Mọi đế chế âm nhạc đều cần có một sự bắt đầu. Nhạc Rock của thập niên 80s, nơi thì được gọi là Glam Metal, chỗ thì gọi là Hard Rock; hóa ra cũng có khoảng thời gian lận đận để xác định vị thế của mình, thậm chí còn suýt phải “xác định” luôn khi bị đám hãng đĩa gọi là thứ âm nhạc “thời tiền sử” vào cuối thập niên 70s. Các hãng đĩa ở Mỹ khi đó chỉ muốn Punk hay New Wave, và tất cả các ban nhạc chơi Rock nặng ở Mỹ thời đó dường như đều sống trong tình trạng thoi thóp. Cho đến khi có một band đã mở tung cánh cửa cho họ. Đó là Quiet Riot, ban nhạc Rock nặng đầu tiên có được No. 1 trên bảng xếp hạng ở Mỹ.
Vào một ngày đẹp trời năm 1982, nhà sản xuất Spencer Proffer bỗng nghe được giai điệu của bài hát “Cum On Feel the Noize” của một ban nhạc có cái tên Slade lạ hoắc đến từ nước Anh. Bài hát dường như chìm nghỉm giữa âm nhạc trên radio đầy New Wave lúc đó, nhưng Proffer tin rằng nếu làm đúng cách, bài này sẽ trở thành hit và có thể thành một bản rock anthem. Anh được giới thiệu tới gặp một ban nhạc hay chơi ở Country Club có cái tên DuBrow – ban nhạc có vẻ sẵn sàng hát những giai điệu anthem. Ấn tượng đầu tiên khi gặp DuBrow, là họ chỉ biểu diễn trước có hơn hai chục người, nhưng tất cả đều say sưa hát theo những bản nhạc đầy khí thế như “Bang Your Head” hay “Party All Night” của band này. Cho tới khi Proffer gặp được ca sĩ chính cũng là trưởng nhóm của band, Kevin DuBrow, anh đã đưa ra giao kèo cho họ tới thu ở studio của mình, miễn là họ chịu thu bài “Cum On Feel The Noize” cover lại của Slade. Đổi lại, DuBrow có thể thu 3 bài của họ miễn phí. Việc còn lại là để Proffer đi đàm phán với hãng đĩa.
Dĩ nhiên DuBrow không phải ban nhạc mới mẻ gì trong bối cảnh ở Hollywood lúc đó. Cùng với những Twisted Sister hay London (ban nhạc tiền thân của rất nhiều glam band sau này), họ đều đã hoạt động từ hồi giữa thập niên 70s và mỗi ban nhạc đều đã rất dày dặn chinh chiến cũng như có kha khá vốn sáng tác của mình. Nhưng khoảng thời gian cuối thập niên 70s và đầu 80s không phải là thời gian mà nhạc Rock nặng còn được ưa chuộng. Nhạc Rock nặng đã trở thành thứ âm nhạc của thời “tiền sử”, và dù Hollywood thì vẫn rất náo nhiệt với những tụ điểm giải trí huyền thoại như Troubadour, Whiskey, Roxy, hay làng nhàng thì cũng có Starwood, các ban nhạc vẫn thường được dặn là hãy chơi cover thôi và đừng đánh sáng tác.
"Bang Your Head" - sự khởi đầu của khái niệm headbanger
Quả thật, Hollywood thì vẫn là trung tâm của mọi hoạt động giải trí và các band nhạc dù muốn hay không vẫn luôn tìm cách tới đây kiếm ăn, hoặc chí ít là thỏa mãn giấc mơ âm nhạc của họ. Nikki Sixx (Mötley Crüe) vốn chạy xuống từ Seattle, Dee Snider (Twisted Sister) thì tới từ New York. Những kẻ đến sau như Cinderella thì tới từ Philadelphia, hay cả đôi bạn thân Axl Rose và Izzy Stradlin hóa ra cũng là dân nhập cư từ tận Indiana xa xôi. Ngay cả món hàng “hot” nhất lúc ấy ở các quán bar tại Hollywood với cái tên kỳ cục, Van Halen, cũng xuất thân từ Pasadena, California. Nhân tiện thì Van Halen lúc này đã có hợp đồng xịn với hãng đĩa.
