Ông của Travis Scott là một nhà soạn nhạc Jazz chuyên nghiệp. Người chú thì chơi bass. Bố của anh thì chơi trống. Travis còn được bố tặng cho hẳn bộ trống khi anh mới lên ba. Anh tập trống một thời gian khá lâu, không như cây đàn piano một thời anh từng học thử. Như Travis bảo với Complex Magazine là “chơi piano không kiếm được gái”. Rồi khi anh lên show của Jimmy Fallon, Travis chia sẻ là sau anh cũng bỏ chơi trống vì cũng “không kiếm được nhiều gái”, khiến cho Fallon phải quay ra nhìn đểu Questlove – anh drummer râu ria của ban nhạc The Roots.
Kể ra thì những quyết định của Travis Scott như việc không làm nhạc sĩ “truyền thống” giống mấy bậc cha chú cũng phản ánh đúng với dòng nhạc thời đại mới mà anh này theo đuổi. Nên đó là những khó khăn khi tôi tiếp cận nhạc của Travis. Nếu như các bạn theo dõi trên trang web của EmoodziK, các bạn sẽ thấy những rapper được nhắc đến đều đa phần là những người ở thế hệ thập niên 90 và đầu những năm 2000. Thi thoảng chúng tôi ôn lại về những đàn anh thuộc thế hệ trước đó, nhưng ít khi là những rapper trẻ ngày nay. Những nghệ sĩ có thời gian hoạt động nghệ thuật muộn hơn chút, tính từ cuối thập niên 2000 mà EmoodziK có viết, bao gồm Tyler, The Creator, Vince Staples, Earl Sweatshirt, A$AP Rocky, Anderson .Paak, Childish Gambino, J.I.D, Noname và Denzel Curry, tính ra chỉ chiếm hơn 10% các bài viết trong thể loại Hip Hop, và họ đều đa phần có một điểm chung. Đó là phần lời được đầu tư công sức sáng tác một cách chỉn chu, ít nhiều đáng để người nghe đọc và ngẫm.
Đáng nhẽ đó là điều hiển nhiên cần phải có trong nhạc Hip Hop chứ nhỉ? Tôi thường nghĩ vậy. Nên đó luôn là một trong những yếu tố gây cản trở khi tôi tìm nghe nhạc của Travis Scott. Những đoạn rap với flow trôi chảy liền mạch không nhiều và bị lấn át bởi những đoạn lời bị autotune theo giai điệu, trên nền nhạc trap thời thượng, nhưng lại không hợp với đôi tai già nua của tôi.
1. Thứ nhất là Autotune
Album đỉnh nhất của Travis Scott là Astroworld phải không ạ? Hình bìa đĩa này xuất hiện nhiều đến mức nó đã để cho tôi một ấn tượng đây là một trong những nhạc phẩm Hip Hop kinh điển của thời đại mới. Nhưng ngay từ track đầu tiên “Stargazing” là tràng autotune, cao có, trầm có, trên mọi nốt nhạc của phần vocal giai điệu, chứ không phải rap. Rồi đến “Carousel”, cũng lại tiếp tục autotune, kể cả với đoạn rap chậm rãi của Travis.
Hiệu ứng autotune khi dùng để biến đổi hoàn toàn giọng của một nghệ sĩ luôn khiến tôi mất hứng thú để nghe tiếp, bởi nó làm mất đi nét riêng và cá tính trong chất giọng của mỗi người, kể cả đó là một ca sĩ hay một rapper. Qua autotune, mọi người nghe đều giống nhau. Vì thế với tôi, autotune nếu được dùng một chút, vừa phải, hoặc để tạo hiệu ứng những đoạn nhạc cần thiết thì thật sự rất thú vị. Còn trong trường hợp autotune được dùng hoàn toàn cho một đoạn verse và/hoặc phần hook thì đó phải là giai điệu lên xuống cực kỳ hay, mà ví dụ tiêu biểu chính là đĩa 808s & Heartbreak của Kanye West.
Tôi nhớ Jay Z đã từng phải tung ra bài "D.O.A. (Death of Auto-Tune)" vào năm 2009 với đoạn lời “Y'all n****s singing too much / Get back to rap, you T-Pain'n too much (uhh, uhh!)” có nhắc đến T-Pain như một ví dụ tiêu biểu của một nghệ sĩ chuyên dùng autotune. Nhưng có vẻ lời phê bình của một người anh trong giới không xi nhê gì. Nhạc Hip Hop vẫn biến chuyển. Autotune vẫn thịnh hành và được các rapper thế hệ sau dùng nhiều như thể các cầm thủ guitar nhạc rock vẫn phải chơi qua phơ tè vậy.
