top of page

Ẩn sau giàn trống (Ep. 4): Alex Van Halen

"Brown sound". Những giàn trống to kỳ dị với 4 hay 5 chiếc trống bass nối với nhau. Chưa kể nguyên giàn trống bự có thể cất cánh khỏi sân khấu bất cứ lúc nào. Chúng ta đang nhắc tới Alex Van Halen, người có tiếng trống có thể nhận ra ngay sau 1 nốt nhạc (không hề quá lời). Nhưng cũng là người bao năm luôn phải núp bóng dưới cái danh tiếng quá lớn của ông em thiên tài Edward. Người luôn bị khán giả chê bôi là không đủ nâng tầm cho EVH và còn luôn chơi lạc nhịp. Người bị đám "hiểu biết" bỉ bôi là kẻ đa mưu luôn lôi kéo ông em có tính tình trẻ nít làm những chuyện thỏa mãn lòng tham quyền lực, kể cả phải đẩy Mike Anthony và cả David Lee Roth khỏi ban nhạc của họ.


Nhưng hãy nói tui nghe bao nhiêu lần bạn nhận ra một bài nhạc "nghe quen quen" là của Van Halen, là từ tiếng trống hay tiếng guitar trước?


Và cũng như thế, mọi người thường không để ý cái sự thiên tài của Al trong thành công của Van Halen, cũng như quên mất rằng chính Edward đã mất bao năm tạo ta tiếng đàn đặc trưng của mình để hòa cùng cảm hứng từ tiếng trống "brown sound" của Al. Alex Van Halen cũng là người sẵn lòng nhường ông em học guitar và quay sang chơi trống vì mẹ của họ chỉ có thể cho mỗi người học 1 món nhạc cụ mà thôi. Trong suốt sự nghiệp của mình, Al chưa bao giờ chơi cho band nào khác ngoài Van Halen.


Phần beat của Al có nhiều lúc nghe chả theo quy cách nào, nhưng lại thật đặc biệt vì mỗi bài đều được tạo ra với 1 phiên bản duy nhất với mục đích nâng bước cho bài hát của Van Halen.


Điểm khiến Al hay bị giới "khó tính" đá xoáy nhất, có lẽ là chơi không đều nhịp. Nhưng Al không phải dạng tay trống ở cùng nhóm với những Jeff Porcaro hay Phil Collins. Âm nhạc của Van Halen là để đem tới sự hứng khởi, cảm giác "feel good" và riêng về khoản chơi cuốn và mạnh mẽ, Al có thể làm mọi thứ trên bộ trống của anh. Chẳng phải Keith Moon lừng danh cũng không thèm chơi đều đặn như một chiếc máy đó ư? Chả đâu xa, chính ông em Edward cũng tùy hứng với tempo đầy lúc. Nhưng sự hiểu ý khác thường của hai anh em nhà này luôn giúp họ gặp nhau ở đúng thời điểm, dù cho ở giữa đó, Al có thể phang vào bất cứ thứ gì trong tầm mắt trong khi ông em Edward bung ra những câu đàn dày đặc.

Cũng vì thế, nhạc của Van Halen không thiếu những câu bridge hay dồn độc đáo và khó lường. Và sự hoang dại trong lối chơi của Al đã đem đến một khía cạnh gây hưng phấn không thể thay thế trong nhạc của Van Halen.

