top of page

The Kinks: ai đã ngăn họ nổi tiếng?

Updated: Sep 29, 2021

Một ban nhạc Anh ở thập niên 60s muốn thành công thường lựa chọn cho mình phong cách hoặc là theo kiểu của Beatles, hoặc là theo kiểu của Rolling Stones. Một kiểu thì sạch sẽ hát nhạc pop giai điệu tuyệt đẹp, còn kiểu kia thì mang thứ âm nhạc Rhythm & Blues của người Mỹ về và biến nó trở thành một thứ nhạc giàu sức sống và đập vào mặt. Chắc chỉ trừ hội The Kinks.

Ray Davies - Pete Quaife - Dave Davies - Mick Avory

Tháng 6 năm 1964. The Kinks đã chuẩn bị cho một kết cục ảm đạm như rất nhiều ban nhạc cùng thời khác đã thử làm khác đi so với Beatles và Stones. Hãng đĩa Pye miễn cưỡng để Kinks ghi âm single thứ ba của họ, “You Really Got Me” vì đấy là cách nhanh nhất để tống khứ ban nhạc “bất tài” này sau hai single đầu tay nhạt nhòa. Trên bàn điều khiển vẫn là nhà sản xuất Shel Talmy lừng danh, và kết quả là một nhạc phẩm chậm và mang nhiều màu blues hơn bản nhạc mà Kinks từng demo cho họ trước đó. Anh em nhà Davies muốn một thứ mang âm thanh thô ráp như tiếng đàn của Dave Davies trên chiếc amply rách, và nhất là họ muốn tái hiện cái không khí khi họ mang “You Really Got Me” đi trình diễn và đám con gái đã nhảy theo sung như thế nào. Trưởng nhóm Ray Davies, lúc này mới gần 20 tuổi, đã kiên cường thi gan với đám quản lý của hãng đĩa Pye, như thể đây sẽ là bản nhạc cuối cùng mà The Kinks sẽ thu trên trái đất này. Túm lại thì vẫn là vấn đề “đầu tiên”, kinh phí cho The Kinks đã chốt xong hết rồi, khỏi thu lại nữa đi.


Trước đó không lâu, Dave Davies, tay guitar của The Kinks lúc này mới 17 tuổi, đã tốn không biết bao nhiêu thời gian loay hoay đấu nối 3 cái amply rẻ tiền của mình mà vẫn không thể có được âm thanh mà anh muốn dù đã khuếch đại lớn hết cỡ. Giận hết nổi, Dave đem dao cạo cắt toạc mặt loa của một cái amp, mà không ngờ rằng tiếng guitar nặng đầy giận giữ mà thời đó chưa ai từng nghĩ tới đã phát ra như ý muốn từ chiếc amply rách toác.


Dĩ nhiên Shel Talmy và hãng Pye không có chung quan điểm về tiếng guitar cách tân đã dẫn lối cho bao thế hệ guitar rock sau này. Quản lý của ban nhạc, Larry Page, đã phải chen ngang vào cuộc. Cũng may là Larry đã dùng đến quyền lợi tối thượng của mình – với vai trò là người chịu trách nhiệm xuất bản nhạc của The Kinks – để ngăn Pye phát hành “You Really Got Me” bản do Shel Talmy sản xuất. Và đằng sau những màn đấu tranh như phim đó, thì đã có một Mạnh Thường Quân trong đội của Page móc hầu bao trả thêm tiền phòng thu cho The Kinks.


Đón nhận một cơ hội cuối cùng, The Kinks lần này chỉ có 3 tiếng trong phòng thu để làm ra thứ âm thanh mà họ theo đuổi. Quá dư dả, vì The Kinks luôn biết họ phải “ghi bàn” vào thời khắc quan trọng nhất. Cả band chỉ cần đến take thứ hai để thu ra được phần nhạc họ muốn. “You Really Got Me” vẫn phải thu bằng đầu thu mono vì The Kinks chưa đủ “điều kiện” để được thu trên đầu thu 3-track (Beatles còn được thu đĩa đầu tiên của họ trên đầu thu 2-track). Thì đây, khi phần nhạc nền đã xong, họ mở to phần thu đó lên một chiếc loa trong phòng thu và Ray Davies bắt đầu hát và Dave Davies ứng tác tại chỗ ra một đoạn solo móc mẩy. Lúc đó thậm chí Ray Davies còn chưa tự tin về khả năng hát giai điệu của mình nên bài này giai điệu vẫn còn khá đơn giản.


