top of page

Âm sắc "vị lai” và “mơn trớn” của Timbaland

Updated: Nov 5, 2022

Đã có lúc mức giá để bạn mua một bản beat của Timbaland phải lên tới $275.000 cho 1 track, vượt cả Dr. Dre để đứng đầu thị trường. Vậy là nếu bạn thuê ông sản xuất cho cả album mà không có cái giá bán sỉ thì cũng chát lắm đấy.

Có điều giá này “đắt xắt ra miếng” đấy vì rất nhiều track dưới danh Timbaland đều thành hit trên các bảng xếp hạng. Tất cả bởi vì cái công thức bí truyền mà nếu “xắt” phần beat của ông ra từng phần sẽ thấy giá trị ông đem lại mang theo một hoặc cả hai đặc tính sau mà ít producer nào làm hiệu quả như ông: (1) "vị lai” và (2) “mơn trớn”.



Âm thanh “vị lai” trong nhạc của Timbaland là những âm sắc khác với thị trường, và đôi lúc còn lạ cả với những sản phẩm trước đó của ông.

Nổi tiếng là một trong những nhà sản xuất nhạc sáng tạo hiện đại là vậy, nhạc Timbaland nhìn lại nhiều lúc rất khó để tiếp nhận vào thời điểm phát hành.

Tôi nhớ lần đầu nghe trên đài radio phát bài “SexyBack” của Justin Timberlake. Đã từng nghe mấy bản Pop mà Timbaland sản xuất rất vào tai như “Cry Me A River” của Timberlake hay “Promiscuous” của Nelly Furtado, nhưng cái beat và giai điệu ngang phè vẫn khiến tôi và cậu đồng nghiệp nhìn nhau bảo “đây mà là nhạc á”? Cả bài nghe như đọc lời, và khi có chút nhạc điệu thì gọi là giai điệu cho nó sang chứ giống như trẻ con đang nghịch mấy nốt đàn.


Giống với hồi đầu nghe nhạc Missy Elliott vậy! Bài “The Rain (Supa Dupa Fly)” hay “Get Ur Freak On” có tempo chầm chậm, và tối giản trong số lượng track nhạc. Tiếng nhạc cụ của đàn tumbi bắt nguồn từ Ấn Độ trong “Get Ur Freak On” còn tạo cảm giác bức bối vì câu đàn cứ ngang ngang không được giải toả.


Đến cả với cô ca sĩ Aaliyah sau khi hợp tác thành công cùng Timbaland (và Missy Elliott) cho đĩa One In A Million cũng dè chừng khi thu âm bài “Are You That Somebody?” vì nhịp trống có phần “nhặng xị” không rõ cấu trúc nhịp, lúc đập lúc dừng, tiếng guitar ngắt âm, rồi cả tiếng em bé khóc trong đó.


Vậy mà điểm chung của các bài đó là chúng đều từng làm mưa làm gió trên các bảng xếp hạng và tới giờ khi nghe lại không thấy nhạc bị cũ đi tẹo nào. Lý do chính là vì chúng là những âm thanh tượng trưng của tương lai mà những người đang ở thực tại như tôi phải sau này mới ngẫm ra được.

Bù lại, khi phải tạo những âm thanh dễ gần hơn, Timbaland lại có cách đưa vào âm điệu “mơn trớn” ngọt ngào để rót vào tai những ai chưa quen nhạc của ông.

Để đưa được 2 yếu tố “vị lai” và “mơn trớn” vào, Timbaland không cần phải nhồi nhét. Giống như người anh em họ cực kỳ tài năng Pharrell Williams, các bản beat của Tim tính ra không hề dày tiếng. Ông luôn giản lược và lựa chọn kỹ lưỡng từng âm thanh mà vẫn đạt được 1 hoặc cả 2 mục đích trên. Và nhìn lại, 2 yếu tố trên có tỷ trọng cũng dần thay đổi, mà được phân định rõ nét qua 2 thời kỳ:

1. Trước 2003

Ngay từ những ngày bé, Timbaland đã luyện được kỹ năng beatbox và bắt đầu làm beat cho bạn bè ông rap theo nhịp điệu đó. Khả năng này đã dẫn dắt ông tới nghề DJ nghiệp dư. Có điều năm 15 tuổi, Tim đã phải vào viện nằm liệt giường 9 tháng sau lần bị cậu đồng nghiệp tại một nhà hàng hải sản khoe khẩu súng mới tậu xong chẳng may bóp cò khiến viên đạn lạc cắm ngay vào nách. Trong thời gian đó, ông thuần thục thêm kỹ thuật tạo dựng nhịp trống chỉ bằng đúng cánh tay bên trái trên cây đàn điện tử. Sau này, xem clip mà Timbaland tạo beat ngẫu hứng live trên youtube chỉ từ các câu sample nhạc khác nhau mới thấy sự nhạy về nhịp của Tim tinh tế vô cùng. Nó tôn được chính âm thanh sample đó lên một tầm mới.


