Trong làng âm nhạc, người ta có một bí kíp để truyền tai nhau: “Change a word, take a third”, tạm gọi là: “Thay lời một chữ, ăn đủ phần ba”. Nhìn từ góc độ của người viết nhạc, % số tiền bản quyền có vẻ như dễ dàng bị trừ đầu trừ đuôi. Còn nhìn từ góc độ của ca sĩ, đó lại là cơ hội để tăng thu nhập lâu dài trong cái ngành công nghiệp âm nhạc ngày càng khắc nghiệt này.
Chúng ta đều biết, trừ những ngôi sao đã thành danh, việc kiếm sống của đa phần nghệ sĩ không hề đơn giản, chưa nói đến những chuyện đối xử bất công của hãng đĩa với những nghệ sĩ này qua các điều khoản gài gắm trong hợp đồng. Có điều, công việc của các nhạc sĩ lại còn cùng cực hơn rất nhiều. Nếu xét trên thứ hạng mức độ ưu tiên trong việc chi trả các khoản tiền bản quyền, thì nhạc sĩ thường là nhóm những người cuối cùng được nhận với mức tỷ lệ thấp nhất nếu đem so với các bên có vai trò trong việc đưa một sản phẩm âm nhạc đến với thị trường. Điều mỉa mai là sản phẩm âm nhạc đó sẽ không bao giờ tồn tại nếu không phải do nhạc sĩ - những người bằng kiến thức, chất xám và sự sáng tạo tuyệt với của họ để tạo ra những bài hát mà chúng ta nghe hàng ngày.
Raye, nghệ sĩ người Anh và cũng là nhân vật chính của chúng ta trong bài viết này đều đã trải qua cả 2 công việc nhạc sĩ và ca sĩ. Ở tuổi 14, Raye đã được tham gia các buổi session sáng tác nhạc thuê cho các ca sĩ. Đến tuổi 17, cô ký hợp đồng thu âm với hãng Polydor.
Quá may mắn có phải không? Chưa chắc đâu nhé!
Đến giữa năm 2021, tức là sau gần 7 năm từ khi ký hợp đồng ràng buộc con số 4 album, hãng đĩa không có một ý định nào để cô tung ra nhạc phẩm đầu tay dù Raye đã có đủ số bài nhạc cho album từ trước khi đặt bút ký. Đến khi cô chấm dứt được hợp đồng thu âm với hãng để tự do phát hành nhạc theo ý mình, Raye mới có cơ hội phát hành My 21st Century Blues (2023). Một sản phẩm âm nhạc được ấp ủ bao lâu nay đã thành hình và trở thành một trong những album hay nhất của năm 2023. Cho đến khi My 21st Century Blues đạt được các thành công thương mại nhất định, được đưa vào danh sách đề cử album hay nhất năm của Mercury Prize và giành 6 giải Brit Awards, trong đó có giải British Album of the Year và Songwriter of the Year một cách vô cùng xứng đáng vào tháng 3 năm 2024 vừa rồi, thì tôi nghĩ Raye mới thực sự thở phào nhẹ nhõm trước sự ghi nhận của thị trường âm nhạc trước định hướng nghệ thuật mà cô theo đuổi.
13 năm kể từ khi cô bước chân vào nghề âm nhạc. 10 năm kể từ khi cô có được một hợp đồng ghi âm không đi tới đâu. Quãng thời gian đó quả nhiên không hề dễ dàng gì đối với Raye, dù ở vai trò nhạc sĩ hay ca sĩ.
NHẠC SĨ
“Chúng tôi sẽ tạo cơ hội để cô viết nhạc cho ngôi sao lớn này. Họ thích nhạc cô sáng tác lắm. Sau vụ này kiểu gì cô cũng sẽ đổi đời”.
