Đó là một ngày mùa hè năm 1967. Jimi Hendrix đi shopping cùng tour manager của anh, Tappy Wright. Đúng vậy, họ đi thẳng vào shop bán đồ phụ nữ vì với Jimi, quần áo phụ nữ nhiều màu sắc hơn. Hai gã đàn ông “kỳ cục” vào lựa đồ phụ nữ giữa London đã không thể tránh khỏi con mắt dòm ngó của 2 gã người Tô Cách Lan tình cờ đang đứng chờ bạn gái thử đồ trong cửa hàng: “Tại sao cưng không thử nốt chiếc quần si líp tiệp màu này nè?”
Jimi đã từng chứng kiến những thứ tệ hơn thế vì bản thân là một người da màu đã từng đi rong ruổi biểu diễn nhạc khắp miền Nam nước Mỹ. Bản thân Jimi lúc này dù đã hơi có tên tuổi ở nước Anh nhưng cũng chưa phải ở tầm siêu sao với chỉ hai ca khúc “Hey Joe” và “Purple Haze”. Jimi ngăn phụ tá của mình khỏi mất bình tĩnh và dường như không thèm để ý tới hai tay kia.
Thế rồi sau khi shopping xong, Jimi và tay tour manager bỗng gặp lại hai gã thích gây chuyện kia ở pub. Cái màn gọi “cưng ơi mua đồ” lại tiếp tục diễn ra. Nhưng Jimi dường như vẫn không thèm để ý.
Cho tới khi hai người chuẩn bị rời đi, Jimi mới đề nghị đi WC. Hơi lâu. Tappy Wright bắt đầu thấy sốt ruột khi có một ông nọ đi ra khỏi toilet thì thầm vào tai vợ trong đấy có choảng nhau. Tappy vội lao vào toilet chỉ để chứng kiến Jimi Hendrix – gã da màu dáng mảnh khảnh đang lững thững rửa tay và đi ra. Hai gã Tô Cách Lan kia thì nằm bất tỉnh dưới sàn.
“Có một số kẻ, cậu muốn chúng ngừng, nhưng chúng không biết điểm dừng!”.
Đó là Jimi Hendrix, một nghệ sĩ nhìn mảnh khảnh ưa mặc đồ hoa hòe hoa sói, nhưng bản lĩnh thì không hề yếu ớt như một nhành hoa. Những năm tháng trong quân ngũ cũng như chơi nhạc khắp nước Mỹ đã rèn Jimi Hendrix thành một kẻ điểm tĩnh nhưng cũng biết cách hạ gục bất cứ ai muốn ngáng đường mình.
Đã có quá nhiều sự kỳ bí xoay quanh cuộc đời và sự nghiệp ngắn ngủi nhưng đầy cảm hứng và mang tính dẫn dắt cho cả một thế hệ những người chơi guitar trên trái đất. Nhưng sự kỳ bí càng bí rì rì thêm cũng bởi cái chết quá sớm của anh ở tuổi 27, cũng như cách anh bước ra không từ đâu cả.
Hãy cùng EmoodziK dạo qua các câu chuyện lưu lại trong lịch sử, và cùng nhau chiêm nghiệm về tài năng thay đổi thế giới của ông vua không ngai này.
1. Sự xuất hiện vô tiền khoáng hậu (a.k.a sự ngờ nghệch của nước Mỹ).
Nếu như The Beatles cần 9 năm để chinh phục thế giới và thay đổi hoàn toàn lịch sử âm nhạc, thì chỉ trong 5 năm ngắn ngủi, Jimi Hendrix đã làm điều tương tự với thế giới nhạc Rock bằng cây đàn guitar của mình.
Điều đặc biệt hơn cả và có lẽ chỉ càng làm tăng thêm cái sự mỉa mai dành cho nước Mỹ, khi tay guitar xuất sắc nhất mọi thời đại do họ sản sinh ra, với cái linh hồn tẩm ướp đẫm tinh thần nhạc Blues chính hiệu; rốt cục lại phải lần mò sang Anh để phát triển sự nghiệp.
