top of page

A Tribe Called Quest: cầu nối giữa 2 thế giới Jazz & Hip Hop

Hôm nay để tôi kể cho các bạn về một trong những album Hip Hop hay nhất mọi thời đại của một nhóm Hip Hop huyền thoại. Mỗi khi nhắc đến To Pimp A Butterfly của Kendrick Lamar, sẽ không ngoa khi nói rằng tuyệt phẩm này khó có thể nên hình thành khối nếu không có sự ảnh hưởng quá lớn của nhạc từ A Tribe Called Quest. Và cũng sẽ không hề tâng bốc quá đáng nếu nói nghệ sĩ và nhà sản xuất nhạc tài ba Pharrell Williams cùng Chad Hugo sẽ khó có một niềm đam mê làm nhạc cháy bỏng để theo đuổi một cách nghiêm túc nếu không có A Tribe Called Quest. Khi Pharrell Williams nghe được bài “Bonita Applebum” trong album đầu tiên People’s Instinctive Travels And The Paths Of Rhythm (1990) của Tribe, anh đã giác ngộ được một điều: “Âm nhạc là một bộ môn nghệ thuật đích thực”. Lý do là vì anh có lẽ chưa bao giờ tưởng tượng được nhạc Jazz có thể phối cùng Hip Hop hoà hợp đến như vậy.


Bài viết này tôi không dành để viết về Pharrell Williams hay Kendrick Lamar và cũng không để kể về album đầu tay đó của Tribe. Nếu như đĩa People đó đánh dấu một phong cách nhạc Rap pha Jazz, Soul, Funk, khác xa các dòng chảy Hip Hop khác, thì album The Low End Theory (1991) sau đó của Tribe là bản tổng hợp hoàn hảo của thứ nhạc Jazz Rap đậm chất “nghệ thuật”. Và dĩ nhiên đây chính là một trong những album Hip Hop hay nhất mọi thời đại mà tôi kể tới trong bài này.


A Tribe Called Quest được lập nên bởi những người bạn gồm Q-Tip (sản xuất nhạc kiêm rapper), Phife Dawg (rapper), Ali Shaheed Mohamad (DJ kiêm đồng sản xuất nhạc) và Jarobi White (rapper). Ở album đầu, các đoạn rap chủ yếu được Q-Tip gần như tự biên tự diễn solo cả đĩa, trong khi hai anh rapper còn lại chỉ đóng vai thành viên part-time nên sự xuất hiện rất lác đác. White sau đó cũng sớm bỏ cuộc để theo đuổi nghề đầu bếp (trước khi quay lại ghi âm cho album cuối cùng của nhóm phát hành năm 2016), còn Phife Dawg thì còn mải mê chơi bời, vẫn còn chân trong chân ngoài khi tham gia Tribe, chỉ cho đến khi anh thực sự nghiêm túc với album thứ hai - The Low End Theory sau khi được Q-Tip, cậu bạn nối khố thuyết phục quay lại. Đó chính là lúc A Tribe Called Quest trở thành trọn vẹn và toàn diện hơn với tuyệt phẩm Low End.


Album The Low End Theory này là một sự đột phá ngoạn mục về mặt âm nhạc khi nó có một sự hoà hợp khó cưỡng của hai dòng nhạc đáng nhẽ không nên để cạnh nhau. Nhạc Jazz vốn dĩ là thứ nhạc đọng lại không gian sâu lắng, phiêu lãng phù hợp với người nghe nhạc thế hệ lớn tuổi hơn, thì nhạc Hip Hop lại mang tới sự hừng hực có phần hung hăng của tuổi trẻ. Thế mà điểm chung để hai dòng nhạc này kết hợp được với nhau trong Low End lại chính là sự “ngẫu hứng” đan xen với nhau đến kỳ diệu dưới hai hình thái: MỘT là cao độ lên xuống của những nốt nhạc biến tấu chơi trên cây đàn bass, và HAI là nhịp điệu, ngôn từ biến tấu trong lời rap.

MỘT: Âm Nhạc

The Low End Theory là một album đỉnh cao không chỉ ở thể loại Hip Hop mà so với cả các dòng nhạc khác nhau. Tạp chí Rolling Stone đã từng xếp album này ở vị trí 153 trong danh sách 500 album hay nhất mọi thời đại, rồi sau đó đưa lên hẳn vị trí 43 trong bảng điều chỉnh vào năm 2020. Vị trí cao thấp có xứng đáng hay không không quan trọng. Điều đúng đắn ở đây cho việc nó dễ dàng sánh ngang với các tuyệt phẩm âm nhạc khác, và đáng được các fan mọi dòng nhạc phải ngả mũ kính nể vì phần nhạc được sản xuất ở một trình độ bậc thầy điêu luyện của 2 thành viên Q-TipAli Mohamad.


