top of page

Tản mạn (ep. 15): Khi trẻ con hát cùng người lớn

Nhạc người lớn và giọng trẻ con là hai yếu tố không dễ để mix vào với nhau. Lý do thứ nhất là âm vực của trẻ con cao hơn đa số người lớn nên để bài hát có tông giọng phù hợp cho hai loại giọng này là điều không dễ khi sáng tác và sản xuất. Lý do thứ hai là giọng của trẻ con nghe thực sự rất “non”, do phần lớn các ca sĩ nhí này có giọng hát mỏng và chưa đủ chín muồi cả về kỹ thuật, nên sẽ khó để hòa hợp với phần phối khí nhạc cụ “già dặn” và giọng hát của nghệ sĩ chính. Lý do thứ ba nữa là cũng vì kiểu giọng “trẻ con” đó, nội dung của bài sẽ phải dĩ nhiên đảm bảo phù hợp cho việc thổi màu sắc tươi trẻ vào bài... hoặc cố tình không phải vậy !?!


Nói chung, khó là vậy, nhưng một số bài có giọng hát nhí xuất hiện thường gây ấn tượng mạnh với chúng tôi. Không chỉ vì sự bất ngờ, mà vì chúng hợp lý đến mức thành điểm nhấn nhờ khoảnh khắc “ngây thơ” và “làm mềm” cho những ca khúc này. Trong bài viết này chúng tôi sẽ điểm qua các bài tiêu biểu gây ấn tượng ở các thể loại nhạc khác nhau và được tiến cử bởi mỗi ông, để cùng đánh giá xem việc mix giọng trẻ con trong mấy ca khúc này hợp lý đến dường nào.

1. Kroon


Kroon tôi xin bắt đầu bằng bài hát mà rất nhiều anh em thế hệ 8x xưa rất hay nghe: “Step by step / Heart to heart / Left, right, left / We all fall down /Like toy soldiers


Ca khúc “Toy Soldiers” của Martika luôn khiến cho tôi ấn tượng mạnh bởi phần hát mở đầu do dàn đồng ca nhí, mà trong đó có Stacy Ferguson, người sau này thành danh với cái tên Fergie cùng nhóm nhạc Black Eyed Peas. Giọng hát của dàn đồng ca nhí sau đó xuất hiện ở câu tiền điệp khúc “Won't you come out and play with me?” và hát bè phía sau giọng ca chính của Martika.

Vậy tại sao lại có giọng hát trẻ con ở đây? Xin thưa là ca khúc này mang nội dung về sự đấu tranh vật lộn với cơn nghiện mà Martika phải chứng kiến người bạn của cô. Và để ví việc thứ chất kích thích đó điều khiển con người tựa như những đứa trẻ điều khiển những món đồ chơi của chúng, nên việc sử dụng giọng hát của dàn đồng ca nhí là cần thiết.

Vậy tại sao nó lại hợp với bài hát này? Về mặt nội dung, nếu như ý nghĩa của bài được giải thích ở trên thì giọng hát của đám trẻ như tượng trưng cho tiếng nói của chất kích thích kêu gọi bên trong tâm trí kẻ nghiện. Nghe chừng có vẻ ma quái bởi hình ảnh ẩn dụ này, nhưng thực sự nó lại gây ấn tượng mạnh, nhất là khi đoạn lời “Won't you come out and play with me?” xuất hiện. Về mặt nhạc, cách mix tiếng hát của trẻ con rất hợp lý khi phần verse ở dải trầm và ấm hơn qua giọng hát của Martika ngay sau đoạn mở đầu làm cân bằng và đẩy bài hát về màu sắc có phần tăm tối hơn. Nhưng sau đó những lúc cô hát điệp khúc ở dải cao, cô cố tình hát kiểu giọng trẻ con, nhấm nhẳng trong khi phần bè trầm do dàn đồng ca nhí hát phụ họa phía sau nghe lại lắng xuống như thể sự giằng xé của nhân vật chính và cơn nghiện lúc trỗi dậy.

