top of page

Roxette: khi âm nhạc còn có thể đẹp hơn

Cứ mỗi dịp Noel về, trong khi mọi người đều có những playlist ưa thích về tình yêu, gia đình, hay sự đoàn tụ, thì tôi lại thường hay lôi bản “It Must Have Been Love” của Roxette ra nghe. Chả gì thì bài này cũng vốn đã từng được ban nhạc lừng danh tới từ Thụy Điển sáng tác với tiêu đề là “Christmas for Broken hearted” với giọng hát ngọt ngào của Marie Fredriksson dường như đã có thể lay động được cả những tâm hồn khó tính nhất. Marie Frediksson chắc chắn sẽ là một trong những ca sĩ nữ hát hay nhất với tôi khi vừa có thể hát nhạc ballad lại vừa hát được cả những khúc rock n roll mạnh mẽ, người có giọng hát có thể đưa bạn dạo chơi tới những vùng trời tưởng tượng xa xôi.


Nhưng hơn tất cả, tôi cực thích Marie Fredriksson vì cô là một nghệ sĩ kiêu hãnh và còn Punk hơn khối kẻ chơi rock ngoài kia.


Đây nhé, trước khi trở nên cực kỳ nổi tiếng với ban nhạc Roxette, Marie Fredriksson vốn là ca sĩ chính của Punk band tên là Strul, một band của Thụy Điển nổi tiếng tới mức họ có cả một festival riêng. Và khi cô bắt đầu bị ung thư não vào năm 2002, không nhiều người nhận ra cô đã chiến đấu với căn bệnh này tới tận 17 năm trong khi vẫn tiếp tục ra 3 album solo, 3 album cùng Roxette cũng như tiếp tục lưu diễn khắp thế giới tới tận khi căn bệnh quái ác này chiến thắng mạng sống của mình.


Marie Fredriksson quen tay guitar Per Gessle từ cuối thập niên 70s, khi anh này vẫn còn là thành viên của một ban nhạc Rock Thụy Điển đình đám tên là Gyllene Tider. Cả hai người đều bắt đầu sự nghiệp solo ở thập niên 80s, và trong khi Fredriksson ngày một nổi tiếng ở Thụy Điển với những album tiếng mẹ đẻ của mình, Per Gessle có vẻ không được may mắn như thời còn tung hoành với hàng trăm ngàn đĩa bán được ở Gyllene Tider. Phải nói thực khi nghe những album tiếng Thụy Điển của Per, gồm album đầu tay Per Gessle (1983) và Scener (1985), chúng đều dễ nghe nhưng có chung cảm giác anh này bị giọng hát hơi "hiền" của mình làm hạn chế.


Ở chiều ngược lại, nhạc của Marie Fredriksson mang nhiều màu sắc sống động mang nhiều nét nhún nhảy funky pha lẫn đủ thứ từ rock cho tới disco – những thứ khiến cho nhạc của Marie Frediksson nghe hợp thời và mang nhiều sự bùng nổ hơn hẳn. Có lẽ đó là lý do album thứ ba của cô …Efter Stormen (1987) bán được tới hơn 200 ngàn bản chỉ riêng ở Thụy Điển và chắc hẳn khối người đã từng nghĩ Marie Frediksson chả cần thiết phải kết hợp với ai. Đúng là tự cô đã biết cách làm cho nhạc của mình phù hợp với giọng hát thế nào.


Việc Tom Petty, một trong những thần tượng của Per lúc bấy giờ, phát hành ca khúc “Stop Draggin’ My Heart Around” kết hợp cùng Stevie Nicks của Fleetwood Mac khi đó cũng ít nhiều truyền cảm hứng cho Marie Fredriksson kết hợp viết nhạc cùng Per Gessle, khi ban nhạc Gyllene Tider của anh này bắt đầu tan rã. Nhưng hai bài đầu tiên của họ là “Nobody Can Like You (Ingen kan som du)” and “Before You Go, Come Back (Innan du går, kom tillbaka)”, đều được viết bằng tiếng Thụy Điển. Rolf Nygrens, CEO của hãng EMI, chính là người đã gợi ý cho cặp đôi này làm nhạc bằng tiếng Anh, ít nhất thì họ chỉ cần dịch những bài đã có ra mà thôi. Một trong số đó là "Neverending Love" (vốn ban đầu có tên Thụy Điển là "Svarta glas"), bài hát sau đó là single mở hàng cho album đầu tay của Roxette, Pearls of Passions (1986).


