top of page

Toto: Mấy vị lính đánh thuê

Ngành công nghiệp âm nhạc hiện đại đã tạo ra không ít sự phi lý, dù rằng những thời khắc tuyệt vời cũng như những ngôi sao nghệ sĩ mà nó tạo ra đều thật đáng nhớ giữa vô vàn những công trình nghệ thuật. Một trong những điều phi lý man rợ nhất mà tôi từng thấy, đó là sự làm ngơ với những nghệ sĩ phòng thu, những người vô số lần đứng đằng sau thành công của những album nhạc, nơi mà thường chỉ có cái tên của nghệ sĩ, tên album, và tên của hãng đĩa là được chường ra phía trước. Đó là những người chọn nơi làm việc ít phiêu lưu hơn những kẻ ưa lưu diễn, dù tài năng của họ cũng chả kém phần. Họ chấp nhận đứng sau lưng hàng trăm nghệ sĩ khác, bất kể âm nhạc của người đó có nổi tiếng hay không, và đôi khi chấp nhận cả việc không được nhắc tới trong tác phẩm sau khi đã tặc lưỡi ký vào những tờ giấy cam đoan giữ kín thông tin. Làm gì có mấy nghệ sĩ phòng thu được khán giả gọi là virtuoso, bởi vì họ có xuất hiện trên sân khấu đâu. Những điều tự hào của họ như thu một đoạn nhạc khó chỉ cần 1 hoặc 2 lần (và nhờ đó tiết kiệm tiền thuê studio cho nghệ sĩ được chường mặt) có lẽ chỉ có thể giãi bày trong giới chơi nhạc với nhau mà thôi.


Có mấy người sẽ nhớ tới vai trò của Larry Carlton hay Peter Frampton chơi guitar; Vinnie Colaiuta hay Greg Bissonette trên giàn trống, cũng như Leland Sklar hay Nathan East chơi bass trong hàng ngàn những nhạc phẩm từ Jazz, Rock, tới Funk hay R&B của cũng ngần ấy các nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới.


Ngay với cả ban nhạc Rock số một như Led Zeppelin, tui không nghĩ có nhiều người thấy rằng họ giỏi như vậy bởi vì 3 trong số 4 người họ xuất thân từ nghệ sĩ phòng thu. Jimmy Page, John Paul Jones, và cả John Bonham đều có thể chơi tuốt tuột các loại nhạc và giúp cho người khác trở nên nổi tiếng, trước khi tự mình làm ra thứ âm nhạc của mình và nổi tiếng theo cách của mình.


Thế nên khi chàng trai trẻ Steve Lukather (hay Luke), nghệ sĩ phòng thu nổi tiếng ở Los Angeles khi mới chỉ hơn 20 tuổi kiêm lead guitar của ban nhạc Toto, được Jimmy Page lừng danh khen ngợi trong một lần hai người gặp nhau trong studio, đó có lẽ là sự ghi nhận cao nhất về nghề nghiệp mà Steve Lukather đã từng nhận. Chỉ có họ mới hiểu được với nhau rằng, chỉ riêng việc phải tới phòng thu hàng ngày và thực hiện những bản thu với phong độ cao nhất ngày này qua ngày khác, hết người này tới người khác, cũng đòi hỏi cao chả kém gì những nghề nghiệp khó nhằn nhất.


Nhưng đó còn chưa kể tới áp lực khi phải làm việc cho những người giỏi nhất.


***

8 giờ sáng một ngày tháng 4 năm 1982, Steve Lukather nghe chuông điện thoại reng ngay cạnh giường ngủ của mình – vào cái giờ mà với những người quen với các rocker trên đời đều hiểu rằng họ hãy còn lâu mới thức dậy và thậm chí còn chưa hết cơn say sau những cuộc chơi mỗi đêm. Nôm na thì gọi giờ này cũng có nghĩa là ai đó đang rắp tâm chọc Luke.


Một giọng nói nhẹ nhàng cất lên “Xin chào!”, chỉ để nhận được câu đáp lại cộc cằn của Luke “Đ.t cụ mày!” – và dập máy.


Chuông reng lần thứ hai, và giọng nói nhỏ nhẹ lại tiếp tục cất lên “Xin chào, đây là Michael Jackson!”, và cũng chỉ nhận được câu trả lời còn cục hơn “Đ.t cụ Michael Jackson”.


