top of page

Pharrell Williams + Chad Hugo: tương phản tạo nên khác biệt

Updated: May 3, 2020


Theo một cuộc thống kê năm 2003, gần 20% thời lượng các bài hát phát trên đài của Anh Quốc và tới 43% trên đài ở Mỹ đều được sản xuất bởi bộ đôi siêu phàm The Neptunes bao gồm Pharrell WilliamsChad Hugo. Cái tên Pharrell và Chad đóng góp cho tới 100 triệu bản đĩa đơn được bán ra. Số lượng bài hát và nghệ sĩ có sự tham gia của Pharrell và Chad thì nhiều vô kể. Đa phần các bài đều trở thành smash hit trên các bảng xếp hạng. Từ Kendrick Lamar (bài "Alright", "Good Kid"), Snoop Dogg (bài "Drop It Like It’s Hot"), Madonna (bài "Candy Shop"), Jay Z (bài "Glory", "La-La-La", "Oceans"), Kanye West (bài "Number One"), Justin Timberlake (bài "Senorita", "Montana"), Usher (bài "Twisted", "Hot Thing"), đến Gwen Stefani (bài "Work It Up"), Beyonce (bài "Superpower", "Blow"), Ed Sheeran (bài "Sing"), Frank Ocean (bài "Sweet Life", "Pink + White"), Daft Punk (bài "Get Lucky"), Robin Thicke (bài "Blurred Lines") và vô số các bài của các nghệ sĩ khác, đều dưới bàn tay ma thuật của The Neptunes nói chung và của Pharrell nói riêng. Số bài hợp tác nhiều đến nỗi hai tay này phải tính toán thời điểm phát hành từng bài để tránh hiện tượng “át sóng” lẫn nhau.


Để có được danh tiếng với một cái mác cộp dấu HIT gần như đảm bảo như vậy, Pharrell và Chad đã phải có sự đột phá khác thường trong âm nhạc của họ. Hai tay này quen nhau từ lớp 7 khi cùng tham gia nhóm nhạc trường. Pharrell là người da màu, chơi trống, keyboards và guitar. Chad là người gốc Philippine, biết chơi piano, keyboard, guitar, saxophone và bass. Hai tên chơi với nhau nhờ chung một đam mê âm nhạc, nhưng cũng vì background khác nhau mà chúng có chung một cái nhìn cởi mở không bị giới hạn bởi bất kỳ rào cản nào về âm nhạc. Đầu tiên phải kể đến sự ảnh hưởng lớn của nhóm hip hop A Tribe Called Quest với Pharrell và Chad. Thứ âm nhạc pha trộn Jazz với Hip Hop hay đến ngỡ ngàng của hội Tribe là nguồn cảm hứng lớn cho hai tay này. Chúng được khai sáng cái cốt lõi nghệ thuật của âm nhạc và sự vô tận trong sáng tạo của nó. Từ đó Pharrell và Chad lập nhóm The Neptunes, tập tành làm nhạc theo một phong cách riêng, và may mắn được Teddy Riley – ca sĩ kiêm sáng tác / sản xuất nhạc và thành viên của nhóm Blackstreet – người có công sáng tạo ra thể loại New Jack Swing, phát hiện ra tài năng. Giống như thể loại New Jack Swing đi trước thời đại mà Teddy đã kiến tạo, ông nhìn thấy tố chất “đi trước thời đại” của The Neptunes. Teddy miêu tả nhạc của The Neptunes là R&B pha trộn với Techno, New Wave và Hip Hop. Nếu chỉ để miêu tả sự pha trộn thể loại của The Neptunes là chưa đủ. Cái sáng tạo trong âm nhạc của The Neptunes chính là sự đa dạng trong những dự án khác nhau. Tuy vậy, tất cả có thể tóm lược trong hai đặc điểm mang tính "tương phản hóa" như sau: 1)      Tương phản giữa giọng hát của người nghệ sĩ và âm nhạc Với vai trò là nhà sản xuất nhạc, Pharrell và Chad khi hợp tác với một nghệ sĩ, họ sẽ lắng nghe xem người nghệ sĩ đó yêu cầu gì, cảm xúc và câu chuyện của họ tại giai đoạn đó và âm sắc trong giọng hát của người nghệ sĩ đó như thế nào. Họ không có ý định tạo dựng hay thay đổi hình ảnh của một người. Cái họ muốn là tôn vinh giọng hát và hình ảnh của người nghệ sĩ bằng phần nền của âm nhạc, mà hiệu quả nhất chính là sự tương phản đối lập giữa giọng hát và nhạc nền. Như cách Pharrell miêu tả, người nghệ sĩ như người mẫu tranh Mona Lisa, nên nhiệm vụ của Chad và anh là vẽ nên những sắc màu và hậu cảnh sao cho nhân vật đó nổi bật hơn, nhưng phải theo một cách khác so với trước đây. Trong bài "Drop It Like It’s Hot" với Snoop Dogg, tay rapper đánh dấu một cột mốc quay trở lại nổi bật bằng bản rap trên nền nhạc không có gì ngoài phần trống điện tử, bass bập bùng, tiếng beatbox như có người đang đánh lưỡi. Thi thoảng mới có nhạc cụ synth đánh dấu sự thay đổi mỗi khúc nhạc. Âm thanh đơn giản nhưng nhịp điệu lại cực bắt tai này đối lập với phần beat phong cách G-funk mà Dr. Dre thường làm cho Snoop. Tiết tấu chậm rãi còn đối lập với chính tiêu đề bài hát "Drop It Like It’s Hot", khi chữ “hot” thường chỉ được gắn với những giai điệu sôi động. Thế nhưng câu beat của The Neptunes vẫn giữ được độ chill theo đúng phong cách của Snoop. Giọng của tay rapper này cũng trầm nên phần beat giản lược này đâm ra lại càng làm nổi rõ lời rap của anh.


