top of page

Boney M. và Milli Vanilli: Fararouille ngoại truyện

“Bạn sẽ làm gì khi mình có trong tay một bản hit, một ca sĩ có giọng hát tuyệt vời nhưng lại không mang vẻ bề ngoài thu hút, và một nghệ sĩ có khả năng trình diễn điêu luyện dù không biết hát?”


Sau đây là câu chuyện về một chú Chuột "ngồi trong chiếc mũ" và giúp nhiều người được tận hưởng nghệ thuật qua "đôi tay" của một người khác.


CẢNH BÁO: sự thật của câu chuyện có thể gây mất lòng với những ai yêu mến Boney M và Milli Vanilli!

***


Chú chuột Frank lớn lên ở Saarbruecken gần với biên giới nước Đức và nước Pháp, và cũng gần với khu căn cứ quân sự Mỹ đóng quân. Frank có một tình yêu âm nhạc nhờ vào cái máy đĩa hát cũ kỹ bị bỏ rơi ở khu căn cứ này. Mỗi lúc đám lính Mỹ vắng mặt, cậu lại lục những chiếc đĩa than ra nghe. Chú chuột không nghe nhạc của Beatles, mà mê mẩn âm nhạc của những nghệ sĩ da màu như Sam Cooke, Little Richard, Otis Redding. Frank còn bắt chước hát theo âm điệu của thứ nhạc đến từ nước Mỹ của những con người gốc Phi này.


Khi lớn hơn, Frank bắt đầu hát cho các đám chuột ở những khu khác nghe. Tiếng tăm của cậu bay xa. Tài năng của cậu không những mang tầm vóc của những con người nghệ sĩ mà đám chuột sinh sống gần đó, mà nó còn khác lạ với thứ âm nhạc tại đất nước Đức ở bên này bờ Đại Tây Dương. Frank đủ khả năng hát lại những bản hit nhạc Soul và cậu còn kiếm được thêm một số chú chuột khác để lập nhóm The Shadows.


Tất cả cũng chỉ dừng ở đó. Frank muốn làm nhạc và đưa chúng tới khắp nước Đức, cả Châu Âu và thế giới. Nhưng loài người nào ai muốn nghe một chú chuột biết hát cơ chứ?


Trong khi đó, âm nhạc Pop của nước Đức thì phát triển với những âm thanh tươi sáng với nhịp điệu vui tươi qua các âm thanh điện tử nhằm mang lại niềm vui tới khán giả trong quốc gia này. Đến những bài nhạc tình yêu cũng được điện tử hóa, điều khiến cho chú chuột Frank chỉ càng đau đáu nỗi niềm chuyển tải âm nhạc đầy cảm xúc và chất Soul cho loài người tại đây.

Vào tháng 12 năm 1974, Frank mới mày mò thu âm trên giàn mix nhạc của người chủ nhà làm nghề sản xuất nhạc mà cậu cư trú sau hốc tường của căn hầm nhà. Chú chuột mới mượn bài hát “Al Capone” của Prince Buster phát hành vào thập niên 60 để chế lại thành một bài mới dưới cái tên “Baby Do You Wanna Bump?”. Frank dùng hiệu ứng để hát câu hát chính bằng giọng bass trầm đặc, cũng như phần điệp khúc theo giọng giả thanh. Hứng thú lắm, chú chuột mới tự đặt một tên nghệ danh trên bản thu này là Boney M. mà Frank tình cờ mượn từ chữ “Boney” trong đoạn credit của seri phim thám tử mà cậu vẫn hay xem trộm từ chiếc tivi của người chủ nhà bật lên mỗi tối.


Nhờ qua mấy chú chuột trú tại mấy văn phòng làm việc của các DJ tại đài phát thanh, Frank tuồn bản thu âm này vào. Khi bài nhạc được mấy DJ tò mò nghe và phát thử trên sóng, “Baby Do You Wanna Bump?” đã trở thành bản hit kha khá tại Đức, Hà Lan và Bỉ. Rồi người ta mới bàn tán không biết nhóm nhạc Boney M. là ai. Nhưng Frank không thể lộ diện được. Ai mà thèm nghe giọng hát từ một con chuột chứ? Thấy vậy, chú chuột Frank quyết định làm một điều liều lĩnh: nói chuyện với loài người để tìm ra kẻ phù hợp đứng tên cho nghệ danh Boney M. đó.


