Phần 1. Anh Ráp Bơ
CeeLo Green – tên thật là Thomas DeCarlo Callaway sinh ra ở Georgia, miền Nam nước Mỹ. Bố anh mất từ năm anh mới hai tuổi, điều đã ảnh hưởng lớn tới cuộc đời thuở nhỏ của anh. Thế nhưng vắng bóng người cha chưa phải là điều tệ nhất. Với CeeLo, chuyện anh sinh ra đời mới dường như là một sai lầm của tạo hóa. Dáng người tầm thước và cái đầu to quá khổ là vẻ bề ngoài càng khiến cho anh bị xua đuổi. Một đứa trẻ da màu, thiếu điện kiện về cuộc sống, mang màu da bị phân biệt, mà lại còn chịu thiệt thòi về hình dáng càng khiến CeeLo phải tự vật lộn. Quá khứ bất hảo của anh gần như là kết cục gần như đương nhiên khi anh sẵn sàng dí súng đi trấn lột, và đi buôn bán hàng cấm ngoài đầu đường xó chợ.
Chỉ mãi đến lúc CeeLo tìm được đến một đường hướng mới là sự nghiệp âm nhạc với nhóm hip hop Goodie Mob thì anh mới dần từ bỏ con đường cũ. Cùng chung với tập thể Dungeon Family đến từ phía Nam cùng với OutKast, nhóm hip hop Goodie Mob mà CeeLo Green tham gia là những nghệ sĩ tiên phong trong sự phát triển nhạc Hip Hop miền Nam, với âm thanh đặc trưng từ nhạc Funk và Soul, để đấu với Hip Hop bờ Đông và Hip Hop bờ Tây đang thống trị bấy giờ.
Giống như lời phát biểu ngắn gọn của Andre 3000 khi lên nhận giải nhóm Hip Hop xuất sắc tại buổi lễ trao giải của Source Awards năm 1995, nhóm Goodie Mob, gồm CeeLo, Big Gipp, Khujo, và T-Mo có nhiều thứ để nói với giới Hip Hop cả nước Mỹ và thị trường âm nhạc thế giới. Đó là những lời thơ tả thực về cuộc sống và xã hội, chủ đề mà hai album đầu tay của nhóm, Soul Food (1995) và Still Standing (1998) đã trở những tác phẩm kinh điển, không chỉ của miền Nam, mà của lịch sử Hip Hop.
Trong bài “Thought Process” ở đĩa đầu tiên, CeeLo Green rap về thực tại và những dòng suy nghĩ của mình. Đó là chuyện “anh không biết phải ăn gì cho qua ngày”, khi “chỉ còn đúng 20 đô la nhét trong ví”, một hoàn cảnh nghèo khó cả khi sự nghiệp rap của CeeLo Green và nhóm Goodie Mob đã bắt đầu khởi sắc, vì những đồng tiền họ kiếm được cũng chỉ vừa đủ sống. Dù vậy, anh vẫn hài lòng với hoàn cảnh vì “chí ít anh biết những người bạn đến với mình bằng sự chân thành”. Và những dòng suy nghĩ của anh vẫn không thoát khỏi thực trạng vòng xoáy của xã hội, rằng những người da màu khu phố anh “không biết ngày mai sống chết ra sao”, khi họ chiến đầu giành giật, “kiếm chút tiền từ hàng trắng họ bán”. Và cái CeeLo nhìn thấy, cái họ cần là sự đoàn kết, chứ không phải “chém giết lẫn nhau”. Và rằng “cả khi bạn rít cả đống cần” thì “chúng cũng không làm vơi đi sự căng thẳng” của thực tại.
Trong bài “I Refuse Limitation” ở đĩa thứ hai, đoạn rap của CeeLo còn được tạp chí The Source bầu là đoạn rap hay nhất của tháng. Đây không phải lần đầu anh được phong danh hiệu này. Trước đó trong bản “Git Up, Git Out” mà CeeLo Green (cùng Big Gipp) làm khách mời trong bài của OutKast, đoạn rap của anh còn vượt qua cả hai anh tài Andre 3000 và Big Boi cùng người đồng đội Big Gipp để nhận danh hiệu đoạn rap của tháng từ The Source. Thế nên, ở bài “I Refuse Limitation”, xứng với danh hiệu nói trên, có quá nhiều câu khắc hoạ vô cùng thô ráp về cuộc sống của người da màu.
