Nhắc tới những nữ nghệ sĩ của thời đại như Nicki Minaj, Billie Eilish, hay Lady Gaga là nhắc tới sự phá cách và sự can đảm dám thử sức ở những con đường mới. Họ còn là những người mang tới sự kích thích trong sự pha trộn giữa âm nhạc và hình ảnh. Và có một điểm chung của tất cả những cô gái này trong sự sáng tạo và phá cách của họ: niềm cảm hứng đến từ Cyndi Lauper.
Nhưng đã từng có khoảng thời gian như ở cuối thập niên 80s. Cyndi Lauper nhốt mình trong căn phòng ở khách sạn Mayflower ở New York trong thời gian viết và thu album thứ ba của mình, A Night To Remember (1989), thứ mà cô ưa gọi là “A Night To Forget” hơn cũng vì sự can thiệp quá đám của hãng đĩa thích làm tiền. Lúc nào Cyndi cũng có cảm giác mình chỉ cách 2 bước là có thể nhảy ra khỏi ban công khách sạn, trong khi bản thân cô chìm trong giai đoạn trầm cảm sau khi bỏ người yêu cũng là quản lý của mình, David Wolff. Thay vì nhảy xuống, mỗi ngày cô đều đi tới studio để viết và thu âm, và rồi chỉ để ngồi đó trong một căn phòng tối om và uống vodka, thứ mà Cyndi vốn cũng chả thích. Cô ngồi đó và nói chuyện một mình với mặt trăng, thứ ánh sáng duy nhất rọi qua cửa sổ, và rồi kết thúc bằng việc khóc nức nở. Thứ duy nhất giữ cho Cyndi Lauper không tìm đến cái chết, có lẽ là khi cô tưởng tượng ra những cái tít báo cùng vẻ mặt hả hê của đám phê bình, rằng đứa con gái từng muốn “have fun” nay đã không còn cơ hội!!! Cyndi Lauper đã không dám nghĩ mình là người can đảm hay hèn nhát nữa.
Nhiu đó đủ để thấy sự xuất hiện của Cyndi Lauper và ca khúc “Girls Just Wanna Have Fun” và album đầu tay She’s So Unusual (1984) đã thay đổi bộ mặt âm nhạc đến như thế nào. Bước ra không từ đâu cả, Cyndi Lauper với bộ dạng lôi thôi lếch thếch từ những bộ quần áo chắp vá và mái tóc luôn có màu chói, đã tự mình làm nhạc cùng với chỉ 5 nhân vật khác trong phòng thu để rồi cùng nhau viết và hòa âm cho một loạt các ca khúc như “She Bop” hay “Time After Time” cũng như làm mới những bản cover của những ca khúc như “When You Were Mine” của Prince, hay “Money Changes Everything” của The Brains. 4 trong 5 nhân vật đó gồm hai anh Rob Hymann và Eric Bazilian từ band The Hooters, cùng hai nhà sản xuất Rick Chertof và Bill Wittman, và nhân vật còn lại là bộ drum machine. Họ đã không cần tới một tay trống thứ thiệt và thay vào đó, với việc Cyndi Lauper muốn kết hợp giữa thể loại Dance Electronic và nhạc Reggae, họ đã thu âm phần trống qua phơ reverb và tạo ra hiệu ứng “gated reverb” trong tiếng trống, y như cách mà Phil Collins đã trở nên rất nổi tiếng sau này.
Nhưng cũng giống như việc Cyndi Lauper rất chắc chắn về gu thẩm mĩ có phần kỳ quái của mình, cô cũng rất chắc chắn về khả năng làm nhạc. Chẳng hạn như lần Rick Chertof mang tới một bài hát từ một gã tên là Robert Hazard, tên là “Girls Just Want to Have Fun” vốn kể chuyện theo góc nhìn của một gã đàn ông về một cô gái mà gã có dịp qua đêm:
I come home, in the mornin' light
My mother says, "When you gonna live your life right?"
Oh momma dear, we're not the fortunate ones...
Đúng rồi, trong khi gã đó tính kể lại cho bố/mẹ gã ngày hôm sau rằng “We are the fortunate ones”, Rick và Cyndi đã có một ý tưởng hay hơn khi nhanh chóng tưởng tượng ra những lời lẽ đó được hiểu là từ phía một cô gái. Ý tưởng về một bản “anthem” dành cho nữ giới cứ lặng lẽ bám lấy Cyndi khi cô và Rob tiếp tục phát triển và sửa lại lời bài hát.
