top of page

Ẩn sau giàn trống (Ep. 7): Anika Nilles

Updated: Dec 18, 2022

Các tay trống có lẽ luôn là người thiệt nhất trong ban nhạc về mặt hình ảnh, bởi khi mỗi lần biểu diễn thì họ thường bị che khuất bởi cả đống nhạc cụ trên giàn trống (chẳng nhẽ lạ ngồi quay lưng vào khán giả để được nhìn thấy nhiều hơn), còn khi không biểu diễn mà đi ra ngoài cùng band thì y như rằng sẽ bị ca sĩ chính với tay lead guitar làm lu mờ. Thậm chí ở nhiều nơi, khán giả còn không phân biệt được ông nào đánh trống hay chơi bass trong ban nhạc.


Nếu nhắc đến những tay trống cự phách ít ỏi có thể đại diện cho bạn nhạc, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay tới Don HenleyEagles. Khá hơn thì có thể là Phil Collins. Những tay trống hiếm hoi không hát mà vẫn nổi bật chắc cũng chỉ loanh quanh với Neal Peart của Rush. Câu hỏi khó của ngày hôm nay sẽ là: có bao nhiêu tay trống là người dẫn dắt và dám đưa bộ trống vào vị trí trung tâm nhất của ban nhạc, và tất cả các nhạc cụ khác đều trở thành vai phụ? Nếu đó là một cô gái nữa, thì độ khó của câu này chắc tăng gấp 10 lần.

Vậy nên sự hiện diện của Anika Nilles trong thế giới âm nhạc ngày nay mới thật hiếm hoi làm sao. Ấy là chưa kể em còn bắt đầu sự nghiệp khá muộn, mãi tới tận khi 26 tuổi. Anika khi đó còn đi làm công chức chán rồi xong cái quyết định dành thời gian làm tay trống chuyên nghiệp, dù được học hành bài bản từ nhỏ. Nghe đã thấy khó có cửa để thành công rồi.

Thế mới thấy chặng đường mà Anika đã phải trải qua dài như thế nào để có thể trở thành một cái tên ăn khách đi lưu diễn khắp nơi trên thế giới như hiện nay, người có thể chỉ cần ngồi trên giàn trống chơi một mình theo backing track nhạc của chính mình mà vẫn có người đổ xô tới xem. Nếu tính từ thời John Bonham ca cẩm “ai mà tới show để xem solo trống cơ chứ”, thì hẳn quãng đường còn dài thêm gấp bội.


Có lẽ sự cần mẫn và nghiêm túc của người Đức đã giúp cô gái trẻ này đạt được những thành tựu như hôm nay. Anika tự quản lý lịch diễn của mình, tự lo hậu cần và quảng bá xen kẽ với thời gian tập trống hàng ngày. Em còn tự lập ra ban nhạc NEVELL của mình với Joachim Schneiss chơi guitar, Patrick Rugebregt và Hilde Mueller chơi keyboard, Jonathan Ihlenfeld Cuñado chơi bass, và Santino Scavelli phụ trách bộ gõ. Điểm đặc biệt ư? Họ đều là nghệ sĩ không tên tuổi, nên việc quảng bá và đặt tour cho ban nhạc này xem ra còn tốn nhiều công sức cho bà bầu Anika hơn.


Nhưng Nevell cũng vẫn chỉ là Anika Nilles mà thôi, bởi vì thứ đầu tiên mà người nghe ấn tượng nhất từ âm nhạc của họ, cũng chính là thứ tạo ra sự khác biệt từ em, đó là “groove” trong tiếng trống của Anika. Tự nhận mình chịu ảnh hưởng nặng nề từ Jeff Porcaro, Anika Nilles luôn cho người nghe thấy – giống như thần tượng Porcaro của cô – khả năng làm chủ hoàn toàn bộ trống và khả năng ứng phó tuyệt vời trước nhịp phách. Cho dù câu cú khó và phức tạp đến đâu, Anika luôn khiến người nghe/xem có cảm giác em có thể thực hiện nó nhẹ nhàng mà không cần phải suy nghĩ. Bởi giống như Vinnie Colaiuta đã từng nhận xét, nếu chơi trống mà phải suy nghĩ thì sẽ bị chậm lại trước nhịp. Tui sẽ lấy ví dụ về video “Mister” của Anika Nilles sau đây và liệt kê nhẹ nhàng những điểm thú vị từ nó. Cấu trúc bài hát khá phức tạp nhưng hãy tạm chia thành 3 phần chính như sau.

Đoạn verse-chorus chính [00:20] tới [02:30]: 1. Groove từ tiếng snare: hãy để ý Anika bắt đầu đoạn verse với cách nện snare cứng đơ. Tui còn nhớ đã từng bị gọi như vậy là "đánh sai" vì “không để cho tiếng trống nảy lên”. Nhưng hãy để ý, thậm chí mỗi lẫn xuống snare, Anika còn kịp nghiêng người qua bên cánh tay trái như để "giảm lực" cho tiếng nện xuống. Tất cả những chi tiết dường như nhỏ nhất đều có chủ ý để tạo ra groove cho tiếng trống của Anika. Nó cũng gợi nhớ tới cách chơi “nhún nhảy” và swing của Ringo Starr, thứ mà cũng khối người từng càm ràm là “chơi trống mà bày đặt”. 2. Fill bằng hi-hat ngay sau tiếng snare (từ [00:36 tới 00:48]: hai câu sau của đoạn verse đã được thêm gia vị bằng cách tăng gấp đôi nhịp và gõ trên hi-hat sau tiếng snare, nhưng lại không lạm dụng cách đó để kìm cái sự hưng phấn trước khi vào điệp khúc. Thậm chí tiếng hi-hat cũng đôi lần được thay đổi với cách chập mở. Tại sao phải làm mất công như vậy?