2. Thứ hai là tiếng hi-hat
Một trong những đặc trưng của nhạc Trap, không chỉ thấy trong nhạc của Travis Scott, mà cả trong một số bài của những rapper trẻ EmoodziK từng viết như J.I.D, Denzel Curry, A$AP Rocky, là tiếng hi-hat đánh chùm ba ở tốc độ rất nhanh. Hi-hat trong các dòng nhạc khác được đánh một cách đều đặn để giữ nhịp. Nhưng ở nhạc Trap, tiếng tẹt tẹt tẹt đó được tôn lên rất rõ và ở nhịp độ cao, có lúc tăng tốc ngay trong một khuông nhạc nhanh đến độ một nhạc công cũng không thể chơi lại được trên giàn trống. Sự khai sáng của cách program tiếng trống với âm thanh hi-hat chơi theo chùm ba trong nhạc Trap này thuộc hàng những khám phá lớn trong âm nhạc mới ngày nay. Nó gây choáng váng với nhiều producer đang tìm kiếm thứ âm thanh thời thượng. Nó ảnh hưởng lan tỏa tới cả dòng nhạc Pop.
Nhưng với tôi, tiếng hi-hat với vai trò giữ nhịp chỉ nên chìm ở phía sau. Nếu nó được căn chỉnh volume to hẳn lên và đặt ngay ra phía trước, âm thanh đó tự dưng gây phân tâm giống như tiếng dao băm chặt tỏi, băm vụn bài nhạc. Do đó, thứ cản trở ở nhạc Trap với tôi, như trong đĩa Astroworld của Travis còn là âm thanh loẹt xoẹt như thể đang gây nhiễu phá sóng hai bên tai.
3. Thứ ba là lời rap ít
Nhạc Hip Hop từ thuở sơ khai đã chỉ là những vần thơ được đọc trên nền beat nên lời lẽ phải là yếu tố trọng tâm của một bài. Cả khi vai trò của DJ / producer ngày một quan trọng hơn với những màn phù phép biến đổi màu sắc cho beat thì lyric vẫn là thứ chứng tỏ tài năng của một rapper. Điều đó đáng lẽ là như vậy.
Nhưng với những thay đổi đến chóng mặt của âm nhạc, nói riêng trong thể loại Hip Hop, người yêu nhạc trẻ không phải ai cũng đặt yếu tố lời rap lên hàng đầu như trước nữa. Vì lẽ đó mới có nhánh mới như Mumble Rap mà các đàn anh như Snoop Dogg hay Eminem đều mở lời chê bai.
Với Travis Scott, bên cạnh hiệu ứng autotune, vẫn có những lúc anh chêm vào từ “yeah” được đẩy tông cao lên (dĩ nhiên bằng autotune) ở giữa các câu rap, làm cho những khoảnh khắc đó gợi người nghe chợt nghĩ tới Mumble Rap. May thay, Travis Scott không phải là một mumble rapper. Anh rap rõ từng từ từng chữ, và có lúc cũng “nhiều lời” như bao rapper truyền thống khác. Có điều những khoảnh khắc đó xảy ra không nhiều, bởi vì cái mà Travis tập trung chỉ là thể hiện bài nhạc phần lớn theo hướng nửa hát nửa rap.
***
Tôi đã định bỏ cuộc khi nghe mấy bài đầu trong album Astroworld (2018) của Travis Scott vì những lý do như vậy đó. Rồi cả album Birds In The Trap Sing McKnight (2016) cũng thế.
Nhưng rồi một lần tôi bật thử album Rodeo (2015). Bài đầu tiên “Pornography” có phần mở đầu tương tự như “Stargazing” của Astroworld. Sau câu intro của T.I., Travis cất giọng những câu ngân nga lời theo giai điệu qua hiệu ứng autotune, không quá hay, nhưng khá chill. Sự thiếu vắng tiếng tẹt tẹt của hi-hat níu giữ tôi lại.
Đến đúng 2 phút 2 giây của bài, tiếng đàn piano ấm áp xuất hiện làm biến chuyển bài rap khi được chơi các hợp âm từ cao xuống thấp, giọng T.I. tiếp tục đọc lời chậm rãi.
Đến 2 phút 31 giây, Travis bỗng rap một tràng: “Wake up, n****, gotta get the cake up, n**** / N****s in the bushes in the farms, might gotta rake up a n**** …”
Tôi “bừng tỉnh” thật... Giọng Travis hơi khàn, nghe rất giống với giọng của Kanye West, và flow thì rất mượt nhờ cách gieo vần rất cuốn. Còn nhạc thì thay cho không gian âm nhạc chậm rãi có phần mơ màng trước đó với tiếng trống chỉ lơ lửng qua âm thanh lo-fi, nhạc cụ này nổi lên một cách đầy đặn, cùng tiếng guitar điện rè thay đổi hẳn không gian âm nhạc.