Cyndi Lauper sau đó nhờ Rob chơi lại hợp âm của bài “Girls” này với màu sắc Reggae cùng với Eric Bazilian chơi một đoạn riff theo kiểu nhạc Motown, và thế là bài hát tự nhiên có một sức sống khác hẳn và cùng với ý đồ tạo ra một bản anthem tôn vinh nữ quyền. Đúng rồi, từ góc nhìn của người sáng tác là nam giới, cô gái trong bài muốn được “vui vẻ”, và nay khi bài hát đã là từ góc nhìn của phụ nữ, đó là việc các cô gái cũng cần được “chơi” hết mình.
Nhưng “Time After Time” mới là nhạc phẩm thể hiện hết tài năng của Cyndi Lauper. Luôn phải nén lòng vì còn phải phụ thuộc hãng đĩa, cũng như việc đây mới chỉ là album đầu tay của mình, Cyndi Lauper lẳng lặng góp nhặt những lời lẽ hay cô ghi lại được như khi Rob nhắc tới “suitcase of memories” ở đâu đó, hay ý tưởng nằm dài trên giường “Lying in my bed I hear the clock tick” đúng nghĩa tới từ thực tế cái đồng hồ trong nhà của Cyndi kêu rất to; và cả phần lời “the second hand unwinds” cũng là từ cái đồng hồ chập cheng của Rick. Lần đầu tiên Cyndi cho Rick nghe bài hát, anh đã nhanh chóng nhận ra tiềm năng của bài này và đóng hết các cửa trong phòng thu vì sợ ai đó sẽ copy mất.
Và bất ngờ hơn cả, Cyndi Lauper đã chiến thắng hãng đĩa trong việc chọn ra single đầu tay của mình. Với “Girls Wanna Have Fun” thay vì “Time After Time”, bởi cô không muốn mình bị đóng khung vào hình ảnh cô gái hát ballad ngay từ ngày đầu – thứ mà chắc chắn khán giả sẽ định hình trong đầu với sức nặng của bài “Time”, một bài ballad.
Album She’s So Unusual đã được đề cử tới 7 giải Grammy năm 1985, thắng 2 với giải nghệ sĩ mới xuất sắc nhất và album nhìn “chất” nhất chứ không phải album hay nhất!
***
Nói Cyndi Lauper bước ra không từ đâu cả thì cũng hơi quá, bởi vì trước đấy Cyndi Lauper dù sao cũng đã khá nổi tiếng trong giới chơi nhạc ở New York với việc sở hữu giọng hát tới 4 quãng 8, ngoại hình nổi bật với phong cách nửa Punk Rock dễ gây chú ý, cùng với việc tham gia những ban nhạc chất lượng nhưng ít tiếng tăm hơn như Blue Angel – ban nhạc từng gây chú ý với quản lý của ban nhac Allman Brothers với bài hát “Maybe He’ll Know”. Nhưng đúng là mọi thứ đã không trải thảm cho cô gái này.
Vốn là một cô gái khá nền nếp trong một gia đình căn bản ở New York, cuộc đời Cyndi Lauper và các anh chị cô đã thay đổi khi bố mẹ bỏ nhau, và càng lớn lên Cyndi càng phát hiện ra cha dượng của mình bệnh hoạn. Cyndi bỏ nhà ra đi sau khi phát hiện lão nhìn trộm mình trong phòng tắm.
Bôn ba khắp nơi, Cyndi Lauper làm đủ thứ nghề để kiếm sống trong khi cố gắng đi học ở trường đại học Nghệ thuật. Nghèo, Cyndi thậm chí đã phải đi nhảy thoát y để kiếm tiền mua loa monitor mang đi diễn mỗi tối, bởi tối nào cô cũng phải gào hết sức tới mất giọng, chỉ để nghe thấy giọng mình giữa tiếng đàn trống và cả các tiếng ồn trong các quán bar. Ban nhạc đầu tiên của cô, Blue Angel, những tưởng đã ngon ăn khi có được hợp đồng với hãng Polydor dưới sự lèo lái của ông bầu Steve Massarsky, cuối cũng cũng chả bán được đĩa và tan rã không kèn không trống. May thay đúng lúc này, David Wolff, tình yêu đầu tiên của Cyndi đã xuất hiện và trở thành quản lý cho sự nghiệp solo của cô.
