top of page

Âm thanh bùng nổ của Smashing Pumpkins

Trong những ban nhạc Rock hiện đại, Billy Corgan, trưởng nhóm Smashing Pumpkins hẳn là ca sĩ có giọng hát thuộc hàng ngũ gây khó chịu cho đôi màng nhĩ nhất. Lần đầu tôi nghe bài “1979” và “Tonight, Tonight” của ban nhạc này, giọng của Corgan có đầy đủ những yếu tố mà thường các ca sĩ hát Rock khác KHÔNG nên có: giọng nhẹ và mỏng, thêm phần chanh chua lè nhè.


Corgan từng tâm sự rằng “Tôi là dân Ireland, nên đáng ra tôi phải đi hát nhạc ballad mới đúng”. Anh còn thừa nhận luôn là giọng của mình là một thứ nhạc cụ gặp đủ khó khăn khi vào trong phòng thu. Thu âm khó, kiểm soát khó, mix nhạc cũng khó. Tiếng hát của anh với nhạc Rock tựa như món thịt chó đem chấm sốt ketchup, khi mà hai thứ đó không hề hoà hợp tẹo nào. Hoặc đáng lẽ ra nó phải thành một combo thất bại thảm hại.


Nhưng mà ta hãy nghe lại album Gish đầu tay của Smashing Pumpkins nhé. Trong bài “Siva”, âm thanh các track guitar riff ồn ào dày đặc ở hai bên tai, thi thoảng được bồi thêm một track guitar khác chơi câu lick theo giai điệu hát của Billy Corgan. Phần trống đằng sau nện thì thôi rồi. Những câu fill dồn đầy cảm hứng làm sáng cả bài hát, và dư sức sánh cùng giàn âm thanh điện hùng hậu. Thế rồi ở 1 phút 50 giây, các track nhạc bỗng giảm volume hẳn lại trước khi tắt ngỏm, để lại đúng tiếng guitar sạch sẽ hơn và phần trống gõ nhẹ, cùng tiếng hát của Corgan. Ta bỗng chợt nhận ra thứ giọng “khó chịu” của anh nay lộ rõ mồn một trên phần nhạc nhẹ và mỏng ở khúc giữa, nhưng chưa kịp lăn tăn bấm nút chuyển bài thì …BÙMMMMM!!! Tiếng solo guitar chói tai với volume to hết cỡ gào thét xoáy rung đôi màng nhĩ nay bừng tỉnh. Phần cuối cao trào thì thôi rồi, ngoài đủ các track guitar đằng sau, những cú gõ trên đủ các trống tom dồn dập liên tục của bùng nổ thoả mãn hết cỡ. Người ta bỗng quên mất chuyện anh Billy Corgan có một giọng hát nhạc Rock thật ư kỳ cục!

Nếu như nhạc của Smashing Pumpkins chỉ ở mức tầm thường và Corgan cũng chỉ nắm vai trò ca sĩ hát trong band thì ban nhạc hẳn chết yểu ngay từ những ngày đầu ló mặt ra thị trường. Vấn đề ở đây là Corgan hát không hợp nhạc, nhưng tư tưởng âm nhạc của anh lại quá tốt để có thể bù đắp điểm yếu đó, để rồi kết quả là những điểm mạnh của anh càng được bồi đắp tôn vinh thêm và điểm yếu thì được khắc phục.

“Điểm mạnh” đầu tiên của Billy Corgan là tính cách độc đoán khó ưa, được ví như “kẻ bạo chúa” của ban nhạc. Album đầu tay Gish (1991) được sản xuất bởi Corgan và Butch Vig - người lúc đó còn là nhà sản xuất vô danh, trước cả khi tay này khăn gói quả mướp tới Los Angeles để sản xuất album Nevermind kinh điển của Nirvana. Thế nhưng không thể nói Gish không phải là một album kinh điển. Dù với nhiều người, cái bóng của những đĩa sau đó, Siamese Dream (1993), Mellon Collie And The Infinite Sadness (1995)Adore (1998) quá lớn và có phần lấn át Gish. Tuy vậy, âm sắc guitar hay độc đáo trong album đầu tay này là kết quả của một sự cầu toàn đến điên loạn của Corgan, mà chính từ đó lại là cảm hứng lớn cho Butch Vig thành một nhà sản xuất nhạc vĩ đại.