Tên thật là Johnny Allen Hendrix sinh ra tại Seattle, Jimi rời binh chủng dù và trở thành nghệ sĩ chơi guitar dạo trên khắp nước Mỹ. Anh từng tham gia những band chơi R&B như Isley Brothers và thậm chí chơi cả trong ban nhạc của Little Richard lẫn của hai vợ chồng Ike và Tina Turner.
Band của anh này, lúc bấy giờ có cái tên Jimmy James and the Blues Flames chơi ở New York khi Chas Chandler trông thấy họ vào tháng 9 năm 1966.
Lịch sử bắt đầu từ đây khi Chas Chandler, tay bass của ban nhạc The Animals huyền thoại, đã chán chơi nhạc cùng Animal và muốn gây dựng sự nghiệp quản lý âm nhạc. Animals đã có thừa thành công lúc ấy, kể cả việc chinh phục được nước Mỹ xa xôi, và nhất là việc ca sĩ chính của họ, Eric Burdon cũng chả còn mê nhạc mấy mà chỉ quanh quẩn với cái món L.S.D của người Mỹ chế ra.
Tình cờ, Chas Chandler rủ Tappy Wright, người lúc ấy còn là tour manager của The Animals, tới phòng trà Café Wha? ở New York để xem anh chàng Jimmy James kia biểu diễn. Thực cũng không phải tình cờ, vì chính Linda Keith, bạn gái của Keith Richards, đã gợi ý cho Chas về Hendrix sau khi trông thấy anh này diễn ở các phòng trà ở New York. Nghe đồn cái nhà anh Jimmy này có thể chơi guitar lộn ngược, chơi cả từ sau lưng và còn vô khối các chiêu trò khác. Rolling Stones lúc ấy đang trong tour lưu diễn ở Mỹ và Keith Richards dĩ nhiên là không thích điều này (hoặc ganh tị?) nên thậm chí còn gọi điện cho bố của Linda để mách tội con gái ông. Ô kê, Jimmy James thế là được chuyển phỏm sang cho Chas Chandler, và sau 2 buổi coi giò cẳng, tiếng đàn và cách biểu diễn những bài hát Blues truyền thống theo một cách hoàn toàn mới của Jimmy mới là thứ khiến Chas Chandler bị thuyết phục.
Chas Chandler quyết định đưa Jimmy về nước Anh và đổi tên thành Jimi Hendrix ngay trên máy bay. Tappy Wright nhận nhiệm vụ dẫn dắt ban nhạc của Jimmy đi tour nước Anh bởi nay Chas Chandler đã bỏ đi và Animals cũng tự khắc tan rã (Eric Burdon sau đó lập ra band New Animals để tiếp tục). Chas Chandler còn rủ Mike Jeffery, vốn là quản lý của The Animals chia nhau 50:50 quyền sở hữu Jimi và cũng là để giảm thiểu rủi ro khi anh mới vào nghề. Mike lo việc quản lý còn Chas lo ghi âm và sản xuất. 24 tháng 9 năm 1966, Jimi đặt chân tới nước Anh.
Vai trò của một nhà quản lý kiêm sản xuất âm nhạc đại tài của Chas Chandler giờ đây mới được thể hiện, khi có một kế hoạch hoàn hảo đã được vạch ra dành cho Jimi Hendrix. John Entwwistle được hỏi thăm cho vị trí chơi bass nhưng anh này từ chối Chas bởi đã trót theo The Who. Không sao, thay vào đó tay guitar mới 22 tuổi Noel Redding (người từng audition cho band Animals mới của Eric Burdon) sau khi nghe Hendrix chơi đã nhanh chóng gật đầu và chấp nhận chuyển sang chơi bass. Tay trống của họ là Mitch Mitchell, một tay trống học nhạc jazz và cũng đã từng audition cho The Who khi Doug Sandom nghỉ (Keith Moon sau đó được chọn). Điểm chung dễ nhận thấy của Mitchell và Moon là họ đều biết cách chơi xung quanh beat và làm đầy phần rhythm bằng các câu trống khó lường của họ. Họ chọn cho mình cái tên Jimi Hendrix Experience.
