top of page

Phong cách Midwest Hip Hop của Nelly

Bên trái là Bờ Tây, bên phải là Bờ Đông, còn ở dưới là Miền Nam, khu vực nằm kẹt giữa của Hip Hop nước Mỹ mang tên Midwest là nơi sinh sau đẻ muộn nhất của dòng nhạc này. Như trong phần 2 bài viết chủ đề 50 Năm Hip Hop, sản phẩm âm nhạc gây tiếng vang sớm nhất của Midwest là album E. 1999 Eternal phát hành năm 1995 của nhóm Bone Thugs-N-Harmony, thời điểm muộn hơn hẳn sau thời kỳ vàng của Hip Hop. Tuy vậy, những anh tài thế hệ sau đến từ vùng đất này là có nhiều người tạo dấu ấn cực kỳ đậm nét cho sự phát triển của dòng nhạc này, ví dụ như phong cách làm nhạc Hip Hop sáng tạo đậm chất Soul của Kanye West, hay kỹ thuật rap toàn diện ở đẳng cấp bậc thầy của Eminem, và đặc biệt nhân vật chính của chúng ta trong bài viết này: Nelly và phong cách nhạc đặc trưng của riêng anh.


Tại sao tôi lại chỉ đề cập là “của riêng anh”? Trong khi Hip Hop Bờ Đông có phần lời kỹ thuật trau chuốt trên nền beat lo-fi và tiếng bass dầy, Bờ Tây có phần âm thanh sắc lẹm với nét nhạc funky, và Miền Nam có những chất đặc sắc riêng như cách sử dụng nhạc cụ sống, thì Midwest – nằm ở giữa như một “nồi lẩu thập cẩm” hấp thụ những đặc tính nhạc của các khu vực xung quanh. Thế nhưng mỗi nghệ sĩ đến từ vùng đất này lại chịu ảnh hưởng từ láng giềng theo những mức độ khác nhau, dẫn tới âm nhạc của Bone Thugs-N-Harmony, Common, Tech N9ne, Twista, Eminem, Kanye West và dĩ nhiên Nelly đều không có nhiều sự tương đồng.

Bản đồ chia vùng Hip Hop Mỹ (nguồn: Genius)

Giữa những đồng hương kia, một mình Nelly mang tới một phong cách nhạc Hip Hop riêng biệt mà có thể được xếp vào nhánh Pop Rap với công thức cực cuốn và thành công đối với thị hiếu số đông.

Vào tháng 7 năm 2002, khi Nellyville - album thứ hai của Nelly đẩy album The Eminem Show khỏi vị trí số 1 trên bảng xếp hạng Billboard, Nelly đã làm nên lịch sử vì lần đầu tiên trong giới Hip Hop, hai rapper đều đến từ Midwest giành giật vị trí đầu bảng mà những đồng nghiệp khác đến từ Bờ Đông, Bờ Tây hay Miền Nam đều không có nổi đất cạnh tranh thời điểm đó, đến độ cả mấy tháng sau đó, cả Nellyville và The Eminem Show vẫn điềm nhiên đứng trong Top 10. Số lượng hơn 700 nghìn bản của Nellyville trong tuần đầu tiên và nhanh chóng đạt con số 1,5 triệu ở tuần thứ 3 tại thời điểm phải cạnh tranh với một Eminem đang ở thời kỳ đỉnh cao thực sự là một thành tích quá đỗi ấn tượng. Đó cũng là kết quả xứng đáng dành cho Nelly sau album đầu tay Country Grammar phát hành vào năm 2000 được đón nhận nồng nhiệt, và khi những đĩa đơn như “Hot In Herre” và “Dilemma” của đĩa thứ hai làm mưa làm gió trên sóng radio thì sức “nóng” của tay rapper đạt tới đỉnh điểm thị trường âm nhạc ít ai có thể cưỡng lại được…

… trừ tôi.