Tưởng như các hãng đĩa sẽ hào hứng với việc có thêm những Van Halen khác, nhưng đời hóa ra không phải là mơ. Thị trường chỉ cần một Van Halen là đủ, và cần hơn là những band điển trai như Duran Duran với dòng nhạc New Wave, hoặc chơi nhạc lạ kiểu như The Police. Chí ít thì cũng phải là một band chơi Punk Rock. Thế nên các band Hard Rock được yêu mến sau này của chúng ta, lúc đó cũng đều phải nhắm mắt được ăn cả ngã về không để bám trụ được lại Hollywood. Ngoài việc phải chơi cover ra, họ sẵn sàng làm bất cứ thứ gì để thu hút khách. Twisted Sister bắt đầu trang điểm lên sân khấu, Nikki Sixx thì chơi quần da và đồ khói lửa. Cinderella ở thời đầu cũng có tay ca sĩ biết thổi lửa và tự cắt mình chảy máu bằng mảnh chai. Mấy gã của W.A.S.P. thậm chí còn mang cả thịt sống lên sân khấu để làm trò (nghe đồn ca sĩ chính Blackie Lawless của band này còn ăn cả giun từ trong hộp mồi câu cá). Cũng phải thôi, đâu phải ai cũng có khả năng làm cho khán giả đê mê với cây guitar của mình như Eddie Van Halen. Thế nên nếu có nhiều khán giả cho rằng họ đi xem nhạc Rock như đi xem xiếc, xem ra cũng không có gì là quá đáng!
Twisted Sister có lẽ vẫn là khá khẩm nhất trong đám đó. Họ có thể kiếm tới 1000 đô/tuần nhờ chơi cover. Nhưng band nhạc mới mà loi choi như White Lion đòi đánh sáng tác của mình đều chả có ai thèm để ý. Nếu may mắn không lộ ra, thì trong khoảng 3 - 4 bài, các band lại cố nhét 1 bài của mình vào. Đổi lại, họ có những chiếc xe Mercedes, nhà cửa, chỗ để chơi thuốc, và cả groupies. Với đa số các ban nhạc, dù giấc mơ làm nhạc Rock không được trọn vẹn, ít ra họ vẫn được sống như một ngôi sao nhạc Rock, trong không khí đầy Rock n Roll của một thành phố tuyệt vời như Hollywood.
Xét về tuổi đời và kinh nghiệm bôn ba ở Hollywood, ban nhạc của Kevin DuBrow không thua kém gì Twisted Sisters, nhưng xét về độ ổn định và lỳ lợm thì có lẽ họ không bằng. Những cố gắng chơi nhạc tự sáng tác của mình suốt bao năm chỉ làm họ kẹt cứng ở vị trí làng nhàng như bao ban nhạc khác. Vậy nên cơ hội mà Spencer Proffer dành cho họ có lẽ là cơ hội duy nhất.
Cả band không có vấn đề gì với bài “Cum On”. Trừ Kevin DuBrow. Kevin có vấn đề lớn với bài đó vì anh không thích hát lại nhạc của người khác. Anh thậm chí đã bàn với tay trống kỳ cựu Frankie Banali để tính cách phá phần thu nhạc này. Frankie đã phải thuyết phục Kevin rằng đây là cơ hội duy nhất để họ có thể thu đĩa, nếu không thích thì có thể nói với Proffer là ban nhạc DuBrow sẽ thu bài đó y như nguyên tác mà không “chế biến” gì thêm, cũng như tuyên bố sẽ không cần phải tập trước. Xong đến ngày thu muốn ra sao thì ra.
Thế là thay vì có một phần mở đầu, Frankie Banali khởi động giàn trống một hai và cả ban nhạc với tay guitar Carlos Cavazo cùng tay bass Rudy Sarzo cùng hòa nhịp vào ngay sau đó. Với kinh nghiệm chơi nhạc với nhau nhiều năm, cả band nuốt trọn phần nhạc của “Cum On Feel The Noize” một cách đầy chặt chẽ và hầu như không có tì vết. Spencer Proffer, lúc này đứng trong phòng thu, chỉ còn biết há hốc miệng trước trình độ của ban nhạc mà anh mới quen, trước khi quay sang lắp bắp hỏi tay kỹ sư âm thanh “giá mà mình thâu lại được đoạn đó nhỉ”.
