Những khán giả hiếm hoi ở ở Merriweather Post Pavilion, Marryland, vào một năm cuối thập niên 70s khi nghe ca khúc kết thúc của show diễn, “Sparks of the Tempest” dường như lờ mờ nhận ra sự rã đám của Kansas – dù lúc ấy, Kansas vẫn còn đang ở trên đỉnh cao phong độ của họ với album bán rất chạy Point of Know Return (1977). Thật vậy, đến cuối bài, tất cả các thành viên vẫn tiếp tục chơi, và từng người một ngưng nhạc cụ của mình và rời sân khấu, để rồi cuối cùng chỉ còn tiếng chiếc máy thu thanh quay những vòng cuối cùng trước khi kết thúc chương trình. Quả là một cách kết thúc chương trình đẳng cấp.
Thực tế phũ phàng là, trong các cuộc nói chuyện về prog rock, ít có mấy người đề cập đến cái tên Kansas. Có chăng thì ban nhạc này chỉ được nhớ đến với ca khúc ballad (hoặc country rock) “Dust In The Wind”. Đâu là chỗ của Phil Ehart giữa những tay trống giỏi nhất, của Kerry Livgren giữa những người viết nhạc giỏi nhất, hay của Steve Walsh giữa những ca sĩ hát nhạc Rock vĩ đại nhất? Và đến đây thì cũng xin hãy thú nhận đi, có bao nhiêu ban nhạc prog rock đến từ nước Mỹ trong thập niên 70s hay được mọi người nhớ đến?
Nghịch cảnh là ở chỗ, Kansas, ban nhạc prog rock “xịn” nhất thập niên 70s mà nước Mỹ đã sản sinh ra, lại xuất thân ở một nơi… đồng không mông quạnh. Bang Kansas không nằm gần bờ Tây, cũng chẳng gần bờ Đông. Nó cũng không thuộc về miền Nam, để các ban nhạc có thể có một chút màu sắc của Southern Rock. Bang Kansas có lẽ nổi tiếng nhất là nơi có truyền thống sản xuất nông nghiệp với những nông trang bạt ngàn.
Tay trống Phil Ehart là người đầu tiên bắt đầu Kansas. Chí ít là tất cả mọi người đều đồng ý vậy, vì Ehart là người bốc điện thoại lên cho từng người, những người trong thị trấn Topeka nhỏ bé mà Ehart muốn chơi nhạc cùng. Đó là Steve Walsh chơi keyboard, Rich Williams chơi guitar, Dave Hope chơi bass, Robby Reinhart chơi vĩ cầm, và cuối cùng là Kerry Livgren chơi guitar.
Ban nhạc quyết định ở cùng nhau trong một căn nhà, jam nhạc cùng nhau, và cùng xuất phát đi tour. Họ cứ thế tìm kiếm hợp đồng chỉ bằng cách gửi băng demo đi khắp nơi cho đến khi gặp được nhà tuyển trạch Don Kirshner. Để thuyết phục được Don Kirshner, Kansas quyết định thuê hội trường gần nhà với giá $150 và để cho buổi diễn thật xôm, chữ “uống beer miễn phí” còn được viết to hơn cả tên của ban nhạc.
Vào tay Don Kirshner cái, album đầu tay của Kansas được đặt chỗ ghi âm ở studio Record Plant nổi tiếng ở LA ngay. Cứ tưởng tượng, mấy gã còn chân ướt chân ráo mới ở quê ra như Kansas bỗng nhiên đụng phải John Lennon thu âm ở phòng thu bên cạnh, Alice Cooper thu âm ở phòng thu trên lầu thì mới thấy choáng thế nào.
Âm nhạc của Kansas có lẽ được hợp thành bởi 4 yếu tố tinh túy nhất: tiếng đàn violin của Robby, tiếng trống hoàn hảo của Phi Ehart, giọng hát của Steve Walsh, và trên hết là khả năng viết nhạc của Kerry Livgren.