Việc mix giọng trẻ con cũng không thể không nói đến các ca khúc của vua nhạc Pop – Michael Jackson. Với nội dung về hàn gắn thế giới vì thế hệ tương lai, không lạ gì khi ca khúc “Heal The World” của anh lại có phần lời đọc của một đứa trẻ mở đầu dẫn dắt cho bài hát. Tuy vậy giọng hát nhí lại không xuất hiện cho đến cuối bài và không phải qua một dàn đồng ca, mà của ca sĩ nhí Christa Collins – người từng ký hợp đồng thu âm với Disney Records. Đoạn lời phụ họa “heal the world we live in / save it for our children” ban đầu được thể hiện bởi giọng hát của Michael Jackson ở vài câu đầu, nhưng rồi sau đó giọng hát của Christa Collins xuất hiện song ca cùng để rồi đến cuối là giọng hát nhí solo kết thúc bài cực kỳ ấn tượng. Chính nhờ cách chuyển tiếp từ giọng hát người lớn (Michael) sang giọng hát trẻ con (Christa) tựa như một hình ảnh truyền cảm xúc và lý tưởng sang thế hệ sau. Tuy nhiên về mặt nhạc, ngoài việc Michael vốn dĩ sở hữu chất giọng nam cao, ca khúc “Heal The World” lại được chuyển tông lên cao dần ở cuối, ban đầu là A major (La trưởng), sau lên B major (Si trưởng) khi dàn đồng ca hát cùng và cuối cùng lên đến Db major (Rê giáng trưởng), cao hơn tông giọng ban đầu tới 2 cung, đủ ở âm vực thoải mái cho Christa hát cùng Michael trong đoạn cuối.

Tương tự như vậy, cách chuyển tiếp từ giọng hát người lớn sang giọng trẻ con lại được Michael dùng trong bài “HIStory” trong album cùng tên. Đây là một bài rất hay của Michael nhưng khó hợp thị hiếu số đông bởi phần mix phức tạp nhiều phân đoạn. Cả bài đa phần là giọng hát của Michael và hát phụ của nhóm Boyz II Men. Tuy nhiên đến phần coda của bài nhạc, khi Michael hát “A soldier dies / A mother cries” là một giọng hát nhí cất lên nối tiếp từ câu ‘’The promised child shines in a baby's eyes / All nations sing / Let's harmonize all around”. Đó là Leah Jealene (tên ghi trên credit đĩa là Leah Frazier) – là một nữ ca sĩ nhí với giọng hát trong veo hệt như giọng hát của Michael Jackson ngày còn nhỏ. Vì thế đoạn chuyển tiếp giữa hai giọng hát cách nhau một quãng octave đó càng mang đậm ý nghĩa giao thoa lịch sử giữa một Michael hiện tại và một Michael ngày còn bé.


Ngoài hai ca khúc kể trên ra, Michael vẫn còn có những bài có giọng hát thiếu nhi đưa vào rất hay khác, ví dụ như tiếng hát ngân nga của cô bé mở đầu cho bài “Little Susie” buồn đến tê người, hoặc dàn đồng ca thiếu nhi đẩy cao trào cảm xúc trong khúc cuối của “The Lost Children”.

2. Kcid

Ba phút tuyệt vời nhất cuộc đời bạn là khi nào?”. Để trả lời câu hỏi đó, Alice Cooper đã sáng tác ra bài “School’s Out” trong album cùng tên để lưu giữ lại khoảnh khắc ngóng chờ trong 3 phút cuối cùng của đời học sinh. Mà kể cả đó chỉ là ngày cuối trước khi nghỉ hè cũng được, bởi theo như lời Cooper sáng tác ra thì ngôi trường cũng đã bị nổ tan tành rồi, nên không ai phải lo quay lại mài đũng quần trên ghế nhà trường vào năm sau nữa.

