top of page

Bùa ngải của Erykah Badu

Thiên hạ đồn nhau là đàn ông ai mà dính phải bùa của Erykah Badu thì hòng có thoát được một cách lành lặn, đặc biệt là mấy ông rapper.



Đây nhé, đầu tiên là André 3000. Gặp được Badu với thời điểm Outkast mới phát hành album thứ hai ATLiens, mối quan hệ của hai người bỗng dưng giúp cho Andr tìm được bản ngã thực sự của mình. Hay như người ngoài quan sát, họ thấy phong cách của anh thay đổi hoàn toàn. Không còn mấy cái quần ống rộng nữa, anh đội tóc giả, mặc các trang phục mang phong cách eclectic lạ lẫm. Sau khi chia tay, André và Badu có với nhau một cậu con trai và họ vẫn giữ một mối quan hệ tốt.

Sau André, là đến Common. Anh này cũng bỏ hết mấy cái quần hộp, chuyển sang diện đồ đan móc len crochet. Common tôn thờ mối tình với Badu. Anh sẵn sàng làm mọi việc để làm cô hạnh phúc, như xắn tay vào trồng cây làm vườn. Không những vậy, sau khi bị Badu đá, Common vẫn không tiếc lời khen ngợi người bạn gái cũ.

Rồi đến lượt The D.O.C., anh rapper từng hợp tác viết lời cho nhóm N.W.A. Sau khi hai người có với nhau một đứa con gái và rồi lại chia tay, D.O.C. vẫn không tài nào quên được Badu. Đến độ anh còn thổ lộ trên báo rằng anh mong một ngày có thể dựng một chương trình truyền hình thực tế kể về mối tình của anh và Badu, với cái kết có hậu là hai người họ kết hôn.

Hoặc như với người bạn trai tiếp theo, anh rapper Jay Electronica, người cũng là bố đẻ của đứa con thứ ba của Badu. Thiên hạ bàn tán rằng vì bùa ngải của cô mà mối tình 5 năm của cặp đôi này đã khiến một rapper tài năng như Jay không thể hoàn thành nổi album đầu tay, mãi cho đến hơn 10 năm sau khi chia tay.

Các anh bạn trai trước và sau khi bị Badu yểm bùa

Người ta đùa nhau rằng mấy ông bạn trai này đều bị mê hoặc bởi “thánh đường” của Badu, đến độ chính cô còn giỡn hùa theo rằng cái vị ngọt đê mê ở “thánh đường” là nhờ cô hay uống nước ép nguyên chất của quả nam việt quất mà có được. Và rồi thứ nước hoa bán cực chạy có cái mùi quyến rũ mê mệt đó của Badu được tạo bởi chính mùi đồ lót cô từng mặc trước đây nay mang ra đốt và chưng cất mà ra.

Cứ thế, cái bùa ngải đó được xì xào bàn tán mỗi khi một rapper hay nghệ sĩ nào bỗng dưng thay đổi phong cách, dù là họ có vướng vào mối quan hệ nam nữ với cô hay chỉ đơn giản rơi vào tầm ngắm của “phù thủy” Erykah Badu.

Nói chơi vậy thôi, chứ phong cách độc đáo có khả năng điều khiển cảm xúc người đối diện mà Badu nắm giữ cũng được thể hiện qua thứ âm nhạc Neo-Soul quyến rũ mê hồn, ngay từ album đầu tay. Do không có dịp để được gặp “Nữ hoàng nhạc Neo Soul”, chúng ta hãy thử “chơi ngải” qua nhạc của Erykah Badu xem có xi nhê gì không.

Âm nhạc

Album đầu tiên Baduizm (1997) giới thiệu người nghe nhạc với Erykah Badu và cũng là lúc mọi người học được cụm từ Neo Soul do sếp của hãng đĩa Motown, Kedar Massenburg sáng chế ra, cũng là để marketing cho nhạc của Badu lúc bấy giờ. Và phải nói là lần giới thiệu này thành công không tưởng, khi đĩa nhạc này trở thành một tuyệt tác của cô (dù mấy album sau của cô cũng rất hay).


