top of page

Children of Bodom: Alexi Laiho sáng vẫn chói quá

Updated: Jan 2, 2022

Thế là cuối cùng năm mới 2022 cũng đã lê lết tới nơi. Chả hiểu sao mấy ngày cuối năm 2021 này, tôi cứ phấp phỏng đếm từng ngày một cho tới năm sau, hy vọng không có thêm một ai phải ra đi vào dịp cuối năm này. Cũng có lẽ bởi vì cú sốc quá lớn dành cho những fan của âm nhạc nặng cũng vào tầm này năm trước, khi một trong những ngôi sao sáng nhất của dòng nhạc Metal lẫn bộ lạc thiểu số của những anh hùng guitar cái thế, Alexi Laiho, đã mãi ngừng chơi nhạc ở tuổi 41 vào cái ngày định mệnh cuối năm 29/12/2020. Độ tuổi ra đi có lẽ không quá trẻ như những thần tượng của chính anh, nhưng lại quá sớm cho chúng tôi, những fan còn sót lại ở bên này thế giới của anh.


Tôi vẫn còn nhớ như mới ngày hôm qua, lần đầu tiên tôi được nghe Children of Bodom (COB) với âm thanh đặc trưng của họ thời cách đây đã cả hai chục năm. Có thể lúc đầu trong trí óc non nớt của tôi cũng hơi thấy ghê ghê về thứ âm nhạc chết chóc (hồi đó còn tưởng mấy anh chơi black metal hay death metal hát thiệt làm thiệt), nhưng vẫn luôn bị ám ảnh bởi thứ âm thanh kỳ vĩ và độc đáo của họ. Quan trọng nữa, lần đầu tiên tôi có cảm giác tự hào bởi thế giới nay đã xuất hiện một thứ nhạc mới cực kỳ độc chiêu và được làm ra từ một người ở tầm tuổi giống như từ thế hệ của mình chui ra.


Quả thật dù thời điểm đó đã có kha khá vốn heavy và power metal, tôi vẫn không thể tưởng tượng ra có những người có cách chơi cầu kỳ và chăm chút đến từng nét nhạc cụ đến như vậy. Tiếng guitar nặng như chắc nịch, cộng với tiếng keyboard lạnh lẽo vừa có thể solo vừa có thể xé toang không khí vào cuối mỗi câu nhạc như nhạc kịch đầy cao trào. Tiếng trống như búa bổ. Đó là sự kết hợp tuyệt vời giữa kỹ thuật, tốc độ, sức mạnh, và cả sự biến hóa trong nhạc cổ điển hòa quyện với nhau trong những nhạc phẩm dài cỡ 6 phút. Nếu nói về kỹ thuật hay chiến thuật, có thể có nhiều người làm được như họ, nhưng Alexi Laiho cùng các đồng đội đã quá xuất sắc trong việc cho tất cả vào trong một thứ nhạc của họ. Có lẽ vì thế dù mọi người có gọi họ là ban nhạc chơi thrash hay melodic death metal, thì COB cùng thứ nhạc nghẹt thở của họ vẫn luôn một mình một cõi trong tất cả các thể loại nhạc, để rồi sau đó có quá trời những nghệ sĩ chịu ảnh hưởng của họ sau này cũng cố làm theo và chỉ tự biến mình thành trò cười. Cũng may thời đó chưa có Dragonforce, chứ nếu không khéo tôi cũng kết họ luôn như là một bản sao không hoàn hảo của COB.


Cũng phải chú thích thêm rằng những lời trên đây là từ một kẻ không hay nghe nhạc hát gầm gừ. Có lẽ COB vượt lên trên các band Death/Black Metal khác mà tôi không nghe được, là bởi họ viết ra những bài hát hay và trọn vẹn. Bạn biết là viết bài hát hay thì "đơn giản" thế nào rồi chứ gì: giai điệu, sự biến chuyển, cấu trúc bài, cao trào, và cách giải quyết. Hoặc giả tôi cũng chỉ là kẻ ở một nửa thế giới mù mờ không biết mấy về nhạc gầm gừ.


