top of page

Phil Collins: Sao nỡ trách người!

1970. Phil Collins, lúc đó mới 19 tuổi và hãy còn là một tay trống trẻ măng chạy đôn đáo khắp London để tìm việc, bỗng nhận được một cú điện thoại từ Abbey Road lừng danh để tới chơi trống cho không ai khác chính là George Harrison. Không hẳn là chơi trống mà đúng hơn là chơi bộ gõ congas cho ca khúc “Art of Dying” cho album solo đầu tay của George thời hậu Beatles. Biết không thể có cơ hội thứ hai được chơi cùng với một “Beatle”, Phil đã ráng hết sức (dù congas không phải thế mạnh) chơi hết take này đến take khác theo yêu cầu của nhà sản xuất, để cuối cùng cũng được trở về nhà với đôi tay rớm máu cùng số tiền 15 bảng công xá, và hơn tất cả là sự khấp khởi được có tên trên bìa đĩa của một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất trong lịch sử.


Phần còn lại đúng là đi vào lịch sử thật, khi bộ 3 đĩa album All Thing Must Pass trở thành một trong những siêu phẩm âm nhạc và thể hiện đủ đầy khả năng viết nhạc phong phú và đầy progressive của George Harrison, lẫn sự tham gia đầy tham vọng của những nghệ sĩ tài danh khác trong album này. Trừ việc, cái tên “Phil Collins” không hề có trên bìa đĩa.


1982. Phil Collins lúc này đã nổi tiếng và đang thu trống cùng Gary Brooker trong album Lead Me To the Water của anh này, và Gary nảy ra ý định mời George Harrison chơi phần guitar. Phil Collins có dịp trò chuyện trực tiếp với George, và câu chuyện cũ đã được nhắc lại, rằng ngày đó, Phil có chơi trong một bài của All Things Must Past, và liệu George Harrison có nhớ?


Câu trả lời là "không hề"!


***

Phil Collins tham gia Genesis từ một lời quảng cáo ở trên báo của ông bầu Tony Smith “tìm một người chơi guitar 12 dây và một tay trống nhạy cảm với nhạc acoustic”. Trở thành tay trống của Genesis, Phil Collins và các đồng đội nhanh chóng tìm được sự ăn giơ trong jam nhạc và khả năng viết nhạc ngày một phức tạp – những thứ sau trở thành tiền đề của progressive rock. Nhưng không giống những thứ progressive rock khác, nhạc của Genesis rất gần gũi với thị hiếu và đĩa của họ bán rất tốt. Từ Foxtrot tới Selling UK by the Pounds, Genesis vừa có thể cho ra những nhạc phẩm cầu kỳ nhưng lại cũng rất ăn khác như “Supper’s Ready” hay "The Cinema Show", và cùng với sự phát triển nhanh chóng của thứ âm nhạc đầy progressive này, những màn trình diễn đầy màu sắc và đậm tính kịch cùng với những trang phục trình diễn cầu kỳ và khả năng nhập vai như lên đồng trên sân khấu của ca sĩ chính Peter Gabriel đã nhanh chóng khiến tạp chí Rolling Stone phải gọi họ là một trong những band biểu diễn live hay nhất thời đó.


Đối với tôi, điều tuyệt vời nhất ở Phil Collins chính là khả năng chơi nhịp lẻ và đổi nhịp liên tục trong các bài hát của Genesis thời 70s một cách cực kỳ mượt mà. Cho dù đó là những nhịp khó như 9/8, 11/16 hay 13/16, Phil Collins có cách khiến những thứ nghịch tai nghe thật hợp lý bởi cách anh giữ chắc tiếng đập nhịp trên ride cymbal bằng một tay, trong khi chỉ cần một tay còn lại cũng có thể dồn trống trên tất cả các tom mà tốc độ không hề sút giảm. Nhạc của Genesis vì thế luôn có chỗ để "thở" và không hề có cảm giác lâu lâu bị dồn ép như những band progressive khác và vì vậy, nó đến được với rất nhiều khán giả. Tất nhiên không phải tất cả khán giả, vì có lần tôi nhớ Steve Aoki đã chơi bản Apocalypse in 9/8 trước sân vận động và khỏi phải nói thì pà kon đã phải nhún nhảy theo một cách khục khoặc như thế nào. Có gì cứ đổ tại Phil Collins.