Cách làm nhạc cầu kỳ nhưng lại không có nhạc hit đã suýt nhấn chìm sự nghiệp của Kansas
Tiếng violin của Robby Reinhart thì có lẽ là thứ tạo ra sự khác biệt hiển nhiên nhất rồi - và dường như Kansas không hề có đối thủ trong làng nhạc Rock về khoản này ở suốt thập niên 70s. Đó cũng là lý do mà Kansas có sự khởi đầu với Don Kirshner, đơn giản vì ông đã nhắm tiếng violin trong âm nhạc của Kansas là thứ có thể tạo ra sự ăn khách. Dĩ nhiên với một người đã từng học nhạc cổ điển như Robby, sự tham gia của tiếng violin là sự bổ trợ tuyệt vời cho tư duy âm nhạc nặng về nhạc cổ điển của Kerry Livgren, và làm mượt đi những đoạn chuyển trong cấu trúc nhạc thường rất phức tạp của Kansas. Chưa kể, với khả năng hát rất tốt, Robby Reinhart là sự bổ trợ tuyệt vời cho Steve Walsh khi chia sẻ phần hát, và chia sẻ cả phần đệm bè dây mỗi khi Walsh cầm mic lao lên phía trước và bỏ trống tiếng keyboard.
Tiếng trống của Phil Ehart thì có lẽ là thứ thường hay bị bỏ qua nhất. Mọi người có vẻ thường nhận xét Phil chơi nhạc thiên về giữ nhịp mà không có quá nhiều phần fill đáng nghe, nhưng nếu nhìn nhận Phil là người duy nhất chơi đủ trong tất cả các album và tour diễn, cũng là người đứng ở giữa để kết nối các mảnh ghép ý tưởng từ 5 người còn lại với nhau, mới thấy sự quan trọng của tay trống này. Phil Ehart có lẽ là người đầu tiên khiến cho đám phê bình sành sỏi phải thốt lên rằng anh đã chơi ra “những nốt nhạc”, chứ không chỉ là những nhịp điệu nữa. Cũng bởi Ehart luôn là người đầu tiên đón nhận ý tưởng của bài hát (dù đó là từ Kerry Livgren hay Steve Walsh), vận hành nó từ những mô tả từ trong đầu kia, cấu trúc nó và tạo ra xương sống của bài, thường là dài 8 hay 9 phút. Chắc cũng không quá khi nói rằng, trong các bài hát của Kansas, chính Phil Ehart là người biến ý tưởng đó thành bản nhạc thô, trước khi những người khác bắt đầu có thể tô vẽ phần của họ lên đó.
Giọng hát của Steve Walsh thì có lẽ đã khiến ngay cả chính những thành viên trong Kansas, những người bạn chơi nhạc với nhau đã từ rất lâu, cũng phải sởn da gà khi lần đầu tiên họ vào phòng thu để thu album Kansas (1974). Ẩn trong người đàn ông “trắng” đó là một chất soul kỳ dị với âm vực rộng có thể khiến cho người nghe phải run rẩy. Hãy nghe Steve Walsh ngân nga những nốt cao vút cực kỳ chính xác trong “Carry On Wayward Son”, và ngẩn ra tự hỏi tại sao ngày nay mọi người đổ xô đi nghe các ca sỹ nổi danh hát qua auto tune đến vậy.
Carry on my wayward son: nơi phô trương chất giọng của Steve Walsh
Nhưng điều đặc biệt nhất và cũng là thứ tạo ra sự khác biệt trắng đen rõ ràng trong nhạc của Kansas, ấy là khả năng viết nhạc siêu “dị” của Kerry Livgren. Kerry có khả năng nghĩ ra toàn bộ những bài nhạc dài cỡ 8 phút trong đầu của mình trong một buổi tối, để rồi sáng hôm sau mang ý tưởng của mình tới và chỉ cho từng người chơi như thế nào. Dĩ nhiên Livgren có thể làm được vậy là nhờ phần nền cực chắc từ Phil Ehart, người có khả năng cấu trúc bài hát một cách siêu phàm. Đó cũng là lý do những bài có cấu trúc phức tạp như “Carry On” có thể được thu nhanh chóng mà cả band không cần phải dợt quá nhiều.
