top of page

Alice Cooper: Ai mới xứng đáng với cái tên?

Updated: Aug 30, 2023

Cái tên Alice Cooper gợi cho bạn điều gì? Đó là tên của một người đàn bà bí ẩn, nghệ danh của một ca sĩ chuyên làm trò giật gân trên sân khấu, hay đó là tên của ban nhạc gồm 5 người bạn từ thời cấp 3 với giấc mơ trở thành ngôi sao nhạc Rock? Có lẽ ít nhiều cái tên này đều gắn với cả 3 khái niệm ở trên, nhưng điều đó nếu có xảy ra thì chắc cũng đã từ lâu lắm rồi. Mọi người sẽ thường luôn chỉ nhớ đến cái tên Alice Cooper như là cha đẻ của Shock Rock, và là niềm cảm hứng bất tận cho những nghệ sĩ muốn những màn trình diễn trên sân khấu của mình mang tính kịch nghệ và cả những điều hoang đường nhất.


John Lennon đã từng rất kết “Elected”. Paul McCartney thì ca tụng “No More Mr. Nice Guy” và “School’s Out” là những ca khúc nhạc Pop đầu tiên khiến anh phải hoảng sợ. Chris Cornell từng đem đĩa Billion Dollar Babies đến trường nhưng bị thầy cô cấm không được bật - đó là khi Chris nhận ra Rock n Roll cũng có thể trở nên đáng sợ đến nhường nào.

Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn nhắc tới một ban nhạc từng mang tên Alice Cooper, cái tên đại diện cho 5 người tiên phong chơi nhạc Rock ở Mỹ, những người vốn là bạn và đồng đội từ khi còn trên ghế trường cấp 3 ở Phoenix, Arizona. Những người dám chọn cho mình một con đường với âm nhạc không giống ai, trở nên cực kỳ nổi tiếng, để rồi một ngày 4 kẻ trong 5 người họ bỗng dưng trở thành không-ai-cả.


Và cũng bí ẩn y như cái tên Alice Cooper đó cũng là câu chuyện ít khi được nhắc đến rộng rãi của 5 người bạn: Vince Furnier (hát), Glen Buxton (lead guitar), Michael Bruce (rhythm guitar), Dennis Dunnaway (bass), và Neal Smith (trống).


Mấy cái tên lạ hoắc phải không?


1. Alice Cooper

Phàm đã là rock band, Vince và các đồng đội đều thấy rằng tên phải kỳ quái thì mới dễ nổi. Tốt nhất là tên của loài côn trùng. Chí ít thì lịch sử đã ghi nhận mấy con bọ cánh cứng The Beatles, hoặc Buddy Holly’s Crickets. Thế nên cái tên đầu tiên mà ban 5 anh em trong ban nhạc của Vince Furnier nghĩ tới, là một con côn trùng ghê rơn: Earwigs, con kiến đuôi kìm hay lẩn quất trong nhà và cắn rất đau. Thuở ấy, mọi người hãy còn mới chơi nhạc lõm bõm, nhưng tính về độ nghịch ngu và hợp ý nhau trong các quyết định táo bạo, thì đó là điểm mạnh đáng sợ của mấy tay Earwigs này.


Glen Buxton có lẽ là người có thâm niên chơi guitar lâu nhất trong đám, và nhờ vậy đã nhanh chóng định hướng cho các đồng đội của mình cover lại các ca khúc của The Yardbirds, The Rolling Stones, và dĩ nhiên là The Beatles, thần tượng của tất cả bọn họ. Ở nơi sa mạc hẻo lánh chả có gì chơi như Arizona, cũng dễ hiểu khi họ có rất nhiều thời gian để tập nhạc và tiến bộ nhanh chóng, cũng như trở nên nổi tiếng khắp vùng ngay khi vẫn còn học cấp 3. Vì thần tượng The Beatles, nên cả nhóm cũng chả ngại gì mà không đội những bộ tóc giả giống mấy tay người Anh quốc kia, và bắt đầu nghêu ngao hát cả nhạc chế từ những ca khúc ăn khách.


“Last night I ran four laps for my coach” – là cách thường thấy mà Vince và các bạn của mình hát nhại lại “Please Please Me” của The Beatles.


