top of page

FINNEAS: Một nửa của Billie Eilish

Updated: Jan 5, 2023

Có lẽ Billie Eilish là một trong số ít nghệ sĩ mà người từng nghe nhạc của cô được phân chia làm hai nhóm thuộc hai thái cực rõ ràng: không ưa và rất ưa. Việc có những người không ưa nổi nhạc của Billie Eilish cũng là điều dễ hiểu, mà phần nhiều là do kiểu hát thều thào của cô. Nhưng với những người mê nhạc của cô (trong đó có tôi) thì cũng có những lý do rất rõ ràng, và một trong những lý do chính đó là nhà sản xuất - kiêm nhạc sĩ - kiêm anh trai Finneas nhà O'Connell.


Đầu năm 2020, ở tuổi 22 Finneas O'Connell đã làm nên lịch sử khi trở thành nhà sản xuất âm nhạc trẻ nhất trong lịch sử được vinh danh Producer of the Year tại lễ trao giải Grammy. Ngoài ra, trong lễ trao giải đó, anh và cô em gái Billie Eilish đã chiến thắng các giải quan trọng nhất bao gồm: Record of the Year và Song of the Year cho bài “Bad Guy”, Album of the Year, Best Pop Vocal Album và Best Engineered Album cho đĩa “When We All Fall Asleep, Where Do We Go?” (WWAFA / WDWG) của cô em gái.

Như vậy là chỉ bằng nhạc phẩm của Billie vào năm đó, Finneas đã vượt qua các đàn anh là Jack Antonoff (sản xuất cho Lana Del Rey, Taylor Swift, …), Dan Auerbach (sản xuất cho The Gibson Brothers, rồi ban nhạc của anh - The Black Keys…), John Hill (sản xuất cho Carly Rae Jepsen, Khalid, Imagine Dragons,…) và Ricky Reed (sản xuất cho Lizzo, SZA,…) để lên bục nhận giải Producer. Chính thế mà cái tên “Billie Eilish” thực ra đều được ngầm hiểu là nghệ danh tượng trưng cho bộ đôi hai anh em gia đình O’Connell và sự thành công cũng như cá tính âm nhạc rất riêng của Billie là nhờ tới 50% công sức của Finneas – người tham gia sáng tác cùng Billie và gần như hoàn toàn một mình sản xuất hết các nhạc phẩm của cô em.

Không phải tự dưng mà những gã to đầu như Dave Grohl, Paul McCartney, Elton John và người khó tính như Thom Yorke phải nói lời khen nhạc của Billie. Rồi đến cả những youtuber có background nhạc viện chuyên đánh giá về âm nhạc hiện đại, ví dụ như anh nhạc sĩ dạy sáng tác Friedemann Findeisen trên kênh Holistic Songwriting, hai anh nghệ sĩ Jack ConteRyan Lerman trên kênh Dead Wax, anh nghệ sĩ chơi nhạc jazz Charles Cornell, hoặc thậm chí nhà sản xuất âm nhạc Rick Beato – người đã bước sang tuổi 60 với mái tóc bạc phơ, nổi tiếng với việc luôn phê phán âm nhạc ngày nay lại là một fan của Billie. Ngoài tài năng sáng tác giai điệu nhạc cực đẹp và độc đáo cùng kỹ thuật hát rất tốt (ngược lại với những gì mà người nghe cảm nhận từ kiểu hát thều thào) của Billie Eilish, riêng với Finneas và tay nghề sản xuất nhạc của anh, họ ca tụng như sau:

- Friedemann tìm thấy “mạch truyện” trong cách làm nhạc mang nhiều yếu tố biến đổi bất ngờ.

- Jack khen âm thanh đơn giản với nhiều khoảng trống và cực kỳ trau chuốt.

- Charles là một fan cứng dù anh là người chuyên sâu về nhạc jazz, chỉ bởi anh quá ấn tượng với cách làm nhạc ở một đẳng cấp hơn hẳn các bài pop mainstream khác.

