Trong một lần phỏng vấn với tạp chí Q Magazine, Serge Pizzorno - tay guitar, sáng tác nhạc / lời kiêm sản xuất nhạc và dĩ nhiên thành viên phụ trách chính về sáng tạo nghệ thuật cho ban nhạc Kasabian có phát biểu: “album mới của nhóm sẽ mang một âm hưởng tích cực, và sẽ cứu rỗi thứ âm nhạc dùng guitar làm chủ đạo (guitar music) thoát khỏi vực sâu, khỏi sự biến mất của chúng”.
Serge phát biểu câu đó vào đầu năm 2017, trước khi Kasabian tung ra album For Crying Out Loud, mà không biết rằng cùng năm đó, các ban nhạc khác cùng mang “sứ mệnh cứu rỗi guitar music” như Brand New với tuyệt tác Science Fiction, Queens Of The Stone Age với album cực hay Villains, Spoon với đĩa nhạc chất lượng Hot Thoughts, The National với nhạc phẩm cực ổn Sleep Well Beast, và cả đồng hương Royal Blood với album đáng nghe How Did We Get So Dark? Thế là chính đĩa của Kasabian lại mờ nhạt nhất, cả về chất lượng lẫn âm lượng guitar. Đấy là chưa nói các năm trước đó, vẫn các album nhạc Rock vẫn được phát hành đều và vì vậy “guitar music” đã có bao giờ biến mất?
Chuyện chém gió mấy câu như trên của mấy thành viên Kasabian, đặc biệt từ mồm ông Serge Pizzorno, chưa bao giờ là bất ngờ với giới nhà báo và người yêu nhạc. Ban nhạc đã nói những câu đại loại như chưa có ai làm thứ nhạc mà họ làm, rằng album của họ sẽ là tuyệt phẩm đập chết hết các album nhạc khác của các band đồng lứa, rằng họ đã cứu vớt cả nhạc dance để biến thành chất nhạc riêng cho Kasabian, rằng kể cả bây giờ các nhạc phẩm của Kasabian chưa được đánh giá cao vì sự thể nghiệm đi trước thời đại nhưng về sau người đời sẽ nhìn lại và nhìn nhận chúng như những sản phẩm vượt thời gian, v.v. Kể cũng không ngạc nhiên khi thần tượng của Kasabian là anh em nhà Gallagher của band Oasis, những người cũng hay có các phát ngôn gây sốc đáng để trích dẫn ngay đầu các bài báo.
Nói chơi thế thôi, chứ nhạc của Kasabian dù không phải ở đẳng cấp phải ngả mũ kính trọng, dù không tạo ra một sức ảnh hưởng vĩ đại như ban nhạc mơ tưởng, họ, nhưng ban nhạc, mà cụ thể là ông chém gió Serge có một khả năng sáng tác nhạc giai điệu catchy vô cùng hấp dẫn màng nhĩ, đặc biệt trong các đoạn điệp khúc.
Quan điểm làm nhạc của Kasabian là thứ nhạc có thể chơi ở sân khấu cực lớn, có thể khiến đám đông khán giả cảm nhận sự hừng hực của không khí âm nhạc và đồng thanh hát theo. Do đó, nhạc Kasabian thường hướng tới: (1) tạo sự thu hút trong 4 khuông nhạc đầu tiên na ná như công thức Max Martin theo đuổi, còn nếu không thì (2) ít nhất câu điệp khúc phải có giai điệu rất bắt tai; và (3) những nhịp trống “four on the floor” của nhạc Disco như cách ban nhạc Franz Ferdinand làm, hay (4) pha trộn với âm thanh điện tử.
Thế nhưng tựu chung lại, yếu tố catchy trong phần điệp khúc vẫn là điểm rõ nét nhất mà người sáng tác chính Serge hướng tới, khiến cho các yếu tố khác trong nhạc của Kasabian không được chau truốt. Thêm nữa là việc sáng tác được giai điệu bắt tai là cực khó nên đa phần các album của Kasabian thiếu sự đồng nhất về chất lượng, và thường chỉ có được vài bài nổi bật.
Như với album gần đây nhất For Crying Out Loud (2017), một album tính ra lại thiếu cá tính nhất của ban nhạc, kể cả cái đặc tính “guitar music” mà Serge hướng tới khi tự mình sản xuất album này cũng không có gì nổi bật. Catchy nhất có lẽ chỉ có bản track nhẹ nhàng “Wasted”, dù rằng phần điệp khúc có giai điệu ở tông trầm xuống thấp hơn phần verse, nhưng nhịp trống kick drum vào cả 4 nhịp mỗi khuông “four on the floor” tạo được sự rộn ràng cho phần giai điệu được sáng tác khá ngọt, cộng với khúc bridge với phần vỗ tay được đưa vào với chủ đích khi diễn live thì khán giả có thể hòa vào cùng.