Ngày đó những bản MV của Nelly trong album Nellyville được phát trên MTV nhiều đến độ tôi chuyển từ cảm giác nghe vui tai tới phần khó chịu. So với những đồng hương Midwest, kiểu rap như hát của Nelly không được ngầu như Bone Thugs-N-Harmony vì nó không có được tốc độ bắn tỉa, và nội dung lời rap thì cũng không được thô ráp như Bone Thugs hay rapper da trắng Eminem. Nói một cách khác, trên nền beat rất thời thượng phù hợp để bật trong các vũ trường là kiểu rap có giai điệu, loanh quanh nói về chuyện cưa gái và dụ họ lột đồ trong “Hot In Herre” và “Work It” (có sự tham gia của Justin Timberlake), hoặc tử tế hơn chút là sự dè dặt với một người phụ nữ đã có gia đình trong “Dilemma” (có giọng hát của Kelly Rowland). Âm nhạc của Nelly đậm phong cách thời thượng để xếp vào nhánh Pop Rap khi nó đánh trúng phóc vào gu thị hiếu mainstream bấy giờ, đặc biệt khi video có đủ các yếu tố mà tôi không khoái với nhạc Rap ngày ấy: xe đẹp, nhảy nhót, và gái gú.

Chỉ mãi sau này, khi tôi có thời gian để nghe kỹ nhạc của Nelly, đặc biệt với những bài trong hai album đầu tay, tôi mới nhận thấy cách làm nhạc cuốn hút rất riêng của anh rapper này.

Để cảm nhận về độ catchy bắt tai trong nhạc Nelly, đầu tiên có lẽ cần nghe hai bài “Steal The Show” và “Wrap Sumden” trong album đầu tiên, Country Grammar (2000), mà Nelly rap cùng những đồng đội cũ trong nhóm St. Lunatics. Với cái tên mang chất chơi chữ của thành phố St. Louis nơi cả nhóm lớn lên, họ đã không thể vươn được xa hơn khu vực dù đã có một vài bản hit nhất định tại địa phương. Chính thế tất cả thành viên đều đồng tình để Nelly tách nhóm và theo đuổi sự nghiệp solo khi anh là người có tiềm năng nhất, với hy vọng thành công của Nelly sẽ mở cánh cửa rộng hơn cho những rapper khác đến từ St. Louis. Ấy vậy mà cũng chả phải mỗi nguyên nhân bắt nguồn từ thành phố vô danh trên bản đồ Hip Hop của Mỹ, khi Nelly mới ký hợp đồng thu âm với Universal Music vào năm 1999, cái mác Midwest mang ý nghĩa địa lý rộng hơn cũng không tạo được niềm tin cho hãng đĩa. Nói về mặt thương mại, Bone Thugs-N-Harmony thì đã qua thời đỉnh cao, Kanye West còn chưa xuất hiện, một mình album Slim Shady LP phát hành năm 1999 của Eminem cũng không đủ nâng tầm cho cả Midwest. Do đó hãng đĩa có phần coi nhẹ những rapper tới Midwest trong khi Hip Hop thì vẫn chịu chi phối của ba ông lớn, Bờ Đông, Bờ Tây và Miền Nam.


Quay lại hai bài “Steal The Show” và “Wrap Sumden” của Nelly với nhóm St. Lunatics, không khó nhận thấy rằng những thành viên còn lại đều có những điểm yếu nhất định, khi đặt lên bàn cân với Nelly. City Spud có lối gieo vần bị lặp từ quá nhiều. Murphy Lee flow trúc trắc, không bám chặt chẽ với nhịp. AliKyjuan có phần hay hơn trong “Steal The Show”, nhưng lại chưa đủ sắc bén và độc đáo, và còn lộ ngay sự thiếu chặt chẽ khi rap chung trong “Wrap Sumden”. Còn Nelly, mặc dù lời rap của anh thường không quá sâu sắc về mặt ý nghĩa, nhưng những yếu tố còn lại đều được anh “chế biến” rất khéo.

Đây nhé, Nelly rap như sau trong bài “Steal The Show”:

Watch me load up the ammo, cock it back slow

In the back door, infrared low

Tell me somethin' that I don't already know

Like, which one of these closets contain cash flow

Got three little problems I just thought you should know

Peep, I'm addicted to "yes" and I'm allergic to "no"

I'm obsessed with dough, money makin' and the hoes

Anything other than satisfaction gon' blow”.

