Death Metal có lẽ là một thể loại nhạc, bất chấp vẻ gớm ghiếc bề ngoài và cả cái tên của nó, trở nên rất gần gũi với rất đông các fan âm nhạc (không chỉ Rock) ở khắp mọi miền nước Việt. Có lẽ cũng bởi bình sinh nó vốn khó nghe, nên Death Metal thường hay được tập tành nghe với cặp tai nghe nhét vào màng nhĩ, lúc đầu để đỡ làm phiền ngưới khác, sau không ngờ thứ âm nhạc đó lại dễ gần và nảy sinh tính cảm còn nhanh hơn những thể loại khác.
Có người còn cho rằng sự đồng cảm với dòng nhạc này đến thật tự nhiên khi nghe nhạc đến từ những quốc gia bị lép vế trên bản đồ âm nhạc thế giới, nơi các nghệ sĩ dường như đều phải cố gắng gấp bội trong sáng tạo âm nhạc của mình, lẫn vượt qua rào cản của ngôn ngữ (khi tiếng Anh gần như là ngôn ngữ bắt buộc), để nhạc của mình có thể đến được với nhiều người nghe trên thế giới hơn.
Chém thế, chứ tôi có thể dám chắc tất cả những người yêu thích Death Metal, bao luôn cả một nhánh nhỏ hơn của nó là Melodic Death, đều gặp nhau ở điểm chung: những câu riff tàn phá hay rợn người và những lời lẽ cô đọng thấm thía được truyền đạt như từ những giọng nói đến từ cõi hư vô.
Arch Enemy, ban nhạc Melodeath đến từ Thụy Điển, hẳn nhiên sẽ được mặc định là một đại diện ưu tú bởi vì họ là người truyền bá xuất sắc hai cái đặc điểm nêu trên. Với những fan làng nhàng như tôi, Arch Enemy được biết đến nhiều vì là band đầu tiên trình làng một nữ ca sĩ hát Death khàn đặc không khác gì nam giới; nhưng hóa ra với những fan trung thành, điều đó bỗng nhiên chia rẽ họ bởi một lượng fan không nhỏ đã trót mê mệt thứ nhạc có phần ngẫu hứng và đa dạng hơn trong 3 album đầu với (nam) ca sĩ Johan Liiva, mặc dù số đĩa bán ra của 3 album này không thể bì kịp với những album thời sau.
Tôi nghĩ mọi chuyện đều có xuất xứ của nó, bởi thường thì cực chẳng đã band nhạc mới thay vị trí front man, là một vị trí mà ai cũng có thể nhận ra ngay, cho dù rất nhiều band thực ra được dẫn dắt bởi tay guitar, hoặc tay bass. Arch Enemy chính là kiểu band như vậy, khi đầu não của họ là Michael Amott, một tay guitar hero thứ thiệt mà nếu không phải vì anh đi ra thế giới từ một thị trường nhỏ như Thụy Điển và Bắc Âu, có lẽ tài nghệ của anh đã được thế giới ghi nhận xứng đáng hơn.
Michael Amott vốn là một tay guitar theo kiểu truyền thống: một tay guitar vừa lão luyện trong kỹ thuật cầm thủ lại vừa có khả năng viết nhạc. Mike luôn làm tôi liên tưởng đến Michael Schenker, với tài năng bẩm sinh và cá tính: tao sẽ lãnh đội. Không hề khoan nhượng, bản lĩnh của Mike luôn chình ình ở đó và thách thức mọi trở ngại để dẫn dắt một ban nhạc tồn tại qua ba thập kỷ, trong khi vẫn kiên định với thứ âm nhạc và âm thanh của mình.
Tiếng đàn và cả cây đàn của Mike cũng khiến tôi gợi nhớ đến Michael Schenker: cách tạo ra giai điệu từ những chỗ ít ai ngờ tới nhất, bất kể đó là đoạn cần chơi nhanh hay chơi mạnh, và tiếng đàn không quá nhiều hiệu ứng được nâng phần ấm áp nhờ đi qua cục phơ Wah đặt ở mức ồm. Cùng chia sẻ một quan điểm như Michael Schenker, anh Mike nhà Amott luôn hướng tới việc trở thành một guitar hero tỏa sáng ở những ca khúc có người hát do chính họ viết ra.