No more pencils / No more books / No more teacher's dirty looks

Out for summer / Out till fall / We might not go back at all

School's out forever / School's out for summer / School's out with fever / School's out completely

Giọng hát của đồng ca nhí ở mấy phần lời trên hoàn toàn phù hợp ở ngữ cảnh của bài. Còn về mặt nhạc, sự thú vị khi mix giọng những đứa trẻ vào bài hát ngoài việc nằm ở sự vô tư trong chất giọng, mà còn ở cách hoà âm cùng giọng khàn đặc của Cooper, rồi trong khúc cuối được chuyển thành bè cao, nghe đầy hứng khởi. Kể cũng trùng hợp khi trong một số lần biểu diễn bài “School’s Out”, Alice Cooper còn dẫn dắt trước đó bằng đoạn nhạc trong bài “Another Brick in the Wall, Part 2” của Pink Floyd mà tôi định nói tiếp ở đây.


Tôi cá là các fan nhạc Rock khi đọc tiêu đề bài này sẽ nghĩ ngay đến ca khúc này của Pink Floyd bởi sự kinh điển của nó.

We don't need no education / We don't need no thought control / No dark sarcasm in the classroom / Teachers, leave them kids alone

Hey, teacher, leave us kids alone / All in all, you're just another brick in the wall / All in all, you're just another brick in the wall

Thật khó tưởng tượng phần lời trên mà không có dàn đồng ca của những thanh thiếu niên hát thì bài này sẽ mất đi bao nhiêu sức nặng của nó. Phần lời được viết như lôi hết ruột gan để nói hộ những đứa trẻ đang ở độ tuổi dậy thì, muốn đột phá, muốn vùng lên, và thậm chí muốn nổi loạn để không bị gò theo những gì xã hội, các bậc phụ huynh muốn áp đặt.

Về phần nhạc, đoạn đầu lời hát được thể hiện bởi hai “người lớn” Roger WatersDavid Gilmour hoà giọng song ca cùng nhau, giúp cho phần thể hiện sau đó của dàn đồng ca nhí được mạnh mẽ và sáng bừng, nhất là khi câu “Hey” được hát vào nhịp số 3 thay vì trước đó các câu đều được nhấn ngày nhịp số 1, tạo sự bất ngờ khó đoán cho bất kỳ ai nghe. Về phần thu âm, ban đầu kỹ sư âm thanh Nick Griffiths được chỉ định chỉ record giọng của hai hoặc ba bạn trẻ, nhưng Griffiths đã đề nghị nên có cả dàn đồng ca để tạo sự hùng mạnh tuổi trẻ cho bài nhạc. Thế đâm lại khó khăn cho việc sản xuất nhạc với mấy “ca sĩ” còn đang đi học, bởi nhà trường chỉ cho phép ban nhạc thu xếp vỏn vẹn 40 phút để dàn đồng ca nhi đồng này thu âm. Kết quả thì ai cũng biết, ca khúc sau này trở thành một trong những bài vĩ đại nhất lịch sử âm nhạc.

Sau đây xin nhường mic cho ông Kunt.

3. Kunt

Nhạc Hip Hop cũng có một vài bài tôi nhớ có giọng của trẻ con. Tỉ dụ như bài “I Can” của Nas có phần hook với phần rap flow đủ đơn giản để có thể được các “rapper” nhí đồng thanh rap theo. Trên nền nhạc piano chơi theo giai điệu của bài "Für Elise" của Beethoven, đoạn hook này rất hiệu quả cho nội dung lời rap của Nas truyền đầy cảm hứng cho thế hệ trẻ nên tránh xa các tệ nạn để theo đuổi ước mơ.