Đó là: “These minimum wages ain't enough to feed my babies / Purposely these limitations on black folks opportunities” - khi màu da của họ lại là nguyên căn của những công việc thấp hèn với đồng lương tối thiểu được trả, không đủ nuôi gia đình.
Đó là: “So I quit cuz I'm tired of being one of those overworked / Underpaid employees / Stop carin at all went on and did a few small burglaries / It seems like my faith done turned into forgotten memories” - họ nghỉ việc vì chán cảnh làm việc vất vả mà đồng lương bị ăn chặn. Nên họ thà rằng bất chấp pháp luật phải đi ăn trộm, và khi “niềm tin bỗng trở thành những ký ức đáng để quên”.
Đó là: “Believe it or not, there's some very intelligent junkies / But dependencies is eating away at they souls like disease / Anyone can turn into somebody who covets and envies / Unequal economics can easily make you some enemies” - những câu chuyện thường kể của người da màu lần này được CeeLo thuật lại từ góc nhìn khác. Chính cơn nghiện, thứ mang lại chút tiền bạc và bánh mỳ cho một người lại cướp đi linh hồn và cuộc sống của người khác. Và sự mất công bằng về khả năng kinh tế lại đẩy bạn tới con đường có nhiều kẻ thù.
Ngoại trừ một số ví dụ trên, lời rap của CeeLo có những lúc không quá nặng vần điệu, cũng không quá cầu kỳ về ngôn từ. Nhưng nội dung anh viết lúc nào cũng chân thực, như những câu chuyện về góc khuất của đời thường. Anh cũng không giấu giếm việc thể hiện cảm xúc cá nhân khi rap những lời cám ơn đầy xúc động về người mẹ của mình trong “Guess Who”. Mất bố từ nhỏ, mẹ anh sau đó cũng vĩnh viễn ra đi, vì di chứng của vụ tai nạn xe ô tô, ngay khi sự nghiệp âm nhạc của CeeLo Green mới chớm phát triển.
Lối flow của anh không quá ngầu như mấy người đồng đội trong Goodie Mob. Bù lại, CeeLo có năng khiếu hát. Chất giọng rất cao nhưng khàn là thứ giọng không lẫn đi đâu được của anh Ráp Bơ này. Trong track “Free” đầu của album đầu tiên của nhóm, giọng hát CeeLo cất lên, đánh dấu cho một nhạc phẩm độc đáo của nhóm hip hop đến từ miền Nam bấy giờ. Phong cách flow có giai điệu của anh còn được tận dụng cho album Still Standing tiếp theo. Nhưng khi cả nhóm thay đổi hướng đi âm nhạc trong đĩa thứ ba, thì CeeLo Green quyết định rời bỏ, theo đuổi sự nghiệp solo.
Phần 2. Anh Đi Dây
Danger Mouse – tên thật là Brian Joseph Burton sinh ra và lớn lên ở New York, bờ Đông nước Mỹ. Là gia đình da màu duy nhất trong khu phố người Do Thái, Burton không có được khái niệm về sự phân biệt sắc tộc của một đứa trẻ da màu khi những câu chuyện đó không được đề cập đến trong bàn ăn vào bữa tối. Hồn nhiên như những đữa trẻ trong xóm, anh chịu ảnh hưởng của nhạc Pop và Hair Metal trên đài, đối lập việc bà chị vẫn nã nhạc Hip Hop của EPMD và Eric B & Rakim trong phòng.
Thế rồi khi gia đình anh chuyển tới Georgia sinh sống, Burton vào học tại một trường cấp 2 toàn người da màu. Cậu bé dong dỏng cao với một nước da sáng màu so với một người gốc Phi hồn nhiên mặc chiếc áo phông in chữ Metallica vào ngày đầu đến lớp. Kết quả là anh phải trốn chạy khỏi đám học sinh suốt buổi học hôm đó, nơi mà trẻ con còn thủ theo cả súng và vũ khí tới trường. Để bảo vệ bản thân, từ ngày đó Brian Burton chỉ nghe đúng một loại nhạc, đó là Hip Hop, mãi cho tới khi vào đại học.
