top of page

Ramones: nào thì punk New York

Hãy cứ gọi tôi là một kẻ đu trend, vì tôi khoái mặc áo thun có hình Ramones đi nghênh ngang ngoài đường lắm. Các bạn thì chắc đa số ai cũng có một chiếc chứ? Tại sao không chứ vì chiếc áo đó ngầu lòi, và thêm chiếc jeans rách nữa thì đến đứa trẻ con cũng nhận ra bạn là fan nhạc rock và cả ... thích đu trend.

Tôi chắc là số người nghe nhạc của Ramones chắc được phân nửa số người mặc áo. Và số nhớ được hơn chục bài của Ramones chắc còn ít nữa. Chứ chưa nói gì tới chuyện để ý xem ông nào tên là gì (Ông đánh trống chẳng hạn). Chính tôi cũng vừa biết tên mấy anh đánh trống của Ramones (Tommy, Marky, và Richie) nhờ cặm cụi ngồi biên cái bài này. Nói ra thì nghe phũ phàng vậy, nhưng mọi chuyện xem ra đều có lý do của nó. Nhạc của Ramones nom bài nào nghe cũng na ná bài nào, đều chơi nhanh thiệt là nhanh và chỉ chuyển qua chuyển lại có mấy hợp âm. Thứ đó đã từng được gọi là punk. Và tên tuổi của Ramones có lẽ sẽ muôn đời sánh ngang cùng Sex Pistols từ Anh quốc như hai kẻ nâng tầm thể loại nhạc đầy thái độ này. Tôi thấy mọi người hay so sánh không công bằng giữa ảnh hưởng của Sex Pistols với Ramones, và đa số thường cho rằng nhạc của Ramones không đủ ảnh hưởng với punk rock. Nhưng rõ ràng ở thời giữa thập niên 70s, Ramones không có phải trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế như ở Anh quốc, và rồi thì sứ mệnh của họ với punk rock cũng không phải để giành sức phản kháng như Pistols. Sứ mệnh của họ là cứu rỗi nhạc rock n roll cơ mừ. Thế nên xem ra, thiếu cái nhà anh Ramones này ra thì không thể có punk rock, và có khi cả nhạc metal sau này được.


Bởi vì trên đất Mỹ, Ramones là những người đầu tiên vặn âm lượng lên chơi thật lớn và tăng tốc âm nhạc lên thật nhanh. Các bài hát của Ramones hiếm khi quá 3 phút, và những show diễn thời đầu của họ, họ có thể chơi nguyên set trong nửa tiếng. Đơn giản vì những thứ âm nhạc "surf" music và progressive cầu kỳ thời thượng chỉ ngày càng trở nên dài lê thê. Thậm chí những thứ nhạc “cổ truyền” như blues thời đó cũng phải trả qua thời gian phô trương khá tồi tệ của những người được gọi là anh hùng guitar thế hệ mới, nơi họ muốn khán giả phải bỏ ra cả hơn chục phút mỗi bài trước những màn phiêu guitar đầy cảm xúc. Ramones chỉ đơn giản là muốn âm nhạc trở nên ngắn lại và mọi người có vài phút giây sảng khoái. Họ kéo lại thứ nhạc blues “cổ truyền” với 3 hợp âm chính, chơi nhanh và vặn âm thanh bự lên, rồi ai cũng cảm thấy vui vẻ. Họ là tiền đề để các ban nhạc sau này dũng cảm chỉ chơi với 4 hoặc 5 cây, thay vì kéo một dàn lê thê như Kansas hay Electric Light Orchestra lên sân khấu cho thỏa cái tôi nghệ sĩ.