“Ngầu” hơn thế thì có bài “Hard Knock Life (Ghetto Anthem)” của Jay-Z. Bài rap có tiêu đề “Ghetto” như vậy nên rất bất ngờ khi phần hook sample giọng hát của Danielle Brisebois trong vở kịch Broadway mang tên “Annie” khi cô mới 7 tuổi. Bất ngờ hơn nữa là Jay không cần tiết chế gì khi viết lời với loạt những từ chửi bậy hay thậm chí “N-word” trong một bài rap có giọng trẻ con. Nhờ thế mà cách lồng ghép tương phản này cũng là một phương thức hiệu quả của việc đưa vocal của trẻ con vào những bài rap ngầu đường phố.

Nhưng khác với mấy ông Kroon và Kcid nói đến ở trên, về mặt “nhạc” trong Hip Hop thì tôi lại thích khi giọng trẻ con được sử dụng trong một phần rap verse. Thế nên đối với tôi, bài “The Rain” của anh rapper Tech N9ne với đoạn rap trong verse 2 do cô con gái của anh - Alyia Yates thể hiện là hoàn hảo nhất.


Tôi vẫn nhớ ngày Tech N9ne phát hành album Everready (The Religion), cả forum hip hop xôn xao bởi track “The Rain”. Trong dòng nhạc này, có khá nhiều rapper từng rap những bài về gia đình, đặc biệt về con cái của họ. Tuy nhiên, Tech đi thêm một bước xa hơn với việc để cô con gái Alyia rap rất hay ở giữa bài làm cho nội dung về tình cha con lại càng chân thực hơn.

Trong verse 1, Tech rap: “And my kids, all three of ’em suffer in the worst ways / Cause last year I missed all three of they birthdays / So when you see me with me eyes full of pain / Give me love cause these are three of the reason why I call the road ‘the rain’”.

Trong khoảng thời gian dài cô đơn khi xa gia đình để đi lưu diễn, Tech rong ruổi trên các con đường mà anh gọi là “the rain”. Vậy nên phần rap như lời thoại của Alyia ở verse 2 nghe rất tình cảm và thân thương:

Daddy (What's up), me and Reign really miss you / Not to mention momma always need a tissue / I saw your picture in the paper and I kissed you” … “Will mommy still love you and be with you everyday? / I gotta go now, I love you daddy but slow down / There's not enough Tecca Nina's to go around / Reignbow's crying, she wants to talk to you badly / (What's up Reignbow, baby?) / I love you, daddy!

Giọng nói dễ thương “I love you, daddy” của cô em Reign Yates ở cuối verse lại càng lộ thêm ẩn ý của Tech khi nickname Reignbow đặt cho con được anh chơi chữ theo từ “Rainbow” cho thấy anh gọi những chặng đường dài xa nhà là “The rain” hóa ra cũng là cách gợi anh nhớ đến cô con gái bé bỏng Reign, bởi hai từ đều có cùng một cách phát âm.

4. Kink

Các bài có giọng trẻ con của các band mà Kink tôi từng nghe mà nhớ kể ra cũng ít.

Đầu tiên phải nhăc tới “Youth Of The Nation” của ban nhạc P.O.D. Nếu bạn còn nhớ trong bài tôi viết – “Tản mạn (ep. 13): những gì Nu-Metal đã để lại”, tôi có nói đến P.O.D. và cảm nhận ấn tượng trước không gian âm nhạc hừng hực được tạo ra bởi các nhạc cụ một cách hiệu quả, đập thẳng vào mà không rát mặt như album Satellite. Trong chính đĩa này, track “Youth Of The Nation” là một trong những bài hay nhất đĩa mà có giọng hát của trẻ con. Nhìn cái tiêu đề của bài hẳn người nghe cũng liên tưởng nội dung về thế hệ thanh thiếu niên, nhưng khi đi sâu vào lời hát thì nó là những mẩu chuyện buồn.