Lần Earwigs được mở mắt trong việc trình diễn nhạc, là khi họ được mời đánh khởi động cho The Yardbirds tới từ nước Anh. Tranh thủ khoe khoang tài nghệ, họ chơi nguyên set là những bài của chính Yardbirds, cho tới khi Yardbirds chánh hiệu bước ra và thổi phăng đám khán giả bên dưới bởi màn trình diễn của họ. The Earwigs chỉ còn biết há hốc mồm trước tài nghệ của những bậc virtuoso như Jeff Beck cùng cây guitar, hay Paul Samwell-Smith chơi bass. Vài show sau này họ còn dược diện kiến một tay guitar khác trám vào vị trí chơi bass có cái tên Jimmy Page.


Đám bầu sô ở các câu lạc bộ thì bắt đầu không thích cái tên Earwigs. Thế thì họ sẽ đổi tên thành Spiders. Nhưng lúc ấy đã có một ban nhạc khác phát hành album ở Nhật dưới cái tên này. Thế là Nazz được là cái tên tiếp theo, lấy ý tưởng từ ca khúc “The Nazz Got Blues” của Yardbirds mà Glen Buxton đề xưỡng. Rất tiếc là không lâu sau đó họ phát hiện ra ban nhạc của Todd Lundgren cũng tên là Nazz.


Cả đám thế là lại bắt đầu lại từ đầu với cái tên ban nhạc sao cho thật kỳ quái của họ. Kissin the Pussycat là ý tưởng của Dennis Dunnaway. Glen Buxton thì đề nghị Frontal Lobotomy. Vince Furnier bỗng nhiên bật ra chữ Alice Cooper.


Có rất nhiều nguồn tin đồn rằng ban nhạc đã tìm tới sự giúp sức từ cái bảng cầu cơ Ouja Board, nôm na là phương pháp bí truyền mà những người có căn có thể gọi âm binh lên mách bằng cách dịch chuyển một cái nút chỉ vào những chữ cái tương ứng của lời sấm.


“Một người đàn bà bí ẩn vẫn hàng ngày làm bánh quy tặng mọi người, nhưng cùng giấu một mớ xác chết giấu ở dưới hầm” – Vince Furnier đã thuyết phục được 4 người còn lại nhanh chóng – "Khi những người quái đản trở thành số đông, chúng ta sẽ trở nên nổi tiếng”.


Đồng lòng trong quyết định chưa bao giờ là điểm yếu của 5 người họ. Alice Cooper.


2. Frank Zappa

Vẫn trung thành với những ý tưởng nghịch ngợm quái đản từ thời cấp 3, ban nhạc Alice Cooper luôn tìm cách biến những màn trình diễn của họ trở nên giàu tính kịch nghệ. Họ bắt đầu mặc những bộ đồ kỳ quái, cầm theo các đạo cụ và gắn lên người lẫn nhạc cụ của họ những tư trang bắt mắt. Glen Buxton thì thậm chí bắt đầu gắn những chiếc thìa bạc nút bạc lên quần áo. Cindy Smith, chị của tay trống Neal thì giống như thành viên thứ 6 của ban nhạc, giúp họ thiết kế những bộ quần áo để mặc theo đúng chủ đề của các bài hát. Các màn trình diễn dần có những yếu tố trình diễn bắt mắt rẻ tiền như như trái bóng bay bự, xô nước để ném xuống khán giả. Không ít lần những trò này phản tác dụng, khi khán giả ở dưới sẵn sàng ném trả lên sân khấu những gì họ có, từ chai nước, chiếc búa cho tới cả khẩu súng ngắn. Chúng ta vẫn đang ở trong thập niên 60-70 thưa mọi người!


Tất nhiên BAN NHẠC Alice Cooper – với Vince hãy vẫn là Vince – ý thức được rất rõ rằng họ sẽ chỉ là gánh xiếc nếu nhạc của họ không ra gì. Họ bắt đầu sáng tác và giảm dần việc cover lại nhạc của người khác.