Đó là lời ngon ngọt của các trùm hãng đĩa nói với cô gái ngây thơ chân ướt chân ráo bước vào ngành công nghiệp âm nhạc. Cho tới giờ tất cả vẫn chỉ là những chiếc bánh được vẽ ra để thu hút những nhạc sĩ trẻ tài năng như Raye để tạo hit cho các ngôi sao được lựa chọn để nổi tiếng.
Raye đã từng tham gia sáng tác nhạc cho Charli XCX (“After the Afterparty”, “Dreamer”), Rita Ora (“Proud”), John Legend (“A Good Night”), Jessie Reyez (“Bodycount”), Ellie Goulding (“Sixteen”), David Guetta (“Stay (Don’t Go Away)”), Mahalia (“Terms & Conditions"), Jennifer Lopez (“Dear Ben Pt. 2”), Beyoncé (“Bigger”, “Riiverdance”) và nhiều nhiều nữa. Điều đáng nói là đa phần các ca sĩ ngày nay, dù họ có khả năng sáng tác ít hay nhiều thì sự phụ thuộc vào những người viết nhạc thuê chuyên nghiệp là không tránh khỏi. Đó có thể là sức ép từ hãng đĩa, có thể do họ thiếu quyền kiểm soát trong sáng tạo, hay có thể do chính họ chịu thôi thúc bởi những mục tiêu tạo ra bằng được ca khúc hit.
Đấy chính là vấn đề mà danh sách tác giả tham gia sáng tác một bài nhạc ngày nay không còn là 1, 2 hoặc 3 người, mà sẽ là 4, 5, 6 và thậm chí lên đến cả chục người. Lấy album Cowboy Carter mới nhất của Beyoncé làm ví dụ. Trong ca khúc “Riiverdance” mà Raye có tham gia sáng tác (dưới tên thật là Rachel Keen), ngoài cô ra, còn có Beyoncé và hai người nữa. Con số tổng 4 cái tên này còn là ít nếu nhìn vào track “Ya Ya” và “Ameriican Requiem” trong album Cowboy này với lần lượt là 10 và 13 tác giả trong mỗi bài.
Các bạn thử tưởng tượng một cái bánh được chia ra 10-13 phần thì mỗi người sẽ có được là bao. Đấy là chưa nói tới kích cỡ chiếc bánh này có đủ lớn cho từng đấy con người không. Đến đây những người kiếm cơm bằng nghề nhạc sĩ như Raye mới gặp thêm những điều bất công khác.
Đầu tiên, đó là bản quyền nhạc được chia làm 2 quyền: (1) quyền phát hành (publishing), trong đó các nhạc sĩ tác giả chia khoản này với nhà phát hành; và (2) quyền bản ghi (master recording), trong đó chỉ có hãng đĩa, ca sĩ và các nhạc công thu âm mới được hưởng.
Ở thời kỳ trước khi nền tảng nhạc số và streaming ra đời, người nhạc sĩ vẫn có thể hưởng % nhất định cho mỗi bản đĩa vật lý được bán ra, bất kể bài hát của nhạc sĩ đó có phải bản hit hay không. Thế nhưng ngày nay, khi người dùng toàn quyền lựa chọn bài hát họ muốn nghe, việc có tên tác giả trong một vài track của một album thành công cũng không đảm bảo một thu nhập tạm ổn nếu bài hát đó không mấy ai quan tâm. Đã thế, theo thoả thuận, trong số tiền trả nhỏ giọt của nền tảng streaming, chỉ khoảng 25% được trích cho tiền bản quyền phát hành mà các nhạc sĩ phải chia 5 xẻ 7 với nhau và với nhà phát hành. Như vậy là tỷ lệ lớn hơn hẳn còn lại thuộc về tiền bản quyền bản ghi âm mà phần lớn hãng đĩa, ca sĩ, nhà sản xuất được hưởng.
Đây chính là điều gây bức xúc mà Raye luôn lên tiếng trong các buổi phỏng vấn trước thực tế cô và đồng nghiệp đứng nhìn phần lớn của miếng bánh được những kẻ khác hưởng trong khi ý tưởng và công thức làm nên chiếc bánh đó đến từ những người làm nghề chất xám như cô.
