top of page

Ẩn sau giàn trống (Ep. 6): Simon Phillips

Các tay trống có lẽ luôn là người thiệt nhất trong ban nhạc về mặt hình ảnh, bởi khi mỗi lần biểu diễn thì họ thường bị che khuất bởi cả đống nhạc cụ trên giàn trống (chẳng nhẽ lạ ngồi quay lưng vào khán giả để được nhìn thấy nhiều hơn), còn khi không biểu diễn mà đi ra ngoài cùng band thì y như rằng sẽ bị ca sĩ chính với tay lead guitar làm lu mờ. Thậm chí ở nhiều nơi, khán giả còn không phân biệt được ông nào đánh trống hay chơi bass trong ban nhạc.


Thà như ông đánh bass thường bị dân tình “chọc ngoáy” và làm giảm tầm tài nghệ, bởi đúng là có một số ông kể ra cũng "lười vận động"; đàng này nói về độ sôi động thì chắc hẳn tay trống “yên ắng” nhất cũng hoạt động ở cường độ cao trong ban nhạc. Dù họ đôi khi bị hiểu lầm là “chỉ giữ nhịp” thay vì “chơi nhạc”, tay trống vẫn luôn là người có thể vỗ ngực về những khả năng “trời phú” như tâm thần phân liệt giúp cho bốn tay chân mỗi thứ chơi một kiểu được. Chưa kể, họ có khi còn thuộc bài chả kém gì tay guitar và ca sĩ chính.


Có những tay trống thậm chí còn ở mức độ virtuoso trong nhiều thể loại nhạc chứ không chỉ pop rock, nhưng họ luôn khiêm nhường chơi cùng với những người khác dù họ có tiếng tăm hay không, miễn đó là một cuộc dạo chơi âm nhạc thú vị. Một trong số hiếm hoi đó có thể kể đến Simon Phillips.


1. Toto

Tên tuổi của Simon Phillips có lẽ được biết đến rộng rãi ở đầu thập niên 90s khi anh tham gia Toto, thay thế cho tài năng yểu mệnh Jeff Porcaro. Các thành viên còn lại của Toto khi đó đã chọn Phillips vì anh là một trong ba tay trống được Jeff Porcaro ngưỡng mộ (hai người còn lại là Gregg BissonnetteVinnie Colaiuta).


Simon Phillips lập tức tỏa sáng ngay từ album đầu tiên, Tambu (1995), rồi tiếp tục thu nhạc và tour cùng Steve Lukather và các đồng đội mãi tới tận năm 2013.


Tui sẽ không bao giờ quên được ấn tượng choáng ngợp khi lần đầu tiên nghe câu trống giật mình trong “I Will Remember”, với tiếng chạm snare đầy tinh tế và đặc biệt là tiếng tom. Tiếng tom tom có lẽ luôn là đặc sản của Simon Phillips khi nó vừa đủ vang để lấp đầy không gian, lại cũng vừa đủ tinh tế để không lấy đi mất sự chú ý từ tiếng snare. Đó là một cảm giác rất yên tâm với người nghe mỗi khi tiếng tom “bự” đó vang lên, dù nhiều lần Phillips dồn trống chỉ với 1 hay 2 nốt, rằng mọi chuyện đều đã được lo liệu từ phía sau ban nhạc.


Và khi được chứng kiến những màn trình diễn live của Toto, cái cảm giác vững chắc đó càng được tôn lên gấp bội. Hãy nhìn Simon Phillips, như một vị cao thủ võ lâm đầu muối tiêu, với in-ear monitor chụp trên đầu, và đôi bàn tay múa trên giàn trống như một vị tiền bối phái Võ Đang. Và kể cả khi diễn trên sân khấu, cái tiếng tom “bự” đặc trưng đó vẫn thừa sức một mình nó lấp đầy khán phòng như trong màn trình diễn với “Africa” dưới đây.


Dĩ nhiên khi đã được chọn mặt gởi vàng từ những tay gạo cội như Toto, chắc hẳn Simon Phillips sẽ không thể thiếu trong album solo của Steve Lukather. Candyman (1994) và Santamental (2005) là hai trong số đóng góp của anh cho Steve.


2. Jeff Beck

Đó là thời điểm Jeff Beck muốn chuyển hướng qua cách chơi nhạc chủ yếu không có người hát và giữ lại món jazz fusion, thứ mà thuở ấy hãy còn hiếm người muốn thử sức và Joe Satriani thì vẫn còn đang hành nghề gõ đầu trẻ, người được Jeff Beck gửi gắm trên giàn trống chính là Simon Phillips, lúc đó còn đang rất trẻ nhưng đã được biết tới rộng rãi trong giới chơi nhạc Jazz. Kết hợp cùng hai tay keyboard khác là Jan HammerTony Hymas, 4 người họ đã viết ra một thứ nhạc đầy ảnh hưởng cho các ban nhạc prog rock sau này.


“The Pump”, “Space Boogie” và “Too Much To Lose” có lẽ là những ca khúc được biết tới rộng rãi nhất và được cover ở khắp nơi. Nhưng có lẽ cũng không quá khi dành những lời khen tặng cho Simon Phillips, khi hỗ trợ Jeff Beck một cách hoàn hảo để tạo ra một album đầy hiên ngang bước vào thập niên 80s.


3. Michael Schenker và Gary Moore

Đến đây người nghe dường như đã lờ mờ nhận ra Simon Phillips thường có xu hướng gắn với những tay cầm thủ virtuoso.