Ấy thế mà thể loại nhạc mang tới thành công thương mại cho Tim ban đầu lại là R&B, thứ nhạc nặng về giai điệu, cụ thể là nam ca sĩ Ginuwine và nữ ca sĩ Aaliyah. Ở bài “Pony” của Ginuwine, người ta bắt gặp tiếng hi-hat được đẩy lên rất to và đanh, âm beatbox bị méo tiếng như robot trong phần nền thay cho câu bass chính, xen đó là tiếng rít nhẹ của đàn điện tử không có tác dụng góp vào phần hợp âm mà như một thứ tiếng ồn kích thích màng nhĩ. Cách sử dụng những hiệu ứng từ âm thanh tạo từ kỹ thuật beatbox hay các âm sắc khác phát ra từ mồm từ thời kỳ này đã được Timbaland khai thác hiệu quả, điều mà ít nhà sản xuất nhạc nào khác bì được.


Trong bài “One In A Million” của Aaliyah, người ta nghe được cả phần sample hiếm thấy là tiếng dế kêu, thứ thể nghiệm rất liều lĩnh khi chính Tim và người bạn thân Missy Elliott như mang cả “sở thú” vào phòng thu để tạo một album đột phá cho cô gái trẻ kia.

Có điều tôi thấy sự đột phá mạnh mẽ nhất của Tim lại bắt đầu từ dòng nhạc Hip Hop trở về sau, đặc biệt ở những tuyệt phẩm giành cho Missy Elliott. Người ta bảo ông có cách pha nhạc Hip Hop rất riêng vào các bản R&B, nhưng tôi thấy âm thanh ông mang tới không hẳn là Hip Hop, nó ở một thực tại khác.

Nếu như ở các bản beat nhạc Hip Hop khác, như của Dr. Dre, kiểu gì ta cũng nghe được vòng lặp âm thanh cuốn hút nào đó trên nền vòng hợp âm có sự căng và giải toả liền sau, thì Timbaland lại chọn hướng khác. Tỉ dụ như ông có thể dựa trên một nền nhạc chỉ quanh đúng 1 hợp âm ở bài “The Rain (Supa Dupa Fly)” mà vẫn tạo sự hấp dẫn từ cái âm sắc đàn bass điện tử ở cao độ vừa đủ để làm nhạc cụ chính. Kỳ lạ chỗ là ngoài tiếng bass đó ra, ta chỉ còn mỗi phần nhịp trống và một âm thanh điện tử khác chỉ chơi đúng 1 nốt nhát gừng và điểm suyết. Âm thanh rất thưa này không hề mỏng tiếng, nhờ cách lựa chọn âm sắc điện tử của trống và bass cực giỏi của Tim. Và hay cái là bằng đúng 1 hợp âm đó, câu bass cùng phần rap nửa đọc nửa giai điệu của Missy Elliott lại lạ lẫm và cuốn hút. Trong “Work It” của Missy Elliott, không chỉ là tiếng scratch đĩa mở đầu độc đáo mà còn cả tiếng voi rú giữa bài và tiếng synth nghe giống tiếng ồn hơn là âm điệu vì các nốt ngang phè của nó.


Bên cạnh cô bạn thân và hợp rơ nhất thời đó, Tim có được sự ăn ý với cả JAY-Z. Bản beat cho “N**** What, N**** Who (Originator 99)” là một ví dụ. Khác với kiểu chậm rãi với Elliott, phần production này cho JAY-Z có tiết tấu hi-hat nhanh hơn với tiếng kick và snare nhát gừng đặc trưng. Nhịp trống của Tim luôn là vậy, nó phải khó đoán, dồn dập chỗ này, tĩnh lặng chỗ kia, nhưng vẫn dễ cho các rapper flow khi ông đưa vào tiếng đàn điện tử gõ liên tục níu giữ cả bộ gõ lại với nhau trong bài của JAY, giúp rapper này càng dễ giữ nhịp.