COB tỏa sáng rực rỡ nhất khi họ mới bắt đầu, và cũng là khi họ cũng chưa có nhiều khán giả. Để rồi khi họ thực sự nổi tiếng và đông người nghe rồi, khán giả bắt đầu quay lại khen họ rằng đĩa mới của COB có bao nhiêu phần là giữ được cái gốc. Hy vọng năm 2022 tôi sẽ có thời gian nghe lại toàn bộ discography của COB và chọn ra album hay nhất của họ, cũng như tìm ra được cái “gốc” mà mọi người hay nhắc là gì.


Nhưng từ giờ đến lúc đó, xin được chia sẻ 5 điều tôi luôn bị ám ảnh từ tay guitar yểu mệnh này.


1. Guitar hero nhỏ bé

Dù đến từ Bắc Âu lạnh giá, nhưng Alexi Laiho lại không hề bự con. Thậm chí vóc dáng của anh có phần mỏng cơm khi so sánh với những người chơi nhạc khác, qua cách anh đứng cùng cây đàn. Quan trọng hơn, vẻ bề ngoài của Alexi Laiho cùng với thứ âm nhạc mà anh tạo ra khiến ta có cảm giác Alexi có vẻ gì đó rất gần gũi và đáng thương. Có thể anh có tuổi thơ nhọc nhằn, có thể anh hay bị bắt nạt hồi nhỏ vì có ngoại hình không giống ai với móng tay đen sì. Tôi không chắc tất cả những thứ này là đúng nhưng cũng không thể ngưng phán đoán theo chiều hướng như vầy từ cái vỏ bọc bên ngoài mà Alexi Laiho lẫn COB xây dựng.

Nhưng ẩn trong cơ thể mảnh khảnh đó là một năng lượng vô tận có thể tuôn trào qua những nốt nhạc trên cây đàn như một vận động viên điền kinh nước rút, lại cùng lúc có khả năng vận công và hát giọng khàn đặc như một đô vật kiên cường. Show liền show, đĩa liền đĩa, Alexi Laiho có khả năng cày ải liên tục suốt đêm này qua đêm khác vừa ở vị trí lead guitar, vừa là ca sĩ chính, lại cũng là người dẫn dắt ban nhạc với khả năng viết nhạc không ngừng nghỉ.


Ấy vậy mà theo lời của Roope Latvala, tay guitar số 2 của COB trong thời gian từ 2004 đến 2015, thì Alexi Laiho lại không phải dân ưa vận động mà suốt ngày nằm lì một chỗ trừ phi shop đồ ăn nhanh ở ngay bên cạnh. Latvala còn nhấn mạnh rằng Alexi Laiho “chả cần ăn, chả cần ị, đâm ra sức khỏe có vấn đề là đúng - nhất là khi Alexi Laiho uống whiskey suốt ngày mà chả ăn gì”. Và dĩ nhiên khả năng hủy hoại bản thân của anh không phải là câu chuyện một đêm. Đó là cả một quá trình gần hai chục năm.


COB bắt đầu đón nhận những hậu quả của sự phập phù trong sức khỏe của Alexi Laiho từ năm 2011, khi anh bị đau dạ dày cấp, nôn ra máu suốt nhiều giờ đồng hồ, và phát hiện ra bị viêm loét dạ dày khi được chuyển vào bệnh viện. Rất nhiều show diễn ở Mỹ đã phải hủy bỏ. Alexi Laiho không có vấn đề gì khi phải đọ với những người đi diễn cùng xem ai có khả năng tiệc tùng và uống ghê hơn, mà quên đi mất cái thân hình mảnh khảnh vốn đã không được chăm sóc nhiều từ lâu lắm rồi.


Chắc hẳn chỉ có tài năng guitar của Alexi Laiho là áp đảo được sự nát rượu của anh. Không để thế giới phải chờ lâu, năm 2008, Alexi Laiho chiến thắng giải Dimebag Darrell Shredder Award của tạp chí Metal Hammer, và một năm sau đó thì được chọn là Best Metal Guitarist bình chọn bởi khán giả của Guitar World. Nhưng ngược lại thì Alexi Laiho trước đó lỡ mất show diễn tưởng niệm cho Dimebag Darell vì xỉn quá té gãy tay, và sau đó bê nguyên cả bang bột lên chụp hình cùng Steve Vai Zakk Wylde cho tạp chí Guitar World.

