top of page

Duran Duran: Ai nghe nhạc bằng mắt?

Báo chí nước Anh từng ví von gọi Duran Duran là “Ngũ Quái” (The Fab Five) khi so sánh họ với The Beatles. Lý do thứ nhất là do họ thuộc lứa ban nhạc dẫn đầu làn sóng xâm lăng nước Mỹ lần 2 đến từ nước Anh vào đầu thập niên 80. Vào tháng 7 năm 1983, trong số Top 10 bảng xếp hạng của Mỹ, có đến 7 nghệ sĩ đến từ nước Anh, bao gồm: Duran Duran, Culture Club, The Police, Kajagoogoo, Eddy Grant, Madness và cả The Kinks (ban nhạc đã từng len lỏi vào Mỹ từ làn sóng xâm lăng nước Mỹ lần thứ nhất nhưng không may mắn sớm bị loại khỏi cuộc chơi). Riêng với Duran Duran, album Rio của họ ở danh sách top 10 Billboard 200 trong suốt 11 tuần liền, được ghi nhận góp phần mở màn cho cuộc xâm lăng âm nhạc lần 2 của đất nước Anh Quốc này.


Lý do thứ hai mà Duran Duran được so sánh với The Beatles chính là vì họ có một lực lượng fan hùng hậu gồm đa phần giới trẻ, đặc biệt các cô gái ở tuổi vị thành niên tại nước Mỹ. Trong một show diễn của band ở Seattle vào năm 1984, các thành viên không thể nào nghe nổi tiếng đàn họ chơi ở trên sân khấu bởi đám khán giả gồm 18.000 người, trong đó vô vàn các cô gái đang gào thét hưng phấn đến tột độ. Giống như cái tên báo chí từng đặt “Beatlemania”, hiện tượng hâm mộ cuồng nhiệt của fan nữ với Duran Duran đã được gọi là “Durannie Mania”. Ngoài yếu tố âm nhạc, vẻ bề ngoài của những ban nhạc như Duran Duran đóng vai trò quan trọng không kém. Đầu tóc được vuốt điệu đà đầy kiểu cách. Trang phục tinh tươm bắt mắt. Môi bóng, gò mà cao, da căng mịn, và họ còn biết trang điểm đẹp hơn nhiều phụ nữ ở Mỹ. Có những cô gái ở Mỹ còn phải thốt lên khi được nhìn tận mắt các thành viên của Duran Duran “Ở nước Anh người ta bỏ gì vào nước uống mà sao trông đẹp vậy?”.


Dĩ nhiên cái gì cũng phải có lý do của nó. Không có lửa thì làm sao có khói. Cuộc xâm lăng nước Mỹ lấn 2 xảy ra khi mọi yếu tố thiên thời địa lợi được sắp đặt để nó phải xảy ra.

Đã biết bao lần những nghệ sĩ nước Anh trên hành trình chinh phục nước Mỹ đều tự hỏi với một đất nước đã có đầy đủ mọi thứ, thì họ còn có gì mới mẻ để người yêu nhạc nước Mỹ cảm thấy thèm khát? Paul McCartney đã từng thốt lên như vậy trên chuyến bay đầu tiên chở ban nhạc Beatles tới nước Mỹ.

Còn Duran Duran (sau đây xin gọi tắt là DD) cùng những ban nhạc như Culture Club, Eurythmics, Depeche Mode hẳn cũng có nghĩ tới điều này khi phong cách nhạc New Wave / Synth Pop mà họ theo đuổi được giới âm nhạc ở Mỹ đặt hẳn cái tên “New Music”. Phía bên kia nước Anh, một cái tên khác - “New Romantic” được sử dụng bởi phong cách nhạc khác biệt với những ban nhạc Punk, được nhắm tới số đông khán giả bằng thứ âm thanh Pop “nền nã” bớt nổi loạn cùng tiếng đàn synth chủ đạo mang âm hưởng trẻ trung và tân tiến.