Không dừng ở đó, những kẻ hưởng lợi từ phần bánh lớn kia như nhà sản xuất, những người trong hãng đĩa và chính những ca sĩ vẫn còn nhòm ngó để cướp thêm miếng bánh nhỏ còn lại. Một thực tế tàn nhẫn trong ngành công nghiệp âm nhạc là tiền bản quyền phát hành của người nhạc sĩ vốn dĩ đã ít rồi, nay họ còn phải mất thêm % của mình cho những kẻ không liên quan. Lý do? Nó như một mức “thuế tô” mà đám người đó ép ngược lại với các nhạc sĩ – những người thấp cổ bé họng trong thứ bậc của ngành âm nhạc để bài hát họ sáng tác được lựa chọn để phát hành. Họ luôn bị ép lựa chọn 1 trong 2 “lọ thuốc độc”: (1) hoặc đồng ý cắt giảm % tiền bản quyền phát hành của mình để mong cơ hội bài hát trở thành hit qua danh tiếng của ca sĩ; (2) hoặc ra về tay trắng công cốc, bất chấp bài hát họ sáng tác có tiềm năng đến đâu. Đã thế, để đỡ trắng trợn hơn, rất nhiều lần lý do để ép những nhạc sĩ như Raye phải cắt % chia cho ca sĩ là: (1) nhờ sự hiện diện của ca sĩ mà cái năng lượng tích cực trong căn phòng mới tạo cảm hứng cho nhạc sĩ có thể sáng tác; (2) nhờ những chia sẻ về suy nghĩ trải nghiệm cuộc đời của ca sĩ thì nhạc sĩ mới viết nên bài hát phù hợp; và (3) nhờ góp ý của ca sĩ để thay một vài ca từ thì bài hát mới được toàn diện. “Thay lời một chữ, ăn đủ phần ba” – câu thần chú màu nhiệm như tôi đã viết ở đầu bài. Ngoài ra, về phía các ca sĩ khi có được tên trong danh sách sáng tác, thì cái mác uy tín “singer kiêm songwriter” sẽ giúp ích hơn nhiều trong việc bán đĩa.
Đấy là về tiền. Còn về khía cạnh chất lượng, phong cách nghệ thuật trong sáng tác của những nhạc sĩ này thì sao?
Khi Raye mới ký hợp đồng với hãng đĩa, cô liệt kê danh sách 3 điều cô sẽ không bao giờ thỏa hiệp:
1. Không bao giờ phát hành thứ gì mà mình không cảm thấy yêu thích.
2. Không bao giờ phát hành thứ gì mà mình không nghĩ là đủ tốt.
3. Không bao giờ đặt ý kiến của người khác lên trước ý kiến của mình.
Kết quả là cả 3 điều trên Raye đều cuối cùng phải gạt đi hết. Điều đó không có nghĩa là nhạc mà cô sáng tác cho người khác nghe tệ hại. Nếu nghe thử các bài mà Raye viết cho những nghệ sĩ khác, sẽ thấy là ít hay nhiều chúng vẫn có âm hưởng của thứ nhạc R&B ăn sâu trong phong cách nhạc của cô. Thế nhưng những bài đó không nói lên điều gì về chất lượng nhạc mà Raye ấp ủ, và vì vậy chúng khác xa những gì mà người nghe cảm nhận được trong các bài nhạc của riêng cô, đặc biệt với album My 21st Century Blues (2023).
CA SĨ
“Cô ca sĩ đó có rất nhiều bản hit nhạc Pop, mà nhờ vậy sau đó cô ấy mới được quyền dẫn dắt định hướng nghệ thuật”
Đó là ví dụ về Rihanna mà hãng đĩa Polydor dùng làm dẫn chứng để khuyên Raye khi cô đòi được hát nhạc R&B. Ví dụ này có thể thấy ở cả trường hợp của Beyoncé khi các nhạc phẩm về sau mang nhiều cá tính và nâng tầm chất lượng hơn sau khi Bey được quyền lựa chọn định hướng nghệ thuật cho riêng mình.
