top of page

Tina Turner: Cái tên có làm nên số phận?

Ở tuổi 73, Tina Turner háo hức được trở thành cô dâu lần đầu trong đời trong đám cưới với Erwin Bach sau 27 năm bên nhau. Thực tế là Erwin đã từng cầu hôn trước đấy 23 năm nhưng Tina lúc ấy không thể có một câu trả lời rõ ràng cho người bạn trai kém 16 tuổi của bà. Thế mà Erwin, một nhà sản xuất nhạc người Đức kiêm thành viên trong ban điều hành của hãng ghi âm EMI, chưa bao giờ bỏ cuộc. Mối tình tuyệt đẹp giữa ông và Tina đã được minh chứng bằng một đám cưới hoành tráng tại lâu đài mặt hồ ở Zurich, Thuỵ Sỹ nơi cặp đôi đã chung sống suốt thời gian đó với sự tham gia của những người bạn của họ bao gồm cả Bryan Adams và Oprah Winfrey. Ngoài những chiếc bàn trải khăn trắng và được trang trí cầu kỳ, có hẳn một chiếc trực thăng bay trên đầu rải hàng trăm ngàn cánh hoa hồng đủ mọi sắc màu xuống trước nụ cười hạnh phúc của cô dâu Tina Turner.


Tại một dòng thời gian khác, Anna Mae Bullock, 22 tuổi, và Ike - gã bạn trai hơn cô 8 tuổi, đăng ký kết hôn tại một văn phòng bẩn thỉu và cũ kỹ tại Tijuana, Mexico. Chỉ một vài tờ giấy được đưa cho Anna và Ike ký. Không khách mời. Không lời chúc tụng. Không một nụ hôn. Việc Anna được Ike cầu hôn cũng chỉ vì tay này muốn tìm cách thoát khỏi mấy rắc rối về của cải tiền bạc với một trong những người vợ cũ. Lúc đấy, Anna và Ike đã có chung với nhau một cậu con trai mới một tuổi, chưa kể một đứa con riêng của Anna và hai đứa con riêng của Ike. Việc đăng ký kết hôn được Ike chọn ở tận Mexico cũng chỉ để thủ tục làm cho nhanh mà không đòi hỏi thêm giấy tờ gì nhiều. Và quan trọng là gã cũng không quên tận dụng cơ hội đưa cô vợ mới cưới đến chốn ưa thích của gã để giải khuây. Đó là khu nhà thổ tại Tijuana để xem mấy màn sex show. Tại đó, Anna đau khổ chỉ chực muốn khóc ngồi chờ chồng mình xong việc thì mới được lên xe về lại Los Angeles.

***

Tina Turner đã từng phải bắt đầu lại cuộc đời từ hai bàn tay trắng ở độ tuổi 37. Khi chạy trốn khỏi người chồng cũ, trên người cô chỉ có vỏn vẹn 36 xu, một cái thẻ Mobil credit card chỉ có thể dùng tại các trạm xăng, và bộ quần áo đang mặc nhàu nhĩ với những vệt máu từ trận đụng độ với chồng.

Trốn lui trốn lủi tại nhà người quen, Tina cuối cùng cũng liên lạc được để nhờ tới sự giúp đỡ của Rhonda Graam - một người từ vị trí chỉ là fan của Tina và ban nhạc với chồng cũ, sau đó trở thành một trợ lý thân cận và người bạn thân của Tina cho tới cuối cuộc đời. Cả hai cô cùng nhau xốc vác tìm đủ các công việc làm thêm để chi trả tiền thuê nhà và trang trải cuộc sống. Tina chưa bao giờ hối tiếc với quyết định từ bỏ một cuộc sống đầy đủ vật chất, bởi niềm hạnh phúc mang lại từ sự tự do sau khi thoát khỏi cuộc sống kìm kẹp, bạo hành của tay chồng vũ phu còn lớn lao hơn thế nhiều.