Nhưng nếu như phần “nhìn” đã giúp band Alice Cooper có thêm những show diễn ở LA tại những tụ điểm danh giá như Whiskey A Go Go, phần “nhạc” của họ vẫn là thứ chưa được thân thiện với người nghe lắm. Khán giả Mỹ ở thời cuối thập niên 60s vẫn thích các ban nhạc cover lại nhạc của người Anh hơn là tự sáng tác, huống chi nhạc của Alice Cooper có cấu trúc phức tạp với nhiều biến chuyển mang tính kịch nghệ, cùng với phần lời lẽ khó hiểu được truyền tải từ một nhân vật 100% hư cấu. Rõ là không có sự liên hệ nào hết.


Người duy nhất để mắt tới họ lúc đó là Frank Zappa. Ấn tượng trước việc ban nhạc chơi những bài hát chỉ dài hơn 2 phút nhưng chuyển đổi tới hơn ba chục lần, chưa kể các thành viên đều chơi nhạc với độ chính xác cực cao, Frank Zappa đề nghị sản xuất cho Alice Cooper với điều kiện họ có một quản lý đúng nghĩa.


Cặp đôi Shep GordonJoe Greenberg đã xuất hiện vào lúc không thể hợp lý hơn để trở thành quản lý cho Alice Cooper với lời giới thiệu “có hai vị quản lý mà chỉ cần trả cái giá cho một người”. Đổi lại, họ được tới 20% những gì ban nhạc Alice Cooper kiếm được.


Frank Zappa đã đứng ra sản xuất cho hai album Pretties For You (1969) và Easy Action (1970). Nhưng không biết có phải do bản tính khù khoằm khó đoán của Zappa khi làm việc với ban nhạc trẻ lần đầu được vào phòng thu, hay giai đoạn 1969 – 1970 này là khoảng thời gian quá đỉnh của nhạc Rock lúc đó với rặt là những album huyền thoại, mà hai album của ban nhạc đầy tiềm năng kia đã chìm nghỉm với không một bản hit nào được nhớ tới. Công bằng mà nói thì những ca khúc như “Field of Regrets” ở thời này đã có năng lượng tuyệt vời lắm rồi, với sức mạnh từ tiếng guitar của Glen, câu bass đầy giai điệu của Dennis, và tiếng trống đầy biến ảo của Neal. Nhưng có cảm giác phần nhiều đó vẫn là những ý tưởng âm nhạc chắp lại mà chưa có một cú đấm quyết định. Mà thực ra thì đã có mấy ai ở Mỹ thời đó có được thứ âm nhạc so được với người Anh?


Nhưng trước mắt, trong một buổi diễn ở Toronto vào năm 1969, tình cờ thế nào một trong mấy chú gà mà ban nhạc nuôi như thú cưng trong tour diễn đó bỗng lạc lên sân khấu. Vince Furnier nhanh chóng chộp lấy thứ đạo cụ gây áp phê này để diễn cùng. Khi bài hát kết thúc, Vince Furnier tung con gà về phía khán giả với dự tính nó sẽ bay ngược về với anh.


Lịch sử nghịch ngu nay đã có thêm một giới hạn mới. Đám khán giả chụp lấy con gà còn sống và xé nát nó thành từng mảnh, trước khi ném thịt lông và máu lên sân khấu.


Alice Cooper band không nổi tiếng mới lạ!

3. Bob Ezrin

Tất nhiên nước Mỹ thời đó hãy còn “nhạy cảm” lắm chứ chưa phải là nước Mỹ tự do và nhiều scandal như thời nay. Những màn trình diễn kích thích với những chủ đề kinh dị hay gây shock theo kiểu của Alice Cooper band, dù gì, cũng phải làm cho thật khéo. Họ tìm ra những cách sáng tạo để gây shock, nhưng cũng chỉ dám tới hoặc vượt xa hơn chút xíu với giới hạn của đại chúng mà thôi. Như sự vụ con gà chẳng hạn, chỉ béo đám bảo vệ động vật nọ kia với cảnh sát tha hồ vận động không cho Alice Cooper được biểu diễn – chỉ tổ làm mất mối chơi nhạc của họ. Và hơn tất cả, đội hình Alice Cooper’s hiểu rằng cuối cùng sẽ vẫn phải là âm nhạc sẽ giúp họ trụ lại chứ không phải gì khác. Họ cần có một bài hit có thể gây được tiếng vang. Và xem ra lúc này đây không phải thời gian thuận lợi với họ, khi Frank Zappa cùng hãng đĩa của ông hầu như chả bao giờ xuất hiện, huống chi bàn về việc ra album thứ ba. Ai cũng biết Zappa bận với dự án Mothers of Invention của ông như thế nào.