Tại Mỹ, việc tiếp nhận âm thanh mới này không hề dễ dàng. Vào đầu thập niên 80, bất kỳ bài hát nào có tiếng đàn điện tử phát trên đài đều bị phàn nàn. Lý do? Vì người nghe quy chụp nó với nhạc Disco bị “ghét bỏ” bởi số đông tại Mỹ ngày ấy. Chỉ có các vũ trường là nơi âm nhạc đến từ nước Anh này bắt đầu được chơi vì nó mang nhịp điệu đầy năng lượng như nhạc Disco mà lại có thêm chút chất liệu thô ráp khác biệt trong đó. Nhưng phương tiện truyền thông làm đòn bẩy cho sự phát triển của New Music lại chính là sự ra đời của kênh MTV vào năm 1981.

Vào ngày đó, không ai tưởng tượng rằng người nghe nhạc sẽ lại thích coi những nghệ sĩ “diễn” lại bài hát qua video phát trên sóng tivi với chất lượng âm thanh vô cùng tệ từ công nghệ loa gắn trong đó. Trong khi những nghệ sĩ nước Mỹ nếu có bản video nào chiếu thì đó cũng chỉ là những phần khung hình cắt ghép lại từ những buổi diễn live, gọi là cho có để phát được trên MTV. Thế nên thời cơ mở đến với những ban nhạc Anh Quốc tiên phong trong tạo dựng hình ảnh như DD.

Mặc cho ban nhạc DD đã nổi tiếng tại quê hương từ album đầu tay cùng tên Duran Duran (1981), ở Mỹ, họ chỉ là kẻ vô danh. Không một kênh radio nào phát nhạc của DD và số phận của họ cũng như nhiều ban nhạc cùng thời từ Anh Quốc đã có thể kết thúc còn tệ hơn cả The Kinks. Nhưng may mắn mỉm cười với họ khi kênh MTV mong mỏi có được những bản video ca nhạc có sự đầu tư và dàn dựng công phu hơn. Thế rồi đội ngũ ban lãnh đạo của MTV phát hiện ra DD.


Ngay vài tuần trước khi kênh ca nhạc này xuất hiện ở Mỹ, bản MV “Girls On Film” của band đã được dựng với những hình ảnh khêu gợi của những cô diễn viên trong video, khiến cho MTV đã phải edit mệt nghỉ trước khi phát. Nhưng “Hungry Like The Wolf” mới là bản MV mang lại thành công cho cả chính MTV lẫn DD. Qua những thước phim được quay bằng máy quay chuyên nghiệp tối tân, hình ảnh của bản MV của ban nhạc trông khác một trời một vực với đa phần những gì được chiếu trên tivi. DD đầu tư công phu khi quay tại những điểm khung cảnh thiên nhiên quyến rũ khêu gợi như Sri Lanka. Rồi khác hẳn với cảnh các nghệ sĩ chỉ ôm nhạc cụ chơi trên sân khấu, trong “Hungry Like The Wolf”, những thành viên của DD là những diễn viên trong bộ phim ngắn mang ảnh hưởng của những bộ phim nổi tiếng ngày đó như Raiders Of The Lost Ark hay Mad Max 2.


Chính bởi sự đột phá về chất lượng hình ảnh trong MV này của DD khiến cho MTV phát đi phát lại ca khúc này trên sóng, giúp cho ban nhạc không những leo vút lên những vị trí rất cao của bảng xếp hạng tại Mỹ cùng album thứ hai Rio (1982), mà họ còn đặt ra những chuẩn mới cho nhiều nghệ sĩ khác nhanh chóng bắt chước theo, mà nói đâu xa, ngay tới năm 1983, vua nhạc Pop người Mỹ - Michael Jackson đã đầu tư hẳn phim ca nhạc ngắn “Thriller” với đầy đủ nội dung, diễn xuất cho tới cả kỹ xảo. Sự tiên phong của DD đã dẫn dắt một xu thế “xem ca nhạc”, mở ra một thế giới quan mới mà người yêu nhạc trước đây chưa phát hiện ra,

MV quay thật đẹp. Các thành viên ban nhạc thì đều đẹp trai từ mặt mũi, tóc tai cho đến trang phục. Nhưng liệu như vậy thì âm nhạc của DD có chỉ nằm ở bề nổi hay không?