***
Khi Cyndi Lauper trở nên nổi tiếng, hệ quả là mọi thứ xung quanh đều muốn có sự xuất hiện của cô gái này. Của đáng tội, phong cách “nữ quyền” của Cyndi Lauper lúc đó đúng là độc nhất vô nhị, vì Madonna cùng “Like A Virgin” thì mãi tới cuối năm 1984 mới xuất hiện. Cùng với cái miệng mà Cyndi nhận là “luôn biết cách ba láp không đúng lúc trước những người quan trọng”, Cyndi Lauper được mời đi làm nhạc phim cho bộ phim “The Goonies” của đạo diễn lừng danh Steven Spielberg; bản “Girls Wanna Have Fun” thì được dùng để quảng bá cho chương trình đấu vật WWE của Vince McMahon lừng danh (thậm chí tay võ sĩ gạo cội Captain Lou còn tham gia vào video clip “Girls” lẫn “Goonies” của Cyndi); và dĩ nhiên là cả một vị trí trang trọng trong show diễn Live Aid 1985 lẫn ca khúc “We Are The World”. Đúng rồi, chính ca khúc không có sự tham gia của Madonna, và dù rất cố gắng đưa các nghệ sĩ nữ vào những khúc đơn ca ở đầu, đoạn cao trào phía sau tự nhiên các nghệ sĩ nữ… biến mất. Chưa kể, bản “She Bop” còn được đưa vào danh sách The Filthy 15 lừng danh của các mẹ ở Washington, cũng chỉ vì một lần Cyndi Lauper lỡ to miệng kể về việc cô thu bài này trong khi đang nghĩ tới việc tự sướng – và dĩ nhiên từ đấy ai cũng biết bài “She Bop” nói về chuyện cấm kỵ gì.
Có phải tôi vừa nhắc tới cái miệng bá láp không nhỉ? Steven Spielberg lừng danh đáng nhẽ ra đã đạo diễn cho cả video clip “The Goonies” của Cyndi Lauper – đủ để thấy sự nổi tiếng của cô lúc này – trừ việc khi ông đưa ra ý tưởng của mình về việc Cyndi Lauper sẽ hát trước màn hình màu xanh và sau đó những hiệu ứng ABCD như gam chíu chíu sẽ được ghép vào, Cyndi chỉ “buột miệng” rằng việc này nghe không sáng tạo lắm. Kết quả là đạo diễn Dick Donner sẽ phải đóng thế cho Spielberg cho video clip bài này.
Nhưng sự éo le như phim hoạt hình vẫn không buông tha cho Cyndi Lauper, khi thời gian làm bài “The Goonies ‘R’ Good Enough” (bài hát vốn lúc đầu Cyndi đặt tên là “Good Enough”), cùng phần soạn nhạc phim cho bộ phim đó cũng là lúc Cyndi Lauper phát hiện ra mình có một khối u to oạch trong bụng của mình và phải cần đến phẫu thuật sau đó. Không có nhiều người nhận ra cô phải trị bệnh khi thu âm album True Colours (1986).
Cũng éo le không kém, khi “I Drove All Night” từ album A Night To Remember sau đó là lần thứ 3 liên tục Cyndi được đề cử là Singer of the year với sự nghiệp vỏn vẹn chỉ có 3 album khi đó. Lần đầu “Time After Time” thua Tina Turner, lần thứ hai, “True Colours” thua trước Barbra Streisand, và “I Drove All Night” thì thua Bonnie Raitt – những nghệ sĩ nữ đều có sự trở lại ngoạn mục sau khoảng thời gian đầu thập niên 80s hơi be bét.
Ánh đèn của sự nổi tiếng cùng những đơm đặt của báo chí và hãng đĩa với cô gái tiên phong trong việc gây dựng hình ảnh mạnh mẽ đã làm mọi người quên mất rằng Cyndi Lauper có thể hát đa dạng với Pop, Rock, và cả Blues truyền thống với âm vực rộng tới 4 quãng tám với không ít lần thể hiện quãng “sáo” khi hát live.