Trong bài "Sing" với Ed Sheeran, Pharrell (Chad không tham gia) vẫn tận dụng lối "quạt chả" guitar thùng của Ed theo một nhịp điệu funky. Anh tiết chế phần nhịp trống bớt phức tạp hơn để bật rõ được câu guitar thùng. Để đối trọng với giai điệu hát lên xuống ngọt ngào của Ed, Pharrell dùng câu bass có giai điệu hơn vào những khoảng dừng giữa những câu hát. Và để khác biệt hẳn với các bài nhạc khác của Ed, Pharrell cho phần điệp khúc đơn giản hơn rất nhiều với chỉ đúng “Oh oh oh oh oh oh”. Nhờ đó bài "Sing" lại có sự sôi động và cá tính khác hẳn với các ca khúc ballad khác của Ed. Tuy nhiên, ví dụ điển hình nhất về sự cộng tác thành công với The Neptunes chính là ca sĩ Justin Timberlake. Để có được sự nghiệp lẫy lừng như bây giờ, Justin mang ơn lớn với The Neptunes (và Timbaland). Nhờ họ, Justin đã thoát được cái bóng của nhóm boyband N Sync quá lớn, thể hiện được một hình ảnh trưởng thành, chững chạc với thứ âm nhạc sâu nhưng lại vẫn thời thượng. Khi hợp tác với Justin trong album đầu tay Justified, Pharrell và Chad lấy cảm hứng từ nhạc “cũ” của Earth, Wind & FireMichael Jackson thời Off The Wall để sáng tạo cho đĩa. Hiệu quả không ai có thể ngờ, nhạc “cũ” tương phản với âm thanh “mới”, và một cậu ca sĩ trẻ “da trắng” hát cực chất trên nền nhạc của người “da màu”. Pharrell và Chad dùng loại nhạc Funk / Hip Hop (như "Like I Love You"), R&B pha chút Jazz (như "Senorita") để tạo sự đối lập với âm nhạc Dance Pop của N Sync và nhằm tôn hình ảnh riêng của Justin, nhưng cũng không quên pha với Pop và Disco (như "Rock Your Body" nghe đầy âm hưởng Off The Wall của Michael Jackson) khiến cho nhạc của Justin vừa lạ vừa quen.


Chưa hết, khi người hâm mộ của Justin đã từng quen với giọng hát của anh trong những bản nhạc Dance Pop hoặc ballad dầy tiếng phối khí và hỗ trợ từ các thành viên khác trong N Sync, thì Pharrell và Chad cố tình sử dụng ít loại nhạc cụ để tôn giọng thật của tay ca sĩ trẻ này. Như bài "Like I Love You" chỉ có âm chủ đạo của guitar thùng, trống, bass, với chút ít synth. Còn "Senorita", chỉ phần keyboard bấm hợp âm ngắt quãng trên nền trống và bass với tô điểm thi thoảng của tiếng kèn.