Nói đến đây thì không thể không nhắc đến The Who, bởi đã luôn tồn tại một mối thù truyền kiếp giữa Pete Townshend và Jimi Hendrix. Ở một khía cạnh nào đó, Pete Townshend có thể hả hê vì giữ được tay bass và trống số một ở London lúc đó, nhưng ở tất cả những khía cạnh còn lại, Pete Townshend chỉ luôn thể hiện sự hậm hực và cho rằng Jimi đã “chôm” tất cả các chiêu trò của mình, từ chuyện chơi guitar có feedback cho tới cách dộng cây đàn vào ampli và đập vỡ nó. Pete Townshend thậm chí còn xí xọn tới mức bực mình thay cho Eric Clapton khi Jimi còn chơi cả phơ Wah, thứ đặc sản của riêng Clapton lúc đó. Kể ra nếu Jimi đúng là kém tài thật, thì chắc cũng chả có chuyện cho Pete hậm hực.
Jimi Hendrix Experience chính thức xuất hiện và chơi ở phòng trà Bag O’ Nails ở London vào ngày 25 tháng 11 năm 1966. Chả biết buổi đó gây tiếng vang thế nào nhưng có khối người nổi tiếng tự nhận đã ở đó để chứng kiến thời khắc vĩ đại: John Lennon, Paul Macca, Mick Jagger, Jimmy Page, Brian Jones, Eric Clapton, Jeff Beck, và cả cậu ca sĩ Farrokh Bulsara lạ hoắc mà mãi sau mới được biết tới với cái tên Freddie Mercury.
Single đầu tiên của The Experience, “Hey Joe” được sản xuất bởi Chas. Đây vốn là một bản nhạc blues cổ và Chas Chandler đã khéo léo lặp lại công thức chiến thắng của Animals trước đây khi làm lại những bản nhạc blues quá cổ để không ai có thể đòi được tiền bản quyền. Dĩ nhiên bản nhạc được làm mới lại với cách chơi của Jimi Hendirx. Nhưng không hiểu có phải vì kiểu chơi của The Experience “lạ” quá, hay vì nội dung bài hát nói về một gã cầm súng bắn chết cô bạn gái bồ bịch của mình, mà nó đã không được chấp nhận ngay ở UK.
Track Records, hãng đĩa mới toe của Kit Lambert và Chris Stamp, bầu của The Who, đã xuất hiện đúng lúc và nhận phát hành single này. Thêm một cú đấm thẳng vào mặt Pete Townshend. The Who lúc này mới chỉ có được vài thành công làng nhàng với My Generation, và việc quản lý của họ theo đuổi một gã mới toe chỉ vừa đặt chân tới nước Anh mới thật bất công cho tham vọng của The Who. Chưa kể, việc hát một ca khúc trần trụi gây sốc cỡ như “Hey Joe” có lẽ là thứ mà kẻ gấu như Pete Townshend cũng như dám thử.
Jimi phụ trách phần bass trong All Along the Watchtower
Trong khi “Hey Joe” đạt được no 6, “Purple Haze” là single thứ hai của Jimi, phát hành đầu năm 1967 nhanh chóng leo tới no 3. The Jimi Hendrix Experience đã là một hiện tượng ở Anh, nhưng ở Mỹ, cả “Hey Joe” lẫn “Purple Haze” đều chỉ nhận lại sự thờ ơ. Nước Mỹ “ngờ nghệch” vẫn chưa nhận ra một tài năng siêu việt do họ sản sinh ra, và thậm chí còn thấm đẫm cái tinh thần nhạc Blues còn hơn khối cái đám da trắng tập tọe học và chơi blues theo băng đĩa của người da đen, nhưng lại đủ sức làm cho cả nước Mỹ phát rồ. Chẳng phải không lâu trước đó, tay guitar chơi blues xuất chúng kiêm cựu chiến binh xuất ngũ tới từ Seattle thâm chí còn bị Little Richard lừng danh sa thải vì chơi đằng sau lưng mà dám “out trình” ông trên sân khấu đó ư?