Vince Furnier vốn dĩ là một cậu bé nhút nhát. Thế nên dù có yêu mến The Beatles đến mấy, Vince hóa ra không tự tin với vai trò frontman của ban nhạc. Kể ra thì ở thời kỳ đầu khi họ còn cover lại nhạc của Rolling Stones hay Yardbirds, Vince đã có thể “mượn” cái sự tự tin của Mick Jagger của Rollings Stones, Ray Davies của The Kinks, hay bất cứ ai đó mỗi khi trình diễn bản nhạc theo đúng cách của mấy người này. Khi Vince Furnier phải trình diễn những bản nhạc tự sáng tác, sự tự tin của anh cũng tự nhiên… biến mất. Đã có những lúc Vince Furnier quay lưng về phía khán giả trong khi biểu diễn, tất cả chỉ vì anh không thể đương đầu với cái áp lực của một frontman.


Việc phát minh ra nhân vật “Alice Cooper” vì thế đã trở thành phát minh quan trọng nhất của 5 ông bạn trong ban nhạc. Vince Furnier nay đã có thể trở thành Alice Cooper dưới lớp trang điểm dày cộp, một gã bí ẩn ít người biết tới, một gã có thể làm bất cứ trò điên rồ trên sân khấu nào mà không ai có thể đánh giá.


Nhưng bộ quần áo rồi thì cũng không thể làm nên thầy tu. Khi Alice Cooper band ngắc ngoải trong sự hồ nghi giữa chính họ từ hai album đầu không thành công, sự tự tin của ca sĩ chính của họ - người mang danh Alice Cooper trên sân khấu kia – cũng dần mai một theo.


Thế rồi trong một lần cả band tới chơi ở câu lạc bộ Max’s Kansas City ở New York, có một gã lạ mặt còn rất trẻ bỗng tìm tới phòng thay đồ để tìm gặp band. Người đó tự giới thiệu là Bob Ezrin từ công ty Nimbus 9, và đề nghị được giúp ban nhạc thâu tóm cái sự thô ráp trong âm nhạc của họ vào bản thu sau khi được nghe họ trình diễn bài “I’m Edgy”.


Và Bob Ezrin bắt đầu thay đổi Alice Cooper từ ngày đó. Dĩ nhiên ông không dạy cho các thành viên của band chơi nhạc cũng như cách họ làm khán giả phát cuồng, nhưng Ezrin đã đưa Alice Cooper trở thành ban nhạc hàng đầu. Bob Ezrin đã truyền tải được toàn bộ cái không khí bệnh hoạn và rùng rợn trong âm nhạc mà Alice Cooper trình bày trên sân khấu vào trong bản thu của họ. Bob Ezrin đã ép các thành viên trong ban nhạc phải tập luyện tới 10 tiếng một ngày để phần nhạc của họ trở nên chặt chẽ hơn, cũng như gọt giũa lại cấu trúc của bản nhạc sao cho gần gũi với người nghe hơn.


Điển hình là ca khúc “I’m Edgy” – thực ra là “I’m Eighteen”. Bob Ezrin đã biến nó từ bản nhạc jam dài 8 phút trở thành một ca khúc dài hơn 3 phút sau khi thẳng tay lược bỏ đoạn dạo đầu u ám quá bluesy và cấu trúc lại bài hát. Chưa kể với kiến thức và trí nhớ âm nhạc siêu phàm, Bob cũng giúp ban nhạc nhớ lại được những ý tưởng tốt nhất của họ thay vì lan man mỗi hôm sẽ chơi theo một kiểu.


Single “I’m Eighteen” đã mở đầu cho thành công của album Love It To Death (1971) khi lọt vào top 40 và chỉ vài ngày sau khi phát hành đã trở thành một trong những ca khúc được yêu cầu nhiều nhất trên radio. Thậm chí như ở vùng Midwest, bài này được bật đi bật lại sau mỗi 5 bài. Sự nổi tiếng ở quê nhà Arizona, được chơi nhạc ở Los Angless, được quen biết Frank Zappa, và cả sự kiện con gà đều không thể đem lại sự tự hào cho ban nhạc đến như thế.