Chuyện đầu tiên là những thước phim của ngày cuối cùng cuộc đời một cậu thiếu niên là nạn nhân của một cuộc nổ súng khi bước chân đến trường: “Instead of taking a test / I took two to the chest / Call me blind, but I didn't see it coming / Everybody was running / But I couldn't hear nothing / Except gun blasts, it happened so fast”. Cái hay của phần lời này là sự cảm thông của nạn nhân với chính thủ phạm gây ra án mạng cho cậu: “I didn't really know this kid / Though I sit by him in class / Maybe this kid was reaching out for love / Or maybe for a moment / He forgot who he was / Or maybe this kid just wanted to be hugged / Whatever it was”.

Ở những phần verse sau là những câu chuyện buồn hay thảm kịch khác mà nạn nhân đều là những thanh thiếu niên tuổi mới lớn. Vậy nên khi giọng hát của các bạn trẻ cất lên ở điệp khúc về cuối thay cho giọng của Sonny Sandoval, bài hát bỗng sáng bừng: “We are, we are, the youth of the nation / We are, we are, youth of the nation”. Phần vocal đồng ca này hợp không chỉ vì nội dung kể trên, mà về phần nhạc, lúc dàn đồng ca này hát, các nhạc cụ được ngưng hết, để lại đúng tiếng trống trầm rung bần bật khi Wuv Bernado nện dùi trên những chiếc floor-tom, tương phản với đoạn điệp khúc ở dải cao. Và cũng vì các nốt cao trong phần điệp khúc đủ để các bạn trẻ hát một cách thoải mái, thì Sonny phải gồng nội lực để hát những nốt nhạc này, khiến cho phần bè của anh vừa mạnh mẽ và khàn đặc, cũng để tương phản với giọng hát trong trẻo chưa đủ trưởng thành của những ca sĩ hát bè – những đại diện cho thế hệ trẻ trong ca khúc.

Bài thứ hai tôi muốn nói tới là “Dirty Harry” của Gorillaz. May ông Kunt chưa nhắc tới nó.

Đây là một trong những track nhạc được sáng tác đầu tiên cho album Demon Days. Khi ấy Damon Albarn đưa cho Danger Mouse (lúc đó còn chân ướt chân ráo vào nghề) thử produce. Anh Mouse mới trộn hai thứ không ăn nhập nhất vào bài, đó là: dàn đồng ca nhi đồng, và đoạn rap. Ngay từ đoạn hook, giọng hát của đám trẻ sớm xuất hiện cùng từ câu hát thứ hai với 2D (dĩ nhiên giọng thật là của Damon) và sau đó hát toàn bộ phần hook lần hai.

Lý do tại sao mà tiếng hát của trẻ con lại cần đưa vào bài là vì như track “Kids With Guns” trong cùng album, bài “Dirty Harry” này muốn nói đến những người lính trẻ tuổi phải đi ra chiến trường ở một quốc gia khác. Vì vậy Damon ví những con người này như những đứa trẻ ngây thơ bị ép nhúng tay vào bạo lực để phục vụ mưu đồ của những nhà lãnh đạo.


Với phần lời “I need a gun / ‘Cause all I do is dance / ‘Cause all I do is dance” được phát ra từ những giọng hát vô tội trẻ thơ lại càng làm ca khúc này tạo ấn tượng mạnh. Về nhạc, giọng hát giả thanh ở các nốt cao của 2D hoà với tiếng hát đồng ca của thiếu nhi dễ dàng, và sau đó đoạn verse rap của Bootie Brown - thành viên nhóm hip hop The Pharcyde lại càng được nổi bật vì sự tương phản giữa không gian nhạc “ngây thơ” ngay trước đó với không gian nhạc đầy “hằn thù” của một người lính đã nhuốm máu kẻ thù, trên nền nhạc bạo lực qua những câu vuốt dây bass mạnh mẽ.

Giờ tới lượt tôi nhường lại cho anh Kai.

