Hồi bé tôi rất hay nghe những cuốn băng cassette tuyển tập những bài nhạc phổ biến từ những ngày xa xưa. Trong đó có một ca khúc tôi rất ấn tượng “Oh! Carol” của Neil Sedaka kể về những suy nghĩ của một chàng trai yêu tha thiết một cô gái dù tình cảm của anh ta không được đáp lại. Điều tôi không biết là câu chuyện đó hoàn toàn có thật của Sedaka kể về người bạn gái cũ thời trung học, Carole King. Điều tôi cũng không biết nữa là Gerry Goffin, chồng của King lúc ca khúc này được phát hành (1959) đã lấy phần giai điệu đó để viết lại lời, đặt tên cho nó là “Oh! Neil”, và ghi âm với giọng hát của King như một bản đáp lại lời tỏ tình của Sedaka.
Cùng với Neil Sedaka, Carole King và Gerry Goffin là những nhạc sĩ từng làm việc tại The Brill Building – tòa nhà nổi tiếng với biết bao nhiêu bản hit của nước Mỹ được sáng tác tại đây. Riêng King và Goffin được coi là cặp đôi thành công nhất, và từng là những tấm gương mà John Lennon và Paul McCartney đặt mục tiêu phấn đấu để trở thành những nhạc sĩ sáng tác bậc thầy giống như họ. Trong buổi gặp gỡ đầu tiên khi cả hai còn đang học đại học, Goffin đưa ra lời đề nghị đưa King về nhà. Trên đường, hai người họ thao thao bất tuyệt về một niềm đam mê chung với âm nhạc. Lúc bước vào nhà cô, thay vì lao lên phòng ngủ như bao cặp đôi mới quen khác thì King và Gerry lại tiến tới cây đàn piano của cô đặt trong phòng khách và họ đã cùng nhau ngẫu hứng sáng tác nhạc ngay tại đó. Sau khi cưới nhau vào năm 1959, Carole King và Gerry Goffin đã trở thành cặp đôi sáng tác huyền thoại tạo nên loạt những bản hit cho những năm 60, với King viết nhạc còn Goffin thì viết lời.
Đó là những bài như “Chains” thể hiện bởi nhóm The Cookies (mà sau này chính The Beatles cover lại), “It Might As Well Rain Until September” thể hiện bởi Bobby Vee, “The Loco-Motion” thể hiện bởi Little Eva – người lúc đấy còn đang làm bảo mẫu cho cô con gái của King và Goffin (ca khúc sau này cũng được Kylie Minoque cover), “One Fine Day” thể hiện bởi The Chiffons (sau này có nhiều nghệ sĩ cover lại, bao gồm Carpenters), “Pleasant Valley Sunday” thể hiện bởi The Monkees và dĩ nhiên không thể không nói đến “Will You Love Me Tomorrow” thể hiện bởi The Shirelles và “(You Make Me Feel Like) A Natural Woman” sáng tác dành cho nữ hoàng nhạc Soul - Aretha Franklin.
Chỉ nghe riêng phần nhạc mà Carole King sáng tác trong những bài nhạc này, có một sự quen thuộc một cách rõ rệt bởi chúng mang những âm sắc và không khí của thời kỳ đó. Bởi thế không ngoa khi nói cô và người chồng đầu tiên ngày đó là những người viết nên “bản soundtrack” cho thập niên 60, trở thành những tiêu chuẩn đặt nền móng cho lối viết nhạc mang đầy sức ảnh hưởng cho các lứa sau. Thời đó, các bài hát được sáng tác bởi King và chồng cô thậm chí thành công trên bảng xếp hạng nhạc R&B hơn cả nhạc Pop, một kết quả ngược hẳn với những bản hit của hãng Motown được biết đến như “ngôi nhà” chuyên dòng nhạc R&B này. Cũng bởi hòa âm mang chất liệu Rhythm và Blues của King phù hợp với nhịp điệu của âm nhạc phát triển bên nước Anh nên những nghệ sĩ đến từ Anh Quốc như The Beatles càng dễ học hỏi từ “cuốn sách giáo khoa” của cô để ứng dụng cho các bài nhạc của họ.
