top of page

5 sắc thái của Steve Vai

“Này Stevie, con đừng hồi hộp nhé! Cô sẽ bước vào và giới thiệu con, sau đó con sẽ bước ra cùng cây guitar và chơi bản nhạc tuyệt hay mà con kể cho cô. Khi con chơi, cô sẽ ngồi chờ ở ngay bên dưới. Đừng lo nhé, các bạn sẽ thích lắm đấy”. Nói đoạn, cô giáo của Stevie bước vào lớp cùng một cậu bé đeo cây guitar to gần bằng người cậu. “Các con chú ý, hôm nay bạn Steve Vai sẽ chơi một bài trên cây guitar do bạn tự sáng tác”.


“Mình viết bài này tặng cho tất cả các bạn. Khi mình lớn lên, nhất định mình sẽ trở thành cầm thủ chơi nhạc Rock n Roll” – Stevie rụt rè chỉ xuống cây đàn của mình – “Còn đây là chiếc cần nhún của mình. Nó sẽ gây ồn lắm đó!”.


Tiếng guitar bắt đầu rồ lên theo nhịp của chiếc cần nhún như tiếng những chiếc xe phân khối lớn rồ ga, và 5 phút sau đó, cậu bé Steve Vai thỏa sức tàn phá khung cảnh yên tĩnh của ngôi trường, với tất cả đám bạn bè bên dưới đều phát cuồng trước âm nhạc của cậu, trong khi các thầy cô giáo thì giận điên người mà không thể kiểm soát nổi đám học trò của mình.


Tôi cho rằng đó là giấc mơ mà đứa trẻ nào cũng đã từng mơ tới. Chí ít thì đứa con trai ưa phá phách nào cũng vậy!


Và đó cũng là cách mà Steve Vai chọn để xuất hiện đầy ấn tượng trước thế giới dưới vai trò nghệ sĩ chơi guitar instrumental vào năm 1990 với Passion and Warefare. Đam mê và hiếu chiến, đây là một album mà theo cách diễn đạt của Steve, nó là chuỗi những sự kiện xảy ra trong những giấc mơ. Nó có đủ những âm thanh kỳ quặc nhất như tiếng động viễn tưởng du hành khắp không gian, người ngoài hành tinh, những cô gái, tình yêu, và dĩ nhiên là màn phá banh trường học của cậu bé nhút nhát nhưng vác theo cây đàn bự kia.


Đúng là Stevie nhút nhát thật, vì mãi đến khi 30 tuổi anh mới quyết tâm làm album solo toàn nhạc instrumental của mình. Stevie trước đó đã giành hơn 10 năm chu du thiên hạ theo chân những kẻ lừng danh nhất.


Khởi nghiệp với vai trò người ghi chép lại các bản nhạc cho Frank Zappa lừng danh, Steve Vai được giao vị trí chơi guitar trong ban nhạc khi mới 18 tuổi. Chơi nhạc cho Frank dĩ nhiên đầy sự thú vị. Nào là được chơi cùng với những bậc đại tài nhu Vinnie Colaiuta, Terry Bozzio, hay Arthur Barrow, việc được chơi cho Frank còn đem lại sự hứng thú với những nhạc phẩm cầu kỳ nhiều chương hồi và đòi hỏi sự tỉ mỉ tới mức siêu chính xác.


Nhưng chơi nhạc cho Frank Zappa cũng là một sự khắc nghiệt khủng khiếp. Tưởng tượng bạn phải ngủ dậy lúc 9 giờ sáng để chuẩn bị ra sân bay và bay tới chỗ biểu diễn. Buổi sound check thường rất dài tới mức chỉ có khoảng 45 phút cho bản thân trước buổi diễn. Và ban nhạc của Frank sẽ thường chơi 2 set mỗi tối, nghĩa là chỉ có 45 phút giữa hai buổi diễn. Khi trở lại khách sạn thì đã là 1 hoặc 2 giờ sáng và Steve Vai lúc ấy sẽ vẫn phải thức và tập guitar vì không ai biết hôm sau Frank sẽ muốn chơi bài gì. Những đồng đội chơi cùng Frank sẽ thường phải tập và nhớ khoảng 80 bài bởi vì Frank Zappa đại tài sẽ chỉ lên set list khoảng 5 phút trước buổi diễn.