Đầu tiên phải kể đến là cấu trúc đoạn verse trên của Nelly được sắp đặt khá tương đồng về số lượng âm của mỗi câu và quan trọng là được anh rap theo nhịp đều đặn chuẩn chỉnh. Thứ hai là đoạn verse này nghe catchy vì cách sắp xếp hai âm vần chính mà tôi có phân định giữa gạch chânbôi đậm tạo những độ nhấn theo nhịp điệu rất hay. Và thứ ba, trên tất cả chính là lối flow có giai điệu trầm bổng, đặc biệt các âm vần cuối luôn được Nelly ngân dài hơn tạo tính nhạc cho bài rất cao, nghe khác biệt hoàn toàn những phần verse rap của các thành viên còn lại. Trong khi đó nội dung của đoạn rap của Nelly vẫn đảm bảo tính đồng nhất khi dựng nên khung hình một kẻ đột nhập vào nhà rồi dí súng bắt bọn ở trong phải nôn hết tiền còn không thì ăn đạn. Phải nói là nội dung có tính bạo lực đó nghe càng thú vị hơn qua kiểu nửa rap nửa hát của Nelly khi nói về chuyện “cướp giật”, giống với cái tên bài “Steal The Show” mà chúng ta có thể hiểu theo một hàm ý khác nữa, đó là Nelly vượt mặt đồng đội cũ của anh để “làm chủ track nhạc này”, đúng như nghĩa của từ “steal the show” trong tiếng Anh.

Vậy nên khi nghe track nhạc này, cũng dễ hiểu vì sao Nelly được St. Lunatics chọn mặt gửi vàng để tách ra solo, mở đường cho những nghệ sĩ khác đến từ thành phố St. Louis, nhưng cũng vẫn khó hiểu vì sao thứ nhạc đậm sức hút về mặt âm sắc như này của Nelly lại không đủ để hãng đĩa có niềm tin với Midwest.

Chỉ đến khi Nelly có được thành công về thương mại với single đầu tay “Country Grammar (Hot Shit)” thì Universal mới nhận ra sai lầm của họ, và ngay lập tức cho Nelly tập trung hoàn thiện album đầu tay, rồi thậm chí còn ký hợp đồng ghi âm với St. Lunatics sau đó để Nelly có thể cùng những người bạn của mình thực hiện thu âm album cho cả nhóm.

Đối với riêng Nelly, sức nóng trong sự nghiệp solo của anh đã giúp đưa St. Louis lên bản đồ Hip Hop nước Mỹ, và cùng với những nghệ sĩ khác như Eminem, Nelly chứng minh rằng nhạc Rap đến từ Midwest thật sự đáng gờm. Điều đó hoàn toàn đúng nếu như chúng ta nhìn lại những bậc anh tài như Bone Thugs-N-Harmony, Common, Eminem, Tech N9ne, Twista, Kanye West, Royce Da 5’9’’, Lupe Fiasco, v.v.

Như đã nhắc tới ở đầu bài viết, nhạc Hip Hop của Midwest không có nét đặc trưng riêng. Giống như “nồi lẩu thập cẩm”, các rapper chịu ảnh hưởng từ các vùng miền lân cận theo nhiều mức độ khác nhau, dẫn đến việc các anh tài kể tên trên đều nắm các kỹ thuật và phong cách làm nhạc Hip Hop khác nhau. Có điều họ sẽ ít nhiều mang trong mình một vài kỹ năng được rèn luyện ở đẳng cấp hơn người.

Nelly cũng vậy.

Yếu tố đầu tiên phải nói đến phong cách nhạc của Nelly chịu ảnh hưởng lối làm nhạc Rap có phần uyển chuyển cùng nội dung chủ đề “cưa gái” từ thần tượng LL Cool J – một rapper tới từ Bờ Đông. Tiếp đến anh học kiểu flow bám chắc nhịp với cách nhấn vần rất hay từ thần tượng thứ hai, Tupac – một rapper đại diện cho Bờ Tây. Yếu tố thứ ba trong nhạc của anh là lối phát âm kéo dài hơi mang âm sắc hơi lè nhè của văn hóa đến từ Miền Nam, điều khá là dễ hiểu khi bang Missouri, nơi thành phố St. Louis thuộc về, chịu ảnh hưởng văn hóa chung của cả Midwest lẫn Miền Nam. Yếu tố thứ tư là lối rap như đang hát mà Nelly học được từ những lứa trước, trong đó có Wyclef JeanLauryn Hill (Bờ Đông), Nate Dogg (Bờ Tây), André 3000 (Miền Nam), và những người đồng hương Bone Thugs-N-Harmony. Cuối cùng, yếu tố thứ tư năm nét riêng nhất của Nelly chính là âm sắc giọng mũi đậm chất địa phương của vùng Missouri, Midwest, cùng với loạt tiếng lóng mà anh không ngần ngại sử dụng bất chấp việc người nghe từ những nơi khác có thể không hiểu được. Chúng được thể hiện ngay trong tên các bài rap của anh, với những từ như “Utha”, “Tho”, “Dem”, “Sumden”, “Luven” hay “Herre”.