Album đầu tay này leo tới vị trí số hai trên bảng xếp hạng của Thụy Điển mặc dù không gây được chú ý ở thế giới. Và trong khi Marie chuẩn bị cho album tiếng Thụy Điển thứ ba của mình, After the Storm (hay Efter Stormen như đã nhắc ở trên), Per bắt đầu viết nhạc cho album thứ hai của Roxette. Mọi thứ có vẻ càng áp lực cho Per hơn khi sau đó album solo của Marie bán được tới hơn 200 ngàn bảng, và rõ ràng Marie Fredriksson dư sức sống khỏe với sự nghiệp solo của mình.


Trừ việc Marie không hề nghĩ vậy. Nổi tiếng trên toàn thế giới luôn là giấc mơ của Marie Fredriksson và cô biết chỉ có Roxette mới giúp cô làm được điều đó. Cô thậm chí còn tự in ra T-shirt cho ban nhạc với dòng chữ “Today Sweden — Tomorrow the World!” – việc chỉ khiến những người xung quanh cười cái cặp đôi này thêm.


Thế rồi khi Per đem tới các ca khúc như “The Look,” Marie nhận ra rằng thời điểm chín muồi đã tới và Per Gessle nay đã dám mạo hiểm hơn trong việc viết nhạc. Cùng với phần hòa nhạc vang dội với nhiều phần guitar và trống đóng góp từ ý tưởng của Marie, “The Look” đã trở nên hoành tráng gấp bội và hoàn toàn không còn giống các bài hát thường thấy của Per Gessle.  


Album thứ hai của họ, Look Sharp! (1988) nhanh chóng trở thành hit ở Thụy Điển với một loạt các ca khúc cứng cựa như “Dressed For Success” hay “Dangerous”. Nhưng mọi chuyện chỉ tình cờ trở nên tốt đẹp với Roxette cho tới khi một sinh viên người Mỹ du học ở Thụy Điển mang theo album Look Sharp! của họ về Mỹ và mang tới mở ở một kênh radio địa phương ở Minneapolis. “The Look”, một trong những single của album này lập tức có lượng yêu cầu phát trên radio cực lớn và nhanh trong được lan ra khắp các kênh radio trên khắp nước Mỹ, và ca khúc này bay vèo tới vị trí No 1 ở Mỹ mà hoàn toàn không có chút đầu tư quảng bá nào từ EMI – hãng đĩa lúc này có vẻ đã bó tay với việc phát triển thương hiệu Roxette ngoài Thụy Điển.


Mọi việc sau đó dĩ nhiên xuôi chèo mát mái với Roxette, và những ca khúc như “Listen To Your Heart” hay “Dangerous” đều đã đi vào hàng kinh điển của nhạc Pop Rock.


Roxette nổi tiếng quá nhanh, và giọng hát của Marie Fredriksson đã thuyết phục tới mức thế giới đã từng lầm tưởng Marie chính là Roxette, còn Per Gessle chỉ là anh đệm đàn. Sự thật thì giữa hai người luôn có sự phân công nhiệm vụ khá rõ ràng: Marie hát, còn Per viết nhạc. Dĩ nhiên Marie cũng thường đóng góp 1 hoặc 2 bài trong album, nhưng phần nhiều vẫn là do Per Gessle viết. Ngay chính Marie cũng phải thừa nhận rằng thật khó để viết nhạc giỏi mà nhanh được như Per, nhất là khi anh này viết được nhạc bằng tiếng Anh, thứ ngôn ngữ mà Marie tự thấy không thể linh hoạt bằng. Marie sẽ nhận nhiệm vụ biến những ca khúc xu hướng Pop của Per trở nên mạnh mẽ và đầy ắp, cũng như làm cho chúng trở nên thật sống động bằng giọng hát đa năng của mình – dĩ nhiên mỗi khi cần, Per Gessle đều luôn có thể góp giọng hát đôi hoặc hát bè dù anh luôn nhường phần hát của Roxette cho Marie. Trong cách làm nhạc, nếu như Per theo trường phái giản đơn tựa như cách của The Ramones, Marie Fredriksson lại là người thích những thứ Bluesy với những vòng hòa âm cầu kỳ kiểu như Jimi Hendrix. “Watercolors in the Rain” trong đĩa Joyride là một ví dụ về cách viết nhạc của Marie – khi cô viết nhạc và Per viết lời. Họ đã tạo ra Roxette và chọn cách làm việc bổ trợ cùng nhau và luôn dành cho nhau sự tôn trọng như vậy trong suốt hơn 30 năm với hơn 75 triệu đĩa bán được – một thành quả không nhiều nghệ sĩ có thể đạt được.