Chuông reng lần thứ ba, và Luke có vẻ hơi chùn sau khi nghe lời chào “Thằng điên nào gọi chọc anh giờ này thế?” – và bên kia điện thoại, vẫn nhỏ nhẹ, trả lời rằng “Tớ là Michael Jackson thật đấy!”.


Gã dập máy và chìm vào giấc ngủ. Khi tỉnh dậy, Luke quyết định gọi cho Quincy Jones. Luke vốn quen Q từ khi giúp ông thu guitar trong album The Dude không lâu trước đó. Luke bị Quincy mắng ngay vì dám hỗn với Michael Jackson đáng mến. Đúng là anh này đang cùng Q chuẩn bị thu album sắp tới, Thriller.


Xin được nói thêm với các bạn, nếu có ai đó đã trở thành nghệ sĩ phòng thu được tín nhiệm ở Los Angeles, thì họ sẽ không bao giờ lo thất nghiệp vì những nghệ sĩ chuyên nghiệp luôn biết cách rỉ tai nhau về những người giỏi nhất mỗi khi có ai đó khuyết một cây chơi nhạc hoặc cần một câu nhạc để đời cho bản thu của họ.


Nhưng như thế không có nghĩa họ được quyền tỏ ra sang chảnh với thân chủ của họ. Dĩ nhiên Steve Lukather không có ý mạo phạm Michael Jackson lừng danh, và Michael tốt bụng nhanh chóng xí xóa việc này để hai người có thể bắt đầu công việc.


Steve Lukather (guitar) và người bạn thân thiết Jeff Porcaro (trống) nhanh chóng tới phòng thu và bài thu đầu tiên của họ sẽ là “The Girl Is Mine”, bản song ca cùng với Paul McCartney. Đó cũng là lần đầu tiên hai trụ cột của Toto được gặp một Beatle, những người đã dẫn dắt họ tới âm nhạc từ khi xuất hiện trên cái show truyền hình để đời Ed Sullivan năm nào. Để làm quen với nhau, cả đám bắt đầu chơi track “I Was Made To Love Her” của Stevie Wonder với mấy nghệ sĩ phòng thu khác như David Foster chơi piano, Luis Johnson chơi bass. Michael góp giọng và rồi đến Paul, tất cả tự nhiên như quen nhau từ rất lâu rồi. Không ngạc nhiên khi Jeff và Luke vài tháng sau đó được quản lý của Macca gọi sang từ London để nhờ tham gia thu album nhạc kịch của Paul, Give My Regards to Broad Street (1984).


Bài thứ hai mà họ phải thu là “Beat It”. Lúc này Quincy mới cho Luke và Jeff hai bộ băng Master 24-track, một bộ có giọng hát của Michael và trọn phần bè, còn bộ kia ghi lại phần solo guitar của Eddie Van Halen. Vấn đề thứ nhất, là khi Eddie Van Halen thu xong, kỹ sư của anh đã cắt phần băng thu của Ed để riêng và vì anh này chỉ thu mỗi câu solo chính và vài câu solo điểm xuyết, nên sẽ cực khó để ghép lại với nhau thành bài khi hai cuộn băng nay đã không có chung điểm gốc để đồng bộ. Vấn đề thứ hai, Michael Jackson luôn có thói quen làm băng demo “chay”, nghĩa là không có phần nhạc. Michael thường dùng giọng của mình để giả lập tiếng của nhạc cụ, và trong trường hợp này dường như Jeff và Luke chỉ nghe được loáng thoáng tiếng Michael đập nhịp trên đùi của mình trong khi hát.


Quincy Jones đã chỉ đạo rõ ràng: Michael sẽ không hát lại và Eddie Van Halen sẽ không thu guitar lại nữa, vì Q muốn tôn trọng cái năng lượng bản năng của bản thu gốc này.


Thế là Jeff Porcaro phải tạo ra một cái click track đặc biệt. Luke sẽ vặn âm lượng phần hát của Michael lớn hết cỡ lên để Jeff có thể nghe được tiếng vỗ nhịp nhỏ xíu kia, và với hai chiếc dùi gõ vào nhau, Jeff Porcaro đã tạo ra một phần “click track” thật khớp với phần hát của Michael để rồi sau đó, Jeff Porcaro chơi và thu cả phần trống cho “Beat It” chỉ với 2 lần thu âm.


Việc của Steve Lukather xem ra có vẻ nhàn hơn, vì anh chỉ việc chơi trên phần trống của Jeff Porcaro với câu riff trứ danh mà Michael Jackson đã nghĩ ra (được thu trong demo bằng giọng hát). Luke cũng gợi ý với Michael Jackson đoạn guitar ở khúc giữa trước khi vào solo, cũng như nuốt trọn luôn cả phần bass trong bài này.