Một ngày, tình cờ nghe được nhạc của Pink Floyd bật trong quán bar hôm đó, cậu bé da màu từng chịu ảnh hưởng văn hóa người da trắng ngày nào, nay bỗng được khơi gợi lại những cảm xúc của nhạc Rock ảo diệu. Âm nhạc đó đã đánh thức Burton, không chỉ mỗi việc anh tìm nghe đủ các thể loại nhạc, mà nó còn thôi thúc anh mang tham vọng trở thành nhà sản xuất nhạc có tầm ảnh hưởng lớn đương đại như bây giờ.
Biết chơi nhiều nhạc cụ, có đôi tai nhạy bén, Burton bắt đầu mix và tạo những bản mash up của các dòng nhạc khác nhau, thậm chí đối lập nhau về phong cách. Từ căn bản đó, anh sau này vừa sản xuất và sáng tác nhạc cho nhiều nghệ sĩ, từ Gorillaz (album Demon Days), MF DOOM (album The Mouse & The Mask và Occult Hymn), The Black Keys (album Brothers, El Camino và Turn Blue), Norah Jones (album Little Broken Hearts), A$AP Rocky (album At.Long.Last.A$AP), đến Red Hot Chili Peppers (album The Getaway), Michael Kiwanuka (album Love & Hate và KIWANUKA), và U2 (album Songs Of Innocence) và rất nhiều tuyệt phẩm khác. Nhìn dàn nghệ sĩ mà Danger Mouse / Brian Burton hợp tác cùng đa dạng mọi thể loại Hip Hop, Blues, Rock, Pop, Soul, v.v. Vì thế âm thanh Burton sản xuất khó nắm bắt được câu nhạc signature, mà nó lại nằm ở không gian âm nhạc có màu sắc sống động như một bộ phim. Hơn nữa, câu đàn bass và những hợp âm anh dùng, dù ở thể loại nhạc nào cũng có chút gì đó đượm màu buồn theo lối rất soulful, đẹp vô cùng. Cái signature mà có thể dễ thấy nhất ở một số tác phẩm sản xuất của Burton may ra chỉ ở lối dùng nhịp trống nhanh chơi lệch phách, mà người nghe nhạc lần đầu chiêm nghiệm rõ nhất ở bản remix – Grey Album, một bản phối giữa các câu nhạc sample của The Beatles từ White Album và những track acapella của Jay Z trong Black Album.
Tuy vậy trước khi có được sự nghiệp âm nhạc đa dạng trải dài kể trên, Brian Burton chỉ tạo được danh tiếng từ bản remix Grey Album, khi hiệu ứng viral đến từ người nghe và các nhà phê bình, tất cả đều đón nhận tích cực. Rắc rối của anh là hãng ghi âm EMI – chủ của các nhạc phẩm của The Beatles đòi kiện. Một cậu thanh niên nghèo không lấy đâu một đồng cắc nào trong túi bị đẩy vào thế khó xử. May thay Damon Albarn, người cũng đang có hợp đồng với EMI bỗng dưng bằng linh cảm nào đó sau khi nghe Grey Album mới đòi hãng thuê Danger Mouse về bằng được để sản xuất cho Demon Days – album thứ hai của Gorillaz. Kết quả là Gorillaz có được một tuyệt tác âm nhạc hiện đại, còn Brian Burton thoát được rắc rối pháp lý và bắt đầu một sự nghiệp khởi sắc.
Phần 3. Cặp đôi "điên rồ"
Trước khi bộ đôi được thành lập, vào năm 1998, Danger Mouse / Brian Burton đã gặp CeeLo Green trong show diễn âm nhạc tại Trường đại học Georgia, nơi nhóm Hip Hop group của Danger Mouse diễn mở màn cho Goodie Mob và OutKast. Burton thậm chí còn đưa cuộn băng demo toàn các bản beat mà anh chế cho CeeLo nhưng anh Ráp Bơ này không lưu tâm. Phải đến 6 năm sau, nhờ lời giới thiệu lại của tay manager của Burton, người cũng từng đi marketing cho CeeLo, thì hai anh Ráp Bơ và Đi Dây này mới có dịp gặp lại.
Trước khi bộ đôi này ra đời, CeeLo gần như không còn gì để mất. Từ lúc tách ra solo, hai album của anh thất bại thảm hại dù có cả giúp sức của nhà sản xuất Timbaland và thứ âm nhạc độc đáo mang lại sự thử nghiệm đầy đủ về giọng hát của anh Ráp Bơ. Ly dị vợ, không có hợp đồng thu âm, và sa vào trạng thái trầm cảm, bước đi mới của CeeLo khi kết hợp với Danger Mouse / Brian Burton là bước ngoặt cuộc đời. Lúc này đây, anh Đi Dây cũng mới chân ướt chân ráo trở thành ngôi sao sản xuất nhạc mới coong sau tác phẩm remix Grey Album và chuẩn bị kết hợp cùng Damon Albarn cho Demon Days của Gorillaz.