“Bấm thu rồi sếp!!!” - Tay kỹ sư âm thanh nhún vai và kế hoạch phá đám của Kevin DuBrow thế là hỏng bét. Kevin lập tức nắm cổ Frankie gầm gừ khiến Frankie chỉ còn biết phân trần “Tao chỉ lỡ thử dạo đầu thôi, ai biết bọn kia chơi vào ngọt thế. Nếu mày vẫn không thích thì mày thu hát như c*t vào” rồi bỏ đi. Franki biết, là một gã cầu toàn, DuBrow không bao giờ cho phép mình hát tệ.
Cùng với các ca khúc khác trong album Metal Health, Spencer Proffer sau đó đã thành công khi mang DuBrow đi chào mời cho hãng CBS. Hãng đĩa sẵn sàng ký với họ, dù họ không thích cái tên DuBrow. Một loạt những cái tên vớ vẩn được gợi ý như Periscope hay Wilde Oscar. Kevin DuBrow cuối cùng chỉ chịu chấp nhận nếu ban nhạc quay lại với cái tên cũ: Quiet Riot. Họ đã ký với CBS như thế.
Đúng hơn, họ là Hard Rock band đầu tiên ở Hollywood làm được chuyện đó.
"Cum On Feel The Noize" - họ đã tính phá bản nhạc sau đó đưa họ lên no 1 ở Mỹ
Dĩ nhiên Spencer Proffer không ngờ rằng đây là ban nhạc đã bị tất cả hãng đĩa ngó lơ không lâu trước đó và đã từng có tới 2 album chỉ được phát hành ở Nhật, dù đã từng chơi ở Troubadour hay Roxy lừng danh. Họ thậm chí đã từng có một tay guitar có thể đối trọng được với Eddie Van Halen: Randy Rhoads!
***
Kelly Garni gặp Randy Rhoads từ hồi lớp 7 và cả 2 cùng nhau chơi nhạc từ hồi ở California. Randy Rhoads vốn xuất thân trong một gia đình âm nhạc – mẹ của anh thậm chí còn mở trường nhạc tư, còn Randy Rhoads học guitar cổ điển từ nhỏ. Khi Garni bắt đầu muốn chơi nhạc, Rhoads chỉ cho cậu bạn của mình cây đàn bass, và chính Randy Rhoads cũng dạy cho Kelly Garni cách đi câu bass như thế nào trong khi Randy solo trên cây guitar của mình. Thời gian rảnh, Randy thậm chí còn đi dạy guitar ở trường của mẹ mình. Nhưng chí hướng của hai ông ban lúc đó đều hướng về Hollywood, và có lẽ Kevin DuBrow chính là người đã giúp hai ông bạn này tới được nơi đây. Mặc dù Randy Rhoads thực ra thích ban nhạc có ca sĩ kiểu Alice Cooper hay David Bowie hơn, sự khôn ngoan và kinh nghiệm điều hành ban nhạc của Kevin đã khiến cặp Rhoads/Garni không thể từ chối. Họ đã tạo ra Quiet Riot như vậy, và ít nhiều đây đã là một bước đầu thành công với Kevin DuBrow, người với con mắt tinh tường của mình đã sớm nhận mình ra chiến lược của Quiet Riot chỉ đơn giản là chèo lái theo tài năng của Randy Rhoads. Kevin không cần thiết phải đứng mũi chịu sào.
Cùng với tay trống của họ lúc đó là Drew Forsyth, Quiet Riot đã trở thành cái tên quen thuộc ở Hollywood và Randy Rhoads đã tạo được một lực lượng fan đông đảo cho riêng mình. Với cách ăn vận theo mốt chấm bi, thậm chí các fan của Quiet Riot cũng đã bắt đầu mặc đồ chấm bi mỗi khi họ biểu diễn.
Nhưng khi Van Halen bắt đầu có hợp đồng ghi âm, tất cả các hãng đĩa vẫn ngó lơ ss. Chỉ duy nhất có Sony chịu phát hành đĩa của họ ở Nhật mà thôi.
"Afterglove (of your love)" - ca khúc điểm sáng của QRII hóa ra lại là bài cover
Nước Mỹ đã không bao giờ để ý Quiet Riot có hai album QR và QRII phát hành liên tiếp vào hai năm 1978 và 1979. Thậm chí đến bây giờ, hai album này cũng vẫn chưa bao giờ được phát hành ở Mỹ, và chỉ có bản vinyl của Nhật!