Một trong những lớp nghĩa của cái tên The Low End Theory chính là “dải âm trầm” trong âm nhạc. Vào thời điểm đó, để mà trộn nhạc Jazz với Hip Hop đã là liều lĩnh bao nhiêu, thì việc tối giản âm thanh xuống còn đúng chủ yếu 3 phần - trống, bass và vocal là ý tưởng điên rồ bấy nhiêu, nhất là khi mới chỉ nhìn mọi thứ trên giấy. Vậy mà nào ai ngờ, cái phần low end - dải âm trầm của tiếng bass lại là sợi dây kết nối hoàn hảo.


Để sample được các câu bass hay, Q-Tip lọ mọ với đống đĩa suốt hàng ngày trời. Tưởng tượng bạn ngồi lục tìm nghe loạt các nghệ sĩ mà chắc chỉ bố mẹ ông bà hoặc thậm chí dân chuyên sâu nhạc Jazz mới biết, nghe từng bài để tìm những câu nhạc ưng ý, phù hợp để làm beat nhạc thì thật sự không phải là công việc dễ dàng.


Bài “Excursions” đầu tiên của album mở đầu bằng độc câu đàn bass mượn từ bài “A Chant For Bu” của Art Blakey And The Jazz Messenger. Khi Q-Tip cất giọng rap, vẫn chỉ có tiếng bass bập bùng dưới đó, người nghe đủ hiểu họ có thể mong chờ gì từ album Hip Hop này: nhạc Jazz và sự tối giản.

Tới bài “Buggin’ Out” sau đó, câu đàn của cây contrabass trong bài “Minya’s The Mooch” của Jack DeJohnette’s Directions dẫn dắt đầu bài ở các nốt trầm đến đậm đặc trước khi Phife Dawg rap cùng phần trống. Tóm lại toàn những nghệ sĩ nhạc Jazz lạ lẫm với những kẻ ngoại đạo như tôi. Dù vậy điều đó không quan trọng. Quan trọng là những bản sample này lại hiệu quả đến không ngờ.

Ở bài “Show Business” upbeat hơn thì dùng câu bass sample có tiết tấu nhanh như đang đọc rap cùng với Q-Tip và Phife Dawg.


Giống như ví dụ của bài “Buggin’ Out”, album Low End có các track sử dụng sample không chỉ đàn bass, acoustic bass mà cả đàn contrabass. Thứ nhạc cụ không có phím như contrabass được dùng trong các bài rap của A Tribe Called Quest hay đến khó ngờ. Âm thanh bập bùng của những quãng chênh vênh hoặc lướt nhẹ mượt mà trên cần đàn không phím của contrabass vừa làm mềm cho đoạn rap, vừa ngân nga cùng lời rap.

Đỉnh điểm của sự chú tâm tới một âm thanh hoàn hảo là khi Q-Tip gọi điện mời cả Ron Carter nghệ sĩ chơi contrabass nhạc Jazz tới thu âm live cho bài “Verses From The Abstract”. Tiếng double bass đó nghe như khuôn đúc riêng cho đoạn rap của Q-Tip, nhờ Carter cảm nhận nhịp điệu, cao độ trầm bổng của flow và tông giọng của anh trước khi ông xắn tay vào chơi biến tấu cho ra một bài hoàn chỉnh.


Ngoài phần bass, đĩa Low End là một tác phẩm thành công trọn vẹn về mặt âm nhạc. Vào thời điểm đó, những bộ máy mix nhạc có bộ nhớ với dung lượng vô cùng hạn chế. Do đó để có thể ghép các phần sample khác nhau thành bài hoàn chỉnh, cả Q-Tip và Mohamad đều phải làm điều đó bằng việc tưởng tượng những hoà âm này từ trong đầu trước khi bắt tay thực hiện ghi âm lắp ghép chúng lại với nhau. Cái đáng ngưỡng mộ nữa là cách mà Q-Tip cùng Mohamad sử dụng nhạc cụ live làm beat, và các kỹ thuật mà ông kỹ sư âm thanh Bob Power cặm cụi tách nhạc, làm sạch tiếng sample không còn âm thanh lạo xạo của đĩa than, khiến cho các bản beat này tựa như có cả ban nhạc chơi thu âm trong studio chứ không phải cắt ghép từ các sample. Đây cũng là album đột phá trong nhạc Hip Hop bấy giờ khi tạo không gian âm nhạc trung thực hơn, thay vì những vòng lặp loop đơn giản thường thấy.


