top of page

Tản mạn (ep. 17): Woodstock 99 & kim trong bọc đến ngày lòi ra

Bạn gom 400.000 người vào một địa điểm trong suốt mấy ngày liền, tước đi gần như các nhu cầu cơ bản của con người và mong chờ một kỳ đại nhạc hội tràn ngập tình yêu và hòa bình!”.

Nhận định này được dùng để nói tới buổi nhạc hội đầy tai tiếng lần thứ ba được tổ chức vào năm 1999 của Woodstock, và chắc chắn nó có thể áp dụng cả với chính sự kiện huyền thoại 1969 và lần nhắc lại vào năm 1994.

Để so sánh, với Woodstock 69, số người tham gia là gần 500 ngàn so với con số vé bán ra là 186 ngàn. Công tác chuẩn bị sơ sài và cẩu thả đến mức khu sân khấu chính giống như một cái bẫy tử hình lớn có thể giật điện hàng loạt những nghệ sĩ trên sân khấu lẫn đám đông khán giả phía dưới do hệ thống dây điện đi ngay dưới các lớp bùn đất bắt đầu bị bục và hở ra. Thực phẩm và nước uống thiếu trầm trọng. Khu vệ sinh xếp hàng dài với tỷ lệ 600 con người cho 1 cái toilet. Hơn 3000 người cần hỗ trợ về công tác y tế, trong đó có 700 ca sốc thuốc, và 3 người thiệt mạng.

Đến Woodstock 94, con số 350 ngàn người tham dự so với 160 ngàn vé được bán ra đã một lần nữa cho thấy hiểm họa của việc thiếu hụt công tác hậu cần. Vẫn là những vấn đề về cạn kiệt đồ ăn, thức uống, công tác vệ sinh, bùn đất trộn lẫn với chất thải của người. 5000 người cần phải hỗ trợ y tế tại đại nhạc hội, 800 người nhập viện cấp cứu và 2 người chết.

Và đây, Woodstock 99 có 400 ngàn người tham gia với 187 ngàn vé được bán. Kể cả có đơn vị tổ chức bán đồ ăn thức uống, việc thiếu hụt trong chuẩn bị và công tác hậu cần cũng lại dẫn tới những vấn đề cạn kiệt đồ ăn thức uống. Nước tắm và vệ sinh nhiễm khuẩn. Hơn 5000 người cần điều trị y tế, 3 người chết. Những số liệu này chính ra không khác hai năm 69 và 94 là bao.


Nhưng điều khác biệt lớn nhất của năm 99 chính là 5 vụ hấp diêm và nhiều vụ tấn công xâm hại tình dục, cộng với cuộc bạo loạn xảy ra sau khi festival kết thúc, để lại một loạt công trình bị phá hoại, đốt rụi, và những cây ATM bị đập phá rút sạch tiền.


Một sự tương đồng đáng ngạc nhiên trong công tác hậu cần của những con người đứng đằng sau 3 sự kiện Woodstock. Phải chăng trước những con số thiệt hại về người và tài sản không quá đáng báo động của hai buổi đại nhạc hội đầu tiên, mà họ điềm nhiên copy lại y nguyên khâu tổ chức được giảm thiểu mọi chi phí có thể, nhưng lưu ý tăng cường kiếm chác từ các khoản tiền thu thêm mà không biết rằng những ý đồ đó càng dồn con người ta đến tới cực điểm của sực chịu đựng. Nói một cách khác, Woodstock 69 và 94 cũng không đáng ca ngợi hơn là bao nhiêu khi cả 2 đều tạo sức ép cho quả bom đến lúc phải phát nổ vào năm 99, để cái kim trong bọc được ẩn giấu bao lâu nay rốt cục cũng phải lòi ra.


Trong vô vàn những người được tham dự sự kiện năm 1969 và kể về những ký ức đẹp đẽ đáng ganh tỵ của họ, có nhiều người đã phải thú nhận đó là một phép màu bởi một kết cục điên rồ đã không xảy đến với Woodstock 69. Sự kiện năm 1994 cũng vậy, có thể nếu không có cơn mưa như trút nước và đội ngũ cảnh sát an ninh xuất hiện thì những con số thiệt hại có khả năng tăng nhiều hơn nữa khi một biến cố lớn xảy ra. Quá tam ba bận, Woodstock 99 là sự kiện mà bao dồn nén lâu nay đã có đủ cơ hội để bùng nổ bung bét.