Vậy là anh dáng người tầm thước có quả đầu trọc nhẵn bóng và anh dong dỏng cao với kiểu đầu xoăn afro to oạch tạo nên một cặp đôi nhìn khá "dị hợm" dưới cái tên không một ai hiểu ý nghĩa của nó – Gnarls Barkley. Và khi người ta nghĩ đến tên đó, họ chỉ hình dung tới đúng một từ tượng trưng, đó là “Điên Rồ” – tựa theo đúng tên ca khúc mang lại danh tiếng không tưởng cho hai nghệ sĩ này.
Đầu tiên, là một người chỉ hứng thú làm nhạc theo một album hoàn chỉnh có concept, dù đó có là concept mơ hồ đi chăng nữa, Brian Burton vẫn quyết tâm theo mạch cảm xúc và chủ đề đồng nhất cho Gnarls Barkley, thay cho việc chỉ tìm cách sáng tác 1-2 ca khúc hit. Thế là Burton tự chơi các nhạc cụ, đặc biệt với các cây đàn keyboard cổ để thu âm một bộ instrumental đầy đủ cho album đầu tay “St. Elsewhere” để gửi CeeLo Green.
Ở trạng thái ảnh hưởng từ tâm trạng trầm cảm trước đó, CeeLo tiếp nhận phần nhạc không lời này theo đúng tinh thần của chính anh, và phần nhiều lại cũng hợp với thứ nhạc Danger Mouse hay sản xuất. Như đã nói ở trên, điểm chung trong màu sắc âm nhạc mà Burton viết đều mang màu sắc soulful có phần buồn, được giấu trong nhịp điệu nhanh của trống. Thế nên CeeLo bắt nhịp cũng rất nhanh. Chưa kể là hòa âm mà Burton viết đa phần đều rất đẹp, và đủ dẫn dắt cảm xúc cho CeeLo viết giai điệu và lời vô cùng bắt tai và hấp dẫn. Thực tế là sản phẩm mà CeeLo gửi lại còn tạo một bất ngờ lớn với Burton khi anh không ngờ CeeLo có thể nghĩ ra những giai điệu nhạc độc đáo như vậy.
Đó là kết quả của một nhạc phẩm khó quên và được cày nát trên sóng radio thời bấy giờ, bài “Crazy”. Giờ nếu tách ra để nghe bản instrumental của bài này riêng, ấn tượng ban đầu là phần production của Burton ở mức tối giản với nhịp trống đều đặn không đổi trong cả bài. Cái hồn của phần nhạc ở câu bass groovy, và cái “đượm buồn” nằm ở phần tiếng hát nền nhẹ và tiếng strings trong câu điệp khúc.
Trên nền nhạc đấy, CeeLo viết ra một tiết tấu nhanh độc đáo catchy, nhờ việc lặp phần lời rất “khó quên”:
“I remember when
I remember, I remember when I lost my mind”
Và sau đó anh kết thúc vòng lặp đó bằng cách thả hơi rất nhẹ phía cuối:
“There was something so pleasant about that place
Even your emotions have an echo in so much space”
Bất ngờ nhất chính là chất giọng soulful của CeeLo khiến người nghe cảm thấy một nguồn điện chạy rần rật phía sau sống lưng khi anh cất giọng cao vút ở câu điệp khúc:
“Does that make me crazy?
Does that make me crazy?
Does that make me crazy?
Possibly”
Bài “Crazy” và âm nhạc của Gnarls Barkley không gây được chú ý mãi tới khi hai anh CeeLo Green và Brian Burton quyết định tung luôn lên mạng Internet. Một lần nữa, hiệu ứng viral của “Crazy” lan rộng như Grey Album trước đây mà Burton chế ra. Ca khúc sau đó leo top ở bảng xếp hạng UK nhiều tuần tới độ bộ đôi này quyết định rút single đó khỏi thị trường trước khi người yêu nhạc của họ “phát rồ” về sự phủ sóng quá đà này.
