Đến với nghề rap chưa bao giờ là lựa chọn dễ dàng đối với Freddie Gibbs. Giữa hai việc hệ trọng: buôn mai thúy và đọc rap, phương án đầu bao giờ cũng hợp lý hơn với anh hơn. Nếu Freddie phải nộp CV xin việc, phần kinh nghiệm bán hàng cấm của anh hẳn chiếm tới phần lớn thời gian “sự nghiệp” của mình.
Đúng vậy, lâu nay việc bán hàng cấm thực sự quá dễ đối với kinh nghiệm và mối quan hệ của Freddie Gibbs. Anh thường mua vào với giá 800 USD cho 28 gram và bán ra với giá 1700 USD. Với lợi nhuận thu về còn nhiều hơn số tiền bỏ ra ban đầu, bảo sao Freddie đã lăn lộn với công việc này từ khi học trung học. Khi thuê phòng trọ ở ngoài, anh từng quen một cô gái Nam Phi. Ngủ nghê với nàng được mấy chập, cô ta mới gạ trả cho anh 25.000 USD để làm đám cưới giả cho cô ả kiếm được cái thẻ xanh. Freddie cười lớn và từ chối bởi anh có cả từng ấy tiền giấu dưới nệm từ bao lâu nay rồi.
Cũng bởi vậy mà có lẽ phong cách rap của Freddie cũng thô ráp và chai sạn như nghề buôn mai thúy đầy rẫy hiểm nguy này. Trong bản EP Str8 Killa (2010) từ những ngày đầu, anh đã rap những câu như “I’m firin’ up the kill like I got fired on my day off”, “Fresh white socks and a black d bones / We done broke down bags with the realest n****s” hay “Ski mask my uniform, them dope dealers gon' stay robbed” trong bài “Oil Money” mà anh có kéo được cả Dan Auerbach – ca sĩ kiêm guitar của ban nhạc The Black Keys về hát đoạn hook cho thêm phần soulful.
Ngoài chuyện nội dung “coke rap” mang đầy kinh nghiệm thực tế ngoài đời để làm cảm hứng, giống như cái cách bộ đôi Clipse cũng như Pusha T đưa vào lời rap, Freddie Gibbs ngày ấy cũng có lối flow đa nhịp điệu, chịu nhiều ảnh hưởng của vùng Midwest - nhanh và đều chằn chặn, của vùng Southern – với giọng điệu đập thẳng vào mặt. Bởi vậy thật khó để tưởng tượng chất liệu và kiểu rap thô ráp đó của Freddie lại một ngày hợp với thứ nhạc beat nếu không chậm và chill như của The Alchemist thì cũng lại phức tạp và khó đoán một cách jazzy như của Madlib.
Thực tế là nếu nghe nhạc của Freddie rap trên bản EP nói trên, hay album phòng thu đầu tay ESGN (2013) với đầy năng lượng của những coke rap hay gangsta rap trong nội dung, thì thật khó tưởng tượng anh lại thu mình lại, và cho ra những nhạc phẩm không hề dễ nhằn như Piñata (2014), Fetti (2018), Bandana (2019) (rap chung cùng Curren$y), hay Alfredo (2020). Những tác phẩm này đã khiến mọi người phải có một cái nhìn nghiêm túc lại tài năng thực sự của Freddie Gibbs.
***
Đã có nhiều lần, số phận như muốn chèo lái cho Freddie Gibbs quay lại với công việc anh đã quá “quen tay”.
Khi mới ký hợp đồng với Interscope, tưởng chừng như quá khứ bất hảo của Freddie phải vô cùng hợp với 50 Cent và G-Unit, thế nhưng 50 lại không chọn anh này mà ký với một rapper tên Hot Rod. Freddie biết rất rõ rằng nếu không được dưới chướng của đội G-Unit thì Interscope không thể biết sử dụng một rapper như anh vào mảng nào. Đúng là như vậy. Sau quãng thời gian “thử việc” 6 tháng, hãng đĩa đành đẩy anh ra ngoài đường.
Rồi khi mà Freddie loay hoay tự mình tìm chút thành công cho sự nghiệp rap, nhất là sau khi được vào danh sách các rapper mới tiềm năng trên tạp chí XXL vào năm 2010, thì anh lại thấy mình lạc lõng khi nhạc của mình không hợp với thứ melodic rap của những kẻ như Drake, trong khi dòng gangsta rap cũng đã hết thời, qua minh chứng của thất bại từ chính 50 Cent dưới tay Kanye West.