1. ÂM NHẠC KHÔNG CÓ LỖI


Việc đầu tiên mọi người thường nhắc tới về Woodstock 99, hẳn là đổ tại Limp Bizkit đã gây ra bạo loạn. Rộng ra thì cả Limp Bizkit lẫn Korn đã đại diện cho Nu Metal, đứa con ghẻ luôn bị cho là “không xứng đáng” của dòng nhạc kiêu hãnh này và sẵn sàng bị gán cho những tội ác nếu có chuyện gì xảy ra.


Woodstock 99 thực ra có dàn line-up xịn không thua kém gì nếu so với cả hai năm kia. Họ kéo được cả những huyền thoại lớn tuổi như James Brown, George Clinton & Parliament / Funkadelic, Willie Nelson; những anh tài đình đám từ những thập niên 80-90 như Metallica, Megadeth, The Roots, Jamiroquai; và những nghệ sĩ đang cực hot với giới trẻ thời đó như Red Hot Chili Peppers, Rage Against The Machine, Creed, DMX, Kid Rock, KornLimp Bizkit.


Dĩ nhiên việc đổ cho các ban nhạc headline như Korn, RHCP, hay Limp Bizkit chơi thứ nhạc kích động người nghe thì dễ quá rồi. Từ khi nào nhạc Rock không mang theo những yếu tố kích động? Đổ hết trách nhiệm về phía Limp Bizkit (LB) và Fred Durst xem ra là việc những cái đầu đơn giản nhất cũng có thể nghĩ ra khi đã có một kết thúc tồi tệ xảy ra như thế.


Đây nhé, màn trình diễn của LB đã chân thực thể hiện đúng những gì bạn liên tưởng khi nghe nhạc và lời lẽ của họ. Tưởng tượng những gì điên rồ từng chạy qua suy nghĩ của bạn khi nghe nhạc LB tại nhà, thì những thứ đó có thể tăng cấp số nhân lên hàng trăm nghìn lần với số con người hiện diện trực tiếp trong bầu không khí đó. Giống y như show diễn của Korn vào tối hôm thứ 6, LB và Fred Durst như người nhạc trưởng điều khiển cả biển người phía dưới nhấp nhô như từng con sóng, theo đúng nhịp bàn tay đưa lên hạ xuống của kẻ frontman. Hình ảnh đó vừa đáng kinh ngạc bởi sự hùng vĩ và sức mạnh điều khiển của âm nhạc với con người mà cũng vừa đáng sợ như một cơn sóng thần âm ỉ có thể nhào lên nhấn chìm tất cả bất cứ lúc nào.


Sự căng thẳng dường như được hâm nóng lớn nhất là khi Fred Durst bắt đầu nói những lời nói kích động đám đông dưới kia trong khúc instrumental break của bài “Break Stuff”.

You got girl problems? You got boy problems? You got parent problems? You got boss problems? You got job problems? You got a problem with me? You got a problem with yourself? It's time to take all that negative energy, and put it the fck out!"

Hôm đó là buổi diễn thứ hai của Woodstock và khi xem tới đoạn đó tôi đã nghĩ hẳn buổi đại nhạc hội đã kết thúc sớm vì mồi lửa châm ngòi sự tức giận của đám đông dưới kia. Nhưng không. Đúng là rất nhiều người đã bị kích động, phá dỡ một số công trình nhỏ ở gần đó, hoặc lao vào tẩn nhau, thế nhưng LB sau đó vẫn tiếp tục diễn tiếp bài “Nookie” và “Faith” dù rằng đoạn cuối Fred Durst đã không thể leo lên tấm ván để lướt ra chỗ để giàn loa. Và rồi sau khi LB kết thúc chương trình, điều tồi tệ nhất vẫn xưa xảy ra. Fred Durst hoàn toàn tự chủ trong tất cả những việc làm của anh.