Có lẽ tất cả những người có quyền sở hữu và phát hành hai album này sau này đều phải thừa nhận chúng không đủ hay để tái bản. Chúng có ý nghĩa nhiều hơn như những món đồ sưu tầm của những fan cuồng của Randy Rhoads.
Có 2 đặc điểm nổi bật có thể nhận ra ngay trong hai album đầu tay của Quiet Riot: họ rất thích hát theo kiểu anthem, và khả năng bò lên bò xuống dọc theo cần đàn của Randy Rhoads. Nhưng ở một sự giới hạn nhất định, 2 điều này không thể hòa hợp với nhau.
Hãy lấy ví dụ ca khúc “Mama’s Little Angels” sau đây: Randy Rhoads chỉ được chơi một câu riff rất đơn giản “vỡ lòng” để Kevin hát trên đó. Đoạn điệp khúc đa phần chỉ có 3 hợp âm, đoạn bridge 3 hợp âm. Nhưng rồi tới khi vào đoạn solo, Rhoads đã không dung lại những hợp âm của điệp khúc hay verse nữa, mà chỉ mượn hợp âm thứ của toàn bài để xây lại một phần nhạc nền hoàn toàn mới cho anh solo. Đoạn nhạc từ 1:48 tới 2:09 nghe sống động và nhiều màu sắc hơn hẳn những gì cả band làm được từ đầu bài hát.
Mama's Little Angels: hãy so đoạn intro + verse với đoạn solo từ phút 1:48
Khi Randy Rhoads bỏ Quiet Riot để sang chơi cho Ozzy Osbourne, anh đã đẩy cách chơi này lên hẳn một tầm cao mới. Điển hình như ca khúc kinh điển “Crazy Train”, Randy Rhoads đã dung đủ cả 7 hợp âm của dải harmonic minor scale trong đoạn solo của mình. Ấy là chưa nói đến việc cách xử lý linh hoạt của Randy trong phần verse khiến cho phần rhythm lúc nào cũng sống động dù rằng khối lần trong bài này Ozzy vẫn luôn chỉ hát trên 1 hợp âm.
Đó cũng là sự bắt gặp quen thuộc ở tất cả các bài trong hai album đầu tiên của Quiet Riot, khi Kevin không thể (hoặc không muốn) hát ở những vòng hợp âm phức tạp hơn. Hãy hỏi Ozzy Osbourne hát ở những vòng hòa âm phức tạp và cả trên nhịp 7/8 trong “Diary of a Man Man” như thế nào.
Cách làm nhạc của Quiet Riot chỉ chứng tỏ họ chưa thể hòa hợp với nhau và ở một khía cạnh nào đó, tài năng của Randy Rhoads đang bị lãng phí dù rằng khán giả vẫn đa số kéo đến để xem Randy. Trong số những khán giả đó có Dana Strum, tay bass của nhóm BadAxe (và sau chơi cho Slaughter), và Rudy Sarzo, tay bass sau này thay Kelly Garni trong Quiet Riot và thậm chí tham gia cả Ozzy Osbourne.
Chưa kể, Quiet Riot luôn có một sự hục hặc giữa tay bass Kelly Garni và Kevin DuBrow. DuBrow cũng ghét Garni chả kém. Trong một lần nhậu quá chén giữa Garni và Rhoads với nhau, hai ông bạn thậm chí đã choảng nhau và Garni đã bức xúc xách súng tới để giết chết DuBrow. May mà anh này bị bắt khi đang trên đường tới nhà DuBrow vì tội lái xe khi say xỉn. Nhưng chừng ấy là quá đủ căng thẳng trong ban nhạc và Randy Rhoads đã buộc phải sa thải ông bạn thân của mình.
Randy đã chọn Rudy Sarzo thay cho Garni, tay bass thường hay lui tới quán bar Starwood để xem Quiet Riot. Trong lúc ấy, Dana Strum đi gặp ông bạn Ozzy Osbourne của mình, lúc này đang manh nha lập một ban nhạc mới. Strum đã không ngần ngại tiến cử Randy Rhoads cho Ozzy, dù rằng Ozzy chưa bao giờ nghe cái tên Quiet Riot bao giờ. Thực ra Ozzy nhắm Gary Moore, nhưng trước mắt Gary vừa ra album solo đầu tay nên trót phũ Ozzy mất rồi.