Điều cô ít mong muốn nhất là bị gã tìm được chỗ ở của mình. Thế nhưng chuyện đó cũng xảy ra không sớm thì muộn. Không thuyết phục được Tina quay về, gã đưa 4 cậu con trai tới ở cùng mẹ chúng và cho thêm khoản tiền chỉ đủ trang trải trong một thời gian ngắn. Mục đích của gã là tạo thêm gánh nặng cho Tina để cô phải đổi ý quay lại quỳ gối xin được trở về. Không ăn thua, gã chuyển sang nhờ chủ của United Artists, hãng đĩa mà ban nhạc của gã và Tina ký hợp đồng thu âm, chuyển lời hứa hẹn tới Tina rằng cô sẽ có lại được tất cả, tiền bạc và sự nghiệp nếu quay trở về. Nhưng không có gì lay chuyển được Tina, kể cả khi mấy đệ của gã tung đòn hăm doạ, từ việc đỗ xe ngoài nhà theo dõi cho đến thậm chí cả việc xả súng vào nhà khi cô, Rhonda và 4 cậu con trai đang ngồi bên trong. Phải mất tới hai năm sau đó, Tina mới có thể hoàn tất thủ tục ly dị với ông chồng để giành lại tự do cho chính mình. Tuy nhiên một người phụ nữ da màu ở cái tuổi ngấp nghé tứ tuần, trong tay chỉ có đủ tiền để trang trải cuộc sống cho cả gia đình, nay phải lội ngược dòng để bắt đầu lại sự nghiệp âm nhạc thực sự là một điều không tưởng.

Khi quan toà hỏi Tina Turner muốn lấy lại của cải gì sau khi ly hôn, cô mới đáp là mình còn mấy đồ trang sức bỏ quên ở studio, thì gã chồng cô mới chối thẳng thừng. Hiểu được ý đồ của gã nhằm gây khó dễ và kéo dài việc phân xử, Tina ngẩng cao đầu khẳng định với quan toà cô không cần bất cứ vật chất gì vì đa phần chúng đều đến từ thứ tiền bẩn của chồng.

Cô chỉ yêu cầu đúng một thứ - quyền sở hữu cái tên “Tina Turner” được thuộc về cô.

Anna Mae Bullock trước khi cưới Ike là một cô gái đầy năng lượng, yêu ca hát và không bao giờ rụt rè trên sân khấu. Từ tuổi lên 4, Anna đã bạo dạn đứng trên chiếc ghế và hát cho chủ cửa hàng tạp hóa nghe những bản hit mà cô nghe được trên radio, và tham gia trong giàn đồng ca hát tại nhà thờ. Vậy nên cô luôn tìm những cơ hội được thể hiện giọng ca trước đám đông ở bất cứ nơi đâu. Lên tuổi 17, Anna chuyển lên sống ở St. Louis và hay cùng cô chị Alline tới một điểm hộp đêm tại phía đông thành phố để xem ca nhạc. Tại đây Anna mới gặp Ike, thủ lĩnh của Kings Of Rhythm, ban nhạc thường xuyên biểu diễn mỗi tối tại hộp đêm này.

Ann dĩ nhiên đã nghe tới cái tên Kings Of Rhythm vì ban nhạc này nổi tiếng khắp thành phố nhờ bản hit “Rocket 88”, một trong những bài hát thuộc thể loại Rock N’ Roll đầu tiên. Cá nhân Ike cũng luôn xuất hiện trên các mặt báo địa phương và được biết tới như một trong những nghệ sĩ chăm chỉ nhất trong ngành công nghiệp âm nhạc. Và dù “Rocket 88” mang lại cho Ike thành công bước đầu của sự nghiệp, nó không mang tới tiền bạc rủng rỉnh cho anh vì những điều khoản ràng buộc trong hợp đồng ghi âm. Diện mạo của một gã trai hư thể hiện rõ bề ngoài của Ike, kẻ đã mang biệt danh “Pistol Whippin’” chỉ vì Ike từng dùng khẩu súng lục để nện một kẻ khác. Nhưng sức hấp dẫn của anh trên sân khấu thì thật khó cưỡng. Mỗi khi Ike bước lên, cả sân khấu bừng sáng. Anh sẽ ngồi bên cây đàn piano hoặc ôm cây đàn guitar và thể hiện những phần trình diễn đầy hưng phấn cho toàn bộ khán giả phía dưới, bao gồm cả Ann.