Ủa nhưng buổi bạo động chỉ xảy ra vào đêm Chủ Nhật, tức là có tới 24h để những cái đầu kia được nguội lại – nếu thực sự họ muốn nguội lại. Đúng là LB và Fred Durst đã thể hiện đúng phong cách âm nhạc nổi loạn của chính họ, thứ mà tôi nghĩ nhiều ban nhạc khác, không cách này thì cách khác sẽ muốn thể hiện sự nổi loạn trên sân khấu, nhưng rồi họ cũng chơi những bài nhẹ nhàng hơn như “Nookie” và bản cover “Faith” của George Michael ở cuối set của họ đó ư? Rage Against The Machine, những người hát trong đêm thứ 7 ngay sau LB, cũng hát về việc “chống đối lại bộ máy” (liệu họ có hát về sự tham lam của ban tổ chức Woodstock 99 không?). Họ còn đốt cả lá cờ.


1969, Jefferson Airplanes thậm chí còn phát thuốc cho khán giả để chung vui. 1994, chẳng phải Billie Joe Armstrong của Green Day cũng thách khán giả ném mứt lên sân khấu nhặng xị ngậu đến độ tay bass Mike Dirnt bị chính bảo vệ đấm cho gãy răng vì lầm tưởng là một fan cuồng kích động ư? Xúi khán giả xả hết “negative energy” và nhận vào “positive energy” và đốt cờ xem ra vẫn là chuyện nhỏ. Bởi cuối cùng, giả thử không có màn phá hoại xảy ra, thì những cảm xúc mạnh mẽ chỉ càng khiến những ký ức về buổi diễn đó đọng lại đậm đà bấy nhiêu.


Thế nên xem ra LB, Korn, RHCP, hay RATM cũng chỉ là đi theo cùng phong cách trình diễn như bao thế hệ trước mà thôi. Và trong một đại nhạc hội mà người chủ trì là ban tổ chức, còn khách mời là rất nhiều ban nhạc / nghệ sĩ, không một ai nên mong chờ những khách mời này phải “chủ động hơn” trong việc tiết chế đám khán giả, trong khi ban tổ chức mới là người cầm trịch.

2. NHÀ TỔ CHỨC BỰA


Khi nhìn vào những con người tham dự các buổi Woodstock, bao gồm cả 1994, họ đều chia sẻ chung một tình yêu lớn với âm nhạc và mong muốn có được một trong những kỷ niệm đẹp nhất cuộc đời. Nhất là khi báo chí đã ca ngợi một Woodstock 69 huyền thoại ra sao. Đó chính là lý do số người tìm đến đại nhạc hội này luôn nhiều hơn số vé được bán ra và gấp vài lần khả năng tiếp nhận, cơ sở hạ tầng và công tác hậu cần được chuẩn bị cho cả 3 sự kiện này.


Tôi nghĩ nếu tôi có làm gì sai tới lần thứ hai là mẹ tôi đã chưởi tôi ngu lắm rồi. Nên không có lý gì mà cái nhà anh tổ chức sự kiện Woodstock tới lần thứ 3 lại không biết rằng lần nào số người tới cũng đông gấp mấy lần số vé họ “báo cáo”. Với cái giá $150 một vé, số tiền thu được đáng nhẽ sẽ là 60 triệu đô và cũng hơi khó tưởng tượng các nhà tổ chức sẽ ngó lơ con số này mà “chỉ” thu lại được 180 ngàn vé đã bán như báo cáo (so với chi phí khoảng 40 triệu đô cho sự kiện theo tạp chí The Huffington Post điều tra).


Ở cả 3 buổi đại nhạc hội, đám đông khán giả đa phần đều có những cách thể hiện lối sống hết mình tương tự nhau. Họ đều khoe hàng trước đám đông, chơi đủ các loại chất kích thích, lếu lều ngay tại chốn công cộng, xả đầy rác khắp nơi, sập nguồn vì những đêm cháy hết mình, v.v. Kể cả với riêng Woodstock 99, vẫn có những câu chuyện như ông bố dẫn cậu con trai mới 14 tuổi đến để trải nghiệm như một cách gắn kết tình cha con.