“Human Nature” thì là một track do em trai của Jeff, Steve Porcaro viết và đáng nhẽ để dành cho Toto. Cũng lại là Quincy Jones gọi Steve Lukather tới sau khi bài này thu xong và nhờ Luke thêm phần guitar sao cho bài hát thêm gắn kết. Kết quả là đoạn guitar ướt át nghe funky mà ai cũng có thể nhận ra trong bài này – thêm một nhạc phẩm đáng nhớ cho Steve Lukather và mấy anh em nhà Porcaro.

***

Vốn cùng là người Mỹ gốc Ý và quen nhau ở trường cấp 3, Steve Lukather dường như nhanh chóng bỏ lại tuổi thơ đi học hay bị đám bạn bắt nạt, và bắt đầu manh nha theo đuổi sự nghiệp âm nhạc nhờ quen với ba anh em nhà Porcaro. Một người vốn yếu thích The BeatlesLed Zeppelin đã nhanh chóng được gia đình có gốc chơi nhạc Jazz từ ông bố Joe Porcaro vốn cũng là một tay trống session nổi tiếng ở Los Angeles. Cùng với Mike chơi bass, Steve chơi keyboard, Steve Lukather nhanh chóng được dẫn dắt bởi anh cả Jeff Porcaro trên con đường để trở thành một nghệ sĩ phòng thu không lâu sau đó, trước khi trở thành cạ cứng của nhau trên con đường âm nhạc.


Jeff Porcaro, vì là lớn nhất, nên đã nhanh chóng tạo dựng tên tuổi cho riêng mình sau khi tham gia thu nhạc cùng Steely Dan với album Pretzel Logic (1974) và Katy Lied (1975). Jeff Porcaro sau đó có dịp tham gia thu album bước ngoặt Silk Degrees (1976) của Boz Scaggs, một trong những nghệ sĩ tiên phong trong phong trào âm nhạc ở Los Angeles thời đó. Tại đây, Jeff Porcaro có dịp chơi nhạc cùng David Paich (piano) và David Hungate (bass). David Paich cũng là người viết nhạc cũng Boz Scaggs trong album này và cả những album về sau. Khi Boz tập hợp ban nhạc để thu album tiếp theo Down To Then Left (1977) mà không có tay guitar kỳ cự Les Dudek, Jeff Porcaro đã gợi ý cho Boz gọi Steve Lukather vào lấp chỗ trống.


Cả Silk Degrees lẫn Down To The Left đều trở thành hit sau đó – Silk Degrees thậm chí đứng trên bảng xếp hạng suốt 115 tuần – còn bộ khung của Toto đã thành hình với khả năng chơi nhạc siêu hạng của Steve Lukather, Jeff Porcaro, David Hungate cũng như khả năng viết nhạc tuyệt vời của David Paich. Ông em Steve Porcaro cũng tham gia với vai trò keyboard, và ca sĩ của họ là Bobby Kimball.


Nếu như trước đây không lâu, EmoodziK đã từng nói rằng cuối thập niên 80s, nhạc Rock đã bị gọi là thứ nhạc từ tiền sử, thì thật may Toto lúc đó không hề có ý định chơi nhạc Rock thuần túy. Xuất phát điểm là fan của kiểu nhạc như Steely Dan, Toto muốn chơi một thứ nhạc sử dụng cây guitar như nhạc Rock với nhiều câu hook bắt tai, nhưng lại có phần funky với những câu chuyển hợp âm thú vị và cả những đoạn jam không ai ngờ tới.


Cũng hên vì chính hãng đĩa Columbia sau thành công của Boz Scaggs, đã sắp sẵn ra 1 triệu đô để ký với Toto và để họ có thể tạo ra thứ âm nhạc hay ho nhất xứng đáng với tài năng của họ. Hãy nhớ đây là thời gian mà những kẻ chơi Punk Rock hãy còn đang làm mưa làm gió. Album đầu tay cùng tên ban nhạc, Toto, phát hành vào giữa năm 1978 sau khi mất tới 8 tháng để viết và hòa âm do các thành viên đều bận với công việc session của mỗi người.