Chưa hết, mỗi khi diễn cùng Zappa, mọi người thường sẽ không thể trình diễn cho khán giả mà đều phải dán mắt vào Frank, bởi ông mới là người nhạc trưởng. Ông có thể đưa ra tín hiệu bất cứ lúc nào như đột nhiên chuyển qua chơi theo điệu Reggae, hoặc bỗng phải chơi thật mạnh mẽ như Heavy Metal. Có những ký hiệu dành cho việc bất kể mọi người đang chơi bất cứ thứ gì, họ sẽ phải chuyển qua nhịp 5/8. Cứ phải dán mắt vào Frank trên sân khấu, vậy đó.


Hồi mới chơi nhạc cho Frank Zappa, Steve Vai thậm chí còn bị chê là có tiếng đàn nghe như “mứt”, dù rằng Steve Vai chơi với một cây Stratocaster khá ngon và amply Marshall.


“Tiếng đàn không đi ra từ trong amp, mà từ trong đầu cậu” - đó là những lời mà Steve Vai mang theo suốt cả sự nghiệp của mình. Cùng một lý do mà Steve Vai luôn muốn đưa tất cả những âm thanh nghe được trong đầu mình ra ngoài.


Sự khắc nghiệt đó đã trui rèn Steve Vai trở thành một tay guitar cứng cựa. Nhưng với sự nhút nhát cố hữu của mình, Steve Vai vẫn chưa có ý định có sự nghiệp solo mặc dù đã kịp ra album Flex-Able vào năm 1983. Nói đúng hơn, thanh niên Steve Vai vẫn thấy tự tin hơn khi đứng sau lưng một frontman vững chãi để trình diễn nhưng màn ảo thuật của mình, thay vì phải tự mình tiến lên phía trước nhận lấy toàn bộ ánh sáng của sân khấu.


Và sự nghiệp đáng nhớ của Steve Vai bắt đầu từ đây.


1. Alcatrazz


Những nghệ sĩ ngon lành nhất chắc cũng sẽ phải mệt nhoài khi chơi nhạc cùng Frank Zappa. Thu âm những bản nhạc phức tạp là một chuyện, trình diễn chúng hàng đêm đã khiến không ít những nghệ sĩ có số má phải kiệt sức. Sau 3 năm rong ruổi cùng Frank, Steve Vai quyết định dừng cuộc chơi nhạc khó.


Phải cái, những nhạc công từng chơi nhạc cho Frank Zappa sẽ không được thị trường đối xử như những người “bình thường”. Nói thẳng ra, họ không phải những người được thị trường săn lùng, dù có tài nghệ bậc thầy. Và ở chiều ngược lại, Steve Vai lúc ấy cũng không chắc làm thế nào anh có thể tự lập ra ban nhạc solo của riêng mình. Vậy cách tốt nhất hẳn là chờ xem có ban nhạc nào đã có tên tuổi.


Thế là ngay khi Yngwie Malmsteen rời khỏi ban nhạc của Graham Bonnet, Steve Vai được gọi vào chơi cho Alcatrazz. Đây là bước đi cực kỳ khôn ngoan của Steve Vai bởi ban nhạc của Graham Bonnet lúc này hiện đang lên như diều gặp gió với cái tên Yngwie Malmsteen, kẻ đã thể hiện những màn trình diễn guitar vô tiền khoáng hậu.


Dĩ nhiên điều đó cũng đi kèm với vô số áp lực. Không phải ai cũng có thể đối trọng lại với Yngwie Malmsteen, và cũng may là Steve Vai không có ý định làm chuyện đó. Anh tới Alcatrazz là để đứng sau lưng Graham Bonnet.


