top of page

Yeah Yeah Yeahs: Ai mới là kẻ chèo lái?

Khi nghe được bài “Maps” của ban nhạc Yeah Yeah Yeahs trên radio, Dr. Luke mới quay sang nói với Max Martin: “Ôi, em khoái bài này quá”. Martin gật gù đáp “Chỉ là nếu họ viết thêm một đoạn điệp khúc thật hoành tráng nữa thì là hoàn hảo luôn”. Rồi thế là ca khúc “Since U Been Gone” được Martin và Luke viết cho Kelly Clarkson có sự tương đồng với bài “Maps” về đoạn nhạc đầu, cộng thêm phần điệp khúc mới hoàn toàn: “But since you been gone / I can breathe for the first time / I'm so moving on, yeah, yeah…”.

Đoạn điệp khúc cực kỳ cao trào của “Since U Been Gone” xuất hiện vào giây thứ 43, đúng theo công thức kinh điển của Martin. Còn bài “Maps” của Yeah Yeah Yeahs thì sao? Ca khúc nổi tiếng này của ban nhạc bắt đầu khá là đơn giản qua tiếng guitar vê độc 1 nốt, sau đó là tiếng trống chắc nịch chơi rất hay. Giọng hát của cô ca sĩ chính chỉ bắt đầu ở giây thứ 29 với tiếng guitar thứ hai “hát song ca” cùng. Với giai điệu cực kỳ đơn giản, điệp khúc của bài “Maps” này dù xuất hiện vào giây thứ 45, nhưng nó không tạo ra sự cao trào thường thấy ở nhạc Pop. Khi phần verse và pre-chorus chỉ loanh quanh trên dưới 1 nốt nhạc thì điệp khúc lại còn đi xuống một chút nữa, khiến cho Martin phải dồn hết cả những khúc nhạc này đẩy về phía trước, nhường chỗ cho một phần điệp khúc thật sự epic như “Since U Been Gone”.


Nhưng đấy là cách của Max Martin. Còn với ba thành viên của Yeah Yeah Yeahs, bao gồm Karen O (ca sĩ kiêm chơi piano), Nick Zinner (guitar kiêm keyboard) và Brian Chase (trống), chừng đó với “Maps” là quá đủ. Nhất là khi nói về độ cao trào thì cả nguyên album đầu tay Fever To Tell đã đủ gây ấn tượng quá mạnh với những người bắt đầu nghe nhạc của Yeah Yeah Yeahs trước những không gian âm thanh phức tạp đầy cá tính. Họ làm được điều này chỉ với đúng 3 thành viên trong nhóm, đến độ ở giai đoạn đầu, họ còn không bận tâm đến việc chơi bass.


Đúng là vậy, biết là có những band chơi nhạc không cần thành viên đánh bass như The Doors nhờ có “siêu nhân” Ray Manzarek đảm nhiệm trên phím đàn keyboard, hay The White StripesThe Black Keys với âm thanh tối giản tạo bởi cây guitar và giàn trống, nhưng 3 người trong Yeah Yeah Yeahs đã có lúc ra sức tìm một nhạc công chơi guitar thứ hai để đi diễn, mà vẫn không hề nghĩ tới chuyện bù đắp dải âm trầm trong nhạc của họ. Bởi âm thanh từ ngày đầu của ban nhạc đã mang đủ sự phức tạp với những biến hóa khôn lường qua các nhạc cụ còn lại.

Khi mới xuất hiện trên thị trường vào đầu thế kỷ 21, cùng với The Strokes, The White Stripes, Yeah Yeah Yeahs (YYYs) được coi như những nghệ sĩ tiêu biểu trong làn sóng Post Punk Revival, gây dựng lại thứ âm nhạc đưa cây guitar điện làm chủ đạo. Tuy nhiên, âm nhạc của YYYs vẫn tạo những khác biệt qua phong cách Art Punk so với các đồng lứa bởi không gian âm nhạc YYYs tạo ra. Chúng biến đổi đến chóng mặt qua từng album nhạc cho đến ngày hôm nay. Thế nhưng, trong số họ ai mới là người dành nhiều công sức chèo lái nhất?

Yeah - Brian Chase?

Với ban nhạc không có cây bass từ ngày đầu, uy lực của phần nhịp bị đè nặng lên tay trống. Những khoảng thiếu vắng ở dải trầm có thể nghe rõ rệt ở nhạc của những band The White Stripes và The Black Keys, bất kể theo cách đánh tối giản nhưng hiệu quả của Meg White hay có tính kỹ thuật nhiều hơn của Patrick Carney. Còn nhạc của YYYs qua kỹ thuật chơi rất cá tính của thành viên Brian Chase giúp điều khiển nhịp độ nhạc của band cực kỳ chắc chắn, mà cũng lại đa dạng khó đoán.