À lên một tiếng trong đầu, khoảnh khắc “wake up” đã khiến tôi nhận ra rằng Travis Scott là một người làm nhạc chứ không hẳn là rapper. Với âm nhạc của anh này, lyric không hẳn là trọng tâm của bài Hip Hop, mà nó như một nhạc cụ hòa cùng ý đồ nhạc mà Travis làm. Hay nói một cách khác, Travis Scott không làm nhạc Hip Hop!
Đúng như lời phát biểu của Travis sau này tôi có đọc, “I’m not Hip Hop”, tôi nhận ra rằng các album của anh là những bài nhạc được sản xuất không nằm trong những “giới hạn” của nhạc Hip Hop nói riêng. Chuyện anh rap không nhiều là một điều hiển nhiên, nhưng kể cả nhánh Trap cũng không bó buộc được Travis.
Đầu tiên là trống luôn được anh đặt làm trọng tâm nên Travis làm trống rất hay. Bỏ qua tiếng hi-hat khó ưa của dòng Trap, tiếng kick và snare luôn được anh đặt ở các nhịp phách gây kích thích đôi tai. Travis còn khéo ở chỗ khi tạo sự biến đổi chúng để vượt xa khỏi lối mòn bị lặp một cách đơn điệu trong beat của Hip Hop nói chung, và của nhánh Trap nói riêng.
Bài “Pornography” ở trên là một ví dụ, đến ngay track tiếp theo “Oh My Dis Side”, sau nửa đầu chậm rãi với đoạn lời lặp nhàm chán thì tới nửa sau, tiếng bass cùng kick drum chơi đảo nhịp nghe như một bài khác hẳn. Bài “3500” sau đó thì bị cắt ra nhiều khúc nhỏ hơn, lúc trống liên tục, lúc lại ngưng. Không chỉ vậy, các âm sắc đàn synth khác nhau, hoặc đôi lúc là nhạc cụ live sẽ được thay đổi, để đảm bảo một track của Travis không có sự đơn điệu. Bảo sao một bài dài tới gần 8 phút như “3500”, một thời lượng dài hiếm thấy trong nhạc Hip Hop, nghe vẫn không hề nhàm chán.
Nhìn lại các bản beat Hip Hop, nếu không phải nhịp trống được giữ nguyên từ đầu đến cuối thì câu riff của nhạc cụ được sample sẽ rất ít khi bị thay đổi. Vòng lặp theo cụm 2 hoặc 4 khuông nhạc một là thứ phổ biến.
Nhưng nhạc của Travis Scott phá vỡ các quy luật đó. Cấu trúc một bài Hip Hop nói chung, hay nhạc Trap nói riêng thường dễ dàng phân biệt theo verse và hook với độ dài không đổi. Nhưng nhạc của Travis có thể verse chỗ này, hook chỗ kia, rồi instrumental break và biến chuyển beat xuất hiện vô cùng bất ngờ. Vòng lặp không có trong “từ điển” làm nhạc của anh, khiến cho tôi trộm nghĩ, có khi nào nếu ta ví autotune như tiếng phơ tè của đàn guitar điện trong nhạc Rock, thì cách đổi nhạc liên tục của Travis lại còn giống cả Progressive Rock không. Dĩ nhiên là tôi vẫn không thích tiếng autotune kia, nhưng may thay những thay đổi trong không gian âm nhạc mà Travis tạo ra lấn át tất cả những gì tôi không ưa trong ấn tượng ban đầu khi nghe nhạc của Travis.
Việc học trống của anh từ ngày nhỏ dưới định hướng của bố chắc chắn đã giúp ích cho Travis Scott dành hết tâm trí để tạo nên phần xương sống vững chắc. Ảnh hưởng âm nhạc của ông chú chơi bass hẳn giúp anh chọn các nốt bass điện tử rất hay cả về cao độ lẫn nhịp điệu. Ảnh hưởng nhạc Jazz của người ông hiển nhiên giúp anh có cảm hứng sáng tạo vượt qua những rào cản khuôn mẫu của làm nhạc.
