Nếu không phải là fan của Nirvana, hẳn không nhiều người để ý họ đã từng thay đến 7 tay trống trong hành trình âm nhạc ngắn ngủi của band.
Lần đầu tiên là vào tháng 10 năm 1987, Kurt Cobain và Krist Novoselic đăng lên báo âm nhạc của Seattle với cái tên The Rocket để tìm tay trống với dòng chữ: “NGHIÊM TÚC TÌM MỘT TAY TRỐNG. Thái độ underground, ưa Black Flag, the Melvins, Zeppelin, Scratch Acid, Ethel Merman. Kỹ thuật phải linh hoạt vl”.
Không ăn thua. Hai anh vẫn không ưng được ai. Đến kỳ ra báo tiếp theo, hai anh lại đăng: “CẦN TUYỂN MỘT TAY TRỐNG. Nện khoẻ, đôi lúc nhẹ, phong cách underground, linh hoạt, nhanh, chậm vừa phải, nghiêm túc, chơi thật nặng, linh hoạt, dị hợm, nirvana, hăng tiết”.
Chad Channing có lẽ là người đầu tiên ghi được dấu ấn với Kurt Cobain, dù anh vẫn không phải là ưng ý hoàn toàn. Trong lúc thu âm album đầu tiên, Bleach, Cobain không thấy ổn về trống. Channing nện trống không đủ mạnh để ghi âm. Do đó tiếng trống của anh bị lọt thỏm trong những âm thanh ồn ào như trong bài “Love Buzz”. Cobain thậm chí đã phải dùng đến bản thu âm cũ của phần trống trong bài “Paper Cuts”, “Floyd The Barber” và “Downer” mà Dale Crover, đồng đội của anh ở band Fecal Matter trước đây ghi âm, vì Channing không thể chơi mạnh mẽ hơn được. Nếu nghe mấy bài này sẽ thấy tiếng trống bạo lực hơn các track khác ra sao và hiểu được ý định chơi nhạc của tay thủ lĩnh Nirvana như thế nào.
Tháng 4 năm 1990, khi Nirvana bắt đầu thu âm album thứ hai Nevermind, cả Kurt Cobain và Krist Nosovelic càng cảm thấy “chật chội” với phần trống mà Chad Channing chơi. Kurt thậm chí còn thường xuyên ra đằng sau bộ trống để chỉ Channing tiếng trống anh muốn nó kêu ra sao. Sự lệch nhau về kỳ vọng trong ngôn ngữ âm nhạc tất yếu dẫn đến sự khó chịu với cả chính Channing, và không tránh được kết cục của việc rời ban nhạc sau đó.
Tua nhanh đến cuộc gọi từ chính Kurt Cobain, Dave Grohl đã xuất hiện và được mời vào ban nhạc, thay cho Dan Peters, kẻ đóng thế hãy còn bỡ ngỡ khi tham gia ban nhạc mà không hề hay biết sự cầu toàn của tay thủ lĩnh một lần nữa muốn một thành viên đạt điểm 9 điểm 10 về tài năng, chứ không chỉ cỡ điểm 8 như Peters.
Cobain đã biết và ước mơ rủ được Grohl về band từ lúc xem Grohl chơi trống trong ban nhạc Scream đến từ Washington, nơi mà Cobain luôn ngưỡng mộ phong trào nhạc Punk từ đây. Với Cobain, tài năng của Dave Grohl mà anh được chứng kiến ngang hàng những tay trống giỏi nhất bấy giờ. Hơn nữa điểm cộng của Grohl còn là anh biết hát bè.
Tiếng trống của Grohl nện thì thôi rồi. Dù chưa bao giờ có khoá học chính quy nào, sức ảnh hưởng từ những Neil Peart của Rush và sau này là John Bonham của Led Zeppelin in đậm lên cách chơi của Dave Grohl: nện mạnh và nhịp cực chắc. Khi còn mới luyện trống, để tránh gây ồn xung quanh nhưng vẫn phải đủ to để nghe nhịp điệu, Grohl toàn phải gõ vào gối. Không rõ có phải điều này khiến cho Dave Grohl trưởng thành có lực nện đanh về tiếng mà lại chắc về tốc độ hay không, nhưng trước hết, tiếng trống của anh đã từng lấn át hết các nhạc cụ khác hồi còn chơi ở ban nhạc Scream.