Một ban nhạc được coi là một indie band vào thời đó, Smashing Pumpkins đã dám bỏ ra tới 30 ngày thu âm với ngân sách 20 nghìn đô, những con số được coi là không tưởng. Là fan cứng của QueenElectric Light Orchestra, Billy Corgan muốn tạo ra âm thanh vĩ đại như hai ban nhạc này. Dù là Corgan không có được kiến thức kỹ thuật để chế ra nó, nhưng mọi thứ cứ hiện rõ mồn một trong đầu Corgan, điều giúp cho Vig chỉ việc lắp đặt thiết bị và thử nghiệm theo.

Và đó chính là vấn đề của sự chênh lệch trong tầm nhìn, dẫn tới một mưu toan cầu toàn và độc đoán, muốn sản xuất ra âm thanh y hệt tưởng tượng ở trong đầu, bất chấp việc hai thành viên ban nhạc gồm James Iha (guitar), D’arcy Wretzky (bass) phải tập dượt nhừ 10 đầu ngón tay. Đến khi thu âm chính thức, Corgan lại lẳng lặng tự đánh đàn và thu âm hộ gần hết cho hai thành viên này. Cách hành xử này của anh hẳn gây tự ái và khó chịu với Iha và Wretzky, hai người không phải thuộc dạng kém cỏi gì trong Smashing Pumpkins. Chỉ có điều là, Billy Corgan giỏi hơn thật. Đến nhà sản xuất Butch Vig còn phải thừa nhận, tiếng đàn vẫn nghe hay hơn khi Corgan tự chơi hết các track nhạc này. Còn với Corgan, lời giải thích của “kẻ bạo chúa” này với Iha và Wretzky nghe cũng có vẻ hợp lý: “Đây đếch phải lỗi của ta nhé. Tất cả là do nhà ngươi không tập dượt đủ để chơi những bài này đúng ý ta muốn thôi”.


Sau Gish, từ album Siamese Dream trở đi, việc tự tung tự tác của Billy Corgan trong quá trình ghi âm dần trở thành một điều gần như hiển nhiên, bất chấp không khí căng thẳng trong ban nhạc. Kể cũng khó nói, khi mà Corgan lại là người sáng tác chính cho ban nhạc, với mọi ý đồ nhạc thì đều hiện hình rõ ràng trong đầu. Nếu như sau Gish, nhà sản xuất nhạc Butch Vig quay ra thực hiện cho Nirvana siêu phẩm Nevermind, một thứ âm thanh dày đặc tựa như được tạo bởi hàng nghìn track đàn guitar thu cùng đè lên nhau, điều mà Kurt Cobain về sau không cảm thấy tự hào cho lắm khi nó không giống nhạc Punk Rock anh muốn chơi, thì Billy Corgan lại muốn vậy. Kết quả là Siamese Dream và Mellon Collie với những đoạn nhạc dày như da mặt của Corgan, cũng như cao ngạo như bản tính của anh vậy. Bài “Soma” trong Siamese Dreams chứa tới 40 track guitar đè lên nhau, còn “Thru The Eyes Of Ruby” trong Mellon Collie thì lên tới 70 track. Chỉ là chúng đều hay thực sự. Và kết quả chất lượng của các album này đều được khen ngợi đánh giá cực cao của giới phê bình và người yêu nhạc, minh chứng cho tầm nhìn đúng đắn của Corgan.

Dù vậy như đã nói ở trên, Iha và Wretzky không phải là những thành viên kém cỏi gì. Bằng chứng là trong những show diễn của ban nhạc, hai người này, đặc biệt là James Iha, vẫn tạo được âm thanh có màu sắc và không gian, dù cho Corgan vẫn là người có công gánh vác chính trong phần guitar, cả ban nhạc đều tái tạo theo khả năng tốt nhất có thể từ bốn cây, và vẫn giữ được cái không khí âm thanh bùng nổ theo đúng nghĩa của Smashing Pumpkins.


Bất chấp cho sự độc tài của “kẻ bạo chúa” Corgan đó, có một thành viên duy nhất mà tay này không thể thay thế được mỗi lần thu âm, đó là tay trống thần sầu Jimmy Chamberline.

Thế nên “điểm mạnh” thứ hai của Corgan chính là cách thức sử dụng người tài như Chamberline trong các sản phẩm của Smashing Pumpkins tới mức tối đa, điều mà tôi tin chắc là nếu không phải tay trống này chơi cho band ngay từ ngày đầu, ban nhạc chắc sẽ khó có được sức ảnh hưởng lớn như vầy, dù Corgan có giỏi ba đầu sáu tay tới cỡ nào. Đó là vì tiếng trống của Chamberline phải chiếm tới 50% sự bùng nổ trong phần nhạc của Smashing Pumpkins.