Không chỉ dừng ở trình độ sáng tác bậc thầy, các bản demo của cặp đôi King và Goffin khi được gửi tới hãng đĩa hay những nhà sản xuất nhạc mang một chất lượng hoàn thiện cực cao. Các bài hát đó không dừng ở lời hát và giai điệu chính cho người ca sĩ, mà nó được sắp xếp, phối bè với hòa âm giữa giọng hát và tiếng đàn piano của King, cùng với nhịp điệu ngắt nghỉ đầy đủ với tâm tư của King mong muốn sản phẩm hoàn thiện gần sát nhất với định hướng của cô và chồng. Nhờ đó mà có nhiều bài, người ta chỉ cần bỏ track vocal của King, thêm thắt chút nhạc cụ và thế là người ca sĩ có thể ghi âm luôn trên bản đó để phát hành. Nói một cách khác, Carole King từ ngày đó đã làm nhiệm vụ không chỉ của một người nhạc sĩ, mà cô còn hát và góp sức sản xuất cho bài nhạc của mình, điều khiến người ta sẽ đặt một câu hỏi lớn: Tại sao cô không dùng tài năng toàn diện của mình để phát hành nhạc phẩm solo?
Thế nên bài viết này của tôi sẽ tập trung vào Tapestry (1971) – một album để đời của Carole King. Tapestry bao gồm các sáng tác mới của King, ở thời điểm cô và Gerry Goffin đã ly dị, nên có những bài tự cô phải viết cả phần lời, và hai bài mà cô và Goffin đã thành danh trước đó, “Will You Love Me Tomorrow” và “(You Make Me Feel Like) A Natural Woman”. Qua Tapestry, King lại càng chứng minh khả năng sáng tác thiên phú, đã thành một trong những chuẩn mực, mà trong đó tôi muốn nhấn mạnh tới hai điểm giờ đã bị bỏ quên trong các bản hit của ngày nay: giai điệu đẹp và biến chuyển tông giọng.
Giai điệu đẹp
Những bài nhạc có giai điệu ở thời đại ngày nay vẫn tồn tại. Chúng có trong các bài của Adele, Hozier, Jessie Ware, Father John Misty, Billie Eilish, FKA Twigs, v.v. Nhưng không phải bài nào cũng tìm được vị trí của chúng trên top những bảng xếp hạng. Ở bài viết của EmoodziK về những đoạn bridge, các bản hit đa phần quanh quẩn 3-4 hợp âm chạy theo một trình tự không đổi từ đầu tới cuối bài. Điều này dẫn tới việc người viết nhạc có giỏi đến mấy thì cũng không viết ra được nhiều quãng nốt nhạc đẹp, rồi dần dà trở nên một màu, như trường hợp của Ed Sheeran. Thế rồi cũng do sự ảnh hưởng của xu thế đòi hỏi đoạn nhạc ngắn thật bắt tai để có thể viral trên Tik Tok, các bài nhạc cũng không còn được đầu tư chất xám để có thêm những biến đổi đẹp ngoài những đoạn nhạc câu khách đó. Đâm ra các bản hit ngày nay bị phụ thuộc rất nhiều vào khâu sản xuất nhạc, mà tôi muốn nêu một ví dụ tiêu biểu ở album Renaissance của Beyoncé, một đĩa nhạc tôi rất thích của cô, nhưng công bằng mà nói nếu gạt bỏ hết các lớp nhạc được sản xuất ở một đẳng cấp cao thì phần giai điệu hát còn lại không có nhiều thứ đáng để nhắc tới.
Thế nên, album Tapestry phát hành năm 1971 của Carole King với các lớp âm thanh mộc mạc chỉ càng nhấn mạnh một điều về âm nhạc thời kỳ đó: “Melody is King”.