- Còn Rick thì khen phần production của Finneas đẹp đến tinh tế.

Đây là lý do mà dù tôi đã từng viết bài về cô gái Billie Eilish, tôi vẫn muốn dành một post riêng để ca ngợi Finneas cho xứng công danh của người anh trai tuyệt vời này.


Với tôi, âm nhạc mà Finneas sản xuất gợi cho tôi nghĩ tới 3 phong cách của 3 nghệ sĩ sau: Timbaland với âm thanh “vị lai” đầy mới lạ, Pharrell Williams với “sự tối giản”, và James Blake với những “khoảng lặng”. Nhưng dĩ nhiên âm nhạc Finneas tạo dựng, đặc biệt trong các dự án với cô em gái lại là một tổ hợp âm thanh đầy cá tính.

1. Âm thanh “vị lai”

Giống như Timbaland, khi nghe nhạc mà Finneas sản xuất, người ta thường tìm thấy những âm thanh vô cùng lạ lẫm, mới mẻ, và đặc biệt gây ấn tượng.

Finneas vô cùng kỹ tính trong phần lựa chọn âm sắc. Anh có thể mất hàng giờ để mò ra một tiếng động, như là âm thanh tín hiệu sóng âm rè trong bài “I Lost A Friend” ở bản EP Harmony (2019) – nhạc phẩm solo của anh. Hay như trong bài “Shelter”, để có âm thanh mảnh gọn trên đàn dây, Finneas phát hiện rằng anh có thể tạo được bằng cách chơi các phím cao trên cần đàn guitar, thu âm lại, rồi tách từng nốt riêng thành sample, tải vào đàn keyboard và chơi lại trên chiếc đàn đó.


Rồi để tô đậm nét những đoạn vào nhạc, phần intro sẽ thường được Finneas giảm dải tần cao, bóp nghẹt tiếng để tạo hiệu ứng lo-fi trước khi mở bung ra, giống như bài “Partners In Crime” hoặc “Let’s Fall In Love For The Night”, mà ở ca khúc sau, anh thừa nhận cảm hứng đến từ phần nhịp điệu trong “Feel Good Inc.” của Gorillaz và cách đẩy tiếng các nhạc cụ sang hai bên loa trong “Mr. Brightside” của The Killers.

Có thể thấy rằng, phong cách làm nhạc của Finneas luôn là tạo ra các sự khác biệt rõ rệt trong không gian âm nhạc thông qua các âm thanh hiệu ứng lạ tai ở từng đoạn nhạc.

Tuy nhiên, là một người không hợp các nhạc phẩm solo của anh, tôi không cảm nhận hết được những ý đồ làm nhạc này của anh giống như khi tôi nghe nhạc Billie Eilish. Tôi cảm thấy nhiều bài của Finneas nghe hơi “sến” và phảng phất yếu tố “giản dị một màu”, giống như nhiều bài của Ed Sheeran vậy. Thế nên, ngoại trừ một số bài mang những giai điệu hay (ví dụ như “Let’s Fall In Love For The Night” và “Partners In Crime”), những bài nhạc thiếu cá tính trong album solo của anh có vẻ như không có đất diễn cho tài năng sản xuất nhạc xuất chúng của Finneas. Biết rằng phần nhiều ông anh Finneas đã chủ động nhường những thứ “ngon” và “chất” nhất cho âm nhạc của cô em, nhưng chắc chắn là phong cách làm nhạc khác người của Billie Eilish là động lực cho ông anh phải mày mò ra những chiêu thức mới và đột phá.


