top of page

Norah Jones và thứ nhạc an toàn

Theo bạn, nếu có khách đến nhà ăn thì bật nhạc gì là hợp lý nhất?

  • Rock? Quá kén người nghe vì tiếng ồn.

  • Rap? Càng ít người nghe hơn vì chả có giai điệu gì cả.

  • Classical? Cũng tuỳ, có khi khách lại bĩu môi, gu gì mà bác học vậy.

  • Pop? Khá ok lúc nấu nướng và dọn đồ ra bàn, nhưng khi ngồi vào bàn ăn thì có thể không phù hợp với những bài mang tính nhộn nhịp.

  • Norah Jones? Chuẩn, đây là phương án an toàn nhất. Cụ thể tới nghệ sĩ cần nghe luôn chứ không chỉ dừng ở thể loại nhạc nữa. Có khi khách còn tấm tắc thấy mình sang vì nghe nhạc Jazz.


Nhạc của Norah Jones có âm thanh nhẹ nhàng chậm rãi, lai jazzy, đủ làm background music cho bữa ăn, lấp đi những khoảnh khắc im lặng khi không ai nói chuyện, mà cũng không át cuộc hội thoại nếu có. Và quan trọng là không cần quá chú tâm để thưởng thức vì bất kỳ lúc nào vểnh tai lên nghe nhạc thì đều có cảm giác dễ chịu.


Đấy là vì nhạc của Jones hợp làm nhạc nền. Chứ với tôi, thời cô này mới phát hành album đầu tay Come Away With Me, người người nghe nhạc của cô, nhà nhà bật nhạc của cô. Đi vào quán cafe, quán trà cũng bắt gặp giọng hát đó. Nhiều tới khiếp sợ!!!


Thú thực là thời đó tôi chỉ thấy nhạc Norah Jones quá nhẹ nhàng và hiền lành. Cái ấn tượng thoáng qua về sự thiếu cá tính cả trong phần hoà âm lẫn giọng hát là thứ tôi bỏ qua việc tìm hiểu nhạc của cô. Hoặc là do tôi đã bị tra tấn bởi 2 bài “Don’t Know Why”“Come Away With Me” quá nhiều!


Nhạc của Norah Jones có sự nhẹ nhàng của Pop, với ảnh hưởng của Jazz từ Billie Holiday mà cô nghe từ bé và tại trường lớp cô theo học, của Blues qua lối hát của Jones và định hướng của nhà sản xuất nhạc Jay Newland, của Country từ vùng đất Texas nơi cô lớn lên. Thứ âm nhạc đấy kết tụ lại trong album Come Away With Me phát hành năm 2002.



Sự thành công ở ngay album đầu tay này của Jones đi ngược mọi tính toán của thị trường âm nhạc. Vào năm đó, nhạc Hip Hop đầy sôi động đang lên ngôi. Còn khán giả thích nghe nhạc của cô phần lớn là người lớn đáng tuổi cha tuổi mẹ. Trên đài cũng không buồn bật nhạc của Jones vì sợ mất khách. Thế rồi khi các nhà phê bình đăng những lời khen có cánh thì thị trường lúc này mới để ý. Tự dưng một nhóm phân khúc khách hàng lớn tuổi tìm được âm nhạc hợp với màng nhĩ họ. Mượt mà và nhẹ nhàng, thay vì âm thanh ồn ào trên các bảng xếp hạng trên đài. Số người của phân khúc bị lãng quên này chiếm tới 1/4 thị trường. Họ đổ xô đi mua đĩa của Jones. Đã vậy, chuỗi cafe Starbucks ở thời còn promote đĩa nhạc còn chọn mặt gửi vàng với Norah Jones cùng album của cô.

Thế là quay đi quay lại, “Come Away With Me” và “Don’t Know Why” bật khắp nơi ở các quán cafe, quán trà, cửa hàng đĩa. Sau 6 tháng, album bán được 1 triệu bản. Sau gần 1 năm, lên vị trí số 1 bảng xếp hạng. Và sau đấy không lâu, Jones ẵm ngay 5 giải Grammy trong đó có Album Của Năm, Ghi Âm Của Năm và Nghệ Sĩ Mới Xuất Sắc Nhất, vào thời điểm, mà cũng xin nhắc lại là thời kỳ thuộc về những nghệ sĩ hot trong giới Hip Hop / R&B / Pop như Nelly, Eminem, Usher, Missy Elliott, Justin TimberlakeThe Neptunes. Đến nay album này của Jones bán tới 26 triệu bản trên thế giới, trong đó hơn 11 triệu bản tại Mỹ.