Xin thông báo: hình này không ghép

2. Hatebreeder và Follow The Reaper

Tôi nghĩ một nửa số fan của COB sẽ chọn Hatebreeder (1999), còn nửa kia sẽ chọn Follow The Reaper (2000), là album đã đưa Children of Bodom lên tầm của những ban nhạc metal hay nhất thế giới. COB trình làng tới thế giới ngay trong album thứ hai và thứ ba của họ, thứ âm nhạc cầu kỳ có cấu trúc phức tạp, phần nhạc nếu không có lời cũng đủ chất lượng như một bài hòa tấu, và những kỹ thuật chơi nhạc cầu kỳ của 5 thành viên trong những bài hát cỡ 6 phút. Một điều hiếm thấy ở thời điểm ngập tràn nhạc pop của các boyband, nhạc rock thì không còn guitar solo, và đừng quên là trò chơi Guitar Hero thì mãi đến 2005 mới được phát hành.


Không biết có phải vì các COB đến từ đất nước Bắc Âu lạnh giá nên các anh em dành nhiều thời gian để chơi nhạc với nhau trong nhà hơn là lêu hêu ở ngoài không? Nhưng đúng là âm nhạc của COB được xây dựng rất cầu kỳ với hòa âm phức tạp và những nốt nhạc chạy giữa các hợp âm được chọn lựa kỹ càng, mà nói thực ngoài họ ra thì tôi không mấy tin những người đến từ những nền văn hóa khác có thể làm ra được thứ âm nhạc đầy kiên nhẫn như vậy.


Cũng vì là dân Bắc Âu, nên giai điệu và tính “progressive” đã là thứ ăn vào máu mủ của COB. Nhưng họ không đưa nó vào lời hát, mà thay vì thế, vào phần nhạc của mình. Nếu có một điều gì đó tôi hiểu ra được từ Follow The Reaper, thì đó là chất giọng gầm gừ của Alexi Laiho đóng vai trò như một nhạc cụ hơn là một giọng hát. Bởi vì phần “nhạc” của họ không hề thiếu – người nghe chỉ đơn giản phải tự hòa trộn giữa lời lẽ trong phần hát với giai điệu của phần nhạc cụ, và đâu đó là cả những ý tưởng được ngụ ý trong phần nhạc đầy biến chuyển của COB. "Bodom After Midnight", “Hate Me”, và đặc biệt “Kissing the Shadows” là những track như vậy. Hãy thử nghe lại COB, gạt bỏ phần hát đi và lẩm nhẩm phần lời trong đầu trên nền nhạc và hy vọng bạn sẽ có một trải nghiêm tuyệt vời.


Và điều tuyệt vời nhất ở hai album này, với tôi, có lẽ là sự hết mình một cách "ngây thơ" của họ, những nghệ sĩ trẻ mới ở ngưỡng tuổi 20 với một luồng năng lượng vô tận và sự thèm khát được chinh phục và nhìn thế giới ở dưới chân của họ. Giống như Aerosmith, giống như Guns N Roses ở những thập niên trước đó, COB có thừa sự “nguy hiểm” trong họ để tàn phá thế giới này. Chỉ ngặt mỗi một điều là họ đến từ Bắc Âu.


3. Sự can đảm

Tréo ngoe vậy đó, dù cho HatebreederFollow The Reaper ngày nay xứng đáng trở thành những album kinh điển và có mặt ở bất cứ giá đĩa của một metal head nào, thì ở thời điểm đầu thập niên 2000s, COB không có bán được đĩa như kỳ vọng. Có thể nhạc của họ quá phức tạp so với Heavy Metal truyền thống, cũng có thể vì lối hát gầm gừ mang âm hưởng hiếu chiến của dân Viking không phải là thứ dễ chấp nhận với những người dân yêu hòa bình khắp nơi. Alexi Laiho và các đồng đội đã phải bẻ lái chuyển hướng.