Ở bài “Will You Love Me Tomorrow?”, đây là ca khúc mà King đã sáng tác cùng chồng cũ từ năm 1960. Chúng ta miễn bàn tới version R&B dập dình và hơi sôi động hơn chút của nhóm The Shirelles. Với độc cây đàn piano, King bấm tay trên những phím đàn và hát:
“Tonight you're mine completely
You give your love so sweetly”
Với tiết tấu chậm, ta cảm nhận được giai điệu nhẹ nhàng uyển chuyển. Thế nhưng khúc nhạc gây ấn tượng mạnh và đẹp nhất là khi cô hát câu sau: “Tonight the light of love is in your eyes”. Bởi hợp âm đằng sau chữ “Tonight” là hợp âm trưởng của nốt trung âm (bậc ba của nốt gốc), mà trong bản nhạc tôi đọc của bài này, khi ca khúc đang được chơi trên tông chính là C (đô trưởng) thì hợp âm ở khúc chuyển lại là E7sus, là một hợp âm hút tai người nghe đến Am, một hợp âm thứ đầy cảm xúc sau loạt những hợp âm trưởng trước đó, nghe rất bâng khuâng, đầy cảm xúc như phần lời tả những suy nghĩ của người con gái. Bởi thế có thể thấy chủ ý của Carole King khi sáng tác nhạc ở đây qua cách cô muốn chuyển đổi tâm trạng của bài ngay tại khúc đầu này, khiến cho ca khúc không chỉ thêm màu sắc mà nó đẹp lên rất nhiều.
Từ đầu thập niên 60, việc sử dụng một hợp âm kể trên như cách King đưa vào “Will You Love Me Tomorrow?” đã là một bước tiến khác lạ trong nền âm nhạc hiện đại. Ngoài kiến thức âm nhạc và kỹ thuật chơi đàn piano, từ nhỏ, King đã có đôi tai nhạy để thừa hưởng khả năng absolute pitch, cho phép cô biết được nốt nhạc nào đang chơi chỉ bằng đôi tai mà không cần tham chiếu về cao độ trước đó. Những người có khả năng như King có thể “nhìn” các âm thanh và phân biệt chúng tựa như người thường chúng ta phân biệt màu sắc khác nhau vậy. Do đó, khả năng này hẳn giúp ích cho King nhiều trong việc “nhìn” ra những nhóm “màu sắc” lạ mà hòa hợp cho ca khúc khi sáng tác.
Cũng phức tạp mà đẹp như vậy là bài “(You Make Me Feel Like) A Natural Woman” mà Aretha Franklin đã đưa nó lên tầm cao chót vót bằng giọng hát thiên phú của nữ hoàng nhạc Soul, thì kể cũng khó để Carole King thu âm lại theo version của mình cho nó hay hơn được. Nhưng đó lại không phải là ý đồ của King. Khi không ai có thể tiếp thêm bước cao nào nữa cho một bản thu âm hoàn hảo thì King lại đặt những bậc thang đầu tiên dẫn lối cho chúng. Thế nên một lần nữa, cách thể hiện đơn sơ chủ yếu qua câu đàn piano của King chỉ lại càng nhấn mạnh lại một sự thật, một ca khúc có cái gốc của giai điệu đẹp thì dù thể hiện theo cách nào đi chăng nữa nó cũng không bao giờ kém duyên đi tẹo nào. Ngay từ đoạn verse, sau hai câu hát đầu tiên, đến câu thứ ba, King sử dụng hợp âm mượn, không thuộc tông giọng của bài, khiến cho giai điệu ca khúc như nhảy qua nhảy lại hai bên bờ một dòng sông. Và để các hợp âm lạ xuất hiện không lạc lõng, các ngón tay của cô chuyển các hợp âm theo từng nhịp một giữa những khúc hát nghe rất mê.
Biến đổi tông giọng
Trong một episode của ông Rick Beato trên Youtube có đề cập tới chủ đề mang tên “The Disappearance of Key Changes in Modern Music”, liên quan tới một báo cáo nghiên cứu của một nhạc sĩ mang tên Chris Dalla Riva dưới tiêu đề “The Death of the Key Change” để nói về sự biến mất của phần chuyển tông giọng trong các bản hit của nhạc trẻ ngày nay. Riva đã nghe 1143 bài đứng số 1 trên Billboard Hot 100 được phát hành từ năm 1958 đến năm 2022. Phát hiện của Riva trên đồ thị tổng kết lại thì từ năm 2004 trở đi, dưới 10% số lượng các bài hit mới có phần biến đổi tông giọng. Tệ hơn nữa là trong giai đoạn thập niên 2010, chỉ có duy nhất một bản hit #1 có sử dụng kỹ thuật này là “Sicko Mode” của Travis Scott. Một số lý do cho sự đi xuống về độ phức tạp trong nhạc lý nằm ở sự trỗi dậy của Hip Hop, một dòng nhạc thiên về nhịp điệu và lời rap, và việc sản xuất nhạc trên máy tính (thay vì qua các nhạc cụ sống) sẽ đơn giản hơn nếu không động tới những biến đổi trong giọng điệu của một bài. Cho tới vài ba năm gần đây, đồ thị của Riva cho thấy số lượng bài đạt vị trí #1 mà có thay đổi tông giọng có tăng nhẹ lên mức ước chừng tầm 1-2%, mà trong đó ắt hẳn ca khúc “Leave The Door Open” của Bruno Mars và Anderson .Paak trong Silk Sonic là một ví dụ tiêu biểu của cách viết nhạc nhiều cung bậc đẹp mê hồn, nhưng cũng chỉ như một đốm sáng, lóe lên trên bảng xếp hạng trước khi vụt tắt.