Chính nhờ dòng nhạc lai R&B / Funk và cách phối khí mỏng và mộc mà người nghe chợt nhận ra giọng Justin dù mỏng và không khỏe, nhưng lại rất có hồn, rằng anh thực sự biết hát. Thêm nữa, Pharrell còn khám phá ra cậu ca sĩ này có khả năng hát giả thanh và beatbox rất hay, nên các bài hát của Justin trong các bản phối của The Neptunes được tận dụng tối đa các tuyệt chiêu này. Âm nhạc có tính phá cách trong nhịp điệu qua những câu trống đảo nhịp của Pharrell càng hợp với những điệu nhảy điêu luyện cùng các kỹ thuật pop/lock/shuffle/xoay người/ôm bi của Justin. Trong bản "Rock Your Body" có một đoạn chuyển mà hội The Neptunes ngừng hết các nhạc cụ khác, chỉ để lại tiếng trống và bass dập dình khi Justin phô diễn tài beabox và nhảy nhót. Đoạn đó giống như khúc solo guitar trong một bản nhạc rock khi mọi đôi tai sẽ được dồn sự chú ý tới nhân vật chính của bài hát. 2)      Tương phản giữa âm nhạc của The Neptunes / N*E*R*D / Pharrell Williams và các bài nhạc khác trên radio Pharrell mắc một cái tật synesthesia, là khi con người ta có thể nhìn ra những màu sắc khác nhau khi nghe những âm thanh khác nhau. Vậy nên, anh càng có hứng thú với những màu sắc tương phản, đối lập và dùng chúng để vẽ bức tranh “âm thanh”. Chỉ có điều Pharrell và Chad không thích dùng nhiều lớp màu mè. Trong âm nhạc của bộ đôi The Neptunes, nhóm nhạc N*E*R*D gồm Pharrell, Chad và Shay Haley, và các album solo của Pharrell, đặc điểm chung có thể thấy là sự tối giản. Trong khi các bài nhạc hiện đại trên radio được sản xuất với nhiều âm thanh nhạc cụ, hai gã này lại đi hướng ngược lại với sự giản lược. Nhưng nhạc của Pharrell và Chad không vì thế mà lại bị đơn giản. Họ không đi ngược với trào lưu chỉ vì thích thể hiện sự ngang ngược. Họ đi ngược để sáng tạo ra âm nhạc đầy cá tính. Giống như các sản phẩm của hãng Apple, âm nhạc của bộ đôi này được loại bỏ các “chi tiết” được cho là rườm rà không cần thiết, nhằm tôn lên âm thanh của từng nhạc cụ riêng biệt. Cái “ăn tiền” một lần nữa lại là sự tương phản giữa các nhạc cụ được phối khí, tự dưng tạo ra một âm thanh có hơi hướng của tương lai, sắc nét, không cầu kỳ mà lại thời thượng, như những sản phẩm của Apple. Cách làm nhạc của bộ đôi này như sau: Pharrell sẽ sáng tạo những nhịp điệu phá cách trên bộ trống (có thể là dàn trống hay chỉ là trống điện tử) cùng với những giai điệu cơ bản của bài hát. Sau đó gửi cho Chad, và nhiệm vụ của Chad là điền vào chỗ trống – những khoảng lặng của bài. Cái hay của sự ăn ý giữa hai gã là Chad cũng không nhồi nhét các tiếng nhạc cụ. Anh sẽ chỉ điểm xuyết chỗ này chỗ kia những khúc nhạc, câu riff nghe thật kêu của tiếng guitar điện, tiếng synth, bass, … Để phá cách hơn, trên nền trống đảo phách và lối sáng tác giai điệu dấm dẳng có phần đanh đá của Pharrell, Chad có thể thi thoảng đá vào những nốt lệch tông, nghe tréo nghoe. Rồi như thể chưa đủ tối giản, hai gã tạo ra những khúc chuyển nhạc là khúc lặng mà có khi chỉ có đúng tiếng trống và bass, hoặc có khi có mỗi tiếng trống. Phần nhạc mà hội N*E*R*D phát hành mới là đặc biệt. Thể loại chính của nhóm là Rock, nhưng không phải nhạc Rock truyền thống. 

Ở bài đầu "Lapdance" trong đĩa In Search Of..., vòng hoà âm có ảnh hưởng của nhạc trung đông nghe ma mị được hiện đại hoá bằng câu riff đàn điện tử còn gọi là nhẹ nhàng đoạn đầu, nhưng sau đó quay ngoắt 180 độ với âm thanh của những cú nã guitar điện trên nền trống mạnh mẽ. Bài "Provider" được phối mỏng hơn như một bài Rock ballad với giai điệu có phần Blues cùng tiếng guitar nền cũng bluesy như vậy.