Tiếng guitar phá tiếng hằn học và câu đàn mở đầu chỉ có 5 nốt như chém toang bầu không khí và khán giả ở nước Anh đã lần đầu lờ mờ nhận ra khái niệm của một câu riff nhạc Rock. Trên cái nền đó là giọng ca bải hoải bất cần của Ray Davies nói về một thứ tình yêu của những thanh niên đường phố. Kể cả cách chọn chơi với hợp âm power chords của The Kinks cũng là thứ mà theo anh em nhà Davies, khiến bài này trở nên độc đáo. Đoạn intro của bài là chuỗi hợp âm power chord F5-G5-G5-F5-G5. Vì power chord vốn không có nốt bậc 3 của nốt gốc và F không nằm trong scale của giọng G major mà lại là thuộc về G minor. Thành ra đoạn intro gợi ra màu sắc lai của giọng G minor. Nhưng khi Davies hát giai điệu có nốt B (Girl(G), You(G) rea(B)lly(C) got(B) me(G) now(F-G)), đoạn nhạc bỗng trở thành hợp âm trưởng. Chính hợp âm F vay mượn ở ngoài G Major scale đã mang tới màu sắc lai giống như nhạc Blues.


Khi “You Really Got Me” chuẩn bị ra sạp, thậm chí những người đồng nghiệp vui tính như Brian Jones bên Stones, những người giống như The Kinks vẫn phải sống nhờ cover nhạc Mỹ, cũng phải tặc lưỡi “ai mà nghe nhạc R&B do người Anh sáng tác” (R&B của thời đó hãy còn là khái niệm rộng cho những thứ mang gốc gác nhạc Blues). Ấy câu riff mở màn cực ngầu đã đưa “You Really Got Me” tới cả những đôi tai khó tính nhất và ca khúc nhanh chóng leo lên vị trí số 1 bảng xếp hạng chỉ sau 1 tháng. Hãy nhớ rằng đây là khoảng thời gian mà những single dạng kinh điển như “A Hard Day Night” của Beatles, “I Get Around” của The Beach Boys, “Pretty Woman” của Roy Orbison, hay “The House of the Rising Sun” của The Animals thay nhau tung hoành trên bảng xếp hạng. Vầng, giờ thì hãng đĩa Pye đã chấp nhận giúp phát triển âm nhạc của họ, dù cũng không rõ là phải làm thế nào.


The Kinks đã làm tới luôn bằng công thức này: những single chất lượng. Và cũng từ nay, không còn ai trong phòng thu có thể ép họ thu nhạc theo cách họ không muốn nữa. Liên tiếp những single ăn khách được tung ra như “All Day and All Of The Night” với đoạn solo guitar khiến nhiều kẻ ganh ghét đồn là do Jimmy Page chơi hộ Dave Davies, rồi “Tired of Waiting for You”, bản nhạc bắt đầu thức tỉnh nước Mỹ và cũng là single no 1 thứ hai của họ trong vòng chỉ có 4 tháng.


The Kinks chưa bao giờ giấu diếm nguồn gốc của họ là những người xuất thân từ tầng lớp lao động và lớn lên sau Thế Chiến. Anh em nhà Davies, RayDave, thậm chí còn lớn lên ở dưới mức khó khăn. Sinh ra trong môt gia đình có đến 6 bà chị, Ray và Dave Davies là hai cậu em trai nhỏ nhất nhưng không có nghĩa là cuộc sống của họ có nhiều sự cưng chiều. Trái lại, ngay từ việc không có phòng riêng và phải dùng chung toilet với gia đình lớn, cộng với tính tình hay so bì với cuộc sống khấm khá của những chị lớn đi lấy chồng đã khiến Ray Davies luôn có cảm giác cô độc và không thuộc về đâu. Dave Davies thì có lẽ tính tình đơn giản và huỵch toẹt hơn, có gì thì đấm nhau cho lẹ. Mọi người vẫn nói anh em nhà Davies yêu thương nhau lắm, dù rằng từ nhỏ đến già thì mỗi cuộc cãi vã của họ đều kết thúc bằng màn lao vào tẩn nhau.