Ngược lại với lối suy nghĩ phức tạp đầy lớp lang như của Livgren, lối viết nhạc của Steve Walsh thường thẳng thắn theo cách thường thấy của Rock n Roll. Sự đối lập như hai mặt của đồng xu giữa Steve Walsh và Kerry Livgren dường như đã tạo ra sự cân bằng cần có trong 3 album đầu của Kansas, giữa những bài prog dài ngoằng và những bài nhạc ngắn. Thế nên cũng không quá ngạc nhiên khi ở đầu thập niên 80s khi Kerry Livgren ra đi, sự cân bằng trong nhạc của Kansas cũng biết mất và họ bỗng trở thành một ban nhạc AOR (Album Oriented Rock).
Hãy hỏi Steven Tyler về chất lượng âm nhạc của Kansas, vì chính Kansas đã từng đánh khởi động cho Aerosmith. Steven Tyler vốn nổi tiếng là người không ưa những ban nhạc đánh khởi động, nhất là 2 loại band: 1- đánh quá hay và 2- đánh quá lâu. Kansas thì lại có đủ cả 2 yếu tố này. Steven Tyler sẽ làm gì để phá đám ư? Nếu đi hỏi những người tổ chức show kỳ cựu, tất cả sẽ đều có câu trả lời giống nhau: Steven Tyler sẽ ra đằng sau rút dây mic và rút điện cho bõ ghét.
Nhưng Kansas và Road Manager của họ, Jeff Glixman, đã có một kế hoạch. Họ chế thêm một trạm cắm dây “hình nộm” để vào chỗ góc sân khấu quen thuộc, trong khi dây nhợ sẽ được kéo đến một trạm thật đặt ở chỗ không ai ngờ tới. Steven Styler đã từng rất tức tối khi ra rút dây của đám Kansas này mà không xi nhê gì.
Có lẽ cũng vì thế, Kansas khoái đánh khởi động cho Queen hơn cả. Cũng là những tín đồ của nhạc progressive, Brian May kết Kansas nổ đĩa và thường có những lời tốt đẹp dành cho nhau.
Nhưng dẫu có được những người trong nghề công nhận đến đâu, 3 album đầu tiên của Kansas khiến cho Don Kirshner phải đau đầu. Những ca khúc sau trở thành kinh điển như “Song for America”, "Icarus - Borne on Wings of Steel" trong thời kỳ này xem ra không nhận được nhiều sự khích lệ với đa số khán giả ưa những bài nhạc 3 – 4 phút. Kansas thực ra đã không có một single đủ để trở thành hit trong suốt 3 album đầu.
Một trong những bản prog hay nhất của Kanssas nói về Icarus
Mọi thứ chẳng khá khẩm hơn tý nào khi ban nhạc vào phòng thu cho album thứ 4. Đó là khi Steve Walsh cũng đã bắt đầu cạn kiệt ý tưởng và không thể mang một bài nào vào phòng thu, trong khi Kerry Livgren cũng chỉ vỏn vẹn có 2 bài. Tất cả nhìn nhau lắc đầu “sẽ làm gì đây” trong khi sức ép của Don Kirshner về một single ăn khách vẫn luôn treo lơ lửng trên đầu. Dù có bất cần đến mấy, tất cả đều hiểu bản thân Don Kirshner cũng đang phải chịu áp lực lớn đến nhường nào khi lâu nay một mình kéo lê lết Kansas đến tận đây.