Vì chuyện cấm kỵ và thù ghét giữa hai loài, cũng không hề dễ dàng cho Frank để tiếp cận được những người phù hợp. Frank bèn mò tới khu căn cứ của quân đội Mỹ. Cuối cùng cậu cũng chỉ thuyết phục được 4 nhân vật: Liz Mitchell, Maizie Williams, Marcia BarrettBobby Farrell để trở thành nhóm Boney M. – một cái tên đã có chút tiếng tăm cả từ trước khi có thành viên chính thức.



Trong nhóm 4 người này, chỉ có Liz Mitchell và Marcia Barrett là biết hát, còn hai người kia thì không. Bù lại cả 4 người đều có khả năng vũ đạo và biểu diễn trên sân khấu. Frank quyết định đặt thành viên nam duy nhất – Bobby Farrell này ở vị trí trưởng nhóm, bất chấp việc Bobby không hát được chất giọng mà Frank kỳ vọng. Để lồng giọng cho Bobby, mỗi khi Boney vào phòng thu hay lên sân khấu, Frank sẽ trốn trong bộ tóc afro của anh này và điều khiển những cử động khuôn mặt và khẩu hình để mấp máy theo giọng hát mà chính Frank hát bằng giọng thật của mình. Và thế là Bobby chỉ việc tập trung vào vũ đạo và trình diễn. Thành viên nữ không biết hát còn lại - Maizie Williams cũng vậy. Cô chỉ cần mấp máy môi theo hai cô còn lại. Khi mà giọng hát của hai nữ đã hòa vào nhau thì khán giả cũng không ai để ý đến chuyện tìm hiểu giọng ca nữ thứ ba ra sao. Đấy là chưa nói tới việc cái thời nhạc Disco thịnh hành bấy giờ tại Châu Âu, việc hát nhép khi trình diễn cũng không phải là chuyện to tác gì. Do đó, chú chuột Frank càng dễ dàng tham gia cùng hoặc đứng ngoài chỉ đạo nếu Boney M. không phải hát giọng thật.


Mối quan hệ giữa Frank và Boney M. bỗng nhiên thành một mối quan hệ đôi bên có lợi. Về phía 4 thành viên loài người, họ có được danh vọng và tiền bạc. Về phía chú chuột Frank, cậu đạt được ước mơ dấn thân vào ngành công nghiệp âm nhạc bằng cách pha trộn giữa âm thanh nhịp điệu điện tử được chuộng tại Đức và Châu Âu bấy giờ, cùng với những giai điệu đơn giản mà lại rất bắt tai, dựa trên các bài hát của thiếu nhi. Hơn cả, công việc này giúp Frank mượn được hình ảnh những nghệ sĩ biểu diễn da màu người Mỹ, nay sinh sống tại nước Đức để thể hiện thứ âm nhạc mang yếu tố nhạc của những người gốc Phi mà cậu hằng ước mơ thực hiện.


Khán giả không ai mảy may nghi ngờ. Ngược lại, họ còn bị ấn tượng bởi giọng nam trầm ồm đặc trưng và lạ tai của Boney M., ngược hẳn với kiểu hát giọng giả thanh thường thấy ở các nghệ sĩ nhạc Disco khác như Bee Gees, Donna Summer hoặc ban đồng hương Đức – Modern Talking. Sự thành công của Boney M. đến cùng lúc với sự trỗi dậy của nhạc Disco, nhưng cũng phải nhờ cả khả năng trình diễn với đầy năng lượng và sự cuốn hút của 4 người, trong đó đặc biệt là chính anh Bobby Farrell. Chỉ là không một ai biết rằng giọng hát trầm ồm tiêu biểu của nhóm này lại là từ chú chuột Frank.