Khi Michael Amott trình làng Arch Enemy (AE) vào năm 1996, rất nhiều người đã tưởng đó là một superband, bởi lực lượng đi theo tiếng gọi của Mike toàn những tay cự phách trong làng Death Metal Thụy Điển. Ngay bản thân Michael Amott ngay trước đó thôi vừa rất thành công với sự nghiệp guitar trong band Death Metal của Anh là Carcass, và trước đó là Carnage với chính Liiva. Mặc dầu vậy, với những ý tưởng âm nhạc của riêng mình, dường như Mike và AE đã đem đến một biến thể của NWOBHM nhưng chơi nặng hơn, và làm cho nó nhanh hẳn lên. Những ý tưởng âm nhạc cách tân đi ra ngoài lề thói của Death Metal truyền thống như trong album Burning Bridges (1999), quả nhiên như một luồng gió mới tươi mát đến với bầu không khí Death Metal khá là ảm đạm thời cuối thập niên 90s, khi tay tổ của Death là Chuck Schuldiner đã ngừng ra nhạc từ năm 1998 (sau còn chết sớm nữa), những band Thrash nặng như Slayer chưa biết bao giờ hồi xuân, còn những band nhạc Death khác thì ví dầu sao không thể nào sánh với một biến thể chơi nhạc đục ngầu của Rock lúc đó là Nu Metal.
Có lẽ âm nhạc của AE độc đáo bởi họ có trong đội hình những người chơi nhạc xuất sắc: Michael Amott gọi em trai của mình, Christopher Amott, lúc đó mới 19 tuổi, cùng với sự năng nổ của những nghệ sĩ cần được chứng tỏ mình như Sharley D’Angelo chơi bass, Daniel Erlandsson chơi trống, và đặc biệt là ca sĩ Johan Liiva, người trước đó cũng có được những thành công với Carnage.
Nói chớ, Johan Liiva làm được nhiều trò cùng anh em nhà Amott ra phết, với cách hát biến chuyển từ gào sang hát bình thường trong một tích tắc, chưa kể khả năng lải nhải và quằn quại một cách đanh đá cũng khiến cho nét nhạc của AE có thể biến đổi sắc thái rất vô chừng. Trong 3 đĩa có sự góp mặt của Liiva, khán giả không bao giờ thất vọng khi trông đợi một ca khúc đột biến đến từ Liiva, như kiểu của “Eureka” trong Black Earth, hay “Pilgrim” trong Burning Bridges. Mặc dù vậy, có vẻ Mike không hoàn toàn với hài lòng với những màn trình diễn thiếu thuyết phục khi diễn live của Johan Liiva.
Trong một diễn biến khác, với những thành công bước đầu của AE, Chris Amott cũng bắt đầu manh nha với sản phẩm âm nhạc của riêng mình. Bằng chứng là lần đi lưu diễn ở Nhật cùng AE, Chris Amott đã nhanh nhẹn ký được một hợp đồng ra album solo với hãng đĩa Toy’s Factory dưới cái tên dự án Armageddon.
Thế nên khi Liiva rời AE, trong khi âm nhạc của Chris Amott và Armageddon được đón nhận khá tốt với những âm thanh Melodeath pha lẫn những âm hưởng thể nghiệm đậm màu sắc phương Đông, nhiều người có vẻ đã định viết ra hồi kết cho dự án AE. Nhưng điều đó có vẻ không nằm trong dự định của Mike.
Và rồi Michael Amott bất ngờ nhận Angela Gossow. Một nữ ca sĩ. Một điều vô tiền khoáng hậu trong thế giới Death Metal, bởi lâu nay khái niệm gào thét và khàn đục đương nhiên là một độc quyền của nam giới. Loài người dường như bị đóng đinh từ nhỏ với sự phân biệt giọng “nam” và giọng “nữ”, và ca hát cũng dường như bị gán cho những khái niệm liên quan đến giới tính: anh Bằng Kiều giọng “mái” hay chị Tina Turner giọng như “vịt đực” là những ví dụ thường thấy ám chỉ một sự phân biệt giới tính không hề nhỏ.