Dù gì đi chăng nữa, lịch sử đã chứng minh rằng những thứ nhạc khác thường và phá cách sẽ thường được chấp nhận ở châu Âu.
Chúng ta hãy thử đi theo 3 khía cạnh chơi guitar mà chúng tôi mô tả trước đây trong tam giác JTS: cảm xúc, âm thanh, và sự trôi chảy để xem Jimi Hendrix đã thay đổi cách chơi guitar như thế nào.
2. Cảm xúc từ Blues
Jimi Hendrix là một nghệ sĩ nhạc Blues đúng nghĩa – anh là người da màu và lớn lên trong chính thứ âm nhạc này từ những Buddy Guy, Curtis Mayfield, hay Wes Montgomery. Nếu nhìn ngang sang những người cùng thời đó: Jimmy Page (Led Zeppelin), Keith Richards (Rolling Stones), Jeff Beck, Eric Clapton, và thậm chí kể cả Pete Townshend – tất cả bọn họ đều da trắng và học theo thể loại Blues từ những người da đen qua băng đĩa mà thậm chí còn chưa bao giờ được sống cuộc sống như một người da đen ở Mỹ. Không chỉ thế, Jimi, bằng những cách không giống ai và không giống cả những người chơi Blues tiền nhiệm trước đó, đã đưa một cách chơi nhạc hoàn toàn tươi mới vào trong cách chơi Blues, cho dù đó là những bản nhạc đã quá quen thuộc như “Hey Joe”, “Bleeding Heart” (Elmore James), hay “All Along the Watchtower” (Bob Dylan).
Điều có thể nhận ra ngay, là Jimi là người vừa có thể chơi rhythm lẫn solo xuất sắc. Nghe thì đơn giản, nhưng tất cả những tay guitar sừng sỏ vừa được kể tên ở trên kia đều thường giỏi một mặt này hơn mặt kia mà không ai có thể làm được như Jimi. Eric Clapton hay Jeff Beck có thể solo cho một đoạn nhạc jam cả nửa giờ đồng hồ để gây ấn tượng với khán giả, nhưng họ sẽ không quan tâm mấy đến phần rhythm. Trong khi đó, Jimi ngay từ khi mới xuất hiện với album Are You Experienced (1966) đã có thể ghi dấu ấn riêng xuất sắc trong những bản nhạc 3 phút – tất cả từ những đoạn riff khó quên như của “Purple Haze”, “Fire”, “Foxey Lady”. Riêng về khoản này có lẽ chỉ có Jimmy Page là có cùng chí hướng như Jimi, nhưng Led Zeppelin thì mãi tới năm 1969 mới xuất hiện.
Chưa kể, Jimi còn có thể hát và viết nhạc. Hãy tưởng tượng đó là năm 1966, album đầu tay của The Experience, và Jimi đã có một album tới 17 bài trong đó chỉ có một mình “Hey Joe” là cover lại.
Và không cần phải nhìn đâu xa, hãy nhìn vào bản “Voodoo Child (Slight Return)” của anh – bản nhạc không chỉ có câu riff kinh điển – mà còn để thấy Jimi có thể làm được gì với cây guitar solo chỉ với một hợp âm.
Ở thái cực ngược lại, khi cần thiết, Jimi có thể chọn những chuỗi hợp âm biến chuyển nhường nào như trong “Little Wings”, cũng như tạo ra những đoạn guitar mượt mà chạy xuyên qua những hợp âm biến đổi liên tục đó.