Và đó cũng là một trong những cú bẻ lái tôi thấy đáng nhớ nhất, cũng như sự nể trọng tôi dành cho Alexi Laiho đã tăng lên bội phần. COB đã tinh giản âm nhạc của họ và mang nó tới gần với Thrash Metal hơn. Kết quả là Hate Crew Deathroll ra năm 2003, album có lẽ là thành công nhất của Children of Bodom, và cũng là album đã đưa họ tới những sân khấu lớn như ở Mỹ.


Tôi nhớ “Needled 24/7”, track mở màn với tất cả những gì hoa mỹ trước đây đã được lược bỏ và thay vào đó là những câu riff đập vào mặt. Tôi cũng nhớ “Angels Don’t Kill” và cảm giác đầu tiên khi nghe track này đúng là “hợp âm ăn khách đây rồi”.


Và từ đó, các album của COB không bao giờ rời khỏi vị trì hàng top trên bảng xếp hạng của Phần Lan quê nhà của họ nữa. Họ đã bán được tới 250 ngàn đĩa ở một quốc gia có dân số chỉ 5 triệu người. Nghĩa là gần như xấp xỉ mỗi 5 gia đình thì có 1 gia đình nghe nhạc của COB, aka melodic death. Một đất nước tuyệt vời.

Ở trên bình diện thế giới, có thể nói tất cả các album của COB từ đây (trừ Blooddrunk 2008), tôi biết chắc họ đều sẽ thành công. Dù rằng, đâu đó trong nhạc của COB, những cú lick loang loáng đầy tính kịch nghệ đã ngày một ít dần và được thay bằng những cú riff nặng dễ nghe, nhưng cũng khó nhớ hơn.


4. Bàn tay phải ma thuật

Cây đàn của Alexi Laiho không có neck pickup mà chỉ có bridge pickup. Có người nói rằng anh quá giỏi để tạo ra đủ loại âm thanh bằng miếng gảy, cần nhún và núm vặn volume rồi, nên không còn quá quan trọng việc có nhiều pickup nữa. Có người thì cho rằng, anh đã tạo ra được âm thanh đặc trưng của mình từ pickup phía ngựa đàn, và quyết trung thành với nó.


Riêng tôi thì thấy Alexi Laiho có nhiều khoảng trống với dây đàn và làm được nhiều chiêu trò hơn khi không có một chiếc pickup chiếm chỗ ở đó. Nhìn bàn tay phải của Alexi Laiho nắm chiếc pick và nhảy múa trên 6 dây đàn là cả một nghệ thuật. Thời gian bỗng chợt như chậm lại và bàn tay của Alexi Laiho – mềm dẻo một cách khó tin – như động và chạm vào mỗi dây đàn nâng niu như những món đồ quý dễ vỡ vậy. Mỗi nốt nhạc được phát ra từ cây đàn đều có chủ ý và cảm xúc khác nhau, để nó phải “kêu” được đúng như ý của anh, và đến đây khi xem và nghe lại những lần biểu diễn live của COB mới thấy, Alexi Laiho hiếm khi nào chơi sai một nốt. Đó là từ một người vừa phải hát, vừa chơi rhythm, và chơi lead guitar.


Hãy cùng nhau xem lại track “Are You Dead Yet” mà Alexi Laiho chơi một mình dưới đây và tưởng tượng rằng đó là một track instrumental. Nó có đầy đủ yếu tố làm nên một track instrumental tuyệt vời: cấu trúc, giai điệu của guitar theo cách mà giọng hát không thể làm được, kỹ thuật, và cả những chiêu trò biến hóa. Và sau tất cả, Alexi Laiho còn đặt thêm một lớp nhạc cụ là giọng của anh lên thứ âm nhạc này nữa.