Khi bắt đầu thu âm cùng Nirvana, nhà sản xuất Butch Vig đã được Kurt Cobain cảnh báo trước về việc band mới tuyển được tay trống giỏi nhất quả đất rồi nhưng ông không ngờ Grohl có thể đánh to và khoẻ vậy. Trong phòng thu, trống của Grohl không cần mic mà âm lượng đã to ngang amp của guitar và bass.
Về phía Dave Grohl, khi mới bắt đầu tham gia Nirvana công việc của anh hóa ra chỉ là thể hiện hết mình phần trống, bởi ý tưởng hòa âm phần trống đều đã được hình thành trong đầu của Kurt Cobain. Thậm chí mỗi khi Cobain viết nhạc hoặc đánh guitar, Grohl có thể nhìn thấy hàm nhá của Cobain di chuyển ra vào như nhịp điệu mà Cobain đang hình dung drummer của band sẽ đánh. Khỏi phải nói thì Cobain vẫn giữ thói quen đi ra sau giàn trống để chỉ trỏ như một drummer thực sự, kể cả với tay trống giỏi nhất thế giới đang giữ vị trí rồi.
Nhưng đó cũng là lý do Dave Grohl cực kỳ nể Kurt Cobain và những cuộc chỉ trỏ sau giàn trống đã trở thành những cuộc thảo luận ý tưởng đầy hào hứng. Kurt Cobain có lẽ đã định hình trong Dave Grohl sự quan trọng về một tay guitar nắm chắc việc chơi rhythm đến nhường nào, thứ khiến cho guitar và trống hòa nhịp vào nhau dễ hơn. Kurt Cobain, dù không phải là một tay guitar quá hào nhoáng, nhưng là người đã chỉ cho Dave Grohl thấy khi chơi một riff bập bùng trên cây đàn, tự bản thân câu riff đã mang theo nhịp và điệu ra sao.
Có điều, cái thiên tài của vị thủ lĩnh cũng vô tình dập tắt ý định nhen nhóm giới thiệu nhạc mà Dave Grohl sáng tác cho Nirvana, mặc dù đến In Utero, đóng góp của Dave Grohl đã trở nên rất đáng kể như bài “Scentless Apprentice”, hay phần hát bè cực đẹp trong Heart Shaped Box – dù rằng bài “Marigold” của Grohl không được chọn vào đĩa. In Utero đã chứng tỏ cho thế giới thấy sự đa năng của Nirvana và khả năng làm nhạc không giới hạn của họ. Với Grohl, In Utero đã đủ là một nấc cao trong sự nghiệp của anh với tất cả sự bùng nổ cũng như sự khác biệt đối với chính album cực kỳ thành công trước đó, Nevermind.
Bởi vì hóa ra trong đầu chàng trai hồ hởi Dave Grohl ấy, vẫn luôn có một nỗi lo lắng vô hình rằng mình cũng có thể bị đá ra khỏi Nirvana bất cứ lúc nào, y như 6 tay trống trước đó mà thôi.
Thế mà chuyện đó cũng xảy ra, nhưng theo cách không ai có thể ngờ tới hay mong đợi.
Tháng 4 năm 1994, cái chết của Kurt Cobain đã khiến Dave Grohl hóa đá. Anh đã không còn muốn tiếp tục chơi nhạc nữa cho đến khi một tấm thiệp từ Punk band đồng hương tên là 7 Year Bitch đã thức tỉnh anh.
“… có thể lúc này ông anh không muốn chơi nhạc nữa nhưng rồi ông anh sẽ trở lại, bởi vì đó là cách để ông anh vượt qua nỗi đau này”.
Thực tế không có gì phải dấu giếm, là âm nhạc vẫn luôn là nguồn sống đối với anh. Dave Grohl biết chơi guitar từ nhỏ, thậm chí trước khi cả tập trống. Cũng như với giàn trống, Dave Grohl chơi guitar hoàn toàn theo tai nghe chứ không học theo bài bản nào cả. Khi chơi nhạc cùng Nirvana, ít ai biết Dave Grohl còn tập luôn và chơi cả guitar tay trái - lý do đơn giản là vì tất cả guitar trong phòng thu đều không có cái nào cho người thuận tay phải. Trong những khoảng thời gian Nirvana rảnh rỗi trong phòng thu thời cả hội còn nghèo, Dave thường tranh thủ rủ anh bạn producer Barrett Jones tự hát tự đánh từng nhạc cụ cho mấy bài nhạc mà Grohl tự sáng tác.