Chủ nhật ngày 4 tháng 6 năm 1967, Jimi chơi “Sgt. Pepper” ở rạp Saville, London, trước mặt ba vị anh hùng: Paul McCartney, Eric Clapton, và Pete Townshend. Roger Daltrey của The Who cũng có mặt trong buổi đó và nhớ lại: gã chơi cả bài trên 1 đàn, có cả một chút orchestra, một chút giai điệu đoạn hát, và cả đoạn solo.
Điều đáng nói là “Sgt. Pepper” mới được phát hành hôm thứ 5 tức là mới 2 ngày trước đó. Khỏi phải nói Paul Macca đã phổng mũi thế nào!
3. Tiếng đàn không thể bắt chước
Quay lại thời điểm tháng 12 năm 1966, cả đám Townshend, Entwwistle và Daltrey của The Who hộc tốc chạy tới phòng trà Blaises để xem Jimi Hendrix – lúc đó hãy còn mới toe ở London. Trên ghế VIP có cả John Lennon, Paul Macca và ban nhạc Cream. Khỏi phải nói tất cả đã bị thuyết phục bởi tài nghệ trình diễn guitar của Jimi thế nào, nhất là Pete Townshend, kẻ bỗng cảm thấy bị sỉ nhục khi Jimi dộng cây đàn của mình vào amply cho cây đàn hú lên – chiêu quen thuộc của Townshend.
Nhưng Pete Townshend, và tất cả những người chơi guitar cùng thời đó, đều không ai có thể tạo ra tiếng đàn như Jimi từng làm trong “Purple Haze”, “Foxey Lady”, hay “Voodoo Child”. Sự kết hợp các cục phơ của Jimi chứ không chỉ dựa vào khuếch đại và phản hồi của amply là thứ đã tạo ra sự khác biệt.
Cũng may trong thời đại internet ngày nay, ta có thể nhanh chóng tìm ra được những loại phơ mà Jimi đã xài. Cũng như phát hiện ra những yếu tố “độc” đã còn tồn tại.
Nếu như cục phơ Wah ai cũng biết để làm gì đấy và cục phơ Fuzz Face đã quá quen thuộc với các nghệ sĩ chơi blues hay rock n roll, thì điều khác biệt của riêng Jimi Hendrix có lẽ nằm ở 2 cục phơ Octavia và Uni-Vibe thần thánh kia.
Octavia được chế tạo bởi Roger Mayer, một kỹ thuật viên của Jimi, có khả năng tạo ra âm thanh cao hơn một quãng tám trộn vào cùng với âm thanh gốc và làm nó nhòe đi một chút. Nó giúp cho tiếng đàn của Jimi vừa dầy vừa ngầu, lại còn châm thêm chút đỏm dáng ngoa ngoắt nhờ âm thanh chói tai của nốt nhạc trên một quãng tám.
Đó là thời gian đầu, còn sau này khi Jimi trình làng cùng band mới của anh ở Woodstock 69, anh chơi “Star Spangled Banner” với cục phơ mới toe Uni-vibe, và giữ luôn trong nhạc của Band of Gypsys của anh.
Có rất nhiều truyền thuyết về cục phơ này, nhưng tôi đặc biệt thích câu chuyện nguồn gốc của nó được tạo ra bởi kỹ sư người Nhật để mô phỏng lại tiếng radio lao xao như được phát từ vũ trụ, thứ mà thực ra ông bắt được trên đài phát thanh của Nga. Nó không xoáy như tiếng Flanger, nhưng lại cũng không bị vỡ vụn như tiếng Chorus, và nghe đồn được vì kỹ sư kia tạo ra từ các đi-ốt quang làm bằng bóng bán dẫn. Một lý do chính đáng để không ai ngày nay có thể tái tạo lại được cục phơ này vì bóng bán dẫn đi-ốt quang đã không còn được sản xuất từ rất lâu rồi.