Khi đã bình tâm trở lại sau thời gian trùng xuống cuối thập niên 80s, Cyndi Lauper đã cho ra những bản phối theo phong cách Reggae cho bài “Girls Wanna Have Fun” với cái tên “Hey Now”, hay rap cho những bản hit của mình trước đó, và thậm chí còn ra cả một album nhạc Blues mang tên Memphis Blues (2010) có sự tham gia của những nghệ sĩ chơi Blues lừng danh trong đó có B.B. King.
***
Gregory là người bạn thân đồng tính, người gặp Cyndi khi cô cùng chị gái Ellen dọn tới ở cùng nhau ở New York. Hãy nhớ đây mới chỉ là thuở đầu của thập niên 1980s, khi sự phân biệt giới tính lẫn đồng/dị tính hãy còn nặng nề lắm. Gregory đã từng bị đuổi ra khỏi nhà sau khi mẹ cậu bắt gặp bố dượng của cậu hấp diêm chính con trai bà!!!
Hơn ai hết, Cyndi Lauper cảm nhận được cái cảm giác mình như một thứ rác rưởi bị quét ra khỏi căn nhà của mình, chỉ chờ một cơn gió mạnh thổi mình bay đi và không còn luẩn quẩn quanh chỗ đó. Những đứa trẻ đã từng bị ngược đãi trong chính gia đình của mình hẳn sẽ hiểu điều này – sự ngược đãi sẽ luôn in hằn trong đầu bạn và bất kể những gì sẽ xảy ra sau đó – tốt hay tệ — cũng sẽ không xóa đi được gì bởi thứ tệ nhất thì cũng đã xảy ra rồi. Với nhiều người, cho qua không đồng nghĩa với việc lãng quên.
Không ngạc nhiên sau khi Cyndi Lauper xây dựng được hình ảnh về nữ quyền cho riêng mình sau album Unsual, việc tiếp theo cô làm là dành cho những người có giới tính bị kỳ thị. Cô viết “Boy Blue”, bài hát trong album True Colours (1986) dành tặng cho chính Gregory khi anh này nằm trong bệnh viện chờ chết vì căn bệnh AIDS thế kỷ. Phải rồi, cũng chính AIDS đã làm Cyndi suýt mất đi người bạn Patrick Lucas, nghệ nhân trang điểm của cô. Lần đầu tiên hát “True Colours” trước khán giả ngay sau khi Gregory mất, Cyndi Lauper nhận ra cô đang làm một việc gì đó với tư cách của một người bạn. Cô thậm chí còn quàng một lá cờ cầu vồng quanh người và chia sẻ về cái chết của Gregory với tất cả khán giả hôm đó.
Quỹ True Colors Fund cũng như cư xá True Colors mà Cyndi Lauper góp công xây dựng ngay ở khu Harlem dành cho những người LGBT trẻ bị hắt hủi khỏi gia đình là những thành quả khác mà Cyndi Lauper luôn theo đuổi sau này.
Ca khúc “Ballad of Cleo and Joe” trong album Sisters of Avalon (1996) sau này của cô sau này cũng được dành để kể về những drag queen, những người có cuộc sống khá phức tạp trong làng giải trí mà không nhiều người biết tới. Cyndi Lauper thậm chí mang tới một vũ đoàn toàn drag queen trong sự kiện Gay Games vào năm 1994 tại New York, trình diễn ca khúc “Girls Wanna Have Fun” của mình và rồi sau đó quay cả video bài “Hey Now” cùng drag queen. Kết quả là một triệu bản single “Hey Now" được bán ở Anh, còn ở Mỹ thì video này bị cấm chiếu!!?!
Với Madonna, ca sĩ cá tính cũng giương cao ngọn cờ nữ quyền không lâu sau Cyndi Lauper, hóa ra cũng chưa bao giờ từng là đối thủ của Cyndi như lời báo chí thêu dệt. Đơn giản vì cô sẽ không chiến đấu với một chị em khác của mình.
Khi nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima nước Nhật bị thảm họa năm 2014 do sóng thần, Cyndi Lauper cũng đã tới thăm và hát cho trẻ em ở Fukushima khi không ai dám tới và ôm trẻ con ở đây vị sợ nhiễm phải phóng xạ.
Lòe loẹt. Hát thì như chipmunk. Ăn nói thì báng bổ.
Tôi tin rằng Cyndi Lauper sẽ mãi được nhớ tới trong lịch sử như là một người viết nhạc tài năng có trái tim nhân ái nhất.
Hẹn gặp lại!
Kcid
Comments