top of page

Tản mạn (ep. 16): Tại sao Southern Rock không thể đại chúng?

Rock N' Roll được sinh ra ở miền Nam nước Mỹ. Elvis Presley, Little Richard, Buddy Holly là những cái tên có thể nhắc tới ngay của thời kỳ 1950s từ khu vực phía dưới của con đường phân ranh Mason – Dixon. Nhưng Southern Rock thì sao? Tại sao vẫn luôn có những dè dặt và sự phân biệt dành cho thể loại âm nhạc của những con người cũng tới từ miền Nam nước Mỹ, chẳng nhẽ chỉ vì họ xuất hiện sau thế hệ Rock N' Roll kia cỡ 20 năm? Chẳng phải những gã trai đến từ Anh quốc như Beatles hay Rolling Stones đều lấy cảm hứng từ âm nhạc miền Nam thời thập niên 50s đó ư? Và khi người Mỹ có thứ nhạc kế tục được truyền thống ấy, dẫu rằng họ sinh ra muộn hơn, thì khán giả lại không chấp nhận nó một cách rộng rãi. Lác đác chỉ có những cái tên như The Allman Brothers Band hay Lynyrd Skynyrd là được người đời gật gù đón nhận là đại diện ưu tú của Southern Rock, nhưng liệu họ được biết đến nhiều có phải vì sự yểu mệnh?


Charlie Daniels, Blackfoot, The Marshall Tucker Band, Wet Willie, Molly Hatchet, và sau này là những Driver By Trucker, Black Label Society. Đâu sẽ là chỗ đứng của họ trong lòng khán giả?


Tôi đã tự tìm ra cho mình nơi nghe nhạc Southern Rock “đã” nhất. Đó là khi lái xe trên những con đường xa tít tắp ở miền quê, nơi không còn sự tồn tại của những con đường trải nhựa phẳng lỳ của đô thị, nơi ta thường thoải mái đạp hết ga bất chấp tiếng lạo xạo ồn ào từ bánh xe, bởi nơi đó không lo tới sự hiện diện của ngã tư và điểm đến thì không biết chừng nào mới tới.


Tôi đã từng có dịp làm việc ở vùng đồng quê. Từ nơi tôi tá túc, mỗi ngày thường phải lái xe cả tiếng đồng hồ mới tới được nơi làm việc. Ở những vùng đồng quê như thế này, sóng điện thoại cũng thường phập phù, nên radio dường như là chỗ duy nhất ta có thể nghe nhạc mỗi khi phải lái xe đi đâu. Cũng không có quá nhiều lựa chọn, và thường thì những kênh có nhạc country hay Southern Rock vẫn là những kênh tôi hay chọn nhất.


Hãy quên Heavy Metal hay Hip Hop ở những nơi này đi, vì tiếng ồn vọng từ dưới gầm xe có thể triệt tiêu bất cứ thứ âm thanh nào mang giai điệu ở khúc cao và làm rối loạn các âm sắc ở tầng trầm. Chỉ có tiếng nhịp trống thùm thụp và tiếng guitar ở tầng trung với âm điệu đặc nghẹt là sẽ lọt được vào tai của bạn. Đàn banjo, violin, và guitar sắt do vậy cũng là những nhạc cụ tạo ra âm sắc có thể dễ tìm đến tai người nghe.


Tôi đã từng lái xe ngang qua một bãi đất trống lớn, nơi người ta quay lại để tổ chức festival hay nôm na là “hội làng”. Giữa cái bầu không khi rộng mở và dưới cái nắng như thiêu đốt ấy, tiếng trống vang lên thùm thụp và tiếng guitar đặc quánh “quạt” liên tục là những âm thanh duy nhất có thể nghe thấy. Chưa bao giờ tôi thấy Country Rock hay Southern Rock lại nghe hay và gần gũi đến vậy.