Marie Fredrisson và Per Gessle còn làm cùng nhau thêm 2 album rất hay là Joyride (1991) và Crash! Boom! Bang! (1994) trước khi nhạc của Roxette không còn nhiều hào hứng ở cuối thập niên 90s và sau album Room Service (2001), cặp đôi này đã tính chuyện để ngừng Roxette lại và mỗi người trở lại với sự nghiệp solo của mình.


Thế rồi Marie bỗng nhiên phát hiện ra bị ung thư não vào năm 2002. Sau khi đi chạy bộ với chồng cô, tay keyboard Mikael Bolyos, Marie bỗng cảm thấy choáng váng và mất hết tầm nhìn trước khi ngã quỵ và té đập đầu vào thành bồn tắm. Chẩn đoán sau đó cho thấy cô có một cái u trong não cần phải phẫu thuật.


Marie Fredrisson đã phải trải qua quá trình điều trị khá dài tới tận năm 2005, khi tình hình của cô trở nên ổn định hơn dù bề ngoài trẻ trung mạnh mẽ của cô đã bị biến dạng sau quá trình phẫu thuật cũng như trị liệu.


Marie và chồng của mình quyết định dành hết công sức vào sáng tạo như là một cách để vượt qua giai đoạn này và phục hồi sức khỏe. Album solo The Change (2004) chính là một trong những kết quả trong số đó – album đầy ấn tượng với cái bìa đĩa là hình vẽ nguệch ngoạc của Marie như để mô tả sự biến dạng của chính mình vì căn bệnh.

Suddenly the change was here

Cold as ice and full of fear

There was nothing I could do

I saw slow motion pictures of me and you


Khối u ở não thậm chí còn khiến Marie gặp rât nhiều khó khăn trong việc nhớ lời bài hát. Từ nay, các bài hát của cô đều phải thu âm từng đoạn từng đoạn một. Thậm chí nhiều lúc, Marie còn không nhớ nghĩa của các từ ngữ, cũng như không hiểu được những chỉ dẫn của chồng và ê kíp xung quanh của mình. Không ít lần, từ ngữ cũng bị phát âm sai, hoặc cách biểu cảm cũng không còn chính xác. Có thể tưởng tượng cùng với ê kip của mình, Marie Fredriksson đã phải mất công đến nhường nào để thu âm một bài hát, chứ chưa nói gì tới cả album của cô.


Thế mà nhoằng một cái trong 17 năm chống chọi với ung thư, Marie đã kịp ra thêm tới 3 album solo, ngoài The Change đã nhắc còn có Min bäste vän (2006) và Nu! (2013) là hai album bằng tiếng Thụy Điển. Kỳ diệu hơn, năm 2011, Per Gessle thuyết phục Marie tái hợp với Roxette và họ cùng nhau cho ra thêm 3 album nữa – một con số đáng mơ ước thậm chí với người còn đang khỏe! Không chỉ thế, Roxette thậm chí đi còn đi tour khắp thế giới tới tận năm 2016.


Ung thư khi đó thậm chí đã khiến Marie bị mất tầm nhìn một bên mắt và chân cô yếu đến nỗi cô phải ngồi để hát. Tôi còn nhớ rất nhiều video trên youtube chiếu lại cảnh Marie đang đứng cạnh mic và không tự chủ nổi đôi chân mình và ngã kềnh ra – nhanh tới mức đội cận vệ không kịp đỡ - nhưng cô vẫn cố cười gượng gạo. Ấy vậy mà cô vẫn đi lưu diễn suốt cho tới tận năm 2016. Khán giả đều đã khóc, có lẽ một phần vì trông thấy một trong những nữ ca sĩ có giọng hát đẹp nhất nay đã đứng không vững và đôi lúc còn quên lời; nhưng tôi tin phần nhiều là vì họ thực sự đón nhận được sức mạnh truyền từ nghị lực phi thường của Marie Fredriksson trên sân khấu kia.


Hy vọng rằng những lời tâm sự của Marie Fredriksson sẽ giúp được cho thêm nhiều triệu người nữa trong khó khăn và bệnh tật: “Tôi đã quyết định từ rất sớm rằng mình sẽ không bỏ cuộc và nằm xuống chờ chết. Gì thì gì, tôi chắc chắn là giọng của tôi vẫn không sao!”


Hẹn gặp lại,


R.I.P Marie Fredriksson (9 tháng 12 năm 2019).


Kcid 

523 views

Recent Posts

See All
bottom of page