top of page

Guns N' Roses: Chinese Democracy rồi sẽ được ghi nhận? (pt. 3)

Tôi không chắc có nhiều người thích Chinese Democracy. Đơn giản vì nó không mang vẻ đẹp tàn phá của Guns N' Roses (GNR) truyền thống.


Nhưng hãy thử nhìn những con số xung quanh album này xem nhé. Nó đứng ở vị trí số 3 của Mỹ, số 2 ở UK, và bán được hơn 1 triệu đĩa ở châu Âu và có vẻ như được ưa chuộng ở châu Âu hơn cả ở Mỹ (!!?!) Ở thời điểm cuối thập niên 2000s khi nhạc Rock truyền thống đã thoái trào, hơn 3 triệu album bán được của Chinese Democracy gần bằng cả hai đĩa bán chạy nhất của Marilyn Manson là Mechanical Animals (1.4 triệu) và Antichrist Superstars (1.9 triệu) cộng lại, và nhiều tất thảy số lượng bán được của các album của “đối thủ truyền kiếp” Mötley Crüe sau thập niên 80s. Xem ra, nếu xét về những ngóc ngách mà Axl Rose tìm tòi trong album này, đặt trong bối cảnh những thứ âm nhạc “kén người nghe” ngày một kén hơn, và chưa kể với đội ngũ thay như thay áo của GNR, thành công của Chinese hoàn toàn chấp nhận được, và thậm chí đến bây giờ ở thập niên thứ ba của thế kỉ 21 rồi, Chinese vẫn luôn làm một album có thể nghe lại bất cứ lúc nào từ trên giá đĩa của tôi.


Tôi chắc chẳng bao giờ có thể kể được một câu chuyện hay như cách của Kink, nhưng hôm nay sẽ thử đứng ở vị trí của Axl Rose để đi tìm lời giải thích cho những bí ẩn to đùng từ việc Axl RoseSlash bỗng dưng không nhìn mặt nhau vào năm 1996, cho tới việc đĩa Chinese Democracy phát hành chậm tới 10 năm so với dự định. Như một sự trêu ngươi với mọi lời đồn đoán ác ý, GNR đã tái hợp sau 20 năm và đã cùng nhau đi diễn suốt từ năm 2016 đến giờ vẫn chưa thôi, lại còn hứa hẹn sẽ ra album, và rồi sẽ còn gì nữa?


Vậy thì sau đây là mấy giả thuyết viễn tưởng của tôi về việc tại sao Chinese lại không bán được nhiều như kỳ vọng, hoặc chí ít là được ưa thích như kỳ vọng trước khi GNR tái hợp. Biết đâu đấy, bạn sẽ có thể cho album này thêm một cơ hội nghe lại?


1. Không nhiều người chấp nhận Axl Rose đúng là thiên tài

Đây có lẽ là sự thật khó có thể chấp nhận nhất đối với rất nhiều người, đơn giản là vì tính cách chảnh chọe, không coi ai ra gì, và nhất thời cư xử theo cảm xúc của Axl chắc hẳn đã đi vào kho tàng của vô số những kỳ tích. Tệ hơn, những thể hiện xấu xí đó đã che đi thực tế Axl Rose là một thiên tài âm nhạc.


Slash và các đồng đội luôn nhắc đến một bản thu âm của Use Your Illussion 1 và 2 khác. Đó là bản thu không có phần synth của Axl và mang âm sắc dữ dội và tàn phá y như đĩa Appetite của họ, thứ khiến cho GNR trở nên nguy hiểm bậc nhất thế giới. Nhưng không ai ngoài những người trong cuộc được nghe bản thu đó. Cả thế giới đều đón nhận âm thanh của Use Your Illussion 1 và 2 như là một thứ mang sức nặng nhưng đẹp một cách hoành tráng như một võ sĩ quyền anh hạng nặng ẩn những cơ bắp của mình dưới lớp áo choàng lụa mỏng manh, và tưởng như sự kết nối giữa các nhạc Rock với giàn nhạc cổ điển đã đạt đến mức thăng hoa.


Trừ việc, tất cả phần giao hưởng đều là synthesizer được tạo ra bởi Axl Rose. Từ rất nhiều buổi tối. Sau khi tất cả các thành viên khác đều đã đi về sau phần thu ban ngày.


