top of page

Đứa con cưng trong Destiny’s Child

Ngày 15 tháng 2 năm 2000, khi bản MV của bài “Say My Name” lần đầu được chiếu trên MTV và BET, hai thành viên của nhóm Destiny’s Child là LeToya Luckett và LaTavia Roberson mới sững sờ khi thấy hai cô gái lạ hoắc xuất hiện trên tivi bên cạnh Beyoncé Knowles và Kelly Rowland. Hình bìa đĩa đơn “Say My Name” vẫn đầy đủ 4 cô gái trong nhóm, và bản MV kia thậm chí vẫn còn giọng hát của LeToya và LaTavia. Phần bè cao của câu “If no one is around you / Say baby I love you” trong đoạn điệp khúc được chính LeToya hát to vang rõ ràng, nhưng không thấy đâu bóng dáng của cô hay Roberson. Và đó là cái cách mà hai người họ nhận được tin mình bị đá ra khỏi nhóm nhạc theo cùng từ những ngày đầu với những người bạn chơi thân trong suốt 10 năm, nay được thay thế bởi hai thành viên mới toe, Michelle Williams (ca sĩ hát phụ hoạ cho Monica) và Farrah Franklin (một ca sĩ kiêm diễn viên mới nổi).


Sự việc xuất phát từ chuyện LeToyaLaTavia tố cáo người quản lý nhóm là Mathew Knowles vì ông này chiếm giữ phần lợi nhuận không công bằng và chia số tiền còn lại theo tỷ lệ cao hơn cho hai thành viên Beyoncé KnowlesKelly Rowland. Các bạn thấy gì sai sai ở đây không ạ? Bởi quản lý Mathew chính là bố đẻ của Beyoncé. Còn Kelly Rowland thì lại chơi thân với Beyoncé từ nhỏ, rồi được nhà Knowles nhận về nuôi sau khi gia đình của Kelly tan vỡ vì bố mẹ cô ly dị, vậy nên mẹ của Beyoncé cũng coi Kelly như một cô con gái trong nhà. 


Trong một nhóm nhạc mà người quản lý lại là người thân của một thành viên thì mâu thuẫn về quyền lợi là điều hoàn toàn không tránh khỏi. Và cả khi nếu chúng ta chưa biết về mối quan hệ này thì hẳn nhiên vẫn đã luôn định hình trong đầu về đứa con cưng trong Destiny’s Child vẫn luôn là Beyoncé vì một số lý do khá hiển nhiên như sau.

 

Lý do thứ nhất: hình ảnh của nhóm nhạc

 

Trong các bản MV của Destiny’s Child vào thời kỳ đầu, đã có thể thấy hình ảnh của Beyoncé luôn nổi bật hơn so với 3 thành viên còn lại. Sở hữu khuôn mặt tuyệt đẹp và dáng người như người mẫu, Beyoncé còn có nước da sáng hơn đồng đội. Thế nên khi người tạo mẫu của nhóm nhạc, mà không phải ai đâu xa chính là mẹ của Beyoncé đảm nhiệm, thì chỉ cần cô con gái có kiểu tóc dài xoăn sáng màu là bỗng dưng Beyoncé dễ dàng nổi bật trong nhóm 4 người này.

 

Trong album đầu tiên cùng tên, Destiny’s Child (1998), sự át sóng của Beyoncé vẫn còn ở mức độ vừa phải vì các khung hình được edit trong các bản MV vẫn để 3 thành viên kia được làm nhân vật chính trong một vài khoảnh khắc. Tuy vậy, vẻ đẹp bắt mắt của Beyoncé vẫn dễ dàng thu hút mọi sự chú ý của người xem tới cô, dù cho ở những phân đoạn mà có thành viên khác đang đứng gần máy quay nhất. Tới album thứ hai, The Writing's on the Wall (1999), không biết có phải vì kế hoạch đẩy mạnh lăng xê cho Beyoncé của bố mẹ cô hay vì hai thành viên LeToya Luckett và LaTavia Roberson bắt đầu có dấu hiệu phản kháng mà trong hai MV đầu trước khi hai cô này bị đuổi, “Bills, Bills, Bills” và “Bug A Boo”, hình ảnh của Beyoncé được tạo khác biệt nổi bật nhất, tiếp đến là Kelly Rowland. Trong “Bills, Bills, Bills”, dù bộ trang phục của 4 cô gái có sự tương đồng nhưng riêng Beyoncé vẫn có điểm nhấn qua ống tay màu hồng đậm. Trong “Bug A Boo”, ngoài mái tóc xoăn sáng màu thì riêng Beyoncé được đội chiếc mũ đỏ. Phía sau cô, chỉ Kelly Rowland mới dễ nhận nhờ mái tóc ngắn đầy cá tính.