Phải xem clip biểu diễn của band mới thấy có những bài Brian đánh không hề quá phức tạp nhưng nhịp điệu và từng cú gõ của anh trên mặt trống snare, tom sàn, tom treo hay cymbal đều được tính toán kỹ lưỡng. Nhịp trống mà Brian chơi cho bài “Rich” ở album đầu tay Fever To Tell (2003) ngoài chuyện âm lượng được đánh chắc tay, nó còn được anh gõ trên các mặt trống khác nhau để tạo ra cao độ lên xuống giống như câu đàn guitar của Nick Zinner. Mỗi khi Zinner chơi sang nốt khác, Brian cũng tự động chuyển tay theo để tạo một cảm giác đối ẩm cả về cao độ, một cách bù đắp cho việc không có một tay bass.

Là một tay trống có trình khi vừa giỏi trong kỹ thuật Jazz mà anh học ở trường nhạc, vừa siêu trong âm nhạc Rock hiện đại mà anh chơi cùng band sinh viên từ thời trẻ, điều tôi thích trong cách chơi của Brian là tôn âm nhạc lên, nên đôi lúc không cần phô trương. Giống như bài “Date With The Night”, Brian chọn cách giữ nhịp cực chắc đều tay và chỉ đánh những câu fill trống ngắn cho những khúc chuyển, nhường chỗ biến hóa cho câu đàn của Zinner và giọng hát của Karen O. Nhưng khi cần thì anh đã chuẩn bị sẵn các ngón nghề cho nhịp điệu giật cục như “Man”, tiết tấu dồn dập mang màu sắc thô ráp nguyên thủy ở “Y Control”. Đôi khi chỗ này chỗ kia, Brian sẽ lại gõ thêm cú snare để tạo cảm giác dài hơn ở một khoảnh khắc, hay dồn trống tốc độ trong tíc tắc nhằm làm rung chuyển về bộ nhịp của bài hát, hoặc khi tới cao trào là cái cymbal lại rung lên bần bật tạo thêm độ dày cho hòa âm. Nhưng có một thứ không bao giờ anh coi nhẹ, đó là nhịp điệu chèo lái luôn chuẩn xác.


Sự tinh tế của Brian Chase còn ở cảm nhận ở âm sắc và cao độ của tiếng trống anh chơi. Trong album thứ hai Show Your Bones (2006), dù phần tempo có chậm lại chút, anh lại dồn sức sáng tạo ở những phần căn chỉnh tuning mặt trống cho vừa vặn với tông giọng của bài, cứ như thể giàn trống của anh là một nhạc cụ có các cao độ và nếu chơi sai “nốt” sẽ bị lệch tông vậy. Thế nhưng nhờ đó, một lần nữa Brian giúp YYYs che lấp được sự thiếu vắng của cây bass trong hai album đầu tay này của band khi thứ nhạc cụ giúp giữ nhịp và làm dầy cho hòa âm đã được bù đắp phần nào qua tài năng của Brian.

Nhìn anh chơi trống trong các dự án solo mới thấy sự kỹ tính của một nghệ sĩ thực thụ ra sao. Từng góc chạm của dùi trống cho đến vị trí khác nhau trên mặt trống đã tạo ra những âm sắc cao độ khác nhau, và rồi thậm chí anh còn dùng tay còn lại để bấm trên mặt trống nhằm thay đổi độ căng và vì thế cao độ của tiếng gõ, hệt như một cầm thủ guitar bấm các phím trên cần đàn vậy.

Vậy chắc Brian Chase là người lead chính cho nhạc YYYs?

Yeah - Nick Zinner?

Có thể coi Nick Zinner gần như là người sáng tác chính cho ban nhạc khi anh sẽ jam ngẫu hứng các nhạc cụ guitar và keyboard trên tiếng trống của Brian, sau đó Karen O sẽ sáng tác giai điệu. Nhưng vì có rất nhiều bài của YYYs, đặc biệt trong các album đầu tiên, phần giai điệu đó của Karen gần như theo hướng nửa đọc nửa hát. Đâm ra thứ giai điệu nhất của YYYs nằm ở những câu nhạc cực hay Nick, đặc biệt với hai album đầu tay. Bài “Rich”, “Date With The Night”, “Man”, kể trên là những ví dụ mà thứ mang tính nhạc nhiều nhất lại là các câu riff guitar và keyboard mang đầy giai điệu của Nick.

Thế rồi, cũng là người cân phần lớn khâu hòa âm, Nick cực nhạy khi tạo hiệu ứng tiếng đàn, khi sạch sẽ, khi rè một cách đậm đặc, tạo sự trái ngược trong cùng một bài. Xem Nick biểu diễn mới thấy khả năng thiên biến vạn hóa của anh đến chừng nào để tạo ra không gian âm nhạc rộng lớn được gắn chặt bởi nhịp trống của Brian Chase. Nick còn chế ra kiểu đánh để tiếng đàn guitar kêu vang như tiếng kim đồng hồ trong bài “Tick” ấn tượng đến khiếp sợ.