Cũng may là trong nhạc Rock, các nam ca sĩ thường được “xuê xoa” hơn với các kiểu giọng và âm vực của mình, nên sự đa dạng của giọng nam đã không chỉ dừng ở “khàn” hay “ấm” nữa mà lịch sử đã cho thấy những ca sĩ nam có thể hát cao chót vót còn hơn giọng nữ. Mặc dù vậy, sự đón nhận tương tự dường như không dành cho phái nữ. Kể cũng lạ, vì tại sao ta có thể chấp nhận những Robert Plant hay Freddie Mercury hát giọng cao vút mà không có quá nhiều những âm thanh khàn đục, nhưng lại khó chấp nhận được một cô gái khỏe như Angela Gossow hát Death? Hoặc giả chúng ta đã từng cố chấp nhận điều đó một cách khiên cưỡng?
Có thể tưởng tượng ra fan base của AE đã chia rẽ thế nào. Vốn là một rocker kiểu truyền thống, Michael hẳn là ý thức hơn bất cứ ai về điều đó, bởi lịch sử đã chứng kiến những cuộc chia rẽ phân tranh không đáng có khi Ozzy đi khỏi Black Sabbath, hay khi Bruce Dickinson thay Paul DiAnno trong Iron Maiden. Xuất phát điểm của Mike chỉ đơn giản là, ở thời hiện đại, mọi người đón nhận thông tin nhanh hơn, nên có thể sẽ làm quen với những thứ mới nhanh hơn. Và anh tin vào tài năng của Gossow.
Với quá nhiều thứ chống lại AE như vậy, bản lĩnh (hay sự bướng bỉnh) của Michael Amott mới thật đáng quý nhường nào, và dường như những thứ bên ngoài đó chỉ càng làm cho năm người họ siết chặt lại với nhau hơn như một đội. Dĩ nhiên, có thể tưởng tượng ra những cuộc bàn ngang kiểu thế này:
Mike: Chris em, qua anh làm nhạc!
Chris: Anh đã có Carcass, anh còn có cả Spriritual Beggars, AE có 3 album ngon rồi. Anh phải để em chơi với Armageddon chứ.
Mike: Ca sĩ mới của anh em mình rất hot, và mình vẫn chơi Melodeath.
Chris: Thế được! Nhưng khi nào AE thành công rồi em sẽ té.
Có những người “nhạc gì cũng nhảy”. Và có những kẻ như Michael Amott, “ca gì cũng đờn”. Âm thanh guitar của anh em nhà Amott đã thay đổi hoàn toàn để thích nghi với giọng hát của Gossow trong đĩa đầu của cô, Wages of Sins (2001).
Phàm là khi hát giọng gào khàn, người ta thường hay sử dụng hơi từ bụng ép lên để cái dây thanh đới giả trong cổ, vốn bình thường có tác dụng che chắn cho dây thanh đới rung lên khi ta nói và hát, phải rung theo. Trò hát giọng Death vì vậy, thường làm cái cổ họng mệt nhanh hơn và sẽ khó duy trì nếu cái họng không được chăm sóc đầy đủ. Tin tốt là cái dây thanh đới giả này của nam hay nữ thì đều to như nhau, nên hóa ra nữ giới khi cần hát giọng Death, “nhạc cụ” của họ cũng mạnh chả thua gì đàn ông. Nhưng phải cái là, cái dây thanh đới, thứ mà giúp chúng ta kêu và hát được, của nam giới nó lại thường dài hơn của phụ nữ. Thế nên giọng nam thường trầm hơn tự nhiên, và quan trọng hơn, con trai thì hay nghịch ngu hơn con gái, nên đến tuổi mà cùng nhau biết hát được rồi, tôi cho là cái thanh quản của con trai nó cũng bị bầm dập hơn con gái nhiều, nên bản thân cái giọng nó cũng khàn sẵn rồi. Những anh như Eddie Vedder hay Chris Cornell là những người bẩm sinh thuộc dạng này.