Trong các bài của N*E*R*D, vai trò của Chad thể hiện càng nổi bật hơn. Nếu nghe kỹ sẽ thấy cách sử dụng nhạc cụ, câu riff của anh đều rất lạ tai. Người ta làm nhạc để mọi thứ hoà quyện vào nhau, thì Chad làm nhạc để từng âm thanh có vai trò riêng của nó. Cảm giác như khi anh sáng tác, nếu một âm thanh chỉ để làm nền ở dưới với mục đích cho dày tiếng, âm thanh đó sẽ bị loại bỏ. Mỗi cấu âm của Chad, giống như các nét màu được vẽ, phải có mục đích rõ rệt chứ không được lẫn vào nhau. Lần N*E*R*D cho ra bài "She Wants To Move" làm đĩa đơn cho album Fly Or Die mới thấy hội này làm nhạc chả giống ai. Ở đoạn bridge trước khi vào câu hook đầy âm sắc rock là mấy câu đàn piano đánh dải gam tréo nghoe và sau đó là cú bend trên guitar điện của Chad nghe lệch cả tông. Không sao hết. Vì mục đích của nhóm là âm thanh nhạc Rock của tương lai.


Nếu như nhạc của The Neptunes sản xuất cho các nghệ sĩ khác nặng về Hip Hop / điện tử, của N*E*R*D là Rock lai, thì nhạc solo của Pharrell có màu sắc R&B / Soul và Funk nhiều nhất. Và cách phối âm một lần nữa của Pharrell lại càng thể hiện sự khác người của anh. Trong album G I R L rất hay của Pharrell, ngay ở bài "Marilyn Monroe", anh dùng dàn nhạc dây cho phần intro cho có chút màu sắc cổ điển trên nền bass điện tử, sau đó lại chuyển sang bass guitar bập bùng các nốt kép phía dưới và câu đàn synth rất lạ ở phía trên. Ở bài "Gush", đàn bass chỉ được gảy ở nửa đầu mỗi khuông nhạc tạo sự dồn dập lúc đầu rồi sau đó là khoảng lặng thường thấy trong nhạc của Pharrell. Trong bài "Gust Of Wind", sự trở lại của tiếng đàn violin được sử dụng để tạo cảm giác như những làn gió khi kéo những dải âm từ trầm lên cao. Câu bass thì hay vô cùng. Điểm nhấn chính là tiếng hát qua autotune của Daft Punk ở phần tiền điệp khúc nghe rất tình cảm. Đây cũng là lần hiếm hoi mà autotune tạo được hiệu ứng sâu sắc đến vậy, khiến cho bài "Gust Of Wind" có lẽ còn hay hơn cả "Get Lucky".


Và sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến bài "Happy" nổi đình đám. Cách làm nhạc của Pharrell giỏi đến nỗi với tông giọng thứ thường dùng cho nhạc buồn lại được biến thành những giai điệu tươi vui như vậy. Ở những khoảng lặng trong các câu verse, câu bass nổi lên rất dễ nhận. Sau đó điệp khúc là sự pha trộn của tiếng vỗ tay theo nhịp điệu đảo phách tạo không khí rộn rang, càng cho thấy bậc thầy trong chế tạo nhịp của Pharrell. ***** Cho đến giờ Pharrell và Chad vẫn là những cái tên có số má trong làng nhạc. Riêng Pharrell đã giành đến 3 giải Grammy cho Nhà Sản Xuất Nhạc của năm mà trong đó 1 giải nhận cùng với Chad cho thành tựu của The Neptunes. Và có mấy ai làm được quả hattrick với 3 smash hit trong cùng một năm như Pharrell với Blurred Lines cùng Robin Thicke, Get Lucky cùng Daft Punk và Happy trong đĩa solo??? Nếu như Max Martin – nhà sản xuất đại tài với vô vàn hit ở thời kỳ boyband/girlband với một số công thức nhất định, thì Pharrell và Chad chẳng cần công thức gì, ngoài việc tạo dựng các sản phẩm âm nhạc khác với thứ nhạc đại chúng. Thế nên cần gì phải bắt buộc phải có một câu điệp khúc thật catchy xuất hiện muộn nhất ở giây thứ 40 như nhạc của Max Martin, thế giới vẫn đón nhận âm nhạc quái chiêu của Pharrell và Chad. Có khi vì thế nhạc của Max Martin giống điện thoại Nokia, còn nhạc của Pharrell và Chad giống iPhone?


Hẹn gặp lại!

Kunt

869 views

Recent Posts

See All
bottom of page