Rồi khi YYYs chơi thứ nhạc bớt ồn hơn, đôi lúc chỉ là tiếng guitar thùng quạt chả trong album Show Your Bones, ngoài sự giúp sức thi thoảng của Brian Chase với cây guitar, Karen O với piano, Nick lại xoay vần giữa guitar và keyboard để làm dầy âm thanh với những câu đàn cực kỳ bắt tai của anh, dù nó có là có giai điệu qua hợp truyền thống hay tối tăm qua các power chord, thì chúng đều hợp lý vô cùng. “Way Out” và “Cheated Hearts” trong Show Your Bones là hai ví dụ tiêu biểu.

Cho tới hai album It’s Blitz! (2009) và Mosquito (2013), khi YYYs đã dùng tới nhạc cụ bass để làm dày âm sắc thì cũng là lúc họ thể nghiệm cả tiếng đàn điện tử, trống điện tử và cả những bài mang phong cách Disco. Nhưng cả khi ban nhạc chuyển hướng khác hẳn những gì người ta biết tới YYYs, với cây đàn synth, Nick vẫn như một nhà khoa học ngồi trong phòng lab của mình chế ra những câu đàn ảo diệu trên nền trống điện tử nhưng vẫn mang nhịp điệu cực hay và có hồn của Brian Chase. Vẫn là các câu đàn nghe rất catchy mà Nick Zinner sáng tác, từ “Heads Will Roll”, “Dull Life”, đến “Sacrilege” và “Buried Alive”, người nghe thực sự bất ngờ trước sự sáng tạo của Nick, không chỉ ở những biến đổi hợp âm cực khéo léo, mà còn qua chất liệu tiếng đàn được phối với nhau. Không những thế, ở hai album này Nick còn thu âm cả bass lẫn đảm nhiệm khâu drum programming khi cần.


Để nói như vậy thì có vẻ như Nick Zinner là người phải gánh team nhiều hơn cả để chèo lái âm nhạc của YYYs, nhất là khi họ không có quá nhiều nhạc công chơi trong band?

Và khi Brian và Nick đóng góp nhiều đến như vậy thì cô ca sĩ Karen O còn có gì để đóng góp?

Yeahs – Karen O?

Karen Lee Orzolek gặp Nick Zinner lần đầu tại một buổi tiệc. Hai người ngay lập tức có một sự gắn kết và nuôi một ý định làm nhạc cùng nhau. Cho tới buổi gặp lần tiếp theo, Karen lôi Nick về nhà và cho anh này nghe thử mấy bài mà cô đang sáng tác. Nick quá ấn tượng trước âm nhạc của cô. Khi Nick mới gặp cô, anh này nhìn ra ngay một cô gái mang phong cách hoang dã nhưng khi nghe được những bài hát của Karen, Nick mới phát hiện ra một con người đối lập ẩn sâu bên trong cô gái. Những bài hát đó thực sự chậm, đẹp và mong manh vô cùng.

Nói đến đây hẳn ai nghe nhạc của YYYs sẽ bất ngờ vì thứ âm nhạc ồn ào của band chả giống những gì Nick Zinner miêu tả ở trên về âm nhạc mà Karen tự làm. Kể cũng đúng khi ban đầu cô rủ Nick làm bộ đôi chơi nhạc acoustic, nhưng sau cũng chính cô lôi kéo anh chuyển hướng làm ra thể loại nhạc hoang dại, như chính vẻ ngoài phong cách của Karen.

Bởi vậy, khi đã cất công tìm ra thứ âm thanh đặc trưng cho YYYs trong album Fever To Tell, Nick đã không vui vẻ gì khi Karen “ép” anh và Brian Chase chơi kiểu nhạc chậm hơn trong Show Your Bones. Đôi bạn này đã có những giây phút nảy lửa mà Brian phải là kẻ hoà giải đứng giữa. Cứ nghe giọng hát của Karen O trong Fever To Tell sẽ thấy cô bướng bỉnh nhưng cá tính nhường nào. Tiếng hát của Karen và tiếng đàn của Nick luôn chạy hai con đường khác nhau. Khi Karen sử dụng giọng hát của mình như một thứ nhạc cụ với các kiểu vừa hát vừa tạo tiếng kêu đâm ra giai điệu mềm hơn lại nằm trong câu đàn của Nick. Cô gào thét trong “Rich”, cô kêu rên “á á” trong “Date With The Night”, cô giả tiếng kim giây đồng hồ kêu tick tock trong bài “Tick”.

