top of page

Ẩn sau giàn trống (ep. 9): Tommy Aldridge

Các tay trống có lẽ luôn là người thiệt nhất trong ban nhạc về mặt hình ảnh, bởi khi mỗi lần biểu diễn thì họ thường bị che khuất bởi cả đống nhạc cụ trên giàn trống (chẳng nhẽ lại ngồi quay lưng vào khán giả để được nhìn thấy nhiều hơn), còn khi không biểu diễn mà đi ra ngoài cùng band thì y như rằng sẽ bị ca sĩ chính với tay lead guitar làm lu mờ. Thậm chí ở nhiều nơi, khán giả còn không phân biệt được ông nào đánh trống hay chơi bass trong ban nhạc.


Thà như ông đánh bass thường bị dân tình “chọc ngoáy” và làm giảm tầm tài nghệ, bởi đúng là có một số ông kể ra cũng "lười vận động"; đằng này nói về độ sôi động thì chắc hẳn tay trống “yên ắng” nhất cũng hoạt động ở cường độ cao trong ban nhạc. Dù họ đôi khi bị hiểu lầm là “chỉ giữ nhịp” thay vì “chơi nhạc”, tay trống vẫn luôn là người có thể vỗ ngực về những khả năng “trời phú” như tâm thần phân liệt giúp cho bốn tay chân mỗi thứ chơi một kiểu được. Chưa kể, họ có khi còn thuộc bài chả kém gì tay guitar và ca sĩ chính.


Ấy thế mà mỗi khi nhắc đến tài nghệ, mọi người sẽ thường dễ dàng tung hô đầu tiên là ca sĩ, tiếp đó là những vị anh hùng guitar, còn vị trí trống thì chắc chắn luôn ở cuối thứ tự ưu tiên. Chưa nói gì tới việc có ai đó sẽ sẵn sàng khen trong ban nhạc nọ có tay trống trình độ "đối ẩm" được với tay guitar.


Tommy Aldridge là một trong những tay trống luôn khiến tôi ngưỡng mộ bởi anh luôn có cách để cân được với bất cứ tay guitar đình đám nào anh chơi cùng. Riff, tăng tốc, hay chạm nhả; từ nhẹ nhàng êm ái tới uy lực càn phá, Tommy Aldridge luôn biết cách thể hiện tiếng trống đặc trưng gây chú ý của mình, nhưng cũng luôn biết cách nhường chỗ cho tay guitar và bass của ban nhạc tỏa sáng. Anh cũng là một trong những người tiên phong với sự linh hoạt trên chân bass đôi, người đã "dám" đưa những câu dồn tốc độ cao vốn là đặc sản của đôi tay và giàn tom-tom đồ sộ xuống phần chân một cách đầy sáng tạo chỉ với hai chân chơi lích kích.


Nếu như câu hỏi về tay trống Heavy Metal giỏi nhất luôn không bao giờ có hồi kết, thì mỗi khi chủ đề này được mở rộng ra cho nhiều hơn một người, cái tên Tommy Aldridge luôn có cách lặng lẽ (hoặc ồn ào?) để nằm trong những vị trí hàng đầu của bất cứ metal head nào. Tiếng trống mạnh mẽ dễ nhận ra, khả năng sử dụng chân bass đôi để fill, cách tiếp cận độc đáo khi chuyển đổi câu trống bằng những kết hợp tang trống khác nhau nhưng vẫn giữ motif của beat. Và quan trọng hơn cả, dù chơi cùng với bất cứ ai thì cái tên Tommy Aldridge luôn là cái tên đảm bảo cho cái thứ âm nhạc cần sự mạnh mẽ và tốc độ này từ phòng thu cho tới khi ra sân khấu.



Đây có lẽ là ban nhạc nơi Tommy Aldride được biết tới nhiều nhất, và dường như quãng thời gian làm việc cùng Randy Rhoads cũng là quãng thời gian đẹp nhất trong sự nghiệp của Aldridge.


"Nổi tiếng" nhất có lẽ là vụ Tommy Aldridge và tay bass Rudy Sarzo được ghi credit và lên hình bìa album Diary of a Madman (1982) của Ozzy trong khi phần trống trong phòng thu thực ra được thực hiện bởi Lee Kerslake và bass là bởi Bob Daisly, ít ai ngờ sau đó Aldridge chơi một lèo với band của Ozzy từ tour diễn live cho Diary khi Randy Rhoads còn sống, album live Speak of the Devil (cùng tay guitar thế cho Rhoads là Brad Gillis), tới tận khi thu và đi lưu diễn cho album Bark at the Moon (1983), album mở đầu của thời kỳ Jake E. Lee là tay guitar của Ozzy.