Raye được khuyên rằng nhạc R&B không bán được ở thị trường Anh Quốc. Thay vào đó cô cần viết và hát nhạc Dance. Cứ tầm tempo quanh 120 BPM là chuẩn nhất. Và thế là cô ca sĩ mang dòng máu lai giữa đất nước Ghana và Thụy Sỹ đã phải gạt bỏ giấc mơ đưa Gospel, Soul, Jazz và R&B – âm nhạc mà cô có sự gắn kết từ nhỏ vào album đầu tay.
Có điều Raye dường như không hoàn toàn ngoan ngoãn làm theo điều mà Polydor đề nghị cô. Ngày đó, nếu có những bản mang chất nhạc Dance mà hãng đĩa muốn cô hát, ví dụ như “You Don’t Know Me”, “The Line”, “Decline”, thì Raye chỉ tham gia viết lời. Nhưng những nhạc phẩm mà cô viết cả nhạc lẫn lời cho riêng mình thì lại chịu ảnh hưởng nhiều của R&B, ví dụ như “Shine”, “Flowers”, “Bet U Wish”, “Shhh”. Các bài đó chứa đựng những hợp âm đẹp hoặc cả khúc chuyển tông trên nền nhạc điện tử hay nhạc Trap phù hợp thị hiếu được sản xuất đầy kỳ ảo. Đến những ca khúc về sau trong các bản EP khác như “Change Your Mind”, “Regardless” và “Natalie Don’t”, “Please Don’t Touch”, chúng ngày một rõ nét hơn về thể loại R&B mà cô ấp ủ. Các giai điệu hát được sáng tác rất ngọt, có sự lên xuống rõ nét, với những vòng hòa âm chuyển mượt mà, giúp tạo nên âm sắc “gợi tình” – một màu sắc đặc trưng trong cách viết nhạc của Raye.
Về giọng hát, ở thời điểm này người nghe đã có thể thấy Raye sở hữu một kỹ thuật hát tốt, đa dạng nhiều màu sắc. Có những bài, giọng cô biến chuyển từ tông trầm với giọng hát hơi “nam tính” nhưng tới dải tông cao, giọng cô bỗng cao vút, ngọt lịm “nữ tính”, thậm chí mềm mượt như gió ở những khúc hát bằng giọng giả thanh.
Nếu chỉ như vậy, chắc khó có một ngày người nghe được chiêm nghiệm chất nhạc và nội lực thực sự của giọng hát tới từ cô nhạc sĩ / ca sĩ Raye cực kỳ tài năng này. Qua loạt ca khúc, các bản EP được phát hành, có vẻ như Raye vẫn chưa có bản hit đủ lớn để hãng Polydor đủ vừa lòng để cho phép cô phát hành album đầu tay. Lời từ chối không một lý do là cái cô nhận được từ hãng sau thời gian 7 năm làm việc quần quật giữa hai vai trò: sáng tác nhạc thuê và thu âm các bài nhạc lẻ tẻ để đưa ra thị trường.
NGHỆ SĨ
“Trách nhiệm của người nghệ sĩ là phải phản ánh được thời đại của chính mình”
Đôi mắt của Raye chợt bắt gặp câu nói của Nina Simone in trên tấm poster của bà khi cô treo trên bức tường căn nhà mới. Câu nói đó khiến cô bừng tỉnh để đưa ra quyết định bước ngoặt của cuộc đời, đó là dũng cảm chấm dứt với hãng đĩa Polydor và trở thành một nghệ sĩ độc lập.