Nói như vậy cũng để nói lên những đóng góp từ những người còn lại trong COB về phần nhạc. Điển hình là tay trống Jaska Raatikainen, ông bạn thân từ thời niên thiếu và có lẽ là người hiểu Alexi Laiho đến từng nốt nhạc, người vừa có khả năng nện trống cực mạnh vừa có khả năng riff bộ trống của mình theo từng câu đàn của Laiho. Đó là sự bổ trợ tuyệt vời của Janne Wirman, tay keyboard có xuất thân chơi piano nhạc jazz nhưng mê heavy metal của những Stratovarius hay Yngwie Malmsteen. Đó còn là tay bass mẫn cán Henkka Seppälä, người không bao giờ ngại đua tốc độ cùng Alexi Laiho. Và đó còn cả những người chơi rhythm cho anh như Roope Latvala, những người không bao giờ được thừa nhận tài năng xứng đáng chỉ vì phải chơi cạnh một bậc virtuoso.


Thật chẳng khác gì anh thủ môn dự bị cho Gianluigi Buffon trong đội tuyển Ý cả. Tôi cũng chả nhớ anh đó tên gì nhưng có vẻ giỏi.


5. Và sự vui vẻ không bao giờ thiếu trong âm nhạc

Khi tôi biết thêm một chút về văn hóa phương Tây, tôi cũng dần hiểu ra được rằng mấy tay nhìn dữ tợn chơi Black hay Death Metal nọ hóa ra toàn là phường tếu táo cả. Xin chừa vài chỗ cho mấy tay tín đồ liều chết của Satan, nhưng chắc chắn COB không nằm trong số đó. Thế nên sau khi ngộ ra mấy cái sự hát hò về chết chóc và gào rú tối tăm kia thì, bỗng nhiên tôi lại được dịp gật gù vì nhạc của COB có những yếu tố vui vẻ lạ thường.


Hẳn nhiên rồi, với những gã ưa tiệc tùng như COB, tôi xin cá với chiếc giày của mình rằng vui vẻ và sự trào phúng là điều không thể thiếu đã dung dưỡng cái sự thích uống và nghịch phá của họ suốt bao năm. Và dường như để bung lụa cho những trò vui vẻ của mình, COB còn ra hẳn một album cover Skeletons in the Closet đúng nghĩa là “nhái” lại nhạc của người khác, theo cách nửa gầm gào nửa tếu táo. Đó là câu riff bằng đàn banjo trong “Looking Out My Back Door” cover lại của CCR. Đó là đoạn solo cực vui trong track nghe có vẻ nghiêm trọng “Hell is for Children” hay "Somebody Put Something In My Drink". Nhưng đỉnh nhất thì hẳn là “Rebel Yell“ của Billy Idols, với cách hát gầm gừ đặc trưng nhưng nghe như đang phùng mang trợn má bắt chước theo Billy Idol trước đây. Người nghe không thể không bật ra tiếng cười trong họng của mình và lắc đầu “bựa thật” vì cái tay Alexi Laiho này như đang diễn hài nhại trên bài hát của người khác.


Và cứ như thế COB và âm nhạc của họ đã khiến cho những người nghe phải nhìn sang những band Black Metal từ Bắc Âu khác theo kiểu "các cậu trông ghê đới, nhưng tôi biết tỏng các cậu chỉ đùa cho vui thôi".


***

Thế đấy, bạn trở nên nổi tiếng vì tạo ra được một thứ độc đáo, nhưng vẫn phải lo kiếm sống bằng cách làm những nghề dễ ăn, để rồi mãi đến khi đầy đủ rồi mới dám quay lại làm thứ mình yêu thích ban đầu, nhưng chưa kịp làm gì mấy thì đã tạch. Những dự án mới manh nha cùng band mới, Bodom After Midnight, đã chưa bao giờ thành hình thù trọn vẹn.


Alexi Laiho đã phải làm quá nhiều trong COB, từ sáng tác và hòa âm cho tới biểu diễn guitar và hát. Nhưng gã trai trẻ kiên cường đó đã không bao giờ chùn bước trước mỗi cơ hội “gánh team” của mình. Có người nói, những nguồn sáng sáng hơn mức bình thường sẽ tắt thậm chí còn nhanh hơn.

Thế mới nói Alexi Laiho đã khiến thế giới này không thể quên gã được.


Yên nghỉ anh nhé.


R.I.P.


Kcid

1,091 views

Recent Posts

See All
bottom of page