Nếu như mọi người từng phàn nàn về mưa và bùn ở Woodstock 69 và 94, thì nay “cầu được ước thấy” vào năm 1999. Toàn bộ chương trình được diễn ra tại một căn cứ không quân với một không gian rộng lớn độc mỗi mặt đường nhựa, không một bóng cây dưới ánh nắng chói chang mùa hè ở nhiệt độ 38 độ C. Và đã không có một cơn mưa nào để hạ nhiệt như ở Woodstock 69 và 94, chỉ càng khiến những con người ở tại đây cần tiếp nước giải nhiệt hơn bao giờ hết.



Hãy tưởng tượng, với 400 ngàn con người nhồi nhét vào trong cái sân bê tông nóng nực trong suốt 3 ngày, sự kiện này sẽ phải cần tới bao nhiêu cảnh sát? Bạn nghĩ sao tới con số vỏn vẹn chỉ có 500 nhân viên an ninh như tạp chí Rolling Stones sau này ghi lại (thậm chí đa số họ chỉ là đám thanh niên không được đào tạo về nghiệp vụ nhưng vẫn được gọi vào cho đủ quân số)?


Sự kiện này còn cấm mọi đồ ăn và đồ uống mang từ ngoài vào nhằm ép buộc mọi người phải mua đồ trong festival với cái giá trên trời. Sự thiếu thốn của lương thực và thức uống lại càng khiến mọi người phải xếp hàng dài bất chấp mức giá ngày một được đẩy cao hơn. Một chai nước sơ sơ có giá $4 (khoảng $7 quy đổi vào 2022), còn một phần pizza đơn có giá $12 (hơn $21 quy đổi). Nước uống miễn phí tại vòi thì cách xa các khu biểu diễn và phải mất hàng giờ xếp hàng mới tới lượt, chưa kể đến công tác vệ sinh sơ sài đã khiến những nguồn nước uống và nước tắm nhiễm khuẩn bởi chính chất thải của đám đông những con người tại đây. Hai khu sân khấu chính thì cách nhau tới gần 4 cây số càng gây mệt mỏi cho tất cả mọi người khi di chuyển trong ngày.

3. CON NGƯỜI HOANG DẠI


Để tôi kể cho các bạn về một màn trình diễn nghệ thuật đương đại của nữ nghệ sĩ Marina Abramovic vào năm 1974, mang tên “Rhythm 0”. Buổi diễn này được tổ chức tại Studio Morra, Naples và kéo dài SÁU giờ đồng hồ. Nội dung của buổi diễn là Marina sẽ đứng yên tại một chỗ, và cô để sẵn 72 đồ vật khác nhau với các chỉ dẫn trước đó về việc những người có mặt tại đó có thể tùy ý sử dụng bất kỳ đồ vật gì với cơ thể cô và Marina sẽ hoàn toàn tự chịu trách nhiệm trong thời gian này. Trong số 72 đồ vật đó, có những thứ vô hại như trái táo hay cái thìa nhưng cũng có cả những đồ vật nguy hiểm, thậm chí cả vũ khí như khẩu súng, viên đạn, hay cành hoa hồng đầy gai.

Nữ nghệ sĩ Marina Abramovic & “Rhythm 0”

Ban đầu những người tham gia còn tỏ ra nhẹ nhàng khi có người thì đút bánh cho cô, hôn cô nhẹ một cái, hoặc đặt bông hoa lên tay. Nhưng sau 3 tiếng trôi qua, khi đám đông bắt đầu làm quen với việc Marina không có phản ứng với những hành động này, đã xuất hiện những người có hành động bạo lực, bao gồm tát, dùng dao rạch và lột hết áo của cô, giở những hành động sàm sỡ. Phải đến một lúc sau, nhóm người đứng ngoài quan sát trước đó mới có những cử chỉ bảo vệ Marina.


Điều đáng nói là đám đông khán giả dường như đã được chia làm 2 nhóm có hành vi đối lập: nhóm hành hung và nhóm bảo vệ. Rồi chỉ tới khi người trong nhóm hành hung đặt khẩu súng lục đã tra đạn vào tay cô rồi chĩa nòng súng về cơ thể của Marina thì một cuộc cãi vã ẩu đả giữa hai nhóm mới nổ ra. Những khán giả này đã ngay lập tức bỏ về sau khi cuộc trình diễn kết thúc bởi không ai dám đối mặt với người nghệ sĩ mà nãy họ chỉ coi như món đồ vật.