Dĩ nhiên ở trong thời đại của những món đồ concept như Tommy của The Who, The Rise and Fall of Ziggy Stardust của David Bowie, hay Dark Side of The Moon của Pink Floyd, thật không khó để đoán ra Genesis cũng theo đuổi một album concept tương tự. Và lần này Peter Gabriel là người có vẻ đón đầu vụ này sớm nhất. Sau những bàn bạc qua lại, Peter Gabriel đã chiến thắng phần còn lại về ý tưởng của album, lẫn đòi hỏi việc viết lời cho một câu chuyện xuyên suốt nên được làm chỉ bởi một người.


Peter Gabriel gọi câu chuyện của anh, cũng như tên album tiếp theo của Genesis, là The Lamb Lies Down In Broadway. Và giờ đây album này cũng đã trở thành kinh điển trong ngành progressive rock.


Nhưng rồi đằng sau sự thành công của The Lamb, điều mà tất cả anh em Genesis không ngờ tới là sự bao trùm của Peter Gabriel lên thành công của Genesis. Dù rằng Peter không có ý làm vậy, nhưng những gì báo chí tung hô anh thì Peter Gabriel chính là vị lãnh đạo thiên tài kiến trúc sư trưởng của những thành công vô tiền khoáng hậu của Genesis. Thật bất ngờ ngay trong tour diễn ở Mỹ và châu Âu của “The Lamb”, Peter Gabriel tuyên bố sẽ rời khỏi Genesis.


Chỉ còn lại 4 người, Phil Collins cố thuyết phục tay guitar Steve Hackett, tay bass Mike Rutherford, và keyboard Tony Banks – những người còn lại trong Genesis – hãy trở thành một ban nhạc chơi instrumental và tiếp tục. Dĩ nhiên ý tưởng đó bị tất cả dẹp bỏ ngay lập tức, vì cả 4 người đều rất giỏi và muốn tiếp tục viết các ca khúc. Trừ việc họ cần phải tìm người hát các ca khúc của họ.


Thế là bộ tứ này vẫn tiếp tục viết nhạc trong khi tìm ca sĩ thay thế cho Peter Gabriel. Các ca khúc cứ nhiều dần lên và phần nhạc của album tiếp theo, A Trick of The Tail cứ thế được làm đầy một cách nhanh chóng theo một tốc độ mà không ai có thể ngờ tới dù không còn Peter Gabriel. Và rồi một ngày đẹp trời, Phil Collins quyết định thử vào phòng thu và hát thử cho một bài trong số track của họ, “Squonk” – ca khúc được viết với ảnh hưởng từ Led Zeppelin.


Kết quả không ngờ tới, cả Tony và Mike đều gật gù với giọng hát của Phil Collins, và trước khi mọi người kịp nhận ra Genesis đang chuyển hướng phong cách, thì A Trick of The Tail đã kịp ghi âm xong với phần hát được đảm nhiệm bởi Phil Collins. The Tail nhanh chóng leo lên vị trí số 3 ở Anh, và Phil Collins, trước giờ quen náu mình sau giàn trống, giờ phải rúm ró hết cỡ để giấu mình đằng sau chân mic. Mượn được tay trống progressive Bill Bruford của Yes (và sau đó là Chester Thompson), Genesis nhanh chóng lên đường lưu diễn. Và đám báo chí Anh quốc lại được dịp chĩa đôi mắt kền kền qua front man mới của Genesis, và đồn đại rằng có một âm mưu của một người "thích hát" đã đẩy Peter Gabriel đi khỏi band.

Genesis không hề yếu đi sau khi mất Peter Gabriel


Nhưng Phil Collins lúc này như ở trên chín tầng mây. Thành công không ngờ đến của Genesis đã dẫn đường họ tới những chuyến lưu diễn ở bên kia bờ Đại Tây Dương, và trong một lần đánh ở Vancouver, Phil gặp lại cô bạn gái từ hồi cấp 2, Andy Bertorelli và nhanh chóng kết hôn với người vợ đầu tiên của mình.


Và Andy cũng chính là người đem lại thành công rực rỡ cho sự nghiệp solo của Phil Collins. Theo một cách không hay ho lắm.


Sự thật phũ phàng là, Andy đã bỏ rơi Phil Collins và sự nghiệp âm nhạc rực rỡ cùng Genesis của anh vào cuối thập niên 70s để quay về Canada mang theo 2 đứa con. Khi Genesis kết thúc lưu diễn cho album … And Then There Were Three, bộ ba của Genesis lúc này là Phil, Tony, và Mike (Steve Hackett đã bỏ đi lúc nào không biết) đã quyết định tạm ngưng Genesis để Phil Collins có thể đi cứu vãn con tàu hôn nhân sắp đắm của mình.