Bài đầu tiên khiến tôi tâm phục khẩu phục với nhạc của Billie Eilish là “When I Was Older”, nhạc cho bộ phim Roma của đạo diễn Alfonso Cuarón. Ngoài chuyện nhịp bass chơi theo chùm 3 bập bùng trên một nốt nhạc của mỗi hợp âm, và lệch phách với tiếng trống, phần sample nghe giống như tiếng đồng thanh của nhiều người được Finneas chèn vào thay đổi hết bầu không gian nhạc. Tiếng vang đó như thể đóng vai cho tiếng snare trống với âm sắc vang dội tạo một không gian rộng lớn hơn rất nhiều. Rồi tiếng sáo như bị bóp nghẹt ở dưới – một phong cách rất “Finneas” chạy các nốt ở nhịp độ nhanh, đối ẩm với phần keyboard âm sắc sáng và điểm xuyết. Rồi cứ tưởng thế là bất ngờ lắm rồi, Finneas vẫn tung chiêu tiếp bằng âm thanh bass rõ nét có độ rung nhấn nhá nghe cực kỳ hấp dẫn. Vẫn là những nhạc cụ tạo từ đàn điện tử như vậy thôi, nhưng tôi thực sự nể khả năng mày mò những tiếng đàn có âm sắc mới lạ của anh chàng này. Rồi ai mà nghĩ được hiệu ứng ngắt mở tiếng hát của Billie ở khúc này sẽ làm bài hát hay hơn chứ. Thế mà Finneas vẫn mò ra được.


Trong bài “ilomilo” ở album WWAFA/WDWG (2019) của Billie, giai điệu nhẹ nhàng của nó không cản trở sự sáng tạo của Finneas khi biến nó “sôi động” hơn một chút bằng tiếng trống điện tử có âm sắc tinh chỉnh khéo léo. Tiếng trống này chỉ nghe không đã thấy nó bập bùng nhảy nhót giữa hai bên tai. Thế rồi tiếng synth đánh đều đặn ở một nốt thi thoảng bị nhéo tiếng càng tôn tiếng keyboard khác lung linh được chơi lệch phách với trống. Nhiều yếu tố ngon lành cho bài nhạc này lắm rồi nhưng không ai ngờ tiêu điểm của phần production này lại là câu bass chơi sau đó. Âm bass được chơi nhanh và liên tục một nốt ở mỗi khuông nhạc rồi dừng ở khuông nhạc kế tiếp trước khi lặp lại trình tự đó, tạo một cảm xúc bài nhạc hồi hộp và dồn dập.

Nhìn chung, có thể thấy nếu như âm thanh “vị lai” của Timbaland vẽ một bức tranh viễn cảnh hiện đại và tân tiến thì nhạc của Finneas lại vẽ một viễn cảnh có phần u tối và đượm buồn.

2. Sự tối giản

Người ta bảo chỉ cần chiếc máy tính, một phần mềm làm nhạc ngon lành là bạn có thể tạo ra đủ thứ nhạc từ phòng ngủ của mình. Có điều đó là khi những người làm nhạc đó đi theo hướng sử dụng nhiều các nhạc cụ khác nhau để phần âm thanh được dầy và đầy đặn.

Finneas không như vậy. Anh có một phong cách làm nhạc tối giản đến đáng sợ. Giống như tài năng Pharrell Williams mà chúng tôi đã từng viết trước đây, số lượng track nhạc cụ mà Finneas sử dụng đếm không quá số ngón tay trên một bàn. Mỗi khi anh bổ sung một track nhạc mới vào, nếu nó không khiến anh cảm thấy “sướng tai”, không làm cho bài nhạc hay lên một cách rõ rệt, thì anh sẽ bỏ nó đi ngay lập tức. Và do đó, cũng giống như Pharrell, anh sẽ phải cực tinh trong việc tạo những nhịp trống khác nhau ở mỗi bài. Cùng với Billie Eilish, Finneas được mẹ dạy nhạc và sáng tác từ nhỏ. Hơn cả, anh có một đôi tai nhạy với nhịp điệu tựa như chúng ta học ngôn ngữ mẹ đẻ từ bé vậy. Vì thế nhịp điệu được Finneas cảm nhận một cách tự nhiên, không bị phụ thuộc bởi bất kỳ công thức nhạc lý nào. Nhưng do vậy, khác với Pharrell, không phải lúc nào Finneas cũng program tạo ra nhịp trống phức tạp. Anh thậm chí tối giản cả chính nhịp trống nếu thấy cần thiết.