Show đầu tiên cùng Alcatrazz có lẽ là show diễn căng thẳng nhất. Tất cả khán giả ở dưới khi đó đều không biết rằng Yngwie Malmsteen đã rời band. Khi Steve Vai chuẩn bị bước ra khỏi cánh gà, tất cả khán giả đều hô vang “Yngwie! Yngwie!”.


Một trong những show hay nhất Steve Vai từng diễn. Bằng chứng là mặc dù không có ai vỗ tay, nhưng cũng không có ai bỏ về!


Steve Vai sau đó ghi âm cùng Graham Bonnet album Disturbing The Peace (1985). Không có gì để chê vị frontman sừng sỏ đã từng cộng tác với những Ritchie Blackmore (Rainbow) hay Michael Schenker (MSG), Steve Vai vẫn luôn cần thêm những khoảng không để tạo ra thêm những thứ nhạc anh thường nghe thấy trong đầu. Không chỉ là frontman, anh cần thêm những người chơi nhạc xung quanh mình. Không lâu sau đó, Steve Vai trở thành lead guitar của David Lee Roth.


2. David Lee Roth


Nếu như Alcatrazz đem tới cho Steve Vai cơ hội được “sống thật” với âm nhạc của mình, thì việc cộng tác với David Lee Roth thậm chí còn đem tới cho anh nhiều hơn thế: sự nổi tiếng.


David Lee Roth lúc này vừa mới tách ra khỏi Van Halen để theo đuổi sự nghiệp solo của mình và vượt ra khỏi cái bóng của Edward Van Halen. Nhưng nói gì thì nói, Roth vẫn cần xung quanh mình những kẻ có thể viết nhạc cự phách, để rồi sau đó anh chỉ việc chọn ra những sản phẩm ưng ý và viết lời lẫn giai điệu lên đó. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi ban nhạc của anh gồm có Steve Vai chơi guitar, Billy Sheehan chơi bass, và Greg Bissonette chơi trống. Toàn bậc virtuoso.


Một lần nữa, Steve Vai lại chọn tham gia một ban nhạc có một thủ lĩnh đã dày dạn kinh nghiệm làm việc với một tay guitar sừng sỏ. Dave Lee Roth thậm chí còn hơn thế. Ngoài việc để cho Steve Vai tự do với các ý tưởng của mình, David còn chia sẻ cùng Stevie và tay bass Billy Sheehan những ý tưởng kỳ cục và mấy trò tếu táo trong nhạc của họ. Đó là sự hình thành của những track nghe trào phúng và không liên quan như "Yankee Rose" hay "Elephant Gun" trong album Eat ‘Em And Smile (1986). Có khi cả album này đều trào phúng!


Với tài năng đã được thẩm định của Steve Vai cùng đắng cấp của những người chơi nhạc xung quanh anh, album đầu tay của sự nghiệp solo của Lee Roth đã đạt platinum không lâu sau đó với hơn triệu bản bán được.


Những hình ảnh mà Steve Vai thường mơ tới khi còn là cậu nhóc, về một nhân vật có khả năng siêu phàm như phù thủy và chơi guitar với khả năng biến chuyển không lường dường như nay đã thành sự thật. Nếu như trước đây chơi cho Zappa, điều quan trọng nhất với Steve Vai là chơi cho đúng, thì nay với sự hoành tráng của David Lee Roth, tiêu chí hàng đầu của họ sẽ phải là giải trí. Steve Vai đã trở thật thật sự nổi tiếng với những màn trình diễn hào nhoáng của mình y như nhân vật phù thủy mà anh từng mơ tới. Nhưng những ý tưởng kỳ cục về việc mình sẽ bị phát khùng và nổ tung khi nổi tiếng cũng đã bắt đầu trỗi dậy.

