top of page

Maximum the Hormone: Luận nhạc như vịt nghe sấm

Nhạc điên, guitar riff ồn ào nhất có thể, trống nện mạnh như không thể giận dữ hơn và đổi nhịp liên tục theo từng đoạn nhạc, tiếng hát thì khi la hét ầm ĩ nhưng lại cũng có thể lập tức rên rỉ thê lương ngay sau đó, trên nền tiếng bass slap liên hồi bất kể lúc nhạc chậm hay nhanh như tiếng súng máy. Có phải tôi đang mượn lại đoạn giới thiệu về System Of A Down (SOAD) của Kink trên EmooziK không đây? Điều đó chắc cũng chả quan trọng, bởi vì nếu SOAD một mình một kiểu, thì Maximum The Hormone từ nước Nhật cũng tạo ra một phiên bản SOAD theo kiểu có một không hai.


Kể ra nói Maximum The Hormone (MTH) tạo ra một phiên bản SOAD thì cũng hơi oan cho họ, nhưng thực sự với lượng thông tin quá ít ỏi về band này trên Internet, cách dễ nhất để tôi nhắc đến họ là tạo ra một sự liên tưởng. Đúng hơn thì đó là SOAD lai với Red Hot Chilli Peppers (RHCP) – tiếng đàn và trống giận dữ của SOAD cùng với tiếng slap bass không thể lẫn vào đâu được từ anh Flea.


Xuất thân là một Hardcore Punk band, hoặc ít nhất thì MTH cũng chịu ảnh hưởng từ punk Rock từ Tokyo, không khó để nhận ra điều này khi rất nhiều beat của họ đều lấy từ Punk Rock: nhịp 4 với snare chơi đều nhưng phần kick được tăng tốc và thêm thắt vào những chỗ nhịp ngược rất khó chịu. Nao Kawakita, tay trống nữ của band có lẽ là người đã gây ấn tượng mạnh nhất cho tôi và vẫn luôn là người kéo tôi lại với âm nhạc của MTH mỗi khi phần guitar hay hát của họ trở nên nhạt màu. Cô không những có thể chơi rất nhanh chỉ với 1 chân bass, mà còn nện vào mặt trống với một sự thù địch như thể chúng có nợ máu với cô vậy. Không chỉ vậy, Nao Kawakita còn có thể hát và bổ trợ cho 2 phần hát chính của “gào sĩ” Daisuke-han và tay guitar kiêm “ca sĩ” Ryo-kun. Nao Kawakita thường không hát chính cả bài, mà chỉ thường xen vào ở đoạn verse hoặc điệp khúc, đôi khi ở những chỗ có beat rất khó. Những bài như “Zetsubou Billy”, “Benjo Sandal Dance”, và nhất là “Chuchu Lovely MuniMuni MuraMura” là những màn trình diễn tuyệt vời của Nao Kawakita. Và cô làm được điều này cả trên sân khấu diễn live – may mắn thay là tôi có cả DVD của họ - trong khi vẫn nện trống mạnh và nhanh như một chiếc máy. Đó là điều “dị” thứ nhất của MTH.


Điều “dị” thứ hai ở MTH nằm ở cách hát của họ. Tôi đã nhắc tới việc họ có một ca sĩ và một “gào sĩ” người cũng kiêm luôn vài trò rapper – thứ khiến ta liên tưởng ngay tới một ban nhạc Nu Metal. Mà quả thế thật, tiếng guitar của MTH thường xuyên được vặn xuống thấp với âm thanh guitar đục ngầu và guitar solo cũng không đóng vai trò chủ đạo. Vậy ra đây là một band có nguồn gốc Punk, muốn chơi nhanh, nhưng lại muốn hát như Nu Metal. Bảo sao tiếng hát của họ đôi lúc nghe chỉ thấy chí chóe như tiếng chim mổ nhau (hoặc gù nhau).