Hãy thử cùng đào bới một vài bài "đinh" của Van Halen trong các thời kỳ để thấy được cái sự tinh tế quái của Alex trong chơi trống. 1. "Jump" (album 1984)

Nói có sách, mách có chứng. Bài này bắt đầu bằng tiếng keyboard cực "phổ thông" chứ không phải câu riff cầu kỳ gì. Nhưng ngay sau khi vào trống, người nghe nhận ra ngay đây là Van Halen chứ không phải ai khác. Nhưng đoạn hay nhất với tui là đoạn bridge. Dường như trước đó đã nện đủ nhịp một hai thẳng thắn cho khán giả, Alex đã chơi một chùm beat cực khó bắt chước để hợp với câu riff khục khoặc của Edward. Có một không hai và không hề lặp lại. Tui biết có nhiều band đã cover lại bài này, và người sướng nhất khi chơi trót lọt cả bài luôn là anh đánh trống chứ không phải tay guitar. Còn đã hơn khi câu beat này được lặp lại ở mỗi đoạn beat và cả câu solo. Bộ não của tui như phải chia ra làm hai để theo đuổi được câu của Al và câu của Edward cùng lúc. Tuyệt vời. Bài hát hay nhất của Van Halen.

2. "Man On A Mission" (album Unlawful Carnal Knowledge) Edward bắt đầu với câu đàn "ngạt mũi", và Al vào hùa theo ngay. Hay ở chỗ, Al bắt đầu vào chân kick ở đầu nhịp trong bar đầu tiên, nhưng bắt đầu từ sau đoạn dồn ở bar số 7 và 8 trong câu đầu, Al vào chân kick sớm hơn đầu nhịp tiếp theo. Cụ thể, anh đạp chân kick ở phách 1/8 cuối cùng (nốt móc đơn thứ 8 của nhịp 4/4) ở bar trước, nhưng tay phải giữ nhịp vẫn ở đầu phách 1-2-3-4 và tay trái vẫn chơi snare ở đầu phách 3 ở bar liền sau đó. Tự nhiên cảm giác phần nhịp ngắn lại và phải thú thực, tui đã có thời gian khá dài tưởng Al chơi nhịp 7 trong bài này.

Không biết vô tình hay hữu ý, tiếng bass của Mike Anthony bám theo tiếng kick của Al (và nhanh lên), trong khi phần guitar của Edward vẫn bám theo tay phải của Al, khiến cho hai vế guitar chơi lệch nhau 1/8 nhịp đầy lạ lẫm. Và đỉnh nhất là những cú fill không hề giống nhau của Al ở những bar số 7 và số 8 cuối mỗi câu, nhiều khi cảm tưởng như Al đã đi lạc mất tiêu, để rồi đúng phách số 8 của bar số 8, tiếng kick kia lại xuất hiện ngay phóc. Nhân tiện thì album Unlawful Carnal Knowledge này có lẽ có phần thu trống đã nhất trong tất cả. Dĩ nhiên phần hơi "nghiêng ngả" của Al thì cũng nhiều chỗ lắm, như đoạn dồn trước solo của "The Dream Is Over" hay nửa sau đoạn solo trong chính "Man On A Mission" kể trên, nhưng anh em nhà Van Halen quyết định để vậy luôn. Nói chớ, Edward nhiều lúc chơi nhịp điệu cũng ngẫu hứng quá, theo khó ghê. Nhưng cuối cùng thì, câu fill có náo loạn đến đâu đi nữa thì kiểu gì ông anh cũng gặp ông em ở đầu nhịp mới chắc nịch. Và khỏi cần nhắc những "Right Now" hay "Judgement Day" trong đĩa này, hoàn hảo!

3. "Why Can't This Be Love" (album 5150)


Một sự khởi đầu của một triều đại mới, dù bài này không được đặt lên đầu album. David Lee Roth đã rời khỏi Van Halen và được thay bằng Sammy Hagar, và mặc dù ối người vẫn tranh cãi ai hay hơn, tui vẫn cho là kỷ nguyên của Sammy Hagar nhạc của Van Halen có sự cân bằng hơn (dù không nhất thiết là hay hơn). Điều đó cũng có nghĩa là những vai khác trong band ngoài những ngôi sao như Edward hay David Lee Roth, nay đã có thể tỏa sáng hơn. "Why Can't This Be Love" có đầy đủ các yêu tố mới: sự ham mê cây keyboard của Edward, ca khúc hát về tình yêu, và nhất là nhát chém vào nhạc cực nặng của Alex Van Halen. Không có chút khoan nhượng, bản tính thường thấy của Al là không có swing swiếc chi hết, mà cứ chém mạnh vào. Và từ đây trở đi, cứ bài nào mở đầu album (như "Pound Cake" trong Unlawful, hay "Seventh Seal" trong Balance), tất cả nhạc của Van Halen đều ùa vào cùng một lúc sau cú chém cực đã của Al vào mặt snare.