Dĩ nhiên cứu vãn hôn nhân là chuyện khó còn hơn lên trời - viết nhạc hit xem ra còn dễ hơn. Và trong khi phải công nhận là Phil Collins còn quá trẻ và mộng mơ với những ý tưởng viết những giai điệu đẹp đẽ lay động lòng người tới để cảm hóa tình yêu của Andy, đã có những con người thực dụng hơn như Ahmet Ertergun của hãng đĩa Atlantic lừng danh đã tìm thấy demo của Phil Collins và khẩn khoản đề nghị anh hãy ra album solo đầu tay.


Chả thế mà album đầu tay của Phil Collins, Face Value, toàn những bài mà nay người ta gọi là nhạc thất tình. “The Roof is Leaking” thì có đoạn “The roof is leaking and the wind is howling/ Kids are crying 'cause the sheets are so cold”. “I Missed Again” thì có “It was in your eyes/ That look's been there for too long/ I'm waiting in line”. Còn “You Know What I Mean” thì kiểu “Just as I'd learned to be lonely/ You call up to tell me/ You're not sure if you're ready”. Rặt là những ca khúc thất tình ẩm ương.


Nhưng có lẽ hay nhất vẫn là “In The Air Tonight”, ca khúc thường được nghi ngờ là viết về một gã bị chết đuối mà Phil không thèm cứu, trong khi thực ra là về … Andy. Và anh hát rằng “Well, if you told me you were drowning/ I would not lend a hand” ??!?

"In The Air Tonight" - tiếng trống lừng danh


Có hai điều đặc biệt ở ca khúc này, và cũng là những điều khiến cho nhạc của Phil Collins trở nên rất đặc biệt. Thứ nhất là cách thu âm phần trống và xử lý để tiếng trống trở nên đanh gọn như được nện rất mạnh nhưng tiếng vang bị cắt lại bằng kỹ thuật “gated reverb”. Phil Collins đã tạo ra được một trong những câu dồn trống nổi tiếng nhất và dễ nhận ra nhất trong lịch sử âm nhạc (dap-dap dum-dum dum-dum dum-dum dup dup).


Nhưng điều thứ hai mà tôi luôn cảm thấy thích thú, ấy là trong cách hát của Phil Collins luôn có sự hứng khởi bởi vì anh có cách viết nhạc và hát không vào các nốt đập nhịp.


Hãy lấy ví dụ khi đập nhịp 4/4, phách số 1 của nhịp sẽ là phách mạnh, và 3 phách 2-3-4 sẽ là phách nhẹ. Bộ não của con người, phải cái, thường hay trông đợi phần giai điệu được rơi chính vào nơi có chỗ đập nhịp, và cũng thường tự điều chỉnh để mọi thứ “căn” theo chỗ đập nhịp 1-2-3-4.


Nhưng nếu để ý, Phil Collins có rất nhiều bài (“In The Air Tonight” cũng là một trong số đó) phần giai điệu sẽ rơi vào giữa hai lần đập nhịp. Nếu như bạn đếm nhịp 4 theo cách khác: 1-và-2-và-3-và-4-và, thì các câu hát của Phil sẽ rơi vào các chỗ “và” đó. “Another Day In Paradise” là một ví dụ khác về cách viết và hát nhạc như vậy, và nhất là “You’ll Be In My Heart”, nhạc phim Tarzan mà Phil Collins làm cho Disney đã từng làm cho nữ diễn viên lồng tiếng Glenn Close phải bối rối không thể vào “đúng lúc” và phần nhạc của cô trong phim đã phải thu không có nhạc để sau đó Phil Collins sẽ tiếp nối ở nửa sau. Khán giả thì hẳn khối anh bĩu môi cho rằng Phil Collins chẳng qua muốn xuất hiện trong nhạc phim nên đòi hát thay cả vai chính.

Cách hát vào giữa hai lần đập nhịp hóa ra cũng gây khó cho vài người


Thực ra cách viết và hát nhạc như vậy không có gì quá cao siêu, chỉ có điều vì Phil Collins vốn xuất thân là tay trống, cái cảm của anh trong nhịp phách có lẽ thuận lợi hơn so với nhiều người, và vì thế đã đem lại sự thú vị trong những bài hát của anh. Nếu nhìn ngang ra, thì những tay trống biết hát như Don Henley cũng đã từng hát “Hotel California” như thế, hay Maurice White của Earth Wind & Fire đã từng hát rất nhiều bài trong đó có “Shining Star” theo kiểu này.