Tương tự như những gì xảy ra tại màn trình diễn nghệ thuật lạ lùng của Marina Abramovic kể trên, trong một đám đông, bản chất con người thường có xu thế thực hiện các hành vi bạo lực nếu bị kích động và không phải chịu trách nhiệm với hành động của mình. Có thể có chút khập khiễng khi đưa kết luận trên mang đi áp với những gì xảy ra tại Woodstock 99, nhưng có một điều rõ ràng là buổi festival đó đã là một môi trường lý tưởng để kích động chất “con” trong mỗi người, kể cả với những cái đầu nguội lạnh nhất. Nếu nói theo cách nói của Fred Durst, “take all that negative energy, and put it the fuck out” là một phản ứng không thể tránh khỏi.


4. MEDIA TRÁO TRỞ


Tôi đã từng nghĩ những band Nu Metal như Korn và Limp Bizkit thuộc nhóm những thủ phạm chính châm ngòi cho cuộc bạo động tại Woodstock 99 do báo chí luôn kết tội thể loại nhạc này cùng những nghệ sĩ đại diện cho chúng, đặc biệt là Limp Bizkit, cho đến khi xem bộ phim tài liệu “Trainwreck: Woodstock ‘99” của Netflix. Đến chính bộ phim cũng gợi ý một trong những tác nhân chính gây kích động cho đám đông nổi loạn phần lớn đến từ Limp BizkitFred Durst.


Nhưng hãy nhớ Woodstock không phải sự kiện âm nhạc lớn duy nhất trên đời để có “đặc quyền” đươc náo loạn. Wacken hay Knebworth là những festival âm nhạc được tổ chức hàng năm, và những ban nhạc của chúng ta thì họ vẫn lưu diễn khắp nơi đó giờ mà không có ý định gây ra thêm thảm họa nào cả.


Đã không có một thống kê chính thức hay cuộc điều tra nào để chỉ ra nguyên nhân cốt lõi hay khiến ai đó phải chịu trách nhiệm. Và cũng sẽ không có ai cố gắng ngăn cản nếu như lại có thêm một nhà tổ chức lôm côm xuất hiện và gom hàng trăm ngàn con người vào một chỗ. Media sẽ chỉ xuất hiện khi mọi chuyện đã an bài, và yên tâm là sẽ không có một lời cảnh báo sớm về hiểm họa từ những sự kiện kiểu này. Việc của họ cũng không phải ở đó để ứng cứu kịp thời.


Chấp nhận việc sẽ không có ai giải đáp cho những điều này, câu hỏi lớn nhất với tôi có lẽ vẫn luôn là: làm sao để tôi biết sự kiện âm nhạc tôi sắp đi liệu có trở nên BE BÉT?


5. HÃY TỰ BẢO VỆ CHÍNH MÌNH


Bọn tôi thấy mừng vì càng ngày đời sống càng tốt hơn, chúng ta càng có cơ hội được ra nước ngoài để chứng kiện tận mắt những màn trình diễn được mong đợi, chí ít là cho tới khi có một show nhạc đáng kể được tổ chức trên đất nước hình chữ S. Bọn tôi có những người bạn kỳ cạch đặt vé và xin visa tới xem Wacken và những festival danh tiếng khác ở châu Âu. Bản thân tôi cũng đã từng chứng kiến những vụ xâm hại ngay giữa buổi diễn trong hội trường cỡ 2000 người ở Melbourne, từng gây gổ với dân bản địa ở Petalling Jaya (và bỏ đi), chịu cảnh thiếu thốn đồ ăn và nước uống ở show nhạc cỡ Guns 'N Roses ở Singapore, cũng như thấm thía cảnh bắt đủ mọi loại tàu xe suốt hơn 3 giờ đồng hồ sau nửa đêm mới về được tới chỗ nghỉ - trước khi bay về Việt Nam ngay sáng hôm đó.