Thế nên, nói nôm na thì tôi và bạn cũng sẽ hát được giọng khàn, chỉ là có hát được cả bài hay không thôi. Bằng Kiều hẳn là sẽ hát được giọng khàn (nhưng tội nghiệp Tina Turner chưa chắc hát được giọng trong). Có lẽ điều đó giải thích tại sao với những ca sĩ như Johan Liiva (và cả những nam ca sĩ hát Death khác), họ có thể chuyển đổi từ giọng “hát” (dù chả có miếng giai điệu nào) sang giọng “gào” dễ dàng hơn so với các cô gái như Angela Gossow. Thế nên cũng không phải ngẫu nhiên mà phần nhạc thời Johan Liiva thì dễ làm ra nhiều kiểu nhạc phong phú hơn.
Nhưng ở đâu khó thì ở đó sẽ có Michael. Anh em nhà Amott vặn đàn xuống thấp hơn để tiếng đàn hòa trộn với giọng khàn của Angela tốt hơn, và phần rhythm thường được chơi “thẳng thắn” hơn với hồi trước để tôn giọng của Angela. Sự bổ trợ của những câu lead ở tầng cao thì vẫn luôn ở đó, nhưng có thể thấy rõ bài hát của AE sang giai đoạn này phân chia bố cục rõ ràng hơn và để dành nhiều phần không có hát để cho hai anh em nhà Amott thỏa sức phô diễn guitar.
Chris Amott quả nhiên là một người đánh cặp hoàn hảo với ông anh Michael, với lối đánh khác hoàn toàn. Trong hai anh em nhà này, tôi thấy Chris giống một shredder hơn so với Michael, chưa kể khả năng biến chuyển âm thanh và hiệu ứng thậm chí phong phú hơn nhiều so với Michael. Chả hiểu sao khi xem live của AE, tôi luôn có cảm giác tiếng đàn của Michael cần tiếng đàn của Chris, nhưng tiếng đàn của Chris hoàn toàn có thể tự tung tự tác một mình.
Và tận dụng khi khán giả còn chưa hết ngạc nhiên với giọng hát của một quái vật không biết đến từ phương nào, Angela Gossow phô diễn một loạt những track với giọng hát tuyệt hay và tiếng đàn mê đắm trong Wages of Sins, tấn công người nghe ngay lập tức bằng series những bài ăn khách từ track 1 “Enemy Within” đến track 4 “Ravenous”. Thế giới metal như vỡ tung.
Việc Gossow không có nữ tiền nhiệm hát giọng khàn và sẵn sàng đấm thẳng vào cái định kiến về giọng khàn là của phái mạnh giúp hình ảnh của AE trở nên lẫy lừng chưa từng có, và bỗng nhiên AE mang theo một sứ mệnh đặc biệt như là một đại diện ưu tú cho Metal lừng lững tiến vào thập niên mới mà không có một ai có thể so sánh với họ.
Nhưng bỗng nhiên, AE trở thành một cao thủ chỉ giỏi một tuyệt chiêu. Với công thức chiến thắng từ giọng ca huyền bí rợn người ăn khách của Angela Gossow, những câu guitar réo rắt đi vào long người, và phần rhythm gợi lại thời hoàng kim của Thrash, âm nhạc của AE bỗng nhiên loay hoay giữa hai thái cực: phần giai điệu của guitar để khán giả có thể hòa theo trong những bản nhạc anthem “đĩa nào cũng có”, và phần nhạc nhường chỗ cho phần hát của Angela nay trở nên đơn điệu với những nhịp chân bass đôi đều đặn và tiếng băm của bass lẫn guitar ngày một trở nên lầm lì. Tay trống và tay bass trong AE từ thời của Gossow bỗng nhiên có ít đất diễn hơn, và đôi lúc sự “thừa mứa” của guitar khiến cho người nghe bỗng trông ngóng một câu dồn nghịch tai hoặc khoảng lặng cho tiếng đàn bass độc diễn như thời của Burning Bridges.
Cái trò hát Death gầm gừ vậy, hóa ra ngoài phần gào khàn, tiếng hát dù không có nhiều giai điệu, vẫn có cao độ của nó. Và hóa ra giọng hát của nữ ca sĩ Death, dù rất khàn đục, cũng không quá trầm như nó có vẻ. Giọng hát của Angela vô hình trung ép phần rhythm của cả band trở nên đơn sắc, và hạn chế của cô trong việc hát giai điệu bỗng nhiên loại bỏ đi một nửa sức mạnh trong âm nhạc của AE, hoặc chí ít là loại mất đi sự bất ngờ và biến chuyển ngẫu hứng mà AE có thể tạo ra như cách họ làm với 3 album đầu tay.