Sự tự do của Raye ngay lập tức đưa cô trở về với cội nguồn của dòng nhạc Gospel, Soul, Jazz và R&B. Quãng thời gian trước đó cũng đem tới cho cô những kinh nghiệm dày dặn để Raye trở thành một nghệ sĩ thực thụ bao kẻ thèm mong ước. Đó là khả năng: ca hát, sáng tác và sản xuất âm nhạc của chính mình.
Album My 21st Century Blues đầu tay phát hành khi Raye 25 tuổi nhưng có tới hơn nửa số đó được cô sáng tác từ thời đang chịu sự ràng buộc với hãng đĩa. Cô viết “Flip A Switch” ở tuổi 18, “Oscar Winning Tears” ở tuổi 19, rồi “Worth It” ở tuổi 20. Các ca khúc trong album đầu tay đó đều kể lại những mảnh thời gian khác nhau trong cuộc đời cô, đúng như những gì thần tượng Nina Simone của Raye khuyên nhủ. “Flip A Switch” kể về cái nhìn thay đổi của cô gái trẻ về chuyện tình cảm sau những lần bị đối phương đối xử tệ bạc (“Flip a switch on a prick and I'm / A very sound bitch till you cross that line”). “Oscar Winning Tears” cũng nói về chuyện tình yêu mà Raye nay đã chai sạn trước những giọt nước mắt giả tạo của tên bạn trai (“Cinematography, get this on camera, please / Or no one gon' believe this here”). Thế nhưng đáng sợ nhất là “Ice Cream Man” kể về chuyện cô đã từng bị quấy rối và xâm hại tình dục vài lần. Dùng hình ảnh ẩn dụ của chiếc xe bán kem, những gã đàn ông dụ dỗ cô gái ngây thơ để rồi dùng bàn tay lạnh toát dơ dáy làm trò đồi bại (“Coming like the ice cream man / Till I felt his ice-cold hands / And how I pay the pricе now, damn”), và điều bất ngờ được tiết lộ trong bài là một trong những kẻ đó còn là một producer nhạc trong ngành (“He told me, "Come to catch a vibe and make some music" / But when I got there, should've heard what he was saying / Tryna touch me, tryna fuck me, I'm not playing”).
Ở vai trò của người nghệ sĩ độc lập, ít ai làm được điều như Raye khi dũng cảm phơi bày những góc cạnh tối tăm, những mặt xấu của ngành âm nhạc. Khi rời bỏ hãng đĩa Polydor, cô đã viết ngay bài “Escapism.” hợp tác với 070 Shake. Raye đã nuôi dưỡng ý tưởng từ trước đó bao lâu và chỉ hình thành sau khi chấm dứt hoàn toàn với hãng đĩa. Mượn câu chuyện chia tay trong một mối quan hệ, cô hát về sự thôi thúc để chạy trốn khỏi thực tại.
Nhưng thẳng thừng hơn, single đầu tiên cô phát hành cho album - “Hard Out Here” nói thẳng toẹt về sự đối xử bất công của đám sếp cũ tại Polydor.
“On my way, figured a way, figured a way out / My pen is a gun, pen is a gun, I'm finna spray now / He said I was out, said I was done, look at his face now / Hm, hm, ah, uh, ah, uh / Tell them boys, feeling them boys, meet at the stake house / I been a mess, so I'm in a dress and I got my cakes out / Sleeping on her, sleeping on me, I'm in your face now”
Ngòi bút của Raye chính là vũ khí để cô thoát khỏi xiềng xích của hãng đĩa. Ở thời điểm phát hành single này, có thể còn hơi quá sớm để kết luận nhưng ngay khi ca khúc “Escapism.” phát hành và lên ngay vị trí số 1 tại UK Singles Chart và loạt thành công khác nối tiếp, chắc hẳn khuôn mặt của đám sếp tại Polydor sẽ đần thộn ra sao khi nhận ra tầm nhìn của họ không bằng cô gái trẻ tuổi và để vuột mất một ngôi sao.