Chính việc vô tình một mình chống lại thế giới âm nhạc mainstream cùng với chiến thắng hàng loạt của cô đã dẫn tới hàng loạt lời chê bai bỗng nhiên xuất hiện. Người ta ví buổi lễ trao giải Grammy đó giống như buổi tiệc sinh nhật mà Jones được mời tới nhưng cô lại “tham lam” chén sạch cái bánh của chủ nhân. Họ bảo cô lên nhận giải mà không có lời cám ơn bố đẻ mình một cách trân trọng, và rằng cô muốn rũ bỏ gốc gác Ấn từ người bố đã bỏ mẹ con cô từ ngày còn nhỏ khi lược bỏ tên khai sinh đầy đủ Geethali Norah Jones Shankar của mình. Những người dị ứng nhạc của Jones còn ví cô một cách cạnh khoé như nữ hoàng nhạc Starbucks, không khác mấy với việc so sánh với thứ âm nhạc bật trong thang máy. Có người còn đặt nick cho cô là “Snorah Jones”, và tính từ “boring” với chữ “r” kéo dài được gắn mác cho nhạc và con người có phong cách nhạt nhoà của cô, khá giống với những lời chê bai dành cho ban nhạc Coldplay trước đây. Phần nhiều, sự ghét bỏ này đến từ những người không thể giải đáp cho thành công không tưởng của một cô gái chỉ biết đánh đàn piano và hát. Một công thức nhạc quá an toàn?


Với tôi, thời đó cảm giác sợ nhạc của Norah Jones xuất phát từ việc phải bất đắc dĩ nghe đi nghe lại hai ca khúc “Come” và “Why” từ những người xung quanh và những nơi tôi ghé qua.


Bẵng một thời gian, khi mọi người tạm quên cô rồi, tai tôi bắt đầu như được làm sạch lại, được refresh tươi mới. Thế là một hôm chả nhớ tự dưng sao tôi lại mò ra bài “I’ve Got To See You Again” của Jones để nghe. Câu đàn piano mở đầu cuốn cảm xúc xuống những nốt trầm buồn. Rồi tiếng violin kéo buồn thê lương. Giọng hát của Jones cất lên trên nền piano có phần jazzy. Bài hát thu phục tôi hoàn toàn!

Khác với những ca khúc bị bật quá nhiều như “My Heart Will Go On” của Celine Dion, lúc này đây khi tôi nghe lại cả album đầu tay đó, nhạc của Norah Jones không còn cảm giác ngấy khi thưởng thức lại, kể cả với hai bài “Come Away With Me” và “Don’t Know Why” mà tôi từng khiếp sợ. Đĩa nhạc này hay và cuốn hút từ đầu tới cuối.


Tôi bỗng dưng phát hiện những viên ngọc sáng trong đĩa như “Seven Years” & “Painter Song” với phần guitar thùng gảy dây là nhạc cụ chính, “Cold Cold Heart” & “Lone Star”, là contrabass, “Shoot The Moon” là tiếng ukulele. Hiếm khi có quá 3-4 nhạc cụ trong bài của cô. Giữa biển nhạc đa phần đến từ đàn điện tử, những câu hát lời rap giai điệu sôi động, sự giản dị và mộc mạc ở âm nhạc giống như tính cách cô gái này hẳn là điều vừa khiến người ta yêu và cũng lại có người ghét nhạc của Norah Jones. Mấy ông ở hãng đĩa của Jones còn thử phát hành bản remix có tiết tấu nhanh hơn cho “Don’t Know Why” với mong muốn lôi kéo cả khán giả trẻ, bất chấp sự phản đối của Jones cũng rồi phải nhận ra là nó không hợp tẹo nào, không khác gì món steak đem chấm với sốt ketchup.