Thôi thì, tất cả đành trông chờ vào phép màu viết nhạc của Kerry Livgren. Và không phụ lòng mong đợi, mỗi sáng thức dậy, Livgren lại mang đến một bài mới để cả bọn tập và thu.
Chả mấy chốc, Kansas đã đủ bài cho album thứ 4 của họ, Leftovertue, với một vài điểm sáng như “Miracle Out of Nowhere” được viết ra khi Livgren ngồi ăn ăn cái hamburger . Cả ban nhạc đã chuẩn bị gom hết đồ để quay về lại Topeka, thì Kerry Livgren xuất hiện và thông báo anh vừa nghĩ ra một giai điệu mới.
Đó chính là “Carry On My Wayward Son”. Cả ban nhạc ghép với nhau rất nhanh theo ý tưởng của Livgren, và gần như không có thời gian để tập, họ thu track mở đầu của album gần như ngay lập tức.
Nói không ngoa thì bài “Wayward son” chỉ gồm toàn hook. Đoạn guitar mở đầu tự nó đã là một hook. Đoạn verse, đoạn diệp khúc, mỗi câu chuyển guitar, tất cả đều là hook. Khi họ thu xong “Wayward son”, tất cả band quay qua nhìn nhau và hiểu rằng họ đã làm được thứ họ trông chờ lâu nay. Kansas và Don Kirshner đã có single họ hằng trông đợi.
Sau 3 tuần, LeftOverture đạt platinum. Điều kỳ diệu đúng là đã xảy ra như tên bài hát "Miracle Out Of Nowhere".
Hãy thử xem Kansas thay đổi nhịp điệu bao nhiêu lần trong bài này?
Hiệu ứng của LeftOverture đã đem lại rất nhiều điều tích cực. Steve Walsh đã tự tin hơn bước ra từ phía sau giàn keyboard để hát như một frontman thứ thiệt trên sân khấu. Chưa kể, sự tự tin trong viết nhạc của Steve Walsh đã trở lại, và thật nhanh chóng nó đã được phát tiết trong album tiếp theo của nhóm, Point of Know Return. Chính ca khúc chủ đề của album, “Point of Know Return” là một điểm sáng khi Steve Walsh góp bút cùng Kerry Livegren sau khi nghe Phil Ehart chế ra cái tựa đề của album này. Dĩ nhiên sau đó Kansas còn chơi chữ “No” thành “Know”.
Không chỉ có “Point of Know Return”, album này còn có những tuyệt phẩm như “Potrait (He Knew)”, lấy cảm hứng từ cuộc đời của Einstein. Nhưng nếu đơn giản chỉ cần thay chữ “he” trong bài bằng chữ “they”, thì hình ảnh của Kansas hiện ra rõ mồn một, và chình ình giữa đó là sự khủng hoảng của chính ban nhạc.
He had a thousand ideas, you might have heard his name He lived alone with his vision Not looking for fortune or fame Never said too much to speak of He was off on another plane The words that he said were a mystery Nobody's sure he was sane.
Phil Ehart và các đồng đội ở thời kỳ sung sức nhất có thể cân bất cứ ai
Nhưng lại một lần nữa khi ban nhạc đóng đồ chuẩn bị đi về, thì Kerry lại mang đến thêm một bài. Đó là một đoạn nhạc mà Livgren thường dùng để tập ngón, và được vợ của anh gợi ý hãy chế nó thành một thứ gì đó. “Dust In The Wind” được viết ra như vậy đấy, và “tune” của bài này lớn đến mức nó có thể được phát ở bất cứ đâu, từ kênh radio của nhạc Rock cho tới kênh của nhạc Country.