Jimmy Chamberline nổi tiếng với khả năng sáng tạo ra những câu trống đầy cuốn hút như những câu hook trong một bài nhạc. Từ một tay trống chơi nhạc Jazz, Chamberline phát triển một trực giác cực tốt về âm điệu và âm sắc. Và đó là cách anh sau khi hiểu được cấu trúc hòa âm và hợp âm của một bài, Chamberline sẽ sáng tác phần trống có những nét đặc trưng riêng để làm sao nếu chỉ nghe mỗi track trống là có thể nhận ra đó là bài gì, khi mà mỗi khúc thay đổi trong phần drums, nó sẽ phù hợp với khúc nhạc.

Như chính bài “Siva” kể ở đầu tiên, Chamberline biến tấu phần trống của anh như thể nếu ngắt đi tiếng hát của Billy Corgan thì phần trống của Chamberline sẽ “cất giọng” thay cho vậy. Do đó như khúc giữa lắng lại, anh cũng không cần phô diễn gì nhiều, mà chỉ làm nền nhẹ phía sau, nhưng lại bùng lên ở khúc cuối cao trào, mà nếu chỉ nghe phần track trống riêng của Chamberline là đã đủ thấy sướng ngang ngửa câu guitar solo hay chói lòa trước đó.


Chiêu độc của tay trống này là không bao giờ cần phô diễn hết cái chiêu trên giàn trống ở mọi thời điểm. Việc lược bỏ một số phần trên giàn trống ở một đoạn mới lại tôn được âm thanh cần có. Như với bài “Bullet With Butterfly Wings”, khúc đầu bài Chamberline chỉ đánh trên kick drum và tom, không một tiếng snare. Hiệu ứng của nó đem lại như sấm rền. Rồi lúc âm trống snare xuất hiện, nó lại vào cả nhịp lẻ của bài, và cố tình nhấn vào cùng accent câu hát của Billy Corgan, cùng lúc với phần đổi hợp âm bài. Hoặc như bài “Tonight, Tonight”, đoạn intro được chơi theo kiểu drum roll, rồi lúc vào hát, Chamberline chỉ chơi đúng một kiểu gõ cạnh gậy lạch cạch cùng hi hat, đủ đơn giản mà vẫn tạo âm thanh dễ gợi nhớ.

Với Smashing Pumpkins, họ thu âm, hay chính xác là Jimmy Chamberline thu âm không dùng tới click track, vì thế cái cảm giác phải chuẩn ngay từ đầu. Chamberline không phải là người thích thu âm theo từng khúc rồi sửa đi sửa lại, như kiểu ca sĩ hát có autotune. Anh muốn sử dụng chỉ vài lượt thu đầu cho vào bài. Đến một bài dài tới gần 10 phút như “United States”, Jimmy Chamberlin chỉ thu âm trong đúng một lần duy nhất là đã hoàn chỉnh, mà vẫn đảm bảo những câu hook trên giàn trống được thực hiện tinh tế trong mọi âm sắc được tạo ra, nhẹ nhàng có và mạnh mẽ như tiếng bom cũng có, không thua gì các huyền thoại John Bonham hay Keith Moon.


Thế nên đó là lý do Billy Corgan chưa bao giờ có ý định cố gắng tạo ra âm thanh của trống thay thế cho Jimmy Chamberline như cách anh làm với hai thành viên còn lại. Chỉ bởi vì chỉ riêng mình Chamberline là đủ cân lại giàn giao hưởng guitar mà Corgan tạo ra với những nhà sản xuất cho ban nhạc. Sau lần Corgan phải miễn cưỡng đuổi Chamberline khỏi ban nhạc (trong một thời gian tạm thời) chỉ vì cơn nghiện ngập của anh này đi quá xa đến độ tay nhạc công chơi keyboard đi lưu diễn cùng - Jonathan Melvoin bị chết vì sốc thuốc, Corgan phải tìm tới trống điện tử, bớt đàn guitar bằng các âm thanh mới cho album Adore, trùng với thời điểm mà tay thủ lĩnh ban nhạc Smashing Pumpkins này phải chán nản tuyên bố “Nhạc Rock chết thật rồi”. Tuy vậy, đây cũng không phải là điều tôi định bới sâu vào bài viết này, mà muốn tập trung tới thời kỳ âm nhạc đầy đặn guitar trong giai đoạn đỉnh cao đầu của ban nhạc.