1. Điều đầu tiên tôi muốn nói đến ở DD là khả năng chơi nhạc cụ của band.

Cũng bởi sự thành công ngoài dự kiến, những lời so sánh có phần hơi quá đà của báo chí giữa DD với The Bealtes, và bề ngoài đẹp mã gần như hoàn hảo đối với cánh chị em mà rất nhiều người không ưa DD. Họ coi DD chỉ như một boyband hát nhạc Pop, được mượn hơi của làn sóng xâm lăng nước Mỹ và kênh truyền hình MTV.

Thế nhưng nếu xét về khía cạnh chơi nhạc cụ của DD, đừng để những âm thanh đàn synth nghe tưởng như vô thưởng vô phạt kia che mờ đi trình độ của họ.

Đội hình chính và thành công nhất của DD gồm Simon Le Bon (ca sĩ), Nick Rhodes (keyboard), Andy Taylor (guitar), John Taylor (bass) và Roger Taylor (trống – nhưng không phải drummer của ban nhạc Queen đâu các bạn nhé) (và không có anh nào là họ hàng của nhau dù đều mang họ Taylor). Dù xuất hiện trong cùng dòng chảy New Wave với các band như Culture Club và Depeche Mode mà các thành viên ít nhiều có dính dáng đến đàn synth / keyboard – thứ âm thanh chủ đạo của New Wave / Synth Pop, DD chính ra lại có đội hình giống của một rock band hơn cả, nhất là khi vai trò của những nhạc công khác bên cạnh keyboard không hề nhỏ chút nào.


Trong band, một mình Nick Rhodes là đủ tạo nên không gian nhạc synth đầy màu sắc. Bản “Careless Memories” ở album đầu tiên mở đầu bằng tiếng synth hơi lệch nhịp chút xíu chạy hai bên tai, tạo nên độ trễ nhất định của bài. Các lớp track của đàn synth được Nick chơi cực kỳ hợp lý khi lồng giữa câu đàn nhanh với câu đàn chậm, những nốt nhạc cao với những nốt nhạc trầm, những tiếng synth chơi giống đàn accordion với tiếng chơi giồng violin. Hay trong bài “Sound Of Thunder”, khúc cao trào của đàn synth tràn ngập không gian, với một số nốt nhạc cố tình được Nick chơi ngang phè giống như tiếng sét phá ngang bầu không khí yên bình. Ở bài “Rio”, anh còn sáng tạo đoạn intro khi chơi lại phần thu âm theo chiều ngược từ cuối về đầu của đoạn piano mà anh chơi sau khi đặt những thanh kim loại đè lên dây trong hộp đàn, tạo ra âm thanh ma quái lúc đầu. Hoặc đó là tiếng keyboard chơi láy tiếng ở “Save A Prayer”. Với đúng bản chất của âm nhạc mà DD chơi, tầm quan trọng của tiếng synth tạo ra bởi Nick đủ khiến mỗi bài hát của band trở nên trống vắng nếu vứt bỏ đi các lớp hòa âm quyện vào nhau của các track nhạc synth này.


Với Andy Taylor, vẫn có đất diễn cho anh này trong một ban nhạc chơi nặng về nhịp điệu và âm sắc điện tử. Andy đủ tinh để thêm lớp guitar đầy ấn tượng vào bài nhạc vốn đã dầy tiếng synth trong “Careless Memories”. Trong bài “Night Boat”, giữa những lớp âm thanh kéo dài của đàn synth, Andy chơi những tiếng harmonic để có tiếng nghẹt và ngân khoảng ngắn nhằm khác biệt với âm đàn điện tử, vừa đủ để đến điệp khúc, tiếng guitar của anh mới trở thành một track nhạc chủ đạo. Có một số khoảnh khắc Andy đóng vai trò nhân vật chính khi chơi những đoạn guitar solo ngắn trong bài “Friends Of Mine”, “New Religion”, hay kiến tạo những âm thanh guitar dội ngang qua khúc nhạc lắng lại ở “Hungry Like The Wolf”.