HAI: Nhịp Điệu, Ngôn Từ

Vào thời điểm A Tribe Called Quest ra mắt giới yêu nhạc Hip Hop vào đầu năm 1990 cùng album People's Instinctive Travels and the Paths of Rhythm, Q-Tip, với phần lớn lời rap trong album do anh viết và thể hiện, đã làm điều không giống các rapper khác, đó là “không gồng mình”. Trước Tribe, những rapper như Big Daddy Kane, Rakim, LL Cool J, N.W.A. đều chuyển tải chung một hình ảnh “nam tính mạnh mẽ” trong các bài rap. Vấn đề là, những ca từ có phần hung hăng hay bạo lực lại không hợp nền nhạc jazzy, mang màu sắc chill và điềm tĩnh. Chính thế nên A Tribe Called Quest không chỉ phá cách trong làm nhạc, mà còn trong ca từ vừa đủ, mang đầy tính thơ ca, khác xa các đồng môn khác, kể cả từ bên kia bờ Tây, hay cùng bên này bờ Đông.


Nội dung trong album The Low End Theory, nay với sự tham gia một cách chính thức của Phife Dawg, đã có thêm yếu tố mạnh mẽ, nhưng vẫn được cân đối với câu từ của Q-Tip, để âm hưởng Jazz được giao thoa với nhạc Hip Hop một cách mượt mà.


Ở đây, lớp nghĩa thứ hai trong cái tên “The Low End Theory” ám chỉ những con người trong tầng lớp thấp hơn ở xã hội Mỹ - người da màu. Vì thế nội dung của album này cũng nói tới cả những vấn đề xã hội.


Q-Tip mở đầu bài “Excursions” như sau:

Back in the days when I was a teenager / Before I had status and before I had a pager / You could find the Abstract listenin' to hip-hop / My pops used to say, it reminded him of Bebop / I said, "Well, Daddy, don't you know that things go in cycles? /Way that Bobby Brown is just amping like Michael"”

Âm nhạc vay mượn từ nhạc Jazz ở thập niên 70 mà Q-Tip làm cho beat của album này đưa anh và người nghe trở về quá khứ “back in the days”. “Abstract” mà Q-Tip nhắc đến ở đây vừa là nickname Abstract Poet của anh, vừa là “ý nghĩa trừu tượng” mà người nghe có thể mong chờ khi ngẫm về album Low End, cũng như tính đa nghĩa mà tôi có nói tới ở trên trong cái tên đó. Điều mà anh nói ở sau, khi mọi thứ đều xoay quần trong một vòng lặp, sự hồi tưởng về xa xưa và được khơi gợi ở hiện tại là một sự vận hành của cuộc sống. Nó giống như chính thứ nhạc Hip Hop đang ở giai đoạn vàng “Golden Age”, giờ được A Tribe Called Quest tô thêm màu sắc quá khứ của nhạc Jazz, của âm nhạc Bebop mà bố của anh nhắc tới (một thể loại nhạc Jazz từ thập niên 40 với phong cách biến tấu ngẫu hứng trên nền tempo nhanh và chuỗi hợp âm phức tạp).

Nét riêng trong lời Hip Hop mà A Tribe Called Quest viết nói chung, hoặc như cách Q-Tip sáng tác nói riêng không quá nặng nề trong một chủ đề. Thứ nhắc đến xã hội như: “Listen to the rhymes, then get a mental picture / Of this black man, and black woman fixture” cũng đều vừa phải, vừa đủ để ta hiểu ý anh muốn người nghe tự vẽ một bức tranh trong đầu, về những số phận người da màu trong xã hội.


Phần lời của Q-Tip cũng chứa đựng những lời gợi mở, nhắc nhở mà không nặng về khoe khoang hay giáo điều tới người nghe.

Get in the zone of positivity, not negativity / ‘Cause we gotta strive for longevity

hay

Whatever it may be in today's society / Everything is fair, least that's how it seems to me / You must be honest and true to the next / Don't be phony and expect one not to flex / Especially if you rhyme, you have to live by the pen / Your man is your man, then treat him like your friend”.


Về phía Phife Dawg, sự trở lại với vai trò thành viên chính thức trong A Tribe Called Quest từ đĩa Low End càng mở rộng lời rap của nhóm sang nhiều lớp nghĩa. Để mở đầu bài “Buggin’ Out”, anh hẳn biết cách giới thiệu mình với người nghe như sau:

The five foot assassin with the roughneck business / I float like gravity, never had a cavity / Got more rhymes than the Winans got family / No need to sweat Arsenio to gain some type of fame / No shame in my game cause I'll always be the same / Styles upon styles upon styles is what I have /You wanna diss the Phifer but you still don't know the half

Trong album đầu tiên, người ta cứ ngỡ mỗi Q-Tip là có thể sáng tác lời rap giỏi nhất nhóm, và thành viên như Phife Dawg chỉ như một kẻ “bình vôi”. Thế nhưng từ đĩa này, họ phải ngạc nhiên trước tài năng của anh. Màn giới thiệu này của Phife tràn đầy tự tin, của một kẻ “thấp bé nhẹ cân” nhưng đầy uy lực, với sức nặng của “trọng lực trái đất”, với các cách gieo vần phong phú, với kỹ thuật viết lời qua hình ảnh ẩn dụ cũng như chơi chữ. Giống như cụm từ “diss the Phifer” nghe tựa như “decipher”, ám chỉ việc không ai có thể “diss Phife” vì chúng không biết hết con người anh, vì chúng không thể “giải mã” được con người thật của anh.


