Hẳn mọi người đều nhận ra, Sting và ban nhạc của anh có nhiều bài được sample nhờ những câu nhạc ấn tượng đặc trưng, như câu lick guitar trong “Every Breath You Take” của ban nhạc The Police là một ví dụ gần gũi nhất. Trong phần này tôi muốn đề cập tới cách các nghệ sĩ Hip Hop và R&B đã sử dụng sample câu guitar trên nền chuỗi hợp âm (mà đa phần là hợp âm thứ) buồn đến nao người của bài “Shape Of My Heart” trong album solo Ten Summoner’s Tales của Sting.
Lần đầu tôi nghe “Shape Of My Heart” là khi xem phim Léon: The Professional của Jean Reno và Natalie Portman. Ở cuối phim, khi cô bé Natalie lủi thủi mang cái cây ra trồng ở ngoài sân trường sau khi biết không bao giờ được gặp lại Jean nữa, tiếng đàn guitar của Dominic Miller và giọng hát của Sting cất lên khiến tôi lặng cả người. Và cho đến giờ, bài “Shape Of My Heart” vẫn là một trong những ca khúc buồn nhất tôi từng nghe.
Ngoài câu đàn guitar tạo một giai điệu hay như một bài hát, mấy hợp âm đầu F#m, C#m, Bm, C#7sus được chơi với nốt bass của hợp âm theo chiều giảm dần từ F#, xuống E, rồi D và C# ngoài việc mang lại cảm giác như con người bị kéo xuống đáy của nỗi buồn, còn tạo âm sắc chuyển ấn tượng và ăn sâu vào não.
Có lẽ đó chính là lý do câu đàn guitar cũng như vòng hoà âm đó của bài “Shape” được dùng khá nhiều và mang lại hiệu ứng hiệu quả về mặt cảm xúc cho các bài Hip Hop và R&B.
Đầu tiên với nhạc Hip Hop, việc sử dụng sample của các bản nhạc khác là điều quá thường thấy và phổ biến. Có điều, phần nhạc của bài “Shape” được dùng như một sountrack để mang lại một dấu ấn không lệch đi đâu cho nhạc Hip Hop được. Đó là một bản track sâu lắng của các rapper.
Đáng kể nhất đầu tiên là Nas dùng cho bài “The Message” trong đĩa It Was Written. Câu guitar của “Shape” được sử dụng xuyên suốt bài với phần lớn các nốt giữ nguyên như bản gốc. Như phần nhạc của nó, Nas đọc những lời rap về sự chân thực của những cảnh súng đạn nổ ra ngoài con phố, tựa như câu chuyện mà bộ phim Leon cũng nói tới, ắt không mang lại kết cục tốt đẹp cho một ai.
Tiếp đến là bài “Break You Off” của The Roots trong album Phrenology với sự tham gia của Musiq Soulchild. Ở đây cách vay mượn câu nhạc của bài “Shape” kín đáo hơn. Nó chỉ nằm ở phần vòng hoà âm. Nhưng như nói ở trên, âm sắc chuyển đặc trưng nhờ scale đi xuống gợi nhớ được cho người từng nghe bài “Shape”. Còn nếu không nhận ra hoặc chưa nghe thì vẫn là vòng hoà âm đẹp để mang tới phần production nhẹ nhàng đượm buồn, khá là khác phong cách nhạc của The Roots. Trong bài này, lời rap của Black Thought lấy ý tưởng của phần nhạc buồn lãng mạn để rap về anh cuỗm gái của kẻ khác.
Gần đây hơn còn có bản “Lucid Dreams” của Juice WRLD trong đĩa Goodbye & Good Riddance. Thay vì thường chỉ tiếng đàn trong mấy khuông nhạc đầu của bài “Shape” được dùng, ở bài này của Juice, phần chuyển hợp âm liền mềm mại ở đằng sau cũng được đưa vào, kéo dài vòng lặp khỏi cụm 2 bar thường thấy ở nhạc Rap. Ở đây, nội dung mà Juice rap cũng phù hợp hơn với nền nhạc buồn này khi anh nói về cảm xúc sau khi chia tay. Kiểu nửa rap theo chút giai điệu của Juice cũng có phần bám theo câu đàn guitar bài “Shape” mà tôi muốn nói tiếp theo dưới đây trong phần nhạc R&B.
Ngoài các ví dụ trên, bài “You’re Mines Still” của Yung Bleu (ft. Drake), “Pieces” của Tory Lanez (ft. 50 Cent), “Living In A World” của Trick Daddy, “Love In Ya Mouth” của Kilo Ali (ft. Big Boi) và nhiều rapper khác cũng từng “mượn” phần sample có màu sắc buồn đặc trưng này.
Nếu như cách dùng sample trong nhạc Hip Hop chủ yếu để tạo không khí màu sắc cho phần production để các rapper lấy cảm hứng phần nào hướng chủ đề rap của họ tới đó, thì với nhạc R&B, khi cách dùng phần sample không phải là cover nguyên si lại, người nghệ sĩ sẽ phải hát một giai điệu khác bản gốc của bài hát nên sẽ phức tạp hơn nhiều.
Và ở đây mới là điều thú vị nhất trong việc dùng sample trong âm nhạc.
Lời đọc rap không có giai điệu thì chỉ chịu sự chi phối chính của nhịp trống và nhịp bass, nhưng giai điệu hát nếu đi vay mượn phần đệm của người khác sẽ là một câu chuyện khác hẳn.