Quay ngược lại trước đó, nếu như đĩa For Crying Out Loud được sáng tác khi Serge đang nghe nhiều nhạc nhất của Talking Heads với mục tiêu “cứu rỗi guitar music”, thì đĩa 48:13 (2014) lại là khi Serge đang chìm đắm trong album Yeezus của Kanye West với mục tiêu “đại diện cho tinh thần punk rock & roll”, nhưng bằng âm nhạc chịu ảnh hưởng của nhạc điện tử nhất trong bộ đĩa của Kasabian.
Có điều, khi album Yeezus của Kanye mang đầy sự thể nghiệm của âm thanh ồn ào có tính toán, và đậm chất ngạo mạn một cách nghệ thuật của tay rapper, đĩa 48:13 chỉ học hỏi đước cái âm thanh đập thẳng vào mặt, thứ giúp cho album này có cá tính hơn For Crying Out Loud. Về mặt âm sắc, âm thanh quá rè đặc khiến mọi thứ như bị nén lại một cách bí bách. Tuy nhiên, ưu điểm của 48:13 lại là số lượng các track có phần hook cuốn hút, thứ khiến ai có thể bỏ qua âm thanh điện tử nén này thì sẽ thấy hứng thú với phần nhạc của nó. Track đầu tiên “Bumblebeee” có được câu verse và pre-chorus lên xuống bù cho phần điệp khúc đơn giản có chủ đích kích thích người nghe. Track “Stevie”, “Doomsday”, “Explodes”, “Bow”” đều có các phần hook gợi nhớ, nhưng chỉ tiếc là những giai điệu này bị âm thanh đậm đặc nhấn chìm hết – một cái lỗi lớn do Serge Pizzorno phạm phải, cũng là do tay này tự mình đơn độc sản xuất cho album này.
Kasabian được khởi nguồn bởi các thành viên đến từ thành phố Leicester của nước Anh, trong đó, ngoài nhân vật Serge được nhắc tới nhiều nhất, có ca sĩ chính Tom Meighan, bassist Chris Edwards và trống Ian Matthews. Nhạc của Kasabian tựa như cách làm nhạc của Franz Ferdinand khi họ để tâm tới phần giai điệu bài hát cho khán giả hát theo, và tới phần nhịp điệu sôi động “four on the floor”” của Disco cho khán giả nhảy cùng. Chỉ là cách làm nhạc của Kasabian chưa bao giờ được hấp dẫn như Franz Ferdinand vì phần hòa âm đơn điệu, trong khi các nhạc cụ chơi không đạt hết hiệu quả. May thay, sức hút của các giai điệu mà Serge sáng tác ra, cùng với chất giọng đặc sệt Anh Quốc có chút lè nhè như say rượu của Tom Meighan làm bài hát của ban nhạc bù cho những điểm yếu đó. Các album thời đầu trước đó của ban nhạc cũng có được chất lượng hơn vì yếu tố rock nổi trội hơn là nhạc điện tử và sự góp sức của những nhà sản xuất nhạc chuyên nghiệp.
Bài “Club Foot” trong album đầu tay Kasabian (2004) đánh dấu cột mốc ban nhạc tạo sự chú ý lớn tới người nghe nhạc, nhờ phần giai điệu sôi động bởi phần trống và câu bass (do guitarist Chris Karloff chơi – người rời band ngay sau album đầu tiên). “Club Foot” dù có âm sắc điện tử, nhưng cái không khí hừng hực của bài có được là nhờ các nhạc cụ chơi phối hợp với nhau rất chặt chẽ, kể cả tiếng guitar cũng rõ và dầy, điều mà Kasabian ngày một bỏ quên khi làm nhạc trong các album về sau. Trong đĩa này, những bài như “Processed Beats”, “Reason Is Treason”, “Running Battle”, “U Boat” đều có phần giai điệu đáng chú ý, nhưng phần nhạc vẫn có chỗ đứng vững chắc thể hiện được sự phối hợp của cả band.
Chính kiểu viết nhạc của Serge Pizzorno sau này dựa trên các đoạn loop trên đàn điện tử, thay vì đến từ các buổi jam của các thành viên trong ban nhạc, lại là lý do dẫn tới sự coi nhẹ âm sắc tạo ra từ các nhạc cụ sống của một band đúng nghĩa.
Và không biết có phải do thành công thương mại, hay xuất phát từ bản tính kiêu ngạo có thừa của các thành viên, đặc biệt từ hai ông chủ chốt trong nhóm, mà căn bệnh chém gió bắt đầu ngấm sâu vào văn hóa ăn nói của Kasabian.
Tom Meighan tâm sự rằng khi anh chứng kiến Serge ôm cây đàn vừa hát điệp khúc bài “British Legion” trong album thứ hai Empire (2006) vừa gõ chân xuống sàn là anh hiểu rằng mình đang “chứng kiến giây phút lịch sử của nhạc rock & roll hiện đại” ngay trước mắt”, rằng album này sẽ là là cột mốc lịch sử. Còn Serge thổ lộ single “Empire” mang một thứ nhạc “không ai trên cái hành tinh này từng làm”, khi mà đoạn đổi nhạc với tiếng điện tử ùa vào, họ cảm thấy như họ ở một đẳng cấp của John Bonham chơi trống, cùng giàn dây. Đó là lúc đậm chất dấu ấn “Kasabian”.