Phải chăng Axl Rose làm điều đó vì không cần thiết phải hỏi ý kiến những người khác trước khi sản phẩm cuối cùng ra lò, bởi tất cả các ý tưởng về album của GNR thì chỉ có một mình Axl Rose nghe được từ trong đầu của mình mà thôi. Chưa kể, band nhạc toàn bạn thân với nhau kiểu như GNR thì cũng không có anh nào đủ vai vế lớn hơn hẳn mà cầm trịch chức trưởng nhóm. Chẳng phải khi Axl loay hoay với mớ synth, mấy tay kia cũng hầu như không tìm hiểu thêm mà để mặc gã làm gì thì làm đó ư?


Kế hoạch khá rõ ràng: Axl Rose sẽ làm một lèo tất cả các bài và để khi mọi người nghe sản phẩm cuối cùng, lúc ấy đã quá muộn và nhạc cũng đã quá hay để thay đổi.


Rõ ràng thời điểm năm 1991 là lúc GNR, dù muốn hay không, cũng phải chuyển mình. Với ưu thế của một kẻ ở thế kỷ 21 nhìn lại, tôi đoán chắc rằng những ai nhận định tốt tình hình đều cảm thấy lo lắng với sự trỗi dậy của những nhóm nhạc đến từ Seattle, và thế giới dường như sau những biến chuyển to lớn về thời sự những năm đầu thập niên 90s dần thích lắng nghe âm nhạc “than thở” và “phàn nàn” nhiều hơn là âm nhạc “bất cần” cùng tiếng guitar solo réo rắt.


Là một thiên tài như Axl, gã hẳn đã có sẵn định hướng cho GNR: bớt đi phần nặngđa dạng hóa âm nhạc của họ bằng phần synth và keyboard. Ở vị thế đó, ban nhạc có đến 6 cây sẽ không cần thiết phải cạnh tranh với đám đến từ Seattle chơi với 3 hay 4 cây nữa, mà có thể đường hoàng tạo ra một con đường cho riêng họ trong một thời gian dài, hoặc là với Progressive Metal, Blues Rock cách tân, hoặc là với Industrial Rock.

7 track đầu của Chinese cực kỳ tuyệt vời


Khi Izzy Stradlin nghỉ, đã dăm lần bảy lượt Axl Rose mời Dave Navarro, tay guitar đa thể loại của Jane's Addiction vào đánh cặp với Slash, chỉ để nhận lấy cái lắc đầu nguầy nguậy vì Slash không cần người đánh guitar đôi với mình. Sau khi Gilby Clark bị cho nghỉ sau đĩa Spaghetti Incident?, việc lôi kéo một tay guitar khác vào band hẳn là nằm trong chủ đích của Axl Rose để gây hấn và giành quyền ảnh hưởng với Slash. Từ nhưng tên tuổi lớn như Zakk Wylde đến những tên tuổi bé như Paul Tobias đều có vinh dự dạo qua chơi và thu nhạc của GNR và Slash. Và cái tên cuối cùng đã làm được điều đó: khiến Slash nổi giận và dứt khoát ra đi vào năm 1996.


Quả nhiên không hay ho chút nào, nhưng tại sao Axl muốn đẩy Slash đi?


2. Slash không chơi thể loại Industrial Metal

Slash chắc chắn đã có tên trong ngôi đền vĩnh cửu của những nghệ sỹ nhạc Rock tài danh nhất, thậm chí từ rất lâu trước khi anh không còn có thể chơi đàn trên thế giới này nữa. Slash là vậy, anh vẫn luôn chơi những thứ đi ra từ trong trái tim và bản ngã của mình mà không cần phải nắn theo một thứ gì khác. Với bản tính nghĩa khí hơn người, không quá khó đoán Slash sẽ sẵn sàng bỏ GNR mà không cần đòi hỏi gì một khi giọt nước tràn ly. Không có gì quá đáng giá để giữ chân Slash trong cái mớ bòng bong với Axl. Axl thì quá giỏi trong việc làm mích lòng người khác rồi.