Thế nếu như sự ồn ào và nhanh có lẽ là điểm chung đáng chú ý của punk Mỹ và punk Anh thời giữa thập niên 70s, đó có lẽ cũng là điểm chung duy nhất. Nếu như khán giả tìm đến punk Anh quốc để trút sự giận dữ và tỏ thái độ, khán giả tìm đến punk Mỹ để được nghe thứ gì đó gần gũi hơn và ào ào cho vui. Không quá ngạc nhiên khi Sex Pistols mang chuông đánh xứ Mỹ đã bị dội lại (và sau đó tan rã), còn Ramones thì cũng mãi mới được chấp nhận ở Anh sau khi đã “mưa dầm thấm lâu” với lịch biểu diễn dày đặc của họ sau đó mà thôi.


Đúng rồi, Ramones đã diễn tổng cộng hơn 2 ngàn tour trong 22 năm tồn tại của họ. Trung bình cỡ 100 tour một năm.

Được thành lập năm 1974 bởi bộ ba Joey, Johnny, và Dee Dee, những người mà tôi không thể nhớ tên thật là gì trừ việc họ quyết định lấy họ chung là Ramone cho tiện. Ban nhạc thế là trở thành Ramones, còn những người tham gia band sau đó đều có biệt danh riêng với cái họ Ramone chình ình. Điểm đặc biệt của Ramones ngay từ ngày đầu có lẽ là việc không ai có thể… vừa hát vừa chơi nhạc cụ. Đầu tiên là tay bass Dee Dee, người viết nhạc chính của band, phải bỏ cuộc không hát, và sau đó là đến tay trống Joey quyết tâm bỏ dùi lao lên cầm mic. Johnny thì chỉ chuyên tâm vào cây đàn guitar mà thôi. Một người bạn của họ vốn dự định tham gia với vai trò sản xuất, nay bỗng trở thành tay trống với cái tên Tommy Ramone, vì xem ra chả còn ông bạn nào khác để chơi món này cả.


Ramones ra mắt như là một câu trả lời cho thị trường âm nhạc của Mỹ, đặc biệt là ở New York, thời đầu thập niên 70s. Đó là khi những người đầy chất nghệ với cái tôi độc nhất sẽ hát bè dày đặc, chơi với band gồm nhiều cây chơi nhạc cự phách, và mang theo những đoạn guitar solo dài cả chục phút lên sân khấu để nhận lấy sự tán thưởng về nghệ thuật. Giới trẻ thì hẳn vẫn phải cần ra pub để vui vẻ mà thôi, nên nói thật, ai mà quan tâm ban nhạc trên sân khấu hát gì. Một ban nhạc tối giản chỉ có 1 đàn, 1 bass, 1 trống, và 1 hát lên hát một thứ nhạc ầm ĩ có thể nhảy theo được, dù bài nào nghe cũng na ná nhau, nhưng lời lẽ thật “đời” với cuộc sống ở New York bận rộn (New York lúc nào chả bận) nên đâu có quá nhiều thời gian để nghe solo với chả so liếc. Có lẽ thế là đủ.


Họ hát về những thứ kiểu như chúng mình là gia đình hạnh phúc (“We’re a Happy Family”), ngồi ở khu Queens, ăn thức ăn nhanh, cùng thở dài vì nghèo khó nhưng trong lòng phơi phới. Nếu như bạn không thấy thích lời lẽ của họ, đơn giản vì bạn không đến từ New York, hoặc cũng chưa thăm chỗ đó bao giờ. Ramones trong thời gian đầu của họ thậm chí còn không được biết đến ngoài New York, và punk có lẽ cũng là thứ đặc sản của riêng nơi này. Những người dân New York ở thời điểm đó đều mang chung nhiều ký ức điển hình, như những phong trào biểu tình chống chiến tranh Việt Nam hay phong trào nữ quyền. Rồi thì những người từ New York đã đón nhận người anh hùng John Lennon dọn tới sinh sống và chứng kiến anh này, dù mang theo nhiều lý tưởng cao đẹp về hòa bình và nhân loại, cũng vẫn phải cúi đầu xin lỗi người Trung Quốc vì câu "if you go carrying pictures of Chairman Mao". Có vẻ những thứ đó không mấy liên quan đến những người bên ngoài New York, huống chi như chúng ta ở tận nơi xa tít. Nhưng nó cũng phần nào giải thích tại sao người New York lại kết tất cả những lời hát của Ramones đến vậy, và còn gì hơn là được nghe những lời ‘rap’ đó trên một nền nhạc tưng tửng và đều đều hành quân từ bài này qua bài khác như vậy.