Một điểm đặc biệt nữa của Toto là họ có tới ba người có thể hát được là Steve Lukather, Bobby Kimball, và David Paich. Âm nhạc của Toto do vậy không thiếu sự bất ngờ như progressive, phần hòa âm và bè dày đặc hoành tráng, cũng như những âm điệu vừa sắc lẹm như Rock, lại vừa bật nẩy như nhạc Funk.


Và đó cũng là một lý do khiến cho việc tái tạo lại những track tuyệt vời trong Toto như "Hold the Line" hay "Supply the Love" đều khó có thể được tái hiện trên sân khấu. Cùng với việc các thành viên đều hết sức bận rộn với lịch thu session của mỗi người, Toto không có nhiều thời gian để đi lưu diễn, và dù muốn hay không, thì hai album tiếp theo của họ, Hydra (1979) và Turn Back (1981) đều để lại những dấu ấn nhạt nhòa. Có lẽ việc cố gắng chứng tỏ họ là một ban nhạc Rock đúng nghĩa trong khi việc đi lưu diễn là một sự xa xỉ lẫn những đòi hỏi khắt khe trong việc tạo ra chất lượng âm nhạc của mỗi thành viên đã vô tình bóp nghẹt hướng đi của Toto.


Và thế là không lâu sau khi Columbia mở đường cho Toto trình làng thế giới, họ cũng đã sẵn sàng đóng cánh cửa đó lại với Toto nếu như họ không ra được một album hit.


Album thứ 4 với Toto vì thế coi như được ăn cả ngã về không, dù rằng lúc đó tất cả các thành viên đều đang rất thành công trong những đóng góp với các nghệ sĩ khác như Donna Summer, Quincy Jones, Stevie Wonder, Bruce Springsteen, Chicago, hay cả Don Henley điển trai từ Eagles.


6 thành viên của Toto ngồi nghe đi nghe lại bài “Babylon Sisters“ của Steely Dan và “Fool In The Rain” của Led Zeppelin để tìm cảm hứng. Jeff Porcaro đã tạo ra phần beat của “Rosanna” lừng danh mà sau người đời hay gọi là “Rosanna shuffle” từ đây.


Trên phần nhịp đó, cả ban nhạc đã lao vào jam với nhau mà không quên ghi âm lại toàn bộ phần jam đó. Phần jam tuyệt đẹp đó có thể được chứng kiến từ sau đoạn điệp khúc thứ hai và đặc biệt là phút cuối cùng của bài hát. “Rosanna” có tất cả những thứ mà Toto giỏi nhất: groove, giai điệu, sự đa dạng trong cấu trúc bài, và sự ăn ý hòa quyện của các tay chơi nhạc khi jam cùng nhau.


Với việc thu xong “Rosanna” một cách nhẹ nhõm, track này đã đã mở ra cánh cửa sáng tạo cho tất cả các thành viên ban nhạc. David Paice góp thêm 2 bài nữa là “Make Believe” và “We Made It”. Steve Porcaro mang tới “It’s A Feeling”. Luke thì góp bản “Good For You” với phần lời do Bobby Kimball chắp bút khi Luke nghịch piano lúc chỉ có hai người trong phòng thu. “I Won't Hold You Back” cũng là một bài của Luke mà nhiều đoạn được viết ngay tại chỗ - thậm chí verse thứ 2 của bài này được viết chỉ 10 phút trước khi Steve Lukather phải thu đoạn hát. Đến lúc này David Paich thậm chí tính chơi lớn luôn vì đàng nào nếu album này thất bại, Toto cũng sẽ phải giải tán và họ không muốn có thêm sự nuối tiếc. Giàn nhạc giao hưởng London đã được liên hệ để tạo ra phần nền sâu hoắm cho bài ballad cực kỳ nổi tiếng này.


Hết bài này tới bài kia được làm xong, và khi chuẩn bị xong rồi thì David Paich lại xuất hiện với một đoạn nhạc nữa. Chả là lúc ấy, Steve Porcaro & David Paich đang có hợp đồng với Yamaha để chế và test thử cây synth mới của họ (Yamaha GS-1) – cả hai ông đều được quyền dùng cây này để thu nhưng phải ký một đống giấy tờ để đảm bảo bí mật về cây đàn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Paich trong khi nghịch cây đàn GS-1 đã nghĩ ra bài “Africa” với tiếng synth cực độc. Và mặc dù chưa có ông nào trong band từng đến Châu Phi, cả đám cứ thi nhau phịa lời ra như thật – đa số là từ Paich vì cậy vừa đọc một cuốn sách về Phi Châu. Lúc đấy thì làm gì có khái niệm World Music, nên sự hoành tráng trong phần beat của bài này đều đến từ một tay Jeff Porcaro. Jeff quyết định tạo ra một loop track với thật nhiều nhạc cụ bộ gõ mang màu sắc Châu Phi, và anh đã phải gọi cả ông bố Joe Porcaro để nhờ gọi thêm các nhạc cụ này. Jeff Porcaro tạo ra một loop cho 4 khuông nhạc và sau đó Paich cùng Jeff chơi toàn bộ phần rhythm trên cái nền loop đó. Không ai bảo ai, tất cả mọi người đều đóng góp rất nhiều phần bè và cả double track thậm chí triple track (như phần hát của Bobby Kimball) khiến cho bản thu cuối cùng của họ cần tới 4 cái đầu thu 24 track!!!