Cho đến khi phát hành album Piñata, anh vẫn đang chân trong chân ngoài, giữa việc rap với việc bán hàng cấm. Với 80% thời gian dành cho mai thúy, Freddie thấy mình luôn vướng phải các cuộc đối đầu giữa các băng đảng. Vậy nên tiền kiếm được ngoài chuyện để mưu sinh, trả tiền nhà và những thứ khác, anh còn dành cho vũ khí để bảo vệ chính mình. Rồi đến khi đứa con đầu lòng sinh ra, với tần suất mua 2 khẩu mỗi tháng, Freddie phải sở hữu tới 50 cho đến 100 khẩu súng trong nhà. Người bạn của anh sau đó cũng bị bắt, và hội cảnh sát liên bang bắt đầu để mắt tới Freddie.
Freddie liền thực hiện chuyến lưu diễn ở Châu Âu, cũng là để tạm lánh cho mọi việc êm thấm. Nhưng rồi số phận cũng không cho anh yên thân. Freddie bị còng tay tống vô tù khi đang diễn tại Pháp. Hoá ra lần đó Freddie bị bắt không phải liên quan tới đường dây mai thúy kia, mà là anh bị vu khống tội xâm hại hai cô gái người Áo. Anh sau đó bị chuyển tới nhà tù ở Áo, bị nhốt chung với những tội đồ hiếp dâm khác, những kẻ mang tội ác mà Freddie ghê tởm nhất. Thế nên cả khi đại diện của hội đồng xét xử của Áo đến để cố thuyết phục anh thừa nhận tội danh để giảm án từ 10 năm xuống 18 tháng tù giam, Freddie vẫn thẳng thừng từ chối bởi anh không muốn vết nhơ đó ảnh hưởng đến sự nghiệp rap của mình và quan trọng là anh không phải thủ phạm.
Thế rồi may thay trước các bằng chứng buộc tội không rõ ràng, Freddie được thả tự do.
Bốn tháng ngồi tù, bị tra tấn cả thể chất lẫn tinh thần, Freddie giờ đây đã mấp mé tuổi 35 – cái tuổi mà nhiều rapper đã quá thời kỳ đỉnh cao của họ và trên đà xuống dốc. Vậy nên anh cũng mất hết cảm hứng để theo đuổi nghề rap. Anh còn chả thèm muốn danh vọng nữa. Như vậy thì quay lại nghề buôn mai thúy vẫn dễ dàng và nhàn nhã hơn chăng?
Thế rồi Freddie vẫn lại chọn việc khó. Đó là rap. Nhưng cũng là nhờ Ben “Lambo” Lambert, đồng quản lý và cũng là người cân bằng những tâm tư và “hướng thiện” cho anh. Lambo nhìn vào sự nghiệp của Freddie Gibbs tựa như ban nhạc Grateful Dead vậy. Sự nghiệp phát triển chậm, lạc lõng với xu thế, tuy vậy, họ đều không chùn bước trước rủi ro và luôn đặt chất lượng nghệ thuật lên hàng đầu.
Sự nghiệp Freddie Gibbs là đúng như vậy. Sự liều lĩnh không dừng ở việc quay lại với Hip Hop, mà còn là hướng đi với dòng nhạc khó nhằn hơn.
Trước khi bị giam tại nhà tù ở Châu Âu, Freddie mới có 3 album chính thức, trong đó có ESGN (2013) và sản phẩm chất lượng hơn – Shadow Of Doubt (2015) với kiểu rap quá hardcore so với thị trường mainstream nhưng bù lại bằng âm nhạc thời thượng hơn với các bản beat theo phong cách nhạc Trap, dù ít hay nhiều vẫn còn hợp thị hiếu số đông. Nhưng album còn lại Piñata (2014) mang đầy thể nghiệm vì phong cách làm nhạc khác người của Madlib đã là dấu hiệu thích đi ngược xu thế của Freddie.
Thế rồi khi quay lại với nghề này, Freddie vẫn chọn bước đi liều lĩnh hơn cả trước kia.
Đây nhé, album Bandana (2019) cùng Madlib không những kén khách mà lại còn khó để rap hơn cả Piñata. Nhạc của producer này vốn dĩ thuộc diện khó nhằn, đến độ người ta còn ví sự thiên tài của anh như một Stanley Kubrick trong làng Hip Hop, khi mà anh có khả năng thay đổi 180 độ phong cách âm nhạc của một người sang những đường hướng khác thường, mang màu sắc điện ảnh nhưng cũng lại lập dị hơn. Đó chính là những bản sample nhạc Jazz và Soul ít gặp và không hề bắt tai. Vậy nhưng trong Bandana, tiếng trống được Madlib sản xuất còn phiêu hơn. Chúng nghe nhẹ, đâm ra rất khó để bắt nhịp. Anh còn nâng độ khó thêm một tầm nữa bằng những đoạn chuyển beat giữa bài vô cùng bất ngờ. Chính thế mà không phải rapper nào cũng đủ trình để hợp tác với Madlib. Với phong cách nhịp điệu không theo một tốc độ cố định, Madlib sẵn sàng tăng tốc chỗ này, giảm tốc chỗ kia để thử thách rapper đó. Và như vậy ai rap được nhạc của anh thì phải có đôi tai nhạy bén và quan trọng hơn cả là “cảm” được chúng. Cho đến nay cũng chỉ có số ít người đủ khả năng làm nhạc cùng Madlib, ví dụ như MF DOOM, Talib Kweli, J Dilla.