Có lẽ thứ mà Nhật Bản ăn đứt các quốc gia còn lại ở châu Á chính là sự “Tây hóa” từ rất sớm của họ, ngay từ khi họ bắt đầu xây dựng lại đất nước sau Thế chiến và đi theo con đường công nghiệp của các nước phương Tây. Thế nên tưởng như nhạc Rock vốn là độc quyền của các nước Anh-Mỹ, thì từ những năm 1960s, người Nhật đã có những band Psychedelic tồn tại song song với các phong trào mà chúng ta đều đã quen. Và không có gì ngạc nhiên khi Punk Rock được sản sinh ra ở 2 bên bờ Đại Tây Dương từ London (tiêu biểu là Sex Pistols) và New York (tiêu biểu là The Ramones), thì nước Nhật cũng có những Punk band của riêng họ mà hai trung tâm tập trung lớn nằm ở Tokyo và Osaka. Khái niệm Noise Rock, hay Japanoise cũng theo đó mà ra đời từ hai cái trung tâm này.


Dĩ nhiên, nước Nhật thì vẫn là một quốc gia Á Đông mà ai cũng biết rồi đấy, nền nếp luôn là thứ phải được coi trọng. Thế tôi có thể tưởng tượng ra làm thứ nhạc Punk chuyên kích động và tỏ thái độ sẽ hẳn là khó thế nào ở quốc gia này, chả khác gì đem đồ Tây đi chấm với mắm tôm cả – và không khó có thể đoán ra các ban nhạc Punk thời đầu sẽ thường phải tồn tại trong cộng đồng nhỏ và phải tự tìm cách sáng tạo để duy trì cái thứ âm nhạc đầy phản kháng này.


Nhưng nếu đâu đó trên đất nước Việt Nam đã có kẻ tìm ra cách làm pizza với mắm tôm được, thì tôi nghĩ nhạc Punk Rock ở nước Nhật cũng đã tìm ra những hình thái phù hợp hơn. Maximum The Hormone là một band bắt nguồn từ Punk từ thập niên 90s, nghĩa là họ đã đứng trên vai của rất nhiều thế hệ Punk Rock trước đó của Nhật như The Stalin, Hijokaidan, The Blue Hearts, hay SS (band này thậm chí còn được cho là đã phát minh ra nhánh Hardcore chứ không phải người Mỹ), và không ngạc nhiên khi họ đã pha trộn hài hòa rất nhiều thứ nhạc từ Reggae, J-Pop, Nu Metal vào âm nhạc của mình và biến nó trở thành một thể loại nhạc mạnh mẽ và đa năng y như những con thú “lai” mà Nobita từng chế tạo ra: Sư tử lai Đại Bàng, Ngựa lai Thiên Nga, hay con Cá sấu lai Dơi và Hươu. Giá như có ai đó cũng dịch lời lẽ của MTH ra như truyện Doraemon!


Để làm được như vậy, họ phải có trong tay những người chơi nhạc cực siêu, những kẻ có thể vượt xa khỏi cái gốc Punk của họ. Nao Kawakita có lẽ là người nổi trội nhất trong ban nhạc trên giàn trống, nhưng sẽ là một thiếu sót lớn nếu như không nhắc tới tay bass quái đản Ue-chan và tay guitar Ryo-kun. Đó là điều “dị” thứ ba của họ.


Ue-chan có lẽ chưa bao giờ giấu diếm mình ảnh hưởng từ ai: phong cách chơi nhạc luôn cởi trần và lối slap bass trộn lẫn với những tiếng búng dây bằng cách kéo dây đàn bass thật xa rồi bắn pặp 1 phát như mũi tên găm vào đích – phong cách này đã tự nó gọi ra cái tên Flea đầy tự hào. Thậm chí đâu đó trong các album của MTH luôn có một hai ca khúc như “Uehara Futoshi” – một ca khúc có kiểu bồi đắp cao trào rất RHCP.


Còn Ryo-kun, cậu em của tay trống Nao Kawakita, thì có lẽ là một bậc guitar kỳ tài mà bất cứ ông nào ở Việt Nam cũng đều thấy quen thuộc. Tóc dài lôi thôi, ăn vận những chiếc áo Rock của những band thần tượng (từ Tool cho tới Radiohead) nhưng chân thì đi dép loẹt quẹt, và nhất là làm những trò như phim kinh dị. Và khi cần, Ryo-kun có thể tung ra những đoạn solo sắc xảo như trong bài “F” – sau được chọn làm nhạc cho bộ phim Bảy Viên Ngọc Rồng.