5. Kai

Mấy bài tui tính nhắc tới thì đều bị mấy ông nói đến trên kia rồi. Giờ chỉ còn bài này, mà chắc sẽ không có thêm phương án 2 hay 3 đâu. Tui đảm bảo có Google cũng chắc không thấy ai nhắc đến bài này trong danh sách bài có giọng trẻ con.

Sau đoạn bridge níu chậm lại tempo và đổi tông của bài, câu đàn guitar solo ở 4 phút 26 giây vang lên, kéo về tông chính của bài, đẩy lại tốc độ về như cũ. Các nốt đàn guitar chạy tốc độ loa loá nhanh chóng biến đoạn nhạc này thành một trong những câu solo guitar tui ưa thích nhất của ke-mà-ai-cung-biet-la-ai-đấy, Slash.

Mà đâu là chỗ cóng giọng trẻ con nhỉ - ngay khi câu solo dứt, dàn đồng ca nhí cất vang giọng:

(Boom-boom, bang-bang, screams in the dark) / (If you let him in, he'll murder your heart)

(Bang-bang, boom-boom, he slaughters in the night)

(If you let him in, he'll turn out your light)

Phần hát phụ hoạ với những từ ngữ bạo lực như “screams”, “murder”, “slaughters” ở trên đúng là phát ra từ giọng của đám con nít, bởi bài này mang tên “Serial Killer” trong album Ain’t Life Grand của Slash’s Snakepit.


Nội dung của bài này đi xa hẳn một thái cực khác với tất cả những bài mà mấy ông Kroon, Kcid, Kunt, Kink ở trên có nhắc tới. Tui không rõ là với nội dung máu me bạo lực vậy mà tại sao vị producer Jack Douglas của album này có thể nghĩ tới chuyện cho giọng hát của trẻ con vào.

Nhưng đúng là nó rất hợp lý vì giọng hát ngây thơ của đám trẻ con phụ hoạ lồng sau phần vocal chính khàn đặc của Rod Jackson lại hòa hợp và rất hay. Ban đầu xuất hiện, phần hát phụ hoạ này không đủ gây ép phê với tui, thế nhưng sau phần guitar solo bừng sáng của Slash, khi chỉ có giọng của những đứa trẻ xuất hiện ở hai câu đầu, tui mới nhận ra rằng “Serial Killer” là một bản nhạc tổng thể xuất sắc của Slash thời kỳ hậu Guns N’ Roses. Với độ dài hơn 6 phút, track nhạc này chưa bao giờ gây nhàm chán, mà ngược lại, sự căng thẳng ngày một được dồn lên đỉnh điểm, một phần cũng nhờ chính giọng hát của những đứa trẻ đó.

Tui đồ rằng mục đích của Slash, và các tác giả cũng như producer của bài là muốn ẩn ý về một kẻ giết người hàng loạt điên loạn mang trong mình một đầu óc ngây ngô trẻ thơ, giống như những bộ phim kinh dị mà kẻ phản diện ra tay tàn độc lại là nhân vật trong sáng ít ai ngờ đến nhất. Bởi đó là khi cú sốc và nỗi sợ được đẩy đến đỉnh điểm.

***

Vậy là chúng ta đã điểm qua loạt các bài nhạc có giọng hát của những ca sĩ nhí. Qua tiếng hát đó, chúng được đại diện cho nhiều yếu tố trải dài ở cả hai đầu thái cực: từ sự ngây thơ, trong sáng cho đến cả sự sa ngã, lạc lối. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, những nghệ sĩ và người sản xuất nhạc đều khéo léo biến những giọng hát đó thành yếu tố nổi bật gây ấn tượng khó phai cho người nghe. Bảo sao mà những bài này đều đa phần được xếp vào top những ca khúc được ưa thích nhất trong sự nghiệp của mỗi nghệ sĩ đó.

Hẹn gặp lại!

Kroon / Kcid / Kunt / Kink / Kai

728 views

Recent Posts

See All
bottom of page