Cũng không có gì là khó hiểu khi Bobby dần dà cảm thấy mình đóng vai trò “con rối” trong tay của Frank. Sự mâu thuẫn giữa anh này và Frank dẫn đến việc Bobby từng rời nhóm, và sau đó cũng quay lại trong thời gian ngắn trước khi Boney M. tan rã.


Mặc dù vậy, giờ đây khi nắm giữ trong tay nhiều mối quan hệ, kinh nghiệm và vốn liếng, chú chuột Frank quyết định tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình theo cái cách tương tự.


***

Cái tên Boney M. chưa bao giờ vượt qua được ranh giới nước Mỹ, do vậy mục tiêu của Frank là thâm nhập thị trường này, bằng thứ âm nhạc mang nét Hip Hop hơn.


Chú chuột này mới nhặt ra bài “Girl You Know It’s True” từ ban nhạc Numarx để chế lại ra một bài hit. Lấy chất liệu Hip Hop của nó và pha chế với nhạc Dance. Và rồi Frank tìm mấy ca sĩ để hát phụ họa, cũng như một anh tên Charles Shaw về rap trong bài này. Tiếp đến, cậu kéo thêm hai ca sĩ khác là Brad Howell và John Davis để thu âm vocal. Tất cả họ đều là những cựu lĩnh Mỹ nay tìm kế sinh nhai tại nước Đức.


Một lần nữa Frank bỗng dưng có được bản hit nổi khắp châu Âu dưới một cái tên khác - Milli Vanilli, nhưng cậu cũng lại chưa có khuôn mặt đại diện.


Frank gặp được Rob PilatusFab Morvan. Cả hai đều có vẻ bề ngoài thu hút, nhưng hát thì rất chán. Tóm lại họ chính xác là mẫu nghệ sĩ hoàn hảo mà chú chuột Frank đang tìm kiếm. Và thế là Rob và Fab sẽ có mặt ở studio nhưng không làm gì cả. Về tối đêm thì anh ca sĩ Brad Howell kể ở trên sẽ lẻn vào thu âm tới 4h sáng mà không một ai nhìn thấy. Chính xác là không một ai được biết.


Chuột Frank nhắm tới thị trường Mỹ, nhưng cậu không bao giờ ngờ “Girl You Know It’s True” lại thành một bản hit với 7 triệu bản bán ra ở đất nước này. Milli Vanilli sau đó lại có thêm tiếp 5 bản hit khác gồm “Blame It On The Rain”, “Girl I’m Gonna Miss You”, “Baby Don’t Forget My Number” và “All Or Nothing”. Đến lúc này thì mọi việc càng phải được giấu kín và Rob và Fab – 2 khuôn mặt đại diện của Milli Vanilli phải giả vờ diễn theo đến cùng.


Chỉ là lần này, Frank không trực tiếp thu hát nữa mà dùng giọng ca của các ca sĩ khác. Vì thế cậu không thể làm cái chiêu trốn trên bộ tóc của anh Rob hoặc anh Fab để điều khiển và hát trực tiếp. Các màn trình diễn của bộ đôi này do đó hoàn toàn được hát nhép một cách hoàn hảo, cho đến ngày….


… Milli Vanilli có lịch diễn trước 80.000 người tại công viên Lake Compounce ở Bristol, bang Connecticut năm 1989. Cặp đôi Fab và Rob vừa nhảy vừa hát nhép như mọi khi, cho đến lúc đoạn lời của phần điệp khúc vang lên “Girl you know it’s, girl you know it’s, girl you know it’s…”. Mỉa mai thay cái từ “true” không thể bật ra được từ mồm hai anh chàng này vì bản playback đằng sau bị vấp. Giọng hát được thu âm sẵn cứ tắc mãi ở khoảnh khắc đó khiến Rob và Fab hoảng loạn và chạy khỏi sân khấu, đấm ngay lão quản lý và trốn trong chiếc xe buýt dùng để chở họ đi diễn.