Nhìn ngược lại về những năm 60 và đầu thập niên 70, giai đoạn huy hoàng của Carole King, mỗi năm luôn luôn có 30% - 40% các bản hit có sử dụng đến việc thay đổi tông giọng. Do vậy, quay lại với album Tapestry của King, không có gì là lạ khi các sáng tác của cô luôn chứa đựng những bất ngờ này.
Trong ca khúc đầu tiên “I Feel The Earth Move” mang phong cách Pop Rock với tiết tấu nhanh, King mở đầu khúc hát bằng ngay điệp khúc ở giọng thứ, nhưng khi về lại đoạn verse “Ooh, baby …”, cô chuyển sang giọng trưởng, làm cho cảm giác hơi chững lại của khúc chuyển đó càng nổi bật. Trong bài “It’s Too Late”, một lần nữa King sử dụng một giọng thứ và một giọng trưởng để nhấn vào sự khác biệt giữa verse và điệp khúc, chỉ khác là lần này đoạn verse ở giọng thứ có chút sâu lắng, đối lập với sự tràn đầy trong điệp khúc chơi ở giọng trưởng. Phức tạp hơn là “Beautiful”, với loạt các hợp âm lạ và những biến đổi liên tục, tựa như thứ nhạc chương hồi mỗi khi đổi tông của bài. Chậm lại chút, “Way Over Yonder” mang âm hưởng Gospel mượt mà, kéo dài một tông nhạc cho đến sau đoạn bridge, cả bài được nâng lên 1 cung nhạc đến sáng bừng. Đây cũng là cách chuyển khá là phổ biến mà sau này ta có thể nghe được trong các ca khúc của Michael Jackson, như “Man In The Mirror” hay “Heal The World”.
Có thể thấy cách viết nhạc của Carole King sáng tạo và mới mẻ nhờ việc cô luôn mày mò nhiều hợp âm khác nhau trong lúc sáng tác, rồi tìm cảm hứng từ các “sắc màu” cô “nhìn” thấy trong đầu, mở ra các con đường chưa khai phá, dẫn dắt bài nhạc đi tới những không gian hoàn toàn mới. Ngoài ra, điều tôi thích trong âm nhạc của Tapestry là cách bàn tay trái của King, ngoài việc chơi các hợp âm ở dải trầm để tạo nên màu sắc riêng, còn tạo ra những nhịp điệu qua những phím đàn được nhấn, lúc vào cùng nhịp, lúc thì đảo phách, khiến cho một mình cô và cây đàn piano làm nên cả một bài hát hoàn chỉnh nhờ đôi tay vẽ nên cả một bầu không gian nhạc,
Đây cũng là điểm khác biệt khi nghe ca khúc “You’ve Got A Friend” nổi tiếng trong album Tapestry, so với bản mà James Taylor – người bạn của King, một nhạc sĩ quá giỏi để phải đi xin nhạc của người khác mà vẫn không cưỡng nổi ý muốn mượn bài này từ King để thu âm trong album Mud Slide Slim And The Blue Horizon. Version của Taylor được chơi trên nhạc cụ chủ đạo là guitar thùng lại trở nên phổ biến hơn khi khắp các kênh radio bật ca khúc do ông thể hiện, thay cho bản của King. Dù Taylor không phải là người mà King nghĩ tới khi sáng tác ca khúc này, nhưng câu hát “I’ve seen lonely times when I could not find a friend” trong bài “Fire And Rain” của Taylor lại là nguồn cảm hứng cho King sáng tác ra “You’ve Got A Friend”. Ca khúc đó tựa như một nguồn cảm hứng thuần khiết nhất mà cô cảm nhận được và cứ thế tuôn ra trên phím đàn không hề một chút gượng ép.