Một mình Jones đi theo một hướng. Các album sau vẫn vậy. Chúng lần lượt được phát hành và gặt hái thành công với đối tượng khán giả riêng của cô. Dĩ nhiên trong đó vẫn có thêm lác đác những người nghe trẻ tuổi yêu sự mộc mạc đấy. Lùi về phía sau, ít xuất hiện trên báo chí hơn lại là điều Jones hạnh phúc nhất. Càng ít được quan tâm bởi số đông, không bị dòm ngó, đánh giá, cô càng bớt áp lực, và dường như làm nhạc càng lên tay bằng nhiều bài tự sáng tác, phá bỏ mấy lời dèm pha việc cô từng phụ thuộc vào mấy bản cover. Bản thân Jones cũng tìm tới những thay đổi, ví dụ như lần hợp tác với nhà sản xuất Danger Mouse để có một sản phẩm “khác bọt” rất hay qua đĩa Little Broken Hearts. Nhưng sự mộc mạc vẫn ở đó.


Và điều kỳ lạ là lần Norah Jones quay lại với tinh thần âm nhạc của đĩa đầu tiên bằng album gần đây nhất Pick Me Up Off The Floor (phát hành năm 2020): chậm, nhẹ, và mộc, thì nó lại thành album top 3 hay nhất của cô. Các bài trong đĩa vẫn không cần nhiều nhạc cụ, nhưng nó lại phức tạp hơn bởi sự ảnh hưởng của Jazz lớn hơn trước bao giờ hết trên vòng hoà âm. Không còn mấy bài có giai điệu dễ đi vào lòng người từ lần đầu nghe như “Come” và “Why”. Bù lại, khác với đĩa đầu tay, cả 11 track trong đĩa này đều do Jones sáng tác, và tôi cảm giác đĩa này là chính những sản phẩm mà cô luôn mong mỏi tạo ra từ nền tảng âm nhạc Jazz mà cô đã học.

Khi mà dòng chảy âm nhạc bây giờ, gần 20 năm kể từ ngày đầu ra mắt công chúng, đã biến thiên vạn hoá khác xưa, nên nhạc của Jones hẳn càng trở nên lạc lõng hơn trước nhiều, khi những khán giả nghe nhạc ngày xưa của cô, đa phần nay đã ngoài 50-60 hoặc thậm chí 70 tuổi, còn những người trẻ hơn (như tôi) thì nghe để tìm cảm giác hoài niệm. Thế nên đĩa Pick Me Up Off The Floor chỉ được vị trí 87 trên bảng xếp hạng Billboard, trở thành album đầu tiên của Jones không vào được top 10 bảng xếp hạng, thua xa những vị trí số 1 và số 2 những năm đầu của sự nghiệp.


Nhưng tôi tin kết quả này mới là sự mãn nguyện của Norah Jones, vì cô được làm nhạc mà mình muốn, vẫn được chơi nhạc cho những khán giả trung thành, được tránh xa giới showbiz nhiễu nhương và quan trọng nhất đây là album hay tuyệt vời mà cô sáng tác. Âm thanh có phần raw tựa như nhạc của chính thần tượng Billie Holiday của Jones.

Có người đã từng hỏi Jones cảm thấy gì khi nghe nhạc của Holiday, thì cô trả lời cô thấy được con tim và linh hồn và thậm chí nỗi đau. Còn tôi khi nghe nhạc của Jones, tôi vẫn thấy sự mộc mạc trinh nguyên từ những ngày đầu của cô gái ngây thơ, mà tần suất xuất hiện dày đặc ban đầu đã suýt đánh mất hứng thú của tôi với Norah Jones. Nhìn lại, những người bảo nhạc cô chơi có công thức an toàn chính ra là một nhận định sai lầm. Ai đời làm nhạc an toàn lại đi ngược xu thế và bất chấp thị hiếu số đông như Norah Jones?



Hẹn gặp lại!


Kroon

1,211 views

Recent Posts

See All

2 Comments


Hải Anh Chế
Hải Anh Chế
Oct 09, 2021

Ô em cũng từng ko thích Norah thời cái bài Dont know why bị replay quá nhiều khắp nơi, và rồi cũng yêu lại nàng từ chính bài I've got to see you again :)) Đọc bài về Coldplay và lý do vì sao các ảnh bị chê thì cũng liên tưởng Norah, qua đây đọc Norah lại thấy liên hệ Coldplay nè. Nhạc của Norah và Coldplay với cá nhân em là cỡ phải quanh ngưỡng 30 mới nghe được, đoán là do lớn chậm; có lẽ với người khác là ngưỡng 25 maybe ^^

Like
K.K.N.
K.K.N.
Oct 09, 2021
Replying to

Hehe trùng hợp nhể. Bài I’ve got to see you đúng là hay khó đỡ luôn

Like
bottom of page