Sau những thành công không được mong đợi dưới vai trò ca sĩ solo, Phil Collins tiếp tục lao đầu vào những “rắc rối” khi chơi trống và sản xuất cho Anni-Frid Lynstard, một trong hai nữ ca sĩ chính của ABBA với album rất hay nhiều chất rock Something's Going On (ngụ ý sắp có gì đó sau ABBA). Lần đầu tiên có người sản xuất cho một ca sĩ của ABBA mà không phải Benny Anderson hay Björn Ulvaeus, và đùng một cái, ABBA sau đó tan rã thật. Nếu không tìm được lý do cho cú shock này, thì hãy cứ trách Phil Collins ấy.

Anni-Frid (Frida) tự làm đĩa cùng Phil Collins mà không cần Bjorn lẫn Benny


Phil Collins tiếp tục hào hứng quay sang sản xuất album Behind The Sun cho người bạn lâu năm Eric Clapton, và lần này thì Eric ăn đủ với hãng đĩa Warner Bros của anh vì định hướng âm nhạc của Behind The Sun. Warner Bros đã ép Eric Clapton phải thu âm thêm một vài ca khúc được viết bởi Jerry Lyn Williams và thu âm tại chỗ cùng các nghệ sĩ session như Jeff Porcaro, và sau đó, Warner Bros đã công khai cho rằng những ca khúc thu thêm như “Forever Man” đã cứu album này. Còn Phil Collins thì vẫn cho rằng “Behind The Sun” thu tại nhà anh với cây keyboard trong phòng ngủ mới là ca khúc đinh. Chứ sao, một ca khúc buồn dự đoán cuộc chia tay của Eric và Pattie sau đó - sở trường rồi.


Giữa thập niên 80s là khoảng thời gian Phil Collins nổi như cồn và có mặt ở khắp nơi từ MTV tới các buổi biểu diễn của các nghệ sĩ khác. Anh tham gia sản xuất cho album solo của Robert Plant và chơi nhạc cùng Sting và Eric Clapton sau khi anh này rời khỏi The Police.


Kết quả là Phil Collins nhận lời chơi "Every Breath You Take" cùng Sting ở Live Aid '85 phía đầu nước Anh, và ngay lập tức trèo lên máy bay Concorde siêu thanh để bay sang bờ Đông nước Mỹ diễn tiếp chương trình Live Aid đầu Hoa Kỳ cùng ba mẩu còn sót lại của Led ZeppelinRobert Plant, Jimmy Page, và John Paul Jones theo lời đề nghị nhã nhặn của Plant trước đó, kiểu như "tớ với cậu và Paigy có thế đánh gì đó ở Live Aid được đấy".


Nhưng vấn đề to đùng của cái sự cả nể đến từ đây, vì Phil Collins thì vẫn sống ở Anh, còn Plant và Page thì đều ở Mỹ trước show diễn, và vì thế mấy người họ đã không hề tập với nhau một phút nào trước khi lên sân khấu. Jimmy Page thậm chí bỏ qua ý tưởng của Plant và tự mang theo tay trống của riêng mình. Và khi Phil Collins xuất hiện sau cánh gà, đầy ngạc nhiên khi trống thấy có tay trống khác sẽ chơi cùng mình, vẫn cố gắng làm ấm không khí với Page bằng cách hỏi "trước đoạn solo của Stairway có phải trống vào thế này không?"


Câu trả lời ngắn gọn của Jimmy Page là "Sai toét" và người anh hùng của Phil bỏ đi.


[Khu vực này để tưởng nhớ màn trình diễn của Led Zeppelin ở Live Aid. Không post clip đâu vì ngại lắm.]


Sau đó thì ai cũng biết màn trình diễn như đuổi bắt của Phil Collins với tay trống của Page trở nên ê chề thế nào trên sân khấu Live Aid đình đám. Thậm chí, giọng hát lên không tới của Robert Plant hôm đó với cái thân thể phê lòi dặt dẹo của Jimmy Page chỉ càng khiến màn trình diễn của 3/4 Led Zeppelin hôm đó trở nên be bét hơn. Hãy nhắm mắt lại và trách Phil Collins.