Khi sản xuất nhạc cho các nghệ sĩ khác, Finneas cũng đưa phong cách tối giản này vào. Ví dụ bài “Lose You To Love Me” của Selena Gomez, nếu như ở đầu bài chỉ là phần piano cùng chút tiếng bass và synth ngân dài đằng sau, thì khúc sau lúc trống vào, bài hát cũng chỉ dày tiếng lên chút nhờ các nhạc cụ nhẹ như tiếng gió và phần hát bè vang lên. Tiếng trống có độc tiếng kick drum gõ vào nhịp chính của khuông nhạc, thi thoảng kéo thêm một nhịp nữa. Thế là hết.

Ngược lại, với bài “Used To This” của Camila Cabello, Finneas thay đổi phần nhịp điệu trống liên tục. Lúc là chùm 3, lúc đều đặn như tiếng đồng hồ quả lắc, lúc lại dồn tiếng kick “four on the floor”, rồi lại ngắt nghỉ không thể đoán được. Finneas làm thế không phải để gây ấn tượng người nghe, mà nó phù hợp với từng đoạn một, đúng ý đồ nhạc của anh.

Chính thế, nên trong nhạc của Billie Eilish, những ý đồ này càng sáng tỏ.

Như trong bài “Bad Guy” mà tôi đã nói trước đây trong bài viết về Billie, phần nhạc chỉ có độc tiếng trống, bass, và vocal của cô em. Đây là một quyết định cực kỳ liều lĩnh vì sự đơn giản trong làm nhạc này rất dễ để lộ điểm yếu của bài hát và mang lại sự nhàm tai. Nhưng Finneas vượt qua rào cản đó vô cùng dễ dàng. Không cần nói đến nhịp điệu đều đặn bắt tai và tiếng bass nhún nhẩy ẩn chứa phong cách Rock như nhạc của White Stripes, Finneas thêm vào bộ gõ tiếng búng tay có hiệu ứng delay tạo độ trễ để phá tan cái đều đặn của trống và bass kia. Nếu chỉ thế đến cuối bài thì người nghe cũng sẽ lại chán ngay, vì thế một lúc sau Finneas lại điểm thêm tiếng shaker để điền vào những chỗ trống. Vẫn ở tâm thế giảm thiểu số nhạc cụ, khi Billie ngưng hát thì câu đàn điện tử mới chêm vào làm sáng bừng cả bài nhờ các nốt nhạc chơi ở tông cao hơn hẳn phần vocal của Billie trước đó.

Đây cũng là cách làm nhạc khác người của hai anh em này. Bởi chúng có sự tối giản ở số nhạc cụ, sự tối giản đôi lúc cả ở nhịp trống, và cả sự tối giản của chính tiết tấu bài hát, khi mà phần hook cũng không hề có giai điệu lên cao như phần lớn các nhạc sĩ khác thường làm.

Nhưng nói thế không có nghĩa giai điệu trong âm nhạc của Billie lại đơn giản. Ngoài một số bài trong album WWAFA / WDWG có những giai điệu êm ái như “wish you were gay”, “ilomilo”, “I love you”, đến album phát hành năm 2021 – Happier Than Ever, số lượng bài hát mang giai điệu đẹp còn nhiều hơn nữa. Với đĩa Happier Than Ever, tôi cảm thấy âm nhạc của Billie Eilish và Finneas trưởng thành hơn, và tổng thể đồng nhất hơn cả đĩa trước. Một loạt các track “Getting Older”, “I Didn’t Change My Number”, “Billie Bossa Nova”, “Lost Cause”, “Your Power” hay “Happier Than Ever” đều có giai điệu cực đẹp. Biết rằng Finneas có tham gia đồng sáng tác với cô em, nhưng rõ ràng là cá tính khác người của cô thể hiện rõ trong hướng nhạc ngọt ngào mà không sến sủa, kể cả khi họ quay về những âm hưởng của nhạc xưa trong album này.