Đã có nhiều lời đồn đại qua những chia sẻ của những thành viên bị cho nghỉ của Destiny’s Child về việc họ được ban quản lý khuyên nên đi tắm nắng nhiều hơn để có làn da rám màu đậm hơn Beyoncé. Rồi như chính Farrah Franklin (người được đưa vào thay thế cho LaTavia nhưng rồi vài tháng sau đó cũng bị đuổi khỏi nhóm) còn nói thêm việc bà mẹ của Beyoncé muốn nhuộm tóc cho Farrah từ màu sáng sang màu đỏ để giống với màu tóc của LaTavia nhưng cô từ chối. Với nước da sáng, màu tóc sáng và màu mắt xanh lá, Farrah hoàn toàn có diện mạo gây ấn tượng, rất dễ để nổi bật ngang ngửa với nhân vật chính Beyoncé.

 

Không dừng ở đó, hai thành viên mới của Destiny’s Child còn được yêu cầu thay đổi tên gọi trong nhóm. Farrah (tên đầy đủ là Farrah Destiny Franklin) thì phải bỏ tên giữa đi, vì ai lại dùng tên Destiny trùng với nhóm nhạc như vậy, mặc dù những người thân quen vẫn hay gọi cô bằng cái tên Destiny. Michelle (tên đầy đủ là Tenitra Michelle Williams) thì lại phải bỏ tên đầu đi, bất chấp việc cô sẽ bị trùng tên với nữ diễn viên Michelle Williams. Người ta đồn lý do ông Mathew Knowles yêu cầu hai cô lựa chọn nghệ danh như vậy là để cái tên Beyoncé của con gái ông vẫn đủ lạ lẫm và nghe bắt tai nhất trong nhóm. Cũng vì cái tôi quá lớn của Farrah đã khiến cô khó thích nghi theo hoàn cảnh như Michelle Williams, mà Farrah nhanh chóng bật bãi sau thời gian vài tháng, để lại một bộ 3 Destiny’s Child được đánh giá là thành công nhất về thương mại. 

  

Lý do thứ hai: phân vai 

 

Mặc dù là những đàn em trong dòng nhạc R&B, Destiny’s Child vẫn thường được so sánh với TLC nhờ những thành công lớn tương đồng về thương mại của hai nhóm nữ này. Có điều trong TLC, ba thành viên đều gắn bó từ những ngày đầu và có vai trò gần như ngang nhau với mỗi người nắm giữ một điểm mạnh: T-Boz thì đảm nhiệm những đoạn giai điệu có âm vực trầm có nhịp điệu funky, Chilli thì lo những câu bridge ngọt ngào mềm mại nối giữa câu verse của T-Boz với đoạn điệp khúc hát đồng ca, và Left Eye chuyên về những đoạn rap, cũng như định hình phong cách âm nhạc và hình ảnh cho nhóm.

 

Với Destiny’s Child thì khác. Ở thời kỳ đầu với 4 thành viên, vị trí hát chính gần như được trao hết cho Beyoncé, và thứ nhì mới đến Kelly Rowland. Kelly thường đảm nhiệm một đoạn verse, hoặc bridge trong một vài bài cùng với Beyoncé. Tuy nhiên phần lớn (có lẽ phải đến 90%) các bài của nhóm trong 2 album đầu tiên là do Beyoncé solo, còn 3 thành viên còn lại chỉ hát phụ.

 

Vậy nên cũng dễ hiểu với hai cô gái còn lại, số lần mà LaTavia RobersonLeToya Luckett được cất giọng chỉ đếm trên đầu ngón tay của một bàn. Ở album đầu tiên Destiny’s Child (1998), LeToya được hát phụ xen với Beyoncé trong bài “Tell Me”; LaTavia được hát một đoạn verse trong bài “Illusion”.