Live Aid - diễn với Sting thì ổn, với Led Zeppelin thì không


Và kể cả thành công thương mại không ngờ tới của bộ ba Genesis trong thập niên 80s dẫn tới việc khán giả chê bai họ là mất hết chất progressive ư? Rõ là tại Phil Collins rồi.


Ngay cả đám đàn em sau này như Noel Gallagher cũng có thể thoải mái chê bai "không phải anh cứ bán được nhiều đĩa nghĩa là anh hay. Cứ nhìn Phil Collins thì biết". Còn vợ của Noel Gallagher thì phỉ báng Phil lúc gặp trong quán rượu rằng "ông đánh trống mà bày đặt cầm guitar trong video clip bài "It's In Your Eyes". Đấy là cây đàn mượn của Paul McCartney, một người thuận tay trái khác đấy các mẹ.


***

Có lẽ ít người để ý việc tay trống thường là người thiệt thòi nhất trong ban nhạc. Họ đương nhiên là người hoạt động nhiều nhất trên sân khấu về mặt thể chất, nhưng cũng luôn là người hứng chịu những định kiến ác ý kiểu như “không giỏi nhạc thì mới đi đánh trống”. Đã có quá nhiều ví dụ về những tay trống ko được tham gia sáng tác hoặc nhận credit dù chơi rất nhiều năm trong band. Ít ai nghĩ rằng, ở chiều ngược lại, những người chơi trống đã tự tạo ra cho mình lớp da dày hơn người, trước là để bơ đi những thứ bạc bẽo thường vô tình gán cho họ, và sau là để cầm lấy đôi dùi và nện thật mạnh một cách không ngại ngần.


Cũng vì vậy, có lẽ người dễ tổn thương nhất cũng là tay trống. Đi lưu diễn đêm này qua đêm khác, những đôi tay mạnh mẽ nhất cũng không thể chịu được những va đập vào tang trống và đôi dùi chuyển động liên tục không ngừng, và máu tóe ra chỉ là chuyện sớm hay muộn. Lớp da non chưa kịp lên thì lại tiếp tục bị rách đi, và cứ thế nếu như tour diễn càng dài, đôi tay của họ luôn thường trực trong trạng thái không lành lặn. Tìm ra một tay trống tay chưa bao giờ tóe máu hẳn còn khó hơn việc cứu vãn hôn nhân với Andy của Phil Collins năm nào.


Phải chăng sự ít xuất hiện của họ cũng là điều khiến khán giả cũng ít kỳ vọng vào thành công của những người chơi trống nay quay sang làm ca sĩ?

Band progressive mà chơi nhạc gì Pop quá thế này


Hãy thử nghĩ xem mỗi người chỉ có hai sợi dây thanh quản với chiều dày cỡ que tăm, thì chỉ riêng cái khả năng rung hai dây thanh quản đó trong một thời khắc thật ngắn ngủi chỉ vài phần trăm giây trước khi vào nhịp, lập tức đạt cao độ và tiếp tục làm vậy trong suốt bài hát và phần trình diễn hai đến ba giờ mỗi tối đã là một khả năng không nhiều người làm được. Huống chi có những người còn có thể nhận ra điểm chính giữa của mỗi lần đập nhịp, nơi không có tiếng động của nhịp nhưng có đầy đủ sự hứng khởi nằm chờ sẵn ở “chỗ đó”. Và họ hát nốt nhạc của họ ngay chỗ đó.


***

2001. Đĩa All Things Must Past của George Harrison được remix lại và phát hành để kỷ niệm 30 năm lần đầu ra mắt - thật tình cờ chỉ vài tháng trước khi George Harrison mất. Bìa đĩa lần phát hành lại này có in thêm mấy lời chú thích của chính George Harrison, những lời khiến Phil Collins chỉ còn biết thấy sống mũi cay cay.


“Mặc dù tôi không nhớ rõ, nhưng chắc chắn trong những người tham gia album này có thanh niên Phil Collins”.


Thế nên cứ mặc kệ thế giới thôi nhỉ, vì George Harrison vẫn quý Phil Collins lắm. Cả Eric Clapton nữa. Cả Sting nữa. Cả Leland Sklar nữa. Cả Peter Gabriel nữa. Cả Genesis nữa. Cả Elton John nữa. Cả Paul McCartney nữa. Cả Pete Townshend nữa. Cả Kanye West nữa. Và còn rất nhiều người nữa.


Hẹn gặp lại.


Kcid

1,320 views

Recent Posts

See All

Comentários


bottom of page