Và đã nhất là đoạn dền dứ của Al ở câu bridge chỉ có nhạc ở giữa bài, đối ẩm tuyệt hảo với phần keyboard tuyệt đẹp của ông em. Lại một câu trống độc nhất vô nhị nữa của Al.

4. "Feelin'" (album Balance)


Bài này đúng là "feel" thật. Vì mọi thứ đều được điều tiết theo câu đàn đầy ngẫu hứng của Edward. Khái niệm nhịp 4/4 hay 8/4 hay gì nữa đều là chuyện nhỏ. Thế nên dù cơ bản bài này ở 4/4, cái "cảm" trong câu đàn của Edward khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn rất nhiều với những cú nhấn vào những chỗ không ai ngờ tới. Nhất là đoạn verse của bài. Nhưng Al có cách xử lý cực khéo khi bắt đầu vào trống. Anh chơi bar đầu ở 3/4, một loạt bar 4/4 (cũng có thể là 8/4) sau đó, và đẩy phần "bù" phức tạp nghe giống như ở 5/4 (hoặc cũng có thể là 9/4) về cuối và dồn trống cật lực. Một lần nữa, tưởng như Al đã mất hút trong phần dồn dài thoòng của mình thì anh bỗng trở lại ngay chóc với tiếng kick của mình ở đầu nhịp của câu thứ hai. Genius! 5. "Hot For Teacher" (album 1984)

Không có nhiều chỗ trong phòng thu tại gia 5150

Album 1984 cũng là một sự khởi đầu mới cho cá nhân Edward, khi anh bắt đầu thu nhạc trong phòng thu mới toe mang tên 5150 của mình. Nhưng sự hứng khởi của Edward cũng là sự hy sinh của Al, khi phòng thu 5150 lúc đó hãy còn quá nhỏ cho bộ trống khổng lồ thường thấy của Al trên sân khấu. Chiều ông em, Al chơi luôn với bộ trống cơ bản với chân bass đôi. Và tại đây Al đã tạo ra một loạt những câu trống kinh điển đi cùng với cái tên Van Halen. Một trong số đó là "Hot For Teacher". Nghe đâu bài này còn được uýnh bằng trống điện. Đó là tiếng chân bass đôi mở đầu hòa lẫn tiếng động cơ Lamborghini, dĩ nhiên là nó không đều. Khó có thể tưởng tượng ra "Hot For Teacher" có thể có phần giữ nhịp nào chơi khác đi, và đó cũng là điều đặc biệt của Alex Van Halen. Dù cho có bao người nói phần trống của anh không đặc biệt, thì cũng ngần ấy người sẽ không thể nghĩ ra được thứ gì phù hợp hơn cho nhạc của Van Halen bằng câu beat của Al.

Người đàn ông này là người đã từng chơi ở tất cả các show lớn nhỏ của Van Halen và chưa bao giờ có dấu hiệu hụt hơi trong tất cả các bài khó chơi nhất của họ. Có thể đôi lúc tay chân anh hơi luýnh quýnh, nhưng tốc độ và nhất là cái đầu đầy ý tưởng đã giúp anh trở thành miếng ghép độc nhất vô nhị trong Van Halen. Tất nhiên đây là cảm nhận của riêng Kai tui. Mà tui đã có dịp nhắc tới "Panama", "Girl Gone Bad" hay "Unchained" chưa nhỉ? Hẹn gặp lại!


Kai

283 views

Recent Posts

See All
bottom of page