Nhưng thành công cũng trở thành con dao hai lưỡi – tự nhiên mọi chuyện trở nên khó khăn để Kansas được bình thường như là chính họ. Như hình ảnh con tàu đi đến điểm cuối của đường chân trời và dường như sắp sửa rơi xuống thác nước, Kansas không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nắm lấy thành công và sự nổi tiếng của họ và tiếp tục cuộc chơi của những ngôi sao nhạc Rock đúng nghĩa. Tất cả những con người “bộc trực” đến từ Topeka đã không được chuẩn bị để đón nhận fame mà họ có được sau Leftoverture. Ngay chính Steve Walsh cũng đã không chịu nổi áp lực và tuyên bố rời bỏ ban nhạc ngay sau khi thu “Dust In The Wind”.
Point of Know Return đã trở thành album bán chạy nhất của Kansas. “Dust In The Wind” đã trở thành một trong những bài hát dược phát trên radio nhiều nhất nước Mỹ đến tận bây giờ. Nhưng đúng là đã không còn đường trở lại. Kansas đã không thể sống chung với việc trở thành ngôi sao nhạc Rock, thì việc sau đó họ rã đám chuyện không thể tránh khỏi.
Kerry Livgren bắt đầu nghiên cứu cuốn Urantia, cuốn sách về mấy thứ siêu nhiên từ năm 1979, và tinh thần của anh bắt đầu bị lung lạc bởi những điều kỳ bí. Nhưng èo cái, sang năm 1980, Kerry Livgren bất chợt chuyển hướng sang đạo Ki tô, và chiêm nghiệm ra triết lý của đạo này còn xịn hơn những thứ anh học được từ sách Urantia. Nhạc của Kansas từ chỗ Urantia hóa bỗng trở thành Thánh ca chỉ trong vòng có vài năm. Đã không ai còn nhận ra những triết lý trong Leftoverture hay Point of Know Return. Dave Hope rời band. Robby Reinhart cũng rời band. Và rồi chính Kerry Livgren cũng rời band để tìm cho mình một band solo mới có thể thỏa mãn những ý muốn của chúa Giêsu.
Sự trở lại của ca sĩ chính Steve Walsh ở đầu thập niên 80s cũng không làm mọi thứ trở nên khá khẩm hơn, và Kansas bỗng từ một ban nhạc chơi prog chuyển qua ban nhạc thị trường với thứ âm thanh rõ là thân thiện với đài phát thanh (AOR) theo kiểu của những Journey hay REO Speedwagon. Khi Kansas đã không còn là họ nữa, những sự vá víu sau này như với tay guitar siêu đẳng như Steve Morse cũng chỉ làm mọi thứ trở nên rối beng.
Cũng giống như cái tên Kansas – đó là một cái tên rất bộc trực mà không hề mang tí ti gì sự giả tưởng (kiểu như Genesis hay King of Crimson chẳng hạn) – những bức hình chụp ban nhạc cũng đã không hề có sự giả vờ. Họ rất chân thực, và có thể thấy ngay đây là những người nông dân nước Mỹ chính gốc từ bộ quần áo họ mặc cho đến nụ cười hiền. Có lẽ vì thế khi bộ não của họ, Kerry Livgren, đã mải mê theo đuổi những điều siêu nhiên, sức hấp dẫn từ sự gần gũi của Kansas cũng tự nhiên biết mất.
Thì đó, Kansas hát toàn những lời lẽ hiển nhiên như là mỗi chúng ta rồi thì đều như “cát bụi bay trong gió” mà thôi. Nhưng chắc rằng, đã có những hạt bụi đã bay được những quãng đường dài hơn những hạt khác. Như từ thị trấn Topeka, Kansas, xa xôi chẳng hạn.
Từ phút 4:10, mỗi thành viên bắt đầu ngưng nhạc cụ của mình và rời sân khấu, còn khán giả thì phát cuồng
Đó có lẽ là nơi gần như không tưởng để những kẻ nhìn không liên quan bắt đầu chuyến hành trình tới cái nôi của thị trường âm nhạc như tại New York, để rồi sau đó có thể trở thành một ban nhạc mà tên tuổi đã trở nên sừng sững trong lịch sử.
Hẹn gặp lại.
Kcid
Opmerkingen