Chưa kể, Ramones còn có vẻ bề ngoài, với nhiều người bên ngoài nước Mỹ, nhìn thật găng-tơ càn quấy với áo da và tóc nồi úp. Nhưng với những người Mỹ, họ nhìn dumb một cách đầy cố ý, và vẻ bề ngoài đó cũng ăn khớp luôn với thứ âm nhạc đơn giản nặng về chuyện đời thường ở New York của họ. Ai mà quan tâm chớ, tiếng guitar đơn giản nhưng xé màng tai như tiếng cưa máy băm đều theo tiếng trống một hai thật thích hợp cho việc luyện tập cho cái cần cổ của bạn, trong khi gã ca sĩ trên kia hát hết chuyện này đến chuyện kia. Metallica cũng đã từng thường xuyên đến xem Ramones diễn nếu như hai band có dịp diễn ở cùng một nơi, và James Hetfield chưa bao giờ ngừng bày tỏ sự ngưỡng mộ với Ramones về những thứ như “Somebody Put Something in My Drink”. James Hetfield luôn mong ước có thể viết được những lời lẽ "sâu sắc" như vậy.

Tôi nghĩ chả có gì phải ngại ngùng khi thừa nhận nhóm Ramones đã đi vào lịch sử không hẳn là vì âm nhạc của họ. Đâu phải ai cũng thích nhạc punk đâu, nhưng hẳn ai cũng phải thừa nhận rằng Ramones là ban nhạc cực cool.


Trừ việc thời đó mọi người ít dùng chữ ‘cool’ như thời nay. Thay vào đó là chữ ‘punk’, và nó thể hiện trong mọi thứ từ quần áo, đầu tóc, hay cả những cặp kiếng to đùng trên mặt những thành viên của Ramones. Đó là lời thách thức rất tế nhị nhưng cũng rất thẳng thắn tới xã hội Mỹ thời đó bắt đầu thừa mứa sự lòe loẹt và diêm dúa. Glam rock ư? Bạn biết Ramones ghét thứ đó thế nào rồi đấy.


Câu chuyện sau đây có lẽ là quá đủ để hiểu Ramones được vận hành như thế nào dưới sự chèo lái của tay guitar Johnny Ramone.


Khi cả bọn vào phòng thu để thu album Half Way to Sanity (1987), tay trống lúc đó là Richie Ramone đóng góp một bài anh mới sáng tác, “I Know Better Now”. Bài này có điểm thú vị là đoạn dạo đầu không đơn giản chỉ là one-two-three-four như cách của Ramones truyền thống, mà sau khoảng 8 bar đầu, phần trống sẽ vân vê trên tom một chút kiểu như nhạc surf rock vậy. Chỉ thế thôi mà cả đám của Ramones tập mãi mà không hòa được vào với nhau. Johnny đã quyết định là gã không thể làm được kiểu “mới” này.


“Mẹ kiếp đây không phải đĩa nhạc trống nhá. Bỏ đoạn đấy đi” – Johnny cục cằn.


“Bộ khùng à, bài này ý tưởng được xây dựng từ đoạn trống đó mà. Đoạn đó cool vãi mà ông định bỏ hay sao” – Richie bật lại.


Cả đám đều im phăng phắc vì trước giờ đâu có ai dám trái ý Johnny. Thực ra bộ khung của nhóm lúc nào cũng vẫn là Joey, Dee Dee và Johnny - nhưng Joey và Dee Dee thường mặc kệ cho Johnny chèo lái ban nhạc.