Trong album thứ hai - The Writing’s On The Wall (1999), hai cô chỉ được trao cơ hội hát lead trong đúng 3 lần:

 

1. Lần thứ nhất là LaTavia dẫn bài “Where’d You Go” trong phần intro.

 

2. Lần thứ hai trong bài “Sweet Sixteen”, LaTavia và LeToya được góp giọng dù chỉ ngắn ngủi giống như mỗi ca sĩ tham gia trong bài “We Are The World”. Theo trang Genius, đoạn lời của LaTavia và LeToya hát chỉ vỏn vẹn như sau:

 

[Verse 1: LaTavia, with LeToya]

You couldn't tell little Jackie nothing

Sixteen, thought she knew it all

She was searching for the love she missed, yeah

And so, she ran away


[Pre-Chorus: Destiny's Child / LaTavia / LeToya]

Slow down

You're moving way too fast

Sixteen

There's so much for you ahead

 

3. Và lần thứ ba trong bài “Can’t Help Myself”, ca khúc duy nhất của Destiny’s Child có đủ 4 thành viên chia sẻ vai trò hát lead trong đó LaTavia và LeToya đảm nhiệm verse đầu tiên, còn Beyoncé và Kelly đảm nhiệm verse thứ hai. Dĩ nhiên đoạn điệp khúc vẫn được dẫn dắt bởi Beyoncé. Điều đáng buồn là riêng ca khúc này không bao giờ được phát hành trên các bản thương mại dưới dạng đĩa hay streaming. Nó chỉ có duy nhất trong ấn bản được phát hành kèm thêm tại quê nhà của Beyoncé.


Tuy vậy, kể từ khi Destiny’s Child co lại về con số 3 thành viên với Beyoncé, Kelly và Michelle Williams thì sự phân bổ vai trò hát chính được chia nhiều hơn cho cả Kelly lẫn Michelle. Kể từ album Survivor (2001) cho đến đĩa cuối cùng của nhóm, Destiny Fulfilled (2004), dù giọng ca chủ đạo vẫn thuộc về Beyoncé, nhưng người nghe được nghe nhiều giọng hát của Kelly và Michelle hơn. Đa phần sự sắp xếp thứ tự hát sẽ là Kelly chia sẻ phần verse với Beyoncé và Michelle hát đoạn bridge.


Để giải thích cho sự khác nhau trong cách phân chia những khúc hát chính của các thành viên nhóm nhạc Destiny’s Child ở hai thời kỳ, Beyoncé và Kelly đã có những chia sẻ về lý do vai trò của LaTavia và LeToya bị giảm thiểu trong nhóm như sau. Đó là LeToya thì “điếc nhạc” bởi cô này ban đầu chỉ chuyên đọc rap chứ không hề hát hò; còn LaTavia thì được tuyển vào nhóm từ ngày đầu để làm vũ công và cũng nhờ là bạn thân của Beyoncé.

 

Lời nhận xét đó của Beyoncé và Kelly hẳn xuất phát từ những tranh chấp và mâu thuẫn nội bộ ngày đó. Bởi cá nhân tôi thấy giọng hát của LaTavia và LeToya không hề tệ. Không có nhiều bản thu âm để dễ dàng nghe được giọng hát của LaTavia nhưng cảm nhận chung của tôi là cô hát dải trầm hay, khá giống với chất giọng của T-Boz trong TLC. Còn với một người “điếc nhạc” như LeToya mà có thể hát được như cách cô thể hiện trong các bản thu solo hay hát live trong chương trình The Terrell Show thì quả nhiên có gì đó rất sai. Vậy nên tôi nghĩ không hẳn là vì Michelle Williams sau này tham gia nhóm sở hữu một giọng hát hay hơn hai người kia mà ông bố của Beyoncé mới đồng ý sắp xếp những khoảnh khắc để Michelle hay Kelly được tỏa sáng nhiều hơn. Phần nhiều có thể là do tính cách hòa đồng và biết nghe lời, khác xa với LaTavia, LeToya và cả Farrah Franklin, mà Michelle được Mathew Knowles yên tâm giao phó thêm một số trọng trách, dù không nhiều được như Beyoncé lẫn Kelly. Tuy vậy, ở giai đoạn nhóm 3 người, Destiny’s Child dường như có được sự đoàn kết gắn bó hơn, mang lại những kết quả thương mại đột phá, là tiền đề cho một kế hoạch gần như hoàn hảo được vạch sẵn của Mathew…

 

Lý do thứ ba: tài năng của Beyoncé

 

Một sự nghiệp âm nhạc của riêng Beyoncé đã luôn là mục tiêu cuối cùng mà gia đình Knowles đặt ra. Sự nổi lên của phong trào các nhóm nhạc R&B của thập niên 90, từ Blackstreet, Boyz II Men, TLC, En Vogue cho đến Dru Hill, Az Yet, 702, là lý do mà Destiny’s Child được Mathew Knowles tập trung lăng xê ban đầu để làm nền tảng cho cô con gái của mình. Hẳn đã có những lúc ông quản lý này đã muốn biến Destiny’s Child thành một nhóm nhạc gia đình tương tự như The Jacksons, bao gồm Beyoncé, Kelly (ít nhiều cũng như cô con gái nuôi trong nhà), và Solange, cô em gái ruột của Beyoncé, người được Mathew dự định đưa vào ban đầu với vai trò của một vũ công cho nhóm. Chuyện này đã dẫn đến việc Farrah Franklin từng than phiền chuyện tiền lương trả cho cô trong quãng thời gian ngắn ngủi trong Destiny’s Child luôn bị trừ một phần chi phí ăn ở đi lại của Solange dù cô em gái của Beyoncé ngày đó chưa từng diễn chung buổi nào. 