Đấy, nước người ta cũng có nông thôn, nước mình cũng có nông thôn, mà nhiều khi cảm thấy thèm ghê gớm một thứ nhạc nặng và giàu sức phản kháng như vậy đến từ giữa những miền quê nước Việt mình. Và cũng giá như thứ nhạc Southern Rock này đã được biết đến rộng rãi hơn.


1. The Allman Brothers Band đã bắt đầu tất cả và nhanh chóng tự kết thúc

Dù cho gốc của nó là Blues hay Country, cây guitar điện sẽ luôn là nhạc cụ chính thức của Southern Rock. Tất cả bắt đầu từ cái tên The Allman Brothers Band từ những năm 1969.


Chắc hẳn ai cũng nhớ, nếu không có câu guitar riff đặc trưng được người bạn Duane Allman đến jam và sáng tác cùng, ca khúc “Layla” của Derek and the Dominos – ban nhạc do Eric Clapton lập nên – sẽ khó có thể mang chất Rock và thành công đến vậy. Đấy là một ca khúc để đời trong lịch sử Blues Rock.


Nhưng nhìn từ một dòng chảy khác, nếu Duane Allman không được ký hợp đồng ghi âm với ông trùm Phil Walden của hãng đĩa Capricorn có trụ sở ở Macon, Georgia, và kéo theo ban nhạc Allman Brothers Band (ABB) của ông, thì dòng nhạc Southern Rock khó có thể có được bệ phóng vững chắc nhờ thành công của ban nhạc này từ cuối thập niên 60, đầu thập niên 70. ABB là chất xúc tác cho loạt những ban nhạc chơi thứ nhạc Rock mang đậm chất Miền Nam được để ý tới sau này.


Cũng có xuất thân từ Jacksonville, Florida, Dicky Betts thực ra mới là người nổi như cồn trước tiên từ những năm cuối thập niên 60s với khả năng chơi guitar virtuoso của mình. Những show diễn của ban nhạc của Dicky và tay bass Berry Oakley mang cái tên the Second Coming thường xuyên thu hút được rất nhiều khán giả vì anh có thể cover đầy sống động những màn trình diễn của Eric Clapton.


Đến một ngày, đám khán giả bỗng không thấy Betts solo trong ca khúc “Crossroads” quen thuộc của Clapton nữa, mà đứng sang một bên cho một gã mảnh khảnh tóc vàng làm thay việc đó. Duanne Allman đã trình làng với khán giả Florida như vậy đó.


Dù gốc gác ở Tennessee, ABB được thành lập khi Duane Allman nổi tiếng với những câu đàn slide guitar uốn lượn quyết dạo chơi tới Jacksonville, Florida. Cậu em Gregg Allman thì đảm nhiệm cây keyboard Hammond tạo không gian cho nhạc cũng như vai trò hát chính, và không thể nhắc tới việc họ chiêu nạp được bộ đôi guitar virtuoso Dickey Betts – người chơi guitar lead đối ẩm với Duane trong ban nhạc – cùng Berry Oakley chơi bass. Họ có tới hai thành viên ngồi sau giàn trống là Butch Trucks và Jaimoe. Điều khác biệt trong đội hình ban nhạc ABB theo tầm nhìn của Duane ngày đó chính là phải có 2 tay trống và 2 cầm thủ guitar lead.


Có thể thấy đặc tính của dòng nhạc Southern Rock khi tập trung chính với tiếng trống và tiếng đàn guitar nay được Duane và ABB tô đậm nét nhất khi họ ra quân khởi đầu cho một dòng chảy mạnh mẽ của thứ nhạc Rock mang đầy đặc trưng của những con người Miền Nam.