Và rõ ràng là “điểm mạnh” thứ ba của Billy Corgan chính là tài năng của anh trên cây đàn biết “hát” thay cho anh. Nói thật là, nếu Corgan không có kỹ thuật chơi đàn tài ba, thì việc áp đặt của “kẻ bạo chúa” như anh sẽ thành nhiệt tình + ngu si = phá hoại. Nhiệt tình thái quá đến độ gây bức bối cho người khác thì Corgan làm suốt rồi, nhưng ngu si thì không hề đâu nhé. Anh rất giỏi về nhạc và kỹ thuật chơi đàn.

Cái âm sắc mà anh tạo ra đặc trưng trong câu riff của Smashing Pumpkins được thể hiện qua nhiều kỹ thuật khác nhau. Ví dụ như cách chơi theo hai nốt cách nhau một quãng 8 (octave), với một dây xen kẽ là dây không chặn (open string) bỗng nhiên vang lên cùng, tạo một tổ hợp tiếng dày bởi octave và lại nghịch tai bởi dây mở, như trong đoạn mở đầu bài “1979”. Ngoài ra, để tạo độ dày tiếng thì Corgan hay chơi hai dây để tạo hoà âm trên hai nốt, cả với những dây trên những phím nốt cao, cả khi bend dây.


Nói về nhíu dây, thì kỹ thuật này có lẽ là sở trường của anh. Ngoài việc bend hai dây một lúc, Corgan cũng sử dụng cách "prebend" như ở bài “Rocket”, dây bị bend trước rồi gảy xong mới nhả ra. Hoặc anh sẽ bend dây chậm từ từ để nốt nhạc bị nhéo tiếng chậm rãi. Hay một cách rất Corgan theo kiểu kết hợp cả prebend lẫn bend dây liền ngay sau khi thả ra, nhưng lần này ở tốc độ nhanh hơn, tạo ra một âm thanh biến đổi từ nốt cao kéo tụt nhanh xuống và lại trồi lên trở lại sau đó.

Đáng chú ý nhất, dĩ nhiên là cách Corgan đánh những nốt đàn chói tai xé toang bầu không khí bằng màn vuốt dây từ thấp lên cao rồi nhéo dây căng hết cỡ và rung vibrato cũng nhanh hết cỡ, tận dụng âm rung của dây đàn cùng feedback, tạo nên một không gian âm thanh rộng lớn bùng nổ, xuất hiện khá nhiều trong những đoạn solo của anh.


Với người xuề xoà hoặc chơi đàn nghiệp dư, mấy kiểu bend nhéo dây kia nhìn qua đều như thể chỉ tạo một hiệu ứng giống nhau. Nhưng thực tế là với Billy Corgan, nhéo nhanh, chậm; độ căng chưa đủ tới, hoặc quá thừa; độ rung đủ khoẻ hay không, đều hết sức quan trọng. Do thế mà anh mới chả tin bố con thằng nào khi tự thu âm gần như mọi track đàn guitar của James Iha, và dĩ nhiên lẫn track bass của D’arcy Wretzky như đã kể trên.


Chính bản tính cầu toàn độc đoán cùng tài năng thực thụ của Corgan (và cả sự góp sức không nhỏ từ tay trống Jimmy Chamberline) đã mang lại âm thanh đa chiều trong các bài nhạc của Smashing Pumpkins, xoay chuyển giữa khúc lặng và khúc ồn ào, cao trào, tất cả đạt hiệu ứng hết mức. Đổi lại, sự kỹ tĩnh quá mức này khiến tất cả những người xung quanh, gồm cả ông sản xuất nhạc như Butch Vig và bản thân anh phải phát rồ. Đã thế, như lần thu âm cho đĩa Mellon Collie, volume trong phòng thu còn được bật to đến ù đặc tai, khó chịu như chính thứ âm nhạc khó nuốt, nhưng sau khi nếm quen rồi thì lại nghiện như món “bí đỏ ngọt ngào”.

Cảm giác nghe nhạc của Smashing Pumpkins, đặc biệt ở những bản nặng cân, não bộ thực sự như được đánh thức mọi ngóc ngách khi âm nhạc của họ làm bừng sáng, tựa như khi bạn nốc shot espresso vào buổi sáng tinh mơ vậy. Bạn thấy mình trẻ trung, đẹp trai và thông minh hơn rất nhiều! Và tự dưng quên mất mình có một giọng nói nghe rất ngứa tai, như chính tôi bỗng quên mất không nhắc lại chất giọng kỳ quặc đặc trưng của Billy Corgan trong bài viết này vậy.

Thôi thì Corgan làm nhạc Smashing Pumpkins hay thế rồi thì cũng có thể bỏ qua điểm yếu về giọng hát của anh được.


Hẹn gặp lại!

Kink

615 views

Recent Posts

See All
bottom of page