Freddie Gibbs cũng làm được vậy. Và còn rất giỏi là đằng khác. Để nói anh là một trong những rapper có flow đỉnh nhất Hip Hop hiện nay cũng chưa đủ. Khả năng đu và phiêu theo nhạc trong album Piñata đã minh chứng tài năng của Freddie để làm nên một nhạc phẩm chất lượng cao. Với Bandana, khi mà cả Freddie và Madlib đã hiểu nhau hơn rất nhiều, và Freddie còn có thời gian dài để ngấm beat của Madlib (trong lúc Freddie ngồi tù tại Châu Âu, anh còn dành thời gian để viết lời rap sau này được dùng cho album Bandana, dựa trên phần nhạc của Madlib mà anh phải cố moi từ trí nhớ để sáng tác theo), cả hai người họ đã cùng làm nên một nhạc phẩm hoàn mỹ.
Tất cả là nhờ khả năng biến đổi linh hoạt theo đủ các kiểu nhạc của Freddie, mà vẫn giữ được phong cách của riêng mình. Người ta từng được nghe Freddie bám chắc nhịp trong album phong cách nhạc upbeat như ESGN, rồi nửa rap nửa hát hay không kém gì mấy anh trong Bone Thugs-N-Harmony trong bài “Careless” ở album Shadow Of Doubt, hoặc rap những câu dài hơi trong “Shitsville” trong album Piñata; nhưng để lướt và bay bổng trên beat bằng những đoạn flow liên tục biến đổi, lúc nhanh lúc chậm, theo cùng âm nhạc của Madlib trong album Bandana thì mới thật đáng nể. Và cái chính là dù Freddie có khả năng thích ứng theo kiểu “nhạc gì cũng nhảy” đi chăng nữa, anh vẫn giữ được phong cách gangsta và giọng rap rất thô ráp chai sạn của mình.
Vậy nên là khi Freddie làm nhạc cùng với The Alchemist trong album Fetti (2018) và Alfredo (2020), mọi chuyện cũng không hề khó với anh, bởi Freddie đã quá quen với những cấu trúc bài rap không truyền thống rồi. Trên nền nhạc beat chậm, trầm lắng và tối giản của Alchemist, giọng rap của Freddie cũng điềm tĩnh nhưng vẫn giữ được độ ngầu của một rapper từng trải như chính lời rap anh mô tả “God made me sell crack, so I had somethin’ to rap about” (bài “Something To Rap About” trong album Alfredo). Nhịp điệu flow của Freddie nghe biến chuyển tự do như một nghệ sĩ nhạc Jazz, đúng như câu nói của anh trong track đầu tiên “1985” ở album Alfredo: “Yeah-yeah, I just upped the flows to the God level, n****, what”.
Trong 6 năm kể từ khi ra tù, Freddie Gibbs chưa bao giờ làm việc chăm chỉ như vậy. Khi mà nhiều rapper quá tuổi chín muồi phải vật lộn với việc tìm kiếm hướng đi trong âm nhạc của mình để phù hợp với dòng chảy âm nhạc, thì Freddie vẫn kiên trì theo đuổi con đường của riêng mình. Cả 6 album trong 6 năm, bao gồm đĩa $oul $old $eparately theo phong cách nhạc soulful mới phát hành năm 2022, đều được đánh giá cao nhờ chất lượng âm nhạc được kiểm soát cực chặt chẽ của Freddie. Và rồi mới năm ngoái anh còn được đề cử giải Grammy cho album Rap hay nhất với Alfredo.
Vậy nên dù nay Freddie đã bước sang tuổi 40, sự nghiệp rap của anh lại tươi sáng hơn bao giờ hết. Quan trọng nhất là với những người như Freddie Gibbs, cùng với những rapper đồng lứa khác như Westside Gunn, Conway The Machine, Benny The Butcher gần đây, họ là những bằng chứng sống cho việc tuổi tác không quan trọng trong sự nghiệp Hip Hop. Chừng nào chất lượng các nhạc phẩm Hip Hop được đầu tư chất xám một cách nghiêm túc, thì dù họ có cho ra các album / mixtape với số lượng nhiều hay ít, chúng đều được giới phê bình và người yêu nhạc đón nhận.
“Phong độ chỉ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi” - Sir Alex Ferguson.
Hẹn gặp lại!
Kunt