Khi mở màn cho ban nhạc The Velvet Underground tại Boston vào tháng 5 năm 1969, ABB bắt đầu thử nghiệm với những bản cover được làm mới từ những bài nhạc Blues kinh điển như “Trouble No More” và “One Way Out”. Có điều album phòng thu của band không gặt hái được thành công nào đáng chú ý, nhất là khi họ luôn gặp khó khăn trong việc thu âm bởi phong cách jam nhạc live ngẫu hứng của ABB luôn gây khó dễ cho việc chuyển tải không khí đó trong những album truyền thống. Chính thế nên khi ABB cho ra album diễn live đầu tiên của họ, At Fillmore East (1971) thì thành công cuối cùng mới mỉm cười với họ. Sau khi Duane Allman hoàn tất việc ghi âm cùng Eric Clapton với tư cách khách mời trong album Layla And Other Assorted Love Songs, dù được ông bạn Eric rủ vào band, Duane vẫn trở về với ABB và cùng ban nhạc quyết tâm thực hiện một album live để phá cái dớp đen đủi. Kết quả là At Fillmore East cho người nghe được trải nghiệm đầy đủ nhất những gì tinh túy nhất của ban nhạc này.


Đó là những đoạn jam nhạc của band mang phong cách ngẫu hứng đầy chất Jazz, thứ sau này khiến ABB khác biệt với các Southern Rock band khác. Đó là những câu đàn guitar đối ẩm cực hay vì chúng được chơi bởi hai cầm thủ khác nhau về phong cách nhạc nhưng lại hiểu ý nhau về âm sắc hòa hợp. Nếu như câu đàn của Dicky Betts có nhiều giai điệu hơn chút và chơi theo những âm giai của nhạc Jazz thì Duane Allman lại thẳng thừng biến hóa các nốt nhạc trên dải Blues phong cách Rock; tạo nên những “ánh nắng rực rỡ” qua những câu đàn guitar điện sáng chói. Có thể lấy ví dụ bài “Done Somebody Wrong” trong album live này để thấy sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên ban nhạc. Trên nền nhạc groovy của hai tay trống và bassist của band được tô nét bởi câu slide guitar do Duane Allman chơi, Gregg Allman vừa chơi piano vừa hát. Thế rồi Thom Doucette – thành viên mới lúc này của ABB vào lead bằng chiếc kèn harmonica với những nốt nhạc ở độ cao với tiếng kèn sắc lẹm vừa đủ, nối tiếp bằng phần solo của Dicky Betts chơi các nốt nhạc cao hơn một chút, chắc nịch dứt khoát. Rồi sau phần vocal ngắn của Gregg, ông anh Duane xuất hiện bằng tiếng slide guitar chơi những nốt cao ít thấy. Tiếng đàn của Duane từ từ dần dà đẩy lên cao trào với câu solo chói lóa đay nghiến và day dứt. Dù đây là một bản cover được làm mới lại, phần chơi slide guitar của Duane thậm chí còn nhỉnh hơn bản gốc của Eddie Kirkland và bản cover lại sau đó của Elmore James.


Âm thanh nhạc Southern Rock mà ABB chơi có thể thấy được tạo phần nền vững chắc bởi hai người chơi trống, để cho Duane và Dicky (rồi thậm chí chính Thom cùng chiếc kèn harmonica) thỏa sức phiêu các nốt nhạc ở dải cao với âm lượng lớn và đủ độ sắc lẹm để “chém” ngang bầu không gian âm nhạc, đánh dấu thứ âm thanh đặc trưng không lẫn đâu được tại nơi đây.


Có điều, thời đỉnh cao của ABB đã phải kết thúc nhanh chóng sau cái chết đột ngột từ tai nạn xe máy của Duane Allman vào tháng 10 năm 1971, không lâu sau thành công của At Fillmore East; và rồi chỉ hơn 1 năm sau đó, cách đúng ba dãy nhà từ chỗ Duane tử nạn, tay bass Berry Oakley cũng từ giã cõi đời khi ngồi trên xe máy và đâm phải một chiếc xe buýt khác đang cua tới.