Chính sự kỹ tính trong lựa chọn các nốt nhạc khi hát và những biến đổi hợp âm khó đoán của Billie giúp cho việc tối giản trong sản xuất nhạc của Finneas càng đạt hiệu quả cao.

Tại sao ư? Như các nhạc phẩm khác mà Finneas sản xuất cho những nghệ sĩ khác, hoặc cho chính bản thân anh, dù âm nhạc không dầy tiếng như phong cách của các producer thường làm, tổng thể của chúng nghe vẫn còn dầy tiếng nhiều so với nhạc của Billie, bởi phải như vậy thì mới bù đắp hoặc che lấp được đoạn nhạc không đủ gây hứng thú cho người nghe.


Nhạc của Billie lại không vậy. Quay trở về với album Happier Than Ever, nhờ giai điệu tuyệt đẹp của “Your Power” chẳng hạn, sự liều lĩnh của Finneas khi tối giản chỉ dùng độc cây guitar thùng chơi “quạt chả” thực sự là bước đi đúng đắn. Thậm chí, có những lúc anh dùng tay chặn nhẹ dây để chơi “ghost note” tạo nhịp điệu bằng cây guitar, khiến cho giai điệu duy nhất trong bài là giọng hát của Billie được nổi bật trong một không gian đầy lắng đọng. Để rồi, track nhạc cụ khác sau đó được Finneas thêm vào về sau là tiếng strings nhẹ nhàng cũng chỉ để biến đổi không gian âm nhạc được khác đi đôi chút.


Với bài “Lost Cause”, tiếng đàn chủ đạo lại là câu bass chơi rất hay được đưa hết lên phía trước, ngang bằng với cả âm lượng giọng hát của Billie. Track nhạc cụ khác xuất hiện cũng chỉ là tiếng trống. Phần synth thì chơi rất điểm xuyết, để trơ lại giọng hát và phần bè của Billie. Finneas hẳn cực tự tin khi làm nhạc như vậy, bởi riêng giai điệu nhạc vốn đã hay sẵn rồi, thì việc cho nhiều nhạc cụ vào cũng chỉ tự dưng át đi hết giọng hát vô cùng hay của Billie.

3. Khoảng lặng

Trong bài viết của tôi về James Blake và những nốt nhạc không được chơi, hay nói một cách khác, những khoảng lặng, chúng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Có điều để làm được vậy, bài nhạc về cơ bản phải được sáng tác có bài bản và đủ hấp dẫn, cả khi chỉ còn độc đúng phần giọng hát acapella.

Nhạc mà Finneas làm cùng Billie cũng vậy. Có những vẻ đẹp trong âm nhạc của Billie và Finneas mà những người chưa nghe kỹ nhạc của Billie đều không thể nhận ra. Đó là những chuỗi hợp âm chuyển đổi một cách lạ lẫm và cực đẹp. Đó là những ý tứ và sự tinh tế trong phần viết nhạc ở một đẳng cấp khác hẳn âm nhạc thường thấy trên các bảng xếp hạng. Chỉ bởi vì nhạc Billie Eilish bán chạy không có nghĩa là nó mang sự dễ dãi như thứ nhạc thương mại. Tính thẩm mỹ ẩn chứa trong các nhạc phẩm mà Finneas và Billie làm đủ phức tạp để những người chơi nhạc Soul, Blues, Jazz hay R&B và thậm chí Rock có thể tìm thấy những điều bất ngờ khi khám phá ra chúng.

Và đây là lý do mà Finneas có thể sử dụng những khoảng lặng hiệu quả để tôn những gì đẹp nhất mà anh và cô em gái gửi gắm trong đó.

Trong bài “when the party’s over” ở album WWAFA / WDWG, phần ngưng nhạc ở đoạn 1 phút 48 giây để lại đúng tiếng gõ, dù chỉ kéo dài trong vài giây, nhưng đủ để giọng hát của Billie cất lên sau đó nghe ngọt ngào hơn nhiều. Đó là vì sự tương phản của khoảng tĩnh ngay liền trước.