Ở thời điểm ấy, Badu không hát nhạc giống như Mary J. Blige, mà lại theo một thứ âm nhạc phá cách hơn. Nếu để nói sự tương đồng về nhạc, thì Badu sẽ cùng nhóm với D’Angelo, MaxwellLauryn Hill. Cô ngày ấy không ưng bất ký nhãn mác nào gắn cho thể loại nhạc của mình, và cái cụm từ Neo Soul giống như một chiêu trò marketing để khác biệt hóa và gây tò mò, rất dễ tàn. Khi mà âm nhạc Soul vẫn luôn có vị trí vững chắc trong thị trường âm nhạc, từ “neo” với nghĩa như “new” là được “làm mới”, “hiện đại hóa” thì liệu có cần thiết?

Có điều là thực tế đã chứng tỏ điều ngược lại. Phải nói là Neo Soul có những nét riêng và đặc trưng thật sự.

Nếu chỉ nhìn trước về phần nhạc nền tạo bởi các nhạc cụ và nhịp điệu của bài, chúng chịu ảnh hưởng của dòng nhạc Hip Hop, nhất là khi các bài của Erykah Badu có vòng hòa âm được chạy theo một vòng lặp. Vòng lặp này không tạo ra sự nhàm tai. Cái đẹp của phần nhạc, ngoài nhịp điệu dập dình như Hip Hop, nằm ở mỗi hợp âm (đa phần là hợp âm thứ) khi chúng là những hợp âm mở rộng với nhiều nốt thêm vào, không chỉ làm cho nó lạ tai theo âm sắc rất Jazz hơn, mà còn khiến âm sắc đó nó phiêu lãng, đưa đẩy, luôn vừa có sức căng, vừa giải tỏa liên tục, nghe rất đẹp. Cái vòng lặp không có sự nhàm tai đó cũng có được nhờ sự biến tấu trong cách chơi nhạc cụ cực hay của dòng nhạc này, để tạo ra những bất ngờ trong suốt thời lượng bài hát.


Với bài “On & On” của Badu trong album đầu tay đó, chỉ có 2 hợp âm. Nhưng 2 hợp âm đó không phải là được chơi vào nhịp đầu của 2 khuông nhạc liền nhau, mà lại được biến chuyển ở ngay trong nhịp đầu tiên của một khuông nhạc. Tức là chưa cần nhịp số 2 của trống vào nhạc là hợp âm đã được thay đổi, rồi giữ nguyên vậy trong cả khuông, và lặp lại cho đến hết bài. Tưởng sự lặp theo vòng loop này sẽ chóng chán, nhưng hợp âm B7#5 và Em9 khi được đánh lên nghe rất hay về âm sắc, tạo bởi đàn bass bập bùng ngắt quãng, và tiếng piano nhát gừng. Bài “Appletree” có nhiều hợp âm hơn với số lượng 5, nhưng cũng lại dồn trong liền 2 khuông nhạc, khiến cho bài nhạc vẫn là một chuỗi lặp. “Other Side Of The Game” và các bài khác cũng vậy, số lượng hợp âm có thể khác nhau, được thả vào các nhịp phách khác nhau, nhưng cũng sẽ tập trung trong từng cặp 2 khuông nhạc để làm các vòng lặp hòa âm vừa jazzy vừa hip hop, nhưng cũng lại đầy biến tấu ở các khúc nhạc khác nhau, tạo nên một nét đặc trưng của Neo Soul.

Vậy có gì quyến rũ trong phần nhạc này ngoài cái “lạ” và “mới” kể trên bởi vì chỉ chừng ấy cũng chưa đủ để điều khiển được cảm xúc người nghe?

“Bùa ngải” trong nhạc của Erykah Badu không dừng ở đây. Nó chính là sự ngẫu hứng và phong phú ở cách thể hiện giai điệu trên nền lặp đó, thứ mà gần gũi nhất với gốc gác nhạc Soul của thể loại này. Và vì thế, cách thể hiện của Badu mới đầy ma thuật ở đây.