3. Chùm 3 trên hihat bằng 1 tay: đoạn điệp khúc bắt đầu từ [00:50] và mặc dù trước đó Anika đã phô diễn kỹ thuật trên hi hat đầy linh hoạt, cách chơi double stroke ở hi-hat, nhưng trong 4 nốt đó nốt cuối lại "yên lặng" (ghost note), khiến cho phần hi-hat có cảm giác như là chùm 3. Chùm tiếng “ti-ka-tik-[câm]/ti-ka-tik-[câm]” ở đoạn này thay vì chém đều đều một-hai-ba-bốn như ở nhịp 4/4 thông thường, và khiến cho câu nhạc nghe đầy sự tò mò lôi cuốn.

Đoạn bridge từ [02:30] tới [03:23] 4. Đổi nhịp và tempo: có thể nói đoạn này là đoạn thú vị nhất mà thậm chí đến bây giờ nghe lại tui vẫn liên tục phát hiện ra những điều thú vị khác. Điều dễ nhận ra nhất là phần đổi tốc độ qua lại giữa phần nhịp 8 nghe lả lướt với đoạn tăng tốc nhịp 4 (hoặc 2?). Và rồi đến [03:08] thì Anika đã đổi hẳn sang polyrhythm với tay chơi ở một nhịp và chân ở một nhịp khác – tay chơi ở nhịp 8/8 trong 3 ô nhịp (có thể đếm từ 1 tới 24) khớp với chân chơi ở 2-5/8 ô nhịp còn lại (có thể đếm từ 1 tới 21). Nôm na một lần đập nhịp của tay thì bằng 8/7 (hoặc 24/21) so với một lần đập nhịp ở chân và cả hai sẽ chỉ có thể gặp nhau khi đã hết 3 nhịp. Cô này giỏi Toán! 5. Tiếng dồn tom mượt mà: một đặc sản khác của Anika Nilles. Có lẽ tiếng dồn Tom của em luôn gợi cho người nghe nhớ tới những tiếng vuốt trên dây đàn bass không phím béo mập. 6. Tiếng china cymbal: khỏi phải nói, ai có tiếng chèng chèng của china cymbal xen giữa tiếng ride cymbal là tui khoái. Từ Vinnie Colaiuta tới Mike Terrana.


Điệp khúc cuối và đoạn outro từ [03:21] tới [04:20] 7. Khả năng phán đoán tuyệt vời – những câu dồn trong đoạn này đều khá dài, luôn chiếm gần hết cả một ô nhịp, nhưng không phải vì thế mà câu fill được chọn để bắn liên thanh như Heavy Metal. Thay vào đó, Anika luôn có một khoảng không nhất định. Như ở phút thứ [03:34], dù có rất nhiều nốt được fill vào nhưng nếu chỉ nhìn tay phải (tay thuận) của Anika, câu dồn chính được nhấn nhá ngay ở đó. 8. Sử dụng thêm một snare phụ (màu đen): tiếng của chiếc snare phụ này độc chiêu lắm, nghe bụp cái ngắn ngủn thôi nhưng là một phần không thể thiếu trong màu sắc tiếng trống của Anika Nilles. Quan trọng hơn, nếu như nghĩ nhạc chỉ tập trung cho trống thì phần hòa âm chắc sẽ làm đơn giản bớt thì hóa ra lại càng … nhầm to. Bản thân Anika Nilles có thể sáng tác trên đàn piano, đàn bass (em thường xuyên nghĩ ra câu bass chủ đạo trước tiên), còn các đồng đội chơi nhạc của Anika, dù không phải là những nghệ sĩ tiếng tăm nhưng xem ra cách họ chơi đùa với hợp âm, tempo, nhịp lẻ, và cả polyrythm như trong mấy album của Anika thì xem ra cũng đáng nể lắm rồi. Thú thực là tui chưa thấy bài nào 4-gam trong các sáng tác của Anika Nilles.


Tui sẽ để thêm ở đây những ca khúc nổi nhất như “Synergy”, “Pikalar” và cả một vài ca khúc trong album mới nhất của Anika Nilles, hy vọng sẽ có thêm nhiều người lắng nghe và tự bật ra câu hỏi “tại sao cô có thể làm được thế nhỉ?”.

Hy vọng rằng đây đã là thời điểm câu hỏi “Ai mà đến nghe drummer?” sẽ có lời đáp. Nếu quả như vậy thì Anika Nilles hẳn sẽ xứng đáng có vị trí trang trọng trong lịch sử âm nhạc. Cũng phải thôi, vì nếu ngày nào âm ngạc với đàn và trống hãy còn làm say đắm lòng người, thì chắc hẳn những nghệ sĩ tài ba ngoài kia sẽ vẫn có cách biến tấu những nhạc cụ này để cho người nghe thấy hấp dẫn và có nhiều ngạc nhiên hơn. Phần thưởng xứng đáng nhất với Anika lúc này là được đi tour cùng Jeff Beck suốt năm 2022 vừa rồi. Thậm chí, có rất nhiều show phần kick drum được phụ trách bằng chân trái do chân phải của cô bị thương. Mới chỉ ra 3 album cho tới thời điểm này, tui tin tương lai của cô gái này sẽ còn nhiều sản phẩm thú vị nữa. Dù rằng, con đường mà cô chọn dường như vẫn chưa bớt thử thách đi chút nào. Hẹn gặp lại! Kai

233 views

Recent Posts

See All
bottom of page