Ngày đấy vì cô chị Alline đang cặp kè với một thành viên trong band, Anna mới xin bám càng cùng chị tới các show diễn của Kings Of Rhythm. Một trong những màn tương tác thường xuất hiện tại show của band là Ike sẽ mời một cô gái ở trong khán giả để lên hát cùng. Đã biết bao nhiêu lần Anna thầm ước mình là người được chọn, để có thể bước lên trên đó và hát cùng Ike, nhưng rồi những cô gái được anh này chọn đều xinh xắn và hấp dẫn hơn kẻ mang phong cách tomboy như Anna, dù tất cả họ đều hát không ra hồn. Mãi cho tới một tối, khi mà bạn trai của Alline tìm cách dụ cô này lên sân khấu để hát, nhưng bị từ chối, Anna mới giành lấy cây mic để bước lên hát. Lúc đấy Ike đang chơi bài “You Know I Love You” của B.B. King. Anna liền cất giọng. Giọng hát cực khỏe với đầy nội lực của cô gái mảnh khảnh xuyên qua toàn bộ không gian của hộp đêm, dập tắt mọi tiếng nói ồn ào bên dưới và bao trùm làn khói thuốc, khiến cho tất cả mọi người, bao gồm cả Ike phải sững sờ.


Sau khi Anna trở thành ca sĩ trong ban nhạc của Ike, cô luôn đi cùng người bạn trai mới của mình trong các show diễn lẫn những lần Ike làm việc trong phòng thu cùng những nghệ sĩ khác. Một lần Ike đến studio để thực hiện buổi thu âm ca khúc “A Fool In Love” mà anh sáng tác cho ca sĩ Art Lassiter với Anna tham gia hát phụ. Nhưng vì Art không đến mà tiền thuê studio thì đã trả, Anna mới đề nghị cô sẽ thu âm giọng hát của mình làm bản demo. Nào ngờ ông chủ hãng đĩa Sue Records khi nghe xong đã quá ấn tượng trước giọng hát đậm đặc chất funky của Anna và ngỏ ý mua lại bản thu âm. Nhận thấy tiềm năng thành công lớn của ca khúc này, Ike nhanh trí tự đổi tên cho Anna thành “Tina Turner” và phát hành đĩa đơn dưới nghệ danh mới “Ike & Tina Turner”.

Nhưng anh ta không quên làm điều quan trọng nhất, đó chính là đăng ký cái tên “Tina Turner” dưới quyền sở hữu của Ike Turner.

***

Erwin Bach & Tina Turner

Mảnh đời của “Tina Turner” và “Anna Mae Bullock” diễn ra theo hai trình tự đối lập tương phản nhau. Khi Tina phải vật lộn với cuộc sống, kiếm tìm cơ hội mới để gây dựng lại sự nghiệp âm nhạc cho riêng mình; thì ở một dòng thời gian trong quá khứ, Anna đã có được một nền tảng vững chắc của ban nhạc mà Ike Turner đang dẫn dắt. Nhưng khi Tina có được những thành công mới trong sự nghiệp và hạnh phúc trong tình yêu với Erwin Bach; thì ở dòng thời gian kia, Anna bắt đầu trải qua một cuộc sống tù đày trước những áp đặt, kiểm soát và thậm chí những đòn bạo lực của người chồng vũ phu Ike Turner.

Vậy nên âm nhạc của Anna Mae Bullock dưới nghệ danh Tina Turner cũng được chia ra làm 2 thời kỳ rõ rệt: (1) có Ike; và (2) không cần Ike.

Giống như số phận xảy đến với hai quãng của cuộc đời Tina, sự khác biệt trong phần nhạc khi Tina hát cùng Ike qua những tác phẩm phát hành dưới tên Ike & Tina Turner và khi Tina sau này phát triển sự nghiệp solo thực sự rõ ràng.