Nhưng cho tới Show Your Bones, giọng hát của Karen cũng nền đi chút cho hợp với nhạc chậm mà cô định hướng cho YYYs bất chấp sự phản đối của Nick. Các bài trong album này cũng mang nhiều giai điệu hơn trước.

Chính thế nên tới It’s Blitz! và Mosquito, thêm đàn bass, bớt tiếng guitar, bổ sung synth, sử dụng trống điện tử cũng là định hướng mà Karen tiếp tục chèo lái để có được âm thanh Electro Pop mà cô muốn thử sức. Với Karen, đi tới những vùng đất mới trong phong cách nhạc cho YYYs mới là điều cô hướng tới.

Và kỳ lạ thay, chất lượng nhạc của band trải qua mấy album, dù chúng cách nhau một quãng thời gian xa, vẫn đạt chất lượng đáng nể của một ban nhạc còn theo phong trào Post Punk Revival ngày nào. Âu cũng nhờ nhịp điệu trống không bao giờ nhàm tai của Brian Chase, kiểu làm nhạc có phong cách của Nick Zinner, những yếu tố mà ban đầu người mới nghe nhạc của YYYs sẽ nghĩ là hai anh này có công sức lớn nhất nhờ tài năng chơi nhạc rất hay của họ.

Thế nhưng khi nhạc YYYs chậm lại hơn, bớt ồn ào đi, thì chúng ta lại giống như Nick khi nhìn ra sự sâu sắc trưởng thành trong âm nhạc của một cô gái có sự yếu mềm ẩn giấu bên trong Karen O, tựa như cách Karen thể hiện trong Lux Prima (2019) - album solo rất hay của cô với sự giúp sức của Danger Mouse.


Chúng ta được nghe cô sáng tác những bài cho YYYs mang nhiều giai điệu hơn. Và album Cool It Down mới nhất của band phát hành năm 2022, sau quãng thời gian nghỉ gần một thập kỷ, là minh chứng rõ nhất.

Không cần quá nhiều biến hoá của các nhạc cụ từ Brian và Nick, đĩa này vẫn giữ được phần nào sự thô ráp ngày đầu khi ta vẫn nghe được những đoạn biến tấu trong lối hát tạo hiệu ứng như cách Karen kêu nhẹ “ah ah” trong bài “Lovebomb”, hát lặp từ “spinning” nghe như bị vấp đĩa trong “Different Today”. Nhưng cái hay nhất là sự trưởng thành rõ rệt của YYYs với những lắng đọng trong từng lời hát mà chưa ai được nghe ở Karen trong các album YYYs trước đây. Giọng cô hoà quyện với Perfume Genius trong bài “Spitting Off The Edge Of The World”, trầm lắng trong “Blacktop”, lên xuống trầm bổng trong “Burning”. Vậy nên Cool It Down thực sự là album mà Karen O làm nhân vật chính, khi Nick Zinner và Brian Chase lui về làm nền. Hai anh vẫn có giây phút toả sáng khi cần như tiếng synth rè trong “Fleez”, câu đàn synth và tiếng trống điện tử âm sắc cực hay trong “Wolf”, nhưng chủ đạo vẫn là vocal của Karen O.


***

Âm nhạc của YYYs lạ lẫm và đa dạng là vậy. Sự thay đổi từ đĩa trước tới đĩa sau có một khoảng cách quá lớn đến mức chính hai thành viên Nick Zinner và Brian Chase còn phải định thần lại và làm quen với nó, nói gì tới những fan của ban nhạc. Chỉ có duy nhất Karen O là người luôn muốn chấp nhận rủi ro để tới những nơi YYYs chưa từng đặt chân tới, bởi chỉ điều đó mới khiến cô thấy phấn khích. Thế nên tôi mới nghĩ mỗi người họ như một chữ “Yeah” trong cái tên của ban nhạc, nhưng riêng Karen chính là chữ “Yeahs” cuối cùng bởi sự đa dạng khó đoán của cô. Âm nhạc của YYYs ngày đầu có thể được chèo lái chính bởi nhịp trống chắc nịch của Brian Chase, được làm đầy bởi phù thủy âm thanh Nick Zinner, nhưng vai trò của Karen O thì mới ngày một rõ ở cương vị thuyền trưởng chèo lái ban nhạc đi khỏi bất kỳ xu thế âm nhạc nào đang diễn ra. May thay, tài năng âm nhạc của cả ba người họ đều cho phép Yeah Yeah Yeahs làm được đủ các điều diệu kỳ, kể từ những ngày đầu với Fever To Tell cho tới gần hai thập kỷ sau với Cool It Down. Các nhạc phẩm đó khác nhau một trời một vực, nhưng tựu chung lại vẫn chỉ là đại diện cho các tính cách ẩn bên trong Karen O.

Hẹn gặp lại!


Kink

178 views

Recent Posts

See All
bottom of page