Ngoài những bản nhạc được chọn cho các bộ phim như “F” tôi vừa nhắc, hay “What’s Up People!” trong phim hoạt hình Death Note; tôi thực sự cũng không biết mọi người thường tìm tới nhạc của MTH bằng cách nào. Cộng đồng mạng lâu nay đều biết rằng nhạc của MTH đều bằng cách này hay cách kia biến mất khỏi Youtube. Bài đầu tiên mà tôi được nghe của MTH là “Tsume Tsume Tsume” mà Marty Friedman đặt ngay lên track đầu tiên của album Tokyo Jukebox (2009) chơi hòa tấu nhạc J-Pop của anh. Thú thực, lúc nhìn tiêu đề trên Wikipedia tôi chỉ thấy 3 chữ Trảo (爪爪) nhìn dễ thương, nhưng khi nghe vào thì thấy thực sự cuốn với cấu trúc bài phức tạp và phải có ít nhất 8 lần chuyển nét nhạc.


Điều khiến tôi thấy thú vị hơn là mấy album Tokyo Jukebox của Marty Friedman thường là cover những bài từ J-pop nhưng được anh làm “nặng” lên (và đôi lúc tăng nhanh giảm chậm ngược với bài gốc) tới mức không thể nhận ra bản gốc; nhưng riêng bản “Tsume” này thì anh chơi gần như nguyên trạng. Nói cách khác thì bản phối của MTH đã có đủ sự độc đáo của nó và việc đưa nó ngay vào track đầu tiên trong album cover nhạc Nhật đầu tiên của một bậc virtuoso như Friedman, đó là một thông điệp hoàn hảo để quảng bá thứ âm nhạc tuyệt vời này ra thế giới.


Đó có lẽ là điệu “dị” thứ tư của MTH, vì họ dường như không cần phải quảng bá nhạc của họ ra thế giới. Nhạc của họ đã bị gỡ gần hết khỏi youtube và mãi gần đây thì mới được giữ trên Spotify chỉ ở bên ngoài nước Nhật. Album Buiikikaesu (2007) bán được gần 500 ngàn bản, còn single “Tsume” (album Yoshū Fukushū 2013) bán được hơn 200 ngàn bản là những ví dụ về sự ăn khách của họ. MTH cũng là một trong những band không ngại dấn thêm một bước bằng việc xuất bản album của họ như những cuốn sách và có một cốt truyện đi kèm, thứ giúp họ có thể bán đĩa trong cả hiệu sách – một cách để chống lại xu thế khi các cửa hàng đĩa ngày một ít đi. Bằng chứng là việc khi tôi không thể mua được album Yoshū Fukushū (2013) từ Amazon, tôi đã nhờ một người bạn mua nó khi đi du lịch ở một thành phố khá hẻo lánh. Lời của ông bạn tôi “nhạc của hội này đầy trong shop”, và nhờ vậy tôi có thêm cuốn DVD.

Bộ sưu tập khiêm tốn của tôi - Album Yoshū Fukushū nhét trong cuốn sách

Nói ra nghe thì thảm hại, nhưng vì tôi không biết tiếng Nhật nên việc tìm những bài hát của Maximum The Hormone trên Internet mới thật khó nhường nào. Sau khi được nghe “Bu-ikikaesu” và “Zetsubou Billy” trên Youtube (giờ cũng đã bị gỡ), tôi quyết tâm gom các album của MTH bằng đủ các cách. Nhưng quan trọng hơn, cái sự mù tiếng Nhật của tôi cộng với việc MTH không thèm hát tiếng Anh, bỗng khiến tôi phải tập trung nghe phần “nhạc” của họ nhiều hơn và một khi đã ngấm được những “Tsume” hay “Zetsuobou Billy”, tôi thực sự đắm chìm vào lối chơi nhạc của MTH, nơi âm nhạc bỗng nhiên thật thuần túy chỉ mang theo giai điệu, âm sắc, và cả tiếng ồn.