Và đây là một Dave Grohl, nay đã không còn người anh người thủ lĩnh trong Nirvana bên cạnh, với âm nhạc hãy còn là một câu hỏi ngỏ. Dave Grohl quyết định cứ thu hết những ý tưởng âm nhạc của mình đã, ngõ hầu tìm được một sự giải thoát trước mất mát quá to lớn của cuộc đời mình. Xuất hiện Barrett Jones trên giàn vặn núm, Grohl tự mình thu toàn bộ các nhạc cụ và hát trong sản phẩm mà sau trở thành album đầu tay Foo Fighters.
Tưởng tượng Grohl phải chạy hộc bơ phòng này sang phòng khác để thu từng nhạc cụ đàn, trống, có khi tay chưa hết run vì nện trống đã phải bấm dây đàn bass. Cũng may là với cảm nhận về tempo siêu đẳng, Dave Grohl thậm chí không cần có tiếng guitar/bass mà vẫn có thể dồn trống cực chuẩn xác. Giỏi nên làm gì cũng dễ, tính ra trong Foo Fighters, phần nhạc cụ và giọng hát cho mỗi bài hoàn thành trong có 45 phút tính cả thời gian nghỉ uống cà phê. Nói chứ, tính ra Grohl và Barrett đã cùng nhau thu âm tròm trèm 6 năm trời từ lúc Grohl còn ở ban nhạc Scream rồi Nirvana. Họ thực ra đã hoàn thiện cách thu âm với nhau đến độ hoàn hảo.
Băng demo được gửi đi dưới cái tên Foo Fighters, một phần để khởi đầu một sự nghiệp mới và phần nhiều để tránh sự hiểu nhầm của thị trường rằng anh mượn cái danh thành viên đánh trống của ban nhạc Nirvana giờ chuyển ra solo. Điều Dave Grohl không ngờ là tốc độ phát tán nhanh chóng của nó và anh đã không giữ được trạng thái nặc danh nữa. Các hãng đĩa gọi tới dồn dập.
Phải nói là đĩa đầu tay cùng tên Foo Fighters này của Grohl có một âm thanh thô ráp của cả nhạc Punk Rock mà anh hâm mộ từ xưa, lẫn âm hưởng của Grunge từ một kẻ mới chân ướt chân ráo bước ra khỏi ban nhạc Grunge vĩ đại nhất thế giới. Quan trọng nhất là kỹ thuật chơi các nhạc cụ của anh giỏi toàn diện nên tổng thể âm thanh được phát ra từ ban nhạc 1 người này ngon lành không kém bộ sậu ban nhạc chuyên nghiệp nào.
Với tinh thần đã được sốc lại và niềm tin trong sản phẩm âm nhạc đã được kiểm chứng, Dave Grohl bắt đầu hào hứng với vị trí frontman của ban nhạc và rục rịch tuyển thêm các thành viên để đi diễn cũng như thu âm cho album thứ hai, The Colour And The Shape (1997). Pat Smear, tay guitar thường chơi live cũng Nirvana, Nate Mendel chơi bass, và William Goldsmith trên giàn trống là những vị trí mới toe trong Foo Fighters. Nhưng đời không như là mơ, lần thu âm đầu tiên mới là thảm hoạ, mọi thứ đều rối ren và thiếu sự kết nối.
Như Kurt Cobain đã từng chỉ anh cách đánh trống theo ý tưởng trong đầu thì nay Grohl cũng có những áp đặt với các thành viên, đặc biệt là tiếng trống của Goldsmith. Lần thu âm thứ hai, mọi thứ bắt đầu tốt hơn. Cả ban nhạc ghi âm tì tì. Chỉ có điều, William Goldsmith suốt ngày vắng mặt. Dave Grohl bèn tự đánh trống và ghi lại hết phần track này thay cho tay trống của ban nhạc anh. Cuối cùng, phần thu âm của Goldsmith chỉ còn được giữ trong bài “Doll” và lỗ chỗ đoạn này đoạn kia trong các bài khác. Với Grohl, tiếng trống của Goldsmith cũng có những điểm sáng nhưng nó không giống với cách anh hình dung bài nhạc trong đầu.