Giọng hát


Erykah Badu hát hoàn hảo theo một cách không hoàn hảo

Đó là một câu nhận xét về giọng hát của cô. Trên nền nhạc phiêu mang âm sắc Jazz vậy, thật không dễ để sáng tác và thể hiện được những giai điệu ma mị mê hồn như cáy Badu làm. Thật sự rất khó để diễn tả hết những gì cô có thể làm được qua phần giai điệu của một loạt các bài trong album Baduizm đầu tay đó. Chỉ biết rằng người nghe phải buông tay khỏi nút skip bài và thả mình trôi theo âm nhạc từ đầu tới cuối.

Có một thứ gì đó thô ráp nhưng không cần mài dũa trong chất giọng mượt mà của Badu. Nó không ngọt ngào như những nghệ sĩ hát nhạc R&B như Mary J. Blige. Nó không tràn đầy nội lực của một giọng hát cực khỏe như Aretha Franklin hoặc Whitney Houston. Đổi lại, đó là tiếng hát của các giai điệu nửa hát nửa hơi như nói, hơi ngang ở chỗ này, nhưng lại lên xuống ở khúc sau, kéo đôi tai người nghe đi tới mọi ngóc ngách, dù rằng phần nhạc nền, như đã nói ở trên, đều chơi các chuỗi hợp âm trên một vòng lặp. Cách ngân giọng của Badu chịu ảnh hưởng của đàn chị Billie Holiday kết hợp với kiểu lên xuống và nhả âm giúp cho cô pha lẫn các từ ngữ được đọc với các từ ngữ được hát với nhau một cách hoàn hảo. Hệt như cách flow như một rapper đang freestyle trong bài “Sometimes (Mix #9)” và “Certainly”.


Trong “Sometimes (Mix #9)”, chỉ một đoạn ngắn thôi, Badu ngân nga các từ trong bài bằng đa phần một nốt nhạc, nghe vừa hơi giống một đoạn rap, mà lại vẫn mang đầy cảm xúc của giai điệu nhạc. “Certainly” cũng vậy. Trên nền nhạc chơi bởi đàn contrabass, cô “nhạc hóa” cho phần lời đọc, tỉ tê vào đôi tai. Và mỗi khi Badu kéo giọng lên những tông cao và ngân lên các nốt nhạc đó, giọng hát của cô lúc này mới chảy ùa vào trong, mê hoặc bộ não, tựa như lời khấn yểm của “phù thủy Badu”. Bảo sao cái cảm xúc trong giọng hát vẫn đầy chất R&B và Soul nhưng lại có nhịp điệu và thậm chí phần lời của nhạc Hip Hop.

Lời ca

Erykah Badu từng là một rapper thời còn tuổi niên thiếu. Sau khi thu một số bản demo mà cô thử hát trong đó, hãng đĩa đã ký hợp đồng ghi âm và muốn Badu theo đuổi phong cách nhạc đó.

Các bài nhạc của Badu do đó có những nét khác biệt vậy, nhất là khi nội dung của chúng nói về những câu chuyện thật, những tâm tư trong cuộc sống.

Do I really

Want my baby

Brother tell me what to do

I know you got to get your hustle on

So I pray

I understand the game, sometimes

And I love you strong, but

Whatcha gonna do when they come for you

Work ain't honest but it pays the bills

What we gonna do when they come for you

Gave me the life that I came to live


Lời bài “Other Side Of The Game” ở trên là lời tâm tư của người phụ nữ sắp làm mẹ phải đấu tranh với việc người đàn ông của mình đang kiếm tiền bằng những nghề phi pháp.

Race relations, segregation, no occupation

World inflation, demonstration, miseducation

No celebration to celebrate your lives

[Refrain]

Listen people listen

Lift up your hearts to God

Teach your children Wisdom

Reality today so they can live tomorrow

[Pre-Hook]

I can't believe

That we're still livin'

Oh in this crazy crazy world

That I'm still livin'

[Hook]

With all the problems of the day

How can we go on?

So tired of hearing people say

How can we go on?”

Đoạn lời trên ở bài “Drama” được Badu nói đến những vấn đề nhức nhối còn tồn đọng trên thế giới, rằng cô mong rằng thế hệ con cháu sau này sẽ có những bước đi cứng rắn để thay đổi thế giới, nơi còn nhiều bộn bề của nạn phân biệt chủng tộc, thất nghiệp, lạm phát, đình công, giáo dục, v.v.