 

Vào tháng 6 năm 2003, đúng thời điểm Beyoncé phát hành album solo đầu tay Dangerously In Love, Mathew đã đưa ra thông báo rằng Destiny’s Child sẽ mở rộng thành nhóm 4 người với Solange là thành viên được chọn. Một trong những lý do cho lời thông báo này có thể là ông muốn chuẩn bị phương án dự phòng cho trường hợp nếu sự nghiệp solo của Beyoncé chưa thực sự tung cánh thì vẫn phải quay lại dựa vào danh tiếng của Destiny’s Child. Âu cũng là suy nghĩ hợp lý của Mathew bởi album đầu tiên của Beyoncé đã phải lùi ngày phát hành nhiều lần, rồi thậm chí phải thu âm lại vì single đầu tay “Work It Out” không lọt được nổi Billboard Hot 100. Nhận ra âm thanh có phần “cũ” của “Work It Out” cũng như cả album đang được làm theo cùng định hướng nhạc như thế có khả năng thất bại, Mathew đã phải tạm hoãn kế hoạch phát hành của Beyoncé. Thế rồi khi phong cách nhạc Pop mới mẻ trẻ trung của single “Crazy In Love” mà Beyoncé hát chung với anh bạn trai nổi đình đám Jay-Z vừa gây sốt, vừa giúp album Dangerously In Love bán hết veo hơn 300 nghìn bản trong tuần đầu tiên thì lúc đó kế hoạch đưa Beyoncé quay về với Destiny’s Child không còn cần thiết nữa. Mathew cũng loại bỏ ý định đưa Solange vào nhóm để tránh phức tạp vấn đề, thay vào đó chuyển hướng tập trung cho sự nghiệp solo của Beyoncé đang trên đà bay cao như vũ bão, nhưng không quên có một cái kết trọn vẹn cho Destiny’s Child với album Destiny Fulfilled (2004).

 

Nếu nhìn từ thời điểm Beyoncé tách ra solo quay ngược trở về khi Destiny’s Child có những thành công đầu tiên, thật dễ dàng nhìn thấy “định mệnh” đến với âm nhạc của Beyoncé như được vạch sẵn với nhiều yếu tố thuận lợi xung quanh. Bảo sao mọi người vẫn đùa cái tên “Destiny’s Child” là một danh từ số ít chứ lại không phải “Children”. Tưởng tượng xa hơn, có người còn bảo tên nhóm nhạc phát âm nghe còn na ná với “Das Tina’s Child” (trong đó Tina chính là tên bà mẹ của Beyoncé). Kể ra việc một nhóm nhạc có người quản lý là người nhà của một thành viên thì chuyện thiên vị và mâu thuẫn về quyền lợi là điều không tránh khỏi. Bảo sao các thành viên của ban nhạc The Beatles từng phản đối kịch liệt chuyện Paul McCartney định kéo công ty luật của bố vợ ông vào làm tư vấn cho band.

 

Sẽ dễ dàng để quy kết Beyoncé là đứa con cưng được dắt tay bước trên con đường âm nhạc được dọn sẵn nếu cô là người kém tài. Thế nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Ngay từ thời kỳ trước khi bố của cô tiếp quản vị trí manager cho Destiny’s Child, Beyoncé đã được người quản lý trước chọn vào vị trí lead trong nhóm. Ngoài cái mã trời phú đẹp mê hồn, giọng hát của Beyoncé chính ra lại độc đáo hơn những thành viên còn lại. Chất giọng của cô có âm sắc tối và kỹ thuật rung giọng điêu luyện rất khác biệt. Như trong bài viết trước đây của tôi về Beyoncé, thời kỳ nhạc R&B nổi trội với lối hát trầm của các nhóm nữ như TLC và Destiny’s Child, giọng của Beyoncé chính ra nghe rất ấm áp và tình cảm. Kể cả khi giai điệu bài hát lên cao thì tiếng hát của cô vẫn không bị cao và chói như các nhạc phẩm solo của Beyoncé sau đó. Đó là vì bản thân tôi đã quen thuộc với nhiều âm thanh R&B của những năm 90, nên khi Beyoncé rẽ hướng để chuyển sang thứ nhạc trẻ trung mới mẻ hơn âm thanh R&B 90s đã lỗi thời thì tôi không còn tìm thấy sự thân quen đó nữa.