Những ca khúc khác trong album St. Elsewhere không có được độ hot như “Crazy” nhưng nó lại hay không kém nhờ không gian âm thanh Psychedelic ảo diệu pha với nhạc Soul, Hip Hop và R&B. Psychedelic nhất nằm ở ca khúc cùng tên album “St. Elsewhere”. Nó biến đổi ở trạng thái từ phần phối nhạc, beat trống của anh Đi Dây, đến cách thể hiện của nửa đọc lời nửa hát đầy ma quái của anh Ráp Bơ. Hoặc như “Just A Thought”, những cú fill dồn trống nhanh có âm thanh rè đặc. Xen giữa và có cả hai âm sắc đó là “Smiley Faces” và “The Boogie Monster”. Hip Hop nhất là “Feng Shui”. Tất cả trộn lại thành một nhạc phẩm hay xuất sắc và mới lạ có phần đột phá.
Như cái chủ đề “điên” trong đĩa đầu, hai anh Ráp Bơ và Đi Dây thường xuất hiện trước công chúng và khi lưu diễn trong những bộ cánh kỳ quặc ngộ nghĩnh. Đó là bộ véc tông chú rể mà anh Đi Dây mặc và bộ váy cưới trắng muốt mà anh Ráp Bơ phủ lên người. Đó là bộ Darth Vader và Stormtrooper trong Star Wars. Rồi đó là bộ dị hợm của mấy nhân vật phim Clockwork Orange. Và nhiều nữa.
Album tiếp theo The Odd Couple của bộ đôi tiếp tục mang tới âm thanh lôi cuốn đến khó cưỡng của giai điệu groovy từ Hip Hop, R&B lẫn nhạc Jazz và điện tử. Tiếng đàn chậm điểm xuyết chill trong “Who’s Gonna Save My Soul”. Rộn ràng phong cách Gnarls Barkley trong “Going On”, “Surprise” và “Whatever”. Nhịp trống lệch phách liên tục trong “Open Book”. Không giành được thành công về mặt thương mại và không có được ca khúc chủ chốt như “Crazy”, đĩa này vẫn là tác phẩm xuất sắc theo chuỗi thành công tiếp theo của CeeLo Green và Danger Mouse / Brian Burton.
Có thể thấy là công thức thành công của Gnarls Barkley chỉ đơn thuần là không theo công thức gì cả. Sự dị hợm mà họ mang tới âm nhạc và cả phong cách ăn mặc chỉ để làm nổi bản ngã cái tôi của hai nhân vật từng là những đứa trẻ khác biệt với xã hội xung quanh họ. Và thế là khi họ tạo ra thứ kỳ dị nhất như âm nhạc của họ, thì khi người nghe nhạc đón nhận nồng nhiệt, tự dưng những gì bình thường nhất xung quanh lại trở nên “tầm thường”. Thế rồi bỗng dưng, mỗi người đều muốn tìm tới một chút dị hợm từ hai anh này cho âm nhạc của họ.
Với CeeLo Green, sau đĩa solo “The Lady Killer” rất hay cùng bản hit đình đám “Fuck You” (sau đổi tên thành “Forget You”), nổi tiếng không thua gì “Crazy”, là sự tái hợp rất trơn tru với nhóm Goodie Mob, là loạt hợp tác cùng các nghệ sĩ khác nhau như Bruno Mars, Kid Cudi, Christina Aguilera, Mac Miller, Tyler The Creator, chưa kể đến nghề làm giám khảo cho chương trình The Voice.
Với Danger Mouse / Brian Burton, ngoài loạt các album anh sản xuất cho nhiều nghệ sĩ khác nhau đã kể ở trên, các dự án chung khác của anh dưới cái tên Broken Bells (cùng với James Mercer anh ca sĩ / kiêm guitar của ban nhạc The Shins), đĩa Rome (cùng với nhà soạn nhạc người Ý Daniele Luppi với sự tham gia của Jack White & Norah Jones) hay đĩa Lux Prima (kết hợp với Karen O – cô ca sĩ của ban nhạc Yeah Yeah Yeahs) đều là những nhạc phẩm chất lượng cao mà ai yêu nhạc Danger Mouse nên tìm nghe.
Chỉ là với Gnarls Barkley, đã 13 năm kể từ album Odd Couple, đĩa thứ 3 của hai anh Ráp Bơ và Đi Dây thì đến giờ vẫn mãi chưa hình thành.
Haizz...
Hẹn gặp lại!
Kunt
Comments