Như được khai thông bởi Bob, ban nhạc sau đó bắt đầu viết nhạc và làm nhạc cùng nhau dễ dàng hơn rất nhiều. Bài hát có thể bắt đầu từ ý tưởng của Neal, câu riff của Michael hoặc bài thơ mà Dennis nghĩ ra, 5 người họ sẽ nhanh chóng quyết định đây có phải bài dành cho nhân vật Alice Cooper kia hay không trước khi phát triển nó. Glen sau đó sẽ bổ sung vào những đoạn guitar đầy cảm hứng nhưng cũng tạo ra màu sắc cho bài hát, Michael sẽ xây dựng để cấu trúc bài phong phú, và cuối cùng sẽ là Vince chỉnh sửa lời bài hát và nâng nó lên một tầm cao mới.


Ví dụ như lần Dennis bắt đầu với ý tưởng trong một bài thơ của mình, nôm na là có anh này bỗng nhận được cú điện thoại của cô kia rủ đi xem phim, anh tới đón mà không để ý là cô đứng đây, bèn lái cán cô kia dẹp lép. Dennis gợi ý chuỗi hợp âm A C D F A, cả band cùng hòa giọng hát nghêu ngao, và thế là ta có "Under My Wheel", bài hát đinh của album Killer (1971). Glen Buxton sẽ góp đoạn riff, và Alice sẽ sửa lại với những từ ngữ rất đắt của mình. Quan trọng là tất cả mọi người đều góp sức vào bài hát và đã không có nhiều sự ganh tị hay chành chọe về công sức của nhau.


Vince Furnier cùng với Bob Ezrin đã dần tạo ra nhân vật Alice Cooper một cách rõ ràng hơn. Chẳng hạn như để giữ sự bí hiểm, Alice Cooper sẽ không thể giao tiếp nhiều trên sân khấu. Thế thay vì chào hỏi khán giả cách thông thường, gã có thể sẽ đổi thành “cho ta xem tụi bây biết chửi bậy không nào?”.


Bob Ezrin đã khiến Vince Furnier tin vào sự tồn tại của Alice Cooper. Chẳng tốt cho Vince hơn sao, khi những giây phút tuyệt nhất trong ngày là 2 tiếng đồng hồ cậu ở trong bộ dạng của Alice Cooper, kẻ bí ẩn trên sân khấu, với vũ khí là thứ âm nhạc chơi cực bốc và chỉ chực gieo rắc nỗi sợ hãi tới những khán giả muốn được trải nghiệm show diễn theo cách chưa từng có từ trước tới giờ. Nhân đây, show diễn của họ giờ đã có thêm máy chém, ghế điện và cả rắn, một em thú cưng khác của Neal Smith thay cho đám gà xấu số trước đây.


4. Glen Buxton

Ban nhạc quyết tâm phải lấy đi vào lòng giới trẻ, giống như cách mà The Beatles đã từng chinh phục tất cả đám trẻ con ở Mỹ từ chương trình Ed Sullivan Show năm nào. Tại sao không viết về trường học thì nhỉ? Chẳng phải 5 người họ đều chui ra từ trường cấp 3 đó sao? Ok. Nếu đó là những đứa trẻ chỉ mong hết giờ nhưng vẫn bị kẹt lại lớp học vì chúng … không thể đánh vần thì sao?


"We can’t even think of a word that rhyme" – đúng vậy, đó chính xác là lời lẽ trong bài hát “School’s out”. Như EmoodziK đã từng đề cập trước đây, Alice Cooper muốn hát về 3 phút tuyệt vời nhất trong cuộc đời học sinh – chờ tan trường, và còn tuyệt vời hơn khi chẳng còn trường nữa.


Nhưng người đã biến “School’s Out” trở nên kinh điển lại là Glen Buxton với câu riff cực găng ở đoạn đầu. Khi Glen bung ra câu riff cực Punk của mình “đ-đ-đéo, đ-đ-đâu, đ-đ-đéo-đâu, duh”, nó vừa có sự phách lối lẫn bản tính cóc cần của một thằng nhóc học dốt, hư, và sẵn sàng cà khịa với bất cứ ai – tôi nghĩ là trong lớp nào cũng sẽ có một đứa như vậy. Cả đám đều nhận ra “School’s Out” là nơi Glen Buxton thể hiện bản năng chơi guitar của mình rõ ràng nhất từ trước tới giờ.