Cuộc đời ngắn ngủi chóng vánh của Duane và Berry khi cả hai đều mãi ra đi ở tuổi 24 dù có làm chậm lại sự nghiệp của ABB, nhưng nó đã không cản trở cho dòng nhạc Southern Rock được khai sáng và mở lối cho nhiều ban nhạc khác. Vì sau lưng họ đã có những ban nhạc miền Nam khác như Blackfoot, Wet Willie, The Marshal Tucker Band, Charlie Daniels Band, và nhất là Lynyrd Skynyrd tiếp bước.


2. Những thành kiến dành cho dân miền Nam

Không ai có thể phủ nhận được sức ảnh hưởng của Elvis Presley hay Little Richard, nhưng cũng chẳng ai chịu thừa nhận họ chính là gốc của Southern Rock. Mọi người cứ đổ riệt cho việc mấy người đó là nhạc Rock N' Roll và nghiễm nhiên tách biệt hẳn những người con miền Nam ở thế hệ sau trở thành một nhánh khác ít được chú ý hơn.


Khi những nghệ sĩ nhạc Rock bắt đầu trỗi dậy ở thập niên 1970s, một trong những lý do họ bị coi là khác biệt với những người tiền nhiệm, hóa ra lại là mái tóc dài, thứ bị gắn với đám hippies. Ở những nơi có tư duy bảo thủ như ở miền Nam, để tóc dài sẽ bị kỳ thị và thậm chí có khi còn bị coi thường còn hơn cả người da đen!!?! Charlie Daniels, một nghệ sĩ Southern Rock huyền thoại, đã từng viết “Long Haired Country Boy” như một bản anthem để kể lại câu chuyện này giữa dòng chảy Southern Rock.


Những show truyền hình ăn khác ở Mỹ thời đó như Any Griffith Show hay Hee Haw thời đó cũng thường chuyên xoáy vào việc tấu hài bôi bác phong cách của những người miền Nam, mà đặc biệt là đám “Redneck”, những người da trắng cổ cồn xanh thường bị gán cho những định kiến về tính cách kỳ cục của họ.


Và thế là dù đám “redneck” này vốn bình thường chả ưa gì đám hippies, nhạc Southern Rock tự nhiên lại còn bị gọi là nhạc của “redneck”.


Đâm ra khái niệm Southern Rock với rất nhiều người không hẳn là một thể loại hay dòng nhạc, mà đó là cách gọi chung về một nhóm người. Ngay chính Charlie Daniels cũng đã từng thừa nhận Southern Rock là “genre of people” chứ không phải về nhạc. Dù thích hội hippies hay không, thì ai cũng phải thừa nhận họ mới là những người dám gạt bỏ những tư tưởng phân biệt.


Để rồi không chỉ có nhạc Rock, mà cả những thể loại như Hip Hop tới từ miền Nam cũng bị phân biệt đối xử.


3. Thể loại không có nhiều điểm chung giữa các ban nhạc

Với hơi hướng Country và Blues Rock, có lẽ sự thống trị của cây guitar với giọng hát của một ca sĩ chình là điểm chung duy nhất của các band chơi Southern Rock. Đó có thể là là nhạc Blues nặng trịch với hơi hướng Jazz trong nhạc của Allman Brothers, cách phối hợp cầu kỳ giữa 3 cây guitar của Lynyrd Skynyrd, hơi hướng đậm chất country instrumental của The Marshall Tucker Band, âm thanh guitar trong trẻo của Wet Willie, hay những màn biểu diễn sôi động của Charlie Daniels Band.


Cũng theo như ông trùm Phil Walden của hãng Capricorn, hãng đĩa dường như là duy nhất nâng đỡ các ban nhạc Rock từ miền Nam, “Southern Rock” là một khái niệm mà nơi khác gọi cái thứ âm nhạc mà họ “không biết đặt vào chỗ nào”. Vậy nên họ gom hết đám rocker miền Nam vào một nhóm. Cũng y như cách sau này người ta gom đám ở Seattle vào 1 nhóm vậy. Bảo sao họ gom cả ZZ Top vào trong thể loại này!?!!