Trong lúc này, Steve Vai bắt đầu manh nha thu album solo Passion and Warfare của mình, thứ được anh mô tả là những âm thanh kỳ cục ở trong đầu của mình. Thử mang thứ âm nhạc đó tới Capitol Records, Steve Vai dường như đã bị khựng lại khi các sếp ở đây đều tỏ ra không hiểu cái thứ âm nhạc đó. Thậm chí, sếp Simon Potts còn tính cắt một nửa chi phí và không chạy quảng bá cho album solo của Steve Vai.


Đứa trẻ nhút nhát trong Steve Vai một lần nữa lại lên tiếng. Anh tiếp tục đi tour cùng David Lee Roth và ghi âm album tiếp theo, Skyscrapper (1988).


Rời David Lee Roth không lâu sau đó vì cách đối xử của vị thủ lãnh (có lẽ không khác gì thời anh này hục hặc với Edward Van Halen), Steve Vai cũng bái bai luôn hãng Capitol và mang theo đứa con còn đang thai nghén mang tên Passion and Warfare của mình. Dave Lee Roth tiếp tục ban nhạc của mình với thần đồng mang tên Jason Becker, còn Steve Vai bỗng nhiên phải loay hoay đi tìm một ban nhạc khác để trú chân trong khi Passion and Warfare hãy còn chưa sẵn sàng. Dù có chết thì Steve Vai cũng phải thực hiện album này toàn tâm toàn ý. May thay lúc ấy David Coverdale của Whitesnake đã gọi.


3. Whitesnake


Chứng kiến màn trình diễn của Steve Vai trong bộ phim Cross Road (bộ phim Stevie phải đóng vai tay guitar bán linh hồn cho quỷ sứ), David Coverdale đã từng tính tới chuyện dùng Steve Vai để đối ẩm với tay guitar khét tiếng John Sykes của mình, nhưng lúc đó Sykes không đồng ý.


Chỉ cho tới khi John Sykes bỏ Whitesnake sau, và tay guitar còn lại là Adrian Vandenberg bị đau tay, Steve Vai đã được gọi vào để lấp chỗ trống và thu album Slip of the Tongue (1989).


Quả nhiên đúng lúc không chỉ bởi David Coverdale cũng lại là một frontman sừng sỏ, sự xuất hiện của Steve Vai cũng như một sự cứu cánh khi tất cả các hy vọng ở các tay guitar khác đều biến mất, trong khi kỳ vọng dành cho album tiếp nối cho Whitesnake thì cao lắm (album Whitesnake trước đó bán được tới 25 triệu bản). Chưa kể, tay bass Rudy Sarzo và tay trống Tommy Aldridge đều là những kẻ chơi nhạc cự phách trên thị trường. Steve Vai cũng bắt đầu thử nghiệm với guitar 7 dây và cùng Ibanez tạo ra cây guitar 7 dây trong album này.


Nhưng với album Passion and Warfare dần thành hình, Steve Vai lại một lần nữa nhảy khỏi con tàu mang tên Whitesnake sau khi đi tour cho album này. Anh đã sẵn sàng với sứ mệnh của mình.


4. Passion and Warfare


Mỗi khi bạn nghĩ tới Joe Satriani, bạn thường nghĩ tới nhân vật siêu nhân Silver Surfer, và âm nhạc của anh dường như cũng mang nhiều màu sắc khoa học viễn tưởng. Nhưng Steve Vai thường đem lại cảm giác của “kẻ xấu” nhiều hơn. Riddler chẳng hạn. Và dường như Steve Vai chưa bao giờ muốn che giấu điều đó.


Album Passion and Warfare dường như đem tới tất cả những góc tối trong mỗi người. Nó có một nửa cái sự thèm khát tự do, nhưng có cả nửa kia của sự bực tức lẫn cảm giác bất an.


Đúng là theo như Steve Vai mô tả, đó là bối cảnh của những giấc mơ. Đó là những điều mà bạn không thể làm trong cuộc sống hàng ngày như ăn món gì đó kỳ cục, hay trải nghiệm một thứ âm thanh từ ngoài vũ trụ xa xôi.