Vi thế như nói ở trên, những bản track như vầy ở thời kỳ đầu đều khá là khó nghe vì chúng thiếu sự đa dạng trong giai điệu và hợp âm. Nhưng bù lại nó lại có được phần nhịp điệu và các âm thanh sample đạt hiệu ứng cao. Do đó, nhạc thời kỳ này của Tim tính ra mang màu sắc “vị lai” vô cùng rõ, dù là những âm thanh “mơn trớn” vẫn còn ít.



Yếu tố mơn trớn ngọt ngào rõ nét nhất chỉ ở mấy bản như “All N My Grill” của Missy Elliott với phần mở bài bằng tiếng strings điện tử bị điều chỉnh qua máy tính tạo những khoảng ngắt âm “không tự nhiên”, khác với âm sắc kéo dài ngân nga thường có. Thế là chỉ nhờ câu đàn strings chơi phần giai điệu rất hay này, Tim tạo nên bản beat có sự ngọt ngào hơn từ chính phong cách điện tử hơi hướng tương lai.


Hoặc ở bài “Are You That Somebody?” của Aaliyah đã có âm sắc mơn trớn dẫn dắt bởi giọng của Tim chạy song song cùng nhịp với trống và bass, cùng giai điệu với đàn guitar đằng sau, khiến cho sau đoạn nhạc đó lưu lại trong não bộ. Và khi giọng Tim biến mất, bộ não tự điền vào chỗ trống đó cùng câu đàn guitar và bass gợi ý đằng sau, tạo hai phần giọng đan xen: một là giai điệu chính của Aaliyah, và hai chính là phần giọng hát tưởng tượng của Tim.

2. Sau 2003

Đây là cột mốc thời gian đánh dấu việc thử nghiệm hợp tác với các nghệ sĩ nhạc Pop của Timbaland, đánh dấu một trang mới đầy vinh quang của ông.

Chuyển giao sang thời kỳ này, ngỡ tưởng Tim không có gì mới mẻ để đem lại cho các bản beat của mình nữa, thì hoá ra ngoài hành trang những câu trống nhịp điệu hơi hướng tương lai mà ông mang theo nay được nâng cấp, giờ nổi bật các câu giai điệu mà phần nhiều đến từ âm synth điện tử ngọt ngào vô cùng bắt tai.


Nếu để đọ về khả năng tạo âm nhạc có tính giai điệu bắt tai trong nhạc nền thì đã nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ làm được rất giỏi từ trước trong nhạc Pop rồi. Như ban nhạc ABBA đấy, để nghĩ ra các câu nhạc melodic thì họ gần như vô địch. Còn với ông sản xuất nhạc Max Martin cùng thời thì phần nhạc mà ông tạo ra cho thế hệ boyband / girlband đã có vẻ như chứng tỏ rằng công thức của Martin là hoàn hảo tuyệt đối cho các ca khúc Pop đứng đầu trên bảng xếp hạng.


Nhưng không phải vậy. Timbaland tìm ra cách làm nhạc vừa có yếu tố dễ gần, mà vẫn tránh việc rập khuôn thương mại cứng nhắc của Martin.


Cách đưa giai điệu ngọt vào beat của Tim như cách người ta phết mật ong lên bánh mỳ vậy, chỉ vừa đủ. Ở mỗi track, ông sẽ tìm giai điệu chính làm thành câu riff lặp đi lặp lại cho bài đó.


Ví dụ như ở ca khúc “Cry Me A River” của Justin Timberlake, dựa trên câu đàn piano điện tử của Scott Storch, Tim thêm vào câu ngân nga theo phong cách hát nhà thờ Công giáo, sau đó thêm một lớp track đàn synth theo giai điệu mà Timberlake sẽ hát ở đoạn pre-chorus. 3 lớp giai điệu này ở phần intro được nối đến verse 1 bằng câu ngân nga kia trước khi ngắt hẳn. Coi như vậy là trừ đoạn pre-chorus được Timberlake hát đè lên, giai điệu lặp này được đàn synth chơi đi chơi lại suốt cả bài. Như vậy là chỉ cần đúng một câu nhạc xoáy đúng vào tim mà Tim chọn ra là đủ thu hút sự chú ý của người nghe từ đầu tới cuối bài.


Ở bài này, ông vẫn có đoạn sample là tiếng mưa, kỹ thuật beatbox cùng tiếng trống điện tử đặc trưng ở thời kỳ trước, giờ được nâng cấp hơn với phần effect của câu hát nền “yeah yeah yeah” ở điệp khúc không khác gì một nhạc cụ đan xen giữa không gian tương lai đặc trưng với cái hồn của người tạo ra câu đệm đó.