Những gì tinh túy nhất trong cách chơi của Tommy Aldridge đều có thể nghe được trong album Tribute mà Ozzy phát hành để ghi lại những kỷ niệm cùng Randy Rhoads. Tiếng trống chắc nịch và nện mạnh, cùng cách chơi nghe na ná nhưng hoàn toàn không giống bản thu đĩa đã đem lại một nét phá cách tinh tế từ phía sau lưng của cả ban nhạc.


Bản "Crazy Train" trong đĩa này có lẽ là một điển hình về cách chơi đáng chú ý của Aldridge, cũng như sự hiểu ý giữa anh và Randy Rhoads khi hai người dần bồi đắp nên phần nhạc ngày một dày hơn qua hai đoạn hát để sau đó cùng nhào vào đoạn solo đầy hào hứng với chân bass đôi dồn dập khác hẳn bản gốc. Không khó để thấy Tommy Aldridge đã mở đường cho một loạt tay trống của Ozzy sau này đều chơi với giàn trống khá đơn giản nhưng đều có những sự kết hợp trong câu cú tuyệt vời như Deen Castronovo hay Randy Castillo.


Thế nên nếu có ai đó thường khen Ozzy là người có mắt nhìn ra tay guitar đầy tài năng, thì tui xin được thêm là mắt còn lại của ông nhìn được cả tay trống để cân với tay guitar đó nữa.


2. Gary Moore - Live at the Marquee


Lại là một album chơi live, và nó còn xuất hiện giữa những lùm xùm về việc Gary Moore liệu có chơi cho Ozzy sau khi rời khỏi Thin Lizzy hay không (để rồi sau đó Gary Moore đi hát solo còn Ozzy có Randy Rhoads). Tommy Aldridge thậm chí còn góp sức đáng kể cho sự nghiệp solo khởi sắc của Gary Moore với album Dirty Fingers (1983), một album chơi nặng khá đáng nghe trừ việc sau đó Gary Moore quyết định không theo đuổi rock nặng nữa!!


Trong khi các ban nhạc luôn muốn thu âm album live để đem đến cho người nghe cái không khí sống động, thì việc thu live đôi lúc cũng làm các kỹ sư âm thanh phải đau đầu với những điều kiện kém lý tưởng và nhiều tạp âm, nhất là với giàn trống nơi mà số lượng mic dành cho nó luôn phải được tính toán kỹ và cả việc bảo vệ nó khỏi những âm thanh bị vọng về và trễ lại từ những nhạc cụ khác. Tommy Aldridge có lẽ là một trong những tay trống khiến việc thu âm live trở nên dễ dàng rất nhiều. Anh nện mạnh và tất cả các bộ phận trên giàn trống đều được gõ dứt khoát và tách bạch với nhau, khiến cho những đĩa thu live có sự góp mặt của Aldridge luôn có sự "hiện diện" rõ ràng của bộ gõ - thứ mà tự nó đã làm cho không khí sôi động lên lắm rồi.


Hãy thử cùng so sánh bản thu của "Back on the Streets" chơi bởi Aldridge và track gốc thu trong studio: điều dễ nhận thấy nhất là cách chơi của Tommy Aldridge đã khiến nhà sản xuất dễ dàng đặt phần trống lên ngang hàng với phần guitar và tiếng trống ít bị nén hơn khiến cho cảm nhận của người nghe về buổi biểu diễn live trở nên rõ ràng hơn (trong khi trong album gốc, phần trống nghe nhiều chỗ bị nén và đặt lùi về phía sau).


Điều đáng chú ý thứ hai là mặc dù những câu dồn của Aldridge vẫn giữ motif của bản phối trong đĩa với những câu dồn chùm ba ba-dum-dum ba-dum-dum, cách chuyển những câu dồn sang chân bass cùng việc thêm thắt những câu fill chỉ ở 1/8 hay 1/16 nhịp khắp nơi đã khiến cho bản live nghe cuốn hơn rất nhiều.


3. Vinnie Moore - Mind's Eyes


Hẳn ai đã từng nghe nhạc của Vinnie Moore đều đã từng bị ấn tượng mạnh với khả năng shred và cách chơi tốc độ cực chính xác của anh này. Mỗi khi nghe câu đàn của Vinnie Moore tăng tốc, ta đều có cảm giác đây mới là đỉnh cao mới của guitar.


Nhưng nghe nhiều rồi, ta mới phát hiện ra té ra âm nhạc của anh hóa ra hay còn nhờ sự đóng góp của những người chơi khác mà không phải guitar. Đó là những phần solo đối ẩm đầy hào hứng từ keyboard (mà mãi sau ta mới biết là được chơi bởi bậc virtuoso là Tony Macalpine), phần bass chơi note for note cùng guitar của Andy West, và phần trống với những nhát nện trên snare vang dội và hai chân bass chơi đằm nhưng luôn sẵn sàng nhúc nhích theo các câu riff guitar điên cuồng kia của Tommy Aldridge.