Âm nhạc của The Kinks thì trong bất cứ thời điểm nào cũng đều phản ánh cuộc sống xung quanh họ. Đó là một nét điển hình hiếm gặp, bởi vì hình như muốn hay không muốn, band nào cũng muốn chiều lòng thị trường Mỹ một chút. Dù ít dù nhiều thì các band đều mang vào nhạc của mình chút giọng Mỹ, dăm câu chuyện Mỹ, và khỏi cần nhắc thì các band ở thập niên 60s đều bắt đầu bằng việc vay mượn nhạc blues của Mỹ.


Nhưng cũng từ lối viết nhạc đặc trưng của Ray Davies, người nghe mới nhận ra một nước Anh thật thân quen với những lề thói và quan niệm cố hữu, cả tốt lẫn xấu, nhiều đến nhường nào, giống như những cái khuôn định sẵn. Ray Davies đã từng bị kỳ thị là một kẻ không bình thường vì thời đó không thể có ai vừa chơi thể thao giỏi mà lại muốn học nghệ thuật như anh(!?!). Còn Dave Davies, cho dù là tay “đầu gấu” hơn và ngủ với hàng trăm cô gái hâm mộ, cũng chỉ dè dặt đưa vào nhạc của mình những lời lẽ mơ hồ gợi về những lần anh ngủ với cả đàn ông, hay những bế tắc khiến anh tự tử hụt đôi lần.


Anh em nhà Davies là ban nhạc hiếm hoi thời đó dám phá vỡ những khuôn mẫu đó. Cũng có thể đó là lý do hãng đĩa Pye đã ngần ngại trước khi quảng bá nhạc của The Kinks. Cũng có thể đó là lý do đa số khán giả, dù thích thú trước sự phá cách của họ, nhưng cũng tặc lưỡi “nghe biết thế cho vui thôi” trước những suy nghĩ những gì ngoài lề thói được chấp nhận trong xã hội lâu nay.


Tháng 5 năm 1965. Thành phố Cardiff. Trong lúc Dave và Ray mải đấm nhau như thường lệ, Dave vô tình “vung tay” đụng trúng tay trống Mick Avory. Dĩ nhiên đánh trống thì tay to hơn đánh đàn, nên mấy nắm đấm to cái xẻng của Avory lập tức đậu lại trên mặt của tay guitar lúc này mới 18 tuổi. Ngày hôm sau, trước 5 ngàn khán giả ở Cardiff, Dave với đôi mắt thâm đen sau màn solo của “You Really Got Me” giận dữ hơn bình thường, đã giới thiệu Avory với khán giả là tay trống “sẽ đánh hay hơn nếu thay dùi bằng ch*m của mình”, rồi thò chân đạp đổ cả trống bass của Mick. Trong tích tắc, Mick Avory phi luôn chiếc cymbal vào mặt Dave Davies không khác gì Captain ném khiên, và ôi thôi, trán Dave Davies tét đôi, máu phụt ra, và Dave đổ gục xuống. Tưởng mình lỡ tay giết mịa ông em nhà Davies rồi, Mick Avory bỏ dùi chạy thục mạng và leo lên tàu trốn về London ngay trong đêm.


Nhưng Dave Davies chỉ phải khâu 16 mũi, và 4 ngày sau, cả band được quản lý Larry Page triệu tập đến. Không để cho Mick và Dave kịp khè nhau tiếp, Larry thông báo luôn về tour diễn Mỹ đầu tiên của The Kinks. Một vé dành cho những người muốn leo lên con tàu The British Invasion.


Trừ việc đó là cuộc xâm lăng tủi hổ nhất của người Anh trên đất Mỹ.


Không ai có thể phủ nhận công lao của The Beatles đã dọn đường cho các ban nhạc của Anh khác để tạo nên cuộc đô hộ tinh thần nước Mỹ mang cái tên The British Invasion. Kể cũng lạ, vì chỉ trước đó không lâu, nước Mỹ với hamburger, xe Cadillacs và nhạc Rock n Roll vẫn luôn là chuẩn mực của văn hóa đại chúng thế giới. Nhưng từ khi The Beatles đặt chân đến Mỹ vào tháng 2 năm 1964, nước Mỹ bỗng nhận ra mình chậm tiến hơn đất nước nhỏ bé ở bên kia bờ Đại Tây Dương rất nhiều, và người Mỹ bỗng khờ khạo đem trái tim ra dâng hiến cho những người làm mới nhạc Blues của chính họ.


Nhưng tour diễn thì không hề suôn sẻ với The Kinks. Họ thường cư xử hơi thái quá và gây hấn với khán giả (và lẫn nhau) trên sân khấu. Họ không có cái sự dí dỏm thường thấy của người Ăng lê. Tệ hơn, họ không phải là người Liverpool – cái nôi của âm nhạc thế giới mới theo suy nghĩ của người Mỹ - và tóc tai của họ thì không hề gọn gàng. Đấy, The Beatles nom rất ưa nhìn mà chưa kể họ còn có cả một đội ngũ PR góp ý ăn gì nói làm sao. Còn Stones, trông ngông nghênh vậy nhưng thực ra sang Mỹ cũng đều khép chân lại một chút. The Kinks thì, khổ thế, ngay cái tên band đã nghe láo nháo rồi (tôi cá là ối người hay gọi nôm na là “Biến Thái”). Đến quản lý Larry Page của nhóm cũng ngán ngẩm trước sự bê bối của tour diễn nên bỏ về Anh trước khi kết thúc tour.


Tháng 6 năm 1965, hậu trường của Los Angeles TV studio, Ray Davies gây gổ với một người mà không biết đó là thành viên của Hiệp Hội Nhạc Sĩ Huê Kỳ (American Federation of Mucisians). Gã gọi Ray Davies là “talentless fck”, và những nắm đấm bắt đầu được trao nhau. Sau màn can ngăn, Ray Davies tức tối bỏ đi, mà không ngờ rằng quyền lực của liên đoàn ở nước Mỹ lại ghê gớm đến vậy. Không một ai trong đội của The Kinks lẫn cả các vị quản lý ý thức được điều đó. The Kinks bị cấm biểu diễn ở nước Mỹ với lý do mà cả người trong cuộc lẫn ngoài cuộc đều… không rõ.


Mất đi thị trường Mỹ, The Kinks đã mất đi những cơ hội tốt nhất để quảng bá khi âm nhạc của họ bước vào giai đoạn hay ho nhất. Và khi nước Mỹ đón chào họ trở lại lần sau khi lệnh cấm được gỡ, đó là lúc thế giới đã chuẩn bị bước sang thập niên 70s của phong trào hippie còn nhạc Rock đã lan đến mọi ngóc ngách với những band mới toe như Jefferson Airplane hay The Doors và nhạc Rock nặng của Led Zeppelin hay Aerosmith đã bắt đầu mở ra một kỷ nguyên mới.


Trong những năm bị “bỏ quên” đó, khỏi phải nhắc lại The BeatlesThe Rolling Stones khuynh đảo nước Mỹ như thế nào, và ngay cả ông em có “chất” Kinky nhất là The Who thậm chí sau đấy còn diễn headline cho Đại Hội chợ âm nhạc ở Woodstock 1969 và đưa trình diễn âm nhạc náo loạn lên một tầm cao mới.


Điều tích cực duy nhất còn sót lại, ấy là khi The Kinks vứt lại những thù hận và hậm hực trở lại nước Anh, họ đã cân sòng phẳng với các đối thủ âm nhạc của mình trong thời kỳ cực sôi động của âm nhạc Anh Quốc cuối thập niên 60s. Đó là thời kỳ mà Beatles rắp tâm cho siêu phẩm Sgt. Pepper, Stones thì đã sẵn sàng để đột phá với “Have You Seen Your Mother, Baby, Standing In The Shadow?”, còn The Who thì sắp bước ra khỏi cái bóng của chính The Kinks với “My Generation”. Khán giả châu Âu nay đã có thêm những The Beach BoysBob Dylan. Phải công nhận những thay đổi và cách tân diễn ra trong âm nhạc nửa cuối thập niên 60s diễn ra nhanh chóng mặt.


Càng đông càng vui, bởi The Kinks luôn biết cách đi trước đối thủ của mình một bước để chiến thắng. Dưới sự dẫn dắt thiên tài của Ray Davies, The Kinks đã có một thời kỳ rực rỡ trong âm nhạc mà có lẽ số lượng đĩa bán được của họ đã không phản ánh được.


Việc trước tiên, The Kinks phát hành single “See My Friends” ngay sau khi về lại nước Anh. Ray Davies đã dùng một cây guitar 12 dây với bộ dây rỉ sét và tiếng đàn nghe vừa mỏng manh nhưng lại vừa ngân nga. Vốn bị ấn tượng bởi tiếng hò dô kéo lưới của người dân thuyền chài trên bãi biển trong lần đến Ấn độ, Ray Davies bị ám ảnh với âm sắc rền vang của đám dân chài và quyết tìm ra một cây đàn có thể tạo lại âm sắc ấy. Sự giao thoa giữa các nền văn hóa trong âm nhạc có lẽ bắt đầu từ đây khi một người chơi âm nhạc phương Tây bằng âm sắc của Ấn Độ. Có lẽ cũng cùng ý tưởng như vậy, “Norwegian Wood” của The Beatles chắc là bài hát “lai Ấn” nổi tiếng hơn cả trong thời gian này với tiếng đàn Sitar mê đắm của George Harrison, nhưng ra mắt sau “Friends” tới 7 tháng. Đến đây thì Rolling Stones cũng đành đu trend và rậm rịch cho ra “Paint It, Black” với màu sắc “lai Ấn” 6 tháng sau “Norwegian”.


Rồi thì những “A Well Respected Man” hay "Dedicated Follower of Fashion" sau đó, là những ca khúc đầu tiên mà Ray Davies bắt đầu nghĩ tới việc viết nhạc theo chủ đề kể chuyện về nhân vật hư cấu. Với những lời lẽ như “He goes to the regatta/ He adores the girl next door/ Cos he’s dying to get at her”, Ray Davies đã tìm ra một lối đi mới khác với lối viết nhạc thông thường hay viết về ngôi thú nhất và ngôi thứ hai; mà ở cùng thời điểm đó, Beatles cũng bắt đầu có một thứ hay hay tương tự mang tên “Norwegian Wood”, và sau biến lối viết nhạc đầy thi vị này trở nên hoàn hảo với “Eleanor Rigby”.


Nhưng nếu như tôi chỉ thường nhớ đến Beatles với một “Eleanor Rigby”, thì The Kinks sau đó đã có cả một album concept mang tên The Kinks Are the Village Green Preservation Society. Village Green, với mỗi người Anh, là cái bãi cỏ công viên thần thánh trong xóm của họ, nơi mọi người đi dạo, gặp nhau, trẻ con chơi đá banh, người lớn tán dóc, còn người đi xa nhà thì luôn hướng về. Trong Village Green Preservation Society, Ray Davies vẽ ra những thứ giản đơn nhưng đậm màu sắc Anh Quốc thời đó: chút bia ale, bánh custard, mứt dâu, mấy tiệm tạp hóa, cái tách trà Trung Hoa, hay góc sân chơi đá banh của tụi nhỏ. Không ai còn nhận ra The Kinks với thứ âm nhạc nặng của “You Really Got Me”, thay vào đó là âm thanh đa dạng và đầy màu sắc. Mick Avory thì có dịp thử nghiệm với đủ các loại hiệu ứng âm thanh. Chẳng hạn như trong “Phenomenal Cat”, anh để một xập báo lên trên floor tom và chơi thay cho snare để tạo ra âm thanh nghe thật khô cứng, hoặc như trong “Picture book”, anh thậm chí chơi không cần snare.


Nhưng đặc biệt nhất trong album này vẫn là các nhân vật: ông bạn Walter, tay anh chị Johnny Thunder, Wicked Annabella, mrs. Mopp, Monica, v.v. và những hình ảnh ẩn dụ như "Picture Book" hay “People Take Pictures of Each Others”. Đến tận bây giờ là thế kỷ 21 khi nghe lại "People Take Pictures of Each Others", vẫn thấy nó thật liên quan làm sao với những hình ảnh ẩn dụ về sự viên mãn giả tạo trong những bức hình. Album Village Green Preservation Society, do vậy, vẫn luôn đứng vững với thời gian theo cách đầy chất thơ của nó.


Nhưng ở thời điểm đó, album này không ổn. Nó không có một single nào và không khó để đoán số lượng đĩa lèo tèo bán được. Rõ chán thái độ mấy ông The Kinks, khi bình sinh ra single nào cũng đều bán triệu cái, thì nay bỗng làm ra cái album không có single nào nổi trội.


Để làm phép so sánh, cùng thời gian của Green Village, The Beatles ra White album và bán được hai triệu ngay trong tuần đầu tiên, còn Village Green được vỏn vẹn vài chục ngàn tổng cộng.


Trong khi thế giới ca ngợi White Album là đĩa nhạc đa thể loại và gây được ảnh hưởng tới rất nhiều dòng nhạc sau này, The Kinks làm đĩa nhạc hát mãi về những thứ ở nước Anh, như “Waterloo Sunset”, như “Sunny Afternoon”, và nhất là "Green Village" của mọi người. Không ai còn để ý ra cái gốc Mỹ trong nhạc của The Kinks nữa, nó đã trở thành âm nhạc của người Anh. Khi The Kinks đánh mất cơ hội lớn nhất cuộc đời họ ở thị trường Mỹ, họ bỏ qua luôn và làm ra những thứ âm nhạc mới hơn và khác đi, chỉ để nhận được số lượng tán thưởng ít ỏi trong thời đó. Bài hát ngon, nhưng tội là ở chỗ không đúng thời điểm. "20th Century Man" chẳng hạn, đến bây giờ nghe vẫn còn đầy tính thời sự nóng hổi khi nói về con người sống như những cái máy.

"20th century man" với những hình ảnh hiện đại thật hợp lý


Bước sang thập niên 70s, The Kinks né luôn cả nhạc Rock nặng, thứ được tạo ra bởi chính họ, họ cũng không chọn món ‘glam’ sau khi đã tạo ra cú có gai "Lola", và cũng bỏ qua cả những kiểu nhạc phê lòi như psychedelic hay prog rock với những đoạn nhạc phiêu dài cả chục phút. Ray Davies và The Kinks quay qua làm nhạc kịch và đi diễn với cả giàn nhạc hơn chục người. Không ai có thể nói The Kinks nên làm nhạc thế nào.


Như vậy, trong khoảng thời gian được đón nhận nhiệt liệt nhất bắt đầu từ sức nặng của “You Really Got Me”, chỉ từ năm 1964 đến 1968, The Kinks đã đặt ra những dấu ấn tiên phong với âm thanh guitar của mình, sự pha trộn với âm nhạc Á Đông, và cả những ý tưởng mở cho các band sau họ phát triển ra các nhánh nhạc. Nhưng đặc biệt nhất, The Kinks đã đem đến một kiểu cách thể hiện mới của nghệ sĩ mà chắc phải rất lâu sau đó mới được thế giới tán thưởng: thái độ.


Tôi sẽ không đi quá xa mà nói rằng không có The Kinks thì không có nhạc Rock nặng sau này, nhưng nếu các ban nhạc ở thập niên 60s chỉ có làm theo Beatles hay Stones, tôi nghĩ sẽ mất nhiều thời gian hơn để tạo những The Who hay Black Sabbath, và xa hơn chút là Punk Rock lẫn những kẻ hậu bối như Brit Pop hay Grunge.

Ray Davies hát "Waterloo Sunset" ở lễ bế mạc Olympic London 2012.


Nếu hy vọng rằng có một thực tại song song, nơi The Kinks không bị cấm biểu diễn ở Mỹ năm đó, thì có tham lam quá không?


Hẹn gặp lại.


P/S: Xin được có lời khen tặng ông bạn Kink có cái tên độc đáo.


Kcid

765 views

Recent Posts

See All
bottom of page