Sau album Rodeo với loạt các track đầy ấn tượng, tôi vẫn hơi dè chừng với đĩa Birds vì quá nhiều autotune và chỉ ưng mỗi “Goosebumps” và “Pick Up The Phone”. Tuy nhiên với Astroworld, sau khi đã hiểu được ý đồ làm nhạc của Travis, cả album là một trải nghiệm trọn vẹn đối với tôi. Album này có thể không lạ lẫm như Rodeo, nhưng lại chỉn chu và nhất quán hơn, dù số lượng tracklist lên tới 17 bài. Rồi ngoài nhạc phẩm hợp tác cùng Quavo mang tên Huncho Jack, Jack Huncho (2017) nghe hơi nhàm chán, tôi rất kết chất nhạc trong JackBoys (2019).
Biết là không phải bài nào anh cũng tham gia sản xuất beat cho chúng, nhưng chắc chắn Travis đóng vai một người nhạc trưởng để sắp xếp nhạc theo ý tưởng của anh.
Trong bài “Piss On Your Grave”, tôi nghe thấy âm hưởng Rock với guitar rè và các câu dồn trống và tiếng cymbal vang dội chắc chắn là ý đồ của Travis, bên cạnh những âm thanh thô ráp đến từ Kanye West tựa như phong cách của album Yeezus (mà Travis có tham gia produce bài “New Slaves”). Trong bài “Maria I’m Drunk”, tôi nghe thấy tiếng đàn piano lo-fi hơi méo tiếng giống như bởi các dây đàn không được căn chỉnh. Trong “I Can Tell”, tôi nghe thấy âm hưởng phong cách làm nhạc của Kanye trong album 808s & Heartbreak. Trong “R.I.P. Screw”, tôi nghe được tiếng synth bass hơi trầm chơi đối ẩm với tiếng synth khác nhẹ bỗng bay bổng ở trên. Trong “Stop Trying To Be God”, tôi nghe được tiếng kèn harmonica réo rắt, hóa ra do Stevie Wonder thể hiện, thứ nhạc cụ đáng nhẽ phải rất khó hợp trong một bài nhạc Hip Hop. Trong “Wake Up”, tôi nghe được âm thanh mộc mạc guitar thùng, hóa ra chơi bởi John Mayer…. và nhiều nhiều nữa…
Tôi có cảm giác thay vì tập trung đầu tư sáng tác lời rap điệu nghệ, công sức của Travis Scott dành cho phần nhạc được làm một cách khéo léo và có tính toán. Bởi thế nên những khách mời trong các track của anh dường như phô diễn được hết những gì hay nhất của họ. Bài “Goosebumps” như mâm cỗ dọn ra đầy đủ để Kendrick Lamar thỏa sức vừa rap, vừa hát với nhiều kiểu giọng điệu khác nhau. Bài “The Ends” thì như một thế giới mới khai phá cho kiểu rap không liền mạch xen lẫn với ngân nga câu hát vô cùng hay của André 3000.
Kể cả với những ca sĩ, giống như The Weeknd cũng thể hiện sự linh hoạt của anh trong cách thể hiện giọng hát với “Pray 4 Love” và ngọt lịm xen lẫn dấm dẳng trong “Wake Up”, như James Blake cũng tìm được không gian phù hợp để anh hát đoạn outro trong “Stop Trying To Be God”, hoặc đến như Justin Bieber cũng dường như chưa bao giờ từng hát hay hơn thế trong “Maria I’m Drunk”.
Vậy nên để trả lời câu hỏi của chính tôi ở tựa đề bài viết “Nhạc Hip Hop của Travis Scott hay ở chỗ nào?”, tôi nhận ra câu hỏi đúng phải là “Nhạc của Travis Scott hay ở chỗ nào?”.
Nhạc của Travis hay ở tất cả những điểm tôi vừa nói ở trên, trừ đi 3 thứ gây mất hứng thú mà tôi nhắc lại ở đây để các bạn chẳng may có quên, đó là: autotune, hi-hat và ít lời rap. Sau phép trừ đó, những thứ còn lại vẫn đủ nhiều để giờ tôi có thể tìm được sự hứng thú khi nghe nhạc của anh này.
Còn với những ai không bị tụt hứng bởi 3 điều trên thì tôi tin chắc các bạn có thể thưởng thức âm nhạc của Travis Scott thực sự trọn vẹn.
Xem ra quyết định bỏ việc chơi nhạc cụ để kiếm gái ngày trước của anh cũng đúng đắn đấy chứ. Nó không phải là việc anh dập tắt tình yêu với âm nhạc, mà là lựa chọn một lối đi phù hợp với giới trẻ hơn, mà vẫn có được sự phức tạp và tinh tế theo cách riêng của anh. Và thế là anh vẫn làm được nhạc, mà lại vẫn kiếm được gái. Rất đẹp là đằng khác!!!
Hẹn gặp lại!
Kunt