Hội chợ âm nhạc Monterey tháng 6 năm 67, là lần đầu tiên Jimi Hendrix Experience ra mắt khán giả ở Mỹ. Đến từ nước Anh cùng The Experience là The Who, và hai band phải tung đồng xu xem ai được chơi trước. Pete Townshend thắng và The Who lên sân khấu bằng tất cả sức mạnh hủy diệt của họ, cũng như tất cả các chiêu trò dộng đàn vào amply và đập nhạc cụ như để chắc chắn Jimi có làm gì thì vẫn chỉ là một phiên bản copy của Townshend.
Tới màn trình diễn của mình, Jimi cũng đập đàn trước khi ngoắc technician của mình lại gần và thò tay lấy chiếc bật lửa xăng. Jimi tưới xăng lên cây đàn, đốt nó, và run rẩy cầm từng mảnh vụn lên như một sự thờ phụng những điều thiêng liêng đẹp đẽ nay đã chìm vào ngọn lửa. Một cậu bé đứng gần sân khấu vô tình còn một thước phim cuối cùng trong máy và chụp lại được cảnh này.
Jimi Hendrix đã phát minh ra một chiêu trò hoàn toàn mới. Nước Mỹ đã thực sự phát cuồng vì Jimi.
4. Sức mạnh và sự trôi chảy
Không phải vô cớ mà Jimi cùng các cộng sự chọn “Killing Floor” để làm ca khúc mở màn cho tour diễn nước Mỹ. Với người Mỹ, thứ họ luôn cần và có lẽ chưa được những ban nhạc từ nước Anh làm cho thỏa mãn cho tới khi có Led Zeppelin, ấy là sức mạnh và sự hung hăng trong âm nhạc.
Thời sau này, chắc chắn sẽ có những tay guitar khác chơi nhanh và mạnh hơn Jimi, nhưng ở thời điểm nửa cuối thập niên 60s, chắc chắn những tay guitar được nhắc đến trên kia sẽ không thể chơi với tộc độ, dộ chính xác và nhuần nhuyễn như Jimi. “Killing Floor” là một ví dụ tốt của phần chơi rhythm, còn “Red House” hay “Machine Gun” có thể thấy là một ví dụ khác của những màn solo loang loáng, tiền thân của những thứ hoa mỹ sau này. Chưa kể đến việc dùng cần nhún để dive bomb, tất cả các bộ phận trên cây đàn của Jimi đều có thể trở thành một phần của câu nhạc và cây đàn cùng Jimi như hóa thành một thể thống nhất để bày tỏ tất cả những cảm xúc của mình.
Tất cả mọi người, bao gồm cả Pete Townshend, đều có thể ganh tị và so bì với Jimi Hendrix về mặt này hay mặt kia, nhưng tất cả đều không thể so sánh với Jimi Hendrix bởi anh bước ra và làm tất cả những thứ khác với đám còn lại.
Jimi Hendrix như một nhà tư tưởng đã vẽ ra một miền đất hứa về cách sử dụng cây đàn guitar và chơi nhạc rock và tự mình chứng minh con đường dẫn tới đó để rồi sau đó dẫn dắt những người khác theo sau.
5. Và cái chết đúng lúc như phim
Jimi Hendrix, con gà đẻ trứng vàng cho hãng đĩa và những người quản lý anh, thực ra không có nhiều tiền như mọi người tưởng. Những màn ăn chơi trác táng cùng người đẹp và thứ thuốc thời đó mới được phát minh ra (L.S.D), cùng với nợ nần của nhà quản lý Mike Jeffery đã khiến cho ban nhạc The Experience phải liên tục đi diễn thậm chí cả 2 set một đêm để kiếm tiền. Việc Jimi Hendrix quyết tâm xây dựng phòng thu Electric Lady theo ý mình cũng ngốn không ít tiền của bộ sậu này, tới mức album Electric Ladyland của Jimi đã phải thu sớm hơn ở chỗ khác để kịp ra đĩa hòng kiếm tiền tiếp tục xây phòng thu, thay vì thu ở Electric Lady như dự tính.