Với Roger Taylor, bên cạnh chuyện dẫn dắt nhịp cho cả ban nhạc, những cú dồn trống đầy hiệu quả giúp tôn lên các khúc chuyển đoạn trong bài của DD. Tiếng trống có phần progressive của Roger trong “Night Boat” góp phần không nhỏ nên âm thanh rộng lớn trong màn đêm hư vô của bài. Tiếng trống của anh chơi không bao giờ bị nhàm chán bởi các âm thanh trống tom kết hợp, lúc nhanh như tiếng súng tỉa ở “Hold Back The Rain”, lúc đều chắc nịch từng nhát trong “New Religion”. Nhờ tài năng của Roger, âm nhạc New Wave của DD có chất funky thú vị hơn nhiều so với sự lầm tưởng của khán giả Mỹ khi quy chụp với nhịp điệu đều đặn không đổi của nhạc Disco vào đầu thập niên 80.

Thế nhưng thành viên sáng giá nhất của ban nhạc chính là John Taylor và cây bass của anh. Rất nhiều buổi biểu diễn của DD, sẽ có lúc nào đó ca sĩ Simon Le Bon hô vang cùng đám đông khán giả “Chơi bass đi John! Chơi bass đi John”. Thực sự với thứ nhạc mang nhịp điệu dập dình để người ta có thể nhảy theo, để chơi những câu bass phức tạp chính ra lại không hề dễ. Không cần dùng đến miếng gảy, ngón tay của John có thể vảy dây đủ mạnh mẽ để âm sắc của cây bass phát ra cực kỳ rõ ràng và sắc lẹm. Chịu ảnh hưởng từ Bernard Edwards (tay bass của ban nhạc Chic), rồi Paul McCartney và huyền thoại James Jamerson, các câu bass mà John chơi trong nhạc của DD đầy sáng tạo và hiệu quả đến mức nó dịch chuyển được cả bài nhạc. Ngay từ bài “Planet Earth” ở đĩa đầu tiên, người ta đã nghe được tiếng bass phi nước kiệu nổi lên cùng bất kỳ nhạc cụ nào khác đang đóng vai trò chủ đạo ở mỗi thời điểm. Phần bass solo sau đó ở khúc instrumental break cũng gây tò mò hứng thú trước khi trồi hẳn lên dải âm cao để tạo sự kết nối liền mạch khi bài hát trở về với câu điệp khúc. Trong “Late Bar”, John chơi các nốt nhạc rất funky nhưng vẫn nhấn vào phách chính để đảm bảo tính “dance” trong nhạc của DD. Tới đĩa Rio, có lúc John chuyển sang chơi bằng miếng gảy trong bài “Hold Back The Rain” để tạo tiếng giống âm thanh slapping; có lúc anh bấu mạnh dây tạo tiểng nảy ở điểm nhấn trong “My Own Way”; hay có khi anh lại dùng cây bass không phím để chơi trong “Lonely In Your Nightmare”. Nhưng một trong những câu bass phức tạp nhất mà John chơi có lẽ là chính bài “Rio”. Các nốt đàn chơi biến tấu đầy phức tạp mà vẫn vừa đủ để tạo sự quyến rũ rất “Duran Duran” của bài.


Vậy nên nếu ai tỏ sự hoài nghi về việc DD có thể được coi là một ban nhạc thì xin thưa, họ vận hành còn đúng chất một ban nhạc với nhiều nhạc cụ hơn cả những ban nhạc / nghệ sĩ cùng lứa và cùng dòng nhạc.

2. Điều thứ hai tôi muốn nói đến ở DD chính là phần chất lượng nhạc.