Về tổng thể có thể nói nhạc Hip Hop của Nelly không ở tầm chuyên sâu trong kỹ thuật gieo vần và các lớp nghĩa của lời rap như đại đa số, nhưng những gì mà Nelly thuần thục, thì anh lại làm rất tốt.


Nếu nói về gieo vần, Nelly sử dụng khá nhiều âm vần đặt giữa và cuối câu để tạo độ chảy mượt mà khi anh rap. Nhưng cũng có lúc anh gieo những cụm vần sát nhau rất hay, như trong câu: “”So when Nelly, can we go?" How could I tell her no? / Her measurements was 36-25-34” ờ bài “Ride Wit Me”, Nelly đặt cụm vần “how could I” & “tell her no” với “twenty-five” “thirty-four” càng làm bật ý anh không thể từ chối một cô gái có thân hình đẹp như vậy (đổi từ hệ quy chiếu inch của Mỹ sang cm thì số đo 3 vòng cô này là 91-63-86).

Có đôi lúc, anh viết cả những đoạn lời có âm vần khá dày đặc, như trong bài “Greed Hate Envy”. Câu “I opened up shop at 13 / Dimes, dubs, quarter sacks and O-Z's” mở đầu có thể thấy những âm vần song hành ở câu thứ hai với câu thứ nhất. “Dimes” đi cùng “I”, “dubs” đi cùng “up”, “sacks” đi với “at” và “O-Z’s” đi với “13”. Tới đoạn hook, Nelly dùng vần trong câu để tăng độ catchy của nó: “Follow the rules stay cool and rock jewels”.

Về nội dung, ngoài những bản single thương mại mang chủ đề và ý nghĩa có phần hời hợt, Nelly cũng có những track nhạc có phần lời đáng để suy ngẫm. Ở bài “Ride Wit Me” có đoạn: “It feel strange now, making a living off my brain / Instead of 'caine now, I got the title from my / Momma put the whip in my own name now, damn shit done / Changed now, running credit checks with no shame now”. Nelly sáng tác đoạn lời rất ý nghĩa khi anh “cảm thấy lạ lẫm” khi giờ anh có thể sống nhờ làm nghệ thuật “chất xám” (“making a living off my brain”) thay vì buôn hàng cấm (“instead of ‘caine”), và không còn thấy hổ thẹn khi đường hoàng tậu con xe mà không lo về lịch sử tín dụng (“running credit checks with no shame now”).


Còn trong “Greed Hate Envy”, trong verse 3 Nelly kể về chuyện anh bị một tên cảnh sát bắt dừng xe giữa đường để kiểm tra. Đoạn lời với những câu hội thoại vừa thật vừa dí dỏm giữa Nelly và tên cảnh sát khi tay này không thể tìm ra hàng nóng trên xe anh, nên rồi cũng phải để anh đi tiếp, khiến cho những câu cuối của verse càng có thêm sức mạnh về ý nghĩa mà Nelly muốn chuyển tải – những suy nghĩ định kiến và phân biệt chủng tộc của cảnh sát với người da màu, chỉ vì giờ đây anh đã là người trong sạch và rủng rỉnh của cải để có thể lái một con Range Rover màu đen: “You could tell he was pissed / 'Cause the black man in the Black Range / Doin' black things with his black change / Doin' the right thing, drivin' his ass insane / And if I wasn't in his face he probably be callin' me names”.

Hoặc như bài “Utha Side”, cả track là câu chuyện về một gia đình nhỏ phải vật lộn với cuộc sống bằng những công việc phi pháp và mỗi verse là đoạn hội thoại của Nelly với từng con người, từ bà mẹ trẻ đến hai đứa con. Và phần hook là ý nguyện của anh có thể giúp họ quay về con đường trong sạch.

Nhìn chung, đó là những yếu tố mà Nelly thể hiện khá tốt trong các bài rap của anh. Thế nhưng, điểm then chốt mà anh tạo dấu ấn riêng ở âm nhạc của mình là kiểu rap flow nghe như hát, với các đoạn hook bắt tai vô cùng rõ nét về giai điệu.