 

Nhưng tài năng của Beyoncé thì vẫn còn đó. Bởi ngay sau khi cô cho người quản lý của mình, vẫn chính là ông bố Mathew Knowles nghỉ việc vào năm 2011, những album solo về sau của Beyoncé, bắt đầu với đĩa nhạc cùng tên (2013), rồi đến Lemonade (2016), Everything Is Love (album hát chung với ông chồng Jay-Z phát hành năm 2018) và gần đây nhất là Renaissance (2022), đều có chất lượng âm nhạc rất cao với phong cách nhạc đầy cá tính và hấp dẫn hơn hẳn. Thành tích đó hẳn khiến rất nhiều người, bao gồm chính tôi phải gật gù kính nể trước tầm nhìn của Beyoncé. Biết thừa rằng cô vẫn phải dựa vào bộ sậu sáng tác và sản xuất nhạc cùng mình, nhưng đôi tai nhạy bén và gu nhạc tinh tế của cô cho thấy Beyoncé không phải là một công chúa nhạc R&B được nhào nặn chỉ biết răm rắp nghe lời ngày nào.

 

***

Nếu coi Beyoncé là đứa con cưng trong gia đình 3 cô con gái của Destiny’s Child, thì công bằng mà nói, hai cô còn lại cũng vẫn có được sự quan tâm phần nào của Mathew Knowles, thể hiện qua việc ông tính toán từng bước cho thời điểm ra mắt sự nghiệp solo của mỗi người. Michelle Williams được trình làng đầu tiên với album Heart To Yours (2002) mang phong cách Gospel đặc trưng của cô, rồi tới Beyoncé, và sau cùng là Kelly Rowland.


Khi mà single “Work It Out” của Beyoncé thất bại trong việc lọt vào Billboard Hot 100 thì điều không ai ngờ tới là single “Dilemma” của rapper Nelly có sự tham gia của Kelly Rowland phát hành trong cùng 1 tháng lại đứng đầu bảng xếp hạng trong suốt 10 tuần. Bởi vậy, Mathew đã có màn quay xe chuyển hướng để hoãn lại album solo đầu tay của Beyoncé, và dồn mọi lực lượng để Kelly đu theo thành công của “Dilemma”. Kelly và đội ngũ sáng tác / sản xuất đã ghi âm album Simply Deep (2002) trong đúng 2 tháng để phát hành vào tháng 10 năm đó. Như vậy là mọi thứ tưởng chừng như vô cùng thuận lợi cho Kelly để bứt phá, thậm chí nổi tiếng hơn cả Beyoncé khi cô còn là thành viên giành giải Grammy solo đầu tiên cho bài “Dilemma” thì bước đi vội vàng không được chuẩn bị kỹ lưỡng cho Simply Deep đã trở thành con dao hai lưỡi. Sự nghiệp của Kelly không những không hưởng lợi được từ ca khúc hát với Nelly, mà còn gây thất vọng với người hâm mộ và làm nguội đi cơ hội cho chính bản thân cô.


Ngược lại, Beyoncé đã có đủ thời gian sửa soạn lại từ đầu và cho ra được album Dangerously In Love (2003) thành công rực rỡ một năm sau đó.

 

Dĩ nhiên đây cũng không phải là lỗi của Mathew vì việc thay đổi chiến lược để ưu tiên cho Kelly ra mắt trước Beyoncé là để giúp cho cô nắm lấy cơ hội. Thế nhưng cuối cùng danh vọng vẫn lại mỉm cười với Beyoncé.

 

Vậy nên tôi nghĩ không chỉ trong gia đình Knowles và nhóm Destiny’s Child, Beyoncé mới là đứa con cưng, mà với cả chính "định mệnh" cũng đã ưu ái lựa chọn cô để thăng tiến trên con đường sự nghiệp âm nhạc. Dĩ nhiên, cuối cùng vẫn là nhờ tài năng thì Beyoncé mới giữ được vị thế trong hàng top của ngành âm nhạc khắc nghiệt này suốt gần 3 thập kỷ qua mà không có một dấu hiệu suy giảm phong độ.  

 

Hẹn gặp lại!

 

Kroon

565 views

Recent Posts

See All
bottom of page