Nếu thử nhìn sự nghiệp đồ sộ của Slash dưới vai trò nghệ sĩ độc lập, có thể thấy nhạc của anh viết sẽ hay nhất hoặc là khi được chơi với sức nặng, độ bật nảy, và khả năng va chạm xé toang không gian, hoặc là khi chơi với những bản nhạc màu sắc Blues đa chiều với sự biến đổi mang tính chương hồi.


Axl Rose cũng đã có lần để Slash làm những thứ theo cách của mình đấy chứ, chính là album Spaghetti Incident chơi toàn Punk và Glam Rock theo đúng cách của Appetite. Khối người hẳn đã cho rằng Spaghetti chỉ là bước chuẩn bị cho một album nặng và cuốn, nhưng rốt cục, rất nhiều phần đóng góp của Slash chuẩn bị cho album tiếp theo của GNR đó đều đã không được sử dụng, và sau trở thành It’s Five O’ Clock Somewhere, album solo đầu tay của Slash dưới cái tên Slash's Snakepit.


It’s Five O’ Clock Somewhere và album sau đó Ain't Life Grand của Slash đều là thứ khoái khẩu của các Slash fan lâu năm, nhưng ở thời điểm giữa thập niên 90s, nó thực sự chìm nghỉm. Nó hoàn toàn không phù hợp với bối cảnh âm nhạc lúc đó.


Tưởng tượng lúc này Axl Rose đến với lời đề nghị: chúng ta hay chơi Industrial Metal, thứ vẫn có thể giữ được sự tán phá, sự biến đổi trong âm nhạc, lẫn việc có chỗ cho tất cả sự sáng tạo hừng hực của mọi người. Chỉ cần một chút sự thay đổi đó là tiếng đàn guitar điện thường sẽ phải phát ra âm thanh khác lạ chứ không nhất thiết phải kêu như tiếng guitar nữa, còn tiếng trống thì phải thật “lỳ đòn” chứ không cần nảy tưng và kích thích nữa.


Quên mịa cậu đi” – tôi nghĩ Slash đã nói vậy với Axl – “Cây Gibson sẽ không bao giờ kêu thứ âm thanh đó


Dĩ nhiên chuyện này chưa thấy sử sách nào kể, nhưng chúng ta hãy cứ bay lượn trong những điều thần bí của bài viết này.


Và cùng thời điểm đó, Nine Inch Nails cho ra The Downward Spiral còn Marylin Manson thì có Antichrist Superstar như để chứng minh rằng Industrial Rock là thứ cũng đáng kể đấy.


Nhưng Slash thì bỏ cuộc chơi Guns N’ Roses mất rồi.


3. Tìm người thay Slash không dễ

Dĩ nhiên khi bạn được sở hữu tên ban nhạc nguy hiểm nhất thế giới và có thể tự mình chọn các cây ưng ý, việc thành công hẳn chỉ là chuyện sớm muộn. Trừ việc kiếm người thay tay guitar sừng sỏ như Slash, mới quả nhiên đáng lo.


Như để khẳng định ý đồ trên của tôi, việc đầu tiên Axl Rose làm là tuyển Robin Finck, lead guitar của Nine Inch Nails vào GNR. Xem ra phần nền của industrial Rock có vẻ ổn.


Không chỉ thế, Axl Rose còn thành công trong việc giữ chân đệ tử trung thành, Dizzy Reed để chơi keyboard và cùng Axl biến hóa các ý tưởng về giàn synth.

Ở trên giàn trống, hai tay quái đản là “Brain” Mantia và sau là Frank Ferrer đều là những tay trống xuất thân từ trống Jazz và đều chơi cho những thành phần chơi đầy đa dạng và đương đại.


Nhưng rồi, vấn đề muôn thuở vẫn ở đó. Ron Thal “Bumblefoot” và cả dị nhân Buckethead đều tham gia Chinese Democracy với vai trò lead guitar, nhưng xem ra phần guitar solo đáng nhớ của đĩa này vẫn chỉ loanh quanh ở mấy track đầu như “Chinese Democracy”, “Better”, “Street of Dreams”, hay “Madagascar”. Nói như vậy nhưng không thể không khen ngợi phần rhythm guitar của cả album này, với điển hình rất nhiều và không biết bao nhiêu bè guitar được chơi chồng lên nhau. Nhẩm sơ sơ, hẳn phải có đến ít nhất 8 tay guitar đã cùng nhau thu đĩa này ở những thời điểm khác nhau.