Tất nhiên về mặt âm nhạc, mọi thứ vẫn ổn khi có Chas Chandler tiếp tục lo phần sản xuất. Nhưng rồi Jimi lại chọn cách đi ngủ với vợ của Chas!!!
Đó là một sự xích mích không thể hàn gắn. Chas Chandler rời bỏ Jimi Hendrix ngay sau khi thu album thứ 3 của The Experience, Electric Ladyland, với cái giá 100 ngàn bảng nhượng lại cho ông bầu Mike Jeffery. Có phải tôi vừa nhắc Mike Jeffery vốn đã sẵn ngập trong nợ nần không nhỉ?
Tháng 2 năm 1969, tay bass Noel Redding cũng rời đi ngay sau khi thu Electric Ladyland để toàn tâm toàn ý chơi guitar. Hoặc giả anh này cũng đã quá mệt mỏi với sự nổi tiếng và lịch lưu diễn dày đặc để kiếm tiền cho ai đó. Anh được thay bởi Billy Cox.
Mike Jeffery, sau khi thấy ý tưởng chơi với 5 cây như ở Woodstock 1969 với Jimi đã không hiệu quả, đã ép Jimi Hendrix phải duy trì việc lưu diễn với 3 cây như cũ. Band of Gypsies được tạo ra với Billy Cox chơi bass và Buddy Miles chơi trống. Và rất nhanh chóng, họ lại tiếp tục lên đường lưu diễn để kiếm tiền cho Mike trong suốt giai đoạn 1969-1970.
Đã suýt có sự khởi đầu mới cho Jimi với tam tấu Band of Gypsys
Không nhiều người để ý rằng, hợp đồng của Mike Jeffery với Jimi Hendrix sẽ kết thúc vào cuối năm 1970. Một hàng dài các bầu sô danh tiếng đã chờ sẵn để đàm phán với Jimi, trong khi người sẽ phải chịu thiệt nhất với đóng nợ nần khi Jimi không tiếp tục chính là Mike.
Tay bass Noel Redding sau này luôn nói rằng cái chết của Jimi quả đúng thời điểm vàng cho Mike – chỉ 3 tháng trước khi hợp đồng của Mike hết hạn. Trong số các giấy tờ mà Jimi từng ký với Mike, có một hợp đồng bảo hiểm trị giá đền bù 2 triệu đô với cái tên Mike Jeffery là người thụ hưởng. Với số tiền này, Mike thậm chí còn có thể mua lại toàn bộ quyền sử dụng Electric Lady Studio.
Mọi chuyện càng kỳ bí hơn khi trong cuốn tự truyện của Tappy Wright phát hành năm 2009, Wright hé lộ sự thật do chính Mike Jeffery kể với mình rằng Mike đã tới phòng khách sạn của Jimi vào cái đêm định mệnh đó, và cùng sự giúp sức của cô bồ Monika, họ đã tọng đống thuốc giảm đau Vesparax vào họng Jimi, trước khi đổ chai rượu vang vào đường thở của anh khiến anh bị ngộ độc mà chết. Càng kỳ lạ là dù Jimi ói ra riệu vang, không có dấu hiệu nào của riệu vang trong dạ dày của Jimi và bác sĩ giám định pháp y thì kết luận rằng Jimi Hendrix chết vì tắc đường thở do sặc miếng ói của mình và không có tác dụng của riệu.
Dù sao thì Jimi cũng đã được chơi ở studio Electric Lady của mình một lần khi nó mới được mở cửa vào tháng 9 năm 1970. Hai tuần sau đó, Jimi đi sang Anh, và không bao giờ quay trở lại Mỹ nữa.
Mike Jeffery thì chết trong một vụ máy bay rơi vào năm 1972.
Hẹn gặp lại!
Kai & Kcid
R.I.P Jimi Hendrix 17 tháng 9 năm 1970.
R.I.P Chas Chandler 17 tháng 7 năm 1996.
R.I.P Noel Redding 11 tháng 5 năm 2003.
R.I.P Mitch Mitchell 12 tháng 11 năm 2008.
Comments