I know you're tryna' get creative with my love

And that's alright, but

You tried to get a little tricky, turned my back

And then you slipped me a mickey

Certainly Certainly

Certainly Certainly

Certainly Certainly

Certainly Certainly

You know that the world is mine

When I wake up

I don't nobody telling me the time, no!

The world is mine, mine, mine, mine

I don't need no little rollin over looking after me!”

Phần lời của bài “Certainly” ở trên còn mang đến ba lớp nghĩa. Nghĩa thứ nhất là sức mạnh nữ quyền của những người phụ nữ đòi quyền bình đẳng và có thể tự đứng trên đôi chân cuộc mình. Nghĩa thứ hai là những kẻ đàn ông với mưu đồ xấu muốn chiếm đoạt thể xác của người phụ nữ khi lén trộn thuốc vào đồ uống đối phương. Nghĩa thứ ba, như Badu đã giải thích là hình ảnh ẩn dụ của những người gốc Phi bị ép buộc phải thay đổi văn hóa và lối sống của họ sau khi được đưa đến đất Mỹ.

Điểm chung của những lời bài hát trên là chúng không có quá nhiều từ được hát trong mỗi câu, tạo ra nhiều khoảng trống để người nghe nắm bắt, hiểu và ngẫm nghĩ trước khi ngấm vào tiềm thức.

Lời hát của Badu là thế. Cô dùng nó để kể những câu chuyện bằng âm nhạc, và cũng có thể chỉ để mang tới cho người nghe ngẫm về những góc nhìn cuộc sống bằng một con mắt khác. Nó chứa đựng những thông điệp và ý nghĩa như một bài rap, nhưng lại đầy tình cảm của một bài hát. Giọng hát của cô khi chuyển tải chúng được biến chuyển linh hoạt, biến tấu đầy ngẫu hững như những nhạc cụ được chơi ở phía sau, có lúc được nén lại, nhưng rồi lại được bung ra với các cung bậc cảm xúc thường thấy ở nhạc Soul.

***



Với các đặc tính rất riêng trong âm nhạc, giọng hát và lời ca, không chỉ album đầu tay Baduizm được tôi tập trung đến trong bài viết này, những nhạc phẩm sau của Erykah Badu, gồm Mama’s Gun (2000) và bộ hai phần New Amerykah (Part One phát hành năm 2007 và Part Two phát hành năm 2010) đều rất hay và mang nhiều nét độc đáo. Nó tạo nên phép “bùa ngải âm nhạc” với nhiều lớp, trong đó lớp ngoài là những hợp âm theo vòng lặp đều đặn cùng ngôn từ ngắn gọn trên kiểu hát hơi ngang về giai điệu để mê hoặc trí não; còn các lớp phía bên trong là sự phức tạp của những âm sắc ma mị jazzy và ý nghĩa sâu xa của lời ca được thể hiện bằng những nốt nhạc trầm bổng ngân nga luyến láy rất phiêu của Badu dùng để điều khiển cảm xúc người nghe.

Vậy các bạn nghe thử nhạc Erykah Badu và có bị mê hoặc chưa?




Thực tế là Badu chưa bao giờ tự nhận mình là “Nữ hoàng nhạc Neo Soul” cũng như chưa bao giờ cô thừa nhận mình là phù thủy chuyên đi yểm bùa các anh giai để khiến cho họ mê muội. Tất cả chỉ là những lời đồn vô hại như một lời khen cho phong cách từ lối sống, tính cách cho đến âm nhạc của người phụ nữ có sức hút với cánh đàn ông. Dĩ nhiên không phải ai gặp cô cũng bị “yểm bùa” và dĩ nhiên không phải ai nghe nhạc cô cũng bị “mê hoặc”. Nhưng đúng là nếu ai bị bắt đúng sóng với Badu, hay theo cách nói vui mồm khác là bị lọt tầm ngắm của “phù thủy Badu”, thì hẳn sẽ có những biến đổi với những người đó, dù ít hay nhiều. Và với những người bị “yểm bùa” bởi nhạc của cô, sự biến đổi đó chắc chắn là ở gu âm nhạc.


Hẹn gặp lại!

Kroon

575 views

Recent Posts

See All
bottom of page