Trong bài “i love you”, chỉ tiếng guitar thùng gảy nốt cao nốt thấp xen kẽ và tiếng keyboard cực nhẹ làm nền ở sau, giai điệu tình cảm qua giọng ca của Billie và phần bè của Finneas đóng vai trò chủ đạo. Cả bài coi như không cần tiếng trống. Có điều, sự thiếu vắng của tiếng bass trong đoạn đầu khiến cho chỉ cần một nốt đàn bass cất lên sau đó vào đúng chữ “you” khi Billie hát câu “I love you” bỗng nhiên làm cho cả bài ấm áp vô cùng. Khoảng lặng còn được đẩy thêm một tầm mới khi ở verse sau, lúc Finneas ngưng chơi guitar, tiếng người nói qua chiếc đài radio phảng phất đằng sau càng tăng sự ảm đạm buồn bã cho bài hát. Vô cùng hiệu quả!

Finneas tiếp tục dùng những đoạn lắng này trong loạt các bài ở album Happier Than Ever, khi mà số nhạc cụ chơi còn ít hơn cả ở đĩa trước. Liều lĩnh nhất phải là ca khúc chủ đạo cùng tên album, khi mà nửa bài đầu (dài hơn 2 phút rưỡi) là đoạn nhạc ballad trên nền guitar thùng sử dụng dây nylon để có được âm sắc ấm áp. Không trống, không bass. Thứ níu giữ người nghe lại duy nhất chỉ ở mỗi giai điệu ngọt ngào có âm hưởng cố điển. Nhờ đó lúc đổi nhạc ở nửa sau, khi mà bài hát chuyển biến sang âm thanh rock, tiếng trống, tiếng bass, tiếng guitar điện rè đặc làm sự tương phản như ngày và đêm của bài hát trở nên cao trào chưa từng có trong nhạc của Billie.

Cách làm nhạc của bài “Happier Than Ever” này cũng là màn thể nghiệm thông minh của Finneas, bởi khi đặt ca khúc này với những nhạc phẩm khác của Billie, sự khác biệt rõ rệt chưa từng thấy giúp khúc nhạc cao trào đạt tới cảnh giới mạnh mẽ nhất của nó, nhờ vào yếu tố bất ngờ đầy sáng tạo của chàng trai tài năng này. Nửa sau của “Happier Than Ever” đi ngược hết những gì Finneas đã làm cho Billie trước đây. Không có những âm sắc lạ “vị lai”. Âm thanh dầy đặc khác xa phong cách “tối giản”. Các nhạc cụ và phần bè vocal đan xen vào nhau không để chừa ra một “khoảng trống” nào cả.


Chiến lược này của Finneas chứng tỏ một điều là kiểu nhạc gì anh cũng có thể sản xuất được. Nhưng rõ ràng để hiệu ứng đạt được tốt nhất, người làm nhạc cần chuẩn bị sẵn các yếu tố mới lạ và bất ngờ.

Dù cho Billie Eilish có là khuôn mặt đại diện cho một tài năng trẻ có tầm ảnh hưởng lớn trong làng nhạc thế giới, những người yêu nhạc của cô đều biết đấy là nghệ danh đại diện chung cho cả hai anh em. Tôi thấy những màn trình diễn của Billie gần đây đều có sự hiện diện của ông anh Finneas, khiến cho buổi biểu diễn lại càng nhiều cảm xúc khi chứng kiến sự đồng điệu trong âm nhạc giữa hai người.


Kể mà gọi ban nhạc này là Billie Finneas thì sẽ công bằng hơn, nhưng có vẻ chàng trai này cũng không màng tới chuyện đó bởi họ vừa là người nhà, vừa là người bạn, và cũng vừa là những đối tác âm nhạc tri kỷ.

Hẹn gặp lại!

Kroon

2,060 views

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page