Đấy là câu mà hai anh ở Kasabian nói. Còn công bằng mà nói, album này có sức hấp dẫn nhờ phong cách rộn ràng hơn, nổi trội ở ngay chính hai bài “Empire” và “Shoot The Runner”. Với “Empire”, đoạn chuyển nhạc như Serge nói đúng là có sự phá cách rất thú vị cho đôi tai khi tiếng đàn chơi nghe hơi lệch ngang phè với tông. Còn “Shoot The Runner” có đoạn hook đậm chất Serge vì nó đối lập với phần verse có giai điệu đơn giản. Nhưng tới điệp khúc, khi mọi giọng hát hùa vào kéo vút lên cao nghe rất khoái, đặc biệt khi đoạn lời kết thúc bằng “I’m a king and she’s my queen, bitch” đanh đá đậm chất ăng lê.
Khi sức sáng tạo ở điểm chin muồi, và trước khi Serge nảy ra ý định sản xuất nhạc cho band, Kasabian vẫn kịp đẻ ra hai album ổn áp nhất sự nghiệp ban nhạc, West Ryder Pauper Lunatic Asylum (2009) và Velopciraptor! (2011), dưới sự giúp đỡ của nhà sản xuất nhạc Dan the Automator. Mỗi ca khúc đều có cá tính riêng rõ rệt của nó. Từ kiểu (1) guitar rhythm tiếng rè đặc chơi lệch theo chùm trong “Underdog”, (2) câu riff nhanh nhảu hát cùng Tom trong “Fast Fuse”, (3) tiết tấu chậm chill cùng tiếng đàn acoustic cực hay trong “Thick As Thieves”; trong album West Ryder; tới (4) tiếng hát lai tiếng kêu “ah ah ah” và kiểu nửa hát nửa rap đối lập với phần điệp khúc rất hay ở “Days Are Forgotten”, (5) giai điệu ngọt ngào nhẹ nhàng mà không bị chậm chạp ở “Goodbye Kiss”, và (6) đoạn đầu nhạc hệt như bài “Clint Eastwood” của Gorillaz (do ông producer Dan the Automator cũng sản xuất album đầu tay của ban nhạc ảo này) đối lập với, một lần nữa, câu hook giai điệu và đoạn bridge về sau thậm chí còn mang giai điệu đẹp và bay cao trong bài “Man Of Simple Pleasures”, đơn giản mà hiệu quả trong album Velopciraptor.
Có thể thấy là thời kỳ này, nhạc của Kasabian không chỉ phụ thuộc vào mỗi những đoạn hook thật bắt tai, để người nghe nhạc có thể nhớ luôn, để người đi xem nhạc có thể hát theo, mà vẫn có được những thứ hay ho khác trong cách làm nhạc, nhờ có bàn tay sản xuất nhạc đến từ các chuyên gia bên ngoài. Chúng không có nhiều, mà chỉ điểm suyết vì sự hạn chế trong cách chơi nhạc và jam nhạc của band, nhưng ít ra không lộ rõ những hạn chế này hơn trong hai đĩa về sau khi chỉ mình Serge Pizzorno lo toan khâu production.
Kể cũng lạ vì riêng với dự án solo phát hành năm 2019 mà Serge tự viết nhạc và sản xuất dưới cái tên The S.L.P. (viết tắt của tên đầy đủ của anh - Sergio Lorenzo Pizzorno) lại là sản phẩm có chất lượng trọn vẹn. Thế nên, khi mà hiện nay Kasabian đã không còn tay ca sĩ chính Tom Meighan (sau khi tay này bị mang tội bạo hành vợ), khiến Serge phải đứng ra cầm mic, ban nhạc có lẽ không mất mát gì nhiều vì người cầm trịch về định hướng nghệ thuật vẫn còn đây. Cái lăn tăn chỉ là Serge liệu có truyền được năng lượng qua giọng hát như Tom từng làm không, và khi nào thì Serge sẽ nhường ghế producer cho một chuyên gia thực thụ khác.
Điều này chắc đành đợi xem Serge và các thành viên loay hoay ra sao với album mới sắp tới của Kasabian phát hành trong năm 2022. Trước mắt thì Serge cứ chơi chiêu chém gió vốn có của anh đi. Mồm miệng đỡ chân tay. Ít ra thì những phát ngôn đó nghe cũng giải trí như thứ nhạc giai điệu mà Serge làm.
“It’s rock ‘n’ roll, man! We HAVE to annoy people!” - Tom Meighan – kẻ đã bị đá khỏi nhóm từng nói.
Hẹn gặp lại!
Kink