Thế nên bất chấp việc Bob ra sức nhắc Glen không nên chơi những nốt của âm giai trưởng trong hợp âm thứ, Glen vặc lại luôn rằng thì tôi tưởng ông thích nhạc Jazz!!?!. Dù không phải bậc guitar virtuoso cỡ như Jimmy Page hay Jeff Beck, Glen Buxton luôn là người tạo ra âm thanh đặc trưng cho nhạc của Alice Cooper và phác ra màu sắc cho những người khác hòa theo. Tất cả các thành viên của Alice Cooper, và sau này là Bob Ezrin, đều hiểu rằng Glen Buxton không chơi nhạc theo scale, mà theo cảm nhận. Đã không ai có thể phản đối những nốt chơi ngoài hợp âm của Glen bởi vì nó ngang tai một cách rất hợp lý. Tạp chí Rolling Stone đã vinh danh Glen Buxton một cách xứng đáng ở trong top 100 tay guitar hay nhất mọi thời đại.


Và “School’s Out” cũng đã đưa Alice Cooper vào ngôi đền của những huyền thoại nhạc Rock như một bản anthem giành cho giới trẻ. Album cùng tên School’s Out được tính toán để xuất hiện vào mùa hè năm 1972, ngay trước khi đám trẻ con nghỉ hè. Bìa album là cái bàn học có khắc tên là chữ viết tắt của mấy thành viên ban nhạc. Trong bìa đĩa của album này thậm chí có cả mấy đồ linh tinh như mẩu sáp, cục gôm, súng cao su. Và đỉnh nhất là việc cái bìa đĩa sẽ được bọc vào trong một chiếc quần lót phụ nữ bằng giấy theo lời đề nghị của quản lý Shep. Trừ việc trò này không qua được cục kiểm duyệt an toàn của Mỹ vì những chiếc quần lót giấy nhập từ châu Âu này không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy!!!


Trên sân khấu, ban nhạc cũng dần chấp nhận việc Vince Furnier ngày càng “diễn sâu” hơn với vai Alice Cooper của mình. Cũng đúng thôi, trong khi những anh em khác còn bận tay để chơi nhạc cụ, chỉ có Vince là người duy nhất có cả hai tay để cầm đạo cụ cũng như điều khiển những thiết bị gây ép phê mà họ dựng nên. Nhưng mặt trái của nó, đám báo chí và phê bình bắt đầu ca tụng thành công vô tiền khoáng hậu của Alice Cooper như là thành công của một cá nhân. Với Vince Furnier, thời gian đẹp nhất trong ngày là 2 tiếng được làm Alice Cooper, còn lại là 22 tiếng nhàm chán chỉ để ngồi chờ đến buổi diễn tiếp theo. Bằng cách này hay cách kia, kẻ đứng sau là Shep Gordon đã dần biến Alice Cooper từ một nhân vật hư cấu thành một con người thật và chiếm lĩnh dần cái cơ thể của Vince Furnier.

Sự việc chỉ ngày càng căng, khi có lần tay trống Neal Smith thậm chí bị đề nghị phải xuống khỏi xe Limo sau khi đã ngồi yên vị, bởi vì “đây là xe dành cho Alice”. 5 phút trước anh còn là ngôi sao nhạc Rock giữa sự cuồng nhiệt của khán giả. Mấy phút sau, Neal bị mấy kẻ không quen biết coi là tay trống đệm nhạc cho ngôi sao mang tên Alice Cooper.