Lúc ấy cả Rob và Fab không thể tự hát tiếp theo được. Không chỉ vì hai anh này hát không hay, mà còn do âm điệu accent giọng đặc sệt Đức của Rob và Pháp của Fab sẽ lộ ra ngay lập tức khi chúng khác xa âm điệu chuẩn Mỹ của những ca sĩ thu âm đằng sau đều là những cựu lính Mỹ về vườn. Dĩ nhiên sự nghi ngờ cũng hẳn có len lỏi trong đầu những tay nhà báo khi họ phỏng vấn hai anh chàng này và nghe rõ accent khác biệt một trời một vực. Có những từ tiếng Anh mà như anh Fab còn không thể phát âm rõ ràng, ví dụ như nếu anh hát giọng thật trong bài “Girl I’m Gonna Miss You” thì anh không thể đọc nổi từ “miss”. Âm điệu của từ đó phát ra từ miệng Fab nghe sẽ ra thành "meeeees”.


Vậy nên, bất chấp những lời cầu khẩn của Rob và Fab với Frank để cho họ được hát bằng giọng thật của mình. Sự việc đã đi quá xa và khi tất cả đã đâm lao thì đều phải theo lao. Nhất là khi chỉ cần Rob và Fab hát một câu nhạc nào bằng giọng thật, thì ngoài tiếng hát chỉ loanh quanh mức trung bình của họ, tiếng Anh sẽ luôn là ngôn ngữ cản trở để Milli Vanilli có thể giữ được thị trường tại nước Mỹ.


Kỳ quặc là sau sự cố tại show diễn ở Bristol ngày nọ, Milli Vanilli vẫn ẵm giải tại American Music Awards và thậm chí thắng cả giải Grammy cho Best New Artist năm 1990.


Những nghi ngờ về việc Rob và Fab thực sự ghi âm giọng hát của mình trong đĩa nhạc đã phát hành càng được dấy lên khi Charles Shaw (anh chàng góp phần rap trong bản ghi âm) tiết lộ rằng anh là một trong ba giọng ca thực sự của album đó và cả Rob và Fab chỉ là những kẻ mạo danh. Frank bèn trả ngay cho Charles khoản tiền 150.000 USD để “bịt miệng” anh này. Nhưng mọi việc cũng dần bị phanh phui.


Giữa sức ép của công chúng đòi biết được sự thật liệu hai anh kia có đúng là những giọng ca trong album của Milli Vanilli hay không, cả Rob và Fab lại càng lo lắng. Hai anh đòi Frank cho cơ hội để cả hai được hát bằng giọng thật của mình.


Thấy vậy, ngày 14 tháng 11 năm 1990, Frank gửi thông báo việc giải tán Milli Vanilli và thừa nhận là Rob Pilatus và Fab Morvan không phải là những ca sĩ như mọi người tưởng. Ngay sau đó hội đồng Grammy đã quyết định thu hổi giải thưởng. Người hâm mộ thì tức giận đòi lại tiền mà họ đã trả cho việc mua đĩa và đi xem show của nhóm nhạc này.


***

Vụ việc xảy ra với cả Boney M. Milli Vanilli đều là những vết nhơ trong lịch sử âm nhạc. Có thể với trường hợp của Boney, sự giả tạo ít nghiêm trọng hơn chút vì có được 2 trên tổng số 4 thành viên là hát giọng hát thật của họ. Tuy vậy, vụ bê bối đó vẫn ảnh hưởng tới danh tiếng của cô ca sĩ thực thụ Liz Mitchell sau này.


Và dĩ nhiên những kẻ bị Frank giật dây để như những con rối được điều khiển từ xa, bao gồm Bobby Farrell của Boney M., Rob Pilatus Fab Morvan là chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Frank Farian

Trong câu chuyện này, dĩ nhiên các bạn thừa biết chả có con chuột nào như chú chuột đầu bếp dễ thương Remy trong bộ phim hoạt hình “Ratatouille” của hãng Pixar với ước mơ vào bếp nấu nướng. Mà Frank chính là Frank Farian – nhạc sĩ và nhà sản xuất nhạc người Đức. Trùng hợp thay là trước khi theo nghiệp âm nhạc, Frank lại học nấu ăn tại nhiều nhà hàng. Có thể ông chưa bao giờ theo cái tư tưởng “Ai cũng có thể nấu ăn” / “Anyone can cook” như chú chuột Remy học từ người đầu bếp mà cậu thần tượng, nhưng có vẻ như Frank lại có một suy nghĩ “Ai cũng có thể đóng vai một người nghệ sĩ”.