Ike & Tina Turner

Dưới thời “Ike & Tina Turner”, âm nhạc R&B và Soul luôn là phong cách mà Ike hướng tới. Có điều, các bài hát dù là do ông sáng tác hoặc được ông chọn cover lại, thì cũng đều được nâng tầm cảm xúc qua lối hát của Tina. Chất giọng mang âm vực rộng, cao và khỏe của Tina cho phép cô có thể thoải mái lên xuống các nốt nhạc, từ những nốt trầm gằn như giọng đàn ông lên tới những nốt cao vút mà các ca sĩ đàn em sau này đều vất vả khi tập theo. Nhưng sự độc đáo trong tiếng hát của Tina lại nằm ở chất giọng khàn hơi đặc, kết quả của một tuổi thơ nghèo khó. Ở tuổi nhỏ, phụ giúp việc trên cánh đồng khiến Tina và những người trong gia đình phải giao tiếp với nhau bằng cách cất giọng hét để người bên phía kia cánh đồng có thể nghe được. Vì những lần hét như vậy, chúng gây tổn thương dây thanh quản của Tina, đánh mất đi thứ giọng trong trẻo thường thấy một người phụ nữ. Đổi lại, chất giọng khàn đó lại mang tới nhiều cảm xúc hơn qua kỹ thuật hát điêu luyện của Tina trong các bài hát cùng với Ike Turner.


Ở album đầu tay The Soul Of Ike & Tina Turner (1960), những bài như “A Fool In Love” và “I Idolize You”, trên nền nhạc vô cùng groovy và phần hát nền phụ họa theo lối doo-wop rất hợp cho phần vocal chính mà Tina thể hiện. Giọng cô ngân nga lên xuống. Khi ở dải trầm và trung, tiếng hát đó vẫn trong, nhưng khi cô gằn giọng lên cao, nó trở nên khàn và rè hơn, tạo ấn tượng vô cùng cho người nghe. Với những bản trữ tình như “Chances Are” trong album này hay các bài khác như “My Everything To Me” trong các album về sau, kiểu hát mang lối gospel rèn luyện từ những ngày Tina hát tại các nhà thờ khi còn nhỏ thực sự càng tô đậm âm thanh soulful vô cùng cảm xúc cho bất kỳ bài hát nào cô thể hiện.

Có điều đôi lúc giọng của Tina sẽ bị lên gân hơi nhiều ở cả những đoạn mà cô có thể hát giọng mềm đi chút, giống như trong bài “I Had A Notion”. Đây hoàn toàn không phải ý đồ của Tina bởi trong thời kỳ này, cách thể hiện giọng hát trong các bài nhạc chịu rất nhiều sự chi phối và điều khiển của Ike. Đã có những lúc Tina cố tình trình diễn theo cách khác thì rồi lại nhận những lời đay nghiệt của người chồng. Dù vậy, công bằng mà nói, khả năng âm nhạc xuất chúng của Ike ngày đó cũng vẫn là yếu tố đóng góp 50% của sự thành công và đặc biệt chất lượng âm nhạc cho band. Thì ông cũng là người sản xuất ra một trong các bản hit phong cách Rock N’ Roll ngày đó còn gì.


Đó là lý do mà tôi vẫn thích nghe nhạc của Tina ở thời kỳ Ike & Tina Turner, không vì mỗi giọng hát của cô, mà còn vì cách sản xuất nhạc đậm chất Rhythm & Blues của Ike. Để thấy rõ nhất tài năng của Ike, chỉ cần nghe album River Deep – Mountain High của Ike & Tina Turner, trong đó một nửa đĩa là do Ike sản xuất và một nửa còn lại do Phil Spector làm.


Với những bài dưới bàn tay của Phil, như ca khúc cùng tên, “River Deep - Mountain High”, hoặc “Save The Last Dance For Me”, chúng đều được dàn dựng bởi cả một giàn nhạc lớn trong studio nhằm tạo ra hiệu ứng “wall of sound” rộng lớn độc chiêu của Phil. Có điều, thứ âm thanh âm vang đó bỗng dưng như kéo giọng hát của Tina lùi về xa khỏi với người nghe. Trong khi cũng ở album này, những bài do Ike sản xuất thì âm nhạc của Ike cùng band và giọng hát của Tina lại gần gũi vô cùng.