Nếu các bạn có đi hát karaoke mấy bài mang đậm chất thị trường một thời ở Việt Nam, nếu để ý, nhiều khi bạn không cần biết giai điệu của bài gốc, nhưng chỉ cần cảm qua vòng hoà âm một lượt là có thể tự chế giai điệu tương đối nào đó cho bài hát đó. Đấy là khi vòng hoà âm đó được dùng quá nhiều cho các bài khác nhau vì sự đơn giản của nó khiến cho mọi thứ trở nên dễ đoán, thường không đi quá xa với chuỗi hợp âm 4 gam thông dụng.
Nhưng với phần nhạc của bài “Shape” này chẳng hạn. Việc "chế" nhạc sẽ cực khó khi hợp âm đổi liên tục, xen cùng gam sus bên gam thứ và trưởng. Nhưng một khi làm được điều đó thì người nghe mới vỡ oà ra một điều về sự phong phú trong giai điệu mà nhạc sĩ có thể tạo ra từ vòng hoà âm được đặt sẵn như ở trường hợp các bài R&B kể dưới đây.
Bài đầu tiên tôi muốn nói đến là bài “Rise & Fall” của Craig David trong album Slicker Than Your Average cùng với chính tác giả Sting. Tôi nhớ thời đó bài này nổi đình nổi đám của anh David, được phát suốt trên MTV nhờ giai điệu tình và chất giọng chảy mượt của David. Câu đàn guitar của anh Dominic Miller vẫn được giữ nguyên. Mở đầu bằng đoạn điệp khúc giai điệu hơi đi ngang chút mà được chính Sting thể hiện, ít biến đổi giữa các nốt nhạc, nhưng vẫn khác xa bài gốc.
Giỏi cái là, cách Craig David tạo sự tương phản với đoạn verse sau đó bằng giai điệu trầm bổng hay khó đỡ, giống như chính cái tên “Rise & Fall”. Chỉ mỗi đoạn bridge của bài là phần hợp âm được David sáng tác mới thêm vào thêm phần phong phú.
Bài tiếp theo là “Take Him Back” của Monica trong album The Boy Is Mine. Cái khác với Craig David, bài này của Monica chỉ mượn câu guitar và hợp âm trong đúng 2 khuông nhạc đầu cho cả phần verse và điệp khúc (giống cách sample trong mấy bài Hip Hop ở trên). Có điều khi làm như vậy, dường như khuôn mẫu này bị bó hẹp hơn khiến giai điệu bài “Take Him Back” khó bay bổng. Nhưng không hề. Chính cách chuyển hợp âm liên tục như của bài gốc “Shape” đã tạo cho bài của Monica trở thành một trong những ca khúc tôi yêu thích nhất của cô. Các nốt trầm ấm phong cách R&B nữ thời đó ở đầu bài làm sự tương phản cho những khúc bay lơ lửng của nốt giai điệu ở phần sau. Thêm nữa là kỹ thuật luyến láy của người hát nhạc R&B nói chung sẽ luôn làm bài hát đầy màu sắc.
Bản R&B thứ ba mà tôi muốn kể tới ở đây là bài “Shape” của nhóm nhạc nữ Sugababes ở album Angels With Dirty Faces. Phong cách nhạc Pop chịu ảnh hưởng R&B của các cô gái này là yếu tố khiến tôi có cảm tình với album của họ. Và cách thể hiện từ bản sample của Sting của Sugababes cũng là một hướng tôi đánh giá cao. Khác với “Rise & Fall” và “Take Him Back”, đúng như tên bài vay mượn từ “Shape”, đoạn nhạc và giọng hát của Sting ở điệp khúc được mang vào điệp khúc của bản này với giọng các cô gái hát hoà chung vào gần như một bản cover, khác là đoạn sáng tác mới ở giai điệu verse rất hay vẫn dựa trên nền câu guitar kinh điển kia.
Ngoài ra, đoạn nhạc của Sting còn được tìm thấy ở các bài “Emotional” của Carl Thomas, “Release Me” của Blaque, “I Crave You” của Shontelle, “Forever Yours (Tribute)” của Kygo, Avicii và Sandro Cavazza, và nhiều bản khác nữa.
*****
Cách sáng tác giai điệu dựa trên nhạc nền có sẵn giống như bài viết của chúng tôi về Radiohead và không gian những căn phòng. Mỗi căn phòng với một “Shape” khác nhau tượng trưng cho một hợp âm. Hơn nữa, cái khó ở đây không dừng ở mỗi hợp âm, mà còn phải cân đối cả hoà âm giữa giai điệu hát và giai điệu guitar, khiến cho không gian các căn phòng bỗng dưng chật hẹp vì nhiều đồ đạc hơn.
Thế mà các bạn thấy không, vòng hoà âm và tiếng đàn đó lặp suốt từ đầu đến cuối bài, kể cả là verse và điệp khúc. Thế là mỗi bài ta phải có đến hai phần giai điệu khác nhau, nhân với số bài dùng sample kể trên, vậy là đã có vô cùng nhiều giai điệu khác nhau được phát triển chỉ trên đúng một vòng lặp trên 8 khuông nhạc (hoặc ở một số trường hợp chỉ 2 khuông nhạc). Qua đó ta mới thấy thường thì (tôi nói là thường thôi nhé), đã có vòng hoà âm hay rồi thì giai điệu sáng tác trên đó ắt sẽ hay.
Nói cách khác, chỉ cần tìm ra một vòng hoà âm đẹp là ăn tiền.
Hẹn gặp lại!
Kroon
Thêm quả vòng gamme Canon in D :)))))