Dĩ nhiên Goldsmith dỗi và rời band. Grohl may mắn sau đó rủ được Taylor Hawkins, người từng đánh trống cho band của Alanis Morisette và là người có lẽ là duy nhất Dave Grohl nhân thấy còn “giỏi hơn cả mình”. Thật vậy, uy lực trong tiếng trống của Hawkins khoẻ ngang Grohl và kỹ thuật thì thậm chí còn nhỉnh hơn. Hawkins có thể biến chuyển linh hoạt và có những câu dồn trống hay khó đỡ, nhưng quan trọng hơn cả, sự thân thiết giữa Grohl và Hawkins đã khiến cho việc “giao tiếp” giữa cây đàn và bộ trống có sức kết nối tuyệt vời, đúng như tinh thần mà Dave Grohl luôn tâm niệm: cây guitar và trống phải cùng chơi rhythm. Vị trí guitar thứ hai cũng là vị trí Dave Grohl cũng phải mất mấy lần thay người trước khi tìm được Chris Shiflett.
Đã bắt đầu có những lời phê bình và nhận xét từ bên ngoài khi nhạc của Foo Fighters bắt đầu bị mổ xẻ và đem so sánh với nhạc của Nirvana, cũng như phong cách lãnh đạo ban nhạc của Dave Grohl bị đem ra so với Kurt Cobain. Trống nện khoẻ à, bass đầm à, guitar rè à, bài hát có giai điệu à? Thế thì giống Nirvana rồi còn gì. Thay trống với guitar liên tục vì cứ đòi hỏi người chơi cùng phải điểm 9 điểm 10 chứ 8 cũng không được. Đúng là học đòi cầu toàn như Kurt Cobain.
Nếu chỉ nhìn âm nhạc dưới góc độ tìm kiếm tiền bạc và danh vọng như vậy, thì những kẻ phê bình kia đã quên mất rằng, Dave Grohl chẳng cần phải chứng tỏ mình với ai nữa. Kể cả việc giờ đây thế giới thấy anh xuất hiện dưới vai trò front man và chơi rhythm guitar mới toe, thực ra Dave Grohl đã hát và chơi guitar từ rất lâu rồi. Như trong thời gian Incesticide, đĩa tổng hợp của Nirvana được phát hành năm 1992, Grohl đã từng len lén tung ra album Pocketwatch dưới nghệ danh Late!. Hoặc như trong track ít người biết, Nirvana đã cover lại bài “Onwards Into Countess Battles” của nhóm Death Metal Thụy Điển Unleashed (và suýt lọt vào đĩa In Utero). Dĩ nhiên Dave Grohl chơi tất cả các nhạc cụ còn Kurt Cobain thì gào thét.
Cách làm nhạc của Dave Grohl khác hẳn Nirvana, dù cho họ đều viết nhạc trên cây đàn guitar. Nếu như Kurt Cobain là bậc thầy của việc đơn giản hóa các hợp âm và tạo ra sự biến chuyển của hòa âm dựa trên những gì tối giản từ cả ba yếu tố giai điệu, tiếng bass và hợp âm guitar, cách chọn hợp âm của Dave Grohl phong phú và giàu sắc thái hơn nhiều. Nhạc của Foo Fighters không bao giờ thiếu những khoảng không mênh mông để người nghe có thể cảm nhận được tiếng guitar rhythm chuyển hợp âm liên tục thế nào. Độc chiêu là ở chỗ, Dave Grohl hoàn toàn tạo ra hợp âm bằng tai chứ không có học qua trường lớp nào cả. Hỏi Dave xem anh vừa chơi hợp âm gì trong bài đó chắc là câu hỏi khó nhất.
Nếu như nhạc của Nirvana là phần chơi của ba ông với nhau đầy chặt chẽ như một khối, thì nhạc của Foo Fighters mang tính không gian đa chiều, và quan trọng hơn, nó có thể dịch chuyển đầy mạnh mẽ. Quên những nhịp 4 đơn điệu đi, quên luôn cấu trúc verse-chorus-verse-chorus đi, nhạc của Foo Fighters có thể biến hình và dịch chuyển tới bất cứ đâu chỉ… Dave Grohl mới biết. Có thể đó là thứ mà Dave Grohl chưa kịp đóng góp với nhạc của Nirvana, bởi vì ảnh hưởng từ âm thanh prog từ những Rush hay Led Zeppelin nó hiển hiện rõ trong cấu trúc nhạc của Foo Fighters.