Không dừng tại đó, Raye lật tẩy những chuyện xấu xa trong cái gọi là hệ thống của ngành công nghiệp âm nhạc đầy rẫy những chuyện tệ nạn và suy đồi (“Ooh, what you know about systems? / About drugged drinks, fucking nearly dying from addictions”) (“All the white men CEOs, fuck your privilege / Get your pink chubby hands of my mouth, fuck you think this is?”). Hình ảnh bàn tay nhơ nhuốc của những gã sếp da trắng được Raye dựng lên trong những khung hình đa nghĩa, muốn bịt mồm nạn nhân của những lần giở trò sàm sỡ (mà chính Raye từng gặp phải như cô miêu tả trong bài “Ice Cream Man” nói trên) và không cho người nghệ sĩ như cô được thể hiện thứ âm nhạc thực sự của chính mình.
Chỉ khi được tự do, không còn bàn tay nào chặn họng, thì người ta mới nghe được một album nhạc đúng nghĩa mà Raye mong muốn. Đó không chỉ là phong cách nhạc đa dạng nhưng đậm chất Soul và Blues, mà còn là giọng hát tuyệt hảo của Raye. Khả năng ca hát của cô được bộc lộ rõ nét trong album nhạc mang đầy cảm xúc này. Khả năng luyến láy mượt mà như một nghệ sĩ nhạc Jazz có nội lực để hát thứ nhạc Soul, Pop, Gospel một cách điêu luyện. Cách cô thay đổi giọng theo từng khúc nhạc tựa như các phần chương hồi trong cuộc đời mình, tạo khả năng chuyển tải cảm xúc cao nhất. Đó là giọng hát đầy tự do có thể lướt nhanh trên nhiều nốt nhạc, kể cả đó là chùm nốt lẻ hay lặp âm trên cùng một nốt – một lối hát đặc trưng nghe rất bắt tai của Raye.
Hơn cả đó là những nốt nhạc cao vút, không phải dựa dẫm vào kỹ thuật phòng thu mà giọng hát đó còn với những khoảng cao hơn nữa trong các buổi diễn live. Tính ra những lần cô hát live các ca khúc như “Worth It”, “The Thrill Is Gone”, “Hard Out Here”, “Ice Cream Man” hay “Oscar Winning Tears” nghe còn hay và mê mệt hơn bản studio. Album My 21st Century Symphony thu âm buổi live show của Raye tại Royal Albert Hall phát hành năm 2023 là một minh chứng như vậy khi ở cuối bài "Oscar Winning Tears" cô có thể ngân nốt cao dài tới gần 18 giây mà vẫn luyến cực mượt. Thật sự chỉ những nghệ sĩ tự có những định hướng, tự viết nhạc và lời thực thụ, kèm theo giọng hát thiên phú như Raye thì mới có thể chuyển tải những bài hát của mình theo các lối trình diễn khác nhau nhưng đều mang tới cảm xúc tột đỉnh cho khán giả. Bảo sao tạp chí Telegraph phải gọi cô là "nghệ sĩ tài năng nhất kể từ thời Adele và Amy Winehouse".
Tôi tin là không mấy nghệ sĩ có thể ngẩng cao đầu như Raye sau khi chứng tỏ năng lực và tầm nhìn nghệ thuật của cô tại các lễ trao giải thưởng âm nhạc. Và vì thế, cô không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để đáp trả lại ngành công nghiệp âm nhạc này, như lần Raye lên bục nhận giải Best Contemporary Song cho ca khúc “Escapism.” tại buổi lễ Ivor Novello Awards năm 2023 vừa rồi, cô đã phát biểu đầy thách thức với những ông trùm trong ngành âm nhạc đang ngồi dưới như sau:
“Đó là điều sỉ nhục khi khuyên nhủ một ai đó làm công việc của họ miễn phí. Vì thế đây chính là một điều sỉ nhục khi mấy người nghĩ những nhạc sĩ cũng nên chấp nhận chuyện này”.
Hẹn gặp lại!
Kroon