Nhưng một điều vô cùng thú vị ở album này là lối hát của Tina Turner. Một sự khác biệt rõ trong cách thể hiện những bài hát do Phil Spector lựa chọn cho Tina, và nó đến từ ý đồ nhạc khác xa Ike Turner. Cái ngày Tina lần đầu tiên một mình bước tới studio của Phil để thu âm “River Deep - Mountain High”, như một thói quen lâu ngày, cô hát bài hát theo kiểu “Tina” trong “Ike & Tina Turner” band nhưng ngay lập tức bị Phil chỉnh. Cái ông muốn là cô phải hát theo cảm nhận và bật ra thật tự nhiên. Đây là điều khiến Tina vô cùng hạnh phúc khi được rũ bỏ mọi xiềng xích áp đặt của ông chồng. Quả nhiên giọng hát của cô trong mấy bài với Phil thực sự cao khoẻ, ít hét và gằn, tạo ra âm sắc dầy những vẫn trong trẻo như “dòng sông”. Và những điểm nhấn trong khúc cao trào ở các nốt cao nhất, chất giọng khàn của Tina được bộc lộ đẹp kỳ vĩ như “dãy núi”, thứ mà Phil không tìm thấy nổi từ các nữ ca sĩ trước đó ông mời tới thu âm thử cho “River Deep - Mountain High”.

Từ đó người ta mới nhận ra giọng hát của Tina Turner còn chứa đựng biết bao tiềm năng chưa được khai phá.

Thế nhưng đã phải mất khá lâu để Tina có thể gây dựng lại sự nghiệp solo sau khi ly dị Ike và giành lại quyền sở hữu cái tên “Tina Turner” đã gắn bó với cô suốt 18 năm trời. Nhưng để thoát được cái bóng của Ike quả không dễ dàng. Với thị trường Mỹ và các hãng đĩa tại đây, “Tina Turner” gắn liền với “Ike”, nên không có Ike thì không ai mặn mà để lăng xê một người phụ nữ đã ngấp nghé tuổi tứ tuần. Thực tế là Tina đã có tới 4 album solo nhưng đều thất bại trước khi cô được người quản lý tài năng Roger Davies giúp đỡ.

Sau 3 lần xuất hiện tại The Ritz – một điểm trình diễn âm nhạc nổi tiếng tại khu East Village ở New York, Tina đã được những đồng nghiệp nam, lần lượt là Rod Stewart rủ song ca bài “Hot Legs” trên Saturday Night Live, tiếp đến là The Rolling Stones (ban nhạc Tina đã quen biết từ hồi còn hát cùng Ike) mời diễn mở màn cho tour lưu diễn của họ tại Bắc Mỹ, và cuối cùng là David Bowie sau khi từ chối tham gia tiệc mừng phát hành album Let’s Dance của ông chỉ để đến The Ritz để nghe Tina hát. Những lời có cánh của David đủ sức nặng để hàng loạt những ông lớn trong ngành âm nhạc mua vé vội vàng đến xem và nhanh chóng ký hợp đồng thu âm với cô. Sự nghiệp solo của Tina mới thật sự cất cánh từ lúc này.

Dưới thời “Tina Turner”, âm nhạc khác xa âm thanh R&B của Ike. Ngay từ cuối những năm 70, Tina đã ngán phong cách nhạc này của chồng cô. Cô chuyển sang để ý tới bảng xếp hạng và tìm niềm hứng thú với những thể loại nhạc khác, từ “Honky Tonk Woman” của The Rolling Stones, “Come Together” của The Beatles cho tới “Proud Mary” của Creedence Clearwater Revival. Thực tế là nhạc của những band này lại cũng đều học hỏi từ nhạc R&B của người da màu và phát triển theo hướng phù hợp đại chúng hơn. Chính vì thế mà phong cách Pop Rock trong những album solo sau này của Tina đã bắt nguồn từ đây.