Khi đội hình của Foo Fighters đã bắt đầu vào phom với bộ ba Grohl-Hawkins-Mendel cũng là lúc họ bắt đầu thu âm album thứ ba There Is Nothing Left To Lose (1998). Dave Grohl bất ngờ rời bỏ hãng đĩa, cho xây studio ngay tại nhà, và cả đội hình Foo Fighters dọn về đây sống cùng nhau và làm nhạc trong suốt 4 tháng trời. Họ có thể jam bao lâu họ thích, thu bao nhiêu lần họ thích, và cả tìm cách phá nát bài hát họ xây dựng để tìm ra một sự phá cách mới nếu cần. Quan trọng hơn cả, Foo Fighters có thể thu nhạc mà không cần có một ai nói với họ rằng nhạc của họ phải nên như thế nào. Hãy nhớ lại Kurt Cobain đã từng nhảy lên nhảy xuống với producer và hãng đĩa của Nirvana thế nào trong cả hai album Nevermind và In Utero, bởi vì bản cuối đem đi in đã không giống với sự tưởng tượng của Cobain ra sao. Hãy nhớ những màn tranh luận giữa bản thu của Scott Litt với các single của In Utero vào phút cuối, so với những bản của Steve Albini gây dậy chia rẽ trong các fan của Nirvana. Những điều đó không thể lặp lại với đội của Dave Grohl. Đúng thế, khi bản thu của album There Is Nothing Left To Lose đã sẵn sàng, Foo Fighters tự đi tìm hãng đĩa cho họ.
Quả thực, Dave Grohl luôn khẳng khái thừa nhận mình không cần thêm tiền và những sự chú ý. Anh chỉ cần được làm nhạc, chơi nhạc, và đón nhận đám đông hát theo những câu trong ca khúc của mình trong mỗi buổi biểu diễn. Đó có lẽ cũng là điểm khác biệt quan trọng bậc nhất so với người đàn anh luôn trắc trở trong việc cáng đáng sự nổi tiếng của mình và kết cục bằng cái chết thương tâm.
Thành công của đĩa Nevermind thực ra đem đến quá nhiều vấn đề cho chính Kurt Cobain, từ việc Cobain lăn tăn vụ anh phải chia tiền bản quyền đều với các thành viên khi anh sáng tác đến 99% các bài trong đĩa, những lịch tour diễn dày đặc gây căng thẳng, cho đến sự nghiện ngập ngày càng nặng lẫn những phiền toái mà Courtney Love tạo ra. Nirvana không phải chỗ dành cho bạn bè, trừ việc Cobain và Novoselic vốn quen nhau từ trước. Các thành viên không có đi ra ngoài làm chai bia với nhau như những người bạn. Tất cả chỉ có lên xe buýt, ra sân khấu oánh nhạc, trả lời phỏng vấn, rồi về khách sạn xem tivi và lăn ra ngủ.
Nhưng tại Foo Fighters, Taylor Hawkins, Nate Mendel đều trở thành bạn thân của Dave Grohl (và sau đó là cả Chris Shiftlett) - họ vẫn cùng nhau chơi nhạc đến tận bây giờ. Khi Grohl mang ca khúc của mình đến để làm nhạc, các thành viên khác thậm chí không cần anh phải hát. Họ chỉ tập trung với nhau về cấu trúc bài hát và hòa âm. Tất cả các bài nhạc của Foo Fighters đều bắt đầu từ phần nhạc cụ chơi với nhau cho đến khi cực kỳ chặt chẽ. Tất cả mọi người đều tin tưởng phần giai điệu và phần hát của Dave Grohl, và tôn trọng sự cầu toàn của anh. Ở chiều ngược lại, chừng nào Taylor Hawkins còn chơi hết mình, Dave Grohl không bao giờ có ý định xuất hiện trên giàn trống cùng Foo Fighters.
Và mỗi khi Dave Grohl muốn quay lại với giàn trống (dĩ nhiên là bên ngoài FF), thứ đã làm anh trở nên nổi tiếng như bây giờ, đó đều là những dự án nằm ngoài tầm radar của sự nổi tiếng nhưng đều mang một mục đích nghệ thuật lớn lao. Đó là những Them Crook Vultures, Tenacious D, và nhất là Queens of The Stone Age.
Thật tình, có gì là quá đáng khi ban nhạc mong có một tay trống nện mạnh và một tay guitar có thể chặt chém ra nhịp phách như trống cơ chứ.
Hẹn gặp lại!
Kink