Và khi được chứng kiến tận mắt Slash trở lại cùng Axl RoseDuffy trong tour diễn mới đây của GNR, Not In This Life Time, và những ca khúc trong Chinese Democracy được chơi bởi Slash, có thể dễ nhận thấy ngay 2 thái cực: những ca khúc mang âm hưởng “Illusion” như “Street Of Dreams”, “If The World”, “There Was A Time”, hay “Madagascar” sẽ dễ được Slash làm nổi bật lên hẳn, so với những ca khúc mang âm hưởng “Nine Inch Nails” kiểu như “Chinese” hay “Shackler Revenged”.


Đâm ra, kể cả có một tài năng xuất chúng như Slash vào thời đó cũng không giải quyết được hết phần guitar cho những ý tưởng đa dạng trong Chinese Democracy. Và nếu có “cái tôi” chình ình của Slash ở đó, cũng sẽ không có cửa để chơi 3 hay 4 cây guitar cùng lúc để tạo ra thứ nhạc đa dạng và dày cộm như cách Axl muốn.


Axl hẳn đã thuộc lòng lý thuyết “Money Ball” – tên của bộ phim nổi tiếng có sự góp mặt của Brad Pitt nói về sự kết hợp của rất nhiều tài năng bóng chày trong cùng một đội, mà mỗi người chỉ được sử dụng ở đúng thời điểm của họ - một cách thật hợp lý và hài hòa. Cỗ máy GNR trong Chinese dường như đã bỏ đi một ngôi sao hạng nhất và thay vào đó ba ngôi sao hạng hai.


4. Sáng tạo là vô hạn, nhưng thời gian thì có hạn

Nhiều sao thật đấy, nhưng có lẽ Axl Rose lần này chèo lái con thuyền của riêng mình gánh theo đến hơn chục con người không liên quan với nhau lắm, hẳn mệt hơn rất nhiều việc gánh mấy ông rách rưới nhưng tự đi chơi được với nhau thời Appetite.


Rất nhiều nhà sản xuất danh tiếng đã được Axl Rose mời đến để sản xuất Chinese Democracy, từ Moby chuyên gia nhạc sàn, John Beavan chuyên gia sản xuất cho NIN, rồi cả cụ già Roy Thomas Baker người sản xuất cho Queen, và cả tượng đài Andy Wallace nhạc gì cũng sản. Nhưng có vẻ ngần ấy người là ngần ấy âm sắc khác nhau và vấn đề quan trọng hơn cả là Axl Rose thì vẫn chưa tìm được âm thanh ưng ý cho mình, bởi đã trót dấn thân sang một nơi thật khác lạ.


Năm 2005, tức là 3 năm trước khi Chinese Democracy ra kệ đĩa, hãng Geffen đã tiêu cho GNR tới 13 triệu Mỹ kim mà album vẫn chưa thu xong. Đến nay đây vẫn là khoản tiền kỷ lục để thu một album nhạc Rock.


GNR và Axl chưa bao giờ thiếu nhạc để thu. Bằng chứng là họ luôn vào phòng thu trước mỗi album với khoảng 30 – 40 bài. Khả năng viết nhạc của Axl cũng như các đồng đội cũ thì cực đáng nể, nhưng có lẽ để làm nhạc theo tư tưởng hay thay đổi nhất thời của Axl mới là chuyện khó.


Chưa kể, mỗi năm chậm trễ lại là một lần Axl phải thu thêm phần nhạc và sản xuất lại để đảm bảo thứ âm nhạc trong Chinese không bị âm nhạc thế giới bỏ lại quá xa.


Tôi cho là phần nhạc của Chinese Democracy xứng đáng với tất cả công sức bỏ ra để sản xuất nó. Phần mở đầu tuyệt vời với 3 ca khúc liên tiếp “Chinese Democracy”, “Shackler’s Revenge”, và “Better” có thể làm thỏa mãn bất cứ các fan nhạc Rock mới nào từ Nu Metal, Modern Rock cho đến những fan già hơn lâu nay ưa thích Industrial Metal và Alternative. Tiếp sau đó là 4 ca khúc với phần hát tuyệt vời của Axl Rose, từ “Street Of Dreams”, “If The World”, “There Was A Time”, và “Catcher In The Rye”, đưa khán giả trở về với âm hưởng tiếp nối thời -Illussion.