Quay lại câu chuyện cuộc xâm lăng nước Mỹ lần 2 và bệ phóng của kênh MTV cho những ban nhạc đột phá về mặt xây dựng hình ảnh cho âm nhạc của họ như DD. Khi những bản single có MV thành công trên bảng xếp hạng của MTV, nhà đài tại Mỹ bắt đầu nhận được những cuộc gọi yêu cầu bật các bài hát của những nghệ sĩ Anh mà chưa phát trên radio bao giờ, nhưng đã được chiếu suốt trên kênh MTV trước cả vài tháng.


Thực tế là về mặt chất lượng, âm nhạc Anh thời kỳ đầu thập niên 80 được một số kênh radio tại Mỹ nhận định hay hơn hẳn chất lượng địa phương. Khi mà nước Mỹ có nền âm nhac được ví thương mại hóa như McDonalds, với 9 trên 10 ban nhạc trong nước đều mang phong cách nhạc mà khán thính giả đã nghe đâu đó trước rồi. Nhưng nước Anh thì khác. Nơi này sự sáng tạo, thể nghiệm được khuyến khích và trân trọng. Ở thời điểm đó, tỷ lệ nghệ sĩ cũng như những nhà soạn nhạc cao hơn nhiều các nước khác như Mỹ, một phần vì tỷ lệ thất nghiệp cao, và phần nhiều vì sự cởi mở của thị trường nơi các kênh radio sẽ bật nhạc của nghệ sĩ độc lập và các vũ trường, quán bar không thích các band chơi nhạc cover, và rồi các nghệ sĩ nơi đây sẵn lòng tìm tòi và thể nghiệm, cũng như học hỏi những ảnh hưởng âm nhạc từ nhiều nước khác trên thế giới. Âu cũng nhờ đất nước Anh Quốc đủ nhỏ để chi phí rủi ro trong đầu tư thấp và cho phép thị trường âm nhạc được tiếp cận với âm nhạc mới liên tục.

Đó là lý do mà Roger Taylor và John Taylor của DD từ khi còn đang thai nghén ý tưởng lập band đã cùng tìm cảm hứng nhạc từ các ban nhạc thuộc nhiều thể loại khác nhau, ví dụ như Sex Pistols (nhạc Punk của Anh), Chic (nhạc Disco / Funk của Mỹ) và Kraftwerk (nhạc Electronic / Synth Pop của Đức). Từ các yếu tố dòng nhạc và ảnh hưởng các vùng đất khác nhau, Roger và John sau này đã tạo nên âm nhạc riêng của mình.

Đằng sau bề nổi của hình ảnh những chàng trai đẹp mã, nhạc DD tính ra được viết khá là phức tạp. Tính chất dance không biến nhạc của họ bị lặp hoặc trở nên vô hồn. Khi nghe kỹ bất kỳ bài nào người nghe cũng tìm thấy những thay đổi khác biệt của khuông nhạc này với khuông nhạc trước, của đoạn verse này với đoạn verse trước. Đó sẽ là một lớp nhạc synth của Nick Rhodes được thêm vào, một câu đàn guitar của Andy Taylor đánh lệch phách hẳn với các nhạc cụ khác, sự biến tấu bass của John Taylor hay câu dồn trống của Roger Taylor. Tất cả thành viên trong band DD thu nhạc đều làm xuất sắc nhiệm vụ của mình: (1) bao trùm và tôn lời hát của Simon Le Bon lên; và (2) đẩy bài nhạc tiến xa hơn những gì người nghe tưởng là họ đã nghe từ một bài của DD. Cả khi cứ nghĩ họ không có chiêu gì mới lạ hơn thì người ta lại nghe cả tiềng kèn saxophone chơi solo bởi một nhạc công phòng thu để thêm màu sắc như trong bài “Rio”.