Mẹ của Randy Rhoads cũng là một nhân tố đẩy anh tới band của Ozzy Osbourne. Randy Rhoads đã miễn cưỡng mang amp đi audition theo yêu cầu của mẹ và chơi cho Ozzy nghe ngay trong phòng khách sạn. Ozzy lúc đó vẫn còn xỉn quắc cần câu thậm chí còn tưởng Randy là phái nữ với mái tóc dài và giày cao gót.
“Anh muốn em chơi gì?” – Randy hỏi.
“Gì cũng được” – bởi Ozzy chỉ muốn về nhà. Nhưng khi Randy Rhoads bắt đầu chơi thì Ozzy chỉ còn biết há hốc miệng “lạy chúa tôi - mày giỏi thế thật sao?”. Randy Rhoads trở thành tay guitar cho Ozzy Osbourne mà không còn phải lo giải quyết lục đục của Quiet Riot.
Randy Rhoads luôn có ý tưởng từng vị trí phải chơi như thế nào. Ozzy Osbourne đã tháo bỏ tất cả những ràng buộc với Randy, khi cho phép anh này chơi bất cứ thứ gì anh muốn. Hãy nhìn những bản nhạc hoành tráng như “Revelation (Mother Earth)” hay “Diary of a Mad Man”, luôn có rất nhiều cấu trúc và sự biến chuyển trong đó, luôn có cao trào và sự giải đáp thật hợp lý mà người nghe không thể thay đổi hay thêm thắt được thứ gì. Randy Rhoads thậm chí còn mang theo những ý tưởng mà anh không thể sử dụng thời Quiet Riot như “Goodbye To Romance” hay “No Bones Movie”, và thậm chí cả tay bass ưa thích của mình là Rudy Sarzo sang chơi cùng.
Đĩa duy nhất thời Randy Rhoads được phát hành ở Mỹ. Hãy để ý xem Randy làm gì từ phút 7:30! "Goodbye To Romance"?
Khi Randy Rhoads rời đến Ozzy, Kevin DuBrow có lẽ là kẻ tức tối và thất vọng nhất. Nhưng xem ra sự tức tối đó tốt cho Kevin. Trước đó, Kevin chèo lái Quiet Riot như là band của Randy, và giờ đây, anh đã không còn cách nào khác là tạo ra ban nhạc của chính mình.
Twisted Sister đã từng phải chấp nhận bỏ xứ đi sang Anh để ghi âm album đầu tay khi có hợp đồng. Trước đó ai cũng nhớ chúa tể guitar Jimi cũng đã từng phải sang Anh để bắt đầu. Nay Randy Rhoads cũng vậy, đã phải sang Anh để có thể được chơi nhạc như cách của Randy Rhoads.
***
Ba năm sau đó, album Metal Health (1982) của Quiet Riot chỉ còn giữ lại một sáng tác của Randy Rhoads, “Slick Black Cadillac”. Album tiếp theo, Critical Condition, cũng chỉ có một bài của Rhoads. Cùng với sự tham gia của tay guitar mới Carlos Cavazo và sức nặng từ bản hit “Cum On Feel The Noize”, Metal Health đã kiên trì leo một mạch lên tới vị trí No 1 và đá văng Synchronicity của The Police ra khỏi vị trí này và bán được tới 6 triệu bản. Quan trọng hơn, nó đã chứng minh là Hard Rock không phải là thứ âm nhạc của thời “tiền sử”. Âm thanh Hard Rock đã là âm thanh thời thượng từ đây. Liên tiếp sau đó Twisted Sister ra "We're Not Gonna Take It" và MTV từ đó chỉ liên tục chiếu những thứ mang tên gọi Glam Metal này.
"Slick Black Cadillac" - ca khúc hiếm hoi của Randy Rhoads thời Metal Health
Trớ trêu thay, thời điểm Quiet Riot bắt đầu thu Metal Health với Spencer Proffer cũng là lúc Randy Rhoads là nạn nhân của tại nạn thương tâm và ra đi vĩnh viễn. Tay bass Rudy Sarzo sau khi mất người bạn chơi nhạc thân thiết đã quyết định quay trở lại Quiet Riot và góp công thu album Metal Health cùng những người đồng đội cũ.
“Quiet Riot không chỉ đấm thủng bức tường định kiến. Họ tông đổ mịa cả bức tường!” – Dee Snider.
Hẹn gặp lại!
R.I.P Randy Rhoads (19.03.1982)
R.I.P Kevin DuBrow (19.11.2007)
Kcid
Comments