Nhưng dù muốn hay không, điều này xem ra cũng có lợi cho các nghệ sĩ. Giống như tôi khi đã phát hiện ra Southern Rock – thứ tuyệt vời để nghe trên những cung đường xa xôi – tôi đã tự động tìm đến những band khác ngoài những band ai-cũng-biết-là-ai-đấy như ABB hay Lynyrd Skynrd, để rồi khám phá thêm ra cả những Molly Hachet, ban nhạc cũng chơi 3 guitar như Lynyrd Skynyrd, hay cả Drive By Trucker, ban nhạc thậm chí còn liều mình ra cả album Opera về Southern Rock.


Và dĩ nhiên, chất nhạc lè phè đặc quánh của Southern Rock cũng giúp tôi nhận ra rằng, có cả những band đến từ phía Nam như R.E.M hay Creed nhưng họ không có chơi Southern Rock.


Bởi vì thực ra, các ban nhạc Southern Rock còn có vô khối những điểm chung khác mà không phải ai cũng nhận ra.


Trước tiên đó là sự gần gũi gia đình của người dân miền Nam, nơi mà nông nghiệp là thứ phát triển hơn cả. Văn hóa địa phương ở đây dường như khó hiểu với những người không sinh ra và lớn lên ở đây. Sự mộ đạo và tính tình hiếu khách là hai thứ có thể tồn tại song song ở những người miền Nam, và thường được kèm theo đó là cả sự kiêu hãnh lẫn tính cách phổi bò. Những người lớn lên ở miền Nam thường trân trọng thời gian của buổi sáng Chủ Nhật, nơi họ sẽ tụ họp với nhau ở Nhà thờ, như một thói quen cộng đồng gắn bó với nhau khăng khít.


Khi Marshall Tucker Band mới bắt đầu, tay bass Tommy Caldweld sẽ là người cầm trịch. Anh thu tiền mỗi lần đi diễn và thay cả nhóm trả tiền khách sạn, tiền xăng, tiền đi chợ, trước khi chia lại cho từng người. Việc Marshall Tucker Band thỉnh thoảng mời ông bạn Charlie Daniels tham gia thu âm là chuyện cực bình thường vì tất cả mọi người đều quen biết nhau. Các band Southern Rock nổi lên ở thập niên 70s đều cùng nhau vẫn duy trì thói quen đó.


Chưa hết, những band nhạc Southern Rock đều chọn sinh sống ở phía Nam. Họ thu âm ở những nơi như Atlanta, Nashville, Macon (Georgia), Miami, hay Memphis, thay vì lao vào những studio lừng danh ở 2 bên bờ nước Mỹ. Marshall Tucker Band vẫn luôn sống ở thị trấn nhỏ tại Sparturnburg, South Carolina; Lynyrd Skynyrd thì ở Jacksonville, Florida. The Allman Brothers “định cư” tại Macon, Georgia, nơi có hãng đĩa Capricorn lừng danh trong quãng thời gian thành công nhất của họ. Dusty Hill của ZZ Top đã từng kể lại bị hãng đĩa ép phải tới sống tại những nơi như LA hay New York vì phòng thu ở đó. “Nhưng bọn tao vẫn ở Texas đấy thôi” – tay bass của ZZ Top kết luận.


Một đặc điểm nữa là số lượng anh chị em trong gia đình trong cùng ban nhạc cũng là thứ luôn khiến cho các band rock miền Nam luôn có thêm không khí thân mật gia đình. Duanne và Greg Allman trong ABB, Toy và Tommy Caldwell trong Marshall Tucker Band, Jack và Jimmy Hall tạo ra Wet Willie. Anh em nhà Walden, Phil và Alan thì quản lý ABB và Molly Hatchet. Và dĩ nhiên nổi tiếng nhất trong số họ, là mấy anh em nhà Van Zant cùng Lynyrd Skynyrd.