“Liberty”, “Erotic Nightmares”, “The Animal”, “For The Love Of God”, “ The Audience is Listenting”, “I would Love To”, và nhất là “Love Secrets”, không có một track nào không gây chú ý trong album này.


Steve Vai thậm chí đã lôi kéo rất nhiều fan hâm mộ của David Lee Roth và Whitesnake trước đó trở thành fan của chính anh, những người lần đầu tiên được nghe một album nhạc hoàn toàn không có lời hát để hiểu rằng, âm nhạc bản thân nó có thể đem ta tới những miền tưởng tượng thế nào.


Và trong số đó có cả tôi, người đã từng cực ngạc nhiên khi thấy những âm thanh kỳ cục và nghe dường như không liên quan bỗng có thể trở thành một track riêng rẽ trong một album nhạc. Dù rõ ràng không phải lúc nào tôi cũng hiểu mục đích, tôi chắc rằng nếu tôi có thể tạo ra những âm thanh văng vẳng trong đầu mình như vầy, chắc chắn tôi cũng sẽ muốn ghi lại trong phòng thu. Không chỉ vậy, Steve Vai còn có thể bán được cả triệu album có những âm thanh kỳ cục như vầy, thành công của Passion and Warefare càng tuyệt vời hơn khi nó xuất hiện trong thời kỳ mà Grunge đang làm mưa làm gió.


Và có lẽ không ai có thể dừng Steve Vai lại được nữa.


5. Fire Garden


Nếu như có những gì nghe còn kỳ cục nhưng hấp dẫn hơn những âm thanh mà Steve Vai tạo ra trong album Passion and Warfare, thì chắc đó là giọng hát của Steve Vai.


Tua nhanh tới album Fire Garden (1996), đây chắc chắn là một điểm sáng không kém những sản phẩm đã được đề cập ở phần trước, dù rằng việc Steve Vai tự nhiên hát trong album này đã khiến không ít các fan của anh đặt album này phía sau những album khác “thuần instrumental” hơn.


Nhưng chắc chắn các fan không thể phủ nhận, nửa đầu của album này, nửa instrumental, thì hoàn toàn không hề thua kém Passion and Warfare. Đó là những bản nhạc có cảm giác cây guitar của Steve Vai sắp cháy thành than như “There’s a Fire in the House”, hay “The Crying Machine”, và cả track đậm chất progressive ở cuối “Fire Garden Suite” được mở đầu tuyệt đẹp với “Bangkok”.


Nhưng điều lạ lùng nhất trong album này có lẽ nằm ở nửa sau, khi Steve Vai bỗng nhiên hát. Dẫu biết rằng Steve Vai bao năm đứng sau những vị frontman đại tài, việc anh làm những bài hát với giai điệu và hợp âm lạ lùng có thể khiến nhiều người cho rằng anh hát dở ẹt, nhưng không ai có thể phủ nhận Steve Vai thực sự tạo ra những thứ chân thật nhất từ trong đầu anh.


Có đôi lúc tôi cảm giác nếu như những bài hát như “All about Eve” hay “Damn You” sẽ trở nên tuyệt vời thế nào nếu người hát là Chris Cornell hay Eddie Vedder, những người có lẽ cũng hay viết nhạc theo kiểu khấp khểnh như vậy.


Và dĩ nhiên Fire Garden vẫn không thiếu những track kỳ cục như “When I Was A Little Boy” và cả những lời thì thầm khắp nơi như để trấn an cậu bé nhút nhát ngày nào.


Anh có là kẻ nhút nhát thật, hay bình sinh là một kẻ tính toán hơn người với những bước đi cân nhắc chính xác như cách anh chơi nhạc, thì xem ra anh cũng thật biết cách kể chuyện và luôn thẳng thắn về những thứ ở trong đầu mình đó Stevie. Và tôi biết anh còn nhiều những sắc thái khác hơn thế này!


Hẹn gặp lại!


Kcid

816 views

Recent Posts

See All
bottom of page