Trước tiên không thể không nhắc tới Gary Moore, người vừa rời khỏi Thin Lizzy trước đó không lâu và nung nấu sự nghiệp solo bắt đầu từ Back On The Street (1978).


Và ngay sau đó anh kịp tham gia cùng Michael Schenker, người vừa rời khỏi UFO và quyết theo đuổi sự nghiệp solo và thứ âm nhạc phù hợp với những khán phòng chật ních thay vì sân vận động bao la. Album đầu tay đầy sức nặng của Michael Schenker Group (1980) chắc hẳn đã không thể trở thành một cú đấm mạnh như vậy nếu không có Simon Phillips.


“Armed and Ready”, “Cry for the Nations”, hay “Into the Arena” đã trở thành những ca khúc bản lề của MSG từ đây với tiếng trống như súng liên thanh và khả năng riff đối ẩm hài hòa giữa cây guitar và giàn trống. Không cần đến những bản nhạc lê thê hay những tiết tấu nhịp lẻ cầu kỳ, cách chơi trống đầy biến hóa của Simon Phillips đã khiến cho âm nhạc của MSG tự nó đã “progress” còn hơn những thứ nhạc progressive khó nhằn nhất.


Cái danh sách cứ thế dài ra trong thập niên 80s, và dường như không mấy người để ý, Simon Phillips đã góp phần nâng bước sự nghiệp mấy tay guitar số má trong thời điểm này, những người dường như nắm chắc thất bại khi tạo ra thứ nhạc Rock thiên về guitar ở thời đó. Chỉ có thời gian mới khẳng định được những ý tưởng đó đã đúng đắn tới nhường nào.


Bởi vậy cũng không thể không nhắc đến thành công của Joe Satriani. Hóa ra Simon Phillips góp mặt trong tới 3 album liên tiếp của Satch, gồm Flying in a Blue Dream (1989), The Extremist (1992), và Time Machine (1993). Dẫu rằng Jeff Campitelli vẫn luôn là tay trống thường trực của Satch bắt đầu từ Time Machine, phần chơi của Simon Phillips vẫn luôn dễ nhận ra ở mấy album thời đầu này của Satch với lối chơi cuốn pha lẫn những tiếng tom vang dội. Có phải tui vừa nhắc tiếng tom-tom khi nãy không ta?


4. Derek Sherinian

Vẫn là những tiếng tom “bự” đó, hãy thử cùng chu du cùng Simon Phillips tới một vùng bay khác nặng nề phần prog hơn. Đó là những album hòa tấu của Derek Sherinian, người được biết đến rộng rãi trong thập niên 90s như là thành viên của Dream Theater.


Nhưng khi chơi solo, Derek Sherinian thường ít khi tìm đến những đồng đội ở Dream Theater của mình, mà xây dựng một đội hình với rất nhiều tay guitar và bass cự phách nhưng tất cả đều xoay quanh ba trụ cột Zakk Wylde, Steve Lukather, và Simon Phillips.


Cùng nhau đội hình này đã ra được tới 7 album từ năm 2001, một số lượng khá đáng nể nếu xét đến việc các thành viên đều là những trụ cột trong những ban nhạc khác. Album mới nhất của họ năm 2022 cũng là một nhạc phẩm tuyệt vời như thế, và dường như họ vẫn chưa có ý định dừng lại.


5. Protocols, Hiromi, và còn nhiều nữa

Sau rất nhiều cuộc rong chơi ở thế giới rock và metal như thế, Simon Phillips vẫn luôn là một nghệ sĩ chơi trống bắt đầu từ nhạc jazz. Anh cũng là một trong những người ít ỏi tạo ra một cuộc cách tân với lối chơi trống Rock với đôi tay mở thay vì bắt chéo thường thấy. Nhận thấy sự mất công với cách chơi trống truyền thống khi hai tay bắt chéo (tay phải hi-hat và tay trái snare) mỗi khi dồn trống bên nửa phải, người chơi phải mất công bỏ hi-hat và quăng hai tay, Phillips đã tự phát triển một lối chơi khác người khi tay trái luôn giữ hi-hat và tay phải tự do với snare và tất cả các tom. Dù vốn không phải là một người thuận tay trái, Phillips đã tập quyết liệt để giữ hi-hat bằng tay này, và nhờ đó tay phải luôn rộng mở để bao quát toàn bộ các tang trống trong tầm tay.


Tự nhận là do mình “lười” nên mới chế ra cách chơi bá đạo như vậy, xem ra Simon Phillips không hề lười chút nào khi tự chơi tất cả các nhạc cụ trong album solo đầu tay Protocol của mình năm 1989.


Protocol nhanh chóng quy tụ những người chơi nhạc chứ không còn là one-man-band của riêng Simon Phillips, và đáng chú ý khi tới album thứ, Phillips đã có thêm Andy Timmons, lại một cầm thủ cự phách khác, cùng Jimmy Earl chơi bass, Jeff Babko chơi key, và Wendell Brooks chơi kèn. Họ cùng nhau tạo ra Symbiosis rất hay vào 1995.


Hiromi trio cũng là một dự án khác khá thú vị giữa Simon Phillips, tay bass Anthony Jackson, và Hiromi Ueahara, nghệ sĩ piano jazz người Nhật. Quả là một sự kết hợp thú vị.


Một sự nghiệp đầy thú vị và có thể rất đáng tiếc nếu tui đã không có dịp nhắc đến anh trên EmoodziK hôm nay.


Bạn có thể tìm nghe playlist những bài có sự tham gia của Simon Phillips do EmoodziK tạo trên Spotify ở đây.


Hẹn gặp lại!


Kai

173 views

Recent Posts

See All
bottom of page