Có lẽ nếu như đến đây “Sorry”, “Madagascar” và “This I Love” hoàn toàn có thể kết lại album với 10 bài, thì những track xen vào giữa như “I.R.S” và đặc biệt là track cuối “Prostitute” bỗng khiến cho phần kết của album này bị kéo dài ra một cách không đáng, và khiến mọi thứ bỗng trở nên hơi rối dù những track này cũng không tồi.


Cũng có thể việc có quá nhiều track gây rối ở cuối cũng là thứ khiến cho Chinese được đón nhận không tốt lắm, bởi khi GNR đã ở trên đỉnh cao của Illusions quá lâu, bất cứ việc gì kém hơn sự hoàn hảo đều có thể nhận được những ý kiến trái chiều.


Nhưng ngẫm lại, tôi thấy từ sau thập niên 2010s và nhạc Rock truyền thống trở lại nhiều hơn, Chinese Democracy càng nghe càng có lý và càng chứng tỏ nó là album có thể bật bất cứ lúc nào từ giá đĩa của bạn.


5. Bỗng nhiên ai cũng thích Chinese Democracy

Có nhiều người đồn rằng tiền đã mang Slash, Duffy, và Axl lại với nhau và đi diễn cùng đội hình còn lại của GNR với Richard Fortus chơi guitar và John Freese chơi trống, nhưng xem ra tôi thấy Slash và Duffy thích thú trước viễn cảnh được chơi thứ âm nhạc phức tạp như trong Chinese Democracy hơn. Axl thì cũng thực sự cần Slash vì tay guitar này đang ở vị thế nổi tiếng hơn gã rất nhiều ở thời hiện tại – anh mới chính là người kéo khán giả tới và gánh team cho GNR trong chuyến lưu diễn.


Và nói chứ, mỗi lần Slash đổi đàn và mang cây B.C Rich ra để chơi những bài trong Chinese, anh vẫn chơi cực kỳ ra trò và hợp cùng Richard Fortus thành một cặp guitar ăn ý mới. Slash cũng không ngại ngần chơi bài "Sorry", bài hát rủa xả mà Axl tặng riêng cho mình. Sự hỗ trợ của giàn keyboard, nay được chơi với hai người có thêm Melissa Reese, đã thực sự đem đến “chất” mới cho Chinese, và bỗng nhiên cánh cửa sáng tạo bỗng mở toang cho đội hình GNR nửa cũ nửa mới hiện tại, khi sức sáng tạo của những tay lão làng như Slash, Duffy, và Axl cùng sức trẻ của Fortus, Reese, và Freese bỗng khiến họ trở nên nguy hiểm một cách tiềm tàng, bởi đâu ai biết được khi những người này kết hợp lại với nhau, họ sẽ tạo ra thêm một thứ nhạc gì nữa của riêng họ cho thập niên 2020s này. Điều duy nhất ngăn cản họ, tôi cho là khả năng hát nốt cao và rơi xuống thấp một cách mượt mà của Axl nay đã không còn như trước. Mà biết đâu Axl sẽ khám phá ra kiểu Rap mới như Mike Patton?

Slash và cây B.C Rich chuyên dành cho Chinese


Và cũng theo các báo cáo, khi Axl Rose tái hợp cùng Slash và Duffy bắt đầu từ tour diễn Not In This Lifetime, đột nhiên số lượng streaming của Chinese Democracy tăng vọt.


Vậy ra Chinese Democracy không bán được tốt là vì đội hình “gốc” bị sứt mẻ, hay vì nhạc của album này không đủ tầm “kinh điển”?


Hãy chờ xem GNR có thu nhạc “mới” với đội hình Axl / Slash / Duffy hay không.

Tôi cũng ngóng xem Axl Rose một ngày nào đó có ra tự truyện không, để đối chiếu lại với giả thuyết này.


Và hãy xem 10 năm nữa và xem lịch sử sẽ ghi nhận Chinese Democracy thế nào.


Hẹn gặp lại!


Kcid

2,961 views

Recent Posts

See All
bottom of page