Frank đã từng gặp nhiều cản trở và vấp ngã thời trẻ, khi ông muốn làm nhạc của người da màu tại đất nước Đức mà không được tiếp nhận. Khác với Mỹ, ở quốc gia nơi ông sinh ra, một ca sĩ da trắng không nên hát nhạc da màu. Vì sự thất bại đó mà Frank mới có lẽ nảy ra ý định tìm những gương mặt đại diện phù hợp hơn để ông giật dây điều khiển từ xa. Những nghệ sĩ ông chọn vì thế đều là những người gốc Phi, có sức hấp dẫn trên sân khấu, nhưng không nhất thiết phải biết hát. Cái tư tưởng “Ai cũng có thể đóng vai một người nghệ sĩ” của Frank bị bóp méo lệch lạc, bởi quan điểm người yêu nhạc chỉ biết coi trọng nghệ thuật trình diễn.


“Bạn sẽ làm gì khi mình có trong tay một bản hit, một ca sĩ có giọng hát tuyệt vời nhưng lại không mang vẻ bề ngoài thu hút, và một nghệ sĩ có khả năng trình diễn điêu luyện dù không biết hát?”

Chính thế nên Frank đã tìm những mảnh ghép không hoàn hảo để gắn chúng lại và tạo dựng nên một nghệ sĩ mang thân xác và linh hồn âm nhạc của những con người khác nhau. Và Frank cũng chính là một trong những mảnh ghép không hoàn hảo đó.


Chỉ là ông được bù đắp bằng những khoản tiền kếch xù đến từ những thành công thương mại. Sau Milli Vanilli, danh tiếng của Frank vẫn không xi nhê gì. Ông tiếp tục tạo ra những nhóm hát nhạc Dance khác, gồm La BoucheNo Mercy (bộ ba đã có bản hit “Please Don’t Go” và “Where Do You Go” đình đám một thời trên thế giới và cả tại Việt Nam). Lần này có vẻ là những nghệ sĩ này hát bằng giọng thật. Tuy nhiên nói gì thì nói, không ai có thể phủ nhận tài năng âm nhạc của Frank và đặc biệt đôi tai "nhạy bén với các bản hit" của ông.


Những mảnh ghép khác không được may mắn được như vậy. Vụ việc vỡ lở của Boney M. và mối quan hệ không tốt đẹp giữa Bobby Farrell và Frank Farian đã dần đẩy Bobby tìm tới rượu và chất gây nghiện. Bobby mất năm 2010 tại St. Petersburg, Nga do trụy tim. Ngày tháng và nơi ông mất cũng tình cờ trùng hợp với Grigori Rasputin, nhân vật trong bài hát nổi tiếng của Boney M.


Còn với Milli Vanilli, kết cục thảm cũng xảy đến với Rob Pilatus khi anh chết vì dùng thuốc và rượu quá liều tại một khách sạn ở Frankfurt, Đức vào năm 1998. Cái chết của Rob xảy ra ngay trước khi Rob có cơ hội đi quảng bá album mới – Back And In Attack, mà lần này anh và Fab Morvan thu âm giọng hát thật của mình, nhằm lấy lại tiếng tăm và danh dự.


Về câu chuyện của Boney M. và Milli Vanilli, có lúc tôi giật mình liệu còn có nghệ sĩ nào mà nhiều người ưa thích nhưng cũng chỉ là “phông bạt” cho những trò giật dây đằng sau của những kẻ như Frank Farian mà chưa được tiết lộ hay không?


Hẹn gặp lại!


Kroon

2,717 views

Recent Posts

See All

2 Comments


Uyên Emi
Uyên Emi
Nov 27, 2022

Bài này viết hay quá ạ!! 👏👏

Like
K.K.N.
K.K.N.
Nov 27, 2022
Replying to

Cám ơn bạn nhé!

Like
bottom of page