Về phần này, tôi phải công nhận anh làm tốt hơn rất nhiều rapper khác. Đó là vì trước khi sáng tác lời, Nelly sẽ nghe kỹ cả track nhạc instrumental. Như một ca sĩ, anh cảm về phần nhạc, trong đó có những thay đổi của hợp âm, sau đó sẽ viết ra giai điệu cho câu hook trước, và rồi mới đến những đoạn verse. Nhờ vậy, khi nghe nhạc của Nelly, lối rap như đang hát của anh không bao giờ bị lạc điệu. Nó chuẩn xác về tính nhạc hơn cả Bone Thugs-N-Harmony và cả những rapper chịu ảnh hưởng phong cách này của anh như Kid Cudi.

Bên cạnh những câu hook có những lúc được Nelly hát gần như một ca sĩ R&B, các phần verse được anh thể hiện cao độ nốt nhạc rõ nét nhất trong các âm vần, mà thường sẽ ở cùng một cao độ như nhau, ngân nga dài hơn các chữ khác và còn có độ rung nhẹ làm cho âm sắc nghe rất mượt.


Trong album Country Grammar, tôi thích nhất kiểu “hát” rap của Nelly trong bài “Greed Hate Envy” khi giọng anh chuyển đổi lên nốt cao, được phát âm nhẹ hơn tại những âm vần chính của bài; và track “Utha Side”, Nelly đổi giọng hơi khàn chút, ngân âm cuối một chút rồi ngắt tiếng, trước khi bật lại âm đó như một tiếng vọng dội từ “phía bên kia” về ngược lại.

Trong album Nellyville, tôi thích cách Nelly viết giai điệu rap trên nền nhạc cụ guitar thùng và kèn ở bài “Splurge” hay nền piano ở bài “Say Now”, hoặc như lối anh hát nhiều giọng giả thanh trong “Pimp Juice” khiến tôi tưởng track này do The Neptunes sản xuất mà hóa ra không phải.


Ngoài ra, một nét độc đáo nữa trong phong cách nhạc của Nelly là việc anh đưa vào những đoạn bridge, dù không nhiều, ví dụ như bài “Ride Wit Me”, “On The Grind” hay “Work It”, nhưng đủ tạo ra một khúc biến đổi về nhạc khá thú vị, theo đúng cách tiếp cận trong sáng tác của những nghệ sĩ R&B.

Có điều là khi mà cách làm nhạc Hip Hop của Nelly đi theo hơi hướng có giai điệu thì sẽ khó tránh khỏi việc nhiều bài có kiểu nhạc na ná nhau, và tạo cảm giác “ngấy”. Đó là lý do với cá nhân tôi, khi hai album đầu tay của anh là gây ấn tượng nhất thì vẫn có một cơ số bài cần phải skip vì độ quen thuộc của nó. Thứ Pop Rap thời thượng là vậy, nhưng cả khi Nelly không bị phụ thuộc nhiều vào những ca sĩ chuyên nghiệp để hát những đoạn hook, thì một lúc nào đó, âm nhạc bắt tai của anh cũng có lúc tạo cảm giác nhàm tai nếu không tạo thêm những khác biệt mới mẻ. Hơn nữa, vì theo đuổi phong cách nhạc hướng tới số đông mainstream để có được vị trí top trên các bảng xếp hạng, Nelly cũng bị đẩy lùi xuống những vị trí thấp hơn trong những bảng đánh giá các rapper tài năng.

Cũng may là những gì Nelly làm được trong quãng thời gian đỉnh cao của anh vẫn để lại một dấu ấn sắc nét thời kỳ Hip Hop ngày ấy. Bên cạnh việc anh đã góp sức tôn vinh Hip Hop đến từ Midwest, cũng như một tay viết tên thành phố St. Louis lên bản đồ âm nhạc nước Mỹ, phong cách rap đậm chất hát của Nelly chắc chắn ít nhiều ảnh hưởng và len lỏi trong những nhạc phẩm Hip Hop sau này. Và ai mà biết được, từ Drake, Kid Cudi, Post Malone cho tới những melodic rapper khác sau này kiểu gì cũng phải học được thứ gì đó hay ho trong nhạc của Nelly chứ.

Hẹn gặp lại!


Kunt

438 views

Recent Posts

See All
bottom of page