Về mặt hòa âm, DD có những lựa chọn khá lạ tai và liều lĩnh để đưa vào âm nhạc nghe chừng tưởng như dễ dãi đó. Cũng với ví dụ của bài “Rio” vừa nói đến, sự chuyển tông từ giọng Dm (rê thứ) sang D (rê trưởng) như xoay dịch bài hát sang hẳn một không gian nhạc khác. Với “Hungry Like The Wolf”, tông của verse là E (mi trưởng) thì điệp khúc lại là C (đô trưởng) và bridge thì lại thành Em (mi thứ). Cứ như vậy, cách chuyển tông làm biến đổi những vòng hoà âm xuất hiện trong “Planet Earth”, “Notorious” và nhiều nữa làm cho âm nhạc của DD không bao giờ thiếu sự bất ngờ.


Có những lúc ngay cả cách chơi của band cũng khơi gợi sự mơ hồ về hoà âm khi Andy Taylor và Nick Rhodes chỉ chơi power chord với các nốt bậc 1 và 5, rồi John Taylor lại chỉ đánh nốt gốc bậc 1 trên cây bass, nên việc giải toả và đưa đẩy màu sắc bài lại do nốt nhạc giai điệu hát của Simon Le Bon trong việc anh này chọn hát nốt bậc 3 nào.

Trình độ chơi và viết nhạc của các thành viên DD như vậy không hề tầm thường như những lời “phê bình” rằng họ chỉ được cái mã và nhạc của họ chỉ thiên về màu mè mà không có được cái chất đúng không ạ? Bởi nếu DD thực sự tầm thường thì sau sự thoái trào nhanh chóng của làn sóng New Wave / Synth Pop đến từ nước Anh, cộng với những mâu thuẫn nội bộ dẫn tới việc rời nhóm của tay guitar Andy Taylor và tần suất làm việc căng thẳng làm Roger Taylor cũng phải gác gậy, thì DD đã không có màn trở lại ngoạn mục vào năm 1993.


3. Và đây chính là điều thứ ba tôi muốn nói tới về tài năng của ban nhạc.


Nhạc của DD với tôi có phần nhiều gần với nhạc của Depeche Mode, có điều tôi ưng âm nhạc của Depeche Mode hơn vì màu sắc trưởng thành hơn, cũng như chất lượng nhạc của họ có phần đồng đều trong nhiều album. Nếu như năm 1993 đánh dấu album cuối cùng của Depeche Mode với sự góp sức của Alan Wilder, kết thúc thời kỳ âm nhạc ưa thích nhất của tôi với band đó, thì 1993 lại là năm DD chứng tỏ cho thị trường rằng họ không phải chỉ là những thanh niên đẹp mã nhưng “ngắn não”. Album Duran Duran (1993) (hay thường được biết đến với cái tên The Wedding Album) được phát hành và là bằng chứng sống cho thấy các thành viên của DD, giờ bao gồm Simon Le Bon, Nick Rhodes, John Taylor và Warren Cuccurullo (người thay thế cho Andy) là những nhạc sĩ thực thụ, và quan trọng nhất là họ không cần đến làn sóng xâm lăng nước Mỹ lần 2 ngày nào cũng như sự lăng xê của MTV để thành công.


Với tôi, The Wedding Album của DD mang những màu sắc tối và đẹp như những gì tôi yêu thích nhất ở nhạc của band Depeche Mode. Dĩ nhiên đây vẫn là một album đậm chất DD, trong đó yếu tố âm thanh các nhạc cụ chơi bởi một ban nhạc hoà quyện vào nhau vẫn là điều tối quan trọng.


Tiếng acoustic guitar quạt chả của Warren được thêm vào thêm sự gần gũi, mở đầu cho bài “Too Much Information”, trước khi cả band hoà cùng. “Ordinary World” và “Come Undone” cũng vậy, âm thanh guitar clean của Warren nổi lên, tiếng synth của Nick giảm bớt xuống, tiếng bass của John chơi vừa đủ, nhưng vẫn giữ được cái hồn của những gì đẹp nhất vốn có của DD, như vòng hoà âm thay đổi đẹp hoàn hảo trong “Ordinary World” và màu sắc kỳ ảo đượm buồn của “Come Undone”. Âm thanh Alternative Rock / Soft Rock trong album này cũng mang tới những bài có lối phối âm mới lạ trong “Love Voodoo”, “Shotgun”, “U.M.F.”.