Chỉ tiếc rằng, có lẽ mọi người nhớ tới ở Southern Rock nhiều về cái sự yểu mệnh của hai band hàng đầu là ABB và Lynyrd Skynyrd, cũng như cái lá cờ liên minh (confederate flag) mà đám miền Nam này hay tự hào mang theo.


4. Cuộc nội chiến để lại nhiều tàn tích

Nếu như đường ranh giới phân chia Nam Bắc Mason-Dixon đã từng là sự kiêu hãnh của những người đi khai phá nước Mỹ, hơn 50 năm sau khi xác lập, vào đầu thế kỷ 19 ranh giới này đã trở thành một biểu tượng không mong muốn để phân chia giữa các bang ủng hộ chế độ nô lệ (miền Nam) và các bang tự do (miền Bắc). Cuộc nội chiến giữa hai miền Nam Bắc nước Mỹ ở thế kỷ 19 chỉ càng cứa sâu vào vết đau này, khi các bang thuộc liên minh miền Nam (confederate) đã bị thua và lá cờ của họ mãi mãi bị gán cho những giá trị phân biệt chủng tộc.


Xin không lạm bàn thêm về lá cờ, bởi vì chắc chắn là sẽ có người miền Nam “this”, và có cả người miền Nam “that” mà thôi. Sẽ có những nghệ sĩ miền Nam luôn tự hào với nguồn gốc của họ và việc giương cao lá cờ Confederate chỉ mang ý nghĩa tự hào dân tộc và tính cách phản kháng của họ - thứ không thể thiếu khi muốn làm nhạc Rock. Nhưng những hình ảnh phân biệt chủng tộc ở các bang miền Nam trước giờ, và cả những vụ xả súng đãm máu như lần Dylann Roof ở Charleston năm 2015, ít nhiều cũng thách thức suy nghĩ của mọi người về những kẻ tới từ miền Nam. Với phần đông người Mỹ, lá cờ chỉ gợi lại một trong những khoảnh khắc đen tối nhất trong lịch sử đầy tự hào về sự tự do của họ. Với phần đông người miền Nam, lá cờ chỉ là để biểu dương lòng kiêu hãnh độc nhất của họ.


Darrel Dimebag hay Zakk Wylde cũng đều đã từng mang cây đàn sơn màu lá cờ liên minh lên sân khấu và rồi cũng ngưng không sử dụng nữa. Lynyrd Skynyrd vẫn tiếp tục mang theo lá cờ này lên sân khấu tới tận năm 2012 khi biết rằng nó làm cho nhiều người bị tổn thương. Nhưng Ted Nugent hay Kid Rock thì vẫn tiếp tục ăn vận đồ có hình lá cờ tai tiếng này và thỉnh thoảng vẫn treo nó trước nhà.


Ngay chính The Allman Brothers Band ngay khi mới ra mắt cũng đã từng bị gán cho là mấy gã redneck phân biệt chủng tộc. Không mấy người để ý tới hình của Duanne Allman chình ình trong các album của Aretha Franklin.


“Nếu mày chơi được với với một gã dân miền Nam, gã đó sẽ sẵn sàng lao vào đầu xe ô tô vì mày” – Duanne Allman.


“Mọi người đều cố gắng kể lại câu chuyện về đám miền Nam theo đủ cách họ muốn, nhưng câu chuyện thực thì sẽ không bao giờ được kể. Tất cả những nghệ sĩ miền Nam đều sẽ đem câu chuyện về xứ sở của họ xuống mồ, từng người một” – Larry Howard.


Ghi chú:

1. Các bang thường tính là miền Nam: South và South Carolina, Mississippi, Florida, Alabama, Georgia, Louisiana, Texas, Virginia, Arkansas, Tennessee.


2. CCR là band tới từ San Francisco và không được tính là Southern Rock, dù âm thanh của họ có nhiều sự tương đồng.


Hẹn gặp lại!


Kink

505 views

Recent Posts

See All
bottom of page