5. Vince Furnier

Alice Cooper cuối cùng cũng cán đích của giấc mơ với vị trí no 1 dành cho Billion Dollar Babies (1973) với những hit đình đám như “Elected”, “Billion Dollar Babies”, hay “No More Mr. Nice Guy”. Tôi đã quên điều gì trên con đường Alice Cooper lên tới đỉnh của thành công? Đó là bộ đôi Vince Furnier và Glen Buxton càng ngày càng nghiện riệu lẫn chất kích thích tới mức tự hủy hoại bản thân và nhiều lần không thể trình diễn. Alice Cooper kiếm được nhiều tiền tới mức Vince Furnier (công chúng gọi anh là Alice Cooper) còn lọt vào tạp chí Forbes của năm về những người kiếm bộn nhất. Đám đông thì vẫn trông chờ Alice Cooper thả gà ra mỗi khi biểu diễn. Còn bộ đôi quản lý Shep và Joe cũng sắp sửa chia tay nhau khi Joe Greenberg không còn thấy Alice Cooper thú vị nữa.


Còn nữa, phần guitar trong album này nhiều phần được chơi bởi Mick Mashbir, một người bạn cũ của nhóm từ thời ở Arizona, người được gọi vào để chơi những phần guitar do Glen Buxton nghĩ ra, vì anh này không phải lúc nào cũng ở phong độ đủ để thu nhạc nữa. Nếu như trước đây Glen đã nghiện lắm rồi từ thời Love It To Death, ít nhiều với sức trẻ của mình anh vẫn có thể che giấu được bằng phong độ nhất thời cũng như bản năng chơi nhạc hiếm có của mình. Nhưng sức người có hạn, từ Billion Dollar Babies, Glen đã không còn đủ sức để thu âm cả album, dù rằng khi hiếm hoi tỉnh táo, anh vẫn viết được những câu đàn chất lượng mà sau được chơi bởi người bạn Mick Mashbir. Nhân vật trung tâm của chúng ta, Alice Cooper, người trước đây từng mang tên Vince Furnier xem ra cũng chả khá hơn Glen Buxton tẹo nào. Tất nhiên việc lúy túy và trình diễn với chiếc mic xem ra vẫn dế lấp liếm hơn múa may trên cây đàn trong suốt 2 tiếng.


Album cuối cùng của họ, Muscle Of Love (1973), thậm chí còn tệ hơn khi hai tay guitar phòng thu là Mick Mashbir và Dick Wagner đã phải làm hết cả phần của Glen Buxton. Cũng chẳng còn Bob Ezrin ở vị trí sản xuất. Nhưng nếu như cả band sẵn sàng đá “người ngoài” là Bob Ezrin đi bởi những xích mích, thì những người bạn từ thời trung học đã không đủ dũng khí để gạt Glen Buxton đi – cách có lẽ đã may ra cứu vớt được sự nghiệp của họ.


Ban nhạc quyết định họ sẽ dành một năm để nghỉ ngơi. Chí ít thì để cho Vince và Glen đi cai nghiện.


Trong thời gian đó, Michael Bruce quyết định làm một album solo với những nhạc phẩm anh viết nhưng không phù hợp với Alice Cooper, In My Own Way. Neal Smith cũng tìm cách thu một album solo của riêng mình với cái tên Platinum Gold.


Đã không một ai ngờ rằng Shep Gordon và Alice Cooper cũng cùng lúc viết và cho ra album Welcome to My Nightmare dưới cái tên Alice Cooper, nhưng với cái mác là nhạc cho bộ phim.


Và Vince Furnier cũng đã lẳng lặng đi đăng ký đổi tên cho mình thành "Alice Cooper" và vĩnh viễn không còn là Vince Furnier. Anh đã sẵn sàng cho một sự nghiệp solo mới với cách thức cũ cùng với những thành viên ban nhạc khác.


Khi Welcome To My Nightmare tới diễn ở Madison Square Garden, đám bảo vệ thậm chí đã không cho phép Dennis Dunneway được vào khu vực cánh gà. Mỉa mai là khi gặp những người quen, tất cả mọi người đều chúc mừng Dennis cho thành công của album này vì nghĩ anh vẫn tham gia cùng Alice Cooper.


Với thành công của Nightmare, đã có một hợp đồng mới với hãng đĩa soạn sẵn cho Alice Cooper. Nhưng lần này, hợp đồng đó không dành cho Neal, Dennis, Glen, và Michael.


Những người bạn chỉ tái hợp với nhau như một ban nhạc tên là Alice Cooper lần tiếp theo là vào năm 1999. Và đó là đám ma của Glen Buxton.


Hẹn gặp lại!


Kcid

388 views
bottom of page