Rốt cục, Johnny Ramone cũng chịu miễn cưỡng thử lại thêm lần nữa, và kết quả là bản nhạc nghe khá “khác bọt” (theo cách tích cực) với kiểu Ramones truyền thống trong đĩa này. Chưa kể sau đấy cả đám phải ngồi mix lại phần hát của Joey mất thêm vài đêm nữa cho khớp với nhạc, trước khi Johnny xuất hiện trong phòng mix (Johnny thường không bao giờ quan tâm đến mix nhạc) và ra lệnh việc thu âm coi như kết thúc.


Làm sao thì làm, tối nay phải xong. Chỉ tốn tiền phòng thu, không ai mua đĩa đâu.” – Johnny ra lệnh trước khi bỏ đi.


Tôi rất thích câu chuyện này vì Johnny đã không ngại ngùng thừa nhận sự xuề xòa trong làm nhạc của Ramones. Nói cho cùng, phần lớn thu nhập của Ramones là đến từ… bán áo thun và đồ lưu niệm trong các tour diễn. Họ chăm chỉ ghi âm album chỉ để có cơ hội đi lưu diễn và bán áo khắp nơi. Richie Ramone, người có lẽ có trình độ chơi nhạc khá khẩm nhất trong Ramones, cũng rời band không lâu sau đó vì không được chia phần… bán áo từ ba ông kia.

Nên hãy đừng ngại nếu như bạn thích Ramones. Hoặc không thích họ. Hoặc thích mặc áo của họ, như tôi. Ramones có đầy đủ những yếu tố để trở thành một ban nhạc vĩ đại với khả năng biểu diễn tuyệt vời, hình ảnh cool ngầu, sức ảnh hưởng, cũng như khả năng kể chuyện trong các sáng tác của họ. Trừ việc khả năng chơi nhạc hạn chế đã khiến Ramones trở thành ban nhạc gây chia rẽ các fan nhất về việc có tính là họ vĩ đại hay không.


Chắc đến đây bạn đọc cũng như tôi, đều tưởng tượng ra một thế giới song song, nơi Ramones có thể chơi và thu nhạc một cách chau chuốt hơn. Có lẽ đến đây mọi người đã nhận ra chủ ý của tôi khi xen kẽ trong bài này những bản cover của nhạc Ramones với những người khét tiếng hơn. Kết quả có lẽ tốt hơn mong đợi.

Hy vọng sau khi nghe những Children of Bodom hay Metallica chơi, mọi người đều thấy nhạc của Ramones "sáng nét" hơn nhiều. Hóa ra họ viết nhạc tuyệt hay và khi có ai đó sau này "bí" bài, hãy cứ lấy một bài của Ramones ra mà cover lại theo cách của mình thì đều sẽ hút khách (dễ ẹt mà, bài nào của Ramones nghe chả pằng pằng). Hoặc giả đó là cách Ramones đã từng “cấy” âm nhạc của họ vào đầu óc người "trót" nghe nhạc của họ?


Vậy bạn chọn đi, Ramones theo phong cách heavy như Metallica, phong cách Pop như hậu duệ punk pop Green Day, phong cách cuốn như The Vandals, hay tưng tửng như Red Hot Chilli Peppers? Hay rốt cục, tất cả chúng ta đều chạy đi tìm lại Ramones như là chính họ trên những chiếc áo thun chất lừ quen thuộc?


Vì nói thực, tôi cũng chưa thấy ai chơi lại "Blitzkrieg Bop" hay hơn chính Ramones. Và chẳng ai hét "one-two-three-four" hay hơn Dee Dee Ramone.


R.I.P Dee Dee Ramone (5/6/2002)


và cả:

R.I.P Joey Ramone (15/4/2001)

R.I.P Johnny Ramone (15/9/2004)

R.I.P Tommy Ramone (11/7/2014)

Hẹn gặp lại.

Kcid

828 views

Recent Posts

See All

1 Comment


Đức Trọng
Đức Trọng
Jun 17, 2022

hay

Like
bottom of page