Trong version của Carole King trong đĩa Tapestry, phần piano intro chơi bật lên được cảm xúc của khúc nhạc chuyển từng hợp âm từ A đến G#m7 và C# (đều là hai hợp âm mượn) trước khi hút về hợp âm F#m đầu của giai điệu bài, khi nốt E (trong hợp âm A) bước dần xuống D#, C# và C. Cũng như vậy, tại các khúc đổi chùm hợp âm liền nhau theo mỗi nhịp, cây đàn piano dưới những ngón tay mượt mà của King lại được dịp “hát” cùng cô nhiều hơn, và càng hiệu quả trong những khoảnh khắc chuyển đổi tông giọng của bài. Và để nói vui mồm thì bản của Carole King hẳn là “hay” hơn của James Taylor ở điểm, Taylor có đệm đàn guitar cho bài của King, nhưng King lại không tham gia thu âm piano cho bản của Taylor. Như vậy là bài của Taylor đã thiếu vắng hẳn một lớp nhạc cụ quan trọng.
Hơn nữa, bên cạnh ca khúc “I Feel The Earth Move” và “(You Make Me Feel Like) A Natural Woman”, chỉ có thêm “You’ve Got A Friend” là những bài mà Carole King kịp mượn được cây đại dương cầm Steinway hoành tráng đặt trong Studio C ở A&M Recording trong 3 giờ đồng hồ để thu âm trong một buổi tối. Ngày đó, cô chỉ book được Studio B bên cạnh để ghi âm phần lớn album Tapestry, do Joni Mitchell đã đặt chỗ tại Studio C từ trước đó. Qua cây Steinway, tiếng đàn vang và ấm áp trong “You’ve Got A Friend” lại càng thể hiện được tài năng của cô bé Carol Joan Klein ngày nào còn đang bỡ ngỡ nhưng hứng thú tập chơi lại những bài nhạc phát trên radio.
***
Âm nhạc trong album Tapestry của Carole King đều là những bài nhạc nhẹ nhàng, giai điệu chính ra không hề quá cầu kỳ, nhưng cái hay và cái đẹp nằm trong những nốt nhạc trầm bổng một cách tự nhiên, và sắc thái biến đổi tinh tế. Như trong “It’s Too Late”, King kết bài ở một hợp âm không thuộc tông giọng của bài, tạo một cảm giác thiếu giải tỏa, đúng như tâm trạng còn vương vấn của nhân vật khi kết thúc mối tình của mình. Và một bài hát không thể không nhắc tới chính là “Tapestry”, ca khúc cùng tên album. Dù không có một đoạn điệp khúc thật là bắt tai, thay vào đó chỉ là những phần verse và một đoạn bridge ở giữa, nhưng cả bài hát vẫn tạo sự cuốn hút qua trình độ sáng tác nhạc bậc thầy với đầy đủ sự biến thiên qua giai điệu và âm giai. Và đây cũng là một trong những ca khúc thể hiện sự tinh tế trong cả cách thể hiện bài hát của chính người tạo ra chúng bằng cả trái tim. Không cần một giọng hát thiên phú, sự mượt mà và tình cảm trong tiếng hát của King dẫn dắt người nghe qua câu chuyện, để rồi cô tạo khúc lặng phía cuối đoạn bridge khi hát “And his hand came down emp… …ty”. Cả tiếng hát và tiếng đàn piano cùng ngưng đột ngột sau chữ “emp..” trong khoảnh khắc, trước khi hát nốt câu lại càng tăng phần ý nghĩa của lời hát.
Bảo sao mặc dù giọng hát của Carole King không thuộc hàng xuất sắc, nhưng sự mộc mạc và những rung động của người nhạc sĩ đã “sinh ra” những tuyệt khúc này vẫn mang lại cái cảm xúc theo một cách thuần khiết và vô cùng gần gũi. Để rồi ta phải trộm nghĩ với những bản hit #1 ngày nay, nếu được phối lại theo phong cách mộc như này thì liệu có bao nhiêu bài sẽ còn đọng lại được trong tâm trí người nghe?
Hẹn gặp lại!
Kroon