Không khác gì một kẻ đi trước lái chiếc xe cơ bắp để dẹp đường, Tommy Aldridge thực sự đã tạo ra một phần nền hoàn hảo cho thứ âm nhạc Neo-Metal mà Vinnie Moore mang tới.


Album Mind's Eyes cũng là lần đầu tiên tôi có cảm giác tay trống có thể cân được tất cả các chiêu trò với guitar và giữ vị trí ngang cây guitar trong bản mix. Chả thế mà Vinnie Moore thậm chí còn sẵn sàng để cho Aldridge solo trống cả phút ngay trong bản "Saved By a Miracle", bản nhạc vốn tự nó đã rất nhiều biến chuyển. Đây cũng là lần đầu tiên tôi thấy có nghệ sĩ guitar hào phóng với tay trống của họ như vậy.


4. Macalpine, Aldridge, Rock, Sarzo - Project: Drivers


Nhân mới nhắc tới Tony Macalpine, Project: Drivers của bộ tứ Macalpine (guitar), Aldridge (trống), Rob Rock(ca sĩ), Rudy Sarzo (bass) (M.A.R.S là chữ cái đầu của tên 4 người này); cũng là một album khá đậm nét của Tommy Aldridge, dù khá đáng tiếc là album này chơi khá thị trường theo kiểu Glam Rock, nên nó nhanh chóng chìm nghỉm giữa phong trào này và làm lãng phí mất tài năng của nhưng bậc kỳ tài như Sarzo, Macalpine, hay Aldridge.


Mặc dù vậy, khi nghe những bản nhạc như "Unknown Survivor", đôi khi ta lại tặc lưỡi nghĩ các Glam Rocker khác mà đem trình ra so với các cây của M.A.R.S là cái đinh!


5. Whitesnake - Slip of the Tongue


Nếu như chơi cùng Ozzy Osbourne là nơi khởi đầu để Aldridge được chơi nhạc cùng những bậc virtuoso, Whitesnake có lẽ là điểm chín trong sự nghiệp của Tommy Aldridge khi anh đã có chỗ đứng vững chắc trong ban nhạc và ghi dấu với các album lẫn tour diễn qua nhiều thập kỷ.


Chớ sao, bên cạnh Aldride trong album Slip of the Tongue lúc đó là Steve Vai chơi guitar và người bạn lâu năm Rudy Sarzo chơi bass.


Hãy lấy "Wings of the Storm" làm ví dụ điển hình về sự kết hợp này: tiếng snare mạnh mẽ có thể nhận ra ngay của Aldrigde, cùng với câu bass đơn giản làm nên phần nền chắc chắn cho tiếng guitar của Steve Vai, nhưng lâu lâu Aldrige và Vai lại thay nhau đưa ra những câu fill đặc trưng của hai người. Đây hoàn toàn đã có thể mà một bản instrument của riêng Steve Vai mà không cần ai hát, bởi những gì mà ba cây chơi nhạc chụm lại với nhau đã là quá đủ. Không cần thiết phải quá hoa mỹ, nhưng những yếu tố điểm xuyến luôn chực bùng nổ như vậy đã là thứ tạo ra sự hấp dẫn tinh tế trong nhạc của Whitesnake, khi trưởng nhóm David Coverdale của họ đôi lúc hơi thiên về những cấu trúc đơn giản hòng tạo ra những bản anthem kiểu như "Here We Go Again".


Trên đây chỉ là đôi chút quan sát của tui về Tommy Aldridge, người luôn khiến tôi cảm thấy thật đã với sức mạnh và khả năng biến ít thành nhiều của mình với bộ trống nom khá đơn giản so với thứ âm nhạc anh chơi, thứ giống như trước anh John Bonham đã từng làm. Sẽ có khối người lấy sự nghiệp không quá danh giá của Tommy Aldridge ra để so sánh, nhưng với một fan của guitar rock như tui, Tommy Aldridge là một trong những người tiên phong thách thức và đẩy trình độ của các tay guitar mà anh chơi cùng lên cao hơn. Tommy Aldridge giống như một vị chủ nhà hào hiệp sẵn sàng mời các tay guitar tới đối ẩm và sẵn sàng nhường chỗ cho vị khách của mình tỏa sáng ngay trong căn nhà cầu kỳ sang trọng của mình.


Và tui vẫn tin mình luôn nghe thấy những nét của Tommy Aldridge lẩn quất trong phần trống của các bản hòa tấu guitar của các nghệ sĩ mới bây giờ. Lạ vậy đó!


Hẹn gặp lại!


Kai


185 views

Recent Posts

See All
bottom of page