Trong album tiếp theo Anthems of Rebellion, AE quay sang thử nghiệm với giọng hát giai điệu trở lại, và giao phó việc này cho ông em Chris Amott tội nghiệp trong bài “Dehumanization”. Điều này, cộng với một vài track anthem theo công thức chiến thắng quen thuộc của AE như “We Will Rise” đã làm cho đĩa này trở nên bớt ảm đạm hơn vị trí trên bảng xếp hạng của nó.
Nhưng hóa ra cũng không có gì khá khẩm hơn, và AE tiếp tục trung thành với công thức đó cho đĩa tiếp theo, Doomsday Machine. Chris Amott rời band không lâu sau đó và hẳn là khiến ông anh hết sức năn nỉ trong suốt 2 năm sau, anh em nhà Amott mới tái hợp để trình làng những cố gắng tiếp theo với Rise of The Tyrant (2007) và đĩa live năm 2008 ở Nhật. Không thể phủ nhận những nỗ lực làm mới mình trong lần này của Mike, khi nhiều phần rhythm guitar được thay thế bằng những màn tấn công chói lóa với tốc độ và độ chính xác cực cao từ phần guitar đôi của anh em nhà Amott. Nhưng quả thực, sự quá chăm chút trong kỹ thuật sản xuất đã làm mờ đi sự hào hứng trong âm nhạc của AE.
Bước sang thập kỷ 2010, AE bỗng trở nên rã đám, và có lẽ việc thiếu vắng các ý tưởng lẫn nỗ lực hết mình của Michael Amott cho Rise of The Tyrant nay khiến cả band kiệt quệ. AE như lao vào ngõ cụt khi ra album thu lại những bài trong 3 đĩa đầu thời Johan Liiva, The Root of All Evil (2010). Angela Gossow cũng dường như mất hết động lực để tiếp tục, và sau album thường thường Khaos Legion (2012), lần lượt Chris Amott, lần thứ hai rời nhóm không hẹn ngày trở, và Angela Gossow cũng quyết định nghỉ hát không lâu sau đó. Những sự thay thế đắt giá sau đó là ca sĩ Alissa White-Gluz (từ nhóm metalcore Agonist) và tay guitar siêu đẳng Jeff Loomis (từ nhóm progressive Nevermore) dường như chỉ giúp các báo về nhạc Rock bán chạy hơn với những cuộc phỏng vấn và bình phẩm, trong khi các fan thì luôn được đặt trong tình trạng khó hiểu. Alissa không đem đến được sự đa dạng khá khẩm hơn so với Angela Gossow, mặc dù em có thể hát được cả giai điệu, còn Jeff Loomis, thực sự có lối chơi tương đồng với Michael Amott chứ không bổ trợ cho anh như ông em Chris. Arch Enemy dường như vẫn thành công trong việc bán đĩa và lôi kéo những fan mới, nhưng có vẻ một lượng lớn fan cũ của họ đã không còn đủ kiên nhẫn. Màn hát có giai điệu của Alissa lần đầu tiên trong bài “Reason to Live” (đĩa Will To Power 2017) và câu solo guitar nửa chừng của cặp Amott/Loomis giữa bài dường như chỉ chua thêm một dấu lặng vào cái sự loay hoay của AE.
Trong một diễn biến khác, Michael Amott tiếp tục làm cho các fan của anh gãi đầu gãi tai khi đội hình của Arch Enemy gốc, đầy đủ cả Chris Amott lẫn Johan Liiva, tái hợp với nhau năm 2016 và đi lưu diễn dưới cái tên Black Earth ở Nhật, thị trường trung thành nhất của họ. Họ hát những bài của 3 album đầu đầy hứng khởi, và khán giả lại được thấy những màn solo cự phách của anh em nhà Amott, chưa kể những hình ảnh sống động của Mike trên sân khấu tung tăng cùng cây đàn.
Thôi cứ mong phép màu từ Michael Amott "ca gì cũng đờn" vậy!
Hẹn gặp lại!
Kcid
コメント