Trong đĩa sau FutureSex/LoveSounds của Timberlake với sự hỗ trợ toàn phần của Tim ở khâu sản xuất, một bài rất ấn tượng nữa cần kể ra là “LoveStoned / I Think She Knows”. Cái yếu tố ngọt ngào “mơn trớn“ đấy nằm ở câu “dum dum dum dum dum” được hát thay cho đàn bass tạo giai điệu lặp đi lặp lại suốt cả bài. Đỉnh ở chỗ là lần này giai điệu đó không được dùng trong bài hát mà nó là cảm hứng để Timberlake hát ra những câu hát khác nhau đan xen với giai điệu nền lặp ở tông trầm đó. Một sự lặp rất thú vị và hiệu quả nhưng không gây nhàm chán. Mà nhàm sao được khi kèm theo đó lại là chùm âm thanh lóc bóc từ phần beatbox rất ngầu của Timbaland?



Đấy là với Justin Timberlake, người mà Tim có được sự ăn ý hợp rơ hết mức ở thời kỳ này. Với Nelly Furtado, ở đĩa Loose hay cụ thể ở bài “Say It Right”, Tim thay đổi hoàn toàn một cô gái hát nhạc trẻ trung, ví von mình như chú chim non, nay thành một nghệ sĩ có sự trưởng thành qua giai điệu có phần nền hơn. Ở bài này, ngoài phần nhạc trong câu hát rất hay, ngoài bộ gõ nghe rất “Timbaland” ra, thì cái lưu lại não người nghe lại là tiếng “eh” ngân vang đằng sau của Tim.


Với Keri Hilson trong bài “The Way I Are” trong album Shock Value của Tim, ông lại tận dụng chính tiếng synth làm ngọt bài nhờ giai điệu và cách biến đổi trong hiệu ứng reverb để tạo cảm giác lan toả khắp hai bên màng nhĩ.


Ở thời kỳ này, người ta còn được chứng kiến sự đa dạng trong thể loại nhạc mà Tinbaland thể nghiệm. Nhờ thế mà ở album solo Shock Value của Timbaland, người ta tìm được cả những bản ballad chậm rãi “Apologize” với ban nhạc OneRepublic. Gạt bớt đi tiếng đàn strings trong bản original, phần remix của Tim có thêm câu ngân nga “eh eh eh” phía sau mang một không gian âm nhạc vang rộng hơn. Nó cũng tạo cảm xúc chơi vơi sâu lắng hơn cho một ca khúc buồn.


Người ta tìm được màu sắc Rock trong bài “Time” với She Wants Revenge có câu riff guitar nối liền không chút ngắt, khác xa phong cách nhát gừng của Tim, trở thành âm thanh níu giữ.


Người ta tìm được sự ngẫu hứng trong bản “jam” với Elton John ở “2 Man Show”, khi mà tiếng đàn piano cùng phần hát phụ hoạ lại là âm sắc chính cho bài.



Nhờ các đặc điểm trên, nhạc của Tim vẫn đủ vươn tới đối tượng đại trà mà lại giữ được nét cool, điều mà Max Martin không thể có được.

Sau này, Timbaland tiếp tục hợp tác với nhiều nghệ sĩ các dòng nhạc khác nhau, từ Beyonce, The Game đến Björk, Duran Duran, Chris Cornell nhưng cũng không giữ được phong độ như trước nữa. Cả với chính người đồng nghiệp ăn ý như Justin Timberlake, các album sau 20/20 và một phần của Man Of The Woods, thì sự hiệu quả trong hai yếu tố “vị lai” và “mơn trớn” cũng đã yếu hơn trước. Và rồi cả album phần 2 của Shock Value cũng không tìm được nhiều track khiến người nghe phải há hốc mồm như trước nữa.


Điều này cũng không làm giảm sự uy tín và tài năng của Timbaland tẹo nào. Vì nói cho cùng, ông cũng đã qua thời kỳ đỉnh cao như bao nhà sản xuất âm nhạc đại tài khác. Giờ đây dù nhạc của ông có chững lại thì thực ra là vì ông đã là người đi tới tương lai trước chúng ta bao lâu. Và những bản track để đời của ông giờ nghe lại không chỉ không bị cũ đi tẹo nào, mà nó còn ngọt và sướng tai hơn trước nữa.

Hẹn gặp lại!


Kunt

1,560 views

Recent Posts

See All
bottom of page