điều "dị" thứ năm, là khi không hiểu ngôn ngữ, giọng hát của MTH bỗng trở thành một thứ nhạc cụ làm dày thêm phần nhạc của họ. Càng tuyệt vời hơn khi ca sĩ chính của họ, Daisuke-han, chỉ thường xuyên gào thét và biến phần hát của anh trở thành những câu riff tuyệt vời không thể thay thế. Nó phần nào giúp đôi tai của tôi tập trung hơn và ngóng tới phần hát có giai điệu của Ryo-kun hoặc Nao Kawakita và giúp cho những phần chuyển trong các bài hát trở nên linh hoạt và thật nhẹ nhàng. Ta có thể cảm nhận được sự trào phúng trong những bài như “Rock n’ Roll Chainsaw”, rồi cả những sự kỳ bí như trong “A-L-I-E-N” mà hoàn toàn không biết tí ti ông cụ là họ hát gì.


Và còn rất nhiều những thứ “dị” xung quanh những thành viên ban nhạc này mà có khi chưa chắc đã là “dị” trong văn hóa Nhật.


- Trong khi các nghệ sĩ thường có cây guitar signature của mình, hay có dòng đồ uống hoặc quần áo thời trang riêng, tay guitar Ryo-kun được tài trợ bởi Tenga, hãng làm đồ chơi “tự sướng” cho đàn ông.


- Nao Kawakita biết mình mang bầu đứa con đầu lòng khi đang trong tour diễn với MTH. Cô tiếp tục chơi đến hết tour trong khi đang mang bầu và tới mức phải vào bệnh viện cấp cứu, mặc dù đứa con sau đó vẫn ra đời tốt đẹp năm 2010. Lần có bầu thứ hai thì không được may mắn như vậy và đứa bé đã không giữ được, nên khi có bầu lần thứ ba vào năm 2016, lần này Nao quyết định nghỉ đi tour và sinh hạ thành công đứa thứ hai.


- Bài hát nhí nhảnh “"Chū Chū Lovely Muni Muni Mura Mura Purin Purin Boron Nururu Rero Rero" có tất cả các âm thanh sống động nhất trong việc quan hệ: Chū chū – tiếng hôn chụt chụt; muni muni – tiếng thộp ngực; mura mura – tiếng rên rỉ; purin purin – tiếng vỗ thường phát ra từ những chỗ như bộ ngực; boron – tiếng động mô tả vật thể bỗng trồi ra; nururu – tiếng nhầy nhụa lép nhép; và rero rero – tiếng mút mát. (Cám ơn genius.com)


Điều có lẽ là tuyệt vời nhất xung quanh nhạc Nhật nói chung, không chỉ có Metal, Punk hay những thứ ghê rợn, ấy là khả năng khơi gợi trí tò mò. Luôn có một sự liên tưởng tới một thứ âm nhạc Âu Mỹ mà ta đã biết, nhưng vẫn luôn có điều gì đó mới mẻ và rất đặc trưng của nước Nhật, nơi âm nhạc của họ không bij giới hạn bởi những giai điệu hẹp mà còn cả những thử nghiệm về tiếng ồn và cả những nhạc cụ dân tộc. Nó có lẽ chính xác là những thứ mà tôi cứ thấy thiêu thiếu khi đi tìm ở nhạc Việt: chuỗi hợp âm bí ẩn, giai điệu hay mọc ra những nốt lạ, âm nhạc biến chuyển trong cấu trúc, và tính rhythm trong lời hát. Với cá nhân tôi, có lẽ thứ âm nhạc tuyệt vời nhất là thứ âm nhạc kể cả khi hát những lời lẽ vô nghĩa, những âm sắc của từng chữ được nhả ra vẫn có thể hòa quện vào tổng thể của bài và tạo ra những âm điệu đầy cảm xúc.


Và hy vọng Maximum The Hormone mới chỉ là sự khởi đầu trong việc chia sẻ âm nhạc từ EmoodziK với những thứ tiếng không quá dễ hiểu.


Hẹn gặp lại!


Kcid

413 views

Recent Posts

See All
bottom of page