Có điều, phong cách thể hiện mang tính “phô diễn” có tính khác bọt với Q-Tip cũng không bị Phife Dawg lạm dụng. Trong cùng bài đó, ở verse sau của mình, Phife quay sang một tâm trạng khác, nhắc đến sự lầm tưởng của thế giới với những rapper như anh:

You don't really fret, you stay in your sense / Camouflage your feeling, of absolute tense / You soar off to another world, deep in your mind / But people seem to take that, as being unkind / “Oh yo he's acting stank," really on a regal? / A man of the fame not a man of the people”.


Khi anh tự thu mình, che đậy những cảm xúc, để bay bổng trong một thế giới khác, một thế giới trong duy tâm của riêng mình, người ta sẽ lại cho rằng anh tỏ vẻ “thượng đẳng”, trong khi mọi người quên rằng, một người có danh tiếng không nhất thiết có nghĩa họ lại là người của công chúng.

Phần lời mà Phife viết có sự đa dạng, thậm chí kỹ thuật về gieo vần, và sử dụng ngôn từ chắt lọc lại có phần nhỉnh hơn Q-Tip. Quả không sai cho việc Q-Tip đã phải mất công nài nỉ cậu bạn thân quay về góp sức sáng tác cùng.


Cái đẹp hoàn mỹ của album The Low End Theory là kết quả của cầu nối giữa 2 thế giới nhạc Jazz và Hip Hop, của sự đan xen đầy ngẫu hứng giữa nhạc và lời rap. Chính sự tối giản của phần nhạc lại càng tô đậm các đường nét trong bức tranh âm nhạc này. Giống như tấm hình bìa album, trên nền trống chắc khoẻ, các đường nét uốn lượn được vẽ bởi các câu đàn bass, của những lời rap đến từ Q-Tip và Phife Dawg. Khi mà trong chính phần vocal, giữa một người tông trầm và lối rap mềm mượt (Q-Tip) với một người tông giọng cao và phong cách mạnh bạo (Phife Dawg) tạo nên sự tương phản rõ rệt, như hai đường nét song song, bùng nổ ở những khúc giao thoa trong các track hai anh rapper này tương tác. Ví dụ như trong bài “Check The Rhime”, cuộc hội thoại đổi vai giữa Phife Dawg và Q-Tip trong verse 1 và 3 để dẫn dắt tới verse solo của mỗi anh sau đó hay vô cùng. Dù giọng rap khác nhau, phần rap chung đó vẫn liền mạch êm ru như của một con người có hai nhân cách vậy.


Nhờ vậy, khi phần nhạc có sự tối giản chỉ để lại tiếng đàn bass làm chủ đạo, nó lại hoà hợp với phần rap, dù là của riêng Q-Tip hay Phife Dawg hay cả khi hai anh cùng phối hợp. Tiếng bass tựa như đang “đọc rap” cùng hai anh và hai anh cũng lại như “hát” đối âm cùng tiếng bass.


The Low End Theory vì thế với tôi là một trong những album Hip Hop hay nhất mọi thời đại vì sự toàn diện của nó. Dĩ nhiên bộ discography của A Tribe Called Quest không phải thuộc dạng one-hit wonder của nhóm, mà ngược lại, các album khác đều gần như ngang ngửa Low End về sự toàn diện trong âm nhạc và lời rap. Từ People's Instinctive Travels and the Paths of Rhythm (1990), Midnight Marauders (1993) (đều cùng thuộc bộ triology kinh điển bao gồm cả đĩa Low End), cho đến album cuối cùng We Got It from Here... Thank You 4 Your Service (2016), được phát hành 8 tháng sau khi Phife Dawg mãi mãi ra đi ở tuổi 45 do những biến chứng của căn bệnh tiểu đường. Với tôi, Low End luôn để lại ấn tượng sâu sắc nhất vì sự kết hợp với nhạc Jazz nhuần nhuyễn, vì sự tối giản của âm nhạc mà vẫn hay đến cô đọng và vì nó đánh dấu sự trở lại của Phife Dawg, chính thức hoàn thiện bộ nhóm huyền thoại - A Tribe Called Quest.


Hẹn gặp lại!


RIP Malik Izaak Taylor aka Phife Dawg (22.3.2016)


Kunt

493 views

Recent Posts

See All
bottom of page