Trong Private Dancer (1984) - album solo đầu tiên phát hành thông qua hãng Capitol Records của Tina Turner, quản lý của cô, ông Roger Davies muốn tìm những bài hát có thể tôn được giọng hát của cô nhiều hơn. Bởi vậy, tổng hợp những ca khúc như “What’s Love Got To Do With It” (một bản cover của nhóm The Twilights), “Private Dancer” (do Mark Knopfler sáng tác), “1984” (do David Bowie sáng tác) nhìn qua có vẻ không liên quan đến nhau, và thậm chí không phải bài nào cũng hợp phong cách nhạc mà Tina hay thể hiện trước đây. Thế mà qua cách hát của cô, cả album Private Dancer này mang sự đồng nhất một cách mạnh mẽ nhờ giọng ca trời phú.

Giống như những gì Tina đã trình bày trong những ca khúc do Phil Spector sản xuất, lần này, giọng hát cô thực sự được bay bổng tự do. Vẫn có những lúc Tina hát ồm và trầm, như bài “I Can’t Stand The Rain”, nhưng khi luyến láy lên cao, giọng cô thực sự rất trong. Một điều khác lạ trong thời kỳ này nữa là những đoạn nhạc ở dải cao, giọng hát của Tina chỉ còn độ khàn chứ không bị rè đặc như trước, một phần vì không còn Ike để ép buộc cô hát theo lối gằn và hét, và một phần nó đến từ chính sự tự do được chọn cách hát của riêng mình. Nhờ vậy, giọng của Tina không chỉ trong và rõ nét hơn, mà nó còn có độ vang hơn trước.


Dù vậy, Tina ở cả hai thời kỳ vẫn có những điểm chung là kỹ thuật hát siêu đẳng và âm vực rộng. Cô thậm chí vẫn với được những nốt nhạc cao vút trong các buổi diễn live, hệt như khi Tina còn đi diễn cùng Ike. Nhờ đó, các bài hát mà cô hát lại từ những thời kỳ đầu đều không cần thay đổi, giảm tông, hay biên soạn điều chỉnh lại. Dù đó là Tina của thập niên 60 hay Tina của thập niên 80 và 90, người nghe vẫn được chứng kiến một giọng ca đầy sức mạnh nội lực, cùng với khả năng trình diễn cuốn hút và những màn vũ đạo, trong đó có điệu nhảy pony dance mà Tina đã từng dạy cho Mick Jagger để rồi anh này biến tấu theo kiểu của mình sau này (“moving like Jagger” vì thế nên sửa thành “moving like Turner”). Người ta còn nhớ tới Tina với hình ảnh nữ ca sĩ sở hữu đôi chân cực dài, ngày nào còn gây sốt khi đá chân cao trên sân khấu mỗi khi từ “legs” được hát vang trong bài “Hot Legs” diễn cùng Rod Stewart trên Saturday Night Live.

Và như vậy, Tina Turner đã gây dựng lại sự nghiệp âm nhạc cho chính mình. Điều Ike không ngờ là cả khi ông tước đi hết mọi tài sản và nguồn thu nhập thì Tina vẫn thừa nghị lực để vươn lên. Trong khi Ike mãi loay hoay tại chỗ và không bao giờ có thể tìm ra một “Tina Turner” thứ hai; thì Tina vẫn bay cao và xa hơn, kể cả ở độ tuổi có thể nói là quá già trong cái ngành âm nhạc đầy tàn bạo và khắc nghiệt này. Và dù cái tên “Tina Turner” là thứ duy nhất cô giành lại được sau cuộc hôn nhân với chồng mình (nhờ vào phán quyết của quan tòa chứ lại không phải từ phía ông chồng), sự thật là thành công mà cô có được cuối cùng vẫn nhờ giọng hát đầy nội lực và một nghị lực phi thường của cô gái mang tên Anna Mae Bullock.


RIP Anna Mae Bullock (24.5.2023)

RIP Ike Turner (12.12.2007)



***

Hẹn gặp lại!

Kroon

796 views

Recent Posts

See All
bottom of page