Vào cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, tại nước Mỹ, dòng Synth Pop đã bị Hip Hop, và Hair Metal chiếm ưu thế. Thế nên để những band của thập niên 80 như DD vẫn còn tìm được người lắng nghe và yêu mến lại thì thật không đơn giản. Bình thường con số đĩa bán ra cũng như thứ hạng ở các bảng xếp hạng không phải là những tiêu chí đánh giá đúng đắn về chất lượng nhạc của một nghệ sĩ, nhưng đúng thực với một ban nhạc tạm gọi là “lỗi thời” ở thời điểm đó như DD mà có được album lọt top 5 tại Anh và top 10 tại Mỹ thì đó không còn là may mắn nữa.


Sau này DD cũng vẫn có lúc phát hành được album gây chú ý, ví dụ như All You Need Is Now (2010) (lúc này tay trống Roger Taylor đã quay lại), họ vẫn là một trong những ban nhạc được biết đến với thứ âm nhạc đa dạng, và sự kết hợp hình ảnh tuyệt vời đi trước thời đại. Như lời chia sẻ của Simon Le Bon, những gì DD làm với công nghệ hình ảnh trong âm nhạc của họ cũng tương tự như Pink Floyd từng thử nghiệm với âm thanh stereo. Điểm chung của cả hai ban nhạc là đều hướng đến việc “điều khiển” âm nhạc và cảm xúc người nghe. Chính thế nên DD còn đưa vào show diễn của họ những màn hình khổng lồ treo trên sân khấu và thậm chí ghi hình tại các buổi diễn bằng máy quay IMAX và máy quay góc rộng 360 độ cùng âm thanh 10.2. Sang tới thế kỷ 21, DD còn áp dụng cả công nghệ thực tại ảo AR để các hình ảnh dựng bởi máy tính có thể hiện nổi sâu ba chiều ngay trên sân khấu cùng với ban nhạc.


Âm nhạc với hình ảnh bổ trợ bao giờ cũng tăng độ trải nghiệm và cảm nhận âm thanh cho người nghe một cách hiệu quả nhờ sự hỗ trợ của thị giác. Đã biết bao lần tôi lại nhớ lại thời gian ngóng xem những video bài hát mới trên kênh MTV với đầy sự phấn chấn. Sự tiên phong trong cách đầu tư tạo dựng những khung hình MV tuyệt đẹp theo một nội dung / kịch bản được lên sẵn của DD khơi nguồn cho biết bao MV đầy ấn tượng khác sau này của các “video star”. Có điều nó cũng như một con dao hai lưỡi, trải nghiệm đó có thể đánh mất sự thuần khiết trong cảm thụ âm nhạc, và giảm bớt sự hứng thú với những người yêu nhạc bị phụ thuộc vào hình ảnh. Thêm nữa, cũng bởi chính những clip mà các thành viên ban nhạc DD đóng trong đó, thay vì chỉ cầm đàn chơi mà có một thời họ bị đồn thổi là không biết chơi nhạc và làm gì khác ngoài việc khoe mã. Chính thế mà DD đã phải tốn bao công sức để lột bỏ hình ảnh “thần tượng của những cô gái tuổi teen” để người ta nhìn ra cái “chất” thực sự bên trong của mình, để rồi cuối cùng được người đời ghi nhận, trong đó gần đây nhất chính là việc ghi danh trong Rock & Roll Hall Of Fame vào năm 2022, mà điều đáng nói nhất chính là phần lớn số phiều bầu của người yêu nhạc được dành cho ban nhạc Duran Duran. Những chàng trai đẹp mã ngày nào giờ tuổi cũng đã ngoài 60 rồi, nên thành tựu này chắc không phải nhờ cái mã nữa đâu nhỉ?


Hẹn gặp lại!


Kink

385 views

Recent Posts

See All
bottom of page