đoạn lời bài rap mang một ý nghĩa ẩn dụ về chính K.R.I.T. đang đấu tranh đi tìm một lý tưởng trong cuộc sống.

I keep her picture upon my dash

And I wish her the best of luck, that's if I crash

I saw a flash just the other day while I was making haste

Could be reaching, but I found a beacon attention base

I get paranoid swerving around these asteroids

Lord forbid I have to abort my mission

But it gets hard when you searching in the dark

For that one and only spark

I think I see what's missing


Đoạn lời trên tựa như những vần thơ rất đẹp, mà lại đa nghĩa.

I found life

I found life

I found life upon this planet

Damnit, I've been damaged

But I I can manage

I won't take this for granted, life

“Life” tựa như là một hướng đi mới trong âm nhạc với album Cadillactica mà K.R.I.T. nay tìm được.


Hoặc như trong bài “Banana Clip Theory”, giọng hát của anh rất mượt và soulful, dù vậy nó không thấm gì so với lúc câu rap anh bắt đầu kể:

I heard a gun the other day

It spoke to me and told me power

Was the only thing that we could lose

So don't be afraid to let it shower

On them, if they ever run up at my door

It came with a red dot, for sure shot, and a silencer on the low

I had to stop and pause and think about it

While it gave me its resume

Told me no better way to protect myself

In this world we live in

Cause they killing up women and children

Ain't nothing like having one on hand

Cause if you draw down first you'll be the man

Then you'll pop your trunk and demand


Cái cách Big K.R.I.T. viết về bạo lực mới đẹp làm sao. Tiếng súng đanh chát được ví như đang nói chuyện với anh. Nó kể cho anh rằng quyền lực mới là thứ cần giữ, và đừng chần chờ mà không xả cơn mưa đạn vào đám người bước tới cửa nhà anh


Đến cả chùm series các bài về loa Subwoofer nghe chừng có vẻ nông cạn thì K.R.I.T. vẫn có cách tạo được ý nghĩa sâu hơn của nó. Như với “My Sub Pt. 3 (Big Bang)”, anh ví âm thanh loa Sub của mình như vụ nổ Big Bang tạo ra một vũ trụ mới theo đúng concept về vũ trụ của album Cadillactica. Hoặc anh ví con loa khủng đó trong phần “Subenstein (My Sub IV)” như con quỷ Frankenstein đội mồ sống dậy. “It's too live for the pictures on your wall to survive” - nó rung quá sống động khiến tranh treo trên tường phải rớt xuống. “Automatic quake make em' automatic shake / It's hard to feel your face, way on Mars feel the bass / Make a Martian, make Earth a target to get a taste” - nó rung chấn lớn tới mức cơ mặt không còn cảm giác, và người sao Hoả phải mò tới.

Âm thanh bass và tình yêu của Big K.R.I.T. dành cho nó vô tình là nguyên căn cho anh sản xuất nhiều bản beat thực sự “cháy” và “đậm đà”. Hơn nữa, anh còn mang tới cách flow nhịp nhàng và uyển chuyển như tiếng bass, lời rap sâu sắc như những nốt trầm của nó. Bảo sao đa phần những ai đã nghe kỹ nhạc của anh đều nghiện. Chỉ tiếc là so với những rapper nổi lên cùng thời như Kendrick Lamar, J. Cole, Big Sean, Mac Miller, thì Big K.R.I.T. dường như không có được spotlight như vậy. Anh vẫn chỉ quanh quẩn là nghệ sĩ cặm cụi tự mình làm nhạc và trình làng các sản phẩm của mình để thoả mãn đam mê. Hy vọng sự nghiệp của anh một ngày sẽ như cái nghệ danh của mình: K.R.I.T. = King Remembered In Time (tạm dịch là “Vị vua mà mọi người rồi đến lúc cũng sẽ nhớ tới”).


Hẹn gặp lại!


Kunt

138 views

Recent Posts

See All
bottom of page