Mặc dù cầu kỳ vậy, Steve Lukather vẫn khẳng định “Africa mà thành công thì sẵn sàng chạy khỏa thân giữa Hollywood”. Luke chưa bao giờ thực hiện lời hứa của mình vì sau đó “Africa” đạt No. 1 và “Rosanna” No. 2. Toto IV đạt 3 lần platinum không lâu sau đó và đến nay đã bán được hơn 5 triệu bản.


Khi đi tour ở Nhật, Toto có Stevie Wonder tới xem và thậm chí còn tham gia biểu diễn cùng với cây harmonica. Khi đi tour ở London, họ có cả Jeff Beck, Bernie Marsden, Gary MooreCozy Powell tới xem. Và còn rất nhiều đồng nghiệp danh tiếng khác nữa. Có lẽ đó là sự ghi nhận đáng giá hơn bất cứ đĩa vàng hay đĩa bạc nào.


Nhưng Toto IV cũng tạo ra một ngưỡng mà Toto không bao giờ có thể vượt qua nữa. Tay bass Hongate thậm chí rời band ngay sau khi thu xong vì chịu hết nổi cuộc sống ở Los Angeles lẫn việc phải đi lưu diễn quá nhiều. Ông em Mike Porcaro trám vào vị trí bass.


Tiếp sau đó là hiểm họa đến từ Mai Thúy, thứ mà chắc chả có nghệ sĩ nào ở LA có thể tránh khỏi. Tệ hơn, ca sĩ chính Bobby Kimball tự chuốc họa vào thân khi cố gắng bán 90gr cocaine cho đúng ông cảnh sát chìm. Tour lưu diễn của Toto cho album Toto IV sau đó cũng bị rút ngắn một phần vì Bobby Kimball phải quay về để đi tù, và một phần vì Jeff Porcaro không thể có thêm thời gian đi tour với lịch session bận bịu của mình. Tất cả các thành viên của Toto dù tự hào với Toto IV đến mấy cũng đều tự hiểu rằng họ đã tự bóp nghẹt khả năng trở thành một ban nhạc Rock đúng nghĩa của mình.


Không còn ca sĩ chính dù rằng vẫn còn những người hát được như Luke hay Paich, Toto quay ra đánh liều làm nhạc phim cho bộ phim Dune (1984), thứ lúc đó được kỳ vọng là một Star Wars mới. Quyết định này chỉ khiến cho Toto càng rời xa với vai trò của một Rock band, dù rằng tài năng chơi nhạc của họ thì chỉ càng ngày càng được thêm nể trọng từ những đồng nghiệp trong giới. Sự thất bại của bộ phim Dune có lẽ chỉ càng làm cho cái tên Toto trở nên lu mờ hơn ở giai đoạn sau này.


Tiếc rằng “musicianship” / "khả năng chơi nhạc" không phải thứ mà khán giả nào cũng cảm được. Đó là những cái đánh mắt với nhau trước khi phiêu một đoạn, những niềm tự hào khi thu đoạn nhạc phức tạp trong 1 take, những kỹ thuật kỹ xảo để tạo ra những âm thanh khó bắt chước trong bản thu và cả những kỳ công để tái hiện lại những gì trong đĩa nhạc trên sân khấu.


Nhưng chí ít thì sự hiện diện của những nghệ sĩ phòng thu sẽ vẫn luôn ở đó. Và hy vọng mỗi khi các bạn nghe một album thấy hay, hãy mở phần credit để biết ai là người góp phần tạo ra những âm thanh đó, vì biết đâu đó cũng vẫn là một vài người mà ta đã quen mà thôi.


Hẹn gặp lại!


Kai

417 views

Recent Posts

See All
bottom of page