Đáng tiếc là ở những nơi sự kiện âm nhạc hay ho diễn ra cũng là nơi chúng ta không có được sự cạnh tranh sòng phẳng về ngôn ngữ, sức mạnh, và cả sự hiểu biết địa lý. Nếu có chuyện gì xảy ra, chúng ta thường là những kẻ yếu ớt nhất trong số đó.


EmoodziK muốn chia sẻ 9 miếng phao cứu sinh mà chúng tôi cho rằng khá hữu ích khi đi xem show ở nước ngoài. Miếng ghép thứ 10, mảnh ghép còn lại, là chính bạn. Hãy tỉnh táo và bảo vệ mình. Hãy để dành tới khi nào festival hoành tráng tổ chức ở Việt Nam nhà mình thì hẵng manh động. Cho tới lúc đó, hãy chuẩn bị kỹ càng và ráng trở về nguyên vẹn như khi tới show.


Đi có bạn: hãy hạn chế tới chỗ đông người mà chỉ đi một mình. Quy ước với nhau chỗ gặp nhau nếu có biến. Đừng dại hẹn nhau ở cạnh Thùng rác (dịch chuyển) hay cổng vào (chỗ ai cũng hẹn nhau).


Mặc đồ chắc cú: đi giày và mặc quần có túi phía trước để bỏ đồ. Chỉ riêng việc đi từ trong ra ngoài đã có khối bàn chân đạp lên chân mình rồi.


In sẵn giấy tờ: đừng tin vào phone, có thể hết pin hoặc trời có thể mưa. Vé in sẵn. Địa chỉ khách sạn và lộ trình in sẵn. Hãy mang theo giấy tờ để lỡ mình có bị sao người ta có thể biết mình là ai ở đâu, hoặc chí ít là chiếc bản đồ để nửa đêm còn đi bộ về tới khách sạn. Passport thì hãy để ở nhà giùm.


Không để mất nước & sốc nhiệt: đừng thấy trời sắp tối mà chủ quan. Mất nước và sốc nhiệt là hiểm họa số 1 với sức khỏe khi đi xem show. Hãy tiếp nước đầy đủ và đừng tiếc nếu như chai nước ở bán với giá cắt cổ.


Uống nhiều nhất 2 chai bia: vui thôi đừng vui quá. Khi đi xem show ta thường chỉ còn 7 phần công lực nên sẽ dễ xỉn hơn bình thường. Còn phải lết về nữa chứ.


Để dành sức đi về: hãy nhớ bạn tới show 1 mình, nhưng rời show với hàng ngàn người cho ngần ấy phương tiện và con đường. Hãy có một kế hoạch và giữ sức để về tới nhà.


Không nghịch ngu: leo lên sóng người, trèo hàng rào, nhảy xuống hồ nước cạnh đó, hay chọc giận trai làng. Ai cũng biết nghịch ngu là gì cho đến khi họ quyết chứng minh là không phải.


Tránh đám đông: đừng lao vào moshpit. Đừng cố đi ngược lại đám đông. Đám đó đa số toàn trai làng nhà gần đấy nên có chuyện gì thì họ vẫn về được.


Tình dục an toàn: quá dễ hiểu.


Chúng ta có lẽ đều đã nghe ra rả về việc Woodstock 99 đã trở thành một vết nhơ trong lịch sử đại nhạc hội ra sao với cuộc bạo loạn trong ngày cuối, và thiết nghĩ không cần phải nhắc lại thêm về kết cục đầy tủi nhục của một thương hiệu luôn được quảng bá với hai chữ Tình Yêu và Hòa Bình. Rủi ro trong các show nhạc có lẽ vẫn luôn tiềm tàng ở đó, và tùy thuộc vào tầm cỡ của show diễn mà mức độ của những rủi ro này có thể khác nhau. EmoodziK hy vọng khi cùng nhìn lại câu chuyện đáng tiếc của Woodstock, ta có thể cùng nhau rút ra điều gì đó để khi có điều kiện được đi show, mỗi người đều có thể tự bảo vệ mình và vẫn tận hưởng được không